trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
11.8.2006
Nguyễn Trọng Tín
Suy tư về vốn xã hội
 
Trước hết, cần nói ngay rằng: vốn xã hội là khái niệm của lĩnh vực xã hội học. Tất cả những gì bạn đọc Việt Nam biết về nó trên các phương tiện thông tin đại chúng là thông qua sự diễn dịch của một số bậc thức giả người Việt mà đa phần trong số họ lại không phải là những chuyên gia xã hội học. Có nghĩa là chúng ta, trong đó có tôi, nhìn vốn xã hội qua lăng kính của những người không chuyên sâu về xã hội học này. Chính vì vậy tôi không dám bàn về mà chỉ là suy tư về vốn xã hội. Ðây là một sự thận trọng cần thiết.

Vốn xã hội là một khái niệm không tường minh. Bằng cớ là cho đến nay chưa có một định nghĩa nào được chính thức chấp nhận rộng rãi. Có thể kể ra một vài định nghĩa hoặc những đoạn nói về vốn xã hội nhưng khó có thể coi là định nghĩa: vốn xã hội là những mạng lưới kết nối con người lại với nhau, cùng giải quyết các vấn đề chung (“Vốn xã hội ở Việt Nam”, Nguyễn Vạn Phú, Tia Sáng 20/4/2006); vốn xã hội bao gồm các liên hệ giữa người với người, họ có thói quen tập hợp với nhau hay không, mọi người có tin nhau và thường hợp tác và giúp đỡ nhau hay không (“Vốn xã hội ở Mỹ đang xuống chăng?” Quý Ðỗ, Tia Sáng 20/3/2006); vốn xã hội nói về những mối liên hệ trong mạng kết nối giữa các cá thể từng con người với nhau, giữa cá thể con người và xã hội, về những mối quan hệ tạo ra sự có đi có lại, sự tin cậy nhau, về những chuẩn mực hình thành từ mối quan hệ này. Với nghĩa như vậy, vốn xã hội liên quan mật thiết đến phẩm chất công dân... (Putnam, “Bàn về vốn xã hội”, Nguyễn Trung, tiasang.com.vn); vốn xã hội thường gắn với sự tham gia xã hội và công dân, với các mạng hợp tác và đoàn kết, gắn với sự cố kết xã hội, sự tin cậy, sự có đi có lại và tính hiệu quả thể chế (Nguyễn Quang A, tiasang.com.vn); vốn xã hội liên quan đến các thể chế, các mối quan hệ, các chuẩn mực tạo ra số lượng và chất lượng những hoạt động tương tác lẫn nhau giữa những con người trong một xã hội (World Bank, 1999) ...

Cá biệt, đã có tác giả diễn dịch vốn xã hội thành nội lực (“Lời giải cho bài toán phát huy vốn xã hội”, Phan Chánh Dưỡng, Tia Sáng, 20/5/2006). Ðây có lẽ là trường hợp đi được quãng đường xa nhất theo hướng ra khỏi khái niệm vốn xã hội như vốn dĩ nó cần được hiểu.

Trong khi đó, số lượng các thành tố của vốn xã hội được liệt kê thì quả là phong phú: hoài bão, khát vọng, ý chí dân tộc, nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần công dân, ý thức trách nhiệm, thiện ý, tình bằng hữu, sự đồng cảm, tính cộng đồng, tính dân tộc, niềm tin, quan tâm, ủng hộ của xã hội đối với thể chế chính trị hiện hành... mà điều đáng chú ý là ít khi có sự trùng lặp giữa các tác giả. Bản thân điều này nói lên rằng các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được với nhau các tiêu chí để một yếu tố nào đó được coi là thành tố của vốn xã hội. Mặt khác, khi nhìn vào cái tập hợp rời rạc các thành tố của vốn xã hội chúng ta thấy không ít thành tố mà giữa chúng gần như không có mối liên hệ nào. Ngoài ra, dường như vẫn còn khoảng cách nếu như ta liên hệ các thành tố nêu ở trên với nội dung của định nghĩa về vốn xã hội được nhiều người chấp nhận nhất.

Chính vì còn nhiều lấn cấn như trên thành ra việc đo lường vốn xã hội đang gặp nhiều trở ngại. Ngay Putnam cũng chỉ mới đưa ra được hai chỉ số đo lường, đó là số hội tư nhân và lượng người tham gia các hội này. Phía trước các nhà xã hội học đang còn nhiều chuyện phải làm.

