trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
10.11.2006
Jean-Paul Sartre
Sau Budapest 1956, Sartre lên tiếng
Dương Tường dịch
 
Nhân kỉ niệm 50 năm cuộc nổi dậy ở Budapest, tờ báo Pháp L’Express đã đăng lại toàn văn cuộc trò chuyện của Jean-Paul Sartre với báo này ngay sau khi xảy ra sự kiện. Với việc công khai lên án sự can thiệp tàn bạo của Liên Xô vào Hungary, Sartre cũng chính thức quay lưng với Đảng Cộng sản Pháp mà ông gia nhập năm 1950. Chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn quan trọng này qua bản dịch của Dương Tường.
talawas
Hôm nay, Jean-Paul Sartre lại lên tiếng. Để làm cuộc tái xuất gây ấn tượng này, mà chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thái độ của rất nhiều trí thức và nhà quân sự phái cực tả hiện đang mất phương hướng, lo âu, phân vân, Jean-Paul Sartre đã chọn L’Express.

Ông nhất thiết muốn nêu rõ rằng sự lựa chọn này tuyệt nhiên không có ý nghĩa chính trị gì cả: quả thật, ông rõ ràng bất đồng với lập trường của bản báo về nhiều điểm. Nhưng vì L’Express là một diễn đàn tự do, mở rộng cho toàn thể cánh tả Pháp, và vì ông xét thấy cần thiết phải phát biểu nhanh nhất và trọn vẹn nhất lập trường của mình, nên ông đã vui lòng chấp nhận trả lời những câu hỏi của chúng tôi trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dưới đây.


*

L’ Express: Ông đã biết tin về những sự kiện ở Hungary như thế nào và những phản ứng đầu tiên của ông ra sao?

Jean-Paul Sartre: Phản ứng đầu tiên của tôi là lo âu – cái sai lầm không thể tin được đã xẩy ra: yêu cầu sự can thiệp của quân đội Nga và người ta vẫn chưa biết thủ phạm làm điều đó là tín đồ cuối cùng của chủ nghĩa Rákosi [1] hay chính phủ mới của Hungary. Vài ngày sau, lo âu nhường chỗ cho hi vọng, thậm chí cho vui mừng: nếu như Bộ Tư lệnh Nga – người ta vừa được biết là chính Gerő [2] đã gọi họ – đã vụng dại phạm cái tội đáp ứng yêu cầu đó, thì sau đó họ cũng đã rút quân khỏi Budapest.

Người ta kể rằng có những trung đoàn Xô-viết đã lùi trước quân khởi nghĩa chứ không bắn vào họ, có những lính Nga đã đào ngũ. Kremlin có vẻ do dự, dường như quân khởi nghĩa sắp thắng. Có lẽ, mặc dầu bước đầu đã gây nên cuộc đổ máu ghê gớm ấy, Liên Xô vẫn muốn quay trở lại giải pháp thương lượng như trước đây ở Ba Lan.

Sau đó, nỗi lo đã lập tức trở lại, mỗi ngày một dữ hơn; nó không rời tôi khi người ta thấy Hồng y giáo chủ Mindszenty [3] ra khỏi nhà tù và đột nhiên nổi lên ở hàng đầu, tôi nghĩ: Liên Xô sắp bị kẹt giữa hai gọng kìm: người ta đã trả cho người Hung giáo chủ của họ; bao giờ đến lượt Horthy và cuộc hội nhập vào khối phương Tây? Người Nga sẽ phải bỏ Hungary hay lại bắt đầu những cuộc tàn sát. Thể chế trung lập do Nagy [4] yêu cầu hiển nhiên chỉ là một đòi hỏi tối thiểu được nêu ra dưới áp lực của quân khởi nghĩa và chưa đủ đối với họ.

Việc quay trở về với những đảng cũ, sự săn lùng các thành viên của cảnh sát mật và hẳn là cả các viên chức cộng sản, việc quyết định đổi tên đảng cộng sản, sự trở về của những người di tản, sự xuất hiện của những người “di tản trong nước”, khả năng có một cuộc âm mưu trong lòng quân đội, tất cả những cái đó chứng tỏ cuộc khởi nghĩa ở Hungary hướng tới việc thanh toán toàn bộ cái gọi là những cơ sở xã hội chủ nghĩa của chế độ.

Tình hình bi thảm đó đã được một trong những thành viên cộng sản cuối cùng của chính phủ Nagy tóm tắt trên Đài phát thanh Budapest như sau: “Chúng ta bị kẹt giữa nguy cơ trở lại của bọn phản động và nguy cơ bị nước ngoài chiếm đóng. Chính điều đó dẫn đến sự can thiệp của Nga. Chính điều đó giải thích sự can thiệp này”. Nhưng giải thích không phải là xóa tội: dù sao mặc lòng, can thiệp vẫn là một tội ác. Và nói rằng những người lao động sát vai chiến đấu cùng quân đội Xô-viết là một lời dối trá bỉ ổi. Tốt hơn, hãy nghe những lời kêu gọi của Kádár [5] đêm qua: “Các bạn công nhân, hãy giúp chúng tôi!... Các bạn công nhân và nông dân, hãy chiến đấu cùng chúng tôi! Đảng Cộng sản đang trải qua giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử của mình. Chúng ta đoạn tuyệt với quá khứ; vả lại, chúng ta đã đổi tên đảng”. Nếu toàn thể nhân dân không ủng hộ những người khởi nghĩa thì có cần những lời kêu gọi ấy không? Nếu những người lao động và nông dân, sau khi “biểu thị sự bất mãn chính đáng của mình”, nói như báo Pravda [6] , lại liên kết với chính phủ Nagy để đẩy lùi bọn di tản, thì có lẽ đã có nội chiến, nhưng không có tin điện nào, không có đài phát thanh nào, kể cả ở những nước dân chủ nhân dân, thông báo về một cuộc nội chiến. Tất cả đều hỗn độn, mất thăng bằng trong các nhóm khởi nghĩa xuất hiện ở khắp nơi.

Trong các nhóm liên kết để đấu tranh chống quân đội Xô-viết hoặc đòi họ rút khỏi ấy, người ta thấy xuất hiện những phần tử phản động, cùng những kẻ bị nước ngoài xúi giục. Nhưng sự thật sờ sờ ra đấy: công nhân, nông dân, toàn dân đã chấp nhận chiến đấu bên cạnh những người đó. Thành phần cộng sản tiến bộ, muốn dân chủ hóa chế độ, chung sống với phản động trong cùng những nhóm bao gồm cả nhiều khuynh hướng khác nữa; những nhóm này ngả sang bên này hay bên kia theo dòng sự kiện, theo những thay đổi về thành phần của các nhóm và cuối cùng, theo chừng sự can thiệp của Nga.

