trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
29.12.2005
Quang Huy
Chúng ta đã quá thờ ơ
 
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước dồn dập đưa tin về vụ bán độ bóng đá tại SEA Games 23. Đây là một điều đáng buồn cho bóng đá Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung. Xin được miễn bàn đến những hành động sai trái của các cầu thủ trẻ mà chỉ bàn đến một lời nhận định về số tiền bán độ của các cầu thủ: "Rất rẻ" [1] .
 
Lời nhận định đó phản ánh điều gì trong xã hội chúng ta ngày nay? Dựa vào đâu mà các phóng viên đưa ra lời nhận định trên? Trong tương quan với các vụ tiêu cực khác xuất hiện hàng ngày trên mặt báo thì rõ ràng những số tiền 30 triệu đồng một cầu thủ, 130 triệu đồng một vụ không là gì so với những vụ tiêu cực trong xây dựng cơ bản, dầu khí, thương mại, hải quan,…
 
Nhưng…
 

Rẻ mà không rẻ
 
Hoàn toàn không rẻ một chút nào, trên mảnh đất Việt Nam nơi mà mỗi người dân chỉ có thu nhập khoảng 550 đôla/năm. Số tiền 30 triệu đồng đó là thu nhập của ngót 4 năm trời lao động, chắc cũng không kém 10 năm dành dụm, gom góp. Đây chỉ là thu nhập trung bình, còn đối với hơn 50 triệu nông dân trên những mảnh đất, mảnh vườn trải dọc đất nước, họ sẽ phải mất vài chục năm, thậm chí với một phần lớn trong số họ đến cuối đời cũng sẽ không bao giờ có được 30 triệu đồng trong tay.
 
Vậy thì vì sao một số tiền lớn như vậy lại bị coi là rẻ? Đơn giản là vì cũng trên mảnh đất này, đứng cạnh những con người nghèo khó này, lại có một số người sẵn sàng giang tay cướp đi hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn năm lao động của những đồng bào mình. (Xin nói thẳng là ăn cướp, bởi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,… thì thực chất cũng là biến tiền ngân sách, tiền thuế của dân, tiền của đồng bào thành tiền của mình). Nói cách khác, họ đã "phá giá" tham nhũng, khiến cho chiếc phong bì 23 triệu từ…
 

Không rẻ mà rẻ
 
Thậm chí phải nói là quá rẻ, bởi hiện nay một vụ tham nhũng cỡ 130 triệu ở Việt Nam chắc sẽ chẳng có mấy báo buồn đăng. Tối thiểu cũng phải được tính bằng tiền tỷ (khoảng 110 năm lao động), còn nếu muốn thu hút được độc giả thì phải cỡ một triệu đôla (gần 2000 năm lao động).
 
Chính vì thế mà phóng viên Hồng Ngọc của VietNamNet đã thốt lên một cách rất chân thật: "1,6 triệu đồng hay 1,6 triệu USD đây mà bị phơi ra trước báo chí về tội nhận hối lộ?". [2] Bài báo này chứa đựng những nhận định rất dũng cảm trong môi trường báo chí Việt Nam hiện nay, có lẽ do một phút xuất thần nào đó mà nó đã vượt qua vòng kiểm duyệt để đến với bạn đọc trong… vài giờ. Bởi ngay sau đó nó đã được xoá đi một cách gọn ghẽ (xin chép lại đường link dù nó không còn hoạt động, bản copy cũng được đính kèm bên dưới).
 
Tham nhũng đã trở nên quá phổ biến, quá trầm trọng trong mọi lĩnh vực của Việt Nam, đến nỗi ngay cả người dân cũng cảm thấy bàng quan như không có chuyện gì. Những vụ dầu khí vài triệu đôla, vụ sân vận động Mỹ Đình mười mấy triệu, cũng không làm quá nhiều người bất bình (hoặc nếu có thì chỉ trong ít phút).
 
