trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
9.1.2007
Nguyễn Khoa Thái Anh
Chống cộng độc đoán: Một sự thất bại hoàn toàn
 
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ca dao Việt Nam

Họp mặt với Đỗ Thành Công

Thượng tuần tháng 12 năm ngoái, trong dịp họp mặt với anh Đỗ Thành Công tại tư gia của một mạnh thường quân ở Cali, gồm một trên dưới 20 người thuộc các thành phần báo chí và dân chủ cấp tiến, có người - mà theo tôi thuộc phần tử khá tiến bộ - chất vấn anh Công về danh xưng của Đảng Dân chủ Nhân dân. Người này hỏi vì sao lại chọn một cái tên của Việt cộng như Nhân dân, gây hoang mang và nghi vấn ở hải ngoại về tư cách đối lập của đảng này. Sau khi anh Công giải thích rằng các thành viên trong nước đã chọn tên này vì họ thuộc thành phần thường dân, thì người vừa chất vấn lại quay ra trách rằng, sau khi được nhà nước cộng sản thả ra, lúc đáp xuống phi trường San Francisco, trước ống kính của đài truyền hình và báo chí Mỹ và quốc tế, vì sao anh Công đã không đứng lên tuyên bố một câu thật kêu, thật vẻ vang, như: "Dân chủ cho Việt Nam" (Democracy for Viet Nam) hoặc thật quyết liệt như "Đả đảo cộng sản" (Down with Communism).

Nghe đến đó, tôi như thấy hiện ra cảnh Nguyễn Thái Học và 12 chí sĩ trên đoạn đầu đài ở Yên Bái hô to khẩu hiệu "Việt Nam muôn năm!". Rất tiếc thời đó không có thực dân Pháp hay ai khác quay phim!

Chưa hết, người này lại trách anh Công sao không đeo vòng hoa chiến thắng mà lại gỡ ra, bỏ qua một bên (trong phái đoàn ra đón anh ở phi trường có người đã choàng vòng hoa vào cổ anh). ̣Anh Công giải thích, việc anh được thả ra không phải là một chiến thắng vẻ vang gì, nhất là khi nhiều đồng đội, thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân trong nước vẫn bị nhà nước Việt Nam cầm tù, nên anh không cho việc cá nhân anh được tha về Mỹ là một vinh dự. Người ta cũng trách anh sao không lợi dụng cơ hội đó tuyên bố một điều gì có lợi cho phong trào dân chủ. ̣Anh Công đã bị giam và tuyệt thực 38 ngày, bỏ xe lăn đứng dậy đi bộ từ phi đạo vào khu lễ tân không ngất xỉu đã là may. Anh cũng cho biết, anh không ngờ có nhiều phóng viên truyền hình và báo chí ra đón hôm đó, và bà dân biểu Zoe Lofgren đã dặn anh không phát biểu với báo chí điều gì, để dành phần long trọng cho buổi họp báo ở văn phòng bà ngày hôm sau.

Nể phục khí khái và đồng cảm với hành xử của anh Công là một chuyện, nhưng đa nguyên, tự do, duy ý chí mới chính là điều đáng nói. Có phải cá nhân người chất vấn anh Công cũng mong muốn dân chủ đa nguyên cho Việt Nam? Nếu thế tại sao lại ép người khác làm theo ý mình? Trong cuộc đấu tranh cam go cho dân chủ, khi các nhà đối kháng trong nước trầy vi tróc vẩy vì bị bắt bớ, một số người hải ngoại lại thích trông vào những danh vọng/tiếng hão! Có phải tâm lý này Anh Mỹ gọi là "projection", phóng rọi những điều mình ước mong nhưng không làm được vào người khác?


Vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình và vụ kiện William Joiner Center

Sau khi chính quyền Việt Nam thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh Vĩnh Bình mà không qua xét xử trước tòa (out-of-court settlement) để tránh tai tiếng, không ít người Việt ở hải ngoại đã trách ông Bình không làm cho ra lẽ, kiện cộng sản Việt Nam ̣cho tới nơi tới chốn. Chuyện này làm tôi nhớ đến vụ kiện William Joiner Center ở Đại học Massachusetts (Boston), khi Trung tâm này đề nghị giải quyết ngoài phạm vi tòa án, chịu đền bù vài chục ngàn cho nguyên cáo để khỏi tốn thì giờ ra tòa tranh chấp, thì nguyên đơn từ chối, muốn làm ra lẽ, để rồi kết cục tòa lại xử cho bị đơn thắng.

Đương nhiên ý nghĩa và nội dung hai vụ kiện tụng này hoàn toàn không giống nhau. Vụ kiện William Joiner Center đượm ít nhiều sắc thái chính trị: cộng đồng Việt tị nạn không chấp nhận việc Trung tâm này chọn những học giả từ Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu và nhận định về cộng đồng mình. Là một cộng đồng di dân Việt Nam ở Mỹ, họ cảm thấy để những người sống trong một thể chế thiếu tự do viết về họ là không ổn.

Trong việc sử dụng tài trợ từ các quỹ từ thiện để tuyển người làm nghiên cứu, trung tâm William Joiner có thể đã có chủ ý chọn những học giả và văn nghệ sĩ từ Việt Nam. Cá nhân tôi cũng không đồng ý với thể lệ tuyển chọn của Trung tâm này: thời gian thông báo tuyển người quá ngắn, không công bố rộng rãi trong các cộng đồng hải ngoại; nhưng sau khi có cơ hội nghe, đọc và gặp gỡ những nghiên cứu viên được tuyển lựa như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đạo diễn Trần Văn Thủy (tác giả của phim Chuyện tử tế và cuốn sách Nếu đi hết biển), đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (tác giả của phim Vua bãi rác) v.v.., tôi cảm nhận được tính chất trung thực và nỗi suy tư về đất nước của những nhân vật này và cho rằng họ có thể có cái nhìn mới mẻ về cộng đồng hơn.

Trong khi đó, ông Trịnh Vĩnh Bình là một thương gia thuần túy, một nhà đầu tư đã nghiên cứu về Việt Nam từ sau thời Đổi mới, người đã mang vốn liếng vào Việt Nam từ năm 1991. Theo tôi, việc đầu tư của ông không mang tính cách chính trị, chỉ là ý muốn mở mang kinh tế cho Việt Nam đồng thời làm giàu cho chính mình. Tôi đoan chắc ngày nay trong số những người trách ông không kiện cho đến cùng, không ăn thua đủ với công an và nhà nước Việt Nam, có thể có ai đó cũng đã từng phao vu ông là thân cộng, hoặc liệt ông vào thành phần đón gió trở cờ vào thời điểm ông vào "làm ăn" với Việt Nam.

Rất tiếc là chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác số tiền mà nhà nước Việt Nam phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình là bao nhiêu, vì theo luật pháp của các xã hội phát triển phương Tây, một khi đã đồng ý dàn xếp ngoài toà án (to settle out of court) thì cái xấu, cái sai và hổ ngươi của bên thua, phải chịu chấp nhận bồi thường cho bên thắng (bị tổn thương/thiệt hại) được hai bên thỏa thuận sẽ không tiết lộ hay công bố. Có thể phỏng đoán số tiền ấy cộng với án phí và thù lao cho luật sư có gần bằng số tiền 100 triệu Mỹ kim mà ông Bình đòi lúc khởi đầu không? Những mỹ từ như: "Without admitting guilt,"/"Không nhận phần lỗi",… chúng tôi phe bị đơn chấp nhận đền bù phe nguyên đơn một số tiền là... để giải quyết vĩnh viện vụ việc... thường là lời mở đầu giao kèo bồi thường do hai bên ký kết.

