Văn há»cVăn há»c Việt Nam Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
13.11.2004
Nháºt Hoa Khanh
Gặp Tố Hữu tại biệt thá»± 76 Phan Äình Phùng
(Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu)
5 kỳ
“Hôm nay, tôi chỉ nói về trường ca Nước non ngàn dặm. (Tố Hữu lại ho liên tục).
Sau buổi báo cáo nói trên, tôi phải trốn lên Tam Đảo một tuần lễ. Cái không khí tĩnh lặng, thơ mộng và lạnh giá của Tam Đảo giúp tôi dễ hồi tưởng về chuyến đi ngàn dặm đó. Tôi tưởng tượng chuyến đi ấy như một giấc mơ, một giấc mơ dài:
Đường đi như giấc mơ dài.
Nhưng chỉ là một giấc mơ tưởng tượng, một giấc mơ hoàn toàn không có thật bởi vì trên thực tế, tôi đã thực hiện chuyến đi này.
Các tên đất trong bản trường ca đều có thật. Tuy nhiên, phải viết sao cho không lộ bí mật quân sự. Anh Đinh Đức Thiện nhắc nhở tôi như thế.
Vì toàn bài là một giọng trữ tình, cho nên loại hình tráng ca không thích hợp. Bài thơ diễn tả cả một chuyến đi ngàn dặm nước non, cho nên phải dùng loại hình trường ca. Vì toàn bài kể lại các câu chuyện trong chuyến đi ngàn dặm Miền Nam, cho nên nếu dùng thể bảy chữ (thất ngôn) cũng sẽ gặp khó khăn. Thích hợp với giọng điệu trữ tình và với việc kể chuyện chính là thể lục bát. Tôi chọn lục bát. Tất nhiên, thể loại không quyết định nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện nội dung.
Tôi tự nhủ: tuy bài thơ là một trường ca nhưng không nên quá dài. Phải tính toán làm sao cho trong một độ dài vừa phải, bản trường ca vẫn phản ánh được đầy đủ tấm lòng thiết tha của mình đối với nhân dân và quân đội.
Đúng như vậy, bản trường ca phải phản ánh đầy đủ tấm lòng thiết tha của tôi đối với nhân dân và quân đội.
Tôi yêu dân ca và biết dân ca từ nhỏ. Tôi yêu điệu Nam Bình của núi Ngự, sông Hương. Đã bao lần tôi lặng người trong câu ca Nam Bình: Nước non ngàn dặm/ Ra đi/ Cái tình chi… diễn tả nỗi đau của công chúa Huyền Trân trên đường vào Nam làm vợ vua Chiêm.
Tôi hay dùng cái cũ để nói ý mới. Dùng cái tình chi để nói tình của tôi đối với Miền Nam, đối với tổ quốc. Thế là tôi lấy câu NƯỚC NON NGÀN DẶM để đặt tên cho bản trường ca diễn tả tấm lòng thiết tha của mình đối với nhân dân và quân đội trong chuyến đi ngàn dặm nước non ấy.
Tới Trà Mi (Quảng Nam), nơi tôi chào đời, tôi lặng người hồi lâu. Ở Tam Đảo, nhớ lại những phút giây lặng người đó, tôi viết:
Trà Mi đây, hỡi Trà Bồng
Có hay cây quế đợi trông tháng ngày
Nâng cành quế héo trên tay
Càng thương quế ngọt quế cay cùng người
và:
Hội An, Đà Nẵng xa khơi
Ấy nơi mẹ ắm, ấy nơi mẹ nằm.
Xót xa, thương nhớ mẹ tôi và những con người cùng thời với mẹ. Nỗi niềm của tôi. Tấm lòng của tôi. Nỗi niềm và tấm lòng của tôi khi đặt chân lên nơi chào đời sau khoảng nửa thế kỉ xa cách.
Trong đời mình, tôi chưa làm bài thơ nào nói về cuộc đời chung của nhân dân và cuộc đời riêng của mình như bài này. Tôi trút hết nỗi lòng mình vào Nước non ngàn dặm.
Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên (…)
(…) Nặng lòng xưa giọt mưa đan
Mát lòng nay trận mưa mau quê nhà.
Tâm trạng. Toàn là tâm trạng cả. Ở Huế và trên khắp các nẻo đường nước non ngàn dặm, tôi đều thấy ngày toàn thắng đã tới gần:
Mát lòng nay trận mưa mau quê nhà
Toàn bài là tâm trạng của tôi
Toàn bài còn là những liên tưởng của tôi.
Như trên đã nói: tôi liên tưởng đến câu ca Nam Bình, tôi liên tưởng tới chuyến đi ngàn dặm của công chúa Huyền Trân. Bây giờ, xin nói thêm: rời Hà Nội cùng anh Đinh Đức Thiện, tôi ra tiền tuyến. Ra tiền tuyến tức là về tuổi xuân, về Huế, về Hội An, về miền Trung thương yêu của tôi thời tuổi trẻ:
Đường ra tiền tuyến, đường về tuổi xuân.
Đó cũng là liên tưởng. Trong Nước non ngàn dặm tôi liên tưởng nhiều lắm. Đó là chuyến đi của nội tâm, không phải chuyến đi bằng chân, không phải chuyến đi bằng xe quân sự.
Trong bản trường ca, tôi chú trọng tả cảnh, chú trọng nói đến việc đời của mình, tâm tình của chính mình, chuyện thật của đời tôi và chuyện thật của đất nước. Vì vậy, Nước non ngàn dặm có một giọng điệu riêng. Về cơ bản, giọng điệu trong Nước non ngàn dặm khác hẳn giọng điệu trong hầu hết các bài thơ khác của tôi trước đó (và cả sau này).
Trong suốt chuyến đi ngàn dặm ấy, đoạn đường nào đối với tôi cũng đầy kỉ niệm.
Một trong những kỉ niệm sâu sắc nhất là cuộc đi trốn ở Đắc Lay, cuộc vượt ngục ở Đắc Lay năm 1942. Trong chuyến đi, tôi tình cờ được trở lại làng Rô, nơi tôi được đồng bào Kà Dong nuôi giấu sau khi tôi vượt ngục.
Đường đi như sự tình cờ
Con sông Mi lại bây giờ lần theo
Vượt tù xưa, bước gieo neo
Sau khi phát hiện ra tôi và anh Huỳnh Ngọc Huệ trốn tù, Đồn trưởng cho treo ảnh chúng tôi nhiều nơi. Dân làng Rô biết tôi nhưng vẫn bí mật nuôi dù họ quanh năm đói. Tôi trốn trong nhà một ông già người Thượng. Ông già nằm bên bếp. Một cô gái khoảng 15-16 tuổi trông rất dễ thương hàng ngày nấu xôi cá nuôi chúng tôi. Khi chúng tôi ra đi, cô gái tiễn một đoạn đường rừng và đưa tặng mỗi chúng tôi một gói xôi.
Thương em, cô gái sông Mi
Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng.
Tốt đến như thế! Đẹp đến như thế! Đó là năm 1942. Ngay sau cách mạng Tháng Tám, phải lo việc kháng chiến chống Pháp, rồi phải ra Việt Bắc, tôi không thể về thăm làng Rô được.