Tóm lại, mục tiêu mà Hồng quân Liên Xô sắp sửa bắn vào là toàn dân Hungary chứ không phải một dúm người di tản. Chính nhân dân, chính những người công nhân và nông dân – những nạn nhân cũ của Horthy – lại một lần nữa là đối tượng để người ta tàn sát hôm nay.

Và đối với tôi, tội ác không chỉ là việc tấn công Budapest bằng xe tăng, thiết giáp, mà chính là ở chỗ, sở dĩ người ta có thể làm thế và thậm chí cần thiết phải làm thế (dĩ nhiên theo quan điểm Xô-viết) là do đã có mười hai năm khủng bố và ngu xuẩn. Nếu cánh hữu đã thắng thế trong nội bộ những người khởi nghĩa, đó là vì đã có một tình cảm mãnh liệt chung cho tất cả, một tình cảm hoàn toàn theo chiều hướng tiêu cực: căm thù những người Xô-viết và chủ nghĩa Rákosi..

Những cuộc săn đuổi nơi bùn lầy nước đọng ấy thật là tàn khốc: nhưng chế độ phải thế cho người ta căm ghét! Trừ một thiểu số có ý thức – trí thức, Hội Nhà văn – mau chóng bị quần chúng vượt lên, công nhân và nông dân, sau khi lặp lại những bài học thuộc lòng, rơi vào một tình trạng bối rối hoàn toàn, không hề được giáo dục về chính trị và xã hội.

Nói chung, các cuộc cách mạng nhân dân thường tả khuynh. Lần đầu tiên – nhưng trong những sự kiện bi thảm này, cái gì chẳng mới – chúng ta chứng kiến một cuộc cách mạng chính trị hữu khuynh. Tại sao? Bởi vì người ta đã chẳng mang lại cho nhân dân cái gì, không thỏa mãn vật chất, không niềm tin xã hội chủ nghĩa, thậm chí một cái nhìn rõ ràng về tình hình cũng không. Họ đã lầm, chắc chắn là thế: nhưng, trước hết, ngay cả trong sai lầm, nhân dân vẫn có quyền được tự do và được tôn trọng: những người lao động tự mình giải phóng mình qua những lỗi lầm, những trải nghiệm; người ta không sửa chữa sai lầm bằng những phát đại bác. Kế đó, những sai lầm này là hoàn toàn do chủ nghĩa Stalin gây ra.

Bên cánh hữu, người ta cho rằng bi kịch Hungary khẳng định sự thất bại dứt khoát của chủ nghĩa xã hội. Ông nghĩ thế nào về điều đó?

Điều mà nhân dân Hungary dạy cho chúng ta bằng máu của họ, là sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội với tư cách là hàng hóa nhập khẩu từ Liên bang Xô-viết. Ở Liên Xô, người ta biết cái giá của chủ nghĩa xã hội là gì: biết bao mồ hôi, biết bao máu, biết bao tội ác, đồng thời biết bao can đảm, biết bao kiên trì nữa. Nhưng cũng lên hàng đầu các cường quốc công nghiệp. Đó là vì điều kiện lịch sử cho phép: những người cộng sản năm 1917 kế tục một giai cấp tư sản chưa mấy phát triển nhưng đã đắp nền móng cho một sự tập trung công nghiệp hùng mạnh.

Thật hoàn toàn phi lí khi buộc mỗi nước “vệ tinh hóa” phải bắt chước một cách nô lệ việc xây dựng theo kiểu Stalin để biến họ thành một thứ Liên bang Xô-viết xinh xinh, một mô hình thu nhỏ, không đếm xỉa gì đến sự khác biệt về tình hình. Đặc biệt, nước Hungary, ngột ngạt vì dân cư quá đông gồm phần lớn là nông dân, trước chiến tranh được lãnh đạo bởi một giai cấp đại điền chủ phong kiến và một giai cấp tư sản hèn nhát và đào nhiệm, ưng làm một bán thuộc địa hơn là tự lực phát triển, một nước như vậy thật xa biệt tột độ với một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Năm 1939, các thành phố không chịu nổi chế độ độc tài Horthy, nhưng nông dân tuy lầm than vẫn cố thích ứng với nó; một giai cấp vô sản không hiện hữu hay gần như thế, một giai cấp nông dân oằn lưng dưới những thành kiến lâu đời, đó là những gì mà năm 1945 những người Xô-viết đã thấy ở Hungary. Và cuộc tuyển cử đầu tiên đưa một Mặt trận Dân chủ vào ngôi vị cầm quyền, trong đó những người cộng sản, toàn năng trong vòng bí mật, chỉ chính thức chiếm một vị trí hạn hẹp: 57% số phiếu bầu cho đảng của các tiểu nghiệp chủ.

Nhiệm vụ đáng sợ của chính phủ mới là đốt cháy giai đoạn, là cắt nhỏ những đại doanh điền, chia ruộng đất cho nông dân, nhưng sau đó lại tiến hành một sự tập trung mới (tập trung đất dưới hình thức hợp tác xã, tập trung nhà máy, tập trung dân, lôi kéo số nông dân dư thừa ra thành phố) có tính chất vừa tư sản vừa xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là thay thế một giai cấp tư sản không bao giờ biết gánh lấy trách nhiệm để tiến hành những thay đổi to lớn ấy vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Mọi thứ trong cái chương trình ấy đều vấp phải những thói quen lâu đời của nông dân; còn công nhân thì gốc gác từ nông thôn ra, họ vẫn gắn bó với làng xóm hơn là với nhà máy.

Không thể làm gì mà không cưỡng bách đến một mức độ nào đó và chấp nhận một sự thất nhân tâm chắc chắn: phải tiếp tế cho những thành phố nông nghiệp đó, cho đám cư dân thợ thuyền mỗi ngày một phình ra ấy, và những người nông dân, đã ít hơn lại thiếu công cụ, chỉ có thể đáp ứng đủ yêu cầu đó bằng cách chấp nhận thuế và bước đầu tập thể hóa.

