trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
15.2.2006
Trần Thiên Ý
Nhân đọc Báo cáo chính trị của Ðảng, nói đôi điều cùng Ðông La
 
Ðọc kỹ dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay, chúng ta cảm nhận được một điều gì đó tuy chưa rõ hoàn toàn nhưng rất có thể làm nên sự khác biệt giữa những người cộng sản Việt Nam và những người cộng sản khác. Thoạt tiên, rất nhiều đảng viên ÐCSVN trước khi đến với Đảng đều là những người yêu nước, dám xả thân vì độc lập dân tộc, đáng kính trọng. Vậy cái gì sau đó đã lôi cuốn họ theo chủ nghĩa cộng sản? Niềm tin hay chỉ là ngộ nhận? Trong khi các đảng cộng sản Ðông Âu có đủ điều kiện để khẳng định niềm tin của mình bất chấp sai lầm của Marx và chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì hình như những người cộng sản Việt Nam - và có lẽ không ít trí thức Việt Nam ngày nay - vì một lý do nào đó, vẫn chưa được biết đến những sai lầm này. Họ vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh lịch sử lãnh đạo xã hội để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx, một niềm tin xây dựng trên sự ngộ nhận.

Ngay từ khi con người có ý thức quyền lực là gì, một ít trong số họ đã cố gắng bằng mọi cách chứng minh rằng, chỉ có mình mới được phép nắm quyền, vì đó là ý của Trời, của Chúa và Thánh thần, nghĩa là nằm ngoài ý muốn của con người và vì thế là tất yếu, là định mệnh. Lịch sử cho chúng ta thấy, dù xảy ra ở đâu, vào thời đại nào thì lý do để cầm quyền hay chiếm quyền cũng chỉ là một: thực hiện sứ mạng lịch sử phù hợp với tất yếu lịch sử như là làm theo ý Chúa hay làm Thiên tử „thế thiên hành đạo“. Câu hỏi thực chất ở đây chỉ là: ai xứng đáng làm Thiên tử? Platon, triết gia và nhà tư tưởng nổi tiếng thời cổ Hy Lạp, cho rằng quá trình phát triển xã hội loài người là một quá trình lịch sử được quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài ý muốn, ngoài ảnh hưởng của con người mà ông gọi là quy luật của Chúa. Nghiên cứu sự phát triển xã hội cũng có nghĩa là phát hiện cái quy luật lịch sử ấy, dự đoán tương lai đồng thời chỉ ra lực lượng nào sẽ lãnh đạo xã hội. Phương pháp nghiên cứu xã hội này gọi là phương pháp luận lịch sử. Hàng loạt nhà triết học, tư tưởng sau Platon đều tự đặt cho mình nhiệm vụ tiên đoán lịch sử. Trong số đó có Hegel và tiêu biểu là Karl Marx đã phát triển tư tưởng của Platon trở thành cái mà chúng ta đã được nghe nói đến rất nhiều: Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Bằng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Karl Marx đã nghiên cứu kỹ lưỡng xã hội ông đang sống, cái mà ông gọi là xã hội tư bản phù hợp với những đặc tính do ông phát hiện cho nó, để viết nên tác phẩm Tư bản luận nổi tiếng. Với chủ nghĩa Marx và Tư bản luận, Karl Marx đã hoàn thành tâm nguyện của mình trở thành nhà tiên tri có tiếng nhất trong lịch sử. Những tiên tri của Marx về quá trình phát triển xã hội loài người có thể được tóm gọn trong ba điểm cơ bản sau:

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản với việc ngày càng hoàn thiện kỹ thuật sản xuất sẽ dẫn đến hậu quả là: giai cấp chiếm giữ tư liệu sản xuất, nhà tư bản, cũng có nghĩa là giai cấp thống trị, ngày càng giàu lên đồng thời người công nhân, người vô sản, bị trị , càng ngày càng bị bần cùng hoá.

Hệ quả không thể tránh khỏi của luận điểm trên là: các tầng lớp khác trong xã hội, hoặc là biến mất hoặc ngày càng mất đi vai trò của mình trong xã hội để hoà nhập vào giai cấp công nhân - giai cấp bị trị. Mâu thuẫn đối kháng ngày càng tăng giữa giai cấp vô sản bị trị và giai cấp tư sản thống trị sẽ phải dẫn đến cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân thực hiện.

