trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
14.10.2008
Hoàng Hạc
Khủng hoảng tài chính thế giới : Sự tin cậy
 
Như đã nói trong bài trước, khủng hoảng tài chính thế giới tất cả bắt nguồn từ sự tin cậy của mọi người vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán bị sụp đổ dẫn đến tâm lý hoảng hốt, sợ hãi khiến mọi người đổ xô đi rút tiền ra hoặc bán tống tháo số cổ phiếu có trong tay. Nhưng truy tầm sâu hơn nữa vào cốt lõi của vấn đề này, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khúc mắc khác. Những điểm khúc mắc đó là gì thì không ai hình dung được hết, vì nó là một búi dây rợ lùng nhùng, nó là động lực vô hình kéo toàn bộ hệ thống tài chính thế giới xuống đáy!

Những nhà phân tích tài chính nổi tiếng của nước Anh cũng phải chép miệng thở dài mà than rằng: Chính phủ đã làm tất cả để giúp chống đỡ tình hình tài chính xấu đi, còn tất cả những gì họ có thể làm bây giờ chỉ là ngồi và đợi sự tin cậy được phục hồi! "We just need confidence to be restored" (Chúng ta chỉ cần sự tin cậy được hồi phục.)

Hãy thử mang ra mổ xẻ cốt lõi của sự tin cậy về tài chính xem chúng là cái gì? Nhiều nhà phân tích tài chính nói điểm sống còn trong vận hành kinh tế của nước Mỹ và một số nước châu Âu là tiến trình vay mượn (the lending process). Họ gán cho khách hàng cái tên "người tiêu thụ" (consumer). Các consumer này cứ vay tiền để xài trước đã, rồi đi cày trả sau, đó là tâm lý "ăn trước trả sau" phổ biến. Nhiều ngân hàng và quỹ tín dụng thậm chí còn tạo điều kiện dễ dãi nhất cho việc mua nhà trả góp, mua xe trả góp, mà không cần biết đến khả năng của từng consumer như thế nào. Quả là nhờ thế, công nghiệp làm nhà, sản xuất xe và các ngành công nghiệp ăn theo khác phát triển giàu có hẳn lên. Joseph E. Stiglitz, giáo sư Đại học Columbia Mỹ, Giải thưởng Nobel Kinh tế, đã nhận xét lối làm ăn đó biến hệ thống tài chính Mỹ thành một sòng bạc bịp bợm, kiếm những món lãi khổng lồ cho các ông chủ sòng bằng tiền người chơi. Cùng chung quan điểm này, giáo sư kinh tế người Bangladesh Muhammad Yunus, người được Giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2006, trong trả lời phỏng vấn của tờ Tấm gương (Spiegel) ở nước Đức cách đây ít ngày nói: “Chủ nghĩa tư bản đã thoái hoá thành một sòng bạc, và lòng tham đã phá huỷ hệ thống tài chính thế giới.” (Capitalism has degenerated into a Casino, greed has destroyed the world financial system.)

Hơn chục năm trước, kẻ viết bài này có lần kiếm được job tại một tờ tạp chí ở Seattle (Mỹ). Ngay hôm đến nhận việc, ông chủ tạp chí đã dẫn nhân viên mới đi mua trả góp một chiếc xe mới tinh và còn định giới thiệu mua trả góp một căn hộ chung cư khá sang trọng; may mà tôi vốn là dân Hà Nội Bắc kỳ chính hiệu, mấy chục năm quen phải sống theo cái nếp giữ thùng gạo và lọ mỡ trong nhà đừng có bị cạn kiệt, nên tôi cám ơn ông chủ và xin được tự lo với số tiền 5 ngàn đô tạp chí cho vay ban đầu. Tôi lúc đó đã ý thức được rằng mình không thể vay nợ để đến nỗi trở thành nô lệ của ông chủ. Tạp chí lúc đó đang ăn ra làm nên, tôi có thể vay được 10 ngàn đô để xài nhưng tôi chỉ dừng lại ở mức vay tối thiểu 5 ngàn, điều khiến cho nhiều nhân viên khác cười khẩy. Một năm sau, tạp chí bắt đầu xuống dốc và ở Mỹ, một công ty khi đã bắt đầu xuống thì nó xuống rất nhanh, từ lúc ông chủ công khai với các nhân viên rằng dạo này công ty "xuống quá" cho đến lúc công ty phá sản, thời gian chỉ 4 đến 5 tháng. Tạp chí cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Khi nó phá sản, các nhân viên trở tay không kịp, không còn tiền trả thế chấp (mortgage), nhà trả góp bị ngân hàng "kéo" ngay (ở Mỹ gọi là nhà foreclose), xe mới tinh trả góp bị thu hồi, thậm chí không còn tiền sinh sống hàng ngày nữa. Lúc đó tôi, cái thằng chạy xe đời 82, thuê basement (nhà tầng hầm) là kẻ nhẹ gánh nhất công ty.

