trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
9.10.2007
Trần Thiện Huy
Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx
 
Ngay từ cái tên, bài viết này đã lộ ra ngụ ý (dù bất xứng) nối tiếp theo tác phẩm nổi tiếng của Marx Sự nghèo nàn của triết học. Ông Karl Marx đáng ghen tỵ kia lúc sinh tiền có được hai điều mà người viết bài này không làm sao có nổi: một là trí tuệ vĩ đại của ông, và hai là những đối thủ cũng có tầm vóc vĩ nhân như Proudhon, nó bắt buộc cả nội dung lẫn kỹ thuật tranh biện của ông phải có một sức sống mãnh liệt để trở thành một kinh điển học thuật. Giá trị của bài viết, như mọi độc giả đều nhận thấy, lệ thuộc vào cả người viết lẫn đối tượng được nói đến của nó, và vì vậy, độc giả hiển nhiên sẽ khoan dung và không mất công so sánh một cách lệch lạc làm gì giữa công trình của Karl Marx và những ý tưởng sơ sài của tôi.

Cũng vậy, trong khi từ lời nói của Marx, “Tôi không phải là người Marxist” có một ý nghĩa rất thâm trầm trên phương diện tri thức, từ miệng (hay ngòi bút) của người viết này chỉ có một ý nghĩa rất hạn hẹp và đơn giản. Tôi không phải là người Marxist, nghĩa là tôi, tức người viết bài này, với cái tri thức hạn chế đủ bề của mình, không tôn sùng Marx, chưa hề bị hấp dẫn bởi lý thuyết của ông, và nhất là không dùng ông làm khuôn mẫu để quan niệm cuộc sống. Có lẽ không một người Marxist thật sự nào cảm thấy cần phải lên tiếng trong một bài viết như thế này. Bộ môn phản biện Marx, bao gồm những người nhận lãnh một kinh phí khổng lồ hàng năm, và những người chí nguyện nhiệt thành, không đóng góp được gì trong việc giải quyết những “vấn đề” do Marx đã tạo ra cả. Nó dĩ nhiên lại càng không xoá bỏ được những cống hiến của ông, mà nhân loại đã đủ khôn ngoan để gìn giữ. Xét như vậy thì chắc những người Marxist thậm chí không cần đọc, hay lo lắng vì có người đọc, loại tư tưởng ấy làm gì. Không, chính là sự coi thường trí thông minh của chúng tôi, những người giữ thái độ trung dung trong văn hoá, đã cản trở hay ít nhất cũng lãng phí những nỗ lực cộng hưởng nhằm mở mang hiểu biết cho loài người. Nói đến đây, tôi tin tưởng rằng những tác giả mà tôi sắp nhắc đến, nếu họ có bỏ công đọc bài viết này, sẽ hiểu và nhớ được rằng đây không phải một phản biện đến từ đối thủ của họ - một tình huống đầy tính biện chứng, phản biện cho một phản biện! – mà là một ý kiến của độc giả họ, dù cho không có nội dung hưởng ứng mà còn nặng tính phê bình.

Một chú thích sau cùng trước khi bước vào phần chính: chữ “phản biện” mà tôi dùng để chỉ quan hệ của các tác giả dưới đây với tư tưởng của Marx là một cách nói quy ước nhiều hơn là chính xác. Những tác giả nào tự nhìn nhận nguyện vọng của mình là “đả kích” Marx chắc sẽ rộng lòng tha thứ cho sự lễ độ thừa thãi này.


1. Về cuốn Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes

Tác giả Lữ Phương, trong bài viết đầu tiên, và bài phản biện, đã mổ xẻ một số điểm nêu lên trong quyển sách qua đó Richard Pipes đã đưa thông tin sai lạc cho độc giả một cách cố ý hoặc cẩu thả. Tôi tin tưởng rằng những phân tích của ông đã thuyết phục được rất nhiều độc giả về giá trị cuốn sách, dù rằng không cần phải là một nhà nghiên cứu như ông, một độc giả trung bình sử dụng óc suy xét phán đoá thông thường cũng có thể nhận thấy cuốn sách đó – với tất cả sự tôn trọng dành cho công lao của ông Phạm Minh Ngọc đã cặm cụi chuyển ngữ - có nội dung và tầm vóc của một thứ truyền đơn, hay một loại kinh bổn, một sản phẩm dễ dãi của nền truyền thông-tuyên truyền đại chúng.

Cuốn “Chủ nghĩa cộng sản” cho rằng “Dù tuân theo phương pháp khoa học nhưng chủ nghĩa Marx đã vi phạm một yêu cầu căn bản của phương pháp này, đấy là không định kiến và sẵn sàng làm cho lí thuyết thích nghi với các nhân tố mới. (Theo lời của Bertrand Russell thì chủ nghĩa Bolshevik, con đẻ của chủ nghĩa Marx, là một “tôn giáo” vì “không được phép tranh luận ngay cả khi nói về những vấn đề còn chưa rõ ràng về mặt khách quan”). Đây là một học thuyết cứng nhắc, không chấp nhận bất kì một quan điểm khác biệt nào.” Ở đây người ta đã đòi hỏi quá nhiều ở ông Marx chăng, nếu “chủ nghĩa Marx” đồng nghĩa với “tư tưởng Marx”? Marx chỉ là một người trần mắt thịt, ông cũng bị lệ thuộc vào một quy luật sắt đá cai quản tất cả chúng ta: “Anh không thể vừa để dành cái bánh, vừa ăn nó được”.

Không thể nào trách một nhà lập thuyết cho tương lai khi mà ông ta chìm đắm toàn bộ tư tưởng vào lý thuyết của mình, viễn kiến của mình. Người ta có thể nói cùng những câu như vậy về cuốn Đợt sóng thứ ba của Alvin Toffler, cuốn Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng của Francis Fukuyama, đồng sự bảo thủ nổi tiếng hơn của Pipes, hay chính cuốn Sở hữu và tự do của ông ta. Mỗi con người đơn giản là đều bị giới hạn bởi chính mình; tận dụng được những giới hạn đó để xây dựng một lý thuyết thoả mãn, và trình bày lý thuyết đó tới lúc được chấp nhận, tự nó đã là một việc làm vượt quá khả năng và tuổi thọ của đa số chúng ta. Để bao quát được thực tế trải rộng qua khắp không gian và thời gian, chuyển hoá được thực tế đó vào những phạm trù trừu tượng, e rằng việc đó còn vượt xa khả năng của cả nhân loại cũng được trải rộng như vậy. Marx chỉ đóng góp cho chúng ta một viễn kiến, một bức tranh hoàn chỉnh từ góc nhìn của ông; làm gì với nó, bao gồm việc kiểm chứng giá trị dẫn đạo của nó mỗi lần đứng trước một biến cố lịch sử, là nhiệm vụ của hậu thế ông.

