Thưa ông Trần Văn Tích,
Khi thương trái ấu cũng tròn, ông ạ: Thương người thương cả văn phong, ghét người ghét cả chi tông họ hàng. Ông ngưỡng mộ văn chương Hồ Trường An nên ông lên tiếng bênh vực (
Ý kiến ngắn, talawas 07.01.08), viện cớ rằng
"cái nết viết của Hồ Trường An là vậy", rằng tác giả này
"quen mất nết đi rồi". Thưa ông, câu đối đáp thứ nhất của tôi là: cái nết viết của Hồ Trường An đã đánh chết cái đẹp của văn chương Hồ Trường An. Do vậy, dù rất muốn chìu lòng ông, tôi vẫn không thể nào
"thể tất nhân tình" đối với tác giả này. Một, vì làm vậy không thích hợp với quan niệm và mục đích của tôi khi cầm bút, là tôn trọng sự thật. Hai, là vì nếu tôi phải "thể tất nhân tình" với một tác giả thì tôi phải "thể tất nhân tình" với tất cả, và như vậy thì tiêu tùng thể loại văn chương phê bình khách quan. Tôi không bới lá tìm sâu khi viết về Hồ Trường An, tôi chỉ ghi lại những cái sờ sờ trước mắt, không bịa đặt thêm tí nào cả.
Ông viết:
"Chân dung những tiếng hát qui tụ hơn một trăm ca sĩ thời danh. Hồ Trường An viết về người chứ không khảo về nhạc. Ðọc anh, xin hiểu giùm cho anh chỗ đó". Thưa ông, ông đã đọc hết hai cuốn
Chân dung hay chưa? Thưa ông, chính tôi đã trích dẫn Nguyễn Ngọc Ngạn về điểm này trong bài viết của tôi. Việc nhắc nhở của ông do vậy chỉ bằng thừa. Nếu
Chân dung những tiếng hát viết về "người" như ông nói, thì cớ chi tác giả đã không lấy tựa đề
Chân dung những ca sĩ thời danh cho được rõ ràng hơn? Xin thưa: Tôi phê bình cách nhận định của Hồ Trường An trên bình diện văn học / âm nhạc thuần túy, nhưng đối với cá nhân ông ấy, tôi vẫn nể kính và có "thành thật cám ơn [Hồ Trường An] đã công phu hoàn tất công việc khó khăn" khi viết hai cuốn sách dày cộm đó, mà tôi có nói rõ rằng có thể rất hữu ích nếu ta đọc với tinh thần phê phán (esprit critique). Tuy nhiên, nói thì nghe dễ nhưng trên thực tế thì chẳng dễ, vì các thế hệ sau khó phân biệt được đâu là thiệt đâu là hư, do thiếu những tài liệu / sử liệu chính xác.
Ngoài ra, tôi không cám ơn ông (Trần Văn Tích) đã cho độc giả và tôi biết rõ xuất xứ của cụm từ
"đem tâm tình viết lịch sử", mà ông đã cung cấp không với mục đích thông tin khách quan để giúp người viết có thêm tài liệu, mà với chủ đích mắng mỏ tôi về sự dốt nát. Dù cho nó không là "khẩu hiệu" (như tôi đã "hiểu lầm" theo ý ông), mà là nhan đề một truyện ngắn của
"nhà văn Nguyễn Mạnh Côn... đã chống cộng đến chết vì ông từ trần trong trại tù cộng sản" (theo lời ông), thì nó vẫn không thay đổi được sự sai bậy của mệnh đề này, khi bị tách rời khỏi ngữ cảnh để sử dụng như một "khẩu hiệu", mà Nguyễn Ngọc Ngạn đã làm trong lời giới thiệu. Tôi đã giải thích khá đầy đủ trong bài viết của tôi nên không cần nhắc lại, hay nói thêm ở đây. Tôi chỉ xin ghi thêm vài nhận định của Hồ Trường An để ông và bạn đọc so sánh xem các tiếng ca do Hồ Trường An nhận định có khác biệt với nhau lắm không.