Sự cưỡng bách đó xưa nay vẫn có ở các nước tư bản: có điều, sự tập trung và những hình thức trưng dụng khác nhau nẩy sinh từ đó, đối với cá nhân, có vẻ như là hậu quả của một định mệnh vô danh. Ở những nước xã hội chủ nghĩa, rất có thể là cái định mệnh ấy mang bộ mặt và tên của người cầm đầu chính phủ. Vậy trước hết, nên làm sao để sự cưỡng bách ấy đỡ khó chịu nhất, giữ các kế hoạch ở mức khiêm tốn, chia tiến độ lên chủ nghĩa xã hội ra từng giai đoạn trong một thời kì dài; phải lập tức lo chuyện nâng cao mức sống để mỗi người trong chế độ có cái để giữ gìn bảo vệ. Hãy nhớ rằng chính việc bán những tài sản quốc gia đã làm nên sức mạnh của cuộc Cách mạng của chúng ta. Và nhất là ở chặng triển diễn này, điều cột yếu là thuyết phục. Người Trung Hoa nói: “Phải luôn giải thích”. “Giải thích” không phải là tuyên truyền, mà là thông tin, giáo dục và cả cho một cái gì, vì không thể thuyết phục đơn thuần bằng lời. Với những người đã tin rằng chủ nghĩa xã hội là cái mà đất nước họ cần, người ta có thể yêu cầu những hi sinh. Nhưng với những người, giống như đa số nông dân Hungary, vừa chống sự chiếm đóng của nước ngoài, vừa chống chủ nghĩa xã hội, người ta không thể yêu cầu gì được: trước hết, phải chinh phục họ, thuyết phục họ. Đòi hỏi họ cũng như những người đã tin ở chủ nghĩa xã hội, là tạo ra một hố ngăn cách không ngừng sâu thêm trong quần chúng, tạo thuận lợi cho việc nẩy sinh một tình thế khủng bố, tự mình tạo ra tất cả những điều kiện cho một cuộc phản cách mạng.

Người ta chẳng giải thích gì hết: một chùm sự kiện đã đến làm thay đổi tất cả: Đầu tiên là Kế hoạch Marshall; mục đích công khai của kế hoạch này là ngăn cản việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước “vệ tinh”; trách nhiệm của Mĩ trong những sự kiện hiện nay là rành rành không thể chối cãi. Kết quả là một sự xiết chặt quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa; “tấm màn sắt” ra đời từ kế hoạch Marshall. Tiếp theo là cuộc chống đối đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản quốc gia, chủ nghĩa Tito.

Tất cả đẩy đến chỗ Staline-hóa chính thể ở Hungary: sau Kế hoạch Marshall, người ta thấy Đảng Xã hội Dân chủ và đảng của các tiểu nghiệp chủ biến mất; sau chủ nghĩa Tito, người ta chứng kiến việc bôlsêvích-hóa Đảng Cộng sản, nghĩa là loại bỏ những phần tử quốc gia – như thể do tình cờ, họ lại là những người duy nhất được lòng dân – và thay thế họ bằng những người cộng sản được đào tạo ở Moskva. Người ta có thể hình dung tác động ở Hungary của vụ án Rajk (Rajk đã chiến đấu bên cạnh những người nông dân trong kháng chiến) [7] và thắng lợi của Rákosi (người đã qua nhiều năm ở Liên Xô).

Đương nhiên, sự thay đổi ấy đã có hai hậu quả kinh tế to lớn: đến lượt Liên Xô thực hiện việc biến Hungary thành nửa thuộc địa, công nghiệp hóa thái quá dẫn đến việc đẩy mạnh tập thể hóa thái quá. Hơn tất cả mọi nước Trung Âu khác, Hungary chống lại chế độ cường quyền ấy. Tất cả những người quan sát – thậm chí cả những người cộng sản Pháp – đều nhất trí về điểm này. Phải lấy khủng bố để duy trì nó. Khủng bố trắng, mà ở một số nơi xuất hiện khiến cho sự can thiệp của quân đội Liên Xô những ngày này trở thành chính đáng, chỉ là hậu quả của khủng bố đỏ mà thôi.

Người ta thấy rõ sai lầm ở chỗ nào: Liên Xô đã xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội ở riêng một nước”, tại nước mình; vấn đề đặt ra là xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước”. Liên Xô đã muốn tái bản “nhiều chủ nghĩa xã hội ở một nước duy nhất”. Cái bề ngoài ấy cho phép họ vẫn là phương tiện thông lưu duy nhất từ một nước vệ tinh này sang một nước vệ tinh khác, như vậy khước từ cái giải pháp cần thiết – một commonwealth [8] xã hội chủ nghĩa với những nền kinh tế bổ sung cho nhau – vì đa nghi và vì họ muốn những nền kinh tế bổ sung cho nhau của riêng nước họ. Kết quả là: chúng ta chứng kiến việc thanh toán hoàn toàn một chế độ chưa bao giờ được ai chấp nhận ở Hungary.

Có những người nói: phải cứu lấy “những cơ sở của chủ nghĩa xã hội ở Hungary”. Nếu như ở Hungary có những cơ sở của chủ nghĩa xã hội, thì chủ nghĩa xã hội sẽ tự mình cứu mình. Hồng quân đến can thiệp là để cứu những cơ sở của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trên đất Hungary, có nghĩa là những vị trí quân sự (như Courtade thú nhận) và những mỏ uranium.

Ông đã nói đến “dân chủ hóa”. Ông có thể giải thích cụ thể cái nghĩa mà ông gán cho từ đó trong một chế độ xã hội chủ nghĩa?

Với tôi, dân chủ hóa là một điều chỉ có thể trụ được qua việc xét lại toàn bộ những quan hệ giữa Liên Xô với các vệ tinh của họ. Sự dân chủ hóa này chỉ có thể thực hiện trong một tổ chức các nước vệ tinh được quan niệm theo những lợi ích riêng của họ chứ không phải theo những lợi ích của Liên Xô. Do đó, nó đòi hỏi một sự kế hoạch hóa chung thật sự ở cấp độ tất cả những nước đó cùng nhau. Như vậy, người ta sẽ nhận ra rằng Ba Lan chẳng cần gì phải chế ra những cái ô-tô không chạy được, rằng Budapest không cần một hệ thống xe điện ngầm ngập nước, rằng than của Ba Lan có thể phân phối một cách hữu ích hơn giữa các nước khác nhau ở Trung Âu. Sự liên kết này của tất cả các nước thuộc phong trào xã hội chủ nghĩa sẽ tiến hành dưới sự lãnh đạo của Liên Xô; nhưng sự lãnh đạo này sẽ chỉ thực sự áp dụng vào kế hoạch xây dựng chung một chính sách đối ngoại. Lúc ấy, sẽ có thể nâng cao mức sống. Và cùng với mức sống được nâng cao, việc dân chủ hóa sẽ có thể có những hinh thức cụ thể.

