trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
18.10.2007
La Thành
Học thuật và văn hoá
 
Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã. [1]
— Khổng Tử

The learning and knowledge that we have, is, at the most, but little compared with that of which we are ignorant. [2]
                                                  — Plato

1.

Vào năm 1987, trong khi nước Ba Lan xã hội chủ nghĩa đang chao đảo bởi những hoạt động của công đoàn độc lập Solidarność, từ phương Tây — nơi mà thông tin ít nhất cũng đa chiều, đa lượng và được tự do trao đổi hơn nhiều so với phần thế giới do Liên Xô và/hoặc Trung Quốc đứng đầu —, Ernest van den Haag vẫn viết về Marx: “Những giáo lý của ông hiện đang thống trị một bộ phận ngày càng hùng mạnh của thế giới...” [3] ; còn triết gia Antony Flew thì nhận xét: “Một số lượng đáng kể và ngày càng đông những người tự xưng là các chuyên gia khoa học xã hội đã tuyên bố sự gắn bó của mình với những lý thuyết và phương pháp được sùng tín rộng rãi của một bậc tiền bối thế kỷ XIX” (là Karl Marx). [4] Trước đó, khi quan sát chủ nghĩa toàn trị Xô-viết, lý thuyết gia về khoa học chính trị Bertram Wolfe — một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Mỹ — đã nhận định rằng xã hội Xô-viết là “một hệ thống chính trị kiên cố và trì cửu khống chế một xã hội đã hoàn toàn bị nghiền vụn hoặc bị nguyên tử hoá,” một yếu tố sẽ bảo đảm loại trừ mọi sự bùng nổ từ bên trong và ngăn chặn mọi sự công phá từ bên ngoài. [5] Dẫn ra những tư liệu này, tôi chỉ muốn nói rằng vào thời điểm năm 1987, một dự ngôn hết sức dè dặt như của van den Haag — “... có lẽ Đông Âu đang cung cấp cho thế giới một bài học mà nó không chắc sẽ bị bỏ qua” — mà được ứng nghiệm chóng vánh chỉ sau ba, bốn năm thì hoàn toàn xứng đáng là một trong những tiên đoán có tầm vóc thời đại.

Về hiện tượng sùng bái Marx của một bộ phận giới khoa học xã hội, Antony Flew viết tiếp: “Một điều còn kỳ dị và đáng lưu tâm nhiều hơn là sự tôn sùng (Marx) đã được khuếch trương vượt qua cả những giới hạn rộng rãi của một lĩnh vực học thuật: trong trường hợp độc nhất vô nhị này, tất cả các công trình của tác gia kia (tức Marx) về mọi chủ đề, cũng như những đường lối chính trị của ông ta, đều được đối xử cùng một cách kính cẩn, và đều được trích dẫn như những căn cứ có thẩm quyền...” [6] A. Flew cũng chỉ ra rằng hiện tượng như vậy không được quan sát thấy trong, chẳng hạn, các khoa học tự nhiên, bao gồm những môn khoa học được xây dựng một cách mô phạm, chuẩn mực, với sự đóng góp của những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, như vật lý học, toán học, sinh học, v.v... Mọi người có thể tự đánh giá xem các phát minh khổng lồ của những nhân cách khoa học vô song như Charles Darwin — mà có lần Engels đã đem Marx ra so sánh —, Isaac Newton hay Albert Eistein đã đem lại những gì cho nhân loại, và những tri thức về tự nhiên do họ cung cấp nếu sai lầm thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống con người. Vậy mà các danh nhân này đâu có gây được những tình cảm tôn sùng tử hậu hiếu trung nơi những môn đồ của họ như mức Marx từng và đang được hưởng, hoặc được tán dương như cách mà tác giả bài viết “Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx” đã lập ngôn khi nói về Marx? Lý do của sự bất đối xứng về cách thức và mức độ tôn vinh này cũng đã được nhiều người chỉ ra, song chúng ta hãy tạm gác đề tài này lại cho một dịp khác. Điều cần nói là hiện tượng sùng bái cá nhân Marx (mà về sau đã trở thành một quy luật tệ hại ở tất cả các quốc gia có nhà nước đi theo chủ nghĩa Marx) đã thực sự biến di sản của con người trần tục này thành một thứ ‘tôn giáo không có chúa trời’ (godless religion, dụng ngữ của A. Flew).

Câu hỏi đặt ra là tại sao một bộ phận của giới trí thức vẫn tiếp tục giãi bày tình cảm son sắt với chủ nghĩa Marx? Lời giải thích có lẽ thuộc phạm trù tâm lý học. Từ cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Mỹ Eric Hoffer đã chỉ ra rằng nhiều phong trào đại chúng — trong đó có chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Quốc xã, các tôn giáo, v.v... — thường có được một số tín đồ trung thành (true believer). Các tín đồ này chân thành đặt niềm tin vào một tương lai xán lạn được giáo lý hoặc chủ thuyết hứa hẹn (thiên đường của Ki-tô giáo, niết bàn của Phật giáo, không gian sinh tồn cho chủng tộc siêu đẳng Arian của chủ nghĩa Quốc xã, xã hội cộng sản ‘làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’ của chủ nghĩa Marx,...). Những triển vọng này hoàn toàn hư ảo và vô căn cứ nhưng có giá trị bù đắp lại sự thất vọng của họ trước thực tại. [7]

Nhà văn gốc Hungary và cựu đảng viên Đảng Cộng sản Đức (KPD) Arthur Koestler thì chỉ ra rằng những hệ thống như chủ nghĩa Marx thường có ba đặc thù: (1) tự cho mình đại diện cho một chân lý phổ quát, có khả năng giải thích được mọi điều và khắc phục được mọi khiếm khuyết; (2) có xu hướng tự động xử lý mọi “dữ liệu nguy hiểm”, gây nghi hoặc và phản tỉnh, bằng những lý lẽ bao biện lắt léo đánh vào tình cảm hoặc nhân phẩm của chủ thể nghi ngờ song hoàn toàn man trá về lô-gích; (3) có xu hướng vô hiệu hoá các phê phán nhằm vào mình bằng cách suy diễn và áp đặt cho sự phê phán một động cơ chủ quan, rồi sử dụng động cơ này như một lý lẽ để phản bác. [8]

2.

