trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
9.4.2008
Adam Tanner
Biểu tình trước ngày rước đuốc Olympic qua San Francisco
Hoài Phi dịch
 
Vài trăm người ủng hộ Tây Tạng diễu hành trên đường phố San Francisco để chỉ trích Trung Quốc một ngày trước khi ngọn đuốc Olympic qua thành phố này.

“Trung Quốc thật đáng xấu hổ”, những người biểu tình hô khẩu hiệu. Nhiều người trong số họ giương cờ Tây Tạng cùng các biểu ngữ trong khi diễu hành. Họ cũng biểu tình trước cửa lãnh sự quán Trung Hoa.

Thị trưởng thành phố San Francisco, Gavin Newsom, cho biết ông đã liên lạc với các quan chức Pháp và Anh để hỏi kinh nghiệm ứng phó với những người biểu tình.

“Ðiều khiến chúng tôi quan ngại chẳng làm ai ngạc nhiên cả. Chỉ cần xem băng ghi hình 48 giờ vừa qua là đủ rõ”, Newson nói. Ông ám chỉ những thước quay cảnh biểu tình làm gián đoạn các cuộc rước đuốc qua Paris và London.

“Tôi hiểu được mức độ thách thức (của các cuộc biểu tình) liên quan đến sự kiện này”, thị trưởng Newson nói.

Nhiều nhóm hoạt động vì nhân quyền đã huy động các ủng hộ viên tới San Francisco. Ðây là thành phố duy nhất ở Mỹ mà ngọn đuốc Olympic ghé qua trên con đường tới Bắc Kinh vào tháng Tám năm nay. Việc chống đối bao gồm cả về sự thống trị của Trung Hoa ở Tây Tạng, lẫn các chính sách của Bắc Kinh đối với những vấn đề ở Darfur và Miến Ðiện. Ngoài ra, cũng có những nhóm phản đối về các vấn đề khác, chẳng hạn như việc ngược đãi thú vật.

Tài tử điện ảnh Richard Gere và Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, người đã từng đoạt giải Nobel Hoà bình vào năm 1984, đều có mặt tại buổi lễ cầu nguyện cho Tây Tạng vào đêm trước ngày rước đuốc.

Theo lời Tổng Giám mục (nay đã nghỉ) Tutu nói với các phóng viên, “Những điều mọi người đang làm thật tuyệt.” Ông đề cập tới ba người biểu tình thân Tây Tạng. Vào thứ Hai vừa rồi, họ đã leo lên dây cáp tít trên cao Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) để treo biểu ngữ.

Người ta đã biểu tình tại những cuộc rước đuốc ở Hy Lạp, Anh và Pháp.

Tutu nói với Hội đồng Sự vụ Thế giới (World Affairs Council) của San Francisco tuy ông không kêu gọi tẩy chay Olympic để chống lại hành động đàn áp của Trung Quốc trước những xung đột ở Tây Tạng, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới không nên tham dự Thế vận hội.

Khi bình luận về bạo lực ở Tây Tạng, ông nói, “Có những lúc ta thấy sắp trào nước mắt.”

Các cuộc biểu tình dự định diễn ra tại cuộc rước đuốc vào ngày thứ Tư đã khiến một số người trong cộng đồng Hoa kiều khá lớn của San Francisco bực bội. Nhiều người trong số đó tự hào là sự kiện thể thao toàn cầu này sẽ diễn ra tại tổ quốc của họ.


Sự kiện chính trị

Tài tử Richard Gere, Chủ tịch Phong trào Vận động Quốc tế cho Tây Tạng (International Campaign for Tibet), nói rằng chính (nhà cầm quyền) Trung Quốc đã biến việc rước đuốc thành một sự kiện chính trị.

Ông nói với Reuters, “Việc này có thích hợp không? Theo tôi, chắc chắn là thích hợp, nếu bạo lực không xảy ra. Rõ ràng đây là thời điểm mà Trung Quốc muốn được có mặt trong các liên minh lớn… Họ đã chính trị hoá sự kiện này một cách lạ thường. Theo tôi, nếu họ không đóng cửa Everest và quyết định rước đuốc qua Tây Tạng, những cuộc biểu tình này hẳn đã không xảy ra.”

Các nhà hoạt động chính trị và xã hội ở Argentina cho biết họ dự định có những hành động gây bất ngờ tại Buenos Aires khi đuốc được rước qua thành phố này vào ngày thứ Sáu. Tại một cuộc họp báo, những người tổ chức cho biết họ sẽ không cố dập tắt ngọn đuốc như những người biểu tình tại Paris và London đã làm.

“Chúng tôi sẽ không dập tắt đuốc Olympic”, nhà hoạt động thân Tây Tạng Jorge Carcavallo tuyên bố. “Chúng tôi sẽ có những hành động gây bất ngờ trên toàn thành phố Buenos Aires, nhưng tất cả sẽ diễn ra trong hoà bình.”

Tại Washington, vào tối thứ Ba, Hạ nghị viện Mỹ sẽ tranh luận về một phương sách không ràng buộc (non-binding measure), kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các cuộc đàn áp ở Tây Tạng. Phương sách này cũng khuyến khích chính phủ Trung Hoa có những cuộc trao đổi trực tiếp với Dalai Lama để tìm ra giải pháp nhằm tôn trọng văn hoá, bản sắc tôn giáo và “những quyền tự do cơ bản” của Tây Tạng.

Khi được hỏi là liệu Bush có cân nhắc việc tẩy chay lễ khai mạc Olympic theo đề nghị của Thượng nghị sĩ Hilary Clinton, ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ hay không, bà Dana Perino, phát ngôn viên của Nhà trắng, cho biết thời gian biểu của Bush chưa được ấn định.

Theo bà Perino, “Vấn đề then chốt mà một tổng thống có thể làm được trong vai trò là tổng thống của Hoa Kỳ trước, trong và sau Thế vận hội, là thúc đẩy mạnh việc tăng cường quyền con người, tự do báo chí và tự do chính trị ở Trung Quốc.”

Khi bị hỏi thêm là liệu quyết định tham dự khai mạc Olympic của Bush có bị sự phát triển của các sự kiện ảnh hưởng không, bà cho biết, “Tổng thống luôn có thể thay đổi (quyết định). Nhưng tổng thống đã bày tỏ rõ ràng rằng đây là một sự kiện thể thao dành cho các vận động viên, và việc gây áp lực với Trung Quốc trước, trong và sau Thế vận hội là cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ người dân khắp Trung Hoa, bao gồm cả người Tây Tạng.”

Bản tiếng Việt © 2008 talawas