trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.3.2006
Trần Trung Đạo
Những người đi tìm tổ quốc
(Cảm nghĩ chung sau khi đọc các nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm, Trần Vàng Sao và Tiêu Dao Bảo Cự)
 
Yêu nước. Tổ quốc. Dạo này, mỗi khi nghe ai nhắc hay tự mình nghĩ đến hai chữ này, tôi cảm thấy lo lắng hơn là rung động. Lý do cũng dễ hiểu. Mấy tháng qua tôi đọc khá nhiều nhật ký có kết cục quá buồn, nào là hai cái chết thảm thương của anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thuỳ Trâm, nào là cảnh sống trong trù dập đoạ đày như anh Trần Vàng Sao, anh Tiêu Dao Bảo Cự. Tất cả cũng tại lòng yêu nước cuồng nhiệt mà ra.

Tôi đọc nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc trên chuyến bay từ California về lại Boston. Nhật ký dày 296 trang, tính cả phần giới thiệu, bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 năm 1971, 28 ngày sau khi anh nhập ngũ, đến trang cuối cùng ở Ngã Ba Đồng Lộc ngày 3 tháng 6 năm 1972. Ngồi nhìn những cụm mây bay bên ngoài ô cửa nhỏ không thể không liên tưởng đến số phận của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến. Quãng đời anh Thạc quá ngắn và chấm dứt một cách oan uổng. Anh đặt tên nhật ký là Chuyện đời nhưng được thay bằng Mãi mãi tuổi hai mươi.

Khi chết anh Nguyễn Văn Thạc chưa tròn hai mươi tuổi. Không giống như chị Thuỳ Trâm, anh Thạc viết nhật ký như anh thú nhận “ước mơ thầm kín” của anh là trở thành nhà văn. Cũng vì tập làm nhà văn nên văn trong nhật ký của anh không có được nét hồn nhiên như của chị Thuỳ Trâm. Anh tả cảnh hơi nhiều. Ví dụ, ngày 20 tháng 11 năm 1971 anh tả trong nhật ký: “Cơn gió thổi từ phía đồi mặt trời qua hồ cá. Sương mù thốc nhẹ lên rặng phi lao ven đường… Con trâu đi ngang, con cá trắng bơi dọc, và những vòng sóng hình tròn toả rộng chung quanh… Sự sống hiện ra ở khắp mọi chiều. Và chỗ nào mà chẳng có mầm xanh, chỗ nào mà chẳng có giọt nắng hình quả trứng lăn nghiêng”; hay ngày 4 tháng 2 năm 1972, thay vì ghi lại những gì xảy ra trong ngày, anh tả một cơn gió mùa: “Cả rừng bạch đàn vặn mình. Những cây bạch đàn thân nâu lốm đốm trắng nghiêng ngả. Những chiếc lá thon dài nằm ngang trong gió. Thấp thoáng trong rừng những mái nhà gianh và những lều bạt. Gió mạnh phần phật những tấm tăng đã cũ. Gió reo vù vù…” Đại loại là như thế.

Ngoại trừ tình yêu say đắm dành cho chị Như Anh, anh Thạc là sản phẩm kiểu mẫu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Anh không có dịp đi Liên Xô, đi Tiệp. Anh chỉ nghe đài phát thanh Hà Nội, học tập lý luận chính trị từ các bài diễn văn của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, đọc truyện dịch của các tác giả Liên Xô, đọc thơ Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, ngoài ra không có một nguồn tư liệu nào khác. Anh tả nhiều hơn viết, một phần cũng vì ở tuổi của anh sự gần gũi và va chạm với xã hội còn khá ít.

Thần tượng tuổi trẻ của anh là Paven, tức Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky. Lại cũng Paven! Ngày 24 tháng 12 năm 1971 anh viết về thần tượng Paven của anh: “Dạo ấy Paven mới 24 tuổi. Ba năm của thời 20, anh đã sống say sưa, sống gấp gáp và mạnh mẽ. Cưỡi trên lưng con ngựa cụt hai tai trong lữ đoàn Buđionni anh đã đi khắp miền đất nước. Cuộc sống của anh là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sỹ Hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn đời mình cho Đảng, cho giai cấp.”