31 năm sau (1942-1973), nhân chuyến đi này, tôi mới có dịp trở lại làng Rô ơn nghĩa của mình.
Tôi bảo anh Thiện: Mình nhớ ơn cái làng Rô quá! Anh cho quân tìm giúp xem làng còn ai hồi mình vượt ngục hay không. Quân anh Thiện tìm mãi mới thấy dân làng ở sâu trong rừng. Họ tặng tôi ngô, thuốc lá khô, lạc. Tôi sửng sốt khi thấy họ tặng tôi một cặp ngà voi. Họ bảo: lúc ông đi rồi (họ gọi tôi bằng ông), làng bẫy được một con voi. Già làng dặn chúng tôi: quên gì thì quên, bỏ gì thì bỏ nhưng phải giữ lại, không được bán cặp ngà cho lái buôn, để sau này tặng hai ông khi hai ông có dịp trở lại. Sau đó, chúng tôi biết một ông chết (anh Huỳnh Ngọc Huệ chết sau khi tôi và anh Huệ rời nhà ông già). (Nói đến đây, Tố Hữu lại ho rất nhiều. Giọng ông yếu hẳn một lúc lâu). Họ vẫn giữ cặp ngà voi và vẫn đợi tôi suốt 31 năm. Giống như Đợi anh về! Cao hơn Đợi anh về! Tình cảm cách mạng của đồng bào Thượng sâu như thế! Họ biết mình đánh Tây cho nên họ nuôi mình bất chấp nguy hiểm. Sau này, vào cuộc chống Mỹ, làng Rô vẫn gan góc như thế. Họ thù Tây-Mỹ lắm. Lúc ấy (1973), tôi mới biết ông già tên Đễ, cô gái tên Đỡ. (Giọng Huế êm dịu nhưng nghẹn ngào, Tố Hữu đọc).
Ôi làng Rô nhỏ của tôi
Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng
Trăm năm ta nhớ ơn làng
Cánh tay che chở bước đường gian nguy
Thương em, cô gái sông Mi
Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng
Cái làng ấy đúng là chiếc nôi đại bàng. Tôi đánh giá rất cao tấm lòng của toàn thể dân làng Rô. Một số người đọc bài thơ này nhưng vô tình, không để ý đến hình tượng chiếc nôi đại bàng.
(Sau một cơn ho kéo dài, Tố Hữu nói tiếp). Trong thơ của tôi, về thể lục bát, Việt Bắc và Nước non ngàn dặm là hai bài tiêu biểu. Ở cả hai bài đó, tôi đều gửi gắm tâm tình của mình: gắn bó với nhân dân, với đất nước.
Nhưng số phận Nước non ngàn dặm cũng long đong. Chuyện như thế này:
Khi tôi viết xong, có người bảo: bản trường ca buồn buồn, không có khí thế; cả bài thơ tràn ngập một tâm trạng xót xa. Lại có người bảo: xếp lại.
Quân Đội Nhân Dân không đăng.
Người ta bảo: Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi là bêu xấu người lính trẻ. Lính trẻ gì mà nhếch nhác, lộn xộn như thế!
Ngây thơ! Ngốc! Đây là hai câu thơ vui về các chàng lính trẻ. Trên đường đánh giặc, các chàng chờ cơm, gõ bát hát nghêu ngao. Lạc quan! Chân thực! Chẳng có gì là bêu xấu ai!
Nhân Dân cũng không đăng.
Chắc ở báo Nhân Dân có ai nói thế nào đó về thơ. Buồn cười! Buồn cười đến như thế! Ấu trĩ! Ấu trĩ đến như vậy trong đời sống xã hội-chính trị của chúng ta! Ấu trĩ! Ấu trĩ đến như vậy ở một cán bộ cấp cao đấy nhé! Quên đi! Đừng nói ra làm gì!
Nhưng tôi có cách của tôi. Tôi không cần báo đăng. Tôi giao cho bên Tổng cục Hậu cần của anh Thiện. Quân anh Thiện đâu cũng có. Anh Thiện cử người lo chuyện in giúp tôi mấy vạn cuốn khổ nhỏ bằng bàn tay. Phát hành đến đâu, hết đến đó. Lính hậu cần thích, rất thích. Cả lính trẻ lẫn lính già nói chung đều thích, thích lắm. Họ nằm võng ngâm nga hai câu cuối Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi và nhiều câu khác trong bản trường ca. Anh ạ, Nước non ngàn dặm góp phần nuôi dưỡng sức chiến đấu của người lính. Các địa phương được bài thơ nhắc đến càng thích. Giới văn nghệ cũng thích.
Đến nay, bài thơ vẫn sống. Nhiều người, khi nghiên cứu thơ tôi, vẫn nhắc đến Nước non ngàn dặm. Có bạn đọc đã thuộc cả bài.
Tính tôi vẫn thế: nói đúng, tôi chịu; nói sai, tôi không chịu. Tôi có cách của tôi. Tôi có cách vượt qua, không cần báo đăng.
Nhưng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam lại ngâm, lại mời một nghệ sĩ ngâm Nước non ngàn dặm. Anh Hoàng Như Mai, giáo sư văn chương, được Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam mời giới thiệu Nước non ngàn dặm. Bài phân tích của anh Mai gọn và sâu. Hoàng Như Mai hiểu rõ tâm sự của tôi trong bản trường ca.
Báo không đăng. Đài cứ ngâm. Buồn cười! Chuyện đời thật là rắc rối!
Đời tôi đôi lúc có trục trặc. Tôi nói vui: trục trặc kĩ thuật.
Nhưng như trên đã nói: tôi có cách của tôi.
Có lẽ tôi nói với anh về Nước non ngàn dặm đã hơi nhiều. Đủ chưa? Tôi nghĩ: quá đủ. Tôi không muốn dừng lại ở chi tiết. Dừng lại ở chi tiết là vô ích.
Đến đây, nhân nói về trục trặc kĩ thuật trong đời mình, tôi xin tâm sự một chút về Đường về, vài thơ tôi làm năm 1964 và đăng ngay trên báo Nhân Dân.
Đường về là tâm sự của tôi. Nhưng cũng có người nói này nói nọ. Tôi bảo: xin lỗi, anh làm ngoại giao là việc của anh, tôi làm thơ là việc của tôi. Tất nhiên, tôi phải phục tùng chính trị. Nhưng tôi không động chạm đến ai hết, tôi có quyền nói lên suy nghĩ của mình, có quyền nói lên tâm sự của mình bằng cách này hay cách khác. Tôi cũng đủ cương vị để người ta phải nể, để người ta không thể tùy tiện phê phán tôi. Với người khác, có thể sinh chuyện. Nhưng với tôi, tôi có đủ cương vị để tự bảo vệ.
Ai không thích, tùy người đó. Nhưng khi tôi cảm thấy mình làm đúng, tôi cứ làm. Thế thôi. Tôi hơi ngang một tí. Tất nhiên, làm thơ đừng có ngang như cua, đừng chày cối. Nhưng nếu nhà thơ (hoặc nhà văn và nói rộng hơn, nhà nghệ thuật, nhà trí thức) thấy mình đúng thì cứ tìm cách mà làm, không phải vì danh tiếng, không phải vì lợi ích của riêng mình mà vì lợi ích của nhân dân, của tổ quốc.