Tôi tin rằng nhà nước Việt Nam, sau khi gia nhập WTO, sẽ còn phải đương đầu với những án lý tương tự nếu không chỉnh đốn đường lối làm việc và khắc phục sự chồng chéo thiếu minh bạch của luật pháp Việt Nam


Chương trình Trao đổi Du sinh GEO (Global Education Opportunity) của hai đại học Cộng đồng San José [1]

Chương trình Trao đổi Du sinh GEO (Global Education Opportunity) là một dự án lớn, thành quả của 5 năm chuẩn bị, do cô Hồ Lê Mai Hương, giáo sư Đại học San Jose City College, vận động, chủ xướng và quyên góp tiền để gíúp tài chánh và cơ hội cho sinh viên học hỏi ở nước ngoài, chủ yếu ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-bốt và Trung Hoa. Chương trình này được ban quản trị và hội đồng giáo sư của học khu Đại học Cộng đồng San Jose ủng hộ. Trong tương lai gần, chương trình này sẽ giúp cho sinh viên Việt Nam, và sau đó các sinh viên nước khác đến học ở California (San Jose). Một số người trong cộng đồng chống đối, cho rằng chương trình này giúp quảng cáo cho bộ mặt giả tạo của nhà nước cộng sản, v.v…

Một tối thứ Năm vào trung tuần tháng 12, tôi có dịp đến dự buổi họp mở của Ban Quản trị Học khu Đại học Cộng đồng Evergreen Valley College ở San Jose, gồm hai đại học 2 năm: Evergreen Valley College và San Jose City College. Sau khi ăn tối và quay trở lại thì phòng họp đã đầy ắp những người vừa đứng vừa ngồi, chiếm hết dung lượng được ấn định: 130 người (Ở Mỹ điều lệ an toàn của những phòng ốc công cộng được Ty Cứu hỏa thành phố quy định). Tôi thấy những người đến hôm đó đã bắt đầu dàn trận hai bên phòng họp theo phe chống và phe ủng hộ Chương trình Trao đổi Du sinh GEO. Ngoài số đông mặc thường phục, có dăm bảy người mặc quân phục rằn ri, ̣không hiểu họ có phải là lính chiến thời Việt Nam Cộng hòa không. Có một số khoảng mươi người cầm cờ vàng ba sọc đỏ. Không khí sôi động thể hiện đúng tính chất dân chủ của xã hội Mỹ.

Ở ngoài cửa bước vào phòng họp, tôi được ông gíám đốc chương trình thiện nguyện VIVO (Vietnamese Voluntary Organization) đưa cho tờ bạch thư lên án chương trình GEO, ông nhìn tôi, cười nói: "Để coi Thái Anh ủng hộ ai tối nay nhe". Luật sư Đỗ Quý Dân bị Nguyễn Tâm, luật sư kiêm chủ nhiệm/chủ biên tờ Saigon USA, và một vài người Việt trong đám đông hạch hỏi vì tên anh được (bị) cô bạn là giáo sư Hồ Lê Mai Hương, giám đốc chương trình GEO ghi vào chương trình là người cố vấn.

Điều lạ là anh Nguyễn Tâm, người từng về Việt Nam mở trường dạy Anh văn và có tiếp xúc và chụp ảnh với ông Võ Văn Kiệt lại chống chuyện trao đổi sinh viên trong và ngoài nước. Cộng đồng không mấy xa lạ với các quan điểm của anh, vì anh hay dùng diễn đàn của báo mình để đả phá những gì anh không thích. Cách đây không lâu, trong một buổi họp cộng đồng mà tôi có mặt, anh đã đứng lên đọc một văn bản tố cáo một số nhân vật là Việt cộng, trong đó có người bạn luật sư thâm niên đã đỡ đầu anh là anh Nguyễn Hữu Liêm.

