trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
1.2.2007
Cung Tích Biền
“Đành lòng sống trong phòng Đợi của lịch sử”
Lý Đợi thực hiện
 1   2 
 
Cung Tích Biền. Chụp tại Vườn Cây Cau, Gò Vấp, Noel 2006 (Ảnh: Lý Đợi)
Lời giới thiệu của người phỏng vấn: Sau gần ba tháng thực hiện bài phỏng vấn, và cũng là dịp để sơ lược hệ thống lại một phần tác phẩm cùng văn nghiệp của nhà văn Cung Tích Biền, cũng như qua những hé lộ về cuốn hồi ký mà ông đang hoàn thành, tôi biết rằng, để viết một lời giới thiệu đầy đủ về nhà văn này thật là khó khăn. Hơn nữa, khi nhận những câu trả lời cuối cùng của bài phỏng vấn, tôi lại nhận được một lá thư riêng, trong đó có một đoạn viết như sau: “Cả mấy tháng nay bận. Gắng trả lời phỏng vấn của em đây. Nội dung căng, nhưng khá thú vị. Bản thân anh cũng thích đương đầu. Và yêu Sự thật. Do vậy bài phỏng vấn này em muốn chạy cho talawas cũng được. Mà giữ lại trong ngăn kéo cũng nên, xem như một quà tặng cuối đời anh dành tặng Lý Đợi vậy. Cũng là tư liệu… Tuy nhiên có điều này cần bày tỏ cùng em. Bao năm nay anh đã Ra Ngoài. Không tơ hào gì Cõi Bên Trong. Gần gũi với anh lâu nay chắc em hiểu. Anh sống mà như vắng bóng. Ít tâm sự cùng ai. Đời hiểu lầm anh không ít. Vài ngộ nhận chết người mà anh không bao giờ cải chính. Mặc áo Lặng Thinh.”

Do vậy, cách hay nhất là “vượt qua lời giới thiệu”, tôi xin trân trọng chia sẻ cùng tất cả độc giả của talawas một phần công việc mà tôi đã cùng nhà văn trao đổi trong thời gian qua, còn những phần “gay cấn khác”, tôi xin giữ lại trong “ngăn kéo” – như chính yêu cầu của nhà văn vậy.

Tiểu sử nhà văn Cung Tích Biền, căn cứ theo tạp chí Hợp Lưu: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 (khai sinh 1938) tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn khoa Huế, Luật khoa Sài Gòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực Việt Nam Cộng hoà cho đến ngày giải ngũ năm 1973. Nhà văn khởi đăng truyện ngắn “Ngoại ô Dĩ An” đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966. Sau đó nhanh chóng xuất hiện Ai tỉnh ai điên, Bên dòng nước biếc, Luống cải vàng, Bến mưa ngâu, Nỗi buồn thắp sáng, Cõi ngoài, Hoà bình nàng tình rỗng, “Cái chết của một con đĩ ngựa”, “Bạch hoá”… trên các tập san Nghệ Thuật, Văn Học, Bách Khoa, Vấn Đề, Đối Thoại, Lý Tưởng, Khởi Hành và trên các báo Công Chúng, Da Vàng, Bút Thần, Sống, Công Luận, Hoà Bình, Sóng Thần, Độc Lập, Dân ý… Sau 30-04-75 Cung Tích Biền ngưng viết rồi cầm bút trở lại đầu thập niên 90, với tập Thằng bắt quỷ xuất bản ngoài nước.

Hiện sống tại Sài Gòn, Việt Nam.


*


Lý Đợi: Ngay cái cớ đầu tiên mà nhiều người muốn phỏng vấn ông, là tại sao rất lâu rồi không thấy ông xuất hiện trên văn đàn, do thấy không có gì mới hay do một vài bối cảnh chính trị - văn hoá - văn học trong suy nghĩ của ông đã thay đổi?

Cung Tích Biền: Quả, rất nhiều năm tôi không xuất hiện trên văn đàn, hẳn có duyên cớ.

Tôi xin mở một dấu ngoặc. Trong hơn mười năm gần đây, truyện của tôi thỉnh thoảng xuất hiện trên nhiều báo hoặc các tuyển tập, trong cũng như ngoài nước. Xin đơn cử một vài trường hợp, như nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, in "Thằng bắt quỷ" trong Tổng tập truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX [truyện này đăng Cửa Việt năm 1991; tạp chí Hợp Lưu (Mỹ) đăng lại 1992, nhà xuất bản Tân Thư (Mỹ) in trong tập truyện ngắn Thằng bắt quỷ 1993]. Nhà xuất bản Văn học (trong nuớc), in truyện “Không thể là hiện thực” trong tuyển tập Đêm bướm ma (truyện này đã xuất hiện trên Hợp Lưu năm 1999 với tựa đề là “Đêm hoang tưởng”, và sau là Tập san Văn chương 2000). Năm rồi tạp chí Hợp Lưu số “Đặc biệt kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam” đăng truyện “Bạch hoá” (tôi sáng tác từ 1968, đăng trên một tập san văn chương Sài Gòn 1969, sau đó Nhà xuất bản Sống chọn in trong tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất quê hương chúng ta, miền Nam 1974). Nói chung, hầu hết đó là những truyện của tôi đã đăng hoặc đã in thành sách. Nay, tuỳ nghi báo nào, nhà xuất bản nào muốn đăng, in lại, là do chủ trương riêng, mỗi.

Môt lý do khá rõ là mười lăm năm nay tôi ẩn dật, không giao du nhiều, cắt đứt cả những mối quan hệ có trước, không thư từ. Thêm, là hoạt cảnh văn chương nghệ thuật, chợ Chữ buổi này chẳng mấy vui.

Viết mà cho vào ngăn kéo, là một điều không may. Đăng trên mạng đồng bào mình muốn đọc phải tìm cách, khó khăn vượt tường lửa lại một bi đát cực vô lý.

Nhìn chung, Nhà nước muốn, và họ đã thực hiện được chính sách ngu dân. Đó là hiện tình, đa phần dân chúng, hôm nay, không cần tới văn chương nghệ thuật tạm gọi là thứ thiệt. Khô cằn, phù thủng, đeo mặt nạ, cà thọt chân giả, thì mặc. Không ai tha thiết tới. Đã có những thứ trám vào chỗ thiếu hụt tư tưởng này. Lo làm ăn, nâng cao đời sống kinh tế, là thiết thực. Nhà cao cửa rộng, túi tiền đầy, mặc sang, ăn ngon, vui chơi sướng, là thoả rồi. Đa phần say sưa trong một thưởng ngoạn văn chương, âm nhạc, phim ảnh, xoàng xoàng rau cải chợ; cũng tha thiết mùi mẫn, nịnh nọt, đôi khi đỏ máu anh hùng, nhưng tựu trung sức sống chính nó không lâu hơn một đĩa gỏi hay mớ xà lách trộn, phục vụ gấp cho bữa tiệc thời trang.