Tuy nhiên, không ít khi một công cụ lợi hại lại đồng thời là con dao hai lưỡi. Có lẽ để tránh tự mình trở thành đồng mục tiêu của miếng võ bí truyền thứ ba trên đây, trong phần đầu của bài viết “Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx”, tác giả Trần Thiện Huy đã dụng công rào đón kỹ lưỡng rằng mình “không phải người Marxist, ... không tôn sùng Marx...”, “người giữ thái độ trung dung trong văn hoá”, v.v... Cứ tạm tin lời Trần Thiện Huy đi, vậy thì với bài viết dài tới hơn 8600 âm tiết của mình, Trần Thiện Huy đã làm cái việc “không hưởng ứng” và “phê bình” (tôi dùng chính những từ ông đã tự chọn để mô tả hành động của mình) 5 trước tác mà ông gọi là sự phản biện đối với tư tưởng của Marx — một tư tưởng mà ông “chưa hề bị hấp dẫn, và nhất là không dùng làm khuôn mẫu để quan niệm cuộc sống” — để nhắm tới đích nào trong các khả năng sau đây: (1) ông làm việc nghĩa, mang tính chất từ thiện (ông không theo Marx, nhưng ông bất bình vì thấy Marx và những người Marxist bị đối xử không công bằng nên quyết định xắn tay áo lên che chở)? (2) ông chấn chỉnh văn hoá và/hoặc bảo vệ học thuật, những điều mà ông không e dè biểu tỏ?

Trước hết cần có một nhận xét: trong suốt bài viết của mình, Trần Thiện Huy đã cố ý tránh để những nhóm từ “chủ nghĩa Marx” hoặc “tư tưởng Marx” đi liền với những từ như “chân lý” hoặc “đúng đắn”, nhưng lại răn dạy “hãy nói những gì thật sự thuộc về Marx”. Thực ra, trong cách hiểu rộng rãi, thuật ngữ “chủ nghĩa Marx” phải bao gồm — trong một giới hạn tương đối có thể thoả thuận được — cả những phát biểu và trước tác của bản thân Marx, cả những diễn dịch hậu trước tác của những người Marxist. Vì vậy, sự phê phán hay phản biện chủ nghĩa Marx đương nhiên không đồng nhất với — mà bao gồm — việc phê phán [những trước tác và phát biểu của] bản thân Karl Marx. Thế còn theo Trần Thiện Huy, “những gì thật sự thuộc về Marx” có nội hàm như thế nào? Theo kinh nghiệm của tôi, khẩu hiệu “hãy trả lại cho Marx những gì thật sự thuộc về Marx” lâu nay đã bị những biện luận bảo vệ chủ nghĩa Marx lợi dụng và lạm dụng, trong nỗ lực phủ nhận các dữ liệu bất lợi hiển nhiên đã và đang chống lại chủ nghĩa này. Kỹ thuật tranh biện này phải trả giá bằng việc nội dung của khái niệm “những gì thật sự thuộc về Marx” đang bị thu hẹp nhanh chóng, tỷ lệ nghịch với sự gia tăng cũng hết sức nhanh chóng của “các dữ liệu nguy hiểm”. “Sự thảm hại...” của Trần Thiện Huy đã củng cố cho tôi kinh nghiệm này.

Giả định Trần Thiện Huy ra tay vì chữ nghĩa không đứng vững, bởi lẽ từ thiện là hành vi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tương đối so với người khác, nghĩa hiệp là cử chỉ bênh vực những kẻ có thế lực thua kém tương đối so với kẻ khác. Tuy nhiên, trong tình huống hiện kim, năm (5) công trình phản biện Marx, đăng trên một diễn đàn liên mạng bất vụ lợi đang “được” nhà đương cục Việt Nam chăm sóc chu đáo bằng tường lửa, nếu so sánh với hàng trăm, hàng nghìn bài viết, ấn phẩm tán thành Marx được tự do đăng / in / xuất bản bởi các báo giấy / báo điện tử / nhà xuất bản sử dụng kinh phí nhà nước và kinh phí quảng cáo như Nhân Dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia — chưa kể đến những nội dung tương tự hoặc liên quan được in / đăng / phát thanh / truyền hình hằng ngày bởi trên sáu trăm cơ quan truyền thông đại chúng do ‘nhà nước - Đảng’ kiểm soát, được giảng và học bắt buộc trong 15 phần trăm thời lượng của các khoá đào tạo đại học, được tuyên truyền trong mọi hoạt động cả chính sự lẫn dân sự —, thì ai đang là thiểu số tuyệt đối và ở thế yếu tuyệt đối so với ai đây? [9]

(Nhân thể, xin hỏi Trần Thiện Huy: giữa một bên là một diễn đàn bất vụ lợi như talawas và bên kia là [tất cả] các cơ quan truyền thông nhà nước — tồn tại hoặc nhờ tiền thuế thu từ hoạt động kinh tế hằng ngày của đất nước, hoặc nhờ lệ phí quảng cáo, hoặc bằng cả hai nguồn —, bên nào đáng được gọi là “truyền thông thương mại”?)

Ức thuyết rằng Trần Thiện Huy muốn chấn chỉnh văn hoá cũng chắc chắn gây tranh cãi, bởi ngay cả khi tạm thời chấp nhận rằng Marx không cần phải gánh trách nhiệm về những việc làm của hậu thế — dù là thành thực thi hành những thiên mệnh do chính Marx khải dụ hay chỉ là nhân danh Marx —, vậy ý thức văn hoá nào đã ngăn cản Trần Thiện Huy cật vấn chính những kẻ đã và đang gọi tên Marx để hành động chứ không để phê phán?

Còn nếu Trần Thiện Huy nói rằng ông đang đứng ra cứu tế học thuật, thì tôi xin thảo luận tiếp cùng ông, tạm thời chỉ trên những bình phẩm của ông về bài “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx” của tác giả Ernest van den Haag, mà tôi dự phần trách nhiệm ở chỗ đã lựa chọn và chuyển ngữ sang tiếng Việt phục vụ độc giả talawas.

3.

Hoàn toàn không giống như cách Trần Thiện Huy bắt mạch nội dung bài báo “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx” — rằng bài báo “chỉ có hai điểm chính” —, bài của van den Haag được bố cục thành sáu phần rành mạch, mỗi phần đề cập một luận điểm hoặc bộ phận cốt tử của chủ nghĩa Marx:

  1. Nhận định khái quát về luận điểm ‘tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản’ của Marx. Nhận định khái quát về tính chất giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx.