Ước mơ của chàng thanh niên Việt Nam 20 tuổi Nguyễn Văn Thạc là được sống như Paven. Chẳng lẽ anh không biết một số rất lớn anh hùng dân tộc Việt Nam, đã sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập tự do của đất nước trong khi còn rất trẻ và đời họ là những bản hùng ca tuyệt vời gấp ngàn lần hơn anh chàng thanh niên Ukraine kia hay sao? Là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc hẳn anh biết Trần Quốc Toản, Cao Thắng, Phạm Hồng Thái v.v… là ai, rất tiếc anh không được uốn nắn để sống theo những tấm gương trung liệt đó.

Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, hàng trăm ngàn đồng bào Quảng Trị phải bồng bế, gồng gánh nhau chạy vào Huế và Đà Nẵng, những quận Đông Hà, Gio Linh và các khu vực chung quanh Cổ thành Quảng Trị đã trở thành những bãi chiến kinh hồn, nhưng trong nhật ký ngày 4 tháng 4 năm 1972, anh hãnh diện chép lại bản tin của đài phát thanh Hà Nội: “Đài phát thanh truyền đi tin chiến thắng rực rỡ của tiền tuyến ở mặt trận Trị-Thiên-Huế ở đường 9, Cam Lộ, Gio Linh, đã diệt 5.500 tên địch; 10 vạn đồng bào nổi dậy – Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã phải mở thêm các buổi phát thanh để truyền tin chiến thắng của miền Nam anh hùng.” Anh tin một cách chân thành rằng những tin tức đó là thật. Nếu có một nhà sưu tầm nào thu thập các bản tin chiến sự của đài Hà Nội trong suốt cuộc chiến và cộng lại, tổng số tổn thất nhân mạng của quân đội miền Nam ít nhất cũng bằng nửa dân số miền Nam.

Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đông con và một xã hội cách ly về mặt thông tin với thế giới bên ngoài, những hiểu biết của anh vì thế không những chỉ là một chiều mà còn bị đóng khung trong những bức tường, những giới hạn và khái niệm anh phải thuộc nằm lòng khi cần thì đem ra áp dụng. Trong nhật ký ngày 12 tháng 1 năm 1972, khi nghĩ về tương lai mình, anh trích ngay câu nói của Lê Duẩn thay cho câu giải đáp: ”Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những tính toán được mất cho cá nhân.” Và như thế anh yên tâm đi tiếp và không cần phải thắc mắc gì thêm.

Anh Thạc có yêu nước không? Tôi tin là có. Nhưng tình yêu nước của anh không phát xuất từ trái tim trong sáng của tuổi hai mươi mà được dạy để yêu nước theo quan điểm giai cấp. Anh viết trong bài thi học sinh giỏi văn miền Bắc, in trong phần cuối của nhật ký: “Được mang ngòi bút của mình phục vụ Tổ Quốc, nhằm giáo dục lập trường và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho nhân dân ta, các nhà thơ ta, bằng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã tái hiện cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của dân tộc ta đang chiến đấu theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, và dưới ánh sáng đường lối văn nghệ, chính trị của Đảng”. Thật giống hệt như nội dung các đề cương văn hoá của Đảng. Anh Thạc không phân biệt được sự khác nhau, nói chi đến mâu thuẫn, giữa Tổ quốc và Đảng, giữa ý thức dân tộc nhân bản và chủ nghĩa Marx-Lenin độc tài toàn trị. Đọc bài văn đoạt giải nhất này để thấy bộ máy tuyên truyền của Đảng không những có khả năng điều khiển hành động mà còn có thể sai khiến cả nhận thức của anh. Trong nhật ký ngày 15 tháng 11 năm 1971 anh viết: “Thằng Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt nhất trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen thủi của quân thù”. Anh không biết “Thằng Mỹ, nó thế nào” và vẫn muốn “xọc lê vào thỏi tim đen thủi” của nó. Khủng khiếp thật.