Chúng ta đã quá thờ ơ khi thấy hàng ngàn, hàng vạn năm lao động của đồng bào mình bị cướp, chúng ta đã coi những chuyện đó là chuyện "thường ngày ở huyện", là "rẻ". Nguy hiểm hơn, những chuyện "quá phổ biến" đó lại tác động lên nhận thức của một phần đông dân chúng, trong đó bao gồm cả chính những người bị cướp, bị bóc lột, một suy nghĩ…
 

Làm giàu bằng mọi giá
 
Quyến, Vượng trước đây cũng là những số phận như thế. Lớn lên từ mảnh đất miền Trung cằn cỗi, khắc khổ, trong suy nghĩ của các em cũng như các bạn cùng trang lứa luôn luôn chỉ đau đáu một nỗi niềm: làm sao thoát nghèo. Người Hà Nội, Sài Gòn hẳn đã quen hình ảnh của dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình về tính chịu khó, chắt chiu, kiên gan, bền chí,…
 
Nếu cả nước vẫn nghèo như 20 năm trước thì chả mấy ai có suy nghĩ như vậy, bởi thoát ra cái nghèo là đứng trên tất cả đồng bào mình rồi. Nhưng giờ đây, khi những phân tầng xã hội đã hiện rõ, con nông dân thì số phận sẽ khác xa con một vụ phó, một bí thư huyện, nếu năng lực xấp xỉ nhau. Do vậy nếu số phận đã không ưu ái (phần lớn là không) thì phải luôn nỗ lực thoát khỏi cái "phận nghèo", phải "đổi đời".
 
Và để đổi đời, cách nhanh nhất không phải là san lấp cái hố cách biệt kia, là làm cho ai cũng giàu, mà đơn giản là… nhảy qua cái hố đó, là lách mình vào nhóm những người giàu. Đó chính là những suy nghĩ đã dẫn dắt, đưa đẩy các cầu thủ trẻ của chúng vào vòng tội lỗi. Bóng đá chẳng qua là quá minh bạch, thu hút sự quan tâm của cả nước nên sự việc mới bị phơi trần. Còn ở những lĩnh vực khác, người giàu thì vẫn muốn giàu thêm, người nghèo thì muốn giàu thật nhanh, phần lớn là bằng cách… lấy của những người nghèo khác.
 
Những bạn sinh viên phải cần kiệm chi tiêu, hàng tháng nhận tiền nhà gửi lên không bao giờ đủ, dù biết đó là tất cả nỗ lực của cha mẹ mình. Họ luôn cất giấu trong mình một khát vọng làm giàu bù đắp lại những tháng ngày nhọc nhằn gian khó này. Bên cạnh họ có những người từng cùng chăn trâu, gặt cỏ, mà thế nào có bố lên được huyện uỷ, tỉnh uỷ, giờ đã có nhà ở Hà Nội, có cuộc sống vương giả nơi phố phường. Và sự đan xen của những số phận con người như thế, theo một quy luật tự nhiên sẽ dẫn dắt tất cả những người có lương tâm, từ ít đến nhiều, vào vòng tiêu cực.
 
Tiến sĩ Vũ Minh Khương đã trăn trở: "Vì sao dân tộc Việt Nam vốn có lòng tự trọng mà giờ đây nước Việt Nam lại là một trong những nước đứng đầu bảng về tham nhũng?". Câu hỏi của anh không thể giải đáp bằng cách khuyên nhủ, vận động đồng bào mình đừng dính vào tham nhũng, tiêu cực. Nó chỉ có thể hoá giải bằng cách phá bỏ cái cơ chế đã gây ra những sự đan xen số phận nghiệt ngã này. Cơ chế mới, người lãnh đạo mới, đường lối lãnh đạo mới phải do tất cả mọi người Việt Nam, cả giàu lẫn nghèo cùng lựa chọn. Khi ấy cơ hội làm giàu mới mở ra đồng đều cho tất cả những ai có năng lực, để làm giàu cho mình và cho đất nước.
 