  2. Phản biện học thuyết về sự phân chia các giai cấp xã hội của Marx và luận điểm của Marx ‘lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp’.

  3. Phản biện luận điểm của Marx ‘lịch sử được thúc đẩy bởi các lực lượng kinh tế’.

  4. Phản biện học thuyết kinh tế Marxian về nguồn gốc sức lao động của giá trị và giá trị thặng dư.

  5. Phê phán hậu quả thực chứng của chủ nghĩa Marx trong chủ nghĩa xã hội hiện thực, điển hình là ở Liên Xô.

  6. Phản biện về tính ảo tưởng và giả dối (và do đó, giả khoa học) của các mô hình xã hội - kinh tế xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Dự báo về tương lai của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội hiện thực (tại thời điểm năm 1987).
Về thắc mắc của Trần Thiện Huy, “người đọc... đòi hỏi một giải thích tối thiểu về tính cách khoa học, và nếu có thể, giả khoa học theo ý người viết. Có như thế người ta mới lãnh hội được là khoa học thật thì phải thế nào và lý thuyết của Marx ‘giả khoa học’ (pseudo-scientific) ra sao,” rất tiếc Trần Thiện Huy đã bỏ qua không để ý đến những câu sau đây trong bài báo của van den Haag:

“Tuy nhiên, các tín đồ của Marx không thể cho biết họ sẽ thừa nhận Marx sai, hoặc đã từng sai, trong những điều kiện nào. Thế nhưng một lý thuyết vẫn có thể tiếp tục đúng bất chấp những gì đã diễn ra chỉ khi nào nó không bao hàm những tiên đoán khả dĩ được kiểm nghiệm. Đây là trường hợp của Marx.”

Chẳng lẽ những câu này không gợi cho Trần Thiện Huy một ý tưởng nào sao? Trên bình diện triết học, một lý thuyết là lý thuyết khoa học phải đáp ứng những điều kiện tối thiểu sau đây: (a) lý thuyết đó phải có khả năng đưa ra những dự báo, tức những hệ quả có thể kiểm nghiệm được, ít nhất là về nguyên tắc, và (b) lý thuyết đó chỉ có thể đúng một cách có giới hạn, hay nói cách khác, nó luôn luôn phải đứng trước thách thức bị bác bỏ trong những điều kiện nào đấy. Để minh hoạ, ta hãy xét làm thí dụ một lý thuyết trong vật lý học — cơ học cổ điển (hay cơ học Newton): (a) dựa vào chính những định luật của cơ học cổ điển, chúng ta đang hằng ngày tính toán thiết kế ô-tô, máy bay, dự báo thời điểm và vị trí có thể quan sát nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, v.v...; sự tính toán thiết kế các phương tiện cơ giới phải được kiểm nghiệm bằng việc các phương tiện đó khi vận hành có thoả mãn ý đồ đã dự kiến lúc thiết kế hay không; sự dự báo các sự kiện thiên văn phải được kiểm tra bằng việc các sự kiện đó có thực sự xảy ra vào thời điểm và tại vị trí đã dự báo hay không; (b) các thực nghiệm vật lý trước và trong thế kỷ XX đã chỉ ra rằng cơ học cổ điển chỉ cho các kết quả (tính toán, dự báo) chính xác trong giới hạn các vận tốc nhỏ [không đáng kể] so với vận tốc ánh sáng, và trong giới hạn các kích thước vật thể không dưới 10–10 (một phần mười tỷ) mét. Nói cách khác, ở ngoài những giới hạn này, cơ học cổ điển đã bị thực nghiệm bác bỏ (và bị thay thế bởi những lý thuyết cơ học mới). [10] Mặc dầu vậy, cơ học Newton vẫn có đầy đủ tư cách của một lý thuyết khoa học bên trong giới hạn đúng đắn của mình. Việc lý thuyết bị trở thành sai ở ngoài giới hạn mà nó còn hiệu nghiệm không hề làm giảm giá trị của nó, trái lại việc phát hiện ra giới hạn đúng của lý thuyết đã bổ sung cho nó thông tin về phạm vi ứng dụng, đồng thời thúc đẩy việc phát triển những lý thuyết mới có phạm vi ứng dụng rộng hơn.

Có thể tồn tại những lý thuyết không thể bị bác bỏ bằng bất cứ cách nào. Khi đó, lý thuyết (a) chỉ là sự mô tả hay liệt kê những “chân lý phẳng”, “tự minh chi lý”, luôn luôn đúng một cách tầm thường và (b) không có khả năng được diễn dịch ra các hệ quả hoặc phán đoán khả dĩ thực kiểm, do đó vô căn cứ và/hoặc không có thông tin về giới hạn áp dụng. Những lý thuyết đúng vô hạn nhưng vô căn cứ này là những lý thuyết giả-khoa-học. Hai thí dụ có thể lấy ngay được về những lý thuyết loại này là những giáo lý thần học về sự tồn tại của thượng đế và khoa tử vi. Thí dụ thứ ba, tiếc thay, lại chính là chủ nghĩa Marx, ở trạng thái nó đang được Nguyễn Đức Bình và Trần Thiện Huy bảo vệ như hiện nay. Theo Nguyễn Đức Bình thì

“Những sai lầm chủ quan... là nguyên nhân sâu xa làm chế độ xã hội chủ nghĩa suy yếu, cuối cùng rơi vào khủng hoảng. Ðó không phải những sai lầm, khuyết tật do bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lênin sinh ra, trái lại do quan niệm giáo điều, chủ quan duy ý chí đi ngược lại tinh thần biện chứng, ‘linh hồn sống’ của chủ nghĩa Mác - Lênin.” [11]

Còn theo Trần Thiện Huy,

“tại sao chủ nghĩa Marx nguyên chất lại phải gánh trách nhiệm vì những lỗi lầm — nếu có — của chủ nghĩa Bolshevik, thuần tuý là một cương lĩnh chính trị?”

