Nói đến đời sống vật chất của người Việt những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ mới này, người ta hình dung ngay ra sự thay da đổi thịt của vóc dáng kiến trúc, to lớn hơn về khối tích và dày đặc hơn về mật độ xây dựng. Nhưng để khẳng định nó có là một tất yếu hay có đẹp chăng thì hình như chúng ta đều lưỡng lự khi nhìn vào bức tranh tổng thể.
Cách đây 20 năm, công cuộc quy hoạch và chỉnh trang đô thị ở VN tạo ra những khu vuông vắn đều đều 5 tầng "cùng tiến", thi thoảng lắm mới có một điểm nhấn bằng độ cao. Chắc trẻ con Hà Nội bây giờ sẽ không hình dung được rằng chiều cao 11 tầng của khách sạn Thăng Long, hay thậm chí tháp nước khu tập thể Trung Tự cũng đã từng là nơi cao nhất thành phố. Những khu tập thể xí nghiệp tối tăm và ẩm thấp, tường toocxi mái kèo sắt lợp ngói Sông Cầu, mỗi hộ công nhân một gian ngăn vách bằng ván cót ép, khu vệ sinh cũng một dãy nhỏ hơn, đồng dạng nhưng là một mái dốc dựa lưng vào hàng rào tường con kiến phía trước cửa, mỗi hộ một chìa khoá, và trên vách bao giờ cũng có câu nhắc nhở viết bằng phấn trắng: "Khi … xong nhớ dội nước", ám ảnh bao thế hệ sinh sống. Nhưng còn hơn "phố cổ" và "xóm liều". Mặt tiền Hàng Bông Hàng Gai cùng Hàng Ngang Hàng Đào lộng lẫy, kể cả thời bao cấp vẫn lộng lẫy thì những gian trong âm u và khủng khiếp thế nào, nhiều người đã
mô tả thấm thía lắm. Con người tưởng cũng chỉ mơ đến căn nhà tranh tre nứa lá cùng "VAC" ở nhà quê, dù chưa có "xí hai ngăn" cũng còn lịch sự hơn vạn lần Thủ đô.
Rộng và
thoáng, hai từ trở thành ý nguyện hàng đầu của cư dân đô thị.
Đường ống nước khu tập thể
Rồi cũng đến lúc "lịch sử sang trang", cái sự giầu lên của nhà nhà kéo theo sự giầu lên của kiến trúc, thoạt tiên là kiến trúc "dân gian", tôi xin dùng từ cuả các thầy trường kiến trúc (các thầy nói về kiến trúc cổ truyền cơ) để nói về loại hình kiến trúc do dân tự xây và thiết kế, có hay không có kiến trúc sư vẽ. Tôi dám cá rằng trào lưu "tiền chiến" đã lây từ văn nghệ như âm nhạc, thơ Mới, Tự lực văn đoàn, tranh Mỹ thuật Đông dương sang nhà cửa. Sống bao lâu ở những nhà của "thực dân thời thuộc địa" bây giờ thấy đẹp thật! Đi học ở Liên Xô rồi Tiệp, Đức về thấy Hà Nội kém gì! Bắt đầu là ngôi nhà trên đường Yên Phụ có mấy cái "củ hành" như nhà thờ Kazanski từ quảng trường Đỏ Moscow nơi chủ nhân thành "tiến sĩ" ở đấy. Rồi khát vọng vươn cao được hưởng ứng; nếu những kiến trúc truyền thống bản địa của ta chẳng có hình mẫu (kết cấu cột - xà - kẻ của các cụ rặt nhà một tầng thấp bè), thì nay đã có "chóp"! Thế rồi "em ơi Hà Nội chóp" như tựa đề của phóng viên Thanh Hà đặt cho một bài báo gây dư luận được áp dụng toàn diện. Để rồi có mỗi mặt tiền nhà ống chừng 3 mét cũng có mái dốc chóp nhọn. Họ ngắm nghía những biệt thự thuộc địa được phục hồi, ngắm cái nhà hát Lớn được "mông má" lại và "mang" về tư gia. Đến nỗi uất quá, một kiến trúc sư tâm huyết khi bị trượt thầu vì không làm "hình thức Pháp" cho công trình hành chính của một tỉnh uỷ đã đổ tội cho cái "thằng" nhà hát tráng lệ kia, mày thực dân đến cả trí tuệ của dân tao. Chắc ông nên cho Đảng bộ tỉnh ấy xem xem trụ sở Đảng của cái nước Pháp họ mới xây kiểu gì, có phải là kiến trúc của giai cấp công nhân đấu tranh cho tiến bộ hay là giống kiến trúc của các đế chế trước cách mạng, tuyền là cao chín thước với mười mấy bậc và những hàng cột thức Hi La to vật vã?