Và khi ấy thì dù là một người nông dân nghèo, hay một doanh nhân với hàng chục triệu đôla trong tay, sẽ đều có chung một nhận định: đã là tiền ăn cắp thì đều đắt, rất đắt, vì nó lấy từ người nghèo, và đắt hơn nữa là vì nó lấy đi lương tâm của mình.
 
© 2005 talawas



[1]«Văn Quyến và Quốc Vượng ‘bán mình’ với giá rất rẻ»: http://vnexpress.net/Vietnam/The-thao/2005/12/3B9E5426/
[2]http://vietnamnet.vn/nhandinh/2005/12/523905/




Phụ lục 

Bài báo của Hồng Ngọc
 

Bóng đá - Tấm gương phản chiếu xã hội

13:05' 19/12/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bóng đá đang bị lên án như một lĩnh vực xấu xa của xã hội Việt Nam. Nhưng đó là vì nó phải phơi trần trước chiếc gương phản chiếu - báo chí - và chiếc gương đó đang buộc nó phải làm sạch mình. Cả xã hội sẽ trong sạch hơn khi nó có nghĩa vụ phải phơi trần: công khai và minh bạch.


Bóng đá - một phần của xã hội

Như mọi lĩnh vực khác của xã hội, một nền bóng đá hiện hữu bằng những con người của một nền văn hoá, chịu sự ràng buộc của hệ thống các thể chế xã hội, và năng lực của nó cũng chịu sự chi phối của năng lực kinh tế của đất nước đó.
 
Chúng ta đã từng lên án các lãnh đạo đội bóng về việc chạy theo thành tích, dẫn đến việc ăn xổi hay gian lận tuổi ở các giải trẻ.

Nhưng việc chạy theo thành tích trong bóng đá có thể không là gì so với nhiều lĩnh vực khác, mà tiêu biểu là ngành giáo dục, khi mà nó cho "ra lò" những học sinh đã phổ cập tiểu học mà đọc chưa thông, viết chưa thạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; và tới 70% số học sinh dự thi đại học đạt điểm dưới trung bình với những đề thi cơ bản (ở đây chưa kể đến những trường hợp không tham gia thi đại học, mà hầu hết đều vì ý thức rằng học lực không cho phép).

Sự gian lận tuổi ở các giải trẻ có thể tạo ra sự thiếu công bằng (với những đội không gian lận), làm sai lệch việc đánh giá quá trình đào tạo, hay tiêm nhiễm thói gian dối cho trẻ thơ. Nhưng bọn trẻ đừng mơ mộng tới việc thoát khỏi môi trường giáo dục sự lừa dối, khi mà các giáo viên trong các trường phổ thông phần lớn đều "phím" trước câu hỏi và chỉ định trước học sinh trả lời trong những tiết dự giờ, và không ít giáo viên ném đáp án cho học sinh để chạy đua về tỷ lệ lên lớp.

Và việc gian lận tuổi thậm chí có thể nhìn nhận là "chuyện nhỏ", nếu so với sự gian lận trong các công trình xây dựng, với tỷ lệ thất thoát phổ biến là 30-40%, thậm chí là 50% trở lên với những khu nhà tái định cư - thấm dột ngay khi vừa sử dụng và đã có trường hợp sập chỉ sau 1 năm.

Khi vụ mua bán trọng tài bóng đá bị phát hiện, đó trở thành một sự kiện báo chí hấp dẫn nhất. Nhưng khi xã hội thiếu tính công khai, minh bạch, mọi quyền hành đều có nguy cơ bị mua bán, và thực tế là chúng ta đã chứng kiến sự mua bán có hệ thống. Cả một hợp đồng khổng lồ sản xuất điện kế điện tử cho một thành phố đông dân nhất nước bị mua bán. Có bao nhiêu người mua được các căn hộ chung cư trong các khu đô thị mới mà không phải trả thêm tiền ngoài giá gốc? Cũng như bản chất của việc ép học sinh học thêm hay tặng quà cho giáo viên có khác gì việc mua bán điểm?