Tóm lại, theo cả Nguyễn Đức Bình và Trần Thiện Huy, tất cả những sai lầm, thất bại trong quá khứ đều không thuộc về chủ nghĩa Marx toàn nguyên. Chủ nghĩa Marx “nguyên chất” luôn luôn đúng đắn, không chịu bất cứ giới hạn nào, và bất khả bác. Hai ông có thể đã thành công, chỉ có điều phải trả giá bằng cách hy sinh tính-có-thể-bị-bác-bỏ, tiêu chuẩn để chủ nghĩa Marx là một khoa học. Tôi không bịa ra tiêu chuẩn này, thuật ngữ triết học tương ứng với nó là tiêu chuẩn Popper về tính-có-thể-sai (hay tính-khả-nguỵ, falsifiability) của một lý thuyết khoa học. [12]

Nhưng ông có sự bất nhất trong bài viết đấy, Trần Thiện Huy ạ: ở một chỗ khác, ông lại thừa nhận rằng Marx “bất toàn” và đã được những người Marxist khắc phục, “thậm chí sửa chữa cả một định đề khá căn bản do Marx đặt ra.” Ông phải lựa chọn thôi: hoặc để tư tưởng Marx đúng một cách hạn chế và có-thể-sai, nhưng hội đủ điều kiện của một lý thuyết khoa học, hoặc không muốn thấy Marx sai lầm, đồng nghĩa với việc biến lý thuyết của Marx trở thành môn thần học.

Còn việc ông chữa cháy cho Marx bằng cách nói rằng “những dự đoán của Marx... không có gì liên quan đến khoa học cả, mà là những dự đoán thuộc về lịch sử” thì vừa làm hại Marx (theo cách tôi vừa chỉ ra ở trên), vừa tự hại chính mình đấy: các dự đoán, với tư cách là kết quả của một quá trình diễn dịch từ lý thuyết, phải là những kết luận khoa học của chính lý thuyết chứ, sao lại “không liên quan đến khoa học” và “thuộc về lịch sử”? Tính học thuật trong lập luận này nằm ở đâu?

4.

Phần bài viết bảo vệ học thuyết giá trị thặng dư của Trần Thiện Huy chứa đựng duy nhất một lập luận, tiếc thay lại sai về lô-gích một cách sơ đẳng, còn lại chỉ là những phán đoán áp đặt, thiếu hụt về kiến thức, thô vụng về tư duy và/hoặc tối nghĩa về diễn đạt. Hãy xét lập luận sau đây của Trần Thiện Huy chỉ đơn thuần về hình thức lô-gích:

“[Không cần học kinh tế cũng biết] giá trị thặng dư được sản xuất ra mỗi ngày, trong khi người chủ chỉ bỏ tư bản ra một lần. Vậy cái gì xảy ra mỗi ngày để tạo nên giá trị thặng dư? Chính là sức lao động.”

Lập luận vừa nêu là sự diễn xuôi của tam đoạn luận tường minh sau:

sức lao động (S) “xảy ra” mỗi ngày; (tiền đề)
giá trị thặng dư (P) “được sản xuất ra” mỗi ngày; (tiền đề)
do đó, [chính là] sức lao động (S) tạo nên giá trị thặng dư (P). (kết luận)

Mọi người có thể thấy rằng chỉ cần thay thế ít nhất một trong hai thuật ngữ S và P trong tam đoạn luận trên bằng một (hoặc những) thuật ngữ phù hợp với vị ngữ của các tiền đề (“xảy ra” hoặc “được sản xuất ra” mỗi ngày), chúng ta sẽ thu được ngay một kết luận không luôn luôn chân thực, thậm chí khá buồn cười. Chẳng hạn, hãy thử thay S = ‘nạn kẹt xe’ và/hoặc P = ‘phim sex’. Vấn đề là ở chỗ, những cái xảy ra mỗi ngày và/hoặc những cái được sản xuất ra mỗi ngày rất có thể không có mối liên hệ nào với nhau, chưa nói đến cái này có thể tạo nên cái kia.

Trong thực tế, có những cái đang hiển nhiên “xảy ra mỗi ngày” và thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thặng dư mà cả Karl Marx, cả Trần Thiện Huy đều không tính đến, đó là — chẳng hạn — thời gian (một thí dụ điển hình là sự tích luỹ của thời gian trong giá trị của các cổ vật), sự co dãn của cung và cầu (nếu cầu vượt cung, giá trị của mặt hàng lập tức gia tăng không phụ thuộc vào lượng lao động đã được cụ thể hoá vào sản phẩm trước đó; và ngược lại). Ngoài ra, lý thuyết sức lao động về giá trị nói chung và khái niệm giá trị thặng dư nói riêng còn thất bại trong nhiều tình huống kinh tế học khác, trong khi chúng lại được một học thuyết phi-Marx về giá trị cung cấp những giải đáp thấu đáo, như sẽ chỉ ra ở phần sau.

Lý thuyết giá trị (theory of value) là bộ phận trung tâm của mọi hệ đồ kinh tế học. Theo giới kinh tế gia chủ lưu (mainstream economists) — dĩ nhiên, trong đó không có các nhà kinh tế học Marxist —, một lý thuyết lý tưởng về giá trị phải là một lý thuyết cho phép giải quyết những vấn đề trọng yếu sau đây của kinh tế học:

  • Vấn đề nguồn gốc của giá trị, xác định cơ chế của mối quan hệ nhân quả giữa giá trịgiá trị trao đổi.

  • Vấn đề phân phối thu nhập, nhận biết những nhân tố của hệ thống kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phân chia lợi nhuận (hay giá trị thặng dư, trong hệ thuật ngữ của Marx). Vấn đề này bao hàm trong nó bài toán về tiền lương và, cùng với vấn đề trên, nằm trong phạm trù kinh tế học vi mô.