Hơn nữa, dù không có kiến thức chuyên môn, ít ai dám phủ nhận là Marx đã nỗ lực nghiên cứu và tổng hợp tri thức nhân văn của loài người, mà thế hệ của ông được thừa kế và tiếp xúc. Đáng tiếc là những nỗ lực của ông để xây dựng một hệ thống chặt chẽ và nhất quán đã bị những con người sùng bái đa nguyên lầm lẫn với sự hẹp hòi và độc đoán. Trong suốt cuộc đời của ông, cũng như trong suốt lịch sử chủ nghĩa Marx, người ta không hề được nghe thấy câu nào đả phá Machiavelli, Locke, hay Montesquieu, những người mà nền dân chủ tư sản coi là bậc khai phá. Thái độ đó đã không nhận được sự đáp trả xứng đáng từ phía bên kia. Cứ cho rằng những lý thuyết cổ võ cho tư hữu, v.v. là một lý thuyết tiến bộ hơn của Marx đi nữa, thái độ chống đối với Marx cũng không vì đó mà được bào chữa; nguợc lại, chính thái độ đó làm người ta có quyền nghi ngờ về tính ưu việt của tư tưởng bảo thủ phương Tây.

Richard Pipes đòi hỏi chủ nghĩa Marx phải “không định kiến”. Đọc xong những gì Pipes mô tả về chủ nghĩa Marx, ta tự hỏi: ở đây, đó là định kiến gì vậy? Định kiến căm ghét sự bóc lột của giai cấp tư bản? Định kiến về năng lực thay đổi xã hội của cơ chế sản xuất? Định kiến về vai trò tiến bộ của người công nhân? Nếu những điều đó bị coi là “định kiến”, tôi nghĩ Marx sẽ tự hào vì được khoác cho cái danh hiệu “đầy định kiến”, và ông hoàn toàn có lý.

Richard Pipes còn viết: “Đưa tư duy về sự tiến hoá vào lí thuyết xã hội chủ nghĩa làm nảy sinh khái niệm không thể đảo ngược. Theo “chủ nghĩa xã hội khoa học” thì hoạt động của con người chỉ góp phần thúc đẩy hay làm chậm lại sự tiến hoá của xã hội nhưng không thể làm thay đổi được xu hướng vì xu hướng tiến hoá phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Như thế, theo các nguyên nhân sẽ được trình bày dưới đây, chủ nghĩa tư bản nhất định phải nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội. Tác động về mặt tình cảm của niềm tin này cũng chẳng khác gì niềm tin vào ý Chúa, nó là nguồn động viên rất lớn đối với những người tin tưởng tuyệt đối rằng dù có phải vượt qua biết bao nhiêu trở ngại, nhất định họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Lí thuyết này đã có một hấp lực rất mạnh đối với các nhà trí thức, vì nó hứa hẹn sắp xếp lại cuộc đời đầy lộn xộn này, biến đời sống thành ra có trật tự mà trí thức chính là những người thày, người hướng dẫn cho cái trật tự đáng mong ước đó.

Tôi cho rằng đây là một đoạn có ngụ ý phê phán, vì bị đem so sánh tư tưởng của mình với “ý Chúa” hẳn không phải là một mơ ước của các triết gia. Đa số chúng ta không có được huệ nhãn của các bậc đạo sư Ấn Độ, để nhìn ra cuộc đời này vốn là vòng xoay chuyển luân hồi. Đối với những con người phàm tục vào thời của Marx, và có lẽ thời nay cũng thế, thời gian là một đường thẳng và vì thế lịch sử cũng vậy. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ phải đi thẳng theo một lộ trình nào, nhưng nếu chúng ta tha thứ được cho Marx là – như ở trên đã nói – ông bỏ cả cuộc đời mà chỉ nhìn thấy được một góc độ của lịch sử, trong khi đa số chúng ta chẳng nhìn thấy góc độ nào, thì cũng đành phải tha thứ cho ông là ông chỉ vẽ ra một đường thẳng, vì không tin rằng lịch sử có thể đi lùi. Cái đã xảy ra ngày hôm kia không thể nào lặp lại ngày hôm nay mà không chịu ảnh hưởng của ngày hôm qua. Là một con người tha thiết đến tương lai nhân loại, ông còn có lựa chọn nào khác? Lần này nữa, niềm tin của Marx chắc cũng không tệ gì hơn niềm tin của những nhà bảo thủ rằng nền dân chủ tư bản là định mệnh của loài người, hay của Richard Pipes là nước Liên Xô đã “chết”.

(Không phải ai cũng là người nỗ lực giải quyết vấn đề tương lai nhân loại. Với những người còn lại, triết lý thích hợp là coi lịch sử như một chuỗi hỗn độn những biến cố ngẫu nhiên, không theo một mô hình nào cả, và chọn thái độ “sống hôm nay chỉ biết hôm nay” mà có lẽ người ta đã đúc kết thành chủ nghĩa vụ thực, nhưng ở vào thời đại của Marx, và thậm chí thời đại của chúng ta, triết lý đó dường như không có tác động gì trên sự vô nhân của bóc lột và cạnh tranh, và hiển nhiên không giúp ích được gì nhiều cho những người đang lao động cật lực với dạ dày đói khát.)