Khách sạn Đồng Tháp
Đền chùa quê ta mùa tu bổ
Hiện nay, sau một thời gian "lên cơn" trùng tu tu bổ và khôi phục di tích, chủ yếu là đền chùa và di tích tín ngưỡng, chúng ta đang sở hữu những gì? Những đền chùa ấy chủ yếu sửa chữa và tăng cường thêm các khu điện thờ Mẫu và thờ Thánh để phục vụ cho các con nhang đệ tử, các cá nhân có nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt để hành lễ. Nhưng đáng nói hơn cả, nhất là đối với những người trong nghề thiết kế kiên trúc, là hình thức của các công trình ấy không nói lên giá trị tiêu biểu đặc sắc gì cho thời đại ta đang sống. Hoặc đó là nỗ lực tuyệt vọng níu kéo lại vàng son quá khứ những trăm năm xưa bằng rồng phượng, bằng sơn vẽ xanh đỏ, bằng gỗ quý đá xẻ, bằng mái đao ngói mũi hài cong cong, bằng hàng lô lốc tượng không rõ Phật hay La Hán, nhập nhèm Thánh Mẫu Sơn Trang với Ngọc Nữ Kim Đồng … Hoặc đó là sự mô phỏng vụng về của những hình hài kiến trúc xưa trong kết cấu bê tông cốt thép.
Tất nhiên là cũng có nhiều công trình phục dựng đàng hoàng, làm bằng vật liệu gỗ đá quý và tỷ lệ hình dáng không khác gì những Đình Bảng, Chu Quyến hay Tây Phương của thế kỷ 17, 18… Nhưng nhìn đi nhìn lại, nó cứ sạch sẽ và khô khan, nó không có gì sáng tạo, nó là dung hòa của tất tật những gì "quý giá" của cổ nhân. Nhà Thái Học mới xây trong Văn Miếu đẹp, công nhận - nhưng sử dụng thật là hạn chế (lần nào vào cũng thấy đóng cửa) và chẳng hiểu sao lại có lắm hạng mục phụ trợ đến thế trên cùng một diện tích không lớn gì? Và các đường cong của mái đao sao yếu ớt hay là thận trọng đến thế. Nhưng thế cũng là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm nhiều màu sắc (!!!) của trào lưu kiến trúc hoài cổ xứ ta.
Các kiến trúc sư chủ trì bảo tồn có tâm huyết nói: sợ nhất là mấy ông mấy bà công đức những pho tượng Quan Âm trắng toát hay là mấy cái con sư tử hay tòa sen nhễ nhại xanh đỏ, rồi hàng tá những bia đá ghi tên cung tiến, những vạc hóa vàng bằng xi măng đúc. Chả biết để vào đâu. Lại còn có chuyện một ngôi chùa trong quần thể Yên Tử được phục dựng mấy năm trước - cũng ngon lành và chấp nhận được về hình thức, giờ thì lời ra tiếng vào, chỉ vì tiền làm chùa được công đức từ một nhân vật trong đường dây xã hội đen đang ra trước vành móng ngựa. May lắm thì các công trình di tích lớn ăn vào tiếng tăm thiêng liêng mà khách viếng bỏ qua sự xấu xí về vật thể hay sự thiếu hiểu biết về mỹ thuật của số đông, hoặc là cảnh quan tự nhiên tuyệt vời như những nơi chùa Hương, Yên Tử hay khu Tây Hồ.
Liệu đã có thể xây dựng những chùa mà không chùa, đền mà không đền chưa nhỉ? Giống như những nhà thờ ở những vùng đất mới, họ không còn bị hình thức Gotic hay Roman ám ảnh nữa. Đó là những công trình hiện đại, thậm chí còn là những biểu tượng kiến trúc tiền phong như Ronchamp cua Le Corbusier hay nhà thờ ở Brazilia của Oscar Nimeier. Kiến trúc tôn giáo Á Đông chẳng lẽ cứ cột chặt mãi vào mấy cái "mái ngói xô nghiêng" hay là mấy con rồng nhe răng vậy sao?