1. Nắng hạ Anh Tú: Tiếng hát trải nắng hắt hiu
Thúy Nga: Tiếng ca mang nắng hạ trở về
Đôn Hồ: Tiếng hát của mùa hè đôi lứa
Phi Khanh: Tiếng hát rực nắng thủy tinh
Trà Mi: Tiếng hát lấp lánh tia nắng mới
2. Hoa lá Kim Tước: Tiếng hát trắng ngần bông huệ
Hà Thanh: Tiếng hát thướt tha cành lệ liễu
Sơn Ca: Tiếng hát của tháng giêng cỏ non
Kim Vui: Tiếng ca trong trẻo của đóa lan vương giả
Như Quỳnh: Tiếng hát non mềm của đọt lá nụ hoa
Thùy Dương: Tiếng ca mềm dẻo nhánh thùy dương
Hoàng Lan: Tiếng ca đẹp màu cỏ nội hoa đồng
Thanh Hà: Tiếng ca thì thầm với lá bạch dương trong gió
Sơn Tuyền: Tiếng hát nở bừng bông trang bông điệp
3. Lụa là Mai Hương: Tiếng ca gợi nét thêu trên lụa
Jo Marcel: Tiếng hát gấm mượt nhung mềm
Anh Ngọc: Tiếng hát trắng nõn vóc tố Hoàn Tề
Kim Anh: Tiếng hát mềm vóc lụa Tô Châu
Thái Tài: Tiếng hát dệt nhung giát vàng
4. Trăng sao Tuấn Ngọc: Tiếng hát mở trời rực rỡ trăng sao
Thái Hiền: Tiếng hát lên dải ngân hà
Thanh Mai: Tiếng hát trăng vừa tròn gương
Bích Thuần: Tiếng hát tròn sáng theo trăng thượng huyền
Kiều Nga: Tiếng hát hội trăng rằm
5. Tuổi hồng Hoàng Oanh: Tiếng hát thuở sân trường phượng thắm
Elvis Phương: Tiếng hát của ngày xanh tuổi hồng
Trúc Mai: Tiếng hát Trang Châu mơ hoa bướm
6. Trai tân trinh nữ Trọng Nghĩa: Tiếng ca thân quen trai tân trinh nữ
Diễm Chi: Tiếng ca thục nữ ngoan hiền
Mỹ Huyền: Tiếng ca gợi vẻ yêu kiều thục nữ
Lệ Quyên: Tiếng ca của thục nữ đài các
Bảo Hân: Tiếng hát của thanh nam kiều nữ
7. Cô đơn lẻ bóng Túy Hồng: Tiếng hát phố vắng đèn khuya
Phương Dung: Tiếng hát gọi nhạn trong sương
Bạch Yến: Tiếng hát trải trên miền hoang phế
Họa Mi: Tiếng ca đưa về bến lạnh hoàng hôn
Kim Tuyến: Tiếng ca lạc loài trong kịch giới
Ngọc Bích: Tiếng hát từ miền thâm sơn hoang địa
Giao Linh: Tiếng hát tìm về bóng chim tăm cá
Băng Châu: Tiếng hát cô đơn bên bóng đèn tà nguyệt
Thế Sơn: Tiếng ca đồng vọng lời nhắn gọi trong sương
8. Sông biển Hương Lan: Tiếng hát ngọt mát nước sông trong
Thanh Hùng: Tiếng hát thác lũ sóng gầm
Hoài Trung và Hoài Bắc: Hai tiếng hát hai dòng sông
Châu Hà: Tiếng hát vọng trầm tiếng sóng tà dương
Mạnh Ðinh: Tiếng hát dạt dào tình sông ý biển
Ngọc Huệ: Tiếng ca vọng lời tình tự của sóng biển
Quang Bình: Tiếng hát của sóng nước êm đềm
Lâm Thúy Vân: Tiếng hát véo von trên bến xuân xanh
9. Khói sương Thanh Thúy: Tiếng hát khói hương chiều niệm
Mỹ Hòa: Tiếng ca sương khói trong ánh trăng
Khánh Ngọc: Tiếng hát mềm đợt khói chiều
Linh Sơn: Tiếng hát thoảng nhẹ khói hương trà
Thu Hương: Tiếng hát tỏa nhẹ khói lam chiều
Tuấn Vũ: Tiếng hát ngạt ngào trầm hương
Thái Thảo: Tiếng hát thoảng áng sương mỏng khói mềm
Ý Nhi: Tiếng hát tuôn khói trầm hương