Pipes đã lầm lẫn khi yêu cầu lý thuyết gia phải “làm cho lý thuyết thích nghi với các nhân tố mới”, vốn là nhiệm vụ của người áp dụng lý thuyết. Phong trào Marxist, trên tư tưởng cũng như hành động, (hay gọi chung là “chủ nghĩa Marx”) đã được chính Pipes chứng minh là hoàn toàn không có chuyện “vi phạm một yêu cầu căn bản của phương pháp này, đấy là không định kiến và sẵn sàng làm cho lí thuyết thích nghi với các nhân tố mới.” Ông ta tự mâu thuẫn khi nhận định rằng “Các khiếm khuyết của học thuyết Mác-xít sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó vẫn nằm trên giấy như một sơ đồ lí luận. Nhưng đây còn là một cương lĩnh hành động cho nên ngay khi các dự đoán của nó mới có vẻ là sai - chuyện này đã trở nên rõ ràng ngay sau khi Marx mất – thì những người xã hội và sau đó là chính những người cộng sản, dù vẫn tuyên bố trung thành với học thuyết, đã bắt đầu xem xét lại học thuyết Mác-xít.” Theo như ông ta nói, Marx đã đối đầu với các nhà vô chính phủ trên ba quan điểm chính, trong đó có “nếu những người xã hội tin vào sự tiến bộ diễn ra một cách tự nhiên của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sự tiến bộ này sẽ dẫn tới cách mạng thì những người vô chính phủ lại kêu gọi “hành động trực tiếp”, nói cách khác, tấn công ngay lập tức vào hệ thống hiện hành.” Thế nhưng “Cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1917 ở Nga” – cuộc cách mạng của những người Marxist – “ là kết quả của một cuộc tấn công trực diện vào chính phủ của một nước, nơi mà chủ nghĩa tư bản còn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu.” Qua đó, ta thấy được rằng phong trào Marxist không ngồi đợi tình thế chứng minh những chỗ bất toàn của tư tưởng Marx – hay của cách người ta đang hiểu tư tưởng Marx – mà đã tự phát triển và hoàn thiện mình, thậm chí sửa chữa cả một định đề khá căn bản do Marx đặt ra. Di sản của Marx, cũng như của bất cứ nhà tư tưởng nào, không thể có chuyện không chấp nhận sáng tạo hay sửa đổi, vì điều đó không nằm trong quyền lực của lý thuyết gia, mà là của chính quyền Stalinist. Không phải là những người vô chính phủ, mà là những người Marxist đã cuớp chính quyền; rõ ràng, nếu trường hợp thứ nhất chứng minh Marx đã chết, trường hợp thứ hai khẳng định rằng: ông vẫn sống.

Một điểm sau cùng chứng tỏ sự khập khiễng trong luận điệu của Pipes: “Theo lời của Bertrand Russell thì chủ nghĩa Bolshevik, con đẻ của chủ nghĩa Marx, là một “tôn giáo” vì “không được phép tranh luận ngay cả khi nói về những vấn đề còn chưa rõ ràng về mặt khách quan.” “Được phép” hay “không được phép” là một khái niệm thuộc về phạm trù quyền lực, chứ không phải lý thuyết. Tôi không tìm được nguyên văn câu nói của Russell để xem ông giải thích bằng cách nào mà người ta “không được phép” tranh luận. Và dù thế nào đi nữa, Pipes cũng nên nhớ lại chính những lời ông đã viết: “chủ nghĩa Marx nguyên chất, không pha tạp thì chưa được chấp nhận ở bất kì đâu như một cương lĩnh chính trị vì nó không phù hợp với thực tế.” Vậy tại sao chủ nghĩa Marx nguyên chất lại phải gánh trách nhiệm vì những lỗi lầm – nếu có - của chủ nghĩa Bolshevik, thuần tuý là một cương lãnh chính trị?

Không đủ hài lòng với việc khẳng định là chủ nghĩa Marx trên thực tế đã sai lầm, Richard Pipes còn muốn bôi nhọ nó trên những phương diện tương đối có bản chất luân lý. Trong khuôn khổ bài này, người viết không muốn đi vào tranh luận ai sai ai đúng, chỉ muốn vạch ra những khuôn mặt thủ phạm và nạn nhân của thói thiếu luơng thiện trong văn hoá. Rất may mắn là việc đó không đòi hỏi kiến thức quá chuyên sâu, mà chỉ cần đọc thật kỹ những gì chính họ đã viết ra.


2. Về bài “Tính giả-khoa học của chủ nghĩa Marx” của Ernest van den Haag

Tác giả van den Haag công bố bài viết nói trên vào năm 1987, ngày tháng mà dịch giả La Thành yêu cầu chúng ta phải lưu ý, có lẽ vì tính “tiên tri” của nó? Ở thời điểm 1987, tư duy của van den Haag không có gì là đi trước thời đại cho lắm, vì những lý luận này người ta đã đọc thấy từ những cuốn sách tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản thời chiến tranh lạnh, xuất bản những năm 60 và ký tên trùm mật thám Hoa kỳ J. Edgar Hoover. Chỉ khác là ở đây, giọng điệu phẫn nộ và căng thẳng của những cây viết đeo dùi cui đã được thay thế bằng vẻ cười cợt khinh khỉnh của một nhà khoa bảng tiếng tăm. (Cái đó có lẽ cũng không mới mẻ gì vì đã có rất nhiều nhà khoa bảng tiếng tăm khác, vì lý tưởng cũng như vì đơn đặt hàng, đã để lại dấu chân trên con đường này. Nhờ sự xuất hiện của bản dịch bài báo trên talawas, tôi như được nhìn thấy lại những hình ảnh trong phim tài liệu, với thượng nghị sỹ McCarthy chỉ ngón tay gào thét, đống lửa đốt sách bừng bừng, và những chàng mật thám mặt mũi lạnh lùng, mặc áo khoác đến gõ cửa những nhà bị tình nghi là thiên tả.

Vẫn biết rằng khuôn khổ một bài báo không cho phép, nhưng người đọc có lẽ cũng có quyền đòi hỏi một giải thích tối thiểu về tính cách khoa học, và nếu có thể, giả khoa học theo ý người viết. Có như thế người ta mới lãnh hội được là khoa học thật thì phải thế nào và lý thuyết của Marx “giả khoa học” (pseudo-scientific) ra sao. May mắn là người ta không phải hoài nghi theo ý tác giả chủ nghĩa Marxist thật ra là cái gì. Tác giả cho biết:

Mặc cho Marx tự đắc về phương pháp khoa học của mình, hầu hết các tiên đoán của ông đều từa tựa những lời tiên tri Do Thái giáo hay những lời thiên khải Cơ Đốc giáo: chúng khơi gợi — đôi khi, ám thị — cho tín đồ cảm giác rằng chúng mặc nhiên đúng đắn, mà không thể được kiểm định bằng các phương tiện của khoa học.”

Thật là một cách “phản biện” hiệu quả và độc ác! Những người Marxist đột nhiên thấy mình man rợ và tăm tối dưới cái nhìn của người chung quanh như một bộ lạc du mục bu quanh đống lửa tế thần linh, hay các thầy tu khoác áo trùm đen thời Trung cổ. Nếu người ta nghi ngờ đó chỉ là một so sánh nhằm diễn đạt giá trị tư tưởng của Marx, thay vì hạ nhục những người lỡ có quan điểm khác với tác giả, câu kết của bài đã đánh tan hy vọng ấy:

Cả Khoa Luận giáo lẫn môn chiêm tinh đều đang sống sót, tôi ngờ rằng chủ nghĩa Marx cũng sẽ sống dai như vậy.”