  • Vấn đề tăng trưởng kinh tế, tìm câu trả lời cho câu hỏi những lực lượng nào khả dĩ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là bài toán thuộc phạm trù kinh tế học vĩ mô.
Lý thuyết sức lao động về giá trị (labour theory of value, LTV) — được Adam Smith và David Ricardo sáng lập, rồi được Karl Marx kế thừa và phát triển thêm khái niệm giá trị thặng dư — có lẽ là nỗ lực lý luận có hệ thống đầu tiên trong nhiệm vụ giải quyết những vấn đề nêu trên. Coi sức lao động tạo ra sản phẩm là nguồn gốc quyết định giá trị — và là nguồn gốc duy nhất của giá trị thặng dư — của sản phẩm, LTV thuộc về nhóm các lý thuyết nội tại — hay khách quan — về giá trị (intrinsic / objective theories of value), chủ trương rằng giá của sản phẩm (hàng hoá hoặc dịch vụ) được dung nạp hay cố hữu trong bản thân sản phẩm một cách khách quan, và là một hằng lượng không phụ thuộc vào các phán xét chủ quan của người tiêu dùng, không co dãn theo nhu cầu thị trường, quá khứ thời gian và nhiều nhân tố phi nội tại khác. [13]

Không có bất cứ khó khăn nào trong việc đưa ra những phản minh hoạ cho các lý thuyết nội tại về giá trị nói chung, và cho lý thuyết sức lao động về giá trị nói riêng, trong vấn đề nguồn gốc của giá trị. Thí dụ hiển nhiên nhất là sự thăng giáng của giá — nhiều khi với biên độ cực lớn — của cùng một mặt hàng đã sản xuất ra, cũng tức là của cùng một “lượng sức lao động xã hội thiết yếu” đã kết tinh, khi cung và cầu co dãn. Tôi hoàn toàn không hiểu, khi Trần Thiện Huy viết

“Nền kinh tế của sự khan hiếm không quyết định được giá trị thặng dư, vì rõ rệt là khi hiệu suất hoặc sự có mặt của hàng hoá trên thị trường giảm xuống, thì giá cả sẽ tăng lên.”

ông đã sử dụng khái niệm giá trị thặng dư theo căn cứ học thuật nào của “Marx nguyên chất”? Hay ông muốn đưa ra một định nghĩa mới về giá trị thặng dư, để “trả lại cho Marx những gì thật sự thuộc về Marx”?

Những tình huống khác phản bội học thuyết sức lao động về nguồn gốc của giá trị và giá trị thặng dư có rất nhiều. Khi đong đếm những nhân tố tổ thành giá trị, ngoài độ thích ứng giữa cung và cầu, lý thuyết này cũng bỏ qua — chẳng hạn — tầm quan trọng của thời gian và không gian. Một chai cognac 20 tuổi hoặc một chiếc bình gốm 200 tuổi hẳn là có giá trị hơn nhiều so với chai cognac một tuổi hay một chiếc bình được sao y hệt bình gốm cổ, nhưng chỉ mới được làm gần đây; trong khi đó, những mặt hàng như tin tức hay dịch vụ giải trí thì lại chỉ có giá trị khi chúng đáp ứng người tiêu dùng ngay khi họ nảy sinh nhu cầu, chứ không phải sau một thời gian. Những chiếc áo kimono rất sang trọng và đắt tiền ở Nhật Bản, song không thể được tổ chức sản xuất ở châu Âu hoặc nhiều nơi khác trên thế giới với cùng chi phí, để cung cấp cho thị trường như là thứ y phục phổ biến thường ngày hay ngay cả lễ phục; lý do: không thích hợp về không gian văn hoá. Tương tự, thịt lợn và những thực phẩm chế biến từ chúng là những sản phẩm có giá trị bình thường trong các xã hội Thiên Chúa giáo, song lại hoàn toàn vô giá trị giữa một cộng đồng Do Thái giáo... Ngoài ra, có một loạt đối tượng có bản chất hàng hoá trong môi trường các hoạt động kinh tế hiện đại, nhưng nguồn gốc giá trị của chúng hoàn toàn nằm ngoài phạm vi áp dụng của lý thuyết sức lao động về giá trị, đó là các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, đất đai phi canh tác, tiền mặt, cổ phiếu, v.v...

Một trong những thất bại lý luận không thể chối cãi của lý thuyết sức lao động về giá trị là một hệ quả suy diễn trực tiếp từ nó — được các nhà phân tích lý thuyết kinh tế gọi tên là “nghịch lý giá trị - nỗ lực” (the value-effort fallacy) — mà Ernest van den Haag đã đề cập trong bài báo “Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx”: nếu giá trị thặng dư có nguồn gốc duy nhất là sức lao động, thì các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mọi nỗ lực tổ chức lao động sản xuất đều tất yếu sinh lợi nhuận, không cần quan tâm đến các yếu tố thuộc về chủ quan người tiêu dùng, hay thị trường — những yếu tố hoàn toàn không có quan hệ hàm với giá trị thặng dư. Hiển nhiên, đây là một kết luận ngờ nghệch. Một khi Trần Thiện Huy cãi hộ Marx rằng ngay cả sau một quá trình sản xuất thua lỗ, — giá trị của đầu ra thấp dưới tổng chi phí đầu vào, bao gồm cả tiền lương đã trả cho công nhân, — nhà tư bản vẫn là kẻ bóc lột, thì Trần Thiện Huy có thể chỉ ra một cách tường minh cái giá trị thặng dư mà “tên tư bản” kia đã chiếm đoạt được là giá trị nào hay không?

Tình huống mà Trần Thiện Huy giả định như là nguyên nhân của sự thua lỗ — chiến tranh thương mại giữa hai nhà tư bản — chỉ là một trong các tình huống có thể dẫn đến thua lỗ mà thôi. Nhưng kể cả trong tình huống này, thì — về phía kẻ chiến bại — sự biến mất của giá trị thặng dư (cái đáng lẽ phải tất yếu có, theo Marx, nhờ lao động của công nhân) cũng đã bị quyết định bởi những nguyên nhân nằm ngoài quá trình sản xuất mất rồi. Lỗ thủng lý thuyết này phải chăng là không dính dáng đến nội dung học thuật của “chủ nghĩa Marx nguyên chất”?

Tình huống kinh tế cuối cùng trên đây cũng đồng thời là một thí dụ về sự thất bại của học thuyết giá trị - sức lao động trong việc cắt nghĩa phân phối thu nhập. Trong vấn đề này, một thí dụ khác không kém tính điển hình đã được van den Haag nêu trong phần chú thích của bài báo đã dẫn: một CEO được trả lương cao vẫn thuộc về giai cấp vô sản, theo đúng tiêu chí phân chia giai cấp của Marx. Ngay ở Việt Nam hiện nay, những người làm công cho doanh nghiệp tư nhân và — sau khi đã “bị bóc lột” — hưởng mức lương tương đương 1000 đô-la Mỹ mỗi tháng không còn là hiếm, trong khi nếu tự mình điều hành doanh nghiệp riêng — tức trở thành “nhà tư bản” và trực tiếp “bóc lột” nhân công —, anh ta sẽ đối diện với khả năng không hề nhỏ là thu nhập sẽ thấp hơn mức lương làm thuê.