Tôi và anh mới gặp nhau lần đầu nhưng anh đừng ngại.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm về chuyện văn chương.
Tôi không thích cái trò văn chương này đâu! Người ta bàn nhiều về văn chương, về nghệ thuật. Xin lỗi, tôi chẳng muốn tham gia. Bàn làm gì! Bàn làm gì! Ngồi để bày đặt cho nhau làm gì! Giọng cao giọng thấp thế nào thì tùy. Tôi nói như vậy hơi ngổ ngáo một tí đấy nhưng tính tôi như vậy.
Vấn đề tài năng, vấn đề phong cách, vấn đề bút pháp: không nên bàn tới. Còn chuyện đời đúng sai thì nên bàn.
Trong văn chương nghệ thuật, nói với nhau một tí cho vui nhưng nên tôn trọng người sáng tác. Đừng khuyên nhà thơ nên làm lục bát hay tứ tuyệt. Đó là việc của nhà thơ. Đừng khuyên nhà văn nên viết tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đừng khuyên nhà soạn kịch nên viết kịch nói hay kịch thơ. Đừng khuyên người viết kịch bản sân khấu truyền thống nên sáng tác cải lương, chèo hay tuồng. Đừng khuyên nhạc sĩ làm ca khúc hay giao hưởng. Đừng khuyên họa sĩ vẽ người chiến sĩ hay cô gái. Nói thế vô duyên. Đó là việc của người sáng tác.
Điều này cũng giống như bàn về phụ nữ Việt Nam nên mặc áo dài hay áo ngắn. Anh thích áo ngắn. Tôi thích áo dài. Anh thích màu xanh. Tôi thích màu đỏ. Thì cũng dzậy. (Nói đến đây Tố Hữu cười).
Hình thức cũng quan trọng, nhưng bên trong hình thức là cái gì, đó mới là điều cần thiết nhất. (Tố Hữu ho nhiều và lại cười).
Bây giờ, người ta nói quá nhiều về thời trang nhưng quên mất cái cơ thể, cơ thể vật chất và cơ thể này này. (Nhà thơ chỉ tay vào tim và óc của mình). Người ta quên mất trái tim và khối óc. Có lẽ thời trang nó lồ lộ ra ngoài, người ta dễ cảm nhận hơn cái bên trong, cái cơ thể vật chất tức trái tim và khối óc.
(Nhà thơ lại ho liên tục. Im lặng một lát, ông nói tiếp trong nghẹn ngào).
Tôi ân hận vì chưa làm được gì cho “làng Rô nhỏ của tôi”, cho “chiếc nôi đại bàng” ấy. Mấy lần về Quảng Nam sau ngày thống nhất đất nước, tôi đều nhắc địa phương nên làm một cái gì cho đồng bào của làng bất khuất ấy, cái làng không chịu cho Tây, không chịu bắt người cách mạng nộp cho Tây lấy thưởng…
Hãy đừng quên vô số cái nôi đại bàng như thế trên khắp đất nước chúng ta!
Vô số cái nôi đại bàng như thế trên đất nước ta, hãy nhớ, hãy đừng quên, hãy đền ơn đáp nghĩa!
Tôi mới đi thăm Tân Trào-Việt Bắc và cảm thấy không vui. Trung ương mình làm quá ít cho đồng bào đã nuôi chính mình ít nhất hai lần, một lần khi Bác từ Pác Bó về Tân Trào họp Quốc dân Đại hội, một lần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Mới chỉ làm ở đây một nhà bảo tàng. Tốt quá. Nhưng đó chỉ là hình thức. Vấn đề là DÂN, là ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN. Tôi thấy không vui. Mới chỉ có một con đường đi xe được. Thế thôi. Còn DÂN TÌNH, còn ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN thì vẫn không ai quan tâm!
Có lẽ tôi sẽ gửi gắm tâm trạng của mình vào một bài thơ về vấn đề này. Một bài thơ tâm tình. Không dài. Nếu làm xong và nếu báo đăng, đó sẽ là bài thơ VIỆT BẮC thứ hai.
Thôi nhé, tôi đã nói xong về Nước non ngàn dặm. Còn vấn đề thứ tư là chuyện gì nhỉ?”
Đợi nhà thơ ngồi nghỉ một lát, tôi nói:
“Thưa anh, xin anh cho biết cảm nghĩ của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân vật mà anh đã hoan hô trong tráng khúc Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.”
Tố Hữu lại ho dồn dập một lúc. Nhưng gương mặt nhà thơ vẫn không biến sắc và vẫn dịu dàng. Rồi với giọng Huế hơi yếu nhưng nhẹ nhàng và lôi cuốn, ông tâm sự:
“Bây giờ, tôi sẽ trình bày cảm nghĩ của mình về đồng chí Võ Nguyên Giáp và kể một chút về việc sáng tác Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn mười năm 1940-1949. Đây là giai đọan Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng về mọi mặt, trực tiếp uốn nắn những sai lệch của cách mạng Việt Nam mười năm trước đó.
Mười năm ấy (1940-1949), cách mạng đi từ tay trắng, đi từ số không, đi từ trứng nước. Mười năm ấy, cách mạng hoàn toàn không có hậu phương lớn trong nước và cũng hoàn toàn không có hậu phương quốc tế. Mười năm ấy, Việt Nam là một hòn đảo chơ vơ, xung quanh là đại dương dồn dập sóng thần và bão táp. Mười năm ấy, cách mạng lọt giữa vòng vây trùng trùng điệp điệp của đủ loại thù trong giặc ngoài. Mười năm ấy như Lê Lợi: “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội”. Mười năm ấy, phá vây và đánh thốc bằng hai bàn tay trắng, đói cơm rách áo và sốt rét ngã nước. Mười năm ấy, tiến công, tiến công, tiến công liên tục như vũ bão trong sự giúp đỡ phi thường và có hiệu quả vĩ đại của đồng bào miền núi Cao Bằng và Việt Bắc. Mười năm ấy, Bác đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mười năm ấy, Đảng ta, dưới sự chỉ đạo thiên tài của Bác Hồ, đã chớp thời cơ ngàn năm có một, tay trắng cướp chính quyền làm cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Mười năm ấy, có một lần, để đảm bảo giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, đồng chí Trường Chinh đã phải đau đớn tuyên bố: Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật nhưng vẫn nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo cách mạng. Mười năm ấy, vừa đánh vừa bàn. Bác Hồ nhiều lần phải trực tiếp thực hiện những cuộc đàm phán trong thế bị bao vây với Pháp và với Tưởng ở Hà Nội. Rồi Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng cùng nhiều vị đại trí thức phải sang đàm phán tận Pa-ri. Nhân dân có lúc nghi ngờ lòng yêu nước của Bác. Bác phải đau đớn nói rằng: Hồ Chí Minh không phải là một kẻ bán nước. Mười năm ấy, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đứng đầu là Bác Hồ và Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp phải trực tiếp đàm phán rất gay go trong thế bị bao vây với Pháp tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Lạt (Tây Nguyên). Rồi gần hai tháng kháng chiến với tinh thần cách mạng tiến công quyết liệt nhưng với lực lượng rất yếu trong thế bị bao vây tại thủ đô Hà Nội. Rồi cách mạng phải rút khỏi thủ đô, trở lại đại bản doanh Tân Trào, vào rừng núi, tay trắng kháng chiến suốt năm năm (cuối 1946-đầu 1950). Mười năm ấy, Liên Xô phải tập trung vào cuộc chiến tranh giữ nước khoảng năm năm (1940-1945), không giúp ta được một viên đạn và một viên thuốc và sau đó, ngót năm năm (1945-đầu 1950), Liên Xô đứng đầu là Xta-lin không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Mười năm ấy, Trung Quốc phải đánh Tưởng, chưa giành được chính quyền, cũng không thể giúp được ta một cân gạo, một khẩu súng, trái lại, còn được Việt Nam giúp đánh Tưởng ở Thập Vạn Đại Sơn phía Nam Trung Quốc. Mười năm ấy, đồng chí Trần Đại Nghĩa và đồng đội đã vượt qua đủ loại khó khăn, sáng tạo thành công nhiều loại vũ khí cực mạnh. Mười năm ấy, ta phải tìm mọi cách cướp vũ khí của giặc để đánh giặc. Mười năm ấy bác bỏ mọi quan niệm sai lầm cho rằng chiến tranh cứu nước Việt Nam từ đầu đến lúc kết thúc là cuộc chiến tranh bằng vũ khí, lương thực và thuốc men của Liên Xô và Trung Quốc do người Việt Nam thực hiện. (Tất nhiên, sau đó, Liên Xô và Trung Quốc giúp ta rất nhiều).