Một khi khái niệm vốn xã hội không tường minh thì hẳn nhiên sẽ khó đưa ra một định nghĩa được hầu hết mọi người chấp nhận, không thống nhất trong liệt kê các thành tố, bế tắc trong đo lường, lúng túng trong việc làm rõ vai trò của vốn xã hội đối với sự phát triển (câu hỏi vốn xã hội tác động như thế nào đến sự phát triển? hình như vẫn đang bị né tránh) và gần như còn bỏ ngỏ vấn đề: làm gì để có vốn xã hội nhiều hơn?

Mặc dầu vậy, một số tác giả đã rất can đảm trong việc xác quyết vai trò của vốn xã hội: Một dân tộc dù mất nước, dù bại trận, song nếu con người của họ còn giữ được niềm tin, từ tay không họ sẽ tạo dần nên sức mạnh bởi những giá trị liên kết triệu triệu con người. Cái gọi là vốn xã hội đó đã giúp nhiều quốc gia châu Á từ nghèo hèn trở nên mạnh mẽ (“Thanh minh trong tiết tháng ba” – Phạm Duy Nghĩa, Tuổi Trẻ 8/4/2006). Theo chúng tôi, cái hèn không nhất thiết đi cùng với cái nghèo. Mà đã hèn thì sao có thể có vốn xã hội lớn lao đến thế? Vả lại, như người viết bài này đã từng đề cập trên talawas (Xin xem: “Có chăng cái gọi là nguồn lực xã hội kiểu Vũ Minh Khương”), cái gọi là vốn xã hội đó chỉ là điều kiện cần không hơn không kém, sao lại có thể là chiếc đũa thần linh diệu nhường ấy? Ðề cập đến nghiên cứu của Robert Putnam ở Italia, tác giả Quý Ðỗ viết: ông thấy có nơi thành công, có nơi chậm tiến ... (về cải tổ hành chính - NTT) và Putnam nhận ra nhiều yếu tố xã hội và văn hóa ở các vùng đó khác nhau, có thể giải thích những kết quả chênh lệch trong cuộc cải tổ. Cũng chuyện này, sang đến Nguyễn Vạn Phú, thì đã khác. Tác giả này viết: Lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có tài sản như nhau, nguồn lực bằng nhau, ở một mức xuất phát giống nhau nhưng một bên phát triển mạnh trở nên giàu có, một bên lụi tàn đến chỗ nghèo đói (?- NTT), người ta bắt đầu viện dẫn đến khái niệm vốn xã hội ...

Cũng trong bài viết trên, khi nói về vai trò của vốn xã hội tác giả Quý Ðỗ chỉ cho người đọc một mẩu thông tin nhỏ xíu: ... người ta biết vốn xã hội có ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế các quốc gia. Nơi nào con người thích hợp tác với nhau, dễ tin tưởng nhau, và quan tâm đến lĩnh vực chung, thì kinh tế dễ phát triển. Mạnh dạn hơn, Nguyễn Trung đưa vào một đề mục hẳn hoi: Vậy vốn xã hội là gì và vai trò của nó? Chỉ tiếc rằng ông cũng đã không trả lời rõ ràng câu hỏi này: Ðối với những nước đang phát triển tìm đường đi lên, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là đảm bảo tốt nhất loại bớt những hiện tượng hoang dã trên con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu nhất (sic), tiết kiệm nhất mọi nguồn lực có thể huy động được. Và, không cần chứng minh gì thêm, ông quả quyết: Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia hiện đại phải tích tụ phong phú cho mình nguồn vốn xã hội cần thiết. Nối những đoạn chúng tôi in đậm ở trên bạn đọc sẽ thấy rõ hơn ý của Nguyễn Trung, nhưng liệu đấy có phải là vai trò của vốn xã hội? Vậy điều gì làm cho các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc làm rõ vai trò của vốn xã hội? Ðơn giản chỉ là vì câu hỏi vốn xã hội tác động như thế nào đến sự phát triển? đã không được đặt ra. Ðây thực sự là vấn đề cần giải quyết nếu muốn vận dụng thành tựu của xã hội học vào chính trị học.