Không chỉ thất bại trong việc cắt nghĩa phân phối thu nhập về mặt thực chứng, lý thuyết giá trị của Marx đã thực sự phá sản, nếu không muốn nói là đã đem lại những thảm hoạ, trong những đồ án tái phân phối thu nhập do nó đề ra. Cho rằng nguyên nhân của sự bất bình đẳng về thu nhập là sự phân chia của xã hội thành giai cấp và sự bóc lột - bị bóc lột giá trị thặng dư, Marx — chính Marx, chứ không phải Engels hay những người Marxist hậu bối — đã đề xuất xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa vô giai cấp, mà giai đoạn quá độ của nó, chủ nghĩa xã hội, có đặc trưng chính trị là nhà nước chuyên chế của “giai cấp vô sản”. (Thiết tưởng không cần phải trích dẫn lại Tuyên ngôn của đảng cộng sản, hy vọng Trần Thiện Huy đừng chối rằng những điều vừa rồi “không thuộc về chủ nghĩa Marx nguyên chất”.) Chỉ có điều, trong mọi mô hình thực tiễn đã hoặc đang thí nghiệm chủ nghĩa Marx, sự xoá bỏ “các giai cấp bóc lột” đã không ngăn được sự ra đời của một giai cấp mới — giai cấp nomenklatura, mà người Nhật đã đối dịch thẳng thừng là giai cấp quý tộc cộng sản (kyōsen kizoku) —, còn việc từ chối chủ nghĩa tư bản thì đã gắn liền với sự thực thi chủ nghĩa tư bản nhà nước, do chính giai cấp mới điều hành. Không chỉ Milovan Djilas hay Ernest van den Haag, mà (tôi đoán) người như Trần Thiện Huy chắc chắn cũng có quá đủ kinh nghiệm về những “xã hội mới” này. Vấn đề là ở chỗ, Trần Thiện Huy phủ nhận rằng Marx phải chịu trách nhiệm về những đổ vỡ, tổn thất của loài người trong kinh nghiệm đối với chủ nghĩa xã hội hiện thực. Không sao cả, theo luật bài trung của lô-gích học thì trong hai quan điểm — Marx phải chịu và Marx không phải chịu trách nhiệm —, chỉ có một quan điểm đúng. Theo tôi, việc Trần Thiện Huy lựa chọn quan điểm phủ nhận trách nhiệm của Marx sẽ trả giá bằng việc ông phải từ bỏ nhãn quan thực chứng, điều mà ông đã hai lần viện đến trong khi ông “phê bình” / “không đồng ý” với van den Haag. Với lô-gích này, ông có lẽ đang tiến đến phủ nhận chính mình.

(Trong vấn đề khuyến dụ đối với tăng trưởng kinh tế, thiết nghĩ thành công của lý thuyết sức lao động về giá trị là điều không cần bàn luận nữa.)

5.

Thực ra, đằng sau ý kiến của van den Haag (phản biện học thuyết giá trị - sức lao động), mà Trần Thiện Huy chê là có vấn đề về lô-gích, là cả một lý thuyết kinh tế học phi-Marx, cắt nghĩa rất hiệu quả về những vấn đề giá trị. Lý thuyết đó có tên gọi là thuyết biên tế về giá trị (marginal theory of value, hay marginalism). Dĩ nhiên, khuôn khổ của một bài báo hiếm khi cho phép tường giải cả một lý thuyết, song tôi sẽ cố gắng minh định những nét chính, thực tiễn nhất của nó, ít nhất là đối với những vấn đề được đề cập trong bài viết này.

Đứng ở trung tâm của lý thuyết biên tế về giá trị là khái niệm ích dụng cận biên (marginal utility) của sản phẩm (hàng hoá hoặc dịch vụ): đó là cái công năng ít hữu ích nhất trong nhu cầu sử dụng chủ quan của người tiêu dùng đối với sản phẩm đã cho, tương ứng với mức cung của thị trường đối với sản phẩm đó ở thời điểm đã cho. Giá của sản phẩm đã cho tại thời điểm đã cho, khi người tiêu dùng quyết định mua nó, là biểu hiện giá trị của sản phẩm đó trong ích dụng cận biên của nó, dĩ nhiên là hoàn toàn theo quan điểm chủ quan của người tiêu dùng; đó cũng chính là giá tốt nhất đối với người tiêu dùng. Một thí dụ cụ thể và định tính: bánh mỳ có công năng hữu ích nhất (có lẽ) là phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của con người, và công năng ít hữu ích nhất (ích dụng cận biên) là... cho chim ăn. Khi thị trường cung ứng sản phẩm bánh mỳ ở mức dư dật (đối với một người hoặc một cộng đồng tiêu dùng nào đấy), giá trị của bánh mỳ sẽ tương ứng với giá mà người ta mua bánh về để cho chim ăn. Khi bánh mỳ trên thị trường khan hiếm đi tương đối, giá mua bánh mỳ tăng lên, nhiều người sẽ không cho chim ăn bánh nữa, ích dụng cận biên của bánh mỳ sẽ lùi về phía công năng hữu ích hơn — phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của con người; giá mua bánh mỳ lúc này là giá trị của nó tương ứng với ích dụng cận biên đã bị thu hẹp lại. [14]

Điều cần lưu ý là ích dụng cận biên của sản phẩm, và do đó, giá trị của nó được quyết định bởi chủ quan người tiêu dùng hoặc thị trường nói chung, tức là bởi những nhân tố phi nội tại về phía quá trình sản xuất cũng như bản thân sản phẩm. Vì lý do này, lý thuyết biên tế về giá trị còn được gọi là lý thuyết chủ quan về giá trị (subjective theory of value), trong sự đối lập với các lý thuyết khách quan (hay nội tại) về giá trị mà điển hình là lý thuyết giá trị - sức lao động.