Khoa tu từ đầy nọc độc này hình như là một công trình đồng sáng tạo bởi các chiến sỹ chiến tranh lạnh, nếu ta nhớ lại ở trên Richard Pipes cũng so sánh tin vào chủ nghĩa Marx với tin vào “ý Chúa”. Nhưng hãy tạm rời bỏ đề tài này, ta sẽ trở lại với nó sau.

Bài của van den Haag chỉ có hai điểm chính:

Thứ nhất: Những tiên đoán của Marx đã sai lầm.

Về kết quả thực chứng, những môn mà ngày nay người ta đang dạy trong trường dưới cái tên là “khoa học”, nếu ta vượt qua được những ấn tượng đầy tôn kính với các mô hình và công thức thống kê, thì dường như kinh tế học, khí tượng học, hay khoa học chính trị cũng không ghi được điểm số cao hơn những dự đoán của Marx là bao. Nhất là bộ môn tương quan nhất với lý thuyết của Marx là tương lai học (future studies) thì vô cùng thảm hại. Người ta có thể tìm đọc nhận định của các chuyên gia hàng đầu về các bộ môn khoa học dự đoán trong rất nhiều tác phẩm, điển hình như cuốn Ingenuity Gap của Thomas Homer-Dixon.

Nhưng tôi lại đã vi phạm lời hứa ban đầu mất rồi, là không đưa vào một thông tin gì mới để chứng minh một điểm nào hết, mà chỉ dùng đến những suy luận căn bản. Vậy thì tạm thời hãy cứ nói như thế này: bộ môn kinh tế học, mà van den Haag hình như không có ý phủ nhận là một khoa học, đến nay vẫn giảng dạy những lý thuyết của David Ricardo hay Adam Smith. Có phải là công bằng chăng khi ta quên đi được sự thù hận với chủ nghĩa Marxist và đối đãi với Marx hệt như những người trên, không hơn không kém? Tôi không thấy về mặt thực chứng yêu cầu đó tạo ra vấn đề gì.

Về mặt lý luận: van den Haag nêu ra hai sai lầm về lập luận của Marx:
  1. Ý thức giai cấp quyết định hành vi lịch sử của con người, nghĩa là những hành vi tạo ra biến cố thay đổi hẳn xã hội, tạm gọi là những cuộc cách mạng. Marx không dại dột gì cho rằng hai người hàng xóm đánh nhau, hoặc là trận chiến giữa thành Troy với Hy Lạp nhất thiết phải có nguyên nhân giai cấp. Nếu không hạn chế một phạm vi xét duyệt lại, thì người ta có thể phản bác bất cứ cái gì, và (đặc biệt là với những chữ miệt thị được dùng rất rộng rãi theo kiểu của van den Haag, như “sai lầm ngớ ngẩn”) đầu độc toàn thể nỗ lực tư duy để đi đến sự thật tương đối.

  2. Lịch sử được thúc đẩy bởi các lực lượng kinh tế. Van den Haag đòi hỏi Marx chứng minh một trong hai điều: “1) sự thay đổi về lịch sử có thể diễn ra chỉ khi nào có một thay đổi về kinh tế làm tiền đề cho nó; 2) thay đổi về lịch sử luôn luôn diễn ra khi thay đổi về kinh tế diễn ra.” Một lần nữa, có lẽ chỉ có những người tin theo nghĩa đen vào bàn tay Thiên chúa mới nghĩ đến chuyện đi tìm một quy luật chung cho tất cả thay đổi về lịch sử.
Và quan trọng hơn là, hai điểm van den Haag đưa ra đó, tuy thuộc về những dự đoán của Marx, nhưng không có gì liên quan đến khoa học cả, mà là những dự đoán thuộc về lịch sử. Tôi không tin Marx và những người Marxist coi lịch sử quan là một chân lý bất di bất dịch, hay là một khoa học; nếu có, chúng ta đã bị họ nhồi nhét cho một thuật ngữ đại loại như “khoa học lịch sử” rồi. Với thế hệ hậu hiện đại chúng tôi bây giờ, cái mác “khoa học” không còn là danh giá tối cao đảm bảo cho giá trị lý thuyết nữa, nên lại càng hoài nghi những người đem khoa học ra đe doạ người ta ở khắp nơi, và gán ghép cho những thứ không liên quan gì đến khoa học là khoa học, phản khoa học, hay “giả khoa học”, như một dấu hiệu của căn bệnh “giả trí thức”.

Thứ hai: Lý thuyết về giá trị thặng dư đã sai lầm:

Van den Haag nhận định rằng:

Chúng ta đã gặp một petitio principii: điều mà Marx quả đoán và muốn chứng minh — sức lao động đã nhận được ít hơn cái đáng lẽ nó được nhận — chỉ đơn thuần là được tái quả quyết trong kết luận mà không được chứng minh. Sức lao động được (Marx) định nghĩa là nguồn gốc của giá trị, trong khi phần giá trị trội ra so với chi phí của sản phẩm lại phụ thuộc không hề ít vào các nhân tố khác của quá trình sản xuất. Một định nghĩa — và là một định nghĩa khá tuỳ tiện — đã được lấy làm chứng minh.”

Và ông ta chứng minh:

Nếu điều đó đúng thì nhà sản xuất sẽ chẳng bao giờ thua lỗ. Thật ra, giá trị của sản phẩm — cũng như giá trị của mỗi nhân tố đã dự phần làm nên nó — được quyết định một cách riêng rẽ bởi sự khan hiếm tương đối. Nếu giá trị của sản phẩm thấp hơn chi phí, nhà sản xuất sẽ lỗ vốn và chấm dứt sản xuất sản phẩm đó.”

Ở đây chính logic của van den Haag mới là chỗ có vấn đề. Điểm thứ nhất, không cần học kinh tế cũng hiểu là giá trị thặng dư được sản xuất ra mỗi ngày, trong khi người chủ chỉ bỏ tư bản ra một lần. Vậy cái gì xảy ra mỗi ngày để tạo nên giá trị thặng dư? Chính là sức lao động. Điểm thứ hai, sự thua lỗ xảy ra không phải là do không tổ chức được công lao động cho hợp lý, trong một môi trường cạnh tranh. Nói một cách nôm na, khi tên tư bản này gạt tên tư bản kia ra khỏi vòng chiến, không có nghĩa là một trong hai tên không phải là người bóc lột.