Câu hỏi cuối cùng: làm gì để có vốn xã hội nhiều hơn? được rất ít người đề cập. Nguyễn Trung viết: Cần đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hóa và yếu tố lịch sử đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra và làm phong phú vốn xã hội. Nhưng để nuôi dưỡng, tiếp tục làm giàu và phát triển vốn xã hội đã sẵn có, thì còn phải đồng thời phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, điều kiện không thể thiếu cho việc nâng cao phẩm chất công dân. Không được như Nguyễn Trung, nhận ra vai trò chủ động của xã hội công dân (cùng với nhà nước pháp quyền) trong việc nuôi dưỡng, làm giàu và phát triển vốn xã hội, nhưng Nguyễn Vạn Phú cũng nhận thức được: vốn xã hội phát huy tác dụng tích cực mạnh nhất ở một xã hội dân chủ (thụ động). Tuy nhiên, tác giả này lại đi quá xa khi anh cố gắng mở rộng thông tin về vốn xã hội. Không nói ra thì ai cũng biết, định nghĩa về vốn xã hội nêu ở trên của Nguyễn Vạn Phú mang ý nghĩa tích cực thể hiện qua văn phong và câu chữ (kết nối, giải quyết) - điều này cũng đúng với các tác giả khác. Nhưng liền ngay sau đó tác giả này cho rằng: vốn xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy tiến bộ của xã hội ... Nó còn có thể có tác động xấu. ). Không chỉ Nguyễn Vạn Phú, người viết bài này rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều tác giả người Việt khác (và cả tác giả nước ngoài Robert Putnam) cũng cho rằng có vốn xã hội "xấu". Nếu như đem cách hiểu này về vốn xã hội so sánh với các định nghĩa hoặc các đoạn nói về vốn xã hội trích dẫn ở trên chúng ta thấy ngay rằng đã có sự không ổn. Không thể phủ nhận rằng trong các đoạn trích này vốn xã hội đã được sử dụng theo nghĩa tích cực, bất luận là xét theo văn phong hay từ ngữ. Ở đây có hai điều bất ổn. Thứ nhất, đã có sự không nhất quán và liền lạc trong mạch tư duy. Thứ hai, vì sao lại đem một khái niệm liên quan đến một tập hợp rất rộng (toàn thể xã hội) để dùng cho một tập hợp rất hẹp (băng đảng mafia, nhóm lợi ích thiển cận...)? Chính những điều này đã dẫn tới chuyện cho rằng mafia biết tận dụng vốn xã hội của chúng (!) mà ví dụ về năm tay lưu manh của Nguyễn Vạn Phú là tiêu biểu. Chúng cấu kết, kết bè, kết đảng với nhau thì đúng hơn là liên kết. Và chúng có cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của xã hội? Chúng tác oai, tác quái thì có.

Bây giờ chúng ta hãy xem qua một vài tác giả khác. Nguyễn Quân viết: Ở các nước đã phát triển và đã có xã hội công dân, có thể nói vốn xã hội về căn bản là tốt cả và sự phát triển của nó ảnh hưởng tới sự phát triển dân chủ của xã hội công dân (dẫu rằng vẫn có những vốn xã hội “xấu” như chủ nghĩa cực đoan, sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, các tổ chức tội ác ...). Còn ở các nước đang phát triển thì có lẽ vốn xã hội không tốt cũng không xấu bởi đó là những thực thể đã và đang tồn tại có thể sử dụng cho phát triển và xây dựng xã hội công dân hoặc trở thành những chướng ngại vật cần dỡ bỏ trên con đường đó. Vậy tính chất của vốn xã hội này sẽ là trở thành nguồn lực hay cản trở cho hai việc đó (“Vốn xã hội – nguồn lực hay cản trở?” Tiasang.com, 8/5/2006).