Khi mức sống được nâng cao, ta có thể nói sự thật mà không sợ rắc rối và thậm chí nói với cả những người không đồng ý với ta. Người ta nói dối những người sắp chết đói, chết mệt, bởi vì đối với họ những sai lầm của chính phủ là vấn đề sinh tử. Theo tôi, dân chủ hóa không nhất thiết phải là trở lại đa đảng: sự xuất hiện trở lại của những đảng bảo thủ ở Hungary đã khiến sự hiện diện (chứ không phải là sự can thiệp thô bạo) của Nga trở nên cần thiết. Nhưng có thể trở lại một sự dân chủ hóa tập trung trong nội bộ Đảng, có thể khôi phục tự do cá nhân, luật bảo thân, có thể xóa bỏ kiểm duyệt, lập những hội đồng công nhân. Để nói cho hết nhẽ, phận sự của mỗi chính phủ là tuỳ theo tình hình và yêu cầu của quần chúng mà quyết định. Nhưng theo tôi, dân chủ hóa sẽ bắt đầu khi nào những cái đảng trừu tượng tự xưng là Đảng Cộng sản Hungary, Rumani, Bulgari, v.v… thực sự tiếp xúc trở lại với quần chúng, nếu như còn kịp.

Ông có cho rằng đặc điểm của chủ nghĩa Stalin là dành ưu tiên tuyệt đối cho chính sách đối ngoại?

Tôi không dám chắc lắm. Tôi cảm thấy hình như lúc đầu, Liên Xô không phân biệt rạch ròi chính sách đối ngoại với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ 1945 đến 1948, họ muốn khiến các nước cộng hòa nhân dân gắn bó với họ bằng cách từ từ nâng cao mức sống, từng bước xây dựng cơ sở xã hội chủ nghĩa, điều đó đồng thời đem lại an toàn cho họ và bảo vệ họ khỏi bị bao vây.

Một lần nữa, lại là Kế hoạch Marshall gây nên nỗi ám ảnh về sự tan vỡ của mặt trận xã hội chủ nghĩa. Dù sao đi nữa, tôi e rằng có khi chính những cân nhắc về mặt an ninh quân sự là nhân tố chủ yếu dẫn đến sự can thiệp của Nga ở Hungary. Dù sao đó cũng là ý kiến của Pierre Courtade, “kẻ làm lộ tẩy”, trên L’Humanité: “Có nên mong muốn chế độ của bọn phong kiến có thể được tái lập ở Hungary nhân danh ‘tự do’? Liệu Liên Xô, nước có quân đóng ở Hungary theo hiệp ước, có thể đứng trước nguy cơ một cuộc ‘lật đổ liên minh’, sẽ biến Hungary thành một pháo đài của các cường quốc phương Tây giữa lòng hệ thống các nước dân chủ nhân dân?”.

Giờ đây, những người cho đến nay vẫn là bạn của Liên Xô như ông, có thể có thái độ như thế nào đối với nước này?

Tôi sẽ nói với ông trước hết rằng một tội ác không thể làm cả một dân tộc liên can. Tôi không nghĩ rằng nhân dân Nga xưa nay vẫn có nhiều thiện cảm với người Hungary, cũng như ngược lại. Gia dĩ, trong dư luận Nga, hiếm có người hoàn toàn tỏ tường về các sự kiện. Muốn thế, phải đọc được báo chí Hungary và Ba Lan, nếu như các báo này còn được phát hành ở Moskva. Vậy nên, theo ý tôi, những gì diễn ra ở Hungary khó bề làm xúc động được dân Nga, tới sâu được đến các tầng lớp. Hơn nữa, họ lại cố tình dối dân. Hôm chủ nhật, vài giờ sau cuộc xâm kích của Liên Xô vào Budapest, báo Pravda viết: “Nhân dân và giai cấp công nhân Hungary, tất cả những người yêu nước chân chính của Hungary sẽ tìm thấy ở bản thân sức mạnh cần thiết để đập tan bọn phản động”.

Đó chắc chắn là những gì mà độc giả của báo chí Xô-viết tin. Vả lại, ông cũng biết đạo quân can thiệp ở Hungary bao gồm những phần tử ngoại lai: chẳng có cơ may nào để các công nhân Moskva trở về kể với bạn bè: chúng tôi đã bắn vào anh em thợ thuyền.

Không, nhân dân Nga vô tội, cũng như nhân dân tất cả các nước, trừ phi, bằng sự im lặng, họ tự biến mình thành đồng lõa của một hệ thống trại tập trung thiết lập ngay trong nước. Ở Liên Xô, sự sững sờ của dân chúng khi thấy những người tù trở về chứng tỏ khá rõ rằng họ không hay biết gì cả. Riêng phần mình, mối thiện cảm của tôi đối với dân tộc lớn lam làm và can đảm ấy không hề suy xuyển vì những tội ác của chính phủ nước họ.

Sáng nay, tôi đọc thấy trên báo Combat: “Luôn luôn kín đáo tế nhị, Raymond Aron không muốn rút ra từ những gì đang diễn ra niềm thỏa mãn trí tuệ do thấy điều mình đã viết được xác nhận bởi những sự kiện như thế”. Này, nếu Raymond Aron thỏa mãn vì thấy những tiên đoán của mình được các sự kiện xác nhận, thì quả là ông ta có trái tim cứng rắn đấy!

Hẳn là ông ta nghĩ – và một số người cũng nghĩ như ông – rằng việc phi-Stalin hóa là một cái mặt nạ, rằng đó chỉ là những từ nói suông. Về phần mình, tôi cho đó là một sai lầm hoàn toàn. Một số thành viên trong chính phủ Liên Xô và trong giới viên chức đã tỏ một ý chí thực sự muốn phi-Stalin hóa và điều đó đã khiến họ đối mặt với nguy cơ. Có thể một số trong bọn họ đã phải trả giá cho cố gắng ấy? Tuy nhiên, đó vẫn là điều đáng mong muốn, cần thiết và với tư cách cá nhân, tôi xin tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với những người đã cố gắng trước tiên để làm thế.