Nền kinh tế của sự khan hiếm không quyết định được giá trị thặng dư, vì rõ rệt là khi hiệu suất hoặc sự có mặt của hàng hoá trên thị trường giảm xuống, thì giá cả sẽ tăng lên. Sự khan hiếm chỉ quyết định sự phân chia giá trị thặng dư. Do đó, giải pháp của Marx mới là quyết định lại sự phân chia đó bằng cách quy hoạch sự khan hiếm. Vấn đề rốt ráo quy về chỗ giải pháp đó có khả thi hay không mà thôi.

Những nhận định đầy ác ý của van den Haag đối với Liên Xô, dù không phải là hoàn toàn sai lầm, đã kết thúc phần thân bài và củng cố thêm những nhận định của tôi về tác giả.


3. Bài “Cuộc quyết đấu giữa Marx và Dostoyevsky” của Alberto Moravia

Thật là kỳ lạ, hình tượng một nhân vật đầy cá tính và có tiểu sử gắn liền với những biến cố vĩ đại của loài người như Marx chưa hề được khắc hoạ trong văn học, trừ phi người ta muốn tính đến những tựa đề thuộc thể loại “Chuyện danh nhân” bày bán nhan nhản ở Liên Xô cũ và Việt Nam (có lẽ ở khắp khối xã hội chủ nghĩa) ngày trước. Một sự bù đắp không đến nỗi nhỏ nhoi cho chuyện đó là Alberto Moravia, nhà văn nổi tiếng người Ý, đã thổi vào ông một sự tồn tại văn học trong bài viết “Cuộc quyết đấu...”, trong đó Marx được vinh dự sánh ngang với Dostoyevsky như hai cây viết lãng mạn vĩ đại, và hai nhân vật chính bằng hình bóng trong phác thảo một tiểu thuyết mang phong cách Dostoyevsky do Moravia chấp bút.

“Cuộc quyết đấu” là một tiểu thuyết, than ôi, đến nay mới chỉ cho chúng ta thưởng thức “Lời giới thiệu”, trong đó motif “tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết” và “tiểu thuyết đối đầu với tiểu thuyết” được sáng tạo một cách siêu việt từ ngòi bút của Moravia. Marx, nhà văn, nhà giả tưởng vĩ đại, dưới bút pháp chính luận đã ngụy trang cốt chuyện vĩ đại nhất của đời ông: Một nhân vật chính – hãy tạm gọi anh ta là Staline, dù dĩ nhiên, Marx không hề biết đến cái tên đó – đi giết một, hay có lẽ nhiều tên, cho vay lãi. (Chú thích của Moravia, người trình bày bản thảo: là hiện thân của Marx, anh ta làm điều đó mà không biết rằng cha ông anh ta, những con người anh căm ghét và thương hại, vì lòng tin Cơ đốc giáo cuồng nhiệt, cũng đã đi lùng giết, bức hại, hay ít nhất cũng sỉ nhục những kẻ cho vay lãi như vậy hàng thế kỷ qua khắp châu Âu.). Anh bị ám ảnh bởi ý nghĩ: “Sau khi mụ già chết, chúng tôi sẽ tuyên bố một xã hội mới không có giai cấp và không có nạn cho vay nặng lãi. Việc xây dựng một xã hội như thế sẽ hoàn toàn biện hộ cho việc giết chết mụ già cho vay lãi” Và sau cùng, khi nhát búa đã buông xuống, có thể hơn một lần, Staline tuyên bố (Moravia đã cho Marx đặt câu này vào cuối cuốn tiểu thuyết của ông): “Và đến đây cuộc cách mạng bắt đầu”.

Đối diện với Marx và cuốn tiểu thuyết của ông là hình tượng Dostoyevsky và tác phẩm Tội ác và hình phạt. Moravia đã không phải sáng tác giùm cho Dostoyevksy, mà thậm chí nguợc lại, cả câu chuyện ông đang thai nghén ở đây có thể coi là cuốn Tội ác và hình phạt của thế kỷ 20. Chàng Raskolnikov của ông, sau khi đã giết mụ cho vay nặng lãi của chàng, đã đi đến chỗ “ân hận và cùng đọc Kinh Thánh với Sofia”. Và thay vào lời tuyên ngôn cách mạng của Staline, ông kết chuyện bằng “một cái vòng thần bí”: “Nhưng đến đây đã bắt đầu một quá trình mới, quá trình đổi mới dần dần của con người, quá trình tái sinh dần dần của nó, chuyển dần từ thế giới này qua thế giới khác, làm quen với một thực tế hoàn toàn mới mẻ, chưa từng biết bao giờ”.

Moravia sử dụng phép nghịch hành (irony, tạm giải nghĩa: tréo ngoe) trong này không đạt lắm. Staline và Raskolnikov, như ông giải thích, căm ghét mụ cầm đồ của mỗi người là vì “Trong thực tế, lòng căm thù này là lòng căm thù của một tín đồ Cơ đốc thời trung cổ đối với việc buôn bán và lợi tức, là việc hiểu ra sự không thể chung đụng giữa học thuyết của Kinh Thánh với nhà băng và lợi nhuận.” Và “Raskolnikov, cũng như các vị dân uỷ và Stalin, vốn xuất thân từ một nước trung cổ, nơi ngân hàng và thương nghiệp bị một nhóm xã hội và chủng tộc kiểm soát, từ một nước nông nghiệp lạc hậu vẫn còn bị ràng buộc với đạo Cơ đốc nguyên thuỷ và thần bí. Vì vậy đối với Raskolnikov, ngân hàng và thương nghiệp là nghề cho vay nặng lãi, còn giai cấp tư sản Nga và châu Âu làm cái nghề đó thì biến thành mụ già cho vay lãi; cho nên cần phải giết mụ già cho vay lãi, tức là phải thủ tiêu giai cấp tư sản”. Nhưng “Dostoevsky sau khi dường như đã chấp nhận luận điểm đó thì ông lại vất bỏ nó và đi đến một kết luận mang tính Cơ-đốc giáo rằng điều ác không hẳn là mụ già đó, mà chủ yếu là những phương tiện Raskolnikov dùng để tiêu diệt mụ ta, nói thẳng ra đó là bạo lực”. Cho nên Raskolnikov đã ăn năn hối hận, và được mở mắt ra đến với những thế giới tình thương của Cơ đốc giáo, vì (rất đơn sơ) “Đức Jesus đã khuyên: ‘Không được giết người’”.