Bi kịch lớn nhất của xã hội là đã không có cơ quan cụ thể quyết tâm giải quyết những vụ mua bán kiểu như thế trong từng lĩnh vực, và xã hội dần dần phải chấp nhận những điều không bình thường đó một cách bình thường, để rồi phải chung sống với nó. Vì khi bạn cần có nhà để ở, không có cơ hội để mua giá gốc thì bạn đành phải chấp nhận trả thêm giá chênh lệch, dù có thể bạn biết rằng phần chênh lệch ấy đang làm hỏng hệ thống.


Sự vượt trước của bóng đá?

Sẽ có rất nhiều người chia sẻ với nhận xét rằng: bóng đá đang trở thành lĩnh vực tiến bộ nhất của xã hội Việt Nam, nhờ sự cởi mở và tính công khai, minh bạch.

Cho đến thời điểm này, vụ mua bán trọng tài có giá trị lớn nhất được phát hiện là 130 triệu đồng cho cả một nhóm. Và báo chí đã thông tin cả vụ mua bán có giá trị 1,6 triệu đồng. Nếu độc giả là các quan chức ở các lĩnh vực khác, hẳn là họ phải dừng mắt lại con số này, đúng hơn là dừng lại ở đơn vị tính. 1,6 triệu đồng hay 1,6 triệu USD đây mà bị phơi ra trước báo chí về tội nhận hối lộ?

Con số đó có thể là khôi hài trong các lĩnh vực khác, nhưng với bóng đá thì được khai thác như một sự kiện báo chí. 4 tờ báo thể thao ra hàng ngày và khoảng nửa tá số báo ngày có trang thể thao mạnh cạnh tranh kịch liệt với nhau để có những tin tức dạng như vậy. Mà bóng đá Việt Nam thì hầu như "phơi trần" trước báo chí: các nhà báo có thể liên lạc trực tiếp với các quan chức bóng đá cao cấp hầu như bất kỳ lúc nào, và có thể hỏi về bất kỳ vấn đề gì mà không phải e ngại "vùng cấm"...

Trước áp lực của báo chí, và nhiều khi báo chí chủ động "nhập cuộc" như những điều tra viên, bóng đá đang trở nên trong sạch hơn. Từ việc gian lận tuổi ở các giải trẻ bị phát hiện, và những thủ phạm của các vụ gian lận ấy đều bị trừng phạt. Trong khi tỷ lệ những vụ rút ruột các công trình xây dựng bị phát hiện và trừng phạt chắc chắn là rất nhỏ, cũng như các trường học rất ít có thói quen kỷ luật giáo viên ném đáp án cho học sinh.

Cùng với sự hỗ trợ và vào cuộc mạnh hơn của cơ quan điều tra, các vụ mua bán trọng tài đã được phát hiện, và sự kiện trầm trọng nhất là các tuyển thủ quốc gia bán độ khi thi đấu quốc tế cũng đang được làm sáng tỏ.

Đó là lý do bóng đá VN đang ngày càng sạch hơn, và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Những người theo dõi chặt chẽ đội tuyển VN trong 10 năm qua sẽ thống nhất rằng, có không quá 30% các tuyển thủ dự Tiger Cup 96 chưa từng nhúng chàm. Với đội tuyển dự SEA Games vừa qua là tỷ lệ ngược lại. Khác biệt chỉ là thời điểm đó mọi việc được gói ghém, còn bây giờ thì thiểu số ấy được "soi" kỹ càng.

Và chỉ sau 5 năm, từ khi có giải chuyên nghiệp, doanh thu - chi phí của cả giải chuyên nghiệp tăng khoảng 150%, một tốc độ mà các