Giai cấp vô sản sau đó sẽ xây dựng xã hội của mình, một xã hội một giai cấp hay một xã hội không giai cấp và vì thế nó là xã hội không có bóc lột: xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Theo những tiên tri của Marx, chủ nghĩa cộng sản đã ra đời để nhân danh sự tất yếu lịch sử, thực hiện sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản ở một số nước, và như chúng ta thấy, nó đã gây ra những tổn thất không thể lường hết nổi cho nhân loại. Cũng nhân danh tất yếu lịch sử, chủ nghĩa phát xít mà đội tiên phong là Ðảng Quốc xã (đảng của Hitler) đã gây ra tội ác diệt chủng để thực hiện sứ mạng cai trị thế giới của nòi giống Ðức. Vì vậy mối quan tâm đầu tiên của chúng ta phải là: liệu có tồn tại những quy luật lịch sử, nghĩa là những định hướng bất di bất dịch nằm ngoài ý muốn con người cho quá trình phát triển xã hội hay không?

Quy luật như chúng ta quen hiểu, chẳng hạn quy luật vạn vật hấp dẫn, quy luật về sự chuyển động của các hành tinh quanh mặt trời, quy luật chuyển động nhiệt... phải mang những đặc tính sau:

Lặp đi lặp lại không thay đổi trong thời gian vô định và không có khởi đầu, không có kết thúc. Chính nhờ đặc tính này, chúng ta mới có thể dự đoán được các quá trình chịu ảnh hưởng của những quy luật xác định.

Không mang tính đúng hay sai. Chỉ có thể tồn tại hay không tồn tại quy luật mà thôi.

Không thể thay đổi quy luật. Quy luật nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Con người không thể thay đổi được quy luật, họ chỉ có thể thích nghi hoặc sử dụng chúng mà thôi.

Ngược lại, toàn bộ các yếu tố, các quá trình động lực tạo nên và quyết định sự phát triển xã hội loài người như: phép vua, lệ làng, hiến pháp, các bộ luật... quy định cách ứng xử cá nhân và các mối quan hệ xã hội cũng như các yếu tố quyết định hình thành thị trường, quan hệ trao đổi tiền–hàng v.v… mang những đặc tính hoàn toàn khác:

Chúng do con người tạo nên và thực hiện, do đó có khởi đầu và kết thúc và vì thế không có tính tuần hoàn.

Chúng có thể bị thay đổi vào bất cứ lúc nào con người muốn.

Chúng có thể đúng ở giai đoạn này nhưng sai ở giai đoạn khác.

Như chúng ta đã thấy, toàn bộ các yếu tố, các quá trình quyết định sự phát triển của xã hội loài người không mang những đặc tính của quy luật để từ đó có thể chỉ ra sự phát triển tương lai của những quá trình do chúng quyết định. Nói một cách khác: Không có bất kỳ một định hướng sẵn của một thế lực siêu nhiên nào cho sự phát triển xã hội. Con người tự viết nên lịch sử phát triển xã hội của chính mình, một lịch sử không bị bất kỳ một quy luật lịch sử nào chi phối và do đó không bao giờ chấp nhận những ai thực hiện sứ mệnh lịch sử, nhân danh tất yếu lịch sử – nhân danh những gì không tồn tại.

Khi áp dụng tri thức con người trong khoa học tự nhiên vào nghiên cứu xã hội, Marx đã phạm phải sai lầm cơ bản: Ông gán cho những quá trình xã hội có biểu hiện tuần hoàn trong khoảng thời gian giới hạn những đặc tính của quy luật tự nhiên với những tính chất không thay đổi trong thời gian vô hạn. Trong lời nói đầu cuốn Tư bản luận, Marx đề ra cho mình nhiệm vụ: “Phát hiện những quy luật kinh tế của xã hội hiện đại”. Ông viết: “Quy luật thương mại là quy luật tự nhiên”. Phát hiện sai lầm của Marx về quy luật lịch sử và cùng với nó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản có thể hiểu được nếu chúng ta so sánh nó với những cố gắng hoài công từ bao đời nay của không ít nhà khoa học nhằm chế tạo một loại máy chỉ sản sinh năng lượng mà không tiêu tốn năng lượng.

Trên cơ sở sai lầm của Marx, cũng có lẽ là sự ngộ nhận căn bản đầu tiên của ÐCSVN, chúng ta thử phân tích ba điều tiên tri của ông, rất có thể chính chúng sẽ chứng minh một lần nữa sai lầm của phương pháp luận duy vật lịch sử.

Không như Marx tiên đoán, ngày nay giai cấp vô sản không những không bị bần cùng hoá mà còn trở thành có tài sản, được tham gia làm chủ tư liệu sản xuất thông qua việc làm chủ cổ phiếu. Giới chủ ngày nay không chỉ là chủ vốn mà còn là nhà sản xuất – kinh doanh, phải quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm của mình, nghĩa là quan tâm đến người tiêu thụ. Người tiêu thụ ở đây lại chính là người lao động. Mối quan hệ sản xuất này rõ ràng khác xa với mối quan hệ mà Marx mô tả trong Tư bản luận. Sự phát triển quan hệ sản xuất dẫn đến bần cùng hoá theo quy luật đã không xảy ra. Hay nói một cách chính xác hơn, sự phát triển quan hệ sản xuất không mang tính quy luật, nó phụ thuộc vào những thoả thuận giữa giới chủ và người lao động, vào tiến bộ khoa học kĩ thuật, vào thể chế quản lý, nghĩa là phụ thuộc vào những yếu tố có thể bị con người thay đổi vào bất cứ lúc nào.