Còn Staline? Moravia đã mô tả số phận của Stalin và cuộc cách mạng của anh ta rất ư thi vị: “Điều ác bị chủ nghĩa Marx vứt qua cửa sổ lại cuộn thành dòng ùa vào qua cửa lớn của chủ nghĩa Stalin, tức là điều ác nhờ vào những phương tiện mà cách mạng đã dùng để xác lập và củng cố mình”. Và cuối cùng, trong một kết thúc thăng hoa chủ đề vĩ đại của ông, về cuộc đấu tiểu thuyết giữa hai nhà giả tưởng, Moravia đã kể:

Vòng đầu Dostoevsky đã thắng, bởi vì ông đã tạo nên một kiệt tác; người thắng ở vòng hai là Marx, bởi vì lý thuyết của ông ta đã tạo ra cách mạng; nhưng hình như đến vòng ba chiến thắng sẽ lại trở về Dostoevsky.”

Như thế đấy, trong một cuốn tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của thế kỷ 20 này, cơ hội dành cho Marx, kẻ đối đầu với chính Dostoyevsky, dĩ nhiên sẽ không được mấy công bằng, và số phận của ông hoàn toàn có thể đoán trước được.

Đọc xong câu chuyện kể trên chúng ta nghĩ gì? Có lẽ là, nếu như đây quả thật là một tác phẩm văn học, từ ngòi bút của một nhà văn, viết về Dostoyevsky, một nhà văn, và Karl Marx, một nhà văn khác, trong không gian hư cấu, hẳn đã thành một tác phẩm rất có giá trị, hơn hẳn thứ văn châm biếm dễ dãi kiểu Trại súc vật của George Orwell. Nhưng khi đây là một tác phẩm chính luận hiện thực, từ ngòi bút của một nhà văn, viết về Dostoyevsky, một nhà văn, và Karl Marx, một nhà tư tưởng, trong bối cảnh lịch sử thực thụ thì tôi e rằng kịch tính, tính tiểu thuyết và tính phi lý đã giết chết bất cứ giá trị nào nó có, và kể cả cái tên rất được kính trọng Alberto Moravia cũng không có cách cứu vãn lại phần nào.

Nhưng nói cho đến cùng, sự khác biệt có lẽ nằm nhiều hơn về phía người đọc, giữa người đọc bài viết như là văn chương, và người đọc như là chân lý.


4. Hà Sĩ Phu: Chuyện hai ông Mác

Trái với Mác có hai ông “kinh viện” và “hiện thực”, ông Hà Sĩ Phu chỉ có một, là ông Hà Sĩ Phu hiện thực mà thôi. Tuy nhiên, ông Hà Sĩ Phu không chịu ở yên ngoài hiện thực, lại muốn san bằng, hay chỉ đạo, tác oai tác phúc trong cái thế giới kinh viện, như Mao Trạch Đông xưa bắt bát nhang thờ Thần Phật phải biến thành nồi, chảo. Trong bài viết của ông, ông rõ ràng đang chỉ tay bắt giới kinh viện phải công nhận một điều gì đó, hay đúng hơn, phải tuyên xưng một điều gì đó mà ông đem ở ngoài “hiện thực” vào.

Đầu tiên ông thử thuyết phục họ. Dĩ nhiên là họ không chịu nghe theo ý ông, vì ông ăn mặc khác với họ, tiếng nói cử chỉ đều khác. Ông đã cố gắng kiên nhẫn để nói chuyện với họ, nhưng bọn người vừa ngoan cố vừa khinh khỉnh, giở ra một thứ ngôn ngữ lạ tai mà ông bực dọc thuật lại:

Một trăm lần họ đưa ra những kiến giải xuôi ngược khác nhau, như một thứ chân lý vô định, lúc nào cũng còn để trống, điền câu gì vào cũng được.” “Sao lại tù mù, sao lại tiền hậu bất nhất thế?

Sự kiên nhẫn có giới hạn, ông bèn nghĩ đến việc sử dụng khả năng của mình, như một nhà trào lộng và xách động, để xua quần chúng tiến vào chiếm kinh viện. Hình như ông định đi chiêu mộ nhóm cảm tử quân đánh Marx, đánh kinh viện cứu nước từ đám trẻ con trở lên:

“Mác hiện diện trong đời sống dân chúng thì một em nhỏ cũng có quyền và có khả năng chất vấn ông Mác ấy”.

Nói câu này, tự tôi cũng cảm thấy mình không công bằng, khi mặc nhiên coi phép tu từ của ông Hà Sĩ Phu là hành động. Thế nhưng khi nghe ông thiết tha kêu gọi quần chúng:

Số phận những dân tộc, số phận những con người cần có những đáp số cụ thể, không thể hẹn đến kiếp sau.”

Những nhà triết học kinh viện hẳn nhiên rất lấy làm hoảng sợ khi mình sắp bị đem ra xét xử trong vai chính phạm vì số phận những dân tộc và những con người! Còn hoảng sợ hơn khi ông Hà Sĩ Phu cầu viện ở nhân dân Đức và xa hơn, có lẽ cả thế giới tự do:

OK! Nào ta cùng về quê ông Mác để hỏi, xem ông ấy đã đổ chưa nhá?

Muợn lời ông Ernst van den Haag trong bài viết ở trên, tôi có thể nói rằng:

Còn nếu bạn thuyết phục chúng nhân rằng họ nên phê phán Marx, họ có thể nghe bạn. Tuy nhiên, những hành động đó là kết quả của sự tuyên truyền về Marx, không phải xuất phát từ Marx như một sự thật khách quan: lời tiên triệu thực chất là sự ám thị.”

Tôi chưa được hân hạnh hầu chuyện trực tiếp các nhà triết học kinh viện mà ông Hà Sĩ Phu phàn nàn, nhất là không được tận tai nghe ông trò chuyện với họ, nên không dám tin hay nghi ngờ lời ông nói là họ “tù mù” hay “tiền hậu bất nhất”. Thú thật thì phần tin có chiều lớn hơn phần nghi. Nhưng xua quần chúng, sau lưng lấp ló cái đám đông hãnh tiến ở châu Âu, hò reo tiến vào áp lực các nhà kinh viện, ý ông muốn đạt được điều gì?