Có khoảng hơn 20 người phát biểu tối hôm đó. Mở đầu là nhà văn, cựu phi công, nhà bác học ưu tú vang bóng một thời của NASA (National Aeronautics Space Administration), ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cũng đã hơn thất thập cổ lai hy. Vài năm trước ông đã được bầu vào chức vụ đại diện toàn quân lực Việt Nam Cộng hoà. Ông lên tiếng yêu cầu ban quản trị dè dặt với phía nhà nước Việt Nam, nhưng ủng hộ chương trình với điều kiện. Hầu như tất cả người Mỹ và dòng chính đều ủng hộ chương trình, kể cả một số sinh viên trẻ. Phía cộng đồng chống đối cũng khá ồn ào, nhưng tiếc thay họ đã đi quá trớn khi em gái cô Mai Hương bị la át tiếng nói: Liar! Liar! Liar! Đồ nói láo! Đồ nói láo! Để đến lúc kết cục, ông viện trưởng City College phải phê một câu rất tủi nhục: "For those of you who sling mud, engage in character assassination and shout down other people, I'll say: Shame on you!" Đối với những người ném bùn, bách hại danh dự người khác, rồi la át tiếng nói của người ta tối nay, tôi xin nói: Nhục nhã cho các người!"

Cuối cùng chương trình GEO cũng được ban quản trị đồng thanh nhất trí thông qua, và trong tháng Giêng (January 2007) này đã có một phái đoàn sinh viên, giáo sư Đại học San Jose sang thăm Việt Nam.

Tôi thấy nực cười với một số người, vì sao họ chống chuyện về Việt Nam của sinh viên trong khi chính họ là những người hay về Việt Nam? Lẽ nào chỉ có họ mới có thẩm quyền quyết định đúng sai về Việt Nam, về chuyện người khác làm? Nếu chúng ta chống độc tài, chúng ta phải chống sự độc đoán của bất cứ một xu hướng nào. Không ai độc quyền với chính nghĩa của riêng mình, nhất là khi mình thuộc thiểu số mà lại thích áp lực đe dọa kẻ khác. Thời buổi chụp mũ cộng sản bôi nhọ người khác đã qua rồi, luật pháp Hoa Kỳ nghiêm phạt những vụ slander và libel (nói và đăng tải sai sự thật để mạ lị làm mất danh giá nhân phẩm người khác).

Do đó, những người suốt ngày đi tìm thú đau thương (và hận thù) ̣- không phải đau thương của tình yêu, mà chính là sự nhỏ nhen u tối của họ và tai hại hơn nữa họ đem những tức tối, căm thù chế độ cộng sản trút lên đầu lên cổ những người trẻ, sáng suốt hoặc cởi mở hơn họ - chính là vật cản của tiến trình dân chủ. Nạn nhân và mục tiêu của những người cực đoan này chính ra là những ai đã vượt qua được lòng hận thù và hờn căm của bản ngã để tìm đến một lối thoát ít thương đau hơn cho dân tộc. Hoặc giả, cho dù họ hay tuổi trẻ kém hiểu biết về lịch sử tàn bạo của chủ nghĩa khốc liệt cộng sản cũng đang tìm về nguồn gốc, cội rễ của mối hận thù bế tắc, bại liệt này.

Trong khi đó, dù cố ý hay vô tình, những kẻ quá khích, thích vu khống và chụp mũ thay vì thuyết phục đã đẩy tuổi trẻ và những người họ muốn thu phục xa khỏi chính nghĩa chống độc tài cộng sản (cộng sản chuyên chính) trở thành chống độc tài cực đoan. Thay vì thực hành dân chủ đa nguyên mà họ mong muốn cho Việt Nam, họ chính là hiện thân của sự độc tài, độc tôn và háo danh.

© 2007 talawas



[1]Trong hệ thống đại học Mỹ, ngoài những đại học tư (lập), bang Calfornia có những đại học công 2 năm ̣thường gọi là Community hay City College (San Francisco City College, San Jose City, Laney Community College (ở Oakland). Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, hoặc đủ 18 tuổi không cần có bằng trung học có thể xin vào học ở đây. Sau đó có đại học 4 năm của tiểu bang như San Francisco State University, San Jose State University, rồi đến những đại học có tiếng trong hệ thống University of California, nổi tiếng và lâu đời nhất như University of California at Berkeley, gọi tắt là U.C. Berkeley, UCLA (University of California at Los Angeles) Cứ theo thứ tự vừa kể, điều kiện học lý và thủ tục vào khó nhất là hệ thống U.C.