Xin hỏi: "Tiếng hát ngạt ngào trầm hương" (Tuấn Vũ) và "Tiếng hát tuôn khói trầm hương" (Ý Nhi) khác nhau ở chỗ nào? "Tiếng hát trải trên miền hoang phế (Bạch Yến) và "Tiếng hát từ miền thâm sơn hoang địa" (Ngọc Bích) có khác nhau chăng, và ai hát hay hơn ai, và hát cho ai nghe? Nếu chúng ta tin một ca sĩ lừng danh như Bạch Yến "hát trải trên miền hoang phế" thì chúng ta có thể bố thí cho Bill Gates khi hắn tới nhà chìa tay ra xin tiền. "Tiếng hát thướt tha cành lệ liễu" (Hà Thanh) có khác "Tiếng ca mềm dẻo nhánh thùy dương (Thùy Dương) hay không? Nhìn chung, ta thấy Hồ Trường An hơi bị lôi cuốn bởi những tiếng ca "mềm", và ta thấy nhạc Việt chỉ thiếu một tiếng ca "hiện thực" kiểu Aristide Bruant, Frehel, Damia, Edith Piaf, Yves Montand, Renaud... của Pháp, hay Lotte Lenya của Ðức, hát nhạc Kurt Weill - Bertolt Brecht. Trong
bài viết của tôi, tôi có đưa ra một thí dụ về sự đánh giá / đặt tên / dán nhãn tùy tiện của Hồ Trường An. Thí dụ đó là là tiếng hát Khánh Ly. Tiếng hát của ca sĩ này "đẹp man rợ" như Hồ Trường An đã nhận định, hay nó "tuyệt vọng rã rời" như tôi đã thử đề nghị chơi.
Như tôi đã nói, tác giả Hồ Trường An hình như thích nói ăn ngược ngạo. Với Hồ Trường An, tiếng hát Kim Anh là "Tiếng hát mềm vóc lụa Tô Châu" - (nó có khác với "Tiếng hát trắng nõn vóc tố Hoàn Tề" của nam ca sĩ Anh Ngọc hay không?) - có thể vì cô ca sĩ này gốc Trung. Tôi dốt nát, không biết Tô Châu nằm ở đâu trên tấm bản đồ Trung Quốc vĩ đại, mà cũng chẳng rõ Tô Châu có sản xuất tơ lụa hay không. Hồi nhỏ ở trong gia đình tôi, tôi có nghe nói đến "gấm Thượng Hải", nhưng chưa được nghe ai nhắc đến lụa Tô Châu. Ca sĩ Kim Anh chắc đã sinh ra ở Việt Nam và sống tại Chợ Lớn, khi còn ở trong nước. Cho nên, nếu tiếng hát của cô có "mềm" như lụa thì tất nhiên nó phải "mềm như lụa nội hóa" dệt ở Chợ Lớn thì mới đúng chứ. Thế nhưng, có thể vì lụa ta không đẹp, không mềm bằng lụa Tàu đối với tác giả
Chân dung, nên tiếng hát Kim Anh phải được xuất khẩu qua Tô Châu (cũng như tiếng hát Anh Ngọc) rồi nhập cảng trở về Sài Gòn cho nó thêm sang trọng. Lụa Tô Châu (Kim Anh) có khác tố Tề Hoàn (Anh Ngọc) hay không? Theo lời Hồ Trường An thì tố Tề Hoàn" là một "thứ lụa trắng mịn" và lụa Tô Châu thì "mịn màng óng ả".
Tôi thích giọng khàn rất "đực rựa" của Kim Anh hát bài "Tình thư của lính", mà tôi đã ví với tiếng hát nhiều rượu và khói thuốc của Juliette Gréco và Marlene Dietrich, hạng nhẹ. Vì tôi ở xa không tự mua lấy được, nên nhà văn Bùi Bích Hà ở Nam California đã có nhã ý mua tặng tôi băng cassette có bài hát này vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm đẹp trong đời tôi. Tôi nghe đi nghe lại rất kỹ mỗi bài hát trước khi đặt bút viết vài chữ. Câu hỏi thứ hai của tôi là: Tiếng hát Kim Anh mềm như tơ lụa, hay nó khàn như kiếp sống lưu lạc tha hương và như cuộc đời lầm than ở quốc nội của một số người? Nếu tiếng hát Kim Anh "mềm vóc lụa Tô Châu" thì nó có giống tiếng hát Anh Ngọc "trắng nõn vóc tố Hoàn Tề" và tiếng hát Jo Marcel "gấm mượt nhung mềm" (gấm nào? nhung nào?) hay không? Giọng nữ khàn giống như giọng nam chắc dễ nghe hơn giọng nam mềm yếu giống như giọng nữ yểu điệu, ngoại trừ các giọng hát thời thượng the thé của các nam ca sĩ Mỹ hát nhạc rock như Michael Jackson và Prince. May thay, hai nghệ sĩ giọng mềm dịu của ta chưa ca bài "Hội nghị Diên Hồng". Nếu không, tiếng thét oai hùng "Quyết chiến!" và "Hy sinh!" trong ca khúc này chắc sẽ mềm nhũn như bún thiu hay bún Tàu.