Còn Nguyễn Ngọc Bích trong bài “Vốn xã hội và phát triển” thì cho rằng (theo Robert Putnam) có hai loại vốn xã hội: loại co cụm vào nhau (bonding social capital) và loại vươn ra bên ngoài (bridging social capital). Loại trước tạo nên các nhóm mafia ở Ý... (Tia Sáng, 5/7/2006). Không ai có thể phủ nhận được rằng, trong bài viết của Nguyễn Ngọc Bích, từ đầu cho đến đoạn các cá nhân biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân của mình và trách nhiệm với tập thể, vốn xã hội được viết với nghĩa tích cực. Thế rồi ông viết tiếp: Cuối cùng là sự liên kết, mạng lưới hay nhóm. Ðó là thành tố quan trọng của vốn xã hội ... Do các hình thức liên kết này, giáo sư Robert Putnam (2000) phân biệt ra hai loại vốn xã hội (như ở trên). Thì ra không chỉ có ở các bậc thức giả người Việt mà cả Tây cũng rứa! (đúng ra thì phải nói ngược lại: do Tây như rứa thành ra ta cũng vậy luôn) Ðang tốt đẹp sáng ngời với những mỹ từ không chê vào đâu được, vốn xã hội (tội nghiệp thay) lập tức bị cho mặc áo giấy! Chúng tôi cho rằng sự liên kết nhóm (in đậm ở trên) và sự cấu kết, kết bè kết đảng của các băng nhóm tội ác là không thể bỏ chung một rọ. Vậy là cả Putnam cũng cho rằng mafia có vốn xã hội của chúng! Như đã nói ở trên, một khái niệm liên quan đến một tập hợp rất rộng (xã hội) bỗng dưng bị vo tròn, đập dẹp, dồn ép cho một tập hợp bé tí ti (băng đảng). Ðây là kiểu tư duy kỳ lạ.

Theo chúng tôi cần phải sử dụng hai khái niệm tách bạch để chỉ cái thể hiện sự liên kết các thành viên trong cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề chung của xã hội và cái thể hiện sự cấu kết, kết bè đảng của từng nhóm nhỏ làm phương hại đến cộng đồng. Riêng hai thuật ngữ tiếng Anh ở trên người viết bài này cho rằng: nếu đã định nghĩa social capital với nghĩa tích cực thì thật khiên cưỡng khi gắn thêm một từ bonding để chỉ nghĩa xấu. Có thể liên hệ chuyện này với lối gọi văn hóa đồi trụy mà cách đây không lâu đã được nhiều người dùng một cách vô tư lự (các từ điển đều định nghĩa văn hóa là những thứ hay ho cả, thế rồi sau đó người ta lại cho rằng có những hay ho đồi trụy!)

Nếu những tác giả nêu trên có chút kiến thức về từ điển học thì hẳn đã không có chuyện tréo ngoe này. Những ai đã từng biên soạn từ điển đều biết rằng nghĩa của từ trong các ví dụ phải thống nhất với định nghĩa của mục từ (trong trường hợp một từ có nhiều nghĩa thì nghĩa trong ví dụ phải thống nhất với định nghĩa của từ mà nó muốn minh họa). Chỉ trong trường hợp định nghĩa của mục từ là trung tính chúng ta mới có quyền thêm các tính từ để chỉ sắc thái xấu tốt. Vì vậy một khi đã định nghĩa vốn xã hội như các tác giả mà chúng tôi trích dẫn ở trên (trong đó có Putnam) thì quyết không thể đặt vấn đề “Vốn xã hội – nguồn lực hay cản trở?”.

Khi nhìn lại các thành tố của vốn xã hội được liệt kê ở trên, chúng tôi cho rằng cần phải loại bỏ bớt một vài trong số đó. Cần nhắc lại rằng, vốn xã hội chỉ hình thành khi có sự hợp tác của các thành viên trong xã hội. Tinh thần hợp tác ấy tạo nên thành quả chung của cộng đồng. Vốn xã hội, vì vậy, là nỗ lực chung của toàn xã hội. Các yếu tố liên quan đến nỗ lực chung này là những thành tố của vốn xã hội. Những yếu tố liên quan đến nỗ lực cá nhân, góp phần tạo nên thành quả riêng lẻ của từng cá thể, không phải là các thành tố của vốn xã hội.

Nay xin đề cập đến việc áp dụng thành tựu của ngành xã hội học: vốn xã hội, vào công cuộc phát triển đất nước. Như mọi người đều đã biết, giữa các ngành khoa học có sự xâm nhập lẫn nhau và chúng ta có thể vận dụng thành tựu của lĩnh vực này vào trong một lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những điều gì cần lưu tâm khi áp dụng, phải được đặt ra.