Tóm lại, đây là giai đoạn quyết định nhất, kì diệu nhất, hiểm nghèo nhất, gian khổ nhất, phức tạp nhất, khó khăn nhất và trọng đại nhất so với bất cứ một giai đoạn nào khác trong toàn bộ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Nói một cách khác, bất cứ một giai đoạn nào khác trong toàn bộ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta cũng không thể sánh nổi với giai đoạn này. Trong phong trào giải phóng dân tộc của tất cả các nước trên thế giới cũng không có giai đoạn nào sánh được với giai đoạn mười năm 1940-đầu 1950 nói trên.
Bất cứ một bộ óc nào giàu sức tưởng tượng đến đâu cũng không thể hình dung được đầy đủ muôn triệu hi sinh, muôn triệu khó khăn, muôn triệu gian nan và muôn triệu sáng tạo với tinh thần cách mạng tiến công tột đỉnh, mọi mặt và liên tục của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân chúng ta trong mười năm ấy.
Không có mười năm ấy, Liên Xô vẫn tiếp tục không giúp đỡ, tiếp tục không thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Không có mười năm ấy, Trung Quốc, dù đã thắng Tưởng, cũng không giúp đỡ chúng ta. Không có mười năm ấy, không thể có đại thắng Biên Giới, không thể có Toàn Thắng Điện Biên Phủ, không thể có Thủ đô Hà Nội giải phóng và không thể có Miền Bắc giải phóng để sau đó, làm đường Hồ Chí Minh tuôn người, tuôn trí tuệ, tuôn của, tuôn vũ khí, tuôn lương thực, tuôn thuốc men, v.v. vào Miền Nam cùng nhân dân Miền Nam chống Mỹ thắng lợi được.
Giai đoạn 10 năm (1940-1949) và tiếp theo là giai đoạn năm năm (1950 -1955) tiêu biểu là Điện Biên Phủ đã khẳng định thắng lợi của hàng loạt nguyên lí. Nguyên lí về vấn đề tiếp nối và phát triển truyền thống giữ nước và cứu nước của dân tộc. Nguyên lí về tinh thần dám đánh đế quốc bằng tay trắng trong mấy năm đầu. Nguyên lí về thời cơ (chớp thời cơ, tạo thời cơ). Nguyên lí về đánh lâu dài. Nguyên lí về ba thứ quân. Nguyên lí về đánh và đàm. Nguyên lí về đàm phán với các nước anh em (đặc biệt là đàm với Liên Xô trong tình hình Xta-lin suốt năm năm (1945-1949) chưa công nhận chính phủ Hồ Chí Minh). Nguyên lí dựa vào sức mình là chính. Nguyên lí về cách mạng tiến công. Nguyên lí về thế đi trên đầu thù. Nguyên lí về cách đánh. Nguyên lí về tổng khởi nghĩa. Nguyên lí về ba mũi giáp công. Nguyên lí về đoàn kết quốc tế nói chung. Nguyên lí về đoàn kết với Liên Xô. Nguyên lí về đoàn kết với Trung Quốc. Nguyên lí về đoàn kết toàn dân và nguyên lí vừa kháng chiến vừa kiến quốc, v.v. Tất cả các nguyên lí ấy tạo vô số thuận lợi hết sức cơ bản về thực tiễn và lí luận cho cuộc chống Mỹ sau này. Phải nói rằng, cuộc chống Mỹ của chúng ta sau này, dù khó khăn rất lớn nhưng đã tiếp nhận được vô số thuận lợi hết sức cơ bản về thực tiễn và lí luận do cuộc chống Pháp mười bốn năm (1940-1954) đem lại.
Tôi nói như trên để thấy rằng dưới sự lãnh đạo tuyệt vời sáng suốt, tuyệt vời điêu luyện của Đảng đứng đầu là người thày Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, v.v., trong mười bốn năm đó (1940-1954), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đóng góp công sức đặc biệt to lớn.
Có một chuyện cần nói.
Khoảng giữa thập kỉ 80 (thế kỷ 20), bỗng nhiên trời đất Việt Nam xuất hiện một cái tin dữ: đồng chí Võ Nguyên Giáp không phải là học trò Bác Hồ như lâu nay người ta vẫn tưởng lầm, mà là chấm chấm chấm… Vài ba ngày sau khi cái tin ấy lan ra, anh Xuân Thủy gọi điện thoại cho tôi với vẻ không vui. Anh nói: Đối với tôi, tức Xuân Thủy, từ trước đến nay và từ nay về sau, anh Văn không chỉ là một học trò trung thành mà còn là một trong những học trò tuyệt đối trung thành của Bác Hồ.
Dịp ấy, anh Đinh Đức Thiện cũng điện thoại cho tôi một cách giận dữ bác bỏ cái tin này. Anh diễn tả bản chất của cái tin đó bằng một vài từ không được nhã theo thói quen của anh mà tôi không tiện nhắc lại. Rồi vẫn qua điện thoại, anh Thiện nói tiếp: Bảo rằng anh Văn không phải là học trò của Bác Hồ tức là bảo rằng Bác Hồ sai lầm trong lựa chọn anh Văn. Rồi anh kết luận: Anh Văn là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi là thành viên trong đội quân vĩ đại ấy, vậy anh Văn là anh cả của tôi, thật sự là anh cả của tôi. Anh Thiện còn nói: Ai tung ra tin đó, người ấy phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Anh Xuân Thủy và anh Thiện thì như vậy. Còn tôi thì thế nào?