Kiến trúc chính thống ngả nghiêng
Nói thế là để nhắc sang chuyện kiến trúc công sở. Kiến trúc nhà dân dầu sao cũng mang thẩm mỹ và quyền làm chủ của họ. Còn kiến trúc "quốc doanh" thì sao? Quy hoạch 20 năm trước quả thật cũng đã làm được việc. Ấy là những tiểu khu phẳng phiu, những cụm dân cư lấy khu cây xanh kết hợp nhà trẻ trường học làm trung tâm, giao thông nội bộ hạn chế phương tiện cơ giới. Nhưng mà cái chỉ tiêu cho mỗi đầu người có tí con con, bao nhiêu cũng chật chội. Khá hơn thì có cái máy giặt, cái tủ lạnh, cái tủ gương, nhiều quần áo, nhiều bàn làm việc cùng phương tiện giải trí. Để vào đâu? Thì cơi nới. Sẵn ban công lô gia, chỉ việc hàn cái lồng sắt vào là thêm diện tích bằng cả một phòng nhỏ. Lại thêm chiếc xe máy, thứ nhất là lối cầu thang phải xây thêm dốc dắt xe, thứ hai là căn hộ chật thêm vì phương tiện đi lại. Những hộ tầng một đồng loạt xây thêm một phòng phía trước thành kiosque kinh doanh, trong đó chắc chắn là trông giữ xe cho những hộ tầng trên đi lại nhiều. Từ khi quy hoạch thiết lập và những khu chung cư tập thể ra đời, hòng quy định lối sống kiểu mẫu, nhất là chuyện đi lại (vào những năm 80 trở về trước được các chuyên gia nghiễm nhiên ấn định bằng các phương tiên công cộng), thì thật đáng tiếc là bao năm qua chẳng thể thực hiện được. Xe điện thì bỏ rồi, xe buýt thì Hà Nội năm 2002 có khá hơn nhưng như muối bỏ bể với nhu cầu khổng lồ. Còn Sài Gòn thì liên tiếp xảy ra tai nạn do sự cố xe xuống cấp. Đây là còn chưa tính đến việc thiếu sân bãi đỗ ô tô và garage cho gia đình có xe hơi riêng. Một lần nữa kiến trúc và quy hoạch đi sau thực tiến phát triển xã hội. Một vài khu chung cư cao cấp và công sở mới với đủ lệ bộ hạ tầng cơ sở không sao áp đặt được lối chơi văn minh của mình lên các khu còn lại. Bất động sản cao giá nhất vẫn là nơi hội đủ yếu tố về: dân trí cao, gần trung tâm, kinh doanh tốt, đi lại không tắc đường, nằm trong vùng quy hoạch chuẩn, không bị giải toả… Người ta nhắm đến chỗ gần nhà các vị quan chức, gần trụ sở uỷ ban mới xây, gần những gì họ cho là được ưu tiên ưu đãi nhất bây giờ, "vững như bàn thạch"! Một trụ sở uỷ ban quận to hơn hội trường Quốc hội án ngữ con đường ven hồ Tây, lập tức một khu "đô thị mới" hình thành kế bên, kéo theo hàng lô lốc "nhà chia lô" kéo thành vệt cùng quán cá quán nhậu ven hồ. Nghĩa là sẽ xoá sổ các làng hoa làng cây mà các vị lãnh đạo quy hoạch có tí máu văn nghệ khi chủ trì thiết kế quả quyết đấy sẽ là tiềm năng du lịch văn hoá sinh thái, mang "nét đẹp truyền thống của làng nghề xưa". Thiết nghĩ quy hoạch một vùng ven đô nào đấy, biến thành vùng dân cư phi nông nghiệp, thì trước tiên ngoài chuyện đền bù phải có một phương án chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Chính điều này quyết định hình thái cấu trúc không gian ở của khu đô thị. Không đợi ông nhà nước, bà con ta làm những nghề thủ công dịch vụ khác, hoặc đơn giản là bán nửa đất lấy tiền tỉ, lập tức có hai cái nhà ống cạnh nhau, có khi ra mặt đường thì cho thuê tầng trệt, cả nhà rút lên tầng cao. Ta liền có một "khu ổ chuột bằng vàng" mới và cứ thế nhân rộng mãi lên. Có gì chán và khủng khiếp hơn khi nhìn thấy những dãy tập thể cũ nát dính đầy "chuồng cọp" một màu xám xịt mênh mông nối tiếp, nhưng cũng không gì bất lực bằng đi hàng mấy cây số phố bê tông màu kem màu hồng màu xanh với chóp với cuốn phào chỉ cùng kính