Nhưng phải biết mình đi đâu và không để mình tụt hậu với thời cuộc, không nên chơi cái trò ngu xuẩn mà tay Hermann độc địa đã gọi trong báo Libération là “tắm vòi hoa sen Xcôtlen”; ở Hungary, chẳng hạn, thì không nên gọi Nagy lên cầm quyền vào năm 1953, không nên hứa hẹn những đầu tư cao hơn vào công nghiệp tiêu dùng rồi sau đó lại sợ hãi, đưa Rákosi trở lại sau khi đã phê phán ông ta, lấy lại cái luận thuyết ưu tiên vô điều kiện cho công nghiệp nặng, phục hồi Rákosi trong khi vẫn để kẻ mưu sát ông ta trong chính quyền, rồi đột nhiên bỏ người này để thay bằng một Rákosi khác tồi hơn là Gerő và cuối cùng, gọi Nagy quá muộn khi máu đã chảy, mà lại tước đi của ông ta mọi cơ may để chiếm lại lòng tin của nhân dân.

Vâng, phải biết mình muốn gì, mình muốn đi đến tận đâu, tiến hành những cải cách không rêu rao trước, mà làm dần từng bước. Từ quan điểm này, lỗi lớn nhất có lẽ là bản Báo cáo của Krushchev vì, theo ý kiến tôi, việc công khai và long trọng tố cáo, phơi bày chi tiết tất cả những tội ác của một nhân vật thiêng liêng từng bao lâu tiêu biểu cho chế độ, là một sự điên rồ khi mà sự thẳng thắn như vậy chưa được làm cho khả thi bằng một việc tiên quyết, là nâng mức sống nhân dân lên thật cao.

Trước đó, Malenkov đã khéo léo hơn rất nhiều. Ông ta đã bắt đầu bằng cách tiến hành những cải cách mà không nói gi về Stalin cả. Chẳng hạn chính ông ta đã đưa Nagy lên thay Rákosi.

Tôi không coi Stalin là một nhân vật thông minh và có văn hóa cao. Nhưng từ đó đến chỗ kể rằng ông ta đã, chẳng hạn, điều khiển tất cả các chiến dịch trong chiến tranh bằng cách theo dõi sự vận động của các đạo quân trên một cái bản đồ thế giới dùng trong trường học, thì quả là ngoa ngoắt quá đáng. Ngay cả Hitler cũng còn đọc được một bản đồ tham mưu nữa là. Như vậy, bản Báo cáo của Khrushchev, thay vì là một sự giải thích thẳng thắn và trọn vẹn, lại chỉ là một mớ giai thoại. Báo cáo ấy là một cú ghê gớm. Nó kế tục sự chuyên chính của đảng thay vì hạn chế sự chuyên chính ấy.

Tôi biết rằng nó không được viết trong sự yên tĩnh của phòng làm việc, rằng đó là một ứng tác, rằng có lẽ đó là ngón của nhóm người muốn thúc đẩy dân chủ hóa để giữ hoặc lấy lại quyền lãnh đạo. Nhưng kết quả là phanh phui sự thật với những đám quần chúng chưa sẵn sàng chấp nhận nó. Phải thấy ở nước Pháp chúng ta, báo cáo đó đã làm xáo động các trí thức và công nhân cộng sản đến mức nào, thì mới hiểu dân Hungary, chẳng hạn, thiếu chuẩn bị nhường bao để đón nhận câu chuyện kinh khủng ấy về tội ác và sai lầm, bỗng nhiên được tung ra không giải thích, không phân tích về mặt lịch sử, không chút thận trọng.

Trong khi còn nắm quyền lãnh đạo, Krushchev đã nói: “Chúng ta sẽ chấp nhận đến mức tối đa có thể những hậu quả của việc phi-Stalin hóa”. Những sự kiện, sau cuộc hòa giải ngoạn mục với Tito, những cuộc bạo loạn ở Ba Lan, là những gì ông đã biết: sự hỗn hợp giữa tàn bạo đôi khi chưa từng thấy với kiểu lùi bước không khỏi khiến người ta nhớ đến cung cách Nga ngày xưa.

Phi-Stalin hóa cũng là cơ hội cho những cố gắng dân chủ hóa đích thực ở trong nước mà xã hội Liên Xô đã được hưởng lợi. Tôi nghĩ cần phải kính trọng nỗ lực đó, cho dù nó đã thất bại. Vậy nên tôi tin vào nỗ lực đó, trong chừng mực nó không đột ngột bị chặn lại hôm nay. Nhưng tôi kinh hãi sự chặn lại thô bạo đó: thật không thể tin một chữ nào trong cái chương trình mà János Kádár phô phang, đặc biệt không thể nghĩ rằng ông ta có thể yêu cầu quân đội Liên Xô rút khỏi Hungary vì nếu vậy, sự can thiệp của Nga sẽ chẳng có nghĩa gì hết. Nhân dân Hungary giận điên lên, nghe nói vẫn còn những ổ kháng chiến lẻ tẻ. Làm sao có thể tưởng tượng được là quân đội Liên Xô lại ra đi. Một lần nữa, từ ngữ lại chỉ cái điều trái ngược với nghĩa của nó. Guy Mollet dùng từ “bình định” để chỉ “chiến dịch quân sự”; Kádár nói “dân chủ hóa” để chỉ khủng bố và chiếm đóng.

Như vậy, theo ý tôi, dân chủ hóa đã bị chặn lại ở Hungary. Nó rất có thể bị chặn lại ở nơi khác nữa: người ta không thể hình dung một nước duy trì sự chuyên chính đối với nước khác mà lại không duy trì chuyên chính đối với chính mình. Do đó, tôi tin ở dân chủ hóa, nhưng tôi cũng tin là nó tạm chấm dứt một thời gian và có thể sự chấm dứt đó biểu hiện cả trong những thay đổi quan trọng trong lòng chính phủ Liên Xô.

Trong những điều kiện đó, ông mô tả thái độ cá nhân của mình đối với Liên Xô như thế nào?