Ông cho biết: “Mỗi lần đối thoại với thực tiễn mà “Mác hiện thực” bị lâm vào thế bí, thì người ta lại giở ra ngón chống đỡ cổ truyền: Thưa đồng bào, “Mác hiện thực” tuy có sai lầm với đồng bào, nhưng ông này không phải “đích tôn” của Mác nên hiểu sai Mác, làm sai Mác, để chúng tôi về bẩm với “Mác kinh viện” xem sao”. Thế là ông tin ngay rằng ông Mác kinh viện, có thể bảo được ông Mác hiện thực, và ông “đích tôn” kia lại có thể bảo được những con người đang cầm nắm “số phận những dân tộc, những con người.” Vậy thì phải cải tạo kinh viện, đuổi ông Mác ra khỏi đó, bắt các nhà kinh viện thôi đưa tấm lưng gầy gò ra che chở cho một chế độ, ở trên quốc gia của ông Hà Sĩ Phu, có đến hơn 2 triệu đảng viên, 1 triệu quân nhân và hơn mấy trăm ngàn công an cảnh sát.

Có rất nhiều lý do loài người duy trì một thế giới kinh viện nằm biệt lập khỏi cái mà ông Hà Sĩ Phu gọi là “hiện thực”. Tạm gọi suy nghĩ đó theo cách ngày xưa là “kinh viện vị kinh viện”. Và ông Marx kinh viện có nhiều ý nghĩa với loài người hơn là làm cha chú tổ tiên cho ông Marx “hiện thực”, hình như vốn cũng đã chết từ lâu thì phải, của ông Hà Sĩ Phu.

Tôi không hiểu rằng đã từ lúc nào, lý tưởng của chúng ta là bắt kinh viện phải mở cửa sổ ra để nhất loạt đón theo những làn gió bên ngoài của chính trị? Lại càng không hiểu nếu cải tạo kinh viện xong rồi thì cái “hiện thực” của ông Hà Sĩ Phu có thể hưởng được ơn ích gì? Tôi không phải đã quên câu ông giải thích:

Còn như nói chủ nghĩa Mác bị lợi dụng và làm sai đi, điều này đúng, nhưng tiền đề của sự lợi dụng và làm sai đó đã nằm sẵn trong chủ nghĩa Mác rồi,”

nhưng nói như vậy thì ông Hà Sĩ Phu đã trễ mất khoảng 100 năm để đóng cái lọ “chủ nghĩa Marx” lại trước khi vị ác thần “lợi dụng và làm sai” bay ra khỏi mất rồi. Bây giờ nó chỉ còn là cái lọ không.

Hay chủ trương là bắt họ đấm ngực “Mea menda, mea menda” và chừa đi cái thói tháp ngà, bợ đỡ quyền quý, và lý luận viển vông, hầu tích cực cống hiến cho “hiện thực”? Nói đến đây, tôi lại giật mình nhớ đến câu dè bỉu nổi tiếng của Mao Trạch Đông, có lẽ sau khi đã thất vọng ê chề với những nỗ lực chỉ đạo trí thức làm cách mạng:

Trí thức không bằng cục phân. Vì cục phân còn đem ra bón ruộng được....”


5. “Phê phán Marx không khó...” của Nguyên Trường

Đến đây hình như đã giáp vòng những bài viết không được khoan dung lắm với hương hồn Marx đăng trên talawas. Bài viết này thú thật là lúc đầu tôi không có ý định nhắc đến, lý do vì đến nửa bài là trích dẫn không bình luận Richard Pipes và Frederick Hayek, và một nửa là viện dẫn túi khôn của người nông dân quê tác giả. Những người đã bỏ công đọc hai cuốn Chủ nghĩa cộng sảnĐường về nô lệ (tiện lợi thay, cũng cùng đăng trên talawas), là hoàn toàn nắm được nội dung của tác giả. Cứ theo như chủ đề thì tác giả bỏ công viết bài này chỉ nhằm chứng minh là hoàn toàn có thể phê phán Marx mà không cần đọc Tư bản luận, chỉ cần đọc hai tác phẩm nói trên, mà chiều dày gộp lại không bằng một nửa cuốn Tư bản luận in cùng khổ, vận dụng đối chiếu với một số ca dao tục ngữ chọn lọc, và lại thêm một tác phẩm ra đời cống hiến cho nền lý luận phản biện với Marx của nhân loại.

Nhưng chứng minh được như vậy để đạt được mục đích gì? Nhân bài viết rất thú vị của ông Nguyên Trường, tôi mới thử thả suy nghĩ đi viển vơ một chút, để xem có thể nào làm cho nó thú vị hơn. Kể ra đọc Marx mà tới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Phê phán cương lĩnh Gotha, được như ông Nguyên Trường cho biết về bản thân, cũng đã là chuyện ít người làm được, không phải rất trung bình như ông tự đánh giá. Ít nhất là trong bài viết đã trích dẫn khá nhiều từ Tuyên ngôn Cộng sản, chứng tỏ là ông đã đọc cuốn này. Vậy giờ hãy thử gạt cuốn ấy qua một bên, chẳng hạn như cho một người chưa từng đọc Tuyên ngôn thử bắt tay phê phán Marx, xem có được không? Rồi cứ như vậy, khi chưa vẽ được một lằn ranh giới hạn, thì chúng ta có quyền giản luợc dần đi, cho đến khi chỉ còn một người chưa hề đọc một chữ nào do Marx viết. Cứ đúng như ông Nguyên Trường nói thì người này, con người thật sự rất trung bình mà chúng ta đang tìm kiếm, cũng vẫn hoàn toàn có đủ tự tin để đứng ra phê phán Marx mà không ai cãi được.

Vì rằng ông Marx mà ông và ông Hà Sĩ Phu nhắc đến, vốn là ông Marx đã “đi vào sách giáo khoa, đi vào những tài liệu tuyên truyền - dân vận, đi vào mọi đường lối chính sách, mọi cơ cấu xã hội, và đi vào đầu óc mỗi con người của những xã hội theo mô hình Mácxít.” Nghĩa là các ông nhắc đến Marx, nhưng lại không phải là ông Karl Heinrich Marx, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 tại Trier, Đức, mất 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân Đôn, người lúc sinh tiền đã nói một số câu, viết một số tác phẩm (nổi tiếng nhất có Tư bản luận), và làm một số việc nhất định. Ông Marx của hai ông vẫn còn đang sống vào năm 2007, đang thò tay chi phối ở mọi nơi mọi lúc, định đoạt mọi chuyện liên quan đến từng em bé, bằng một quyền lực vô biên, so sánh với nó hội Tam Điểm chỉ còn biết lồng lên ghen tức.

