trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
7.3.2006
Trần Thị Trường
Trả lời Nguyễn Thi
 
Cảm ơn

Trước khi trả lời cho tôi được cảm ơn người đã phản hồi, như vậy là bạn đã bỏ chút thời giờ đọc tôi. Và cũng xin cảm ơn talawas, một diễn đàn mà bấy lâu nay tôi rất trọng.


Nhận lỗi

Vâng, tôi nhận thấy lời góp ý của ông/bà Nguyễn Thi có nhiều cơ sở phải suy ngẫm. Quả là tôi đã dài dòng viết về một đề tài mà từ hồi có những bậc tiền bối biết “lấy cán bút làm đòn xoay chế độ” cho đến hôm nay vẫn lặp đi lặp lại, thậm chí là đề thi cử nhân trong các trường đại học, trong các viện báo chí truyền thông… Song, cái giá trị nội dung của nó thì có thể bỏ vào một góc khuất nên tôi muốn nhắc lại cùng với một nỗi tự xỉ vả. Ngay sau khi viết tôi cũng đã nhận ra điều đó và ngượng ngùng tự xếp mình vào “những người Việt Nam điển hình đương thời” (chữ của ông Phạm Toàn trên talawas).


Đôi điều nói thêm

Tôi đã có ý viết ra để bạn đọc thấy lý thuyết báo chí Việt Nam có nhiều điểm giống như báo chí Hoa Kỳ và phương Tây, nhưng sự tác động vào phát triển xã hội thì chưa mấy đáng kể. Trong các trường đại học ở ta, đôi khi những chức năng phản biện, kiểm soát của báo chí được nhắc đến, nhưng chỉ là qua quýt. Còn khi thực hành thì những chức năng đó thậm chí bị quên hẳn. Sinh viên báo chí hay người làm báo nước ta thuộc lòng câu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mà chính phủ vẫn đưa ra, nhưng lại rất mơ hồ về việc làm thế nào để biết, để n, để kiểm tra nếu không có một cách thức, một điều kiện cho nó. Một môi trường bàn bạc thực sự, cho biết, cho kiểm tra thực sự thì đó là môi trường gọi đúng tên là dân chủ. Và chỉ có thế làm báo mới thực chuyên nghiệp. Còn không, thì khó tránh được điều mà ông/bà Nguyễn Thi đã nói. Vâng, sẽ chỉ là cái loa tuyên truyền và cung cấp thông tin một chiều. (Giáo sư Tiến sĩ Richard Shafer, Khoa báo chí Đại học North Dakota tới Việt Nam cuối tháng Hai vừa qua, đã đọc rất cẩn thận, rất nghiêm túc mấy tờ báo của chúng ta. Ông nhận xét, hầu hết đó là những bài mà 80 % là chữ không có nghĩa, ông gọi là tin rỗng. Ông nói thêm: hình như các bạn cho rằng cứ có tên có hình mấy ông lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước là thu hút bạn đọc? Ông bảo, những nhân vật quan trọng có thể thu hút độc giả, nếu cùng với nó là những thông tin quan trọng, cụ thể, về những điều các nhân vật ấy đã làm và đang làm...).

Có thể cái tiêu chí tuyên truyền đã biến người cầm bút và người quản lý đã đưa báo chí nước ta theo mãi cái hướng đã lỗi thời. (Cái thời cả nước có chiến tranh, buộc dốc toàn lực xã hội ùa về phía trước và chỉ một mà thôi đã qua rồi). Làm báo chuyên nghiệp, có đẳng cấp thì tiêu chuẩn khách quan của việc đưa tin phải được coi là quan trọng nhất. Có thế mới tránh được những sai lầm trong mọi lĩnh vực, từ đạo đức xã hội (tham ô tham nhũng), kinh tế, văn hoá đến chiến tranh và hoà bình.