Tôi hoàn toàn lên án không chút dè dặt sự xâm lược của Liên Xô. Không buộc trách nhiệm cho nhân dân Nga, tôi nhắc lại rằng chính phủ hiện tại của họ đã phạm một tội ác và rằng một cuộc đấu tranh phe phái trong lòng các giới lãnh đạo đã trao quyền cho một nhóm (quân sự “cứng rắn”, tín đồ cũ của Stalin?) giờ đây còn vượt quá chủ nghĩa Stalin sau khi đã tố cáo nó.

Tất cả các tội ác trong Lịch sử đều rơi vào quên lãng, chúng ta đã quên những tội ác của chúng ta và các quốc gia khác cũng sẽ quên dần. Có thể sẽ đến một lúc người ta quên đi tội ác của Liên Xô nếu chính phủ của họ thay đổi và nếu những người mới cố gắng áp dụng thật sự nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Riêng lúc này, chẳng thể làm gì khác ngoại trừ lên án. Tôi luyến tiếc mà cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ với số bạn nhà văn Xô-viết của tôi đã không tố cáo (hoặc không thể tố cáo) cuộc tàn sát ở Hungary. Người ta không thể giữ tình bạn với bộ phận lãnh đạo của giới quan liêu Xô-viết: chính sự ghê tởm đang thống ngự.

Nếu như Hungary đã được để cho độc lập, thì đề nghị của thống chế Boulganine với Eisenhower về một sự can thiệp chung vào vụ Ai Cập hẳn đã có thể được xem trọng. Nhưng cái ý tưởng ấy về một động thái khẩn cấp của hai cường quốc, tung ra ngay sau việc đè bẹp Hungary, trở thành một sự nhạo báng, một thủ đoạn chính trị. Điều đó dứt điểm làm mất uy tín mọi khả năng hành động của Liên Hợp Quốc. Hãy thử nghĩ xem giờ đây chúng ta đứng trước một tình huống như thế này: một mặt, Mĩ cùng với Anh và Pháp can thiệp chống lại Liên Xô ở Hungary, mặt khác, Mĩ lại cùng với Liên Xô xen vào giữa Ai Cập và Israel, chống lại Anh và Pháp nhân vụ kênh đào Suez.

Tôi không biết Liên Hợp Quốc đã bao giờ là cái gì chưa, nhưng sự lộn xộn phi lí này chứng tỏ nó chẳng còn là cái gì cả. Vả chăng, nếu phải có một hội nghị năm bên ở Thụy Sĩ, thì một lần nữa người ta lại kiếm tìm và có thể lại tìm được cách giải toả căng thẳng bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Từ sự kiện Hungary, ông chờ đợi những hậu quả như thế nào đối với cánh tả Pháp?

Thực tế đáng buồn hiện nay, đối với tôi, là cánh tả Pháp có nguy cơ bị chết vì những sự kiện này nếu không có những thay đổi trong các đảng hợp thành nó, nếu các phe thiểu số không tự nắm được vận mệnh mình trong tay.

Sáng nay, tôi đọc thấy trong báo rằng Đảng Xã hội ra một hiệu triệu mới kêu gọi các chiến sĩ cộng sản từ bỏ Đảng Cộng sản và gia nhập S.F.I.O. [9] Thật là táo tợn kì lạ. Thế có nghĩa là: hãy bỏ cái Đảng Cộng sản kì quặc đã tán thành đè bẹp Budapest và hãy đến cùng chúng tôi hoan hô những kẻ tra tấn ở Algérie. Trước một mâu thuẫn như vậy, thì còn gì là cánh tả nữa?

Về đảng cấp tiến, tôi sẽ nói thẳng thắn với ông suy nghĩ của tôi: tôi không tin rằng đảng này đã bao giờ thực sự thuộc cánh tả. Hơn nữa, từ một số năm nay, họ đại diện cho cánh hữu. Những thay đổi do ông Mendès France (mà tôi coi là một người hoàn toàn đáng kính trong ý tưởng và trong đời sống riêng) áp đặt cho đảng này, đã gây nên sự phân liệt đầu tiên. Và bất chấp sự phân liệt ấy, hôm nọ, ông Mendès France, trong một cuộc bầu phiếu có tính chất quyết định, chỉ còn đại diện cho một phần năm của hai phần ba đảng cấp tiến.

Trong L’Express, một hôm, ông đã nói về tôi: “Jean-Paul Sartre đã rớt ra ngoài cuộc”. Giờ đây, tôi có thể nói với ông: “Mendès France đã muốn vào cuộc và bây giờ đến lượt ông ta rớt ra ngoài cuộc”.

Vậy nên tôi không tin vào bất kì cái gì từ nay trở đi đến từ cái mà ngày xưa, vào lúc bầu cử, người ta gọi là “Mặt trận Cộng hòa”.

Đảng Xã hội ở trong một tình thế khủng khiếp. Đảng đã phản bội những cử tri của mình. Sau đó, đảng đã phản bội sứ mệnh xã hội chủ nghĩa của mình. Hiện nay, đảng đứng bên cạnh những người bảo thủ Anh chống lại Công Đảng và đó là điều khó tin nhất mà người ta có thể tưởng tượng. Lương tâm bất ổn của các thủ lĩnh khiến họ giờ trở nên vô sỉ một cách ghê tởm. Ông có nghe ông Pineau nói trên đài hôm chủ nhật không? Bằng một giọng sụt sùi, một giọng phân ưu không sao chịu nổi, ông ta đã dành đôi câu cho những người khởi nghĩa can đảm ở Budapest. Rồi đùng một cái, ông ta đổi giọng chì chiết, cay độc, vênh vang: “Liên Hợp Quốc”, ông ta nói, “đã ưng chú tâm đến một tên ‘độc tài Ai Cập’ hơn”.

Đảng Cộng sản Pháp có khoảng 180.000 đảng viên, trong đó 170.000 là những chiến sĩ chân thành và 10.000 là những cán bộ thường trực hưởng lương 40.000 franc/tháng, tạo thành bộ máy của đảng. Trong vấn đề chính sách đối nội của Pháp, cho đến những năm gần đây, đảng vẫn đường đường chính chính: đảng luôn tiếp xúc với quần chúng; đảng không thể tách rời quần chúng. Bởi vì người ta đôi khi có thể tách rời quần chúng trong một thể chế độc đoán khi người ta nắm chính quyền, nhưng không thể khi ở phía đối lập. Với đôi chút chậm trễ, đảng đã chuyển hướng lập trường đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng rốt cuộc đã chuyển hướng tốt. Thoạt đầu, đảng đã làm nản lòng không ít người, làm thất vọng bởi thái độ của nó về chính sách đối với Algérie; nhưng cuối cùng, cả trong vấn đề này, nó cũng đã chỉnh sửa lại. Mấy ngày trước những sự kiện Budapest, nó đã được thêm nhiều phiếu trong những cuộc bầu cử bộ phận. Nhưng Đảng Cộng sản là một đảng quốc tế. Vậy là một đảng phải có những quyết định trong chính sách ngoại giao. Mà ngày nay, những quyết định đó lại hoàn toàn bị áp đặt bởi một bộ máy thần phục triệt để cái khuynh hướng cố chấp nhất của chính phủ Liên Xô.