màu trà của Thái Hà, Gia Lâm hay gì gì nữa. Chắc tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không tính trước được nhiều nhà chia lô mà mình vẽ kiểu hoá ra lại dùng cho dịch vụ "Bar - Karaoke" thay vì để ở như ban đầu. Thế mà ngày đi học chúng tôi luôn luôn cẩn thận đọc kỹ nhiệm vụ thiết kế để khỏi trượt vỏ chuối, đắn đo xem hình thức và công năng mình khống chế có phù hợp. Hẳn không phải là tệ lắm khi trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giống trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và đều có cái mặt tiền giống với một mặt tiền Louvre hay pha trộn gì gì đó, ta tặc lưỡi, có mỗi hai nơi thôi mà. Với cơ quan quyền lực cao nhất địa phương thì thế cũng được; nhưng mà thật mệt mỏi khi bạn thấy nhan nhản "Nhà hát Lớn" ở những nẻo đường tỉnh lẻ hay thậm chí đầu làng trên đường về quê. Cơ man là những mái "măng-sác" với mái khum khum của nóc nhà hát kia được "trích dẫn" lại. Lắm khi còn có thêm một điện thờ mang hình dáng một lầu mái cong có đủ rồng bốn phía cũng trên cùng một địa chỉ.
Nỗi niềm "quá độ"
Vì sao mà kiến trúc pha tạp ấy và cả kiến trúc cổ điển sạch sẽ lại khẳng định được vị thế ở xứ ta, nhất là miền Bắc nơi tưởng như những tuyên ngôn văn hoá macxit ủng hộ kiến trúc hiện đại và dân chủ? Ngoài những yếu tố về khát vọng đổi đời và tâm lý của nả dinh cơ "nồi đồng cối đá" cũng như vọng ngoại - cơm Tàu nhà Tây vợ Nhật thì hẳn có lý do từ sự phản ứng lại những "giá trị" của kiến trúc bao cấp. Nói đến bao cấp là đại đa số dân tình phủ nhận. Xấu và thô, tiêu chuẩn vệ sinh thấp, mét vuông theo đầu người thấp kỷ lục. Công tác hoàn thiện bề mặt dường như chịu cảnh cơm thừa canh cặn, thuộc vào hạng mục chót cùng khi hết vốn phải bàn giao. Lại thêm những tiêu chí sáng tạo của các kiến trúc sư học từ khắp nơi về ấp ủ lý tưởng trào lưu hiện đại và chủ nghĩa công năng mang màu sắc xã hội không tưởng. Về đến ta, thời tiết khí hậu khác, lối sống khác (luôn luôn là "quá độ"), những kết quả hoá ra mang màu sắc bi kịch nhiều hơn. Những công trình uỷ này ban kia là những khối bê tông đồ sộ cùng những dầm hộp, những nhịp hành lang cầu thang trưng bày chức năng một cách "xô viết" nhất. Thêm vào là tình trạng kinh phí hạn chế, làm sao duy tu đều đặn hàng năm, đến nỗi chỉ vài năm sau là các công trình kia xám xịt vì mưa nắng nhiệt đới, vì chất lượng vật liệu và thi công trung bình, vì lối sử dụng rất mực bình dân của con người, mà chủ yếu ở đây là viên chức. Không kiến trúc sư nào đặt bút vẽ chức năng phục vụ đời sống sinh hoạt của con người trong một phòng hành chính, nhưng nó sẽ là nơi các nữ cán bộ đan len, giặt đồ, nhặt rau, đun nấu cũng như hương hoa mồng Một cho chí ngày rằm… Với những nhu cầu sinh hoạt của một xã hội như vậy, mọi kiến trúc sư phải chào thua. Kiến trúc bao cấp thật sự thì cũng để lại một vài công trình nghiêm túc, có tìm tòi và nghiên cứu, giá trị đạt được là đáng trân trọng trong một hoàn cảnh hạn chế. Những công trình thiết kế đều có nguyên tắc và quy củ: sạch sẽ và ngay ngắn cũng như tiết kiệm. Các kiến trúc "chính thống" ít nhất cũng bộc lộ một trạng thái: khẳng định sự nhất nguyên và ổn định của tư duy. Cho đến thời khắc "bung ra", tâm lý con người cũng dao động và đòi hỏi thoả mãn cái sự bung ra ấy, họ không vừa lòng với khuôn khổ kiến trúc được quy chuẩn, họ kết án "bao cấp" và kết án cả kiến trúc của nó.