Đối với tôi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều kỉ niệm thắm thiết và ấm áp, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể phai nhạt.
Chẳng hạn kỉ niệm chuyến đi Ba Lan tháng 3-1959 dự Đại hội Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan. Là Trưởng đoàn, nhưng bất cứ việc gì, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng trao đổi cặn kẽ với tôi và luôn luôn nhắc tôi nên có thơ về đất nước Sô-panh. Khi đồng chí lên diễn đàn đọc Lời chào mừng Đại hội của Đảng ta, tiếng hoan hô vang dội hết đợt này sang đợt khác. Trong chuyến đi ấy, tôi tận mắt thấy rõ sự kính trọng, niềm yêu mến hết sức sâu sắc của nhân dân, các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh và trí thức Ba Lan đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ở Ba Lan, người ta coi Bác Hồ và sau đó, Võ Nguyên Giáp là hai biểu tượng chói lọi của lòng yêu nước, là hai biểu tượng chói lọi của chiến thắng đối với các siêu cường xâm lược.
Tôi đã được tiếp xúc với đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiều lần trước và sau khi đồng chí ra trận. Chỉ có một điều vô cùng đáng tiếc: chưa bao giờ tôi được theo đồng chí đi chiến dịch. Tiếc nhất là không được theo đồng chí đến Điện Biên Phủ. Trong một ý nghĩa nào đó mà nói, đây chính là một mối hận của tôi. Tôi đề nghị đồng chí Trường Chinh nói với Bác cho tôi đi Điện Biên Phủ để có thực tiễn sáng tác. Đồng chí Trường Chinh trả lời: Bác bảo: chú Thi (Nguyễn Đình Thi) và nhiều chú văn nghệ khác đi theo chú Văn lên Điện Biên Phủ rồi, nếu chú Lành đi nốt thì ai giúp Bác và chú Trường Chinh viết thư thảo hịch. Thông qua đồng chí Trường Chinh, Bác dặn tôi: ở nhà, nhưng vẫn phải theo dõi thật sát diễn biến của trận đánh vĩ đại này để sau khi nghe được tin chiến thắng chú Giáp báo về là phải có thơ ngay. Toàn thắng ở Điện Biên Phủ, đó là một quyết tâm, một điều chắc chắn, một mệnh lệnh của Đảng. Bác nhấn mạnh như thế với đồng chí Trường Chinh.
Cơ quan xã tôi ở xa Văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh nhưng sáng mồng 7-5-1954, tôi đã có mặt ở Văn phòng Tổng bí thư. Buổi tối cùng ngày, đồng chí Trường Chinh nhận được tin Điện Biên Phủ toàn thắng. Anh Phan Hạo, Thư kí quân sự của Tổng bí thư do Bộ Quốc phòng biệt phái sang, rất bận vào những ngày giờ đó.
Tối mồng 7-5-1954, ngay sau khi nhận được tin Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi viết Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Trong vài giờ, tôi viết xong bài thơ về cơ bản.
Sáng hôm sau, mồng 8-5-1954, tôi được Bác Hồ gọi lên gặp Bác về công tác tư tưởng tại nơi Người làm việc gần đấy. Người phê bình chúng tôi đêm qua vui chiến thắng làm ầm ĩ cả một vùng rừng núi bí mật của Trung ương. Bác bảo: Điện Biên Phủ là trận thắng vĩ đại nhưng dù sao, đó cũng chỉ là thắng lợi bước đầu. Sắp tới đây, sẽ phải đánh Mỹ lâu dài và gian khổ.
Thế là, ngay sau khi nghe được lời dự đoán thiên tài của Bác, tôi viết thêm vào Hoan hô chiến sĩ Điện Biên hai dòng cuối cùng: Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên.
Là người đầu tiên đọc bài thơ, đồng chí Trường Chinh khuyên tôi: về Toàn Thắng Điện Biên Phủ, sau này, nên viết một trường ca. Đồng chí khen bốn câu “Bác đang cúi xuống bản đồ/ Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo/ Từ khi vượt núi qua đèo/ Ta đi Bác vẫn nhìn theo từng ngày” là chân thực và có âm vang thơ cổ điển.
Lượm, Giữa thành phố trụi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc, Ta đi tới, Lại về, Ê-mi-li… con, Bác ơi, Theo chân Bác, Nước non ngàn dặm và một số bài thơ khác là những bài tôi ưng ý bậc nhất trong toàn bộ sáng tác của mình.
Tôi còn giữ được nhiều hình ảnh anh Văn và tôi chụp chung với nhau trong suốt hai cuộc kháng chiến và trong nhiều năm sau ngày giải phóng miền Nam. Hôm nào, anh bảo nhà tôi đưa cho anh xem những tấm ảnh đó.
Sau các hình ảnh Nhân dân, Đảng và Bác Hồ, thì hình ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp là một nguồn cảm hứng thơ dào dạt trong tôi. Có thể nói: khi viết bất cứ câu thơ nào về Bác Hồ và Quân đội Nhân dân của chúng ta, tôi cũng đều nghĩ đến đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đến nay, tôi vẫn thấy xúc động khi đọc lại mấy câu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp.
Tôi “hoan hô” đồng chí Võ Nguyên Giáp suốt cuộc chống Pháp. Sang cuộc chống Mỹ, tôi càng “hoan hô”. Đến nay, tôi “hoan hô” nhiều hơn nữa. “Hoan hô” đồng chí Võ Nguyên Giáp, học trò tuyệt đối trung thành của Bác Hồ, có gì là sai?
Năm 1972, tôi sang Ý dự đại hội Đảng Cộng sản Ý. Hàng vạn người Ý, nhất là thanh niên, hô vang khắp nơi: Việt Nam li-bê-rô (Việt Nam tự do), Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Giáp Giáp! Năm 1974, tôi dự đại hội Đảng Cộng sản Tây Đức. Ở Tây Đức, Bác Hồ và sau đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp được coi như hai biểu tượng tập trung nhất của phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới.
Ấy thế mà có tin đồn: ông Tố Hữu, vào dịp kỉ niệm 30 năm Điện Biên Phủ (1984), đã xóa câu thơ “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”.
Xin bạn đọc cứ yên tâm: Tố Hữu Nguyễn Kim Thành chưa một chút nào phai nhạt tình yêu đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sau ngày Toàn thắng 30-4-1975, vào những thời điểm khác nhau, các anh Xuân Thủy, Trần Đại Nghĩa, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, v.v. đều gợi ý với tôi là nên viết một trường ca trong đó có hình ảnh Bác Hồ và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Bản thân tôi cũng có ý định làm một trường ca về cách mạng 1940-1975. Nhưng do công việc bộn bề, đến nay vẫn chưa làm được. Nếu viết trường ca ấy, tôi sẽ bổ sung vào ba câu “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp” bằng cách thêm một câu: Hoan hô chiến sĩ Việt Nam, bỏ chữ “giặc” và thay bằng chữ MỸ:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô chiến sĩ VIỆT NAM
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu MỸ-Pháp.