Dĩ nhiên ông Nguyên Trường viết ra cho quần chúng đọc. Và đọc để họ hành động. Thế thì ta hãy hình dung một kịch bản cho sự hành động đó: Cứ theo lý thuyết của các ông thì người ta không cần đọc Marx, không biết ông ta đã làm gì, hay thậm chí không cần biết năm sinh năm mất, cũng có thẩm quyền phê phán Marx vì ông nào có dính dáng đến những thứ kia! Ảnh hưởng lý thuyết này lan tới đâu thì phong trào “nhà nhà phê Marx, người người phê Marx” cũng lan tới đó. Từ ít nhất vài trăm năm trước, ý thức kinh tế - xã hội – mà lại còn là ý thức truyền miệng nữa chứ - của người nông dân chúng ta đã phát triển vượt xa và bác bỏ hoàn toàn lý thuyết của Marx. Chính đó, chứ không phải bọn “lác đác một vài triết gia hoặc những người muốn làm triết gia, những người sùng bái ông hoặc mượn ông để khoe chữ”, mới là động lực sẽ đặt Marx vào đúng vị trí của mình.

Vũ khí lý luận thì đã có quá đủ, dư thừa là khác, đến nỗi người ta phải ái ngại cho ông Marx trong cuộc đấu quá không cân sức, như húc vào tuờng, vì “người dân “dái chấm đống gio quê choa” cũng hiểu, mà cái ông Karl Marx lại không hiểu”. Chỉ cần thêm một tinh thần khẳng khái kiên định lập trường, gan bền dạ sắt, quyết liệt không khoan nhượng (suýt nữa thì tôi quen miệng nói thêm: cách mạng tiến công) như của ông Nguyên Trường là đủ “Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù có đứng trước hàng trăm kẻ đang rạp mình thán phục Marx đến sát đất hay sát ngọn cỏ thì tôi cũng dứt khoát dõng dạc tuyên bố rằng: Không đáng bình luận.”

Giấc mơ của ông Nguyên Trường làm tôi lại nhớ đến những ngày Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc xa xưa, khi người ta buộc dây vào cổ tượng Khổng Tử kéo ra khỏi miếu, vì tội làm cho đất nước u tối mấy ngàn năm; nhớ đến cuộc phê phán vô nghĩa nhân vật Tống Giang thời Mao Trạch Đông; và nhớ đến những phiên toà án nhân dân, mà người ta còn gọi là đấu tố, nơi mà “Trí” được xếp đầu danh sách tội nhân, đứng trên cả Phú – Địa – Hào.

Lâu nay chúng ta có một hiện tượng vô cùng đáng lo ngại. Đó là hiện tượng người cầm viết vừa mị độc giả vừa tự dễ dãi với mình. Bằng cách ăn nói trào lộng và mộc mạc, bằng cách giản dị hoá mọi việc, lấy thuật kể chuyện thay vào lý luận, chúng ta đã thành công trong việc tránh né nhiệm vụ suy nghĩ, nghiên cứu, và “giải mã” tư tưởng, đồng thời cũng tránh né giùm cho độc giả từng ấy việc nặng nề. Và chúng ta đã phòng thủ trước bằng cách tấn công, nghĩa là lặp đi lặp lại ở nhiều nơi nhiều chỗ, những giai thoại và luận điệu đả kích bệnh cố chấp “đọc nhiều mà không tiêu nổi”, bệnh ỷ lại vào chữ nghĩa, bệnh thiếu thực tế (lại thực tế!), bệnh uơn hèn của trí thức v.v., cho đến khi trong tiềm thức của mọi người, trí tuệ đồng nghĩa với xuề xoà, dung tục, bông lơn, và những gì có một chút hơi hám “bác học” là dấu hiệu của giả dối, khoe khoang và hình thức. [1]

Liệu rồi có đến một ngày chúng ta sẽ dẹp bỏ tất cả những thứ văn tự rườm rà phiền phức, và gặp gỡ nhau trong học thuật trên những sân khấu lộ thiên?

Marx đã mất trong sự dằn vặt “Tôi thật không coi tôi ra gì nếu chết mà không hoàn thành bộ sách này (Tư bản luận)”. Dưới mồ ông cũng phải ngủ trong trằn trọc vì những thế hệ sau, thay vì tự giải quyết vấn đề thời đại mình, lại cứ lôi kéo ông vào những chuyện ông không hề hay biết gì cả. Sau khi Nietzsche tuyên bố “Thượng đế đã chết”, người ta không còn thánh chiến vì đạo Cơ đốc nữa. Nhưng Marx vẫn sống vì chúng ta không chịu quên ông.

Phê phán luôn là điều cần thiết. Phê phán Marx lại càng là điều cần thiết hơn, cũng giống như phê phán Phật, Jesus, Khổng Tử, Socrates. Nhưng phê phán phải xác đáng theo đúng tinh thần “Của Ceasar trả lại cho Ceasar, của Thiên chúa trả về cho Thiên chúa.” Nghĩa là, nếu phải nhắc đến Marx, 1) Hãy cố gắng học hỏi để nói về những gì thật sự thuộc về Marx, và 2) Hãy cố chấn chỉnh tư kiến và sự ngay thẳng, để đừng kéo Marx vào những lợi ích của chúng ta. Và quan trọng nhất là, đừng vì một phong trào, vì một chính kiến mà dễ dãi với ngòi bút mình, và hãy bảo vệ giữ cho học thuật vươn được tới những tầm cao hơn truyền thông thương mại.

© 2007 talawas



[1]Sự phong phú của cái kho những luận điệu như vậy thật làm cho người ta kinh ngạc. Chỉ xin đơn cử trong bài viết của ông Nguyên Trường:
Mà cho dù có đọc nhiều hơn thì cũng còn vấn đề IQ nữa. Trên cả IQ còn là vấn đề tư duy. Khổng Tử bảo: “Học mà không nghĩ thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc mất công không” (Luận ngữ: Vi chính, II). Ngài còn bảo rằng những kẻ học mà không chịu nghĩ, không chịu tư duy là bọn đạo thính đồ thuyết, nghĩa là nghe ngoài đường rồi lại nói ngoài đường (Luận ngữ: Dương Hoá, XVII), thì đọc nhiều học lắm cũng chỉ là vứt đi mà thôi. Không tử gọi những kẻ đạo thính đồ thuyết, cũng như những kẻ dùng xảo ngôn để lừa người là lũ nho tiểu nhân và khuyên học trò: “Ngươi làm nho quân tử, không làm nho tiểu nhân” (Luận ngữ: Ung giã, VII). Chỉ để “đối thoại” với lũ nho tiểu nhân mà phải đọc hơn một ngàn trang sách đầy những thuật ngữ chuyên môn khó khăn như Tư bản luận chẳng phải là việc cực kì lãng phí công sức hay sao?”