Một đại bộ phận quần chúng hôm nay thực sự không cần đến những gì cao siêu của văn chương học thuật. Không cần nâng cao não trạng. Không có tự do ngôn luận, tư tưởng, vẫn sống phây phây. Đây là một quần chúng tồn tại bằng thịt khối. Được ru ngủ bởi một đời sống kinh tế tương đối ấm êm trong thời buổi chỉ mở cửa cho “Miếng ăn”. Họ bỗng dưng khá xa lạ với những cụm từ ngôn luận, nhân quyền. Với đại bộ phận nhung nhúc này, đòi hỏi dân chủ, tự do, nhân quyền, quả là điên.

Nếu hô hào đòi hỏi quyền được công khai tư tưởng, hành động chống lại bất công, nhận trách nhiệm một công dân nghiêm chính, một trí thức có thái độ, một nhà sáng tác nhận rõ thiên chức, anh/chị phải đương nhiên trả giá. Có thể chúng ta không hề sợ sự trả giá này, vì đã tự nguyện chọn nó cho nhân phẩm chính mình, nhưng cái giá cao hơn hết là anh bị tàn phế. Tôi nói tàn phế toàn diện. Đượm mùi tanh tưởi đòn thù. Tôi đã có kinh nghiệm về sự tàn phế này.

Với một người cầm bút, phải hiểu chỗ thực tại hiểm nghèo. Phải ẩn mình, dành thời gian để làm công việc lâu dài của một nghệ sĩ sáng tác. Trong thầm lặng vẫn có điều kiện để đóng góp cho cộng [1] đồng.

Lý Đợi: Xin ông nói rõ hơn hai chữ thực tại?

Cung Tích Biền: Tại đây, hôm nay, trên dưới trong ngoài tả hữu sớm chiều, đầy rẫy những bi hài, chuyện lạ lùng dơ dáy ít nơi nào có. Cứ mỗi sớm mai mở báo mà xem. Nhưng phải nhìn rõ, nhận diện. Đó phải chăng là những chất liệu để cấu trúc, dàn dựng tác phẩm văn học. Hay chỉ là những rác rưởi một xã hội bệnh hoạn mưng mủ, tất yếu phải chảy cái đen sì tanh tưởi của chính nó. Chúng ta không cần thiết tốn giấy mực ghi lại.

Cái gì mà không có cái Xác-Sẽ-Chết? Ngay một chiều xuân anh có thấy những cánh mai tàn tạ.

Hoàn cảnh nào để ra đời một tác phẩm gọi rằng lớn, có sức sống lâu dài? Đó là thời hoàng kim, thượng hạ minh sáng, có cái Đẹp, và Người sáng tạo được quyền Tự do biểu tỏ. Hoặc đó là cái đáy lịch sử khốn cùng, lúc quê hương và đồng chủng chôn vùi trong đoạ lạc, mê muội, tương tàn. Để nói lên, viết ra, cái Tiếng Nói còn ẩn mật trong lẽ Biến Di Thành Hoại, của định mệnh con người, của lịch đại nhân loại. Chứ không phải “Cái” cũng rủi ro, cũng đau khổ, chỉ do một bọn cường khấu mãi lộ, bọn sơn lâm vô lại chỗ truông đèo.

Nơi đây hôm nay, là truông đèo của bọn cuồng khấu, khó tìm ra cái biểu trưng nhân văn. Cái hiện diện nơi này - ngô khoai chẳng ra khoai ngô - đúng ra chúng không đáng có theo lẽ công bằng, trong một đất nước có minh trị. Nó rất không đủ kích động cho nghệ thuật đích thực, mà chỉ làm lượm tởm. Hãy lánh nó đi, lui về, nếu không muốn đánh đồng rác rưởi.

Làm giặc như Cao Bá Quát thì tuyệt. Nhưng thời đại Cao Bá Quát tuy thế, vua chúa hãy ngây thơ chính trị, lỏng lẻo cùm gông, nên vẫn còn con đường để “Bước Ra Mà Làm Giặc”.

Lý Đợi:Thế thì nhà văn ở vị thế nào?

Cung Tích Biền: Là một nhà văn tôi chỉ có chính kiến. Tôi bất lực trong hành động. Kẻ hèn này xin nghiêng mình kính phục những nhà cải cách, các chính trị gia, những trí thức yêu nước đang xả thân cho Tự do Dân chủ Nhân quyền.

Đành lòng sống trong phòng Đợi của lịch sử.

Anh có đồng ý với tôi dân tộc chúng ta là một dân tộc kỳ vĩ? Đã có lịch sử minh chứng cho cái cách nói nghe ra cải lương, cường điệu rẻ tiền này. Bà con quanh ta xưa kia là những con người giàu nhân ái, biết thế nào là đức lý làm người, là danh dự giống nòi. Vậy mà sao bây giờ cái nhân quần này tức tốc thành tinh thành ma như vậy. Mà sao bây giờ chúng là thầy, là cha chú, chỉ đạo cả ác quỷ, sa tăng. Do đâu? Từ cái gì anh hẳn đã biết.

Vì sao đã hơn 30 năm hoà bình thống nhất con người Việt trở thành con người Diệt lẫn nhau. Anh đi ra, anh đi về, anh thấy nơi nào người Việt, lẫn người Diệt, có cùng tiếng nói tiếng cười, trừ bè đảng tung hê nhau?

Không có gì là ẩn dụ cả. Nó khá rõ trên một đất nước mà anh cũng như tôi, chúng ta có một bầu trời mênh mông, nhưng chỉ một bước chân giới hạn để tạm trú qua đêm.

Lý Đợi: Những ý kiến khác cần ông triển khai thêm cho ý vừa trả lời?

Cung Tích Biền: Không có gì cần triển-khai để trải-khiên nỗi niềm khi anh đang trên một bờ vách hiểm nghèo, bị toàn triệt, hai tay không thể bấu víu vào đâu, vì còn phải cầm bút, một việc làm thân thiết và cấp thiết. Phải nhận ra chỗ bát ngát bình sinh mà sinh mệnh chúng ta chỉ mỗi nghiệp dĩ: VIẾT.

Ngoài cái Đạo, theo tôi, nhà văn còn một thứ vốn liếng chí thiết, đó là Thời gian. Hãy dành dụm ánh sáng ấy cho sáng tạo, cho tác phẩm, như con tằm trong nong nia từng giây nhả kén.

Hãy bảo toàn thanh sạch, để có cái làm sử liệu cho mai sau. Hãy luôn nhìn một cách chân thành những sai lầm chính mình.Tôi không có gì quá đà để phải “đau lòng phản tỉnh”. Nhưng tôi nghĩ không bao giờ sự phản tỉnh, sự tái dựng là muộn màng.

Lý Đợi: Xin được nghe lại, ông đến với văn học như thế nào? Lúc ấy ông đang ở đâu, bao nhiêu tuổi? Bối cảnh thời cuộc lúc ấy?

Cung Tích Biền: Trong đời thường cũng như trong tác phẩm, xưa nay tôi rất kỵ bàn tới chuyện riêng tư, nói về mình. Nay đại ca điều tra lý lịch, tại hạ đành tâm sự vậy.

