trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
3.1.2007
Bùi Tín
Kết thúc cuộc đối thoại vô bổ
 
Tôi thất vọng về bài trả lời của Đông La trên talawas ngày 28-12 vừa qua.

Vẫn là kiểu nói lấy được, bất chấp sự thật và lẽ phải, đầy rẫy từ đầu đến cuối. Như:

  • "ta đã sửa sai nghiêm chỉnh vượt quá các nước văn minh": trong khi "kỷ luật" dành cho những người phải chịu trách nhiệm cho các sai lầm trong CCRĐ là: ông Trường Chinh thôi Tổng Bí thư để làm Chủ tịch Quốc hội, ông Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn rồi Chủ tịch Viện Kiểm sát tối cao, ông Lê Văn Lương về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội; nói như thế nền văn minh họ cười cho đấy!

  • "sau 30-4-1975 không có tắm máu": vậy 30 vạn người vào tù, phân biệt đối xử, gây nên làn sóng vượt biên của hàng triệu thuyền nhân với hàng vạn người chết trên biển cả… thì sao?
Và hàng triệu nông dân trai tráng chết trên các chiến trường A,B,C… vẫn là theo kiểu biển người, mà đất nước vẫn không có tự do, độc lập hình thức nhưng vẫn không tự chủ, vẫn lệ thuộc vào Tàu, để mất đảo, mất đất, mất biển, để nông dân vẫn bị nạn địa tặc hoành hành, nạn cường hào mới, nông thôn bị thành thị bỏ xa… thì Đông La "quên" nhắc đến, dù đó là những ý chính của bài báo mở đầu cho cuộc đối thoại này. Cái lập luận của Đông La cho rằng người Trung Quốc còn đề cao Mao và việc ghi tư tưởng Mao vào điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam làm nền tảng chính trị và tư tưởng là có ích một thời cho đất nước ta, rằng ta đã vận dụng được những cái hay của tư tưởng Mao Trach Đông… sao mà gượng gạo đến tội nghiệp.

Đông La chỉ trích tôi là đã "đổi trắng thay đen", "múa bút" khen ông Ngô Đình Diệm để hạ ông Hồ Chí Minh. Lại một kiểu trích dẫn tùy tiện để xuyên tạc ý tôi. Người trí thức tự trọng không làm vậy. Ở cuộc hội nghị quốc tế Lubbock, ý kiến của tôi rất rõ: tôi cho rằng ông Hồ và ông Diệm đều là người yêu nước, mỗi người theo một cách khác nhau. Nhưng nếu xét riêng về 2 điểm: đạo đức trong sinh hoạt gia đình và tinh thần dân tộc để có thể so sánh, thì công bằng mà xét, nay tôi cho rằng ông Diệm khá hơn, vượt ông Hồ (về 2 điểm ấy). Tôi đã tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ khi so sánh. Không có chuyện ông Diệm tằng tịu với bà Lệ Xuân, ông Diệm không có vợ thật sự, cũng không có con riêng, con hoang, trong khi ông Hồ nói dối là không hề có vợ con, nhưng lại từng cưới cô Tăng Tuyết Minh, từng sống như vợ chồng với bà Minh Khai, từng có ít nhất một con riêng là Nguyễn Tất Trung với cô Nông Thị Xuân… chưa kể nhiều cuộc phiêu lưu tình ái khác. Về tinh thần dân tộc thì ông Hồ chọn một học thuyết rất xa lạ với dân tộc, trong "Di chúc" lại muốn đi theo cụ Mác và cụ Lênin khi chết, ông còn đồng ý cho Trung Quốc chiếm đảo của ta (qua tuyên bố của thủ tướng Phạm Văn Đồng); còn ông Diệm đã chết vì ngăn chặn không chịu để quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam nước ta. Tôi đã công nhận những sự thật khách quan ấy và đính chính những định kiến cũ, sao lại bảo tôi đổi trắng thay đen! 

Việc Đông La dẫn lại bài viết cũ của tôi - mà tôi đã hổ thẹn và sám hối, là thái độ không lương thiện. Tôi cũng không mảy may tự ái về những lời có tính chất chụp mũ, thóa mạ, vì đó chỉ là kiểu rất thiếu văn hóa của bộ máy an ninh trong chế độ độc đảng mà tôi đã quá quen rồi. Những vu cáo kiểu ấy chỉ có lợi cho tôi, vì công luận luôn tỉnh táo. Nay tôi xin lên tiếng cải chính lời vu cáo quá rẻ tiền của Đông La là Bùi Tín ở lại Pháp sau khi được tin Hồng Vinh (từng dưới quyền tôi ở báo Nhân dân) được vào Trung ương Đảng. Thật ra tôi sang Pháp và ở lại từ tháng 9-1990, mà Hồng Vinh đến giữa năm 1996 mới vào Trung ương tại Đại hội VIII. Đông La cố bịa ra để chụp mũ là tôi kèn cựa với Hồng Vinh, tôi bất mãn không được lên Tổng biên tập, không được vào Trung ương.

Vài bạn làm báo trẻ trong nước khuyên tôi nên sớm chấm dứt cuộc đối thoại vô bổ này. Các bạn cho rằng trong nước còn không ít người gọi là trí thức, có văn hóa, nhưng vẫn sùng bái những thần tượng cũ, những ảo tưởng rất cũ và gửi trọn ở đó chìa khóa của cái túi khôn.

Mà trí khôn - kho văn hóa và kiến thức của loài người - là luôn tìm ra những sự thật và hiểu biết mới trên cơ sở dám hoài nghi và phủ định những ngộ nhận cũ, những sai lầm cũ để làm giàu lên mãi cái túi khôn vô tận của mỗi người, của loài người, nhất là trong kỷ nguyên trí tuệ hiện nay.

Cám ơn talawas đã giúp cho tôi có dịp để khôn lên đôi chút.

Paris 30-12-2006

© 2007 talawas