Mặc dù còn đang được tiếp tục phát triển, song có thể nói mọi tình huống mà lý thuyết giá trị - sức lao động làm cho trở thành nghịch lý — điển hình là các phản thí dụ đã nêu ở phần trên của bài viết này — đều được thuyết biên tế cắt nghĩa thoả đáng. Vào thời điểm hiện nay, thuyết biên tế (hay lý thuyết chủ quan về giá trị) đã trở thành công cụ lý luận cơ bản của ‘kinh tế học tân cổ điển’ (neoclassical economics), giai đoạn hiện đại kế tiếp ‘kinh tế học cổ điển’ (classical economics) trong lịch sử kinh tế học, [15] phản ánh rộng rãi quan điểm của giới kinh tế gia chủ lưu (mainstream economists). Ngoài ra, theo những gì mà tôi được biết, cùng với học thuyết giá trị chủ quan, các giáo trình kinh tế học tân cổ điển đang được lặng lẽ biên dịch và đưa vào chương trình giảng dạy / học tập bậc đại học ở Việt Nam. [16] Đến đây, tôi hy vọng Trần Thiện Huy sẽ bớt băn khoăn phần nào về căn cứ học thuật trong những ý kiến của van den Haag về chủ nghĩa Marx.

Ở khổ đầu của bài viết này, tôi đã đề cập giá trị tiên tri của lời dự báo cuối bài viết của van den Haag — đứng tại thời điểm năm 1987 — về tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Giá trị đó không đo bằng khoảng cách thời gian từ khi dự ngôn được phát biểu cho đến lúc nó ứng nghiệm như cách Trần Thiện Huy đã dè bỉu, mà đo bằng lượng thông tin do sự kiện được dự báo mang lại. Thiết tưởng mức độ bất ngờ, cũng như khối lượng media khổng lồ lâu nay mô tả / lý giải sự kiện Liên Xô - Đông Âu thất thủ đã quá đủ nói lên tin lượng đó.

6.

Van den Haag không phải là học giả duy nhất nhận định rằng hệ thống lý luận của Marx chứa đựng những mâu thuẫn nội tại và nguỵ biện lô-gích. Böhm-Bawerk [17] , một người cùng thời với Marx, có lẽ là tác giả nổi tiếng đầu tiên đã trước tác một công trình phản biện Marx quy mô nhan đề Karl Marx and the Close of His System [18] . Trong cuốn sách này, chủ yếu phê phán nội dung của bộ Tư bản, Böhm-Bawerk đã chỉ ra rằng nhiều khái niệm trong lý thuyết giá trị - sức lao động của Marx còn mơ hồ và nhập nhằng, thiếu nhất quán trong định nghĩa và sử dụng thuật ngữ; một số kết luận rút ra từ lý thuyết tự mâu thuẫn; một số phép chứng minh quan trọng chưa thành công hoặc nguỵ biện về lô-gích; và cuối cùng, Tư bản là một bộ sách có nội dung được trình bày rất không sáng sủa.

Một số tác giả hiện đại khác như Michael Porter [19] , Christian Bidard [20] , Piero Sraffa [21] cũng có những nhận xét tương tự, đồng thời khẳng định rằng nhiều kết luận trong học thuyết kinh tế của Marx đã được rút ra từ những mô hình lý tưởng hoá dựa trên các giả định xa lạ với thực tiễn. Kit Sims Taylor [22] thì khẳng định rằng học thuyết sức lao động về giá trị là một lý thuyết giá trị “yếu một cách trầm trọng”.

Thế còn chúng ta? Tôi cho rằng trong những điều kiện bất đối xứng nghiêm trọng hiện tại của môi trường truyền thông tiếng Việt — chủ nghĩa của Karl Marx đang tiếp tục là một ý thức hệ nhà nước, được cưỡng bức chấp nhận thông qua hệ thống giáo dục quốc dân và được tuyên truyền hằng ngày bằng những thông lượng bit áp đảo so với các ý kiến ngược chiều —, việc cung cấp những thông tin phản biện như trên chính là trách nhiệm văn hoá của tất cả những ai có ý thức đầy đủ và toàn diện trong phạm trù này, nói riêng là ý thức về học thuật.

Tạm thời, khẳng định về sự tồn tại của (những) nguỵ biện lô-gích trong bộ Tư bản của Marx hoàn toàn có thể được coi như một giả thuyết khoa học và hoàn toàn có thể bị bác bỏ bằng phương pháp và/hoặc phương tiện của khoa học. Tôi đề nghị Trần Thiện Huy — và tất cả những ai đã hoặc đang nghiên cứu chủ nghĩa Marx — hãy bác bỏ giả thuyết này, trước hết bằng cách đưa ra một chứng minh nguyên thuỷ của Marx rằng giá trị thặng dư có và chỉ có nguồn gốc từ sức lao động, dựa trên những tiền đề hoàn toàn độc lập, không mâu thuẫn, và với một đường lối chứng minh không chứa đựng những sai lầm lô-gích.

7.

Theo những gì mà Trần Thiện Huy mào gợi, bài viết “Sự thảm hại...” của ông tựa trên hai từ trọng đại: học thuậtvăn hoá.

Mặc dù Trần Thiện Huy đã dụng công rào đón kỹ lưỡng về mối quan hệ tinh thần của mình đối với Marx và chủ nghĩa Marx ở phần đầu bài viết “Sự thảm hại...”, nội dung và hình thức ngôn ngữ của bài viết ở nhiều chỗ đã quay lưng lại những điều ông tự nói về mình. Thậm chí, Trần Thiện Huy đã không ngần ngại sử dụng những thuật ngữ / dụng ngữ chính trị mà để làm điều đó, ông không thể là người trung dung — về chính trị cũng như về văn hoá. Độc giả talawas có thể tự nhặt ra những đơn vị ngôn từ như vậy từ bài viết của tác giả này.

Trần Thiện Huy không phải người khiêm nhường. Đối với tôi, điều này không nhất thiết là một vấn đề văn hoá, chỉ với điều kiện chủ thể của sự bất khiêm đừng cố tình không thành công trong những nỗ lực khiêm cung một cách giả tạo. Thú thực là tôi đã không nén nổi phì cười khi đọc những lời ông tự tán tụng cái... nhan đề bài viết của mình, theo một lối mà người Việt gọi là “không khảo mà xưng”.

Đúng ra, niềm kiêu hãnh hoàn toàn có thể là một biểu hiện của văn hoá, một khi nó được trụ chống vững vàng bởi những vốn liếng mà nó trông cậy vào. Tiếc rằng trong trường hợp của Trần Thiện Huy, trọng lượng của niềm cao ngạo đã tỏ ra quá tải đối với những rường cột đang nâng đỡ nó. Lẽ ra, ông đã có thể để chúng chịu đựng vừa sức hơn, bởi lẽ vĩ đại đến như Plato — mà cái bóng của con người này cả ngàn năm sau vẫn còn đổ vào những trang trước tác của Marx — cũng còn tiên liệu được

Học vấn và tri thức mà ta có, nhiều lắm, chỉ là không đáng kể so với những gì mà ta còn ngu si.