Tôi may mắn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống chữ nghĩa thơ phú. Hồi còn học trung học đã tập tễnh làm thơ viết truyện ngắn. Năm 1958, tôi được một giải thưởng truyện ngắn toàn Quảng Nam. Lúc học tại Huế, được một giải Thơ của trường Quốc học. Khởi đầu thôi, nhưng cũng như nhiều bạn bè có năng khiếu văn chương thời trai trẻ, chúng tôi hăng hái lắm.

Dù thế, ngay khi còn là sinh viên, tôi hiểu mình rất kém cỏi. Ngoài hai mươi tuổi, ký ức hãy còn mỏng, kiến thức lẫn kinh nghiệm chưa đủ cho một sức nặng của văn chương, tôi ý thức về cái Đọc. Và bắt đầu đọc rất nhiều. Hồi đầu đọc lung tung, tẩu hoả nhập ma. Sau, đọc biết hệ thống, thụ nhận được tinh hoa, có nghệ thuật kết nối được giữa Đọc và Học. Rồi một đời đi theo Chữ. Tôi lại rất mê di chuyển, ngao du, nên hiểu thêm sông núi.

Tôi học không đến nỗi ngu, nhưng sống rất bạt mạng, sanh tử, nhiều tưởng vọng. Tôi chơi nhạc, nhiều loại nhạc cụ, ở tuổi 20 tưởng mình có thể thành nhạc sĩ. Tôi tập cho bạn bè vũ múa. Viết kịch và diễn kịch.

Đầu những năm 60 ở Huế, một thời gian, tôi phụ trách một chương trình thơ cho đài phát thanh Huế. Chương trình mang tên Con tàu Thi ca. Thuyết minh cho chúng tôi là B.A.L. một nữ sinh viên Đại học Sư phạm. Cô học rất giỏi, tính cách đoan trang, có một giọng Bắc rất chuẩn, quyến rũ, ấm và đẹp. Uyên, Thi, Xuân, Đường diễn ngâm và nhạc đệm. Tôi đứng mũi chịu sào, chọn thơ, viết bài bình luận, bao giàn. Kể cũng vừa bạo vừa ngây thơ. Ngoài các chương trình thông thường, tôi làm ba chương trình liền nhau những nhà thơ tiền chiến đang sống dưới chế độ Hà Nội. Đài cúp ngay cái đám miệng còn hôi sữa. Thế là chết yểu. Tôi nói ngây thơ vì tháng ngày này chiến tranh Nam Bắc Quốc Cộng đã hình thành đủ thù nghịch, con đường tư tưởng đã sẵn lòng lót xác chết làm phương tiện băng qua.

Tuổi trẻ, dọc dài con đường dò dẫm thử nghiệm, tôi trải qua nhiều bút hiệu lúc khởi đầu.Tất cả bút hiệu này chưa gây cho người đọc một ấn tượng nào. Một vài giải thưởng nhỏ nhoi không kích động được gì. Tôi hiểu đường dài. Và hiểu cái Còn-lại. Tác phẩm trước tiên phải chịu sự kiểm duyệt, đào thải từ chính tác giả. Tôi viết rất nhiều, xé bỏ cũng nhiều. Cả đời làm thơ, có giải thưởng, mà xé tất, vứt sọt rác, vì tự biết thơ mình dở lắm, không qua một tiếng chuông chùa gõ hờ đâu đó trong đêm không.

Lý Đợi: Vậy bút hiệu Cung Tích Biền có từ lúc nào?

Cung Tích Biền: Đó là tháng 11 năm 1965, tôi viết truyện “Ngoại ô Dĩ An và linh hồn tôi”. Lúc này tôi lưu lạc tận miền Tây. Tác phẩm này hình thành tại Bạc Liêu, Sư đoàn 21 Bộ binh. Ngoài Trung phần, Binh đoàn trực chiến đầu tiên của viễn chinh Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng.

Tháng 3/1966 truyện đăng trên Tuần báo Nghệ thuật, một tạp san văn chương có giá trị tại miền Nam bấy giờ - do nhà văn Mai Thảo chủ trương, nhà thơ Viên Linh thư ký toà soạn - với lần đầu tiên tôi ký bút hiệu Cung Tích Biền.

Đã 50 năm (1956) kể từ “Con nhện tập tễnh giăng tơ” và ròng 40 năm một bút hiệu này. Một cái tên, nhiều thăng trầm.

Tôi đến với Văn chương như thế. Mặc dù trong đời thường tôi cũng luôn có sự ngờ nghệch, vấp váp, nhưng với chữ nghĩa tôi cố gắng để rất mực nghiêm chính, trung thành và cả chân thành tận hiến. Cả một đời vợ con tôi chưa hề mua được một vật dụng gì cho ra hồn, từ tiền nhuận bút của tôi. Cũng may, tôi có một gia đình cam chịu. Êm đềm và giàu tha thứ. Vợ con luôn lo cho tôi đủ cơm ăn, rượu uống, thuốc chữa bịnh, sách đọc, cùng thơ mộng để viết lách. Lại may, văn chương đến nay, đối vớI tôi như một người tình chung thuỷ. Nó không phụ rẫy tôi, để tôi phải bỏ từ, đành theo một nghề khác. Đã thành nghiệp (hay oan nghiệp?) lúc nào tôi cũng viết được, dù trên đường ba mươi năm sau này chông gai bị gậy. Có nói lộn ngược lại, cũng bị gậy chông gai. Quả là một cuộc chung tình rướm máu.

Lý Đợi: Nhiều người nói phong cách văn chương nghĩa là mang địa phương tính, không có một nhà văn nào từ hư vô đến, ông nghĩ gì về điều này? Là một nhà văn - người am hiểu, gắn bó tâm hồn mình với tính cách Quảng, ông nghĩ gì? Cụ thể nó để lại dấu ấn như thế nào trong nếp nghĩ của tác phẩm, trong cách hành xử và những dự phóng trong tư tưởng?

Cung Tích Biền: Tôi nói rõ, tôi Quảng Nam chánh gốc, nhưng rất ghét một số “Cái” được gọi là Quảng Nam tính. Gàn. Cãi. Cái gì cũng cãi, cãi minh triết, cãi lương thiện, lẫn cãi cù nhầy ngu si, cãi bướng lấy được của bọn vô học. Vừa cãi vừa khích bác người. Người Quảng Nam có cái bổn tính không thể sửa chữa được, là “thà chịu người ta ghét kỵ, chớ không chịu mần thinh”.

Ham biện luận nên đôi khi rơi vào chỗ chủ quan, thiếu tỉnh táo soi ngắm mình. Nóng nảy đôi khi không cần thiết. Trực tính đến mất chức, tán gia bại sản, cả tiêu tùng nhân mạng.

Nói thẳng vào mặt người, người bị mắng lúc đó thấy đúng, có thầm phục “thằng Quảng Nam này”, nhưng rồi sau, sinh ra thù hận, đố kỵ. Bọn đố kỵ đa phần hèn hạ, đặt điều vu khống, để bôi lọ rêu rao. Tính bầy đàn là tính ưu việt của bọn tiểu nhân, chúng rập tâm mà đốn thì đến đại thụ như Nguyễn Trãi, Ông Ích Khiêm, cũng trốc gốc.