Kết quả là những lời dối trá bỉ ổi nhất, như những điều ta đọc thấy trên báo L’Humanité sáng nay: “Vào lúc chạy trốn, bọn bạo loạn đã phóng hỏa đốt nhiều nhà. Budapest chiều chủ nhật là một biển lửa. Một trong những trạm phát thanh duy nhất còn trong tay bọn phản cách mạng huênh hoang rằng ánh lửa của những đám cháy có thể thấy từ mấy cây số xung quanh”.

Tôi khó mà hình dung những người khởi nghĩa chạy từ nhà này sang nhà khác trong thành phố bị quân Nga bao vây và bị ném bom lân tinh, lại đi châm lửa đốt những nơi trú ẩn của chính mình. Đó là cái kĩ thuật quen thuộc: dùng lại những lời kể sự kiện nhưng bóp méo, xuyên tạc đi. Đó là cái thói quen mà những người lãnh đạo cộng sản đã mắc phải: trước tiên bôi nhọ những người mà sau đó họ sẽ giết.

Theo phân tích của ông, thì còn lại hi vọng gì cho cánh tả Pháp bị tổn thương nặng như thế?

Hiển nhiên là về phần chúng tôi – rất nhiều trí thức cũng nghĩ như tôi – chúng tôi vẫn giữ trọn vẹn cảm tình với hàng nghìn chiến sĩ cộng sản mà tôi biết là giờ đây họ đang đau đáu lo âu, cũng như tôi rất hiểu rằng giữa lúc đảng của họ bị công kích từ mọi phía bởi chính lỗi của nó, họ không muốn bỏ nó. Với những người đó, ta có thể giữ mối thiện cảm vì họ không chịu trách nhiệm về những cuộc tàn sát ở Budapest. Đó là những người trung thực, chân tín, lo lắng và trong số mười nghìn cán bộ và đảng viên thường trực của bộ máy cũng có những người như thế. Nhưng những thủ lĩnh thì phải hoàn toàn gánh trách nhiệm, không thể trốn tránh được.

Nếu như sau những năm lo sợ, oán hờn, cay đắng, có thể vẫn còn khả năng nối lại quan hệ với Liên Xô – chỉ cần họ thay đổi rõ ràng khuynh hướng chính trị của họ – thì đằng này, với những người lúc này đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, tôi thấy không thể và sẽ không bao giờ có thể nối lại quan hệ được. Mỗi một lời nói của họ, mỗi một cử chỉ của họ là kết quả của ba mươi năm lừa dối và trì trệ. Những phản ứng của họ hoàn toàn là phản ứng của những kẻ vô trách nhiệm.

Tội ác vừa diễn ra, theo ý tôi, không thể buộc trách nhiệm cho những người cộng sản không có điều kiện để nói, những người không nỡ bỏ đảng khi đảng lâm nguy, bởi lẽ đảng hiện là đại diện duy nhất cho phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pháp, bởi lẽ người ta bôi nhọ đảng không chỉ vì những tội ác của nó, mà vì nó là đảng duy nhất hướng tới chủ nghĩa xã hội. Những người đó chống lại chính sách chuyên chính trong nội bộ đảng.

Ngoài ra, tôi dám chắc rằng tất cả những người thuộc cánh tả sẽ tập hợp trở lại nếu như, theo yêu cầu của những cá nhân như Tixier-Vignancour, Đảng Cộng sản có nguy cơ bị cấm.

Trong Đảng Xã hội cũng vậy, có một thiểu số trung thực và chân thành ở bộ phận lãnh đạo, một khối đảng viên ưu tâm ở cơ sở. Tất nhiên, thiểu số đó đã không phản kháng mạnh chính sách của chính phủ Mollet, hoặc chí ít, những phản kháng của họ cho đến nay chưa có mấy tiếng vang.

Nhưng nếu những người cộng sản chống đối chuyên chính ấy có quyền năng và sức mạnh để áp đặt một sự thay đổi chính sách và nếu thiểu số ấy trong Đảng Xã hội tự mình khai thông được những nguyên lí đổi mới, ta sẽ thấy lại một thứ mặt trận bình dân kiểu mới mà thành phần trung gian hòa giải có thể là “cánh tả mới”. Cánh tả Cơ-đốc giáo, vốn thực sự tồn tại và thực sự là tả, những thành phần năng động của chính chủ nghĩa cấp tiến, những người chưa thuộc tổ chức nào có thể nhập vào trào lưu lớn đó. Nhưng nếu trào lưu này không ra đời thì phải nói thẳng là: cánh tả đã tiêu vong.

Trong một thị tuyến như thế, ông quan niệm như thế nào về quan hệ giữa những người xã hội và những người cộng sản?

Những người cộng sản bị ô danh, những người xã hội ngụp vào vũng bùn, họ chấp nhận làm chính trị của cánh hữu: đó là điều vẫn thường khiến những chế độ phái tả tự để mình bị lôi kéo vào tình thế ấy đi tiêu. Phải, ngày nay, nhờ Guy Mollet, được một thứ danh hờ là trong sạch. Không phải là họ đã tra tấn ở Algérie; chính những người xã hội đã đổ bộ ở Suez. Nếu người ta khiến người Pháp mất phương hướng đến mức đó, thì họ sẽ đi tới đâu khi mà họ sẽ phản kháng, trước tiên vì chuyện thuế má, sau đó vì chuyện xăng dầu, cuối cùng vì con cái của họ – bởi khốn thay, sẽ là theo thứ tự như vây? Lúc đó, họ sẽ muốn chuyển sang cực hữu. Poujade hiểu rất rõ điều ấy, ông ta, người đã không chịu để người của mình ở Nghị viện “bỏ phiếu cho Nữ hoàng Anh”. May thay, Poujade dù sao cũng chỉ là một kẻ ngu xuẩn.

