trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
15.5.2008
Trần Kiêm Ðoàn
Nhật ký “Vesak” 2008
 1   2 
 
Lần đầu tiên trong các chùa chiền tu viện Phật giáo Việt Nam, người ta bắt đầu nhắc đến một danh từ hơi lạ: Vesak - Phật đản Tam hợp. Nghĩa là một lễ kỷ niệm gồm cả 3 dấu mốc quan trọng trong đời đức Phật thời tại thế cùng hợp lại: ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật Thích ca Mâu ni.

Mùa hè năm ngoái, tháng 5-2007, trong lần gặp thầy Lê Mạnh Thát với anh em cựu sinh viên Vạn Hạnh tại trung tâm Quảng Đức, thầy cho biết là sau 4 lần liên tiếp tổ chức Vesak tại Thái Lan, Hội Phật giáo Thế giới muốn luân phiên tổ chức Vesak tại các nước châu Á như Việt Nam, Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản. Thầy Lê Mạnh Thát vui vui nói rằng, thầy lo nếu tổ chức tại các nước khác, phương tiện của họ quá dồi dào và hiện đại, sợ khi đến mình không kham nổi nên “vớt” ngay cơ hội có Trung tâm Hội nghị Quốc gia mới xây, thầy ngỏ ý mượn hội trường chính phủ và được chấp thuận.

Suốt một năm sau đó, việc tổ chức Vesak 2008 tại Việt Nam trở thành một đề tài nóng bỏng trong cũng như ngoài nước, nhất là trong hoàn cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo Việt Nam đương đại. Thầy Thích Nhật Từ cũng có ngỏ ý mời tôi vào ban phiên dịch và đóng góp tham luận cho Vesak 2008. Nhưng vì thường muốn giữ tâm an nhiên, trí rỗng lặng cho những mùa Phật đản nên tôi không tham gia các sinh hoạt “phóng tâm và động não” từ ngày về hưu, nên đã xin phép thầy sẽ tham gia vào một dịp khác.

Vesak là tên gọi tháng Tư của năm theo lịch Ấn Độ. Người Ấn Độ theo Phật giáo xem tháng Vesak là một thời điểm thiêng liêng. Ngày trăng tròn tháng Tư là ngày đã diễn ra 3 sự kiện trùng hợp đặc biệt gắn liền với cuộc đời của đức Phật.

Tuy đại lễ Vesak đã được tổ chức tại các quốc gia theo đạo Phật Nam tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái, Lào, Miên vào những thời kỳ rất xa xưa, nhưng mỗi nước chọn theo một thời điểm và cách thức riêng để đón mừng ngày đản sanh của đức Phật. Cho đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc mới chính thức công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội mang tính chất văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên hiệp quốc để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng và tinh thần bất bạo động của đức Phật.

Trong 4 năm qua, Vesak được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan theo một thời đìểm mang tính lễ hội “festival” hơn là lễ nghi tôn giáo như sau:

Năm 2004 (nhằm Phật lịch 2547): Từ 16 đến 20 tháng 7

Năm 2005: Từ 18 đến 20 tháng 5

Năm 2006: Từ 07 đến 10 tháng 5.

Năm 2007: Từ 26 đến 29 tháng 5.

Năm 2008: Từ 13 đến 17 tháng 5 tại Hà Nội, Việt Nam (đang tiến hành).

Hôm qua, từ xứ Huế với trời mưa ào ạt như ai “cầm chĩnh trút”, tôi đi máy bay Vietnam Airlines ra Hà Nội. Phút chót, trước khi rời Huế, tôi gặp thầy Thích Tâm An và chừng vài mươi thanh niên trẻ tuổi đang làm khán đài trên bến sông Hương, cạnh Nghinh Lương Đình, đối diện với cột cờ và Phu Văn Lâu. Thầy cho biết là đang ráo riết chuẩn bị buổi lễ khai mạc “Bảy đóa sen mừng Phật đản” trên sông Hương. Đây là một công trình đầy tâm huyết và sáng tạo của tập thể tăng ni sinh và giới trẻ Huế. Đứng ở Nghinh Lương Đình, sau màn mưa tầm tã tháng Năm hơi bất thường của Huế, tôi có thể nhìn thấy rõ bảy đài sen hồng, mỗi đài lớn bằng nền ngôi tháp cổ, được đặt theo hàng dọc ngay giữa dòng sông Hương, phía Đông cột cờ. Không kèn, không trống, không lời…; nhưng một cảm giác an lạc, cao vời và thăm thẳm lan toả trên sông và trong lòng người đối cảnh. Hơi khác với mọi năm, Huế – thường được mặc nhận là “thủ đô Phật giáo” trong cả nước – đang có vẻ như rộn ràng hâm nóng hậu cảnh cho một mùa “Phật đản Liên hiệp quốc”. Thế nhưng những dòng sông tâm linh của Huế dẫu có trôi chảy tận đâu thì vẫn không muốn xa rời biển mẹ. Theo thầy Thích Hải Ấn cho biết, phái đoàn Phật giáo Huế được mời 140 vị nhưng chỉ có 32 vị ra Hà Nội dự Vesak. Trong khi đó, nghe nói đã có 19 nghìn người ghi tên, nhưng khả năng của Trung tâm Hội nghi Quốc gia (National Convention Center) tại Hà Nội chỉ đủ cho 3.500 người tham dự.