Dù sao, với tuổi 19, 20, anh Thạc chẳng có lỗi gì. Tiếng hót của anh, dù hay dù dở, cũng chỉ là tiếng hót của một con chim công nghiệp như hàng ngàn, hàng vạn con chim công nghiệp được Đảng tập luyện từ khi vừa đạp vỏ trứng bước ra. Nền giáo dục Cộng sản ở xứ nào cũng vậy. Mức độ tuy có khác nhau đôi chút nhưng mục đích vẫn giống nhau. Đọc câu chuyện Bắc Hàn sau đây chúng ta sẽ thông cảm tại sao anh thích thành Paven hơn mơ làm Trần Quốc Toản. Tháng 4 năm 2003, một chiếc xe lửa ở Bắc Hàn không may chạy trật đường rầy và đụng vào một toà nhà lớn, cả xe lửa lẫn toà nhà đều bốc cháy, hàng trăm khách trong xe, người trong toà nhà vừa chết vừa bị thương, kêu la, rên rỉ. Thế nhưng khi những người dân Bắc Hàn ở chung quanh tới cứu, họ đã cố tìm cách dập tắt ngọn lửa đang đốt cháy tấm chân dung lớn của Kim Chính Nhật treo trên toà nhà trước khi cứu chữa những người bị thương đang thoi thóp trong xe hay sắp chết cháy trong nhà. Câu chuyện này cũng được bình luận trên tạp chí uy tín nhất nhì thế giới, The Economist số tháng Chạp năm 2004 chứ không phải là sản phẩm tưởng tượng của CIA hay một tổ chức chống Cộng nào.

Đọc câu chuyện trên hẳn chúng ta không khỏi tự hỏi nếu định nghĩa con người là sinh vật biết suy nghĩ, thì con người ở Bắc Hàn có còn nên gọi là người hay không? Họ có chút gì gọi là tư duy độc lập không? Độc giả miền Bắc đọc đoạn văn trên chắc không khỏi hú hồn. Hãy thử tưởng tượng, nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 và miền Bắc vẫn tiếp tục sống dưới chế độ vô sản chuyên chính thì đời sống và trình độ nhận thức của người dân miền Bắc ngày nay sẽ khác bao nhiêu so với những người dân Bắc Hàn đáng thương kia?

Trang nhật ký cuối cùng ghi ngày 25 tháng 5 năm 1972: ”Kẻ thù không cho tôi ở lại – Phải đi – Tôi sẽ gởi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu đầu tiên của đời lính. Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng này? Tôi chỉ ước ao rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”

Anh đã không trở lại và những trang giấy còn lại của cuốn nhật ký cũng không phải là những dòng vui vẻ đông đúc như anh muốn. Anh ngã xuống dưới chân Cổ thành Quảng Trị. Cũng bên chân thành cổ đó, máu của nhiều thanh niên miền Nam cũng đã đổ xuống để giành lại Cổ thành Đinh Công Tráng. Tôi chợt nhớ đoạn thơ của nhà thơ quân đội miền Nam Tô Thuỳ Yên, tự đối đáp với người lính Cộng sản, có thể đang chĩa súng lên chiếc trực thăng của anh đang bay ngang khu vực Phá Tam Giang:

Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam.
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn,
Dưới mắt ngươi làm tên lính nguỵ.
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích.
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thâu
Nào có chi đáng kể.
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, Phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc?

(“Chiều trên Phá Tam Giang”, Tô Thuỳ Yên)

Tôi đã viết một bài về nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm và như đã hứa trong bài viết, tôi sẽ không phân tích gì thêm nhật ký của chị, hãy để chị ngủ yên với giấc mơ xanh và tình yêu nước đậm đà dù trên thế gian này con người đang lợi dụng cái chết của chị. Chỉ tội nghiệp mẹ của chị, cụ bà Doãn Ngọc Trâm. Ba mươi năm sau vẫn còn một bà mẹ Việt Nam sang tận nước Mỹ xa xôi để khóc cho đứa con gái thân yêu bỏ mình trong cuộc chiến. Phóng viên Betsy Blaney của hãng thông tấn Associated Press đã viết và được BBC trích dẫn: ''Bà Doãn Ngọc Trâm 82 tuổi quỳ xuống và khóc khi lần đầu tiên bà cầm những gì còn lại trong cuộc đời con bà: hai cuốn nhật ký viết trước khi cô bị giết trong chiến tranh Việt Nam. Với đôi tay run rẩy, mẹ của bác sỹ phẫu thuật Bắc Việt Đặng Thuỳ Trâm ấp một cuốn nhật ký lên trái tim bà.” Một bà cụ thuộc giai cấp tiểu tư sản, từng bị các nhà lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin kết án như là thành phần nghiêng ngửa, gió chiều nào theo chiều ấy, bỗng dưng trở thành bà mẹ anh hùng. Giống như cụ bà Nguyễn Thị Thứ ở ngoài quê tôi, trong tháng ngày còn lại của đời mình, cụ bà Doãn Ngọc Trâm lại phải cười tươi, hãnh diện trước cái chết oan ức, thảm thương của con gái mình. Tuy nhiên, nếu ai tinh tế gắn một chiếc máy thu âm nhỏ dưới những bụi hoa trên mộ chị Đặng Thuỳ Trâm, sẽ nghe cụ bà nói gì với chị về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khác với hai cuốn nhật ký của anh Thạc và chị Thuỳ Trâm, nhật ký Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao và nhật ký Tôi bày tỏ nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự là của hai người lớn lên ở miền Nam và đều còn sống.

Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm 1941, đậu tú tài năm 1961 rồi vào Đại học Huế. Anh tham gia các hoạt động công khai trong thành phố dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế, tích cực trong phong trào sinh viên Huế như rải truyền đơn, vận động sinh viên xuống đường tranh đấu. Tháng 6 năm 1965, vì bị lộ nên tổ chức đưa anh lên rừng công tác tại Ban tuyên huấn Thành uỷ Huế. Năm 1970, anh bị thương và được đưa ra Bắc chữa trị. Sau thời gian ra Bắc không lâu, những suy nghĩ riêng tư của anh về Đảng đã bị các “đồng chí” của anh đọc được và báo cáo lên cấp trên. Từ đó, anh đã trải qua những ngày tháng trù dập vô cùng thê thảm. Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ làm bút hiệu anh trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, tàn tệ đến mức, như anh kể, ai cũng gọi anh là “hắn” hay “thằng Đính”, chỉ có “một thằng bé bị thần kinh gọi tôi bằng chú”. Đọc cách giải thích văn thơ của những cán bộ hỏi cung anh để thấy mức độ cuồng tín của họ không thua gì người dân Bắc Hàn chữa lửa trong câu chuyện kể trên.

Ba của nhà thơ Trần Vàng Sao mất năm anh 7 tuổi, mẹ anh buôn thúng bán bưng nhiều khi phải đi xin tôm cá dọc bờ biển để nuôi 5 người con. Nhà thơ lớn lên trong tình thương và cả trong tiếng thở dài nửa khuya của mẹ, để rồi hai mươi năm sau anh mang thao thức đi vào cuộc chiến bằng tình yêu nước đậm đà như anh viết trong bài thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình’’, ngày 19 tháng 12 năm 1967:

Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn Phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế


(“Bài thơ của một người yêu nước mình”, Trần Vàng Sao)

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự tên thật là Bảo Cự, sinh năm 1945 tại Huế. Trong thời gian năm 1966, anh là một trong những người lãnh đạo hàng đầu của phong trào thanh niên sinh viên Huế. Anh được kết nạp vào Đảng năm 1974 và sau năm 1975 là Ủy viên thường trực của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng và là Phó Tổng Biên tập tạp chí Langbian. Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự bị khai trừ ra khỏi Đảng sau chuyến đi vận động trí thức ký tên vào kiến nghị đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực thi dân chủ. Từ đó anh bị Đảng trù dập, bắt giam và quản chế như đã được anh ghi lại trong nhiều bài viết cũng như trong nhật ký Tôi bày tỏ.

Bốn mươi năm sau, từ những ngày sôi sục những năm 1965, 1966 ở Huế, nhìn lại quãng đường các anh đi qua và những chọn lựa mà các anh đã chọn. Kết quả đã được chứng nghiệm bằng thực tế của đất nước và bằng chịu đựng của bản thân các anh. Đúng hay sai, lý tưởng hay nông nổi, đối với các anh cũng đã qua rồi. Không ai có thể sống bằng quá khứ. Vâng, thế còn tương lai? Lịch sử có thể không tái diễn nhưng trong từng hoàn cảnh sự trùng hợp vẫn có thể xảy ra. Bài học các anh học sẽ còn được nhắc lại nhiều lần. Nhắc không phải để nguyền rủa, không phải để kết án mà để thế hệ mai sau biết sự quan trọng của những chọn lựa của một đời người.