Hệ quả của sự bần cùng hoá giai cấp công nhân như Marx tiên tri cũng không xảy ra. Các tầng lớp khác, theo quan niệm của Marx, cũng không mất đi để hoà nhập vào giai cấp vô sản. Trái lại, giai cấp vô sản của Marx đã không còn tồn tại trong xã hội hiện đại. Người lao động ngày nay có quyền và có điều kiện để trở thành trí thức, nhà quản lý, nhà tư bản. Mâu thuẫn giữa giới chủ và người lao động đã không trở thành đối kháng để phải giải quyết bằng một cuộc cách mạng như Marx đã nói. Như vậy, quá trình vận động phát triển mâu thuẫn trong xã hội và cả phương thức giải quyết cũng không tuân theo quy luật do Marx phát hiện. Ðơn giản là chúng đều do con người tạo nên và quyết định.

Giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã từng cầm quyền ở một số nước. Liệu xã hội mà họ đang cầm quyền đó có phải là xã hội không có mâu thuẫn giai cấp vì chỉ có giai cấp vô sản hay không và bằng cách đó, những người cộng sản có xây dựng được một xã hội không có bóc lột, cái xã hội mà họ cũng gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa, hay không?

Marx từng viết: “Sự thống nhất và tinh thần đoàn kết - ý thức giai cấp của giai cấp vô sản là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp”. Hệ quả đương nhiên là: Một khi giai cấp tư sản thống trị bị đập tan chỉ còn giai cấp vô sản nắm quyền thì sự đoàn kết và tinh thần thống nhất ấy cũng không còn lý do để tồn tại. Các lãnh tụ cách mạng nắm quyền sẽ dần dần tạo nên giai cấp thống trị mới. Lý tưởng cách mạng cùng sứ mạng lịch sử vốn được sử dụng để bào chữa cho việc chiếm quyền sẽ được tận dụng để chứng minh và bảo vệ việc nắm quyền phù hợp với tất yếu lịch sử của tầng lớp thống trị mới. Thực tế cầm quyền của đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ đã chứng minh rất rõ hệ quả này. Nó cũng cho thấy việc cưỡng bức xã hội phát triển theo “quy luật lịch sử”, nghĩa là theo những gì không có thực, đã gây ra những tổn thất to lớn, những di hại không lường trước được.

Karl Marx tiên tri về sự xuất hiện xã hội xã hội chủ nghĩa với nhà nước chuyên chính vô sản do đảng cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo. Ðiều cần lưu ý ở đây là: giống như mọi nhà tiên tri khác, Marx chỉ có thể đưa ra khái niệm về xã hội tương lai. Bản thân ông cũng không thể cho chúng ta một hình dung xã hội ấy hoạt động như thế nào và mang những đặc tính gì.

Con người luôn mơ ước về một xã hội tốt đẹp, một xã hội hoà bình, tự do, bình đẳng bác ái không có bóc lột. Nhưng ước mơ không thể mang tính quy luật: con người rất có thể không xây dựng được xã hội mà họ ước mơ, chỉ đơn giản là vì những đặc tính của xã hội mơ ước ấy sẽ bị chính con người thay đổi trong tương lai. Marx, với tầm nhìn thấu lịch sử, đã vạch ra rằng, nhà nước là công cụ đàn áp của giai cấp thống trị, và vì vậy trong xã hội của giai cấp công nhân, nhà nước là công cụ trấn áp của chuyên chính vô sản. Sau Marx đã xuất hiện quan niệm khác của F. Lassalle: nhà nước là một tổ chức tích cực của xã hội để bảo đảm các quyền cá nhân, phẩm giá con người và được hình thành thông qua bầu cử dân chủ. Ngày nay, ở phần lớn các nước trên thế giới, trừ những nước độc tài, con người đã quyết tâm thành lập nhà nước theo quan điểm của Lassalle. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn từ khi Marx viết Tư bản luận đến nay, bản chất nhà nước đã thay đổi hoàn toàn theo hướng mà Marx không thể tiên đoán được. Bởi những thay đổi đó, con người đã quyết định không theo quy luật như Marx tưởng tượng.