Tất nhiên ông (Trần Văn Tích) có thể cười hô hố và bảo rằng cách suy diễn của tôi cũng tùy nghi chẳng kém gì ông Hồ Trường An. Ông có thể nói rằng ca sĩ Kim Anh là một cô gái đoan trang, con nhà nề nếp không uống rượu, không hút thuốc. Ra hải ngoại cô có một cuộc sống phong lưu như khi còn ở quốc nội. Giọng khàn của cô không do ảnh hưởng của xã hội và đời sống; nó chỉ là hệ quả của thanh quản khác thường của cô." Xin thưa: tôi đồng ý với ông trăm phần trăm. Thế nhưng tôi cũng có thể nói thêm rằng cách diễn dịch của tôi có nhiều phần "hợp lý" và "thích hợp" với giọng khàn của Kim Anh hơn cách suy diễn của Hồ Trường An, ví tiếng hát Kim Anh khàn nhám với một khúc lụa mềm, thay vì một tấm vải thô, hay thậm chí một miếng bố. Nếu ta bảo rắn đồng loại với rồng thì dễ hình dung hơn là nói chim giống cá. Thiển nghĩ của tôi là Kim Anh, dù là một cô gái Trung Hoa rặc, nhưng tiếng hát Kim Anh không là một "vóc lụa" từ Tô Châu bay sang, mà nó đã xuất phát từ đô thành Sải Gòn của chiến tranh với những phòng trà ca nhạc và những tình khúc diễm lệ, nó là hậu duệ của tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy, vân vân.
Hồ Trường An đã ví tiếng hát Thúy Nga với tiếng ca của một loài chim lạ từ thần thoại. Tôi đã đặt ra câu hỏi: "thần thoại nào?". Theo thiển ý của tôi, thính giả đón tiếp "nồng nhiệt" tiếng hát Thúy Nga có thể không phải là vì nó xa lạ - cái lạ lùng thường khiến thiên hạ vắt giò lên cổ - mà ngược lại, có thể là vì nó đã gợi nhớ đến những âm thanh quen thuộc chăng? Tiếng hát cũng như văn phong, dù có "thiên phú" cũng không thể từ trời xanh huyền ảo chủ nghĩa rớt xuống đất một cái phịch như mít rụng, đầu rơi. Mà nó phải tới từ đời sống thực tế, được rèn luyện trau giồi tại tư gia hay ở học đường, trường nhạc. Tiếng hát Thúy Nga nói riêng, và tiếng hát các ca sĩ của miền Trung nói chung, như Minh Trang, Thanh Thúy, Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, và gần đây hơn, Ánh Tuyết, chắc hẳn đã đến từ sông Hương núi Ngự, trường Ðồng Khánh - Khải Ðịnh, cầu Trường Tiền, từ những khúc Nam bình Nam ai, hò mái đẩy, tiếng rao hàng, mà họ đã tiếp cận từ tấm bé.
Thưa ông Trần Văn Tích, tôi đã làm nghề dạy học khá lâu, đã tiếp xúc thường xuyên với những "cái sai bậy rất dễ thương" của lũ học trò "bé bỏng thơ ngây", mà chúng tôi, các giáo viên, chỉ kể lại cho nhau nghe để cười cợt trong giờ ra chơi lúc uống trà hút thuốc lá giải lao tại phòng giáo sư. Nhưng chúng tôi phải tặng trứng vịt đều đều và phải nghiêm chỉnh rầy la trước mặt học trò nếu gặp sai bậy. Ông Hồ Trường An là một nhà văn tiếng tăm, vì thế ông ta càng phải thận trọng hơn khi viết, nhất là khi viết về các tác giả cổ điển. Nếu Hồ Trường An áp dụng "văn phong huê dạng" của ông ta cho tất cả mọi người và mọi vật thì tôi cũng không "nhỏ nhen" nói ra mà làm chi. Nhưng tiếc thay, Hồ Trường An chỉ "huê dạng" với những người và những cái mà ông ta thích. Những người khác và những cái khác, nếu ông ta không ưa, thì sẽ được / bị phang ngang bửa củi cho vài chữ "đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ".