Trên hai lĩnh vực chính trị, quân sự và trên các lĩnh vực khác, đồng chí Võ Nguyên Giáp chính là phiên bản sinh động và đậm nét của Bác Hồ: lấy nhu trị cương, lấy nhược trị cường, biết lúc nào cần đi tới, biết lúc nào cần dừng lại, biết im lặng, biết đợi chờ, biết nghiền ngẫm một thế cờ để rồi đi một nước cờ quyết định, biết chiến trường cần gì và phải biết đem những gì đến chiến trường, biết lùi một bước thu mình lại rồi bất chợt lao vút lên phía trước như một con mãnh hổ vồ mồi làm cho giặc trở tay không kịp.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp chưa một lần thua trận, chỉ có khoảng 20% là những trận hòa, còn khoảng 80% là những trận thắng. Đó thật sự là một ông Tổng tư lệnh trăm trận trăm thắng, un généralissime invincible. Trên phạm vi toàn cầu trong thế kỉ 20, đó là trường hợp duy nhất.
Thế giới người ta gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp là thiên tài, là huyền thoại, là vĩ đại, là kiệt xuất. Đúng. Rất đúng. Hoàn toàn đúng. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng chân chính và trí tuệ như Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là một bậc thày về nhiều mặt như Hồ Chí Minh và sau đó, là những nhà cách mạng tài ba - lỗi lạc như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng (thời chống Pháp), Lê Duẩn (thời chống Mĩ), một ông Tổng tư lệnh như Võ Nguyên Giáp suốt 31 năm chỉ huy một quân đội như Quân đội Nhân dân Việt Nam lập nên những chiến công vĩ đại và kỳ diệu làm chấn động bốn biển năm châu như Điện Biên Phủ thì ông Tổng tư lệnh ấy tất yếu phải được gọi là huyền thoại, là vĩ đại.
Có bốn điều tôi cần xác nhận:
Một: Ngay sau ngày 30-4-1975, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, chính đồng chí Lê Duẩn đứng lên trịnh trọng nói: Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Nếu còn sống, Bác Hồ sẽ thay mặt Đảng, Chính Phủ vào miền Nam chúc mừng Ngày Toàn Thắng. Nay Bác không còn nữa, trước anh linh Bác, tôi xin đề nghị Bộ Chính trị cho tôi thay mặt Đảng và Chính phủ và đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và quân đội cùng vào ngay Sài Gòn và miền Nam chúc mừng nhân dân và các Đảng bộ miền Nam. Toàn thể Bộ Chính trị xúc động nhất trí với đề xuất kịp thời, đúng đắn và thuận lòng người của anh Ba.
Sáng mồng 8-5-1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đáp chuyên cơ từ thủ đô Hà Nội vào Sài Gòn. Ra sân bay Tân Sơn Nhất đón anh Ba và anh Văn, có Bác Tôn Đức Thắng, các anh Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Ít lâu sau, anh Lê Trọng Tấn và anh Trần Văn Trà kể cho tôi: đồng chí Võ Nguyên Giáp sau khi tới Sài Gòn, với tư cách Tổng Tư lệnh, đã đến thăm Quân đoàn 2, quân đoàn có đơn vị xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập. Anh Tấn còn tặng tôi một cuốn sách ảnh mỏng giới thiệu Quân đoàn 2 và giới thiệu chuyến thăm Quân đoàn 2 của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cả anh Tấn lẫn anh Trà đều nói: một nhà quay phim đã quay đầy đủ chuyến vào Sài Gòn lịch sử mừng Ngày Toàn Thắng đó của anh Ba và anh Văn. Tôi đã được xem cuốn phim ấy.
Hai: Suốt cuộc chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là Tổng tư lệnh. Thông báo về Lễ tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tháng 7 năm 1967) có ghi rõ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính tôi là một trong những người được đọc bản thảo Thông báo đó trước khi đưa in trên báo Nhân Dân và báo Quân Đội Nhân Dân.
Ba: Sau Đại hội Đảng lần thứ ba (1960), Bộ Chính trị cử Ban Thường trực trực tiếp theo dõi và chỉ đạo cách mạng giải phóng miền Nam gồm năm đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng. Sau khi anh Thanh qua đời tại Hà Nội, anh Phạm Hùng thay anh Thanh, Bộ Chính trị bổ sung thêm hai anh Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn vào Ban Thường trực.
Bốn: Đồng chí Võ Nguyên Giáp từ trước đến nay đã và đang là một trong những hạt nhân đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Qua khoảng 40 năm (1947-1987) công tác gần gũi đồng chí Võ Nguyên Giáp, tôi nhận thấy: ở đồng chí, khó mà tách biệt đâu là con người lí luận, đâu là con người thực tiễn. Vì sao? Vì đồng chí không bao giờ vội vã và chủ quan lấy bất cứ một nguyên lí nào áp đặt vào thực tiễn chiến trường và ngược lại, cũng không bao giờ lấy thực tiễn chiến trường để sửa chữa hoặc thay đổi bất cứ một nguyên lí nào một cách chủ quan và vội vã. Nói một cách khác, trong con người đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn có một sự thống nhất biện chứng giữa thực tiễn và lí luận. Đồng chí luôn luôn giữ được sự cân bằng giữa lí luận và thực tiễn trong việc điều binh khiển tướng suốt hai cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn.
Ở đồng chí Võ Nguyên Giáp còn có một đặc điểm nữa: biết nhìn gần nhưng cũng biết lo xa. Nói một cách khác, đồng chí Võ Nguyên Giáp biết chớp thời cơ, biết đón thời cơ, biết tạo thời cơ nhưng cũng biết dự kiến cả những tình huống xấu xuất hiện bất ngờ để không rơi vào thế bị động, để luôn luôn giữ vững thế chủ động trong đấu tranh cách mạng nói chung và đấu tranh vũ trang nói riêng.
Là một nhà chiến lược như vậy, một nhà chiến thuật như vậy, một ông Tổng tư lệnh như vậy cho nên đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tránh được sai lầm chủ quan, tránh được sai lầm say sưa vì thắng lợi.
Là một nhà chiến lược như vậy, một nhà chiến thuật như vậy, một ông Tổng tư lệnh như vậy cho nên đồng chí Võ Nguyên Giáp được toàn quân tin tưởng và noi gương, yêu mến và kính trọng.
Tôi đã được dự một số cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề giải phóng miền Nam sau Hiệp định Pa-ri. Tại những cuộc họp lịch sử này, bên cạnh nhiều ý kiến chỉ đạo sắc sảo của đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, là những lời phát biểu rành mạch và chặt chẽ, những ý kiến sáng suốt và đầy kinh nghiệm phân tích chiến trường của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Tôi cần nhấn mạnh một điều: Tháng 4-1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được kí kết vài tháng, Bộ Tổng tham mưu đã lập ra Tổ trung tâm để dự thảo kế hoạch giải phóng miền Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp với tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương-Tổng tư lệnh và đồng chí Văn Tiến Dũng với tư cách Tổng tham mưu trưởng chỉ đạo; các tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái cùng một số đồng chí khác trong Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu và chấp bút nhiều lần. Đồng chí Lê Duẩn luôn luôn được nghe báo cáo về việc này. Hạ tuần tháng 7-1974, tại Đồ Sơn, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ thị nhiều điều quan trọng cho hai tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Hai anh Thái và Tấn đã báo cáo lại với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Anh Giáp và anh Dũng, sau đó, tiếp tục chỉ đạo Tổ Trung tâm bổ sung bản Dự thảo kế hoạch giải phóng Miền Nam theo các chỉ thị ở Đồ Sơn của anh Ba.