Con đường của cánh tả rất là khó, có lẽ gần như không đi được, nhưng đó là hi vọng cuối cùng. “Cánh tả mới” đầy những người rất thông minh; ở đó, bên cạnh trí thức, ta thấy công nhân, tiểu tư sản. Nhưng trừ phi nó phình ra thật lớn, hiện tại, ở trong nước, có lẽ nó chỉ đại diện cho khoảng hai trăm nghìn người. Đó là một nơi hội tụ rất hữu ích để thực hiện những mối liên lạc. Nhưng vấn đề lại ở chỗ khác.

Vấn đề đích thực là trong quan hệ giữa những người xã hội và những người cộng sản. Liệu những người cộng sản sẽ có thể lật đổ những kẻ độc tài của chính họ và những người xã hội thuộc thiểu số có thể từ bỏ đảng mình không? Cho tới nay, các đảng viên thường và một số cán bộ của S.F.T.O. đã tranh đấu trong nội bộ đảng mình. Họ đã không đạt một kết quả nào. Ngược lại, một số người cộng sản đã lần lượt bỏ đảng, nơi họ cảm thấy ngột ngạt.

Một trong những điều kiện hạn chế ngày nay lại chính là những cơ cấu mạnh của các đảng này: chẳng hạn, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản luôn luôn nói chung chung “những người xã hội chủ nghĩa” mà chẳng bao giờ khơi mào chút phân biệt nhỏ nào giữa đảng viên và lãnh đạo, như vậy góp phần củng cố lãnh đạo. Những người đối lập trong hai đảng này phải rất can đảm và có một sức mạnh to lớn mới có thể thay đổi được tình hình.

Viễn cảnh khác: sự nhất trí của nhân dân sẽ hình thành nếu xuất hiện một chế độ độc tài, chế độ độc tài của thống chế Juin hay của một người khác. Đối với cánh tả, đó sẽ là cách duy nhất để khiến người ta quên đi những lỗi lầm của nó. Đảng Xã hội sẽ có thể đổ máu mình để trả giá cho máu mà nó đã làm chảy tràn. Đảng Cộng sản, sau khi đã xứng đáng với cái danh hiệu đẹp Đảng của những Người Bị Xử Bắn, giờ có thể nhận danh hiệu là Đảng của những kẻ Bắn Dân Thường; sẽ là những người của đảng bị bắn trong tương lai trả lại danh dự cho nó, và tất cả chúng ta, thuộc cánh tả, chúng ta phải trả giá cho tất cả những gì chúng ta đã không thể ngăn chặn. Tôi vẫn còn hi vọng rằng chúng ta sẽ tránh khỏi sự tẩy rửa ấy.

Đối với một đảng viên cộng sản, vấn đề đấu tranh trong nội bộ đảng đặt ra như thế nào?

Nếu những đảng viên cơ sở trung thực và chân thành bị xáo đảo như mọi sự đều chứng tỏ thế, họ hãy dựa vào quần chúng công nhân trong Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, chẳng hạn.

Còn cánh hữu thì họ chẳng có quyền yêu sách cái gì. Những kẻ đã không phản kháng những cuộc tra tấn ở Algérie và cuộc đổ bộ ở Suez thì hoàn toàn không có quyền phản kháng các sự kiện ở Hungary.

Phản ứng của Đảng Cộng sản Pháp sẽ như thế nào trước sự bày tỏ lập trường của ông?

Cho dù tôi có buồn phiền đến đâu vì phải cắt đứt với Đảng Cộng sản, thì chính vì tôi đã kịp thời tố cáo cuộc chiến tranh Algérie mà tôi có thể làm thế: tôi không mâu thuẫn với tất cả những người trung thực và chân thành của cánh tả, kể cả những người còn ở trong hàng ngũ Đảng Cộng sản. Tôi vẫn đoàn kết với họ, ngay cả nếu ngày mai, họ xua đẩy tôi.

Những người lãnh đạo (Đảng Cộng sản) sẽ nói rằng từ lâu họ đã có lí khi gọi tôi là “linh cẩu” và “chó rừng” vào thời Fadéev – đã tự sát - nói như tờ L’Humanité ngày nay, nhưng, xét những gì họ đã nói về sự kiện Budapest, tôi hoàn toàn dửng dưng không cần biết những gì họ sẽ nói về tôi.

Bản tiếng Việt © 2006 talawas


[1]Mátyás Rákosi (1892-1971): nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, được coi là học trò xuất sắc của Stalin. 1952: Tổng Bí thư ĐCS và Thủ tướng Hungary. 1953: sau cái chết của Stalin bị Liên Xô ép nhường chức Thủ tướng cho Imre Nagy. 1956: trốn sang Liên Xô và qua đời tại đó. 1962: Bị khai trừ khỏi ĐCS Hungary.
[2]Ernő Gerő (1898-1980): nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, 1956 Tổng Bí thư ĐCS Hungary thay thế Mátyás Rákosi dưới áp lực của Liên Xô.
[3]József Mindszenty (1892-1975): Hồng y Giáo chủ, Giám mục, biểu tượng của phong trào đấu tranh chống chế độ cộng sản tại Hungary, sau biến cố 1956 tị nạn tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Budapest và sau này tị nạn tại Áo cho đến khi qua đời.
[4]Imre Nagy (1896-1958): nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, theo chủ trương cải cách nhằm xây dựng một “chủ nghĩa xã hội dân tộc với bộ mặt người”. 1953 lên giữ chức Thủ tướng, 1955 bị truất quyền. Giữ vai trò then chốt trong cuộc nổi dậy 1956 tại Budapest. Sau biến cố này, bị bắt giam, kết án phản cách mạng và xử tử hình năm 1958.
[5]János Kádár (1912-1989), Tổng Bí thư ĐCS Hungary (1956-1988), góp phần quan trọng trong việc đàn áp cuộc nổi dậy 1956 tại Budapest.
[6]Báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô
[7]László Rajk (1909-1949): nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, nạn nhân của các cuộc thanh trừng của Stalin, bị xử tử hình năm 1949.
[8]Khối cộng đồng liên kết (ND)
[9]Section française de l’Internationale ouvrière: Phân bộ Pháp của Quốc tế Công nhân, tên gọi khác của Đảng Xã hội Pháp (ND).
Nguồn: L’Express, 20.10.2006, http://www.lexpress.fr/info/quotidien/actu.asp?id=6595