Người Quảng Nam không làm quan to được, mà hoạn trường ngắn ngủi lắm. Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới nay, xa Đất Quảng trên bốn mươi năm chưa bao giờ tôi đi họp cái gọi là Hội đồng hương Quảng Nam, ở Sài Gòn hay bất cứ đâu. Quảng Nam thiếu thân thiện, không có tính hợp đoàn, “năm gia đình có thể lập… hai cái hội đồng hương”, không biết nói khéo, không coi ai hơn mình, chia rẽ tận mạng.

Ai bảo những nhận xét trên đây của tôi là sai tôi cãi tận mạng.

Nhưng người Quảng cũng có nhiều cái cả nước phải khâm phục. Được tiếng thông minh, học giỏi. Cương trực. Ruột thịt cùng mẹ cha, anh Cộng sản thì Cộng, em Quốc gia là Quốc, tả hữu thù nghịch phân minh, không ai chiêu hồi được ai, ngon thì đem súng ra mà trò chuyện.

Đề ra một mục đích, một lý tưởng chỉ nam, là trọn đời đi theo nó, như nghiệp dĩ, là định mệnh thuỷ chung, không “bán đồ nhi phế”.

Tiền bối của Quảng Nam đa phần thanh liêm tài trí, giỏi thơ phú. Đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, phần đông sĩ phu Xứ Quảng không ưa chốn quan trường, mà trọn một đời xả thân vì nước, chịu tù đày, án tử, hoặc chung thân thanh bần, giữ khí tiết. Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trần Dư, Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thành Tài, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Châu Thơ Đồng, Phan Khôi, Bùi Giáng,… và nhiều nữa. Xứ Quảng địa xuất tinh anh, nhân tài đủ mọi lĩnh vực, nhất là văn chương, nghệ thuật, báo chí, làng huyện nào cũng có người nổi trội trong cả nước.

Giữ thân mình cho vinh thân phì da chốn quan trường là không được nhắc tên ở lòng người Xứ Quảng. Người ta nhắc đến Ngũ Phụng Tề Phi (ba vị tiến sĩ, hai phó bảng) là nêu gương Cái-Sự-Học chớ chung thân năm vị ấy không đóng góp gì nhiều cho núi sông. Quảng Nam nhắc, là nhắc cụm từ Ngũ Phụng Tề Phi, chớ không tôn vinh cá nhân nào riêng trong ấy, ngay cả tiến sĩ Phạm Liệu.

Đại ca tra vấn, tại hạ phải trả lời, chớ:

“Nơi nao chẳng có anh hùng.
Chỗ mô mà thiếu thằng khùng đứa điên”.

Cứ gì Quảng Nam.

Lý Đợi: Trong tính cách đó chắc chắn ông thấy được thế mạnh của mình chứ? Và cả những cái nhược nữa, đúng không? Với tư cách là người cầm bút ông sợ nhất điều gì, và khoái chí nhất điều gì?

Cung Tích Biền: Thế mạnh? Chỉ mỗi địa phương tính thì không thể là thế mạnh trong nghệ thuật, sáng tạo. Mà chỉ là góp một phần nhỏ đặc trưng, tính cách. Nhược ư? Có đấy, biện luận sát rạt (Quảng Nam mà) lúc phải êm đềm, ồn ào khi cần một lặng yên nhịp điệu.

Điều quan tâm của người sáng tác là ra rất xa, cõi ngoài tìm nhặt. Buông cái ngay trong lòng tay nếu không cần thiết. Đi tới chỗ: “Thể lộ kim phong”, là cơn gió vàng để lộ cái thể nó ra.

Sợ ư?

Năm 1976 chúng tôi gặp một nhà văn từng vang bóng một thời trước 1945, ông cho biết sở dĩ ông biết Sợ nên ông sống được với Hà Nội mấy chục năm. Không những sống bình thường, sống sót, mà sống có địa vị, nhiều ưu tiên. Ông khẳng định: “Tôi tồn tại vì tôi biết sợ”.

Đây là một cái sợ đáng được lưu danh?

Tôi Sợ cái lưu d(m)anh này.

Khoái? Là lúc vượt được tường lửa.

Lý Đợi: Những ý mà ông cần nói thêm cho những câu vừa hỏi ở trên?

Cung Tích Biền: Xem như tạm đủ, đại ca.

Lý Đợi: Khi ông bắt đầu được mời viết feuilleton cho các báo, lúc cao điểm nhất là bao nhiêu tờ? Đó là những năm nào? Nghe nói ông viết ở tiền đồn và khi đó ông là Sĩ quan Việt Nam Cộng hoà?

Cung Tích Biền: Cao điểm từ 1968 đến 1973. Tôi mang lon Đại uý Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Tôi ở tiền đồn, Đức Hoà Hậu Nghĩa, năm 1970 về căn cứ Trảng Lớn Tây Ninh.

Viết feuilleton là viết tiểu thuyết (truyện dài) thường trực cho nhật báo. Mỗi kỳ báo một kỳ bài. Thời gian nào dành cho súng đạn, hoặc đêm nhảy đầm uống rượu, đánh xì phé mỏi mệt, không có kịp bài thì toà soạn bỏ giấy trắng phần đó, với hàng chữ cáo lỗi độc giả. Toà soạn không có quyền thay vào chỗ trống đó bất cứ một bài gì.

Thông lệ, trước 1975, mỗi nhật báo có tám trang khổ lớn. Phần tiểu thuyết được cố định ở trọn một trang 7. Sáu hoặc bảy cây bút được mời cộng tác. Diện tích khu vực đăng bài (số chữ) bằng nhau, nhưng nhuận bút khác nhau, tuỳ theo tên tuổi, tài viết, độ ăn khách, của mỗi cây bút. Chẳng hạn, năm 1971 nhật báo Độc lập, Thư ký toà soạn Hoàng Châu, trả nhuận bút hạng 1 cho tôi mỗi tháng 25 nghìn đồng (vàng chừng 20 nghìn đồng/lạng). Hồi này tôi chưa lập gia đình, sống bạt mạng, viết nhiều, tiêu hoang nhiều, tiền núi, mà tháng nào cũng cạn láng.

Có một thời gian, cùng lúc tôi viết feuilleton cho năm (05) tờ nhật báo: Độc Lập, Đông Phương, Điện Tín, Sóng Thần, Hoà Bình. Báo Điện Tín trả nhuận bút thấp nhất.

Ngoài ra còn viết mỗi tuần một kỳ hai trang cho tuần báo Đời, do nhà báo Đỗ Quý Toàn thư ký toà soạn, hoạ sĩ Đằng Giao trình bày, trang báo rất trang trọng, đẹp. Những truyện dài Bên dòng nước biếc, Luống cải vàng, Bến mưa ngâu của tôi xuất hiện trên Đời.

Cũng thời gian này, truyện dài Những bọ và rắn được đăng trên tạp chí Quần Chúng do nhà báo Cao Thế Dung chủ trương.

Truyện dài Trường giang, đăng trên tuần báo Khởi Hành, do nhà thơ Viên Linh thư ký toà soạn.