Tôi đọc rất nhiều nhận xét, phê phán các anh và những người trí thức khác ở miền Nam đã bỏ vào bưng để trở thành đảng viên Cộng sản, tiếp tay mang đạn Liên Xô, mìn Trung Cộng, súng AK Tiệp Khắc về giày xéo mảnh đất miền Nam. Tôi nhớ trong tác phẩm Tù binh và hoà bình, xuất bản ở Sài Gòn khoảng năm 1974, nhà văn Phan Nhật Nam kể lại cảnh các “lãnh tụ sinh viên” Trịnh Đình Ban, Trần Thị Lan v.v. ngồi chờ bên gốc cao su ở phi trường Lộc Ninh để được trao trả về phía bên kia. Anh Phan Nhật Nam viết đoạn đó rất cảm động. Anh không giận hay trách móc những tù binh gốc sinh viên anh sắp sửa được trao trả mà cảm thông cho sự bồng bột tuổi trẻ của họ nhiều hơn. Thật vậy, thời sôi nổi trong giảng đường đại học, trên đường phố Sài Gòn đã là dĩ vãng, giữa rừng cao su Lộc Ninh họ là những thanh niên thành phố đang bước vào một cuộc đời mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Như những con cá bị vớt khỏi sông và bỏ vào trong chậu, ngơ ngác, rụt rè, sợ hãi. Họ không còn là bè bạn của nhau, không còn gọi nhau bằng tên, bằng thứ mà sẽ là đồng chí. Đồng chí cũng đồng nghĩa với nghi ngờ, kiếm soát và dò xét lẫn nhau. Họ hối hận không? Họ thật sự có phải là Cộng sản không? Họ có phân biệt được, dù chỉ là căn bản, những điểm khác nhau giữa xã hội mà họ vừa bỏ lại và xã hội mà họ đang tìm đến không? Không ai hỏi và họ cũng sẽ không trả lời thật với lòng. Có những tâm sự, sống giữ kín chết mang theo, chứ không bao giờ chia sẻ với ai.

Hồi xưa tôi cũng có cái nhìn khắt khe về những người bỏ đi. Các anh có quyền biểu tình, có quyền chống độc tài, chống tham nhũng, chống độc diễn nhưng khi bỏ đi sang hàng ngũ của những người ném lựu đạn vào quán ăn, pháo kích vào trường học, đặt mìn trên quốc lộ, các anh đã phản bội quyền sống trong hoà bình của nhân dân miền Nam. Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và còn một bầy em nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình. Một bài hát rất hay, Cơn mê chiều, Thái Thanh hát trước năm 1975 mà sau này tôi mới biết tên tác giả là Nguyễn Minh Khôi, oán trách những đứa con được nuôi dưỡng từ khi mang nặng đẻ đau chỉ để lớn lên mang gươm đao vào xóm làng:

Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Đường nội thành đền xưa ai tàn phá?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...

Vâng, một lần thôi nhưng còn mãi. Cầu Tràng Tiền có thể nối lại, đường thành nội có thể sửa sang nhưng vết thương Mậu Thân sẽ hằn sâu suốt nhiều ngàn năm sau lịch sử.

Giống như anh Trần Vàng Sao và anh Tiêu Dao Bảo Cự, tôi cũng yêu đất nước mình. Tình yêu nước là tình cảm tự nhiên chứ chẳng có gì để gọi là khoe khoang. Thế hệ chúng tôi bước vào cuộc đời sau Hiệp định Geneva. Giống như những kẻ bước vào rạp hát sau khi vở bi kịch đã mở màn, không còn chỗ ngồi và cũng không có ai dẫn dắt, chúng tôi phải tự mò mẫm mà đi. Nhìn lên sân khấu chỉ thấy toàn máu chảy thịt rơi, đồng ruộng hoang vu, nhà tan cửa nát. Chúng tôi đi tìm tổ quốc mình trong bóng đêm dày đặc của chiến tranh và thù hận. Chung quanh chúng tôi có kẻ khóc than nhưng cũng có kẻ cười thoả mãn. Và như thế, chúng tôi lớn lên với rất nhiều câu hỏi.