Thưa ông Trần Văn Tích, nếu tôi thích giọng văn chính hiệu miền Nam hiện thực tả chân xã hội của Hồ Biểu Chánh bao nhiêu, thì tôi kính nhi viễn chi "văn phong huê dạng" vỗ đẹp tô hồng của Hồ Trường An kể lể những chuyện đời xửa đời xưa chưa chắc đã có thật - gấp năm gấp mười. Ðoạn văn của Hồ Trường An do ông trích dẫn về "cụ ông Tạ Chí Khôi" và "cụ bà Kim Y" khiến tôi nghĩ tới lời lẽ của Tố Hữu và các đồng chí của nhà thơ này khi họ mô tả Bác Hồ "ngồi đó lớn mênh mông, bàn tay Bác ấm vào da vào lòng", Bác Hồ "dáng cao cao, ngưởi thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài", rồi đặt nhạc bắt con nít hát "ong ỏng" cả ngày "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người". Hai "nàng" Tố Thuận và Tố Hiền trong tiểu thuyết Hồ Trường An mà ông (Trần Văn Tích) đã kể ra, có thể "đẹp tám và sang tới mười" với tác giả và với ông (Trần Văn Tích), nhưng với những người khác, cái lối trang điểm phục sức đó có thể chưa đạt tới tiêu chuẩn của đẹp, sang. Mô tả tỉ mỉ trong văn chương Hồ Trường An thiếu sự khách quan kỷ hà của tiểu thuyết mới (Robbe-Grillet), mà cũng không có những ẩn dụ sâu sắc của Proust khi mô tả y phục và các món ăn trong
Ði tìm thời gian đã mất.
Hồ Biểu Chánh - tôi tránh gọi ông bằng "cụ" để giữ sự khách quan lúc phê phán - gọi những người khốn khổ là
"ngọn cỏ gió đùa". Hồ Trường An vì tha thiết hơn, nên ông ta đã gọi họ là dân "đầu đường xó chợ". Văn phong "huê dạng" Hồ Trường An hết xẩy chính là ở chỗ ấy. Ông Trần Văn Tích ơi, sân trường tiểu học của tôi ngày xưa, mùa mưa thì nó lỗ chỗ những vũng nước đọng đầy muỗi mòng, có khi phải bắt "cầu ván" [chưa đóng đinh] để bước vào lớp học. Mùa hè thì nó rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa khô xác xơ và bụi bặm, nó có sân trường phượng thắm phượng thiết gì đâu, thưa ông. Ngày xanh của chúng tôi rất mét, và tất nhiên đã nhiều tủi hờn hơn "tuổi hồng" là cái chắc, và điều này có thể vẫn đúng đối với đa số thiếu nhi ở quốc nội bây giờ. Ô hay, sao "nhạc trưởng" Hồ Trường An không cho ca sĩ Phương Dung hát gọi bố mẹ, gọi chồng con, bạn bè nghe cho nó vui, mà bắt "nàng" gọi nhạn trong sương để làm cái quái gì nhỉ? Phương Dung, cháu của cụ Hồ Biểu Chánh, trong đời thường đã không lẻ bóng nhạn [trắng Gò Công] mà "nàng" đã có một mái ấm gia đình rất hạnh phúc, hiền mẫu của bảy người con trai ra hải ngoại đều đã đỗ đạt, có địa vị trong xã hội.