Thật ra những năm sau giải phóng miền Nam, Hà Nội đã có một dịp chạy theo mốt kiến trúc đô thị Sài Gòn trước 1975, nhưng cũng không học bao nhiêu ngoài đá rửa, tấm đan bê tông đúc chắn nắng và cột ốp đá. Mười năm đổi mới, kiến trúc nổi lên chìm xuống theo thị trường vật liệu, theo xi măng sắt thép, theo các catalogue cùng các chuyến công du của giới chức lãnh đạo, theo thị kiến của người tiêu dùng. Cùng anh em bà con với mỹ thuật, kiến trúc cứ hồn nhiên hết mình tìm phương cách thể hiện. "Về nguồn", có ngay những căn nhà cổ dựng lại với chạm trổ và đồ gỗ nội thất choáng lộn, "đồng nội cổ truyền" nhưng giá trên trời, các hoạ sĩ lắm tiền là một thành phần của trào lưu này, họ đem cái "văn hoá làng" được khai thác từ tranh pháo ra sắp đặt rồi thành nội thất và tiến lên kiến trúc. Chum vại, tre nứa, gạch ngói, chuối cau, sành sứ, đủ cả. Một căn nhà giống như một cửa hiệu cầm đồ, nhưng không rẻ tí nào. Chơi chất liệu, được đấy, các thể loại ốp lát, gạch gốm, gạch đất nung, gạch cháy, gạch giả cổ, đá xẻ, đá granit, nhôm kính, sắt uốn sơn tĩnh điện, gỗ gỉ gì gi cái gì cũng chiều. Tôi cứ luận từ ba ngôi trường coi là hàng đầu trong đào tạo nghề kiến trúc và xây dựng ở Việt Nam: Kiến trúc Hà Nội (ĐHKT), Xây dựng Hà Nội (ĐHXD) và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (KTHCM). Trường ĐHKT mang hình thức "thể hiện lại hình dáng ngôi nhà truyền thống dân tộc với các yếu tố mái dốc lớn, tỉ lệ mặt đứng cũng như trang trí kết hợp - thiên về chủ nghĩa biểu hiện", hình thức này chỉ vốn để khoác lên cơ sở kiểu cũ hành lang bên tạo thêm sân trong và không gian công cộng - vốn được ưa chuộng trong rất nhiều công trình văn hoá (kiểu mô típ nhà hình trống đồng hay nhà sàn, đình làng, mái dốc con sơn…). Trường ĐHXD bên cạnh cơ sở chưa cũ lắm kiểu nhà thời "bao cấp" nhưng đúng chính tả, xây một giảng đường bốn tầng trông có vẻ "hi-tech", khung thép, mái vỏ cong, bê tông sơn trắng, cửa kính lớn, phải chăng Richard Meier bắt đầu tạo được ảnh hưởng mạnh ở xứ này? Trường KTHCM điển hình cho phong cách đá rửa và mảng miếng bê tông cùng cơ man là tấm lam chắn nắng. Lướt qua vậy để thấy sự đa dạng thế nào về hình thức ngay từ lò luyện người thiết kế. Ra trường, được gọi luôn là kiến trúc sư nhưng ngả nghiêng lập trường và nhận định, không phải ai cũng dám chắc là mình dạy được thiên hạ về kiến trúc cả. Thôi thì đối tác và bên A nhu cầu sao thì ta tìm cách xoay xở vậy. Miễn là không sai chính tả.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn
Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Nhà hát Lớn cõng Khuê Văn Các