Tôi xin nhắc, feuilleton tôi dùng ở đây là từ dùng riêng cho tiểu thuyết đăng từng kỳ ở nhật báo. Truyện dài đăng tạp chí, tuần báo, ở miền Nam trước kia, được quen gọi là “truyện đăng nhiều kỳ”. Nên phân biệt chỗ này. Truyện đăng nhiều kỳ, nhà văn có nhiều thời gian để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình.

Không phải nhà văn nào cũng có tài viết feuilleton, dù nhà văn đó cao cấp, nổi tiếng. Có thể quý vị ấy không có cái tạng viết dài dòng cà kê dê ngỗng kiểu nhật báo.

Văn chương feuilleton tuy hấp dẫn sinh động, tình tiết éo le, rất đời, lôi kéo hằng nghìn độc giả mải mê mỗi ngày. Người đọc tứ phương khoái chí gởi thư về toà soạn ngợi khen tác giả - có khi tôi nhận hàng đống thư tại toà soạn - nhưng phải trả cái giá chính nó: cứ là “văn feuilleton”.

Rất nhiều nhà văn in truyện feuilleton thành sách, bán chạy như tôm tươi. Nếu muốn làm giàu thí cứ in. Nhưng nó, theo tôi, vẫn cứ là văn chương nhật báo. Môt dạng Quỳnh Dao.

Cho đến nay tôi chưa hề in một tác phẩm nào trong hơn 20 truyện dài đã đăng hoàn chỉnh trên các nhật báo Sài Gòn. Tôi nói riêng truyện đã đăng nhật báo.

Lý Đợi: Theo ông, Mấu Chốt để làm nên một tác phẩm văn chương - nghệ thuât là gì?

Cung Tích Biền: Tất cả cái được gọi là mấu chốt tiêu chuẩn khuôn mẫu tiêu chí khuôn vàng thước ngọc hôm nay bây giờ đã bị tháo tung đảo lộn đầy nghi hoặc. Là sương mù hàng lối. Nghê thuật đã mau chóng lấy cái “phi trật tự nhân gian” làm Nghệ thuật. Cái Vô hình là Hữu hình, và ngược lại. Không có mấu chốt nào cả khi cái Mới phủ nhận ngay cái Chưa-qua. Không hề có cái Đứng-yên, trong văn chương nghệ thuật, khi bao tư trào lưu chảy nổi lửa sóng cuồng cổ điển hiện đại tiền hậu tân cựu nội ngoại tâm diện được mau chóng nhận diện tức tốc hình thành tức tốc ảnh hưởng phủ trùm rồi chớp nhoáng chui vào cửa hầm quá khứ.

Một cái bàn? Còn có loại bốn cái chân, ba chân, một chân, “nửa” cái chân, thậm chí không có chân chỗ trà đạo, huống chi nghệ thuật, cả nghệ thuật Đọc Xem Nghe Sờ, lẫn nghệ thuật tâm-thính-thần-thị qua con đường trí huệ chỗ hư tưởng.

Tuy nhiên theo tôi, chỗ tối thượng thiểu, cái Mốt-Chấu (nó làm tình xít–nớp với cái Mấu Chốt) của một tác phẩm văn chương nghệ thuật, là ngoài tất cả yếu tố Cần Có, nó phải tới chỗ Hàn lâm.

Lý Đợi: Thế nào là một tác phẩm thành công, trong quan niệm của riêng ông?

Cung Tích Biền: Ông hỏi tác phẩm thôi hả? Không kể loại tác phẩm ở lĩnh vực nào? Nếu thế, vừa Hít vừa Le giết sáu triệu dân Do Thái vẫn là một tác phẩm khắc-điêu-máu (chớ nhầm với điêu khắc), nhưng lưu đời, trên bức tường thời gian.

Câu này của ông là một câu hỏi lên đèo xuống vực. Thế nào là thành công? Một cuộc chiến lỗ máu đầu từ ông Hùng Vương cho chí thằng bé bập bẹ nói “tiếng đầu lòng con gọi Stalin” rốt cuộc thành công này lại là một thất bại đủ nghĩa. Vừa sướng vừa đau. Nó phản bội và huỷ hoại toàn bộ cái uyên-uỷ-tư-tưởng, cái chính-trị-lý, khởi nguyên chỉ đạo cuộc chiến.

Nó hao hao một cuộc chọi trâu. Con trâu thắng trận, ác nhơn lại trở chứng biến dạng, hai cái sừng bỗng trổ ra sau đít, cái đuôi nằm chình ình giữa trán. Sau cuộc vang lừng kèn thổi toé máu, hôm nay muốn chào thân thiện phải dùng cái đầu để vẫy đuôi chào. Và muốn thẳng tiến trâu lại đi thụt lùi, vì hai cái sừng định hướng đã nằm ngay mông.

Lý Đợi: Hình như ngài tẩu hoả rồi ngài nhà văn ạ. Tôi hỏi thành công là trong một tác phẩm văn chương nghệ thuật kia mà?

Cung Tích Biền: À há, theo thiển ý của ngài đây thì trong văn chương nghệ thuật, Thành công lại là một Chấm hết để quá khứ hiện hình. Là một đóng đinh lên nắp. Một mớ hàng thuỷ tinh ly tách trong hòm, bên ngoài có hàng chữ: “Nhẹ tay, dễ vỡ”. Thành công này sẽ chịu đựng công phá của tương lai.

Vả, thế nào là thành công trong văn chương nghệ thuật? Sách của Kim Dung đến triệu triệu mắt người mê mẩn; triệu triệu, nhưng không là hàng hoá rẻ rúng. Nhưng Nam Hoa Kinh thì càng vắng người đọc ta càng mong vì nó không dành cho đám đông lờ mờ nhân ảnh. Các nhà văn tiên phong Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, nhóm Tự lực Văn đoàn, tác phẩm của họ đương thời là một cơn lốc lôi cuốn bao nhiêu người đọc, có ảnh hưởng bao trùm mọi giới, không chỉ lĩnh vực văn chương, mà cả văn hoá xã hội. Vậy mà chỉ hơn vài ba thâp kỷ sau đã bị hiện thế lãng quên, chỉ còn giá trị, đương nhiên là một chỗ trang trọng, trong Nhà thờ Văn học. Lại có nhà hoạ sĩ đương thời không được tôn vinh, chỉ bán được mỗi bức tranh để ăn bữa cơm, nhưng bao đời sau sau tác phẩm của ông ta được săn tìm, giá thị trường đến dăm bảy chục triệu đôla mỗi bức. Có phải nhân loại nhìn gà hoá cuốc?

Công thức, tiêu chuẩn của Thành công, chỉ có trong dân gian thường tình, nơi mẫu mực định sẵn, đòi hỏi một thằng người là phải chơn tay mắt mũi như mọi người, khác đi là dị tật, là quái thai. Thằng Người trong nghệ thuật có thể ba bàn tay; trên khuôn mặt một mắt cười một mắt khóc; trong bụng trống trơn không có ruột gan phèo phổi mà chỉ gỏn lọn một khối tim ứa máu hình lục giác. Càng Dị Dạng, càng Thoát Ngoài, càng Không Người, càng là nghệ thuật.