Quá trình vận động phát triển các đảng phái, một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong lý thuyết của Marx, cũng chứng tỏ ông không đủ thận trọng khi công bố phát hiện của mình về quy luật lịch sử. Từ khi xuất hiện cho đến thời Marx sống, đảng đúng là một tổ chức, một công cụ bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của một nhóm, một tầng lớp, một giai cấp nhất định và vì vậy mang bản chất giai cấp. Nhưng điều này cũng không mang tính quy luật: Ngày nay ở tất cả các nước dân chủ, mọi đảng phái chính trị có ảnh hưởng hoặc muốn ảnh hưởng trong xã hội đều trở thành đảng của toàn dân và điều đó được ghi trong điều lệ đảng. Ngay cả những chính đảng cầm quyền nổi tiếng nhất của giai cấp công nhân như Ðảng Xã hội chủ nghĩa Pháp, Ðảng Xã hội Dân chủ Ðức của thủ tướng Tây Ðức Willy Brandt, Ðảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha (đảng đang cầm quyền), đều đã trở thành đảng toàn dân. Bản chất giai cấp của đảng không còn nữa, hoặc nói theo cách nhìn “quy luật lịch sử” của Marx thì trong xã hội hiện đại không tồn tại các đảng phái chính trị.

Như chúng ta đã thấy, sự phát triển xã hội trong thực tế đã diễn ra không theo một quy luật như qui luật tự nhiên nào cả và hoàn toàn khác với những tiên tri của Marx. Mặc dù vậy, con người vẫn cố gắng xây dựng một xã hội như Marx đã từng mơ ước (dĩ nhiên không phải bằng bạo lực cách mạng). Trong Cương lĩnh cộng sản, Marx đã đề ra 10 yêu sách đối với xã hội tư bản, đồng thời cũng là 10 mục tiêu của xã hội mới nếu đảng cộng sản nắm quyền. Ngày nay, ở tất cả các nước dân chủ, tức là những nước tư bản chủ nghĩa mạnh nhất theo cách nhìn của Marx, hầu hết 10 mục tiêu này đều được hoàn thành, thậm chí còn hoàn thành vượt mức. Chẳng hạn:

  • Ðánh thuế thu nhập luỹ tiến theo mức tăng thu nhập
  • Bãi bỏ quyền thừa kế (thông qua việc đánh thuế thừa kế rất nặng)
  • Nhà nước kiểm soát ngành giao thông, bưu điện
  • Nhà nước làm chủ các xí nghiệp lớn, tư liệu sản xuất (mới được thực hiện ở những nước nhỏ như Thuỵ Điển, Na Uy... Nhưng tại các nước khác lại đang tư hữu hoá các xí nghiệp nhà nước do không đem lại hiệu quả kinh tế)
  • Mọi trẻ em đều được giáo dục miễn phí. Không bắt trẻ em làm việc trong xí nghiệp (vượt mức)
  • Ngày làm 8 tiếng, một tuần làm việc 6 ngày (vượt mức)
Ngoài ra các nước này còn thực hiện hàng loạt các biện pháp khác nhằm bảo đảm đời sống người lao động như: trợ cấp bảo đảm mức sống tối thiểu, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp về hưu, bảo hiểm sức khoẻ, luật chống sa thải ...

Ðó là những thành quả mà ngay cả Marx cũng không hình dung nổi. Bởi vậy, những người theo chủ nghĩa Marx hiện nay chỉ còn một lý do duy nhất để không công nhận các nước trên là các nước xã hội chủ nghĩa theo cách nhìn của Marx: ở đó toàn bộ ruộng đất không nằm trong tay nhà nước.

Con người, như lịch sử đã cho thấy, đã phải trải qua những thử nghiệm cay đắng, đầy máu và nước mắt mới nhận ra sự thật là: Không phải ai khác mà chính họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự phát triển xã hội loài người. Và họ đều bình đẳng như nhau trước lịch sử, không ai có quyền nhân danh cái gì đó để lãnh đạo, để chỉ định hướng đi của lịch sử.

Nếu những ngộ nhận của ÐCSVN về sứ mạng lịch sử của mình, về sự đúng đắn của chủ nghĩa Marx, có thể là quyền, là công việc riêng của Đảng, thì ngộ nhận thứ ba: sự ngộ nhận cho rằng, chỉ có chủ nghĩa Marx và cùng với nó là quan niệm về chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản, mới có thể đem lại cho dân tộc Việt Nam một cuộc sống ấm no hạnh phúc, lại không thể là việc riêng được. Không tỉnh ngộ, ÐCSVN sẽ phản bội lại chính cội rễ của mình là chủ nghĩa dân tộc - yêu nước, mà nhờ nó Đảng từng có sức mạnh, nhờ nó Đảng vẫn còn được hưởng lòng khoan dung của dân tộc. Còn chúng ta? Nếu đã trót là trí thức, chúng ta không có quyền ngộ nhận lâu như Ðảng được.

Sài Gòn 09.2.2006

© 2006 talawas