Một trong những câu hỏi là tại sao có khá nhiều trí thức bỏ miền Nam theo Cộng sản. Chẳng lẽ họ không biết những gì đã xảy ra ở Tiệp Khắc, ở Hungary? Chẳng lẽ họ chưa đọc diễn văn của Nikita Khrushchev tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên-xô lần thứ 20 mà bản tiếng Anh, trước năm 1975 đã để ngay trên giá của Thư viện Quốc gia? Chẳng lẽ họ không biết chế độ Cộng sản là chế độc độc tài, độc đảng, kiểm soát con người từ đồng lương, chén gạo cho đến từng cây kim sợi chỉ? Người ta thường nói chọn lựa nào cũng kèm theo đó một sự hy sinh. Nhiều trí thức già, trẻ ở miền Nam hy sinh cả cuộc đời còn lại, bỏ trường học, gia đình, cha mẹ, bà con ruột thịt để ra đi. Ngày xưa tôi thường tự hỏi, chọn lựa mà họ theo đuổi chắc hẳn phải vô cùng cao cả và xứng đáng để hy sinh như thế. Nếu họ bỏ đi chỉ vì những người lãnh đạo miền Nam tham nhũng, bất tài thì không đủ lý do. Một bụi mía hư mà đốt bỏ cả vườn thì quá đáng. Phải có một lý do nào đó sâu xa và cao siêu mà với kiến thức học trò tôi không hiểu được.

Trong một buổi thuyết trình ở Sài Gòn trước năm 1975, tiến sĩ Châu Tâm Luân nói: “Chế độ Sài Gòn như một chiếc áo rách nát đến nỗi không còn có thể vá, cách duy nhất là xé bỏ và may một chiếc áo mới”. Ông không giải thích chiếc áo ông muốn may màu gì. Giáo sư Châu Tâm Luân rất được sinh viên, không chỉ ở đại học Nông Lâm Súc, mà còn nhiều trường khác kính trọng. Sau 30 tháng 4 năm 1975, khi thấy ông xuất hiện trên báo chí bên cạnh các cấp lãnh đạo nhà nước và tham dự các hội nghị khoa học kỹ thuật quốc tế trong tư cách uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam, tôi nghĩ, thì ra chiếc áo ông muốn may là màu đỏ, dù sao đó cũng là lý tưởng Cộng sản mà ông theo đuổi. Bỗng dưng thời gian ngắn sau đó tôi lại nghe ông vượt biên thành công và đã định cư ở nước ngoài. Tôi thở dài thất vọng, không phải vì ông bỏ nước ra đi mà vì tôi không ngờ những trí thức rất được chúng tôi kính trọng, cuối cùng, cũng chỉ hiểu chủ nghĩa Cộng sản một cách ngây thơ và đơn giản như thế.

Một sự thật không thể chối cãi, xã hội miền Nam trước năm 1975 là một căn nhà đang được xây. Từ lãnh đạo cho đến người dân tập sống trong một thể chế chính trị mà họ chưa từng kinh nghiệm. Những người đặt nền móng cho căn nhà dân chủ tại miền Nam cũng không phải là những thiên thần từ trời sai xuống mà là những người mang cả quá khứ nặng nề đi vào tương lai trên con đường dân chủ khúc khuỷu, quanh co và còn đầy bất định. Những bất trắc của dân chủ trong một xã hội vừa thoát ra khỏi phong kiến và thực dân dĩ nhiên nhiều hơn so với đời sống dân chủ tại các quốc gia tiên tiến. Các nhà lãnh đạo miền Nam vừa không có nhiều thời gian và cũng vừa không có khả năng làm sáng lên chính nghĩa quốc gia mà nhân dân miền Nam đang chiến đấu. Với chính sách giáo dục tuổi trẻ vụng về, các nhà lãnh đạo miền Nam đã để không ít thanh niên miền Nam có nhiệt tình yêu nước nhưng không biết Cộng sản là gì, về phía bên kia. Một nhạc phẩm được viết ra chưa hẳn có một dụng ý chính trị gì nhưng bên nào hát trước thì tự nhiên bản nhạc, nhiều khi cả nhạc sĩ, như thuộc về bên đó.

Phê bình bao giờ cũng dễ hơn cảm thông, tha thứ và xây dựng. Tôi chỉ muốn thưa, mặc dù không ai có thể thay đổi quá khứ nhưng vẫn có thể thay đổi cách nhìn của chúng ta về quá khứ, từ đó can đảm thay đổi cách nhìn về tương lai.