Khi nhận ra những điều trên, tôi thấy mình đã lầm lẫn trong suốt một thời gian dài, cho rằng nếu báo chí phản biện lại những gì chính phủ đưa ra (gọi là chính sách) thì có thể làm rối lòng dân, gây ra mất ổn định xã hội. Tuy nhiên qua thực tiễn, tôi thấy có những quyết định của chính phủ là sai lầm nhưng chỉ đến phút cuối, chỉ đến khi hậu quả xảy ra người dân mới biết, nhà báo mới bàn, và có bàn cũng chỉ mon men đến những chuyện vặt xảy ra ở cấp thấp. Trong những chuyến đi tới các nước phương Tây vừa qua tôi nhận ra rằng báo chí phản biện mới thực là dân bàn, dân cùng chính phủ kiểm định những vấn đề xã hội, như thế mới thực sự ổn định xã hội. Song như đã nói, ở Việt Nam cấp trên thì chú trọng đến việc tuyên truyền, những bài viết về người tốt, việc tốt, mọi sự tốt, dễ được trao giải thưởng nên chức năng quan trọng nhất của báo chí là phản biện, kiểm soát các hoạt động của chính phủ đã bị bỏ rơi.

Bài viết của tôi chứa cái tâm sự rằng mình (những người như mình/như ta) không biết/dám phản biện ấy. Không dám vì sợ bị người cầm quyền cũng như một bộ phận nào đó của dân chúng coi là chống đối, coi là ghen ăn tức ở với những người quyền chức và giầu có nhanh chóng. Nếu dám cũng không đủ cứ liệu, bằng chứng để đi tới tận cùng của vấn đề (vì nghèo đói, lương ít, vì trình độ thiếu chuyên nghiệp, vì không ai cho tiếp cận hồ sơ) và không có diễn đàn.

Còn một nguyên nhân cơ bản nữa thúc đẩy tôi viết ra bài báo ấy là: Tôi tự thấy đã đến lúc phải thay đổi. Tôi đã thấy rõ cái nguy hiểm của ngòi bút, không chỉ cho mình mà cho cả an nguy quốc gia. Bạn có thể đọc thấy điều đó ở nhiều trang lịch sử thế giới, gần đây nhất trong một phần bài viết trên talawas của ông Nguyễn Quốc Khải (nhất là đoạn nói về sự kiện Vịnh Bắc bộ).

Người Mỹ cũng như bất cứ dân tộc quốc gia nào đều có lòng tự tôn, tự trọng. Cái gì xúc phạm đến điều đó đều khiến cho lòng tổn thương tập hợp lại. Nhà cầm quyền, các tập đoàn kinh tế lớn đôi khi vì mục đích của mình đã biết lợi dụng điều đó. Họ hiểu rằng trong những người làm báo có không ít những người thiếu khả năng chuyên nghiệp, lại không tiến hành/ không có điều kiện điều tra, không coi sự thật là trên hết, không biết phản biện, là những người sẽ dễ dàng đưa tin cho họ. Từ đó tạo ra được một ảnh hưởng (mặc dù đó là tin vịt) dẫn đến sự đồng thuận của công chúng. Vì thế người Mỹ đã đồng tình với chính phủ để tiến hành hai cuộc chiến không đáng có, một là với Tây Ban Nha thế kỷ trước nữa và một với Việt Nam thế kỷ vừa qua này. Cho đến khi nhận ra sự thật thì đã muộn mất rồi. Báo chí Mỹ hôm nay luôn cảnh tỉnh mình để tránh những bài học đau xót đó.