Thành công? Không hề là danh xưng lưu viễn, hoành tung trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương. Các Danh gia chân thực thì luôn từ chối cái Thành này.

Tôi nói đây là cái nói rõ ràng, một mặt xác định. Không nói cách triết lý là trong Thành đã ẩn tàng cái Hoại; trong Thái âm đã bày cuộc Thiếu dương, và ngược lại.

Lý Đợi: Một vài đặc điểm của văn chương nghệ thuật trước 1975, theo cách nhìn của riêng ông?

Cung Tích Biền: Trước 1975 tại miền Nam? Nơi đây có tự do sáng tác, phát biểu, in ấn và phát hành tác phẩm của mình. Vì thế những trào lưu văn chương, nghệ thuật (tôi tạm dùng từ trào lưu) nở rộ. Những tài năng đích thực có dịp cống hiến, phát triển, đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị. Đây là thời kỳ nở rộ tài hoa, những nhà văn nhà thơ hàng đầu không chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt một phần không nhỏ trong tầng lớp này người ta biết giữ gìn nhân cách, không xu phụ chế độ, không đặt danh vọng tiền tài lên hàng đầu.

Đặc biệt hơn, là thừa biết chống chế độ đương thời là một nguy hiểm đưa đến bất lợi cho miền Nam Tự do, nhưng người cầm bút chân chính của miền Nam vẫn phản bác điều sai trái của chính quyền, vạch rõ sự thối nát bất công, chống cả sự có mặt của những thế lực ngoại bang. (Thuở này không riêng miền Nam có Mỹ Phi Úc Đại Hàn Thái Lan mà miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng nhận tư tưởng Mác-Lê, máy bay hoả tiễn chiến xa, các loại vũ khí khác từ Liên Xô, và nhận chỉ đạo giúp đỡ, từ tấm áo đến miếng lương khô, cùng sự có mặt các cố vấn người Trung Quốc).

Ở miền Nam, những lĩnh vực khác như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kịch nghệ cũng xuất hiện nhiều danh tài, những tác phẩm của họ không những tạo được cái dư vang nổi chìm man mác trong quần chúng, mà tác động của nó đặc biệt khơi gợi những nỗi đau cũng như niềm hân hoan còn ẩn mật. Nó lưu giữ ký ức lâu dài, ảnh hưởng đến cả cách sống, cách thưởng ngoạn nghệ thuật của một đại bộ phận dân chúng miền Nam.

Nhưng một con sông chảy man man không đê điều ai có quyền cấm cản rác rều cũng bồng bềnh trôi? Ai gạn đục khơi trong? Nhân danh gì để thanh lý cái bọt bèo này? Những “văn chương nghệ thuật, báo chí, kịch nghệ phim ảnh” rẻ rúng này tại miền Nam lúc bấy giờ, cũng là một thực tại, nó phô bày dữ dội, thậm chí đôi khi là mặt nổi, là biểu dương thời thế. Chúng cũng có thị trường tiêu thụ, hằng triệu người, lấn áp cả cái “thượng lưu”.

Do vậy nếu nói là tuyệt đẹp, miền Nam là thiên đường của văn chương nghệ thuật là chưa chỉnh lắm đâu.

Lý Đợi: Hình tượng người lính – người trí thức – nghệ sĩ Quốc gia, một vài ví dụ đơn cử, đã được khai thác như thế nào trong "mặt bằng văn nghệ chính quy” (nghĩa là nhiều lĩnh vực nghệ thuật, có cả phim) của nền văn nghệ hiện tại, theo quan sát của ông?

Cung Tích Biền: Cha ơi! Tui còn đi đứng ăn nằm tụng kinh nhảy đầm karaoke bia bọt hít thở đủ kiểu tại Sài Gòn, cha muốn tui bị dập mỏ sao mà đi hỏi câu hộc máu này. Nó nhuốm cái hơi hướng hình sự.

Bôi nhọ xuyên tạc bóp méo mọi hình tượng Quốc gia, làm cho sai sự thật lịch sử, đã thành nếp, thành quy củ, khuôn mẫu. Thậm chí đã trở thành lương tri, của tâm hồn cao thượng, của ý thức, của lập trường văn nghệ. Một thí dụ nhỏ: “Hễ là địch thì chúng nó hèn. Lại thêm nhát gan. Địch thì ô hợp, ăn vận lôi thôi xốc xếch, tóc dài, râu dê xồm, là luôn đá đít bà già bóp vú phụ nữ, moi bụng trẻ em, địch là say sưa đàng điếm, đốt nhà thờ phá chùa...

Nhưng ác nhơn, nhờ cái mớ này mà đầy hầu bao, nên danh phận. Chúng ta đâu có quyền đụng tới nồi gạo kẻ khác, khi thực sự người vợ hiền đứa con ngây thơ của họ vẫn ngồi chờ nắm cơm bố mang về. Cả gia đình vẫn còn thực sự hân hoan, tin vào nụ cười chân thực, “nhân cách” của người chồng người cha giữa nhật nguyệt kia mà?

Lý Đợi: Trở lại chuyện cũ một chút, trước 1975 ông bố trí thời gian để viết như thế nào khi vai mang quân hàm, và trước mặt thì súng ống, sự chết chóc?

Cung Tích Biền: Thời kỳ viết lách loạn xà ngầu này tôi mãn hạn chỉ định cư trú bốn năm (1964-1968) của chính quyền. Tôi từ Cà Mau, Bạc Liêu được về gần Sài Gòn. Về gần thôi. Lúc đầu ở vùng Đức Hoà sau chuyển về Trảng Lớn Tây Ninh. Theo tiêu chuẩn quân đội, tôi có một chiếc xe jeep, có tài xế riêng. Thành phố biên giới Tây Ninh khá thơ mộng với những đường phố nhỏ, nhà vườn. Nhưng thành phố đầy ngập lính, mọi binh chủng, Bộ binh, Thiết giáp, Pháo binh, Nhảy dù, Biệt động quân, Biệt kích Mỹ… Đây là nơi phối hợp hành quân sang mặt trận Campuchia, thời Thiệu và Lon Nol.

Tôi có đặc trưng là viết khá dễ dàng, bằng máy chữ. Viết ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… Viết ở Đức Hoà, Đức Huệ, Củ Chi, Tây Ninh. Đêm, viết trong hầm, mỗi sĩ quan cấp đại uý trở lên, được riêng một bunker, chừng 12 mét vuông. Ngày, có khi vác máy chữ ra quán Thằng Cuội, quán Dịch Thuỷ bên bờ sông, cây cầu trắng xa xa, càphê, thuốc lá, và… gõ chữ. Nhiều buổi trưa leo lên vọng gác của lính, lính gác mở radio nghe nhạc đài Sài Gòn xa vắng, nhạc sến “Một trăm phần trăm em ơi”; những nao lòng, cánh đồng nắng vàng tràn ngập bên ngoài tiền đồn, lúc đó tôi gõ máy. Máy chữ luôn bên người như súng đạn. Tôi đặt máy chữ trong xe, hay trên bao cát vọng gác, chỗ góc bàn nhậu, giữa quán cà phê ồn ào, chỗ nào tôi cũng viết miên man được. Hôm nay (dù tuổi 70) cũng vậy, mỗi lần tôi nhập hồn bên máy vi tính thì coi như tôi “chết” rồi. Có khi hai giờ chiều, vợ nhắc nhở, mới ăn cơm trưa.