Về các bản Dự thảo kế hoạch đặc biệt quan trọng này, anh có thể hỏi Trung tướng Lê Hữu Đức, Cục phó rối sau là Cục trưởng Cục Tác chiến hồi ấy, và một vài đồng chí khác hồi ấy cũng đã từng công tác trong Cục Tác chiến nay còn sống. Các bản Dự thảo đó chính là cơ sở căn bản cực kì quan trọng trong mấy cuộc họp lịch sử giữa Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chiến trường Miền Nam để quyết định thông qua Kế hoạch hai năm giải phóng Miền Nam 1975-1976 bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên.
Tôi nhắc lại: anh nên gặp Trung tướng Lê Hữu Đức (tức Đức Cụt). Anh Đức, theo tôi biết, là một quân nhân cách mạng trung thực, can đảm, dám nghĩ, dám nói, dám chịu trách nhiệm. Vào thời điểm quyết liệt sau khi Hiệp định Pa-ri được kí kết, việc chọn được một Cục trưởng cục Tác chiến như “tay” Đức là một điều có ý nghĩa tích cực. Đức Cụt sẽ trình bày rõ hơn nữa về các bản Dự thảo kế hoạch giải phóng Miền Nam nói trên cho anh nghe.
Muốn hiểu thêm về đồng chí Võ Nguyên Giáp, bên chính trị và quân sự, anh nên gặp các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Hoàng Minh Thảo, Đồng Sĩ Nguyên, Phùng Thế Tài, Hoàng Cầm, Cao Pha, Đoàn Huyên, Trần Văn Giang, v.v. Bên văn hóa, nên gặp anh Huy Cận, cụ Vũ Đình Hòe, v.v. Rất tiếc, các tướng giỏi như Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ, Đinh Đức Thiện, v.v. và các vị đại trí thức như Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, v.v. là những người hiểu sâu sắc về đồng chí Võ Nguyên Giáp trong những giai đoạn khác nhau của sự nghiệp cứu nước đều đã qua đời.
Nhân đây, tôi nói để chúng ta rõ: anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đặc biệt quý mến và đánh giá rất cao đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chính anh Linh nhiều lần nói với tôi: Anh Giáp là một trong những học trò trung thành nhất và sáng tạo nhất của Bác Hồ; anh Giáp là người có uy tín lớn trong toàn dân, toàn Đảng và toàn quân. Anh Trần Đại Nghĩa có lần bảo tôi: trên lĩnh vực quân sự và quân chính, phải nhiều thế kỉ nữa mới có thể xuất hiện một Võ Nguyên Giáp thứ hai.
Lịch sử phải biết ơn Người Thày Hồ Chí Minh về việc chính Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nhận ra tài và đức của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp và nhanh chóng trao các trọng trách bậc nhất cho hai đồng chí. Tuy nhiên, tôi nghĩ: lịch sử cũng phải biết ơn Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc biệt là đồng chí Hoàng Văn Thụ về việc đã nhất trí tiến cử hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc gặp Bác Hồ.
Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam có quyền tự hào vì đã sản sinh ra một ông Tổng tư lệnh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhìn tổng quát, Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược lớn (un grand stratège), một nhà chính trị có đức độ cao siêu (sublimes vertus). Một con người có óc sáng tạo (óc sáng tạo, tiếng Pháp gọi là esprit constructif hoặc esprit créateur), một con người đạo đức (attitude morale), một vị Tổng tư lệnh trăm trận trăm thắng (un généralissime invincible), một con người có tri thức siêu việt (savoir suréminent), một bậc thày về nghệ thuật quân sự (maitre en art militaire). Cuộc đời Võ Nguyên Giáp là một cuộc chiến đấu liên tục, sa vie est un combat perpétuel.
Suốt hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo tài giỏi và thận trọng, dũng cảm và vững vàng của tập thể Đảng đứng đầu là Bác Hồ và hai đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lập nên một sự nghiệp vĩ đại, une oeuvre grandiose, và luôn đứng vững ở tư thế người chiến thắng, position de vainqeur.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước gìn giữ sự trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, tư tưởng, tổ chức, đoàn kết và văn hóa một cách triệt để và có hiệu quả rất cao ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một nhà mác-xit chân chính có học vấn sâu rộng. Nhưng trước hết và căn bản, đồng chí là một nhà yêu nước chân chính thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần truyền thống đoàn kết Việt Nam, truyền thống văn hóa Việt Nam, truyền thống giáo dục Việt Nam đến tận óc, tận tim, tận xương, tận tủy.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn là một nhà lí luận quân sự có đóng góp đặc biệt to lớn cho nền lí luận quân sự Việt Nam và thực hiện thành công nhất tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực quân sự. Chỉ riêng quan niệm về vấn đề cách mạng tiến công của đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng đủ chứng tỏ đồng chí là một nhà lí luận quân sự có tầm tư duy sâu rộng khác thường rồi.
Hàng loạt bài báo rực lửa yêu nước trước cách mạng Tháng Tám và từ cách mạng Tháng Tám đến nay của đồng chí Võ Nguyên Giáp cần được giới thiệu có hệ thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ.
Tôi rất tiếc báo chí ngành giáo dục còn giới thiệu quá ít về Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng, hai nhân vật lịch sử lớn vốn là nhà giáo.
Nói đến cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, nói đến chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, nói đến Quân đội Nhân dân Việt Nam, không thể bỏ qua vấn đề tư tưởng cách mạng tiến công. Vì vậy, nhân đây, tôi muốn nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề cách mạng tiến công, một vấn đề lớn được nhắc đến rất nhiều trong khoảng nửa sau của cuộc chống Mỹ.
Ở nước ta, trên lĩnh vực quân sự, tư tưởng cách mạng tiến công, thật ra đã có từ thời Hai Bà Trưng và trước đó. Tất nhiên, thuở ấy chưa xuất hiện cụm từ “tư tưởng cách mạng tiến công” như thời chống Mỹ. Nhưng nếu chính Hai Bà và tướng sĩ của Hai Bà không thấm nhuần tư tưởng tiến công thì làm sao chỉ trong chỉ trong vòng vài ba ngày lại giải phóng được 65 thành trì, giải phóng được cả nước? Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ, Lê Tần, Trần Quốc Tuấn hai lần tạm rút khỏi Thăng Long để rồi hai lần quật nát đại quân Nguyên Mông, giải phóng Thăng Long, đó cũng chính là biểu hiện chói lọi của tư tưởng tiến công! Lê Lợi rút về núi Chí Linh (Thanh Hóa) và bị bao vây phải ăn thịt voi chiến, ngựa chiến nhưng vẫn phá vây thắng lợi. Tiến công đấy chứ! Ai dám bảo việc rút quân về Chí Linh (Thanh Hóa) của Lê Lợi là biểu hiện của tư tưởng sợ Trương Phụ? Ngô Thời Nhiệm rút quân về Tam Điệp nhưng ai dám bảo Ngô Thời Nhiệm là nhút nhát, sợ quân Thanh? Đó là cuộc rút quân của Quang Trung và dưới sự chỉ huy thiên tài của Quang Trung, chỉ trong mấy ngày, quân ta ào ạt tổng phản công và tổng tiến công đè bẹp giặc Thanh!