Tôi viết bài, hay sự thanh minh hôm nay với bạn đọc và ông/bà Nguyễn Thi cũng không để nói người Mỹ đã ngốc hơn chúng ta. Có rất nhiều dẫn chứng để nói xã hội Mỹ có nhiều điều tốt ít điều xấu. Vậy mà không ít người Mỹ còn bị lầm lẫn. Người Việt Nam nếu ai thực lòng xem xét chính mình sẽ thấy ta chỉ thông minh chung chung. Hoặc nói hài hước như một người bạn thân của tôi rằng, trí thông minh của người Việt ta rất phát triển trong thời chiến, còn thời bình ta đã đánh mất nó rồi. Ngày nay, ở Việt Nam có rất nhiều nhà lầu xe hơi, nhưng không ít nhà lầu có thể ẩn chứa một nguy cơ rỗng ruột thép, không ít xe hơi có thể ẩn chứa một tai nạn giao thông hoặc một tội phạm tham nhũng, ma tuý. Tôi muốn tự cảnh tỉnh mình/ta. Và thật cảm động khi được Văn Nghệ Trẻ và talawas đăng tải. Khi đến lấy báo, tôi có hỏi ông Trương Vĩnh Tuấn, ông bảo bây giờ chứ có phải ngày xưa nữa đâu mà không dám đăng những lời nói thật.

Tôi tin rồi sẽ có nhiều tổng biên tập như thế. Song quả cũng không tránh khỏi có sự nghi ngờ với cả người viết và người cho đăng, cho rằng cũng chỉ là “người Việt Nam điển hình đương đại”, nói cứ việc nói còn làm là chuyện khác.


Vậy thì

Tôi phải gửi luôn những bài viết này vào cuộc vận động tham gia góp ý cho dự thảo Báo cáo của BCHTƯ Đảng. Đó cũng là việc làm cụ thể của người cầm bút. Nhưng quả là tôi vừa gửi vừa sợ, mặc dầu, tôi là một người không quá nghèo (mạnh vì gạo bạo vì tiền), không quá dốt (nếu dốt cũng được thể tất khi không giữ một chức vụ lãnh đạo nào, vì giữ chức vụ thì ảnh hưởng đến cộng đồng. Có chức vụ cao thì mới không được phép dốt) mà còn sợ, rất hay sợ khi nói ra một sự thật nào đó. Có lẽ đó là những ảnh hưởng từ bài học còn rất tươi của những người bị trù úm, bị “xử lý”. Và tôi nghĩ, nếu thực sự Đảng muốn nghe góp ý thì luật pháp nhà nước cũng phải đưa ra những điều kiện cụ thể để bảo vệ những người đóng góp những ý kiến có thể là trái chiều. Xin đừng quá tin vào những những bản thống kê về con số đồng tình với mình, những thống kê đó là không trung thực. Chỉ cần một ngày cải trang làm dân thường xuống đường, xuống phố không có tiền hô hậu ủng, vào quán nước, ở sân ga, ra chợ, đến công sở, các vị lãnh đạo cấp cao sẽ thấy điều tôi nói là hoàn toàn có thật.

Nếu không muốn nghe sự thật thì dù thế lực nào, mạnh đến mấy cũng bị nhân dân bỏ ra ngoài lề. Cái câu “cứ có bài cúng cụ là xong” mà người làm báo vẫn dùng hôm nay đã chứng tỏ các cụ thì bị coi thường, còn người làm báo thì phải trí trá đến đâu.


Và...

Người làm báo muốn hoàn toàn độc lập để viết ra sự thật, phản biện, phản hồi và kiểm soát các hành động của chính phủ thì không nên ăn lương nhà nước, không nên chịu ràng buộc, phụ thuộc vào bất cứ một thế lực nào. Và hơn nhất là cần phải có trình độ. Tôi nghĩ, nhà nước cũng không nên bao cấp nhà báo để rồi quản lý tư tưởng và sản phẩm báo chí của họ. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nhờ phản biện, phản hồi, đối thoại bình đẳng mà kinh tế, văn hoá của quốc gia được cải thiện. Nhà báo ở những quốc gia như thế, làm báo với tinh thần, điều kiện như thế không cần bao cấp vẫn sống đàng hoàng như mọi ngành nghề.

Xin cảm ơn quý vị.

© 2006 talawas