Đi làm nghề kiến trúc, gặp phải công thức này: hễ là công trình văn hoá thì phải có hình thức kiến trúc dân tộc, mà nghĩa là phải có chim Lạc, hay là có mái đao đình, có hoa văn cổ, có âm dương, có vật liệu địa phương (nếu bạn phải lập dự án khả thi, hãy cố gắng "bắt" cho được nhiều yếu tố loại ấy dù sự có mặt của nó phũ phàng như bạn mặc cái áo dài ngoài bộ complet); còn hễ là công sở thì mau mau lấy trong thư viện phần mềm đồ hoạ AutoCad các mặt đứng "nhà kiểu Pháp". Các uỷ ban thì tôi đã nói ở trên, kể thêm trụ sở Bộ Công nghiệp trên phố Hai Bà Trưng, từng mang phong cách chiết trung thời 1940-1950 bỗng dưng thay hình thành tân cổ điển nửa mùa vào năm 1998, đắp thêm cột thức Ionic với vô số hoa văn thạch cao trắng toát, có lẽ khó nghĩ rằng sẽ gặp một nền công nghiệp hiện đại ở một nơi luỵ hình thức lạc hậu như thế. Toà nhà Cục Sáng chế từng có một hình thức rất "châu Âu" (hay Liên Xô?) nay chắc có ngân sách, sơn phết lại thành thức cột và gờ chỉ chói chang, chắc cũng là một sáng chế? Đất nước bị kéo lùi lại vài thế kỷ, công trình chả cần biết kết cấu mới cũ ra sao, cứ diễn mãi "Cô lô nhần" cho đến khi nào… Kết thúc những tản mạn của mình, xin giới thiệu một ví dụ liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam. Đấy là dự án công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đại để người thiết kế muốn hướng đến một hình thức kiến trúc hiện đại, mà hiện tại đã xây gần xong phần thô (khung bê tông cốt thép) rồi, nhưng bên các lãnh đạo Hội Nhà văn (đại diện là ông Cao Tiến Lê) lại muốn có tham chiếu kiểu có tí "đậm đà bản sắc dân tộc", vậy là có thêm một phương án hình thức với Khuê Văn các (những hai Khuê Văn các) trên cao chót vót (tầng sáu), mái dốc đỏ chói cùng cột giả chạy hành lang. Có lẽ nó giống Nhà hát Lớn (cũng là tinh hoa văn hoá cả!) nhưng mái đỏ và có lầu sinh hoạt công cộng (ngâm thơ chăng???) - thực chất là nóc của thang máy và thang bộ, gọi bình dân là cái "tum". Chưa nói đến việc những mái dốc lại quay tất cả mặt tam giác đầu hồi ra mặt tiền công trình, mà theo quan niêm các cụ rất kỵ lối đi vào đầu hồi, các cụ gọi các tam giác thủng ấy (có cái ván lá đề chạm trổ che hờ) là khu… đĩ, gọi chệch là khu dĩ chứ lắm khi nói thẳng là cái l.. nhà. Những cái đó cũng không thành vấn đề, nếu quả thật có sự sáng tạo hay là đóng góp gì về mặt tư duy kiến trúc hay hình khối ở đây. Nhưng ở đây chỉ thấy một sự sơn phết ấu trĩ và hời hợt trong hiểu biết về kiến trúc truyền thống. Đã lỗi thời khi chăm chăm cóp nhặt những hình thức kiến trúc của một kết cấu gỗ cổ truyền chỉ cho một loại không gian duy nhất sang một kết cấu bê tông cốt thép có thể biến đổi phương chiều tuỳ ý sáng tạo không gian, cũng như rất thô để mà "tận dụng" những khái niệm khuê văn các cùng với mái đình chùa lên một khối vật chất bê tông ngột ngạt, nhất là ở vào thế kỷ kỹ thuật cao đòi hỏi ứng dụng những giá trị tiên tiến nhất. Hồn dân tộc nằm ở cái không gian chứa đựng bên trong, cái hiện đại chuyên chở hồn ấy, mới là vẻ đẹp của nghệ thuật sáng tạo, cũng như tác phẩm văn chương không mãi mãi bằng lòng với những thể tài quen thuộc.
© 2003 talawas