Thời nội chiến Bắc Nam, nhiều biến động, tin buồn nhiều hơn vui. Quan tài tùm lum. Một thằng bạn nhận giấy giải ngũ chân đã đi cà thọt. Một thanh nữ có sức làm tình ngon ơ vài mươi năm tới chưa thôi, bỗng khăn tang lên tiền đồn nhận xác.Tứ bề khích động, hồn vía tôi như vườn cây trái rụng. Bạ đâu viết đó. Tôi viết cực nhanh. Mỗi 20 phút cho mỗi kỳ nhật báo. Một buổi sáng có thể viết thẳng mạch tàu bài cho mười kỳ nhật báo.

Được về Sài Gòn, thì cũng ngồi đâu gõ đó, ở các quán cà-phê, hay ngay tại toà soạn. Ngoài mấy em vũ nữ, uống rượu nhảy đầm qua đêm, nhấp nháy rồi thôi, tôi ít phung phí thì giờ cho những giao tế hão. Tôi ít khi tới nhà thăm viếng ai, không thư từ nhiều, không hề tốn phút giây cho việc đàn đúm, bù khù tự mãn, khen tụng nhau, bôi lọ kẻ vắng mặt.

Viết nhanh, cực nhanh đã trở thành một thói quen. Ngồi vào trước máy chữ - bây giờ là máy tính - hít thở mạnh, là nhập hồn. Thuở ấy nhiều anh em làm báo tỉnh (tập san văn nghệ địa phương) như Phan Nhự Thức, Vương Thanh, Phương Tấn, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Minh Nghiện… đến tìm tôi xin bài, tôi mời quý anh ngồi đấy, uống cà-phê nhé, và tôi gõ một thôi là có bài đưa ngay, mà rất ngon xơi, khỏi phải hẹn hò lần sau trở lại.

Tôi uống rượu bạo, xưa hút ống vố nay bỏ, cà-phê ngày năm ba cữ như nước lã, nhưng ngồi viết là viết, không có thói quen phải có trên bàn ly rượu, bao thuốc lá, hoặc ly cà-phê, để kích thích.

Cuối thập niên 60, thế kỷ trước, chiến tranh đã lên cực điểm. Mìn bãi, chứ không phải từng trái lẻ loi trên đường, chất nổ dưới yên xe jeep, cái chết lảng vảng ở cửa hầm. Tư tưởng chủ đạo cho những máu xương vãi ra, đã lỗi thời, bốc mùi. Cái Chết muôn thuở chỉ một trực chỉ, tự dương sang âm, nguyên màu, thuần như muối mặn. Bắc hay Nam vẫn trái tim máu đỏ, cái nhắm mắt ấy. Chỉ khác, nguời ta nhuộm màu cho Xác, trên Nỗi Chết. Có Chết Đỏ, Chết Vàng. Chết Nâu.

Lý Đợi: Ở trên ông nói thời Cộng hoà ông bị chỉ định cư trú? Tội gì?

Cung Tích Biền: Năm 1963, tôi dạy học tại Điện Bàn Quảng Nam (lúc này tôi còn gần gũi một số bạn thân mà một phần lớn trong số đó sau này đã ra khu MTGPMN) thì bị động viên vào Võ bị Thủ Đức. Mãn khoá võ bị, lẽ ra phải về gần Mẹ. Mẹ tôi đang bịnh nằm mỗi mình tại nhà thương Lao, ở Huế. Đã ho ra máu thường trực mỗi ngày. Nhưng tôi bị chính quyền Nguyễn Khánh (1964) có văn bản cưỡng bách cư trú tại miền Tây (Cần Thơ), không được về Trung, thời gian bốn năm. Năm 1967 mẹ tôi qua đời tôi không về chôn cất. Mỗi tuần tôi phải trình diện An ninh quân đội Vùng 4 chiến thuật một lần vào ngày Chủ nhật. Thấy Cần Thơ cũng chốn phồn hoa, An ninh quân đội đẩy tôi xa hơn, tôi được lệnh về Bạc Liêu. Hồi ấy Bạc Liêu bé nhỏ quê mùa lắm, đúng là “Dưới sông cá chốt trên bờ Triều châu”.

Miền Nam Cộng Hoà có cái hay, nghi ngờ một sĩ quan động viên có liên hệ với Cộng sản, tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống Ngô Đình Diệm, từng sống trong vùng kháng chiến chín năm, có anh em ruột thịt tập kết ra Bắc, có liên hệ với bạn bè, rất thân quen (khá đông) hiện đã ra khu Mặt trận Giải phóng miền Nam, vậy mà cứ cho lên lon, thăng chức bình thường như mọi sĩ quan khác.

Nghĩ lại, đời nhà văn bị lưu đày, đoạ lạc cũng cái may. Sống nhiều, đau nhiều. Yêu nhiều. Điên tận mạng. Nhìn thêm con sông đục phù sa, hiểu thêm một miền người, ngơ ngác trước một vườn cây trái trĩu cành. Ở Quảng Nam tôi trái cam nhỏ bằng nửa trái quít ở miền Nam. Năm mất mùa, đồng khô cỏ cháy bà con đi đào củ chuối nấu ăn thay cơm. Miền Nam, người ta nấu gạo Nàng hương cho heo ăn (đương nhiên là thuở ấy, chớ bây chừ người miền Nam đa phần thiếu ruộng cày, đói nhăn răng; thường trực kéo lên Sài Gòn biểu tình đòi Cường Hào Đỏ trả lại đất đai ruộng vườn đã bị cướp đoạt). Tình người miền Nam man mác chân thật, lòng rộng mở, đã cưu mang tôi tháng ngày.

Lý Đợi: Đây là giai đoạn của những truyện vừa truyện dài nào? Ông gởi gắm những gì?

Cung Tích Biền: Mỗi truyện của tôi thường gắn với một cột mốc thời cuộc.

Năm 1965 Quân đội Mỹ đã có mặt ở Đà Nẵng, các trại lính viễn chinh đã hình thành khắp miền Nam, tôi viết truyện ngắn "Ngoại ô Dĩ An và linh hồn tôi". Tôi đã nhìn ra thảm hoạ, nỗi đau của thân phận Việt Nam. Không gian truyện là Đà Nẵng, với cảng, với biển, với núi Sơn Trà, nhưng nhân vật nữ mang tên Dĩ An, một địa danh ở Bình Dương. Đây là cái tên biểu trưng mang tính khái quát một định mệnh toàn thể. Dĩ An bỏ học đi làm đĩ để nuôi ba em đi học, cha già mẹ yếu; nàng sa đoạ cùng số phận ngoại ô của nàng; sau cùng, tiếng cười chiều tà trong một building đầy gái, hoang loạn, rượu và lính Mỹ.