Nhà thơ Tiêu Dao Bảo Cự trong bài viết “Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối” nhấn mạnh đến sám hối. Tôi đồng ý với điều anh viết: “Sám hối phải có cắn rứt lương tâm, phải đau đớn, tiếp đến có ý thức và hành động chuộc lỗi. Sám hối đó mới có giá trị tích cực. Sám hối không phải chỉ tự đấm ngực và cầu xin tha tội. Sám hối là dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại sự hèn nhát, yếu đuối, sai lầm của bản thân, chống lại thế lực của sự ngu si, cuồng tín, tàn bạo đã tạo ra tội ác.”

Cũng trong bài viết, anh trách những nhà thơ, nhà văn cùng thời của anh “Có bao giờ còn thao thức như những “đêm không ngủ” năm nào, dù tình hình hiện nay có nhiều chuyện không khác xưa bao nhiêu và những bài hát cũ của các anh hát lên bây giờ cũng hoàn toàn phù hợp.” Thưa anh, tình hình không khác nhưng lòng người đã đổi khác rồi. Đừng kỳ vọng gì nơi họ. Nhiệt tình của tuổi hai mươi trước những bất công của xã hội thường đến nhanh và ra đi cũng nhanh như khi đến. Bầu máu nóng thanh niên nguội dần theo hoàn cảnh, thời gian và tuổi tác, chỉ có trong những người có lý tưởng nhiệt huyết mới không lạnh, tuổi trẻ mới không tàn. Khác với anh Trần Vàng Sao, anh không bị lộ, không bị ai tố cáo, anh có thể tiếp tục sống một cuộc sống thảnh thơi, an nhàn của một cán bộ văn hoá, nhưng anh không thể tự lừa dối chính mình, anh đã từ chối cái thảnh thơi giả tạo để tiếp tục cuộc hành trình được hun đúc từ thời tuổi trẻ. Hoàn cảnh ngày nay có khác, đối tượng cũng khác nhưng mục đích tự do, dân chủ, ấm no cho dân tộc vẫn giống như xưa. Tôi kính trọng anh vì anh là người có lý tưởng, đã vượt qua những tự ái, mặc cảm riêng tư để sống cho cái chung của đất nước. Sau 30 năm, trong lúc hầu hết bạn bè cùng đi với anh, dù biết mình sai, vẫn chọn đứng về phía chế độ để được vinh thân hay cắn răng chịu đựng để được sống bình an, anh đã cất lên tiếng nói. Tiếng nói của anh vô cùng cần thiết cho đất nước và nhất là cho các thế hệ trẻ hôm nay.

Chị Đặng Thuỳ Trâm chết, anh Nguyễn Văn Thạc cũng đã chết, anh Trần Vàng Sao bị khinh khi hành hạ như một tên tử tù thời phong kiến, anh Tiêu Dao Bảo Cự sống trong đày ải, trù dập triền miên hơn chục năm qua. Tất cả đều từ lòng yêu nước và nghĩ vì mình đã phục vụ, đã hy sinh cho tổ quốc.

Chúng ta nghe quá nhiều người nói về tổ quốc và lòng yêu nước, nhưng nếu hỏi họ một định nghĩa về tổ quốc và tổ quốc sẽ về đâu, tôi tin câu trả lời có thể không giống nhau và thậm chí mỗi người còn chỉ về mỗi hướng. Với anh Thạc, chị Thuỳ Trâm, đã quá trễ cho câu trả lời nhưng qua nhật ký của họ tổ quốc đích thực vẫn là nơi mà họ chưa được may mắn thấy. Tổ quốc của nhà thơ Trần Vàng Sao mà anh viết trong thơ là nơi:

Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.


(“Bài thơ của một người yêu nước mình”, Trần Vàng Sao)

Rõ ràng, tổ quốc, nơi con người có quyền được ăn no, mặc ấm, hát bài ca họ thích, thờ cúng những người họ tôn kinh mà anh mơ 40 năm trước không phải là nơi anh đang sống.

Và vì thế, sau bao nhiêu năm, trên con đường Nam Bắc hôm nay nhiều người Việt yêu nước vẫn còn đang đi tìm tổ quốc, một tổ quốc.

© 2006 talawas