Ngay từ năm 1942, trong Nhật kí trong tù, Bác Hồ đã viết: Tiến công, phòng thủ nhanh như chớp/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công. Và Tiến công, phòng thủ không sơ hở. Như vậy, từ ba năm trước khi bùng nổ cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ cũng đã viết rất rõ về tư tưởng cách mạng tiến công rồi đó!
Phai Khắt-Nà Ngần là cách mạng tiến công! Cuộc chiến đấu quyết liệt gần hai tháng cuối 1946- đầu 1947 để bảo vệ thủ đô chính là biểu hiện rực rỡ của thế cách mạng tiến công! Ai dám bảo cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô tháng 2-1947 là biểu hiện của tư tưởng sợ Pháp? Đại thắng Biên Giới (1950) đó là cách mạng tiến công! Đại tiến công Điện Biên Phủ, đó là cách mạng tiến công! Đại tiến công Điện Biên Phủ, đó chính là đại tiến công trong chiến lược, đại tiến công trong chiến thuật và đại tiến công trong tác chiến! Tất cả các trận đánh, các chiến dịch từ Phai Khắt- Nà Ngần cuối 1944 đến Điện Biên Phủ 1954 đều là tiến công, tiến công, đại tiến công, đều là cách mạng tiến công quyết liệt và càng ngày càng quyết liệt. Bốn phương châm lớn tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt của quân đội ta thời kháng chiến chống Pháp, đó chính là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tiến công, chính là biểu hiện cao nhất của tư tưởng cách mạng tiến công! Từ ngữ trong hai cuộc kháng chiến tuy khác nhau nhưng nội dung đều là tiến công và đều là cách mạng tiến công cả.
Rõ ràng, tư tưởng cách mạng tiến công không phải đến thời chống Mỹ mới xuất hiện. Trái lại, nó đã trở thành truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu rồi phát triển qua các triều đại Ngô, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn. Nó phát triển theo lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc. Nó đặc biệt phát triển mãnh liệt trong giai đoạn chống Pháp 1944-1954 và sau đó, tiếp tục phát triển trong cuộc chống Mỹ 1955-1975 như chúng ta đã biết. Thời sau tiếp nhận kinh nghiệm thời trước nhưng sáng tạo thêm những điểm mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong bài thơ Phút giây, tôi đã viết:
Vẫn là ta đó những khi
Đầu vai ra trận cứu nguy giống nòi [1]
Vào những thời điểm khác nhau, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện và nhiều đồng chí khác đều nói với tôi quan niệm dưới đây của đồng chí Võ Nguyên Giáp về vấn đề cách mạng tiến công:
Tiến công, tiến công và tiến công, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là loại trừ phòng ngự. Phòng ngự không phải là điều cấm kị trong chiến tranh cách mạng.
Trong tác chiến, nghĩa là trong khi chiến đấu ở mặt trận, mener une opération militaire, quân đội cách mạng luôn luôn giữ vững ý chí tiến công, chỉ tiến chứ không lùi. Nhưng trong từng chiến dịch, trong chiến thuật và thậm chí trong chiến lược, không phải bất cứ giai đoạn nào, không phải bất cứ ở đâu cũng chỉ có tiến công; trái lại có khi phải phòng ngự, thậm chí phải rút lui. Nghĩa là có khi phải phòng ngự trong chiến dịch, phòng ngự trong chiến thuật, phòng ngự trong chiến lược. Nghĩa là, có khi phải rút lui trong chiến dịch, rút lui trong chiến thuật, rút lui trong chiến lược. Quan niệm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phát biểu nhiều lần thời chống Mỹ.
Đó là tư duy, là lập luận, là quan niệm của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Một tư duy cao. Một lập luận chặt. Một quan niệm đúng.
Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thời Nhiệm, Cu-tu-dốp, Hồng quân Liên Xô, Trung đoàn Thủ Đô năm 1947, v.v. đều thực hiện phòng ngự chiến lược, rút lui chiến lược đấy chứ! Nhưng trong tác chiến, trong chiến đấu tại mặt trận, quân đội của Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thời Nhiệm, Cu-tu-dốp, Hồng quân Liên Xô, Trung đoàn Thủ Đô, v.v. đều bừng bừng khí thế tiến công.
Khoảng tháng 6-1969, anh Xuân Thủy có nói với tôi: anh vừa mới được dự mấy cuộc họp của Bộ Chính trị để báo cáo với Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn về tình hình mấy tháng đầu của hội nghị Pa-ri. Tại các cuộc họp ấy, anh nhận thấy đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục thể hiện một năng lực tư duy sâu sắc và sáng suốt, một năng lực lập luận rành mạch và hùng hồn như anh đã từng thấy trong nhiều cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương trước đó.
Anh Xuân Thủy nhấn mạnh: lập luận của anh Văn bao giờ cũng là lập luận rất biện chứng, raisonnenment très dialectique. Anh Xuân Thủy đệm bằng tiếng Pháp.
Khoảng giữa những năm 80 (thế kỷ 20), trong một lễ kỉ niệm lớn ở Hội trường Ba Đình, anh Xuân Thủy bảo tôi: Cứ nghĩ đến anh Văn thì tôi (tức Xuân Thủy) lại nhớ đến câu thành ngữ tiếng Pháp “Il sail bien se retenir” (tôi-Tố Hữu tạm dịch: người đó rất biết tự kiềm chế, người đó khéo nhẫn nhịn lắm). Anh khẳng định với tôi: Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật vĩ đại của lịch sử thế giới, une des grandes figures de l’histoire du monde. Nguyên văn tiếng Pháp của anh Xuân Thủy.
Về phần mình, tôi đã nhiều lần nói với các anh Nguyễn Văn Linh, Xuân Thủy, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Đinh Đức Thiện và nhiều anh khác: Do uy tín rất to lớn của mình trong toàn dân, toàn Đảng, toàn quân trên trường quốc tế; do sự trung thành cao độ của mình với tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp xứng đáng được giữ cương vị Chủ tịch Nước hoặc một cương vị tương đương nào khác. Các anh đều nhất trí với ý kiến đó của tôi.
Tôi cũng đã nhiều lần nói với nhà tôi ý kiến trên đây. Anh có thể gặp cô Thanh, nhà tôi, để hỏi xem có nói đúng như thế hay không.”
Nhà thơ lại ho và im lặng nhìn tôi một lát.
[1]Phút giây (Thơ Tố Hữu-Tập Một tiếng đờn -1992)
Nguồn: Nháºt Hoa Khanh, Gặp Tố Hữu tại biệt thá»± 76 Phan Äình Phùng, 2004, không ghi nhà xuất bản
|