1968, Tết Mậu Thân tôi ở Trung đoàn 10 Thiết giáp đóng tại Đức Hoà. Tính đường chim bay sang Campuchia là rất gần. Hằng đêm B.52 ném bom vùng biên giới Việt Miên, vùng mật khu, tiếng bom gần đến nỗi ly nước đặt trên bàn trong căn hầm thường trực rung chuyển, ly nước đi dần ra rìa bàn, có thể rơi xuống đất. Tối Mồng một Tết, quân Bắc Việt đánh trực diện vào bộ tư lệnh sư đoàn 25 của Tướng Chinh, đánh chiếm quận lỵ, chiếm một nửa sân bay. Cuộc tấn công này sau cùng thất bại, chết khá nhiều.

Sáng ra, trời đất đầu xuân ấy đầy sương mù. Thị trấn toàn lính, ngày xuân ấy hoang tàn. Khăn tang và tiếng khóc. Nỗi đau đã không biên giới. Trên đường phố, lúc sương mù tan, hãy còn nhiều xác chết bên kia không kịp tải thương. Thảm lắm, nát tan. Lần đầu tiên tôi có cảm nghĩ: “Có thể người anh ruột của tôi, mấy chú mấy bác, cũng là những cái xác như thế này, ở đâu đó, hay ngay trên đường phố Đà Nẵng nơi quê nhà”.

Đây là cảm xúc kinh động, lẫn cái ý thức mùi chín về tương tàn, để tôi viết truyện ngắn "Bạch hoá" [Tháng 4/2005, gần 40 năm sau, Tạp chí Hợp Lưu đăng lại truyện này, nhân số “Nhìn lại 30 năm chiến tranh Việt Nam”].

Bấy giờ tôi nhìn ra cuộc chiến này đã đầy đủ màu sắc một cuộc Nội chiến. Con người là một vật cúng cho mỗi cái “giẻ rách” được gọi là lý tưởng. Mỗi nhân phận dù là người lính bên nào cũng là một đoạn tuyệt với tổ tiên, giống nòi. Và cái chết, gọi cao cả là hi sinh ấy, không khác cái chết hươu nai trong rừng.

Tôi hiểu rằng cuộc chia cắt Đất Mẹ này còn có thể giải quyết bằng một giải pháp khác hơn, trong hoà bình và hoà hợp, tương nhượng. Bảo vệ được triệu mạng sống con người.

Tôi cũng nát lòng khi nghe những tin tức từ Huế Mậu Thân. Bạn bè tôi bỏ biển tìm rừng đã trở về giết người. Hàng loạt. Bà con tôi trong thành phố trở thành người bị giết oan. Cả gia đình.

1969, tuần báo Khởi Hành đăng truyện dài Trường giang. Cuộc “du ngoạn” đường dài của nhân vật Minh (tên thật ngoài đời là Nguyễn Minh Nghiện - người bạn tôi), anh về thăm quê, vùng Chợ Huyện Quy Nhơn, rồi kẹt biến cố Tết Mậu Thân. Anh đi dọc bức tranh khói lửa từ Bình Định về tới đơn vị của anh là Bạc Liêu. Đây là thử thách của người con quê hương, giữa hỗn độn phân ly, lưu đày, anh phải nhận ra đâu là Chiếc Bóng chính mình.

1968 đến 1973 là Hội nghị Paris để các bên tham chiến cùng nhau tìm một giải pháp cho cuộc chiến Bắc Nam. Tôi viết truyện dài Hoà bình nàng tình rỗng. Nhân vật chính là trung uý Trần Ngọc Toàn, sĩ quan thiết giáp, sau chiến tranh anh được giải ngũ. Anh đi khắp thị thành đồi non góc bể để tìm người yêu nay đã thất lạc. Anh không hề tìm ra. Cả Chiếc Bóng của Nàng trong kỷ niệm cũng dần vắng bóng. Sau cùng “Ông” là một thiền sư, ẩn ở núi.

Nội dung tiên tri của truyện, chiến tranh Bắc Nam dù có chấm dứt dưới hình thức nào, chia cắt mãi để mỗi bên mỗi nước danh xưng, hay một bên thắng trận, non sông về một mối, thì “Trong tương lai cũng khó bề tìm thấy một lý tưởng đáp ứng đúng nguyện vọng dân tộc”. Chúng ta, vẫn chỉ mãi là tha thiết, là ngậm ngùi, hay phẫn uất Đợi Chờ Tương Lai. Vẫn chỉ Rỗng. Hiện thực, chỉ một nhãn hiệu nguỵ trang lý tưởng, què quặt man trá, khống chế và huỷ diệt.

Tôi xin nói thêm phần kết của Hoà bình nàng tình rỗng.Thiền sư ở Núi lâu ngày, có người báo cho ông biết người miền xuôi có đến mạn ngược mở một hội chợ. Hội chợ có trưng bày một giống vật lạ. Đó là một người đàn bà bị bom napal, đang được đặt trong một cái chuồng để mọi người tới xem. Da cháy, tóc cháy, nhiều chỗ loang lỗ như da trổ đồi mồi; mắt mù, tay chân co quắp. Bất đắc dĩ phải tới hội chợ, nhìn cái nửa vật nửa người trong chiếc cũi, Thiền sư âm thầm nhận ra Nàng. Người tình xưa. Lý tưởng của Hôm nay.

1970, tôi viết truyện dài Bên dòng nước biếc, là những biến động suốt thời kỳ quân viễn chinh Mỹ có mặt ở chiến trường Việt Nam. Tất cả nhân vật lính viễn chinh trong tác phẩm đều mang tên các tổng thống Mỹ.

Hai truyện dài Luống cải vàngBến mưa ngâu, đăng trên tuần báo Đời, là chung một bộ trường thiên. Truyện có nội dung khởi đầu từ khi Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp quản miền Nam về sau.

Truyện Những bọ và rắn đăng trên tạp chí Quần Chúng, nội dung về Biến cố Tết Mậu thân.

Một số truyện của tôi viết sau 1975 (“Một thời lưu lạc”, “Dị mộng”, “Lời ảo hoá”, “Người tù tình nguyện”, “Rừng đom đóm”, “Tự thú trước bình minh”, “Qua sông”, “Thằng bắt quỷ”, “Có một thời như thế”, “Không thể là Hiện thực”, “Xứ động vật”…) có một tương quan khác, một nhìn lại. Một thế nhìn không thể không ảo hoá nỗi đau.

© 2007 talawas


[1]Trong toàn bộ bài này, nhà văn Cung Tích Biền dùng chữ "cọng" để thay thế tất cả các từ "cộng", tuy nhiên để thống nhất với cách dùng phổ biến của talawas, tôi sửa tất cả "cọng" thành "cộng". Ngoài ra, ông cũng dùng cách viết hoa một số chữ để nhấn mạnh ý của mình; một số câu trả lời ông không [hoặc hạn chế] dùng dấu phẩy để diễn tả sự bề độn, tôi tôn trọng cách này nên để nguyên (Lý Đợi).