Chắc chắn rằng Karl Marx biết (và không phản đối) câu nói này. Mà nếu vậy, không có lẽ nào để Marx mong cho cái bóng của mình che tối hoàn toàn lý trí của hậu nhân — dĩ nhiên, chỉ trừ khi có ai đó trong số những hậu bối của Marx mong muốn, hoặc, còn kỳ khôi hơn, tự hào vì đã được ông phủ bóng.

Lời vừa rồi không dành cho Trần Thiện Huy, cũng không dành cho bất kỳ ai, bởi tôi không hề ước định đi theo vết xe của Trần Thiện Huy để cho lời khuyên ai đó.

Đó chỉ là lời tự nhủ mà tôi dành cho chính mình.

Hà Nội, tháng Mười năm 2007

© 2007 talawas



[1]Hán tự: 知之为知之,不知为不知,是知也。Nghĩa: “Biết thời rằng biết, không biết thời rằng không biết, ấy là biết vậy.”
[2]“Học vấn và tri thức mà ta có, nhiều lắm, chỉ là không đáng kể so với những gì mà ta còn ngu si.”
[3]Ernest van den Haag, Marxism as Pseudo-Science, “Reason Papers” No. 12 (Spring 1987). Bản dịch tiếng Việt đã đăng talawas.
[4]Antony Flew, Marxism: Religious Faith and Bad Faith, “Reason Papers” No. 12 (Spring 1987).
[5]George Owell, Totalitarianism, Charles’ George Orwell Links.
[6]Antony Flew, tài liệu đã dẫn.
[7]Eric Hoffer, The True Believer: Thoughts on the Nature of Mass Movements, Harper Perennial Modern Classics (2002).
[8]Arthur Koestler, Ignazio Silone, Richard Wright, André Gide, Louis Fischer, Stephen Spender (edited by Richard H. Crossman, with a foreword by David C. Engerman), The God That Failed, Columbia University Press New Ed edition (2001).
[9]Đấy là chưa kể đến hàng trăm tờ báo, website, forum tiếng Việt được xuất bản và/hoặc hosting bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng đang truyền thông những quan điểm chính thống hoặc tương đồng.
[10]Khi các vật chuyển động với vận tốc so sánh được với vận tốc ánh sáng (gần đúng bằng ba trăm nghìn ki-lô-mét trên giây), cơ học cổ điển bị thay thế bởi lý thuyết tương đối; còn khi kích thước các vật thể nhỏ dưới một phần mười tỷ mét, môn cơ học này bị thay thế bởi lý thuyết cơ học lượng tử.
[11]Nguyễn Đức Bình, “Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa”, Nhân dân, các số ngày 5 và 6.9.2007.
[12]Angeles, Peter A., Harper Collins Dictionary of Philosophy, 2nd edition, Harper Perennial, New York (1992).
[13]Mặc dù Marx có phân biệt giá trị với giá trị trao đổi (đồng nghĩa với những thuật ngữ khác được Marx sử dụng đồng thời như giá tự nhiên / giá thị trường), song, trong các trước tác của mình, Marx biểu tỏ nhất trí với Adam Smith rằng giá trị trao đổi — với tư cách là “biểu hiện bằng tiền của của giá trị ”, và “biểu thị cái tổng lượng lao động xã hội trung bình thiết yếu” theo một trong các định nghĩa của Marx — trùng với giá trị sau một loạt phép lấy trung bình theo các chu kỳ thăng giáng của giá cả và theo các điều kiện của quá trình sản xuất. [Hãy xem, chẳng hạn, Karl Marx (edited by Eleanor Marx Aveling), Value, Price and ProfitSpeech by Marx to the First International Working Men’s Association, June 1865, www.marxists.org] Điều này không làm thay đổi tính nội tại (intrinsicality) của lý thuyết giá trị của Marx.
[14]Hiện tượng vừa mô tả có tên gọi là định luật về sự thu hẹp ích dụng cận biên (the law of diminishing marginal utility).
[15]Một cách thô sơ, kinh tế học cổ điển là kinh tế học dựa trên các lý thuyết nội tại về giá trị, đặc biệt là lý thuyết giá trị - sức lao động, còn kinh tế học tân cổ điển là kinh tế học gắn liền với học thuyết biên tế / chủ quan về giá trị.
[16]Từ tháng 3.2007, Nhà xuất bản Thống kê (Hà Nội) — được McGraw-Hill uỷ quyền — đã cho ra mắt bộ sách dịch Kinh tế học (gồm 2 tập) của nhóm tác giả David Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbusch và Damian Ward, dựa trên ấn bản thứ 8 của nguyên bản. Ở mức sách giáo khoa, đây là một bộ sách khá đầy đủ về kinh tế học theo quan điểm tân cổ điển, trình bày các vấn đề trên nền tảng lý thuyết chủ quan về giá trị.
[17]Eugen von Böhm-Bawerk (1851–1914): kinh tế gia người Áo đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự phát triển của trường phái kinh tế học Áo; từng làm Bộ trưởng Tài chính của triều đình Habsburg thời Đế chế Áo-Hung, và — trong tư cách Giáo sư Đại học Vienna — là thầy học của Joseph Schumpeter và Ludwig von Mises, hai trong số những kinh tế gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
[18]Viết xong từ năm 1896 và được xuất bản lần đầu ở London năm 1898; phiên bản trực tuyến hiện có ở địa chỉ Web http://www.marxists.org/subject/economy/authors/bohm/
[19]Michael Porter (1947–): Giáo sư về Chiến lược Kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard thuộc Đại học Harvard, chuyên gia về kinh tế học phát triển.
[20]Christian Bidard: Giáo sư Kinh tế học của Đại học Paris X-Nanterre, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia về Khoa học Kinh tế của đại học này.
[21]Piero Sraffa (1898–1983): kinh tế gia có ảnh hưởng người Italia, từng là người Marxist và bạn thân của Antonio Gramsci — lãnh tụ Đảng Cộng sản Italia.
[22]Kit Sims Taylor: Giáo sư Đại học Cộng đồng Bellevue (Washington, Hoa Kỳ).