Tình hình tài chính thế giới bây giờ cũng như vậy. Hơn một năm qua, những người vay tiền mua nhà ở Mỹ bị foreclose rất nhiều. Hàng vạn ngôi nhà được đem bán đấu giá khiến nhà cửa ở Mỹ có lúc được coi là "rẻ" không ngờ trên thế giới. Anh quốc cũng vậy, kể từ đầu năm 2008. Nợ xấu khiến nhiều ngân hàng và hãng bảo hiểm lao đao xuống theo. Vụ sụp đổ của Lehman Brothers ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Mọi người bắt đầu hoang mang, bối rối, một vài ngân hàng nhỏ vỡ nợ, một việc bình thường như “chuyện thường ngày ở huyện” kéo theo tâm lý hoảng sợ lan truyền và cứ thế… Đến Chủ nhật 12-10 thì chuyện tưởng “nhỏ như con thỏ” đã biến thành một chuyện to lớn tày trời, tới mức khiến tất cả các nguyên thủ quốc gia phải họp bàn tính toán phương sách chống đỡ. Biên tập viên hãng thông tấn AP Adam Geller trong bài đăng ngày 13-10 viết:

“Cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay là dấu hiệu cảnh cáo rằng những người tiêu thụ đang phải đối mặt với những điều chỉnh dài hạn cho cách thức quản lý tài chính đời sống hàng ngày của chính mình. Tôi nghĩ là chúng ta đang trải qua một thay đổi căn bản, từ chỗ sống và làm giàu nhờ vào số tiền vay nợ từ ngân hàng và các quỹ tín dụng tới chỗ phải sống dựa vào thực lực của mình, phải biết tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Cuộc sụp đổ tín dụng lần này chính là lời kêu gọi thức tỉnh.”

Những lời vàng ngọc này phát ra hơi muộn mằn, vì tình hình đã diễn biến tới độ không ai kiểm soát được nữa.

Hôm Chủ nhật 12-10, trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Zoellick nói, khi khủng hoảng tiền tệ vừa mới xuất hiện, phản ứng trước hết của dân Bắc Mỹ và châu Âu là hoang mang, bối rối, sau đó là tức giận và sau nữa là sợ hãi. Những phản ứng tự nhiên này nhanh chóng toả rộng và lây lan khắp thế giới như những làn sóng va. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là thảm hoạ do con người gây ra và để vượt qua nó thì tất cả nằm trong tay con người. Ông và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cùng các bộ trưởng G7 có chung một nhận định: Giờ đây, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ có thể làm khủng hoảng tài chính trở nên tồi tệ hơn. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục giúp các nước đang phát triển tăng sức mạnh kinh tế của mình bằng cách giúp đỡ hệ thống tài chính, bảo vệ những người nghèo chống lại những nhiễu loạn của thị trường quốc tế. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều kêu gọi các nước giàu đừng vì quyền lợi tài chính mà quay lưng lại những món tiền vài tỷ Đôla hứa hẹn tài trợ hoặc đầu tư cho các nươc nghèo. Ô hay nhỉ, tại sao đang đối phó với khủng hoảng tiền tệ, tức là đang bàn đến những người có tiền gửi nhà băng và có cổ phiếu mà lại kêu gọi hãy chú ý bảo vệ người nghèo? Thì ra các vị lãnh đạo G7 cũng hiểu là các nước đang phát triển và những người nghèo toàn thế giới mới là động lực chính cho phát triển, nếu họ bị nhiễu loạn của thị trường tài chính ảnh hưởng, việc đó cũng đồng nghĩa với suy thoái của toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới.

Cũng hôm Chủ nhật 12-10 tại Paris, các nguyên thủ quốc gia của 15 nước châu Âu đã họp nhau để bàn cách chống đỡ cuộc khủng hoảng. Họ đều đi đến thoả ước thống nhất cam kết bảo hộ các khoản nợ mới của các ngân hàng cho đến cuối năm 2009; cho phép các chính phủ giúp đỡ ngân hàng bằng cách mua các cổ phiếu và cứu ngân hàng nào sắp vỡ nợ qua cung cấp tài chính khẩn cấp.

Kế hoạch của chính phủ Anh là chi 50 tỷ bảng vào việc quốc hữu hoá một phần các nhà băng chính và hứa hẹn đảm bảo 250 tỷ bảng nhằm chống đỡ khu vực ngân hàng. Trong hội nghị đỉnh cao này, các phương sách đã được thống nhất, trong đó có nguyên tắc kế toán ngân hàng mới và theo lời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các phương sách này sẽ thực hiện ngay “không chậm trễ” trong 15 nước sử dụng đồng Euro. Ngày 13-10, chính phủ Italia, Đức, Pháp và một số nước sẽ gặp nhau trình bày cách thức riêng của mỗi nước nhằm đối phó với khủng hoảng, 27 thành viên EU còn lại sẽ họp ngày thứ Tư, 15-10, để ký bản thoả ước trên. Tổng thống Pháp tuyên bố: “Tôi muốn nói với đồng bào của chúng ta ở tất cả các nước châu Âu rằng họ có thể và cần phải tin cậy.” Thủ tướng Đức, bà Merkel phát biểu: “Các phương sách mà chúng tôi đã thống nhất sẽ cho phép thị trường vận hành trở lại, đó là mục đích của chúng tôi, đó cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới thị trường.” Còn Giám đốc Ngân hàng Trung tâm châu Âu Jean Claude Trichet thì cụ thể hơn: “Sức mạnh thống nhất mà chúng ta chỉ ra hôm nay (tức hội nghị đỉnh cao 12-10 ở Paris) là yếu tố căn bản của sự tin cậy, tuy còn rất nhiều việc phải làm.”

Vâng, sự tin cậy. Tất cả xoay quanh việc hồi phục lại sự tin cậy của mọi người với hệ thống tài chính thế giới!

London 13-10-2008

© 2008 talawas