Với tôi, ngôn ngữ của Hồ Trường An phong phú đến độ rườm rà. Miền Nam của Hồ Trường An là một cái sân khấu có quá nhiều cảnh trí thơ mộng đến ngột ngạt, một vườn địa đàng có hoa thơm trái ngọt quanh năm suốt tháng, mà tôi thì đã quá quen thuộc với cái thế giới trơ trụi đơn sơ xám xịt của Beckett. Nếu cần một hình ảnh để so sánh và chỉ với tính cách tượng trưng cho dễ hình dung, tôi có thể bảo rằng miền Nam của Hồ Trường An gần với miền Nam huyền thoại lãng mạn của Margaret Mitchell hơn miền Nam huyền thoại lịch sử của William Faulkner. Ðọc Hồ Trường An, dù chưa nhiều, tôi bị choáng ngợp bởi những mỹ từ, tôi bán tín bán nghi nên không được thực sự thoải mái. Một trí nhớ thần kỳ, tiếc thay, ngoài những chi tiết nhỏ nhặt và những giai thoại tuy khá thú vị nhưng rốt cuộc chẳng để lại nơi tôi được một điều gì đáng kể. Hồ Trường An quen biết, chơi thân với quá nhiều nhân vật tên tuổi nên thiếu sự khách quan cần thiết chăng? Tôi thực tình không biết. Với tôi, thế giới văn chương của Hồ Trường An dường như chỉ có hai tầng khá rõ rệt: phía trên là những "cụ ông", "cụ bà", "anh", "chị" để ca tụng; phía dưới là bọn "đá cá lăn dưa", "đầu đường xó chợ" để phỉ báng. Ðọc Lê Xuyên hay Nguyễn Thụy Long cho tôi nhiều thú vị hơn. Hồ Trường An hình như là bào đệ của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Từ một miền đất của quê hương, từ một mảnh vườn nhà đã nẩy sinh hai tác giả hoàn toàn khác biệt. Hồ Trường An sẽ là một cây bút lý tưởng để viết văn chương tuyên truyền, nếu ông ấy phục vụ cho một chính quyền chuyên chế, độc tài.
Phần lớn, tôi yêu "văn minh miệt vườn" nên không có mảy may ác ý đối với văn chương "bản địa" của Hồ Trường An, hệt như tôi vẫn luôn luôn trân trọng sở thích riêng của từng người trên mọi lãnh vực. Văn chương Hồ Trường An chỉ là một trong biết bao cái khác nữa không hợp gu tôi, thế thôi. Không thích thì không đọc và để cho người khác đọc. Chấm hết. Bài viết của tôi chỉ do sự ngẫu nhiên mà có như tôi đã nói, và chỉ cốt để cho độc giả suy gẫm chơi về các tiếng hát do Hồ Trường An nhận định, để mua vui trong những lúc nhàn hạ. Tiếng hát của các ca sĩ thời danh vẫn còn đó, chẳng hề hấn gì, chúng sẽ bất tuyệt cho tới ngày còn thính giả thích nghe. Nhận định của Hồ Trường An, phàn nàn của tôi chỉ có giá trị [hay vô giá trị] nhất thời.
Thưa ông Trần Văn Tích, nếu ông đọc nhiều và am tường văn chương Hồ Trường An và muốn bênh vực nhà văn này chỉ vì một bài viết cỏn con không đáng kể của tôi, thì cách tốt nhất và hữu hiệu nhất, là ông nên viết hẳn một bài tiểu luận đăng trên talawas. Hoặc là ông biên soạn một cuốn sách phê bình tới nơi tới chốn, in ấn phát hành cho độc giả thưởng ngoạn, thay vì góp "ý kiến ngắn" lê thê, khiến tôi lại phải lê thê gấp ba gấp bốn để trả lời ông, mất trọn của tôi cả một buổi sáng đẹp trời để viết, và gần nửa buổi trưa âm u để bổ sung, chán hơn mấy anh vịt đực Bắc Kinh bị cúm gia cầm kinh niên. Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 rồi, thế mà dân mít ta vẫn chưa chịu từ bỏ các trò nhố nhăng, lãng mạn ba xu tuổi hồng phượng thắm, hoài cổ phương Bắc Tô Châu Hoàn Tề.
Rất mong ông đem hết những cái "sai bậy rất dễ thương" của mọi tác giả ra chỉ giáo lại cho con cái càng nhiều càng tốt nhé! Bi quan, nông cạn, đã xui khiến tôi nói bậy nói bạ khá bộn rồi. Vậy xin kết thúc bài này với sự lạc quan:
Ðầu năm 2008
Chúc Việt Nam có thêm vô vàn những Hồ Trường An
Chúc ông Trần Văn Tích mãi mãi hạnh phúc với văn phong huê dạng
Thành thật cám ơn ông và các độc giả đã kiên tâm đọc hết bài.
Trân trọng.
8.1.08 © 2008 talawas