Chuyến bay Airbus Huế đi Hà Nội có trên vài trăm hành khách nhưng chỉ có vài chục là người Việt, còn lại hầu hết là khách nước ngoài da trắng.

Trên máy bay, tôi gặp “duyên” ngồi bên cạnh thầy Thích Chơn Phương, trụ trì chùa Thọ Đức. Thầy cho biết là đã được Hội đồng Phật giáo Thế giới trực tiếp mời tham dự Vesak 2008 tại Hà Nội. Suốt một giờ đàm đạo trên đường bay, tôi vừa hơi ngạc nhiên, vừa vui mừng khi thầy Chơn Phương nhắc đi nhắc lại một câu nói đầy ý nghĩa: “Thầy cùng tinh thần với các Phật tử như anh: Theo Phật chứ không theo bên nào cả. Đừng lôi hành chánh vào lĩnh vực thầy tu”!

Phi trường Nội Bài nắng nhẹ vàng mơ như trời cuối thu. Ra khỏi phòng kiểm soát hành lý ở phi trường, đã có sẵn hai ba nhóm đặt bàn, trương bảng nhân viên ban tổ chức “Vesak”, ân cần hỏi han giúp đỡ và hướng dẫn phương tiện, khách sạn. Tôi và nhà tôi được hỏi là thuộc phái đoàn, tổ chức nào về dự Vesak. Tôi nói là chúng tôi đến Hà Nội với tư cách cá nhân của những người Phật tử thầm lặng về dự Phật đản chứ hoàn toàn không thuộc tổ chức hay phái đoàn nào cả. Thế nhưng chúng tôi vẫn được hướng dẫn một cách nhiệt tình về những tin tức liên quan đến hội nghị.

Hôm nay là ngày 13-5-2008, ngày mở đầu cho Vesak đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào lúc 9 giờ sáng. Sau thủ tục kiểm tra an ninh ngoài cổng chính, khách đi vào trong khuôn viên của Trung tâm. Muốn được vào nhà Trung tâm, đòi hỏi phải có mang biển đăng ký do cơ quan công an cấp. Trong số những người đứng chờ bên ngoài để được vào hội trường, tôi là một trong dăm ba người “thoải mái” vì biết đương nhiên là mình sẽ không vào được bên trong nên chuyện trò để hiểu thêm tình hình mà chẳng chờ đợi một cái gì cả. Tôi đứng bên ngoài đến 11 giờ. Nghe thầy Thích Trung Hậu, bác sĩ Tôn Thất Chiểu từ trong hội trường ra cho biết là có quá nhiều người đang chờ nhận thẻ thông hành dự hội nghị, nhưng công an chưa gửi qua.

Một bà cụ ở Pháp về, trong số những người “chưa đăng ký”, đứng ngoài trời nắng vừa lau mồ hôi vừa phân bua (với ai không rõ), rằng bà đã từng tham dự những cuộc hội họp quốc tế mang tính cách tôn giáo, xã hội, chính trị với sự tham dự của cả trăm nghìn người mà mọi việc vẫn diễn ra trôi tròn. Theo bà, thì danh nghĩa ngày “Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc” tổ chức theo kiểu nghị trường, quần chúng không được tự do tham dự như một ngày lễ hội tôn giáo thế này cần phải được đổi lại là “Hội nghị Phật giáo Quốc tế nhân dịp kỷ niệm Tam hợp” (International Buddhist Conference on Vesak) mới đúng nghĩa. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Giáng sinh, Phật đản, Giỗ tổ Hùng vương… là ngày lễ của mọi người. Đặc biệt Vesak là dịp quy tụ những danh tăng quốc tế, những cư sĩ, trí thức, học giả có tiếng tăm của Phật giáo khắp thế giới; nhưng quần chúng không được tiếp cận, chiêm đón, lắng nghe, chia sẻ… là cả một sự thiệt thòi đáng tiếc cho cả đôi bên. Đành rằng vấn đề an ninh là ưu tiên hàng đầu cho mọi cuộc quy tụ, lễ hội quần chúng. Nhưng không thể vì thế mà biến một cuộc lễ hội đại chúng như ngày Phật đản trở thành một cuộc tham luận nghị trường! Mong Hội đồng Phật giáo Thế giới, mà Phật giáo Việt Nam là một thành viên, quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Nhân dịp mùa Phật đản đang về, thành tâm kính chúc chư tăng ni, quý đạo hữu và thân hữu Phật giáo thân an lành, tâm pháp lạc. Kính chúc Vesak 2008 tại Hà Nội Việt Nam đang tiến hành được thành công tốt đẹp.

Hà Nội, ngã tư Cầu Giấy mùa Phật đản 2008

© 2008 talawas