Theo chúng tôi, kết quả nghiên cứu của Robert Putnam ở Italia chỉ có giá trị nhất định. Cần phải thừa nhận rằng có sự khác nhau rất xa nếu như chúng ta đặt một tập hợp các cộng đồng địa phương bên cạnh một tập hợp các quốc gia, với mục đích tìm nguyên nhân của sự phát triển. Nguyên nhân hết sức đơn giản: các cộng đồng trong nghiên cứu của Robert Putnam là những thực thể không độc lập, cùng nằm trong một thực thể độc lập khác là quốc gia Italia. Khi là một thực thể độc lập, nó hoàn toàn có quyền tự quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển của mình, còn khi là thực thể không độc lập thì ngược lại. Như chúng ta đã biết, với bất cứ một thực thể độc lập nào thì yếu tố quyết định sự vươn dậy chính là việc hoạch định chiến lược phát triển. Vạch ra chiến lược phát triển thuộc quyền tự quyết của nó. Ðối với các cộng đồng địa phương không độc lập, tự thân chúng không vạch ra chiến lược phát triển cho mình, vấn đề này được quyết định bởi chính quyền trung ương. Chính vì vậy, các kết luận rút ra khi xem xét sự phát triển của những cộng đồng phụ thuộc nói trên không thể áp dụng cho các quốc gia. Ðể làm rõ chuyện này, xin đưa một ví dụ (có phần khập khiễng). Xét sự tỷ thí của hai cặp đấu: cặp thứ nhất bị trói tay, còn chân bị xiềng một đoạn xích ngắn (không sử dụng được quyền cước), cặp thứ hai tự do. Kết luận rút ra từ kết quả của cặp đấu thứ nhất là ai khỏe hơn thì thắng sẽ không đúng cho cặp thứ hai bởi trong trường hợp này người giỏi quyền cước sẽ là kẻ chiến thắng. Như thế, nếu đem các kết quả của Robert Putnam vận dụng vào cấp quốc gia, theo chúng tôi, là sai lầm về mặt phương pháp luận. Ở cấp độ quốc gia, điều quyết định làm cho một quốc gia trở nên hùng cường chính là việc hoạch định chiến lược phát triển chứ quyết không thể là vốn xã hội như Phạm Duy Nghĩa từng xác quyết.

Về vấn đề này chúng tôi xin chép lại một đoạn trong bài “Có chăng cái gọi là nguồn lực xã hội kiểu Vũ Minh Khương” và bổ sung thêm như sau: Việc hoạch định chiến lược phát triển luôn đóng vai trò quyết định trong sự vươn dậy của một quốc gia. Ở mức độ sâu sắc và toàn diện nhất, nó tạo ra một cấu trúc xã hội mới, lập nên một lộ trình rõ ràng cho cả dân tộc thể hiện qua đường lối, chủ trương, chính sách khoa học và nhất quán. Việc hoạch định này còn xây dựng nên nguồn lực con người để thực thi đường lối, chủ trương, chính sách ấy. Không chỉ có thế, nó còn tạo ra một môi trường xã hội tốt để ươm mầm và làm nảy nở các yếu tố nội sinh liên quan đến các nỗ lực cá nhân cũng như những nỗ lực chung của toàn xã hội. Nói cách khác, chính việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia gián tiếp làm cho vốn xã hội giàu hơn. Vậy thì, vốn xã hội vừa là điều kiện để phát triển vừa là kết quả của sự phát triển.

Bây giờ xin nói đến chuyện cuối cùng: dưới góc độ chính trị học, cần phải nhìn nhận vốn xã hội như thế nào? Xin thưa rằng, vốn xã hội là khái niệm của xã hội học. Các nhà xã hội học phát hiện và đưa ra khái niệm này. Tuy nhiều vấn đề liên quan đến nó còn bỏ ngỏ nhưng ở góc độ xã hội học, vốn xã hội là một thành tựu có ý nghĩa. Nó giải thích được một hiện tượng xã hội, đó là sự phát triển không đều của các cộng đồng. Có lẽ vấn đề mới chỉ có vậy. Các chính trị gia tỉnh táo chỉ nên xem vốn xã hội như là một điều kiện để phát triển, và là yếu tố có thể được làm giàu thêm bằng việc hoạch định chiến lược phát triển của chính họ. Có nghĩa là chính trị học không được phép coi vốn xã hội như chìa khóa của sự phát triển, không được phép mầu nhiệm hóa nó theo lối cảm tính. Các chính trị gia cần chối bỏ những xác quyết vội vàng, duy cảm. Còn các bậc thức giả, phàm đã là trí thức, nên chăng cần phải có tinh thần phản biện khoa học trong việc tiếp thu tri thức mới, nên chăng tránh lối “đạo thính nhi đồ thuyết” (hóng chuyện ở ngoài đường rồi rao giảng trong ngõ) hoặc tán thêm một cách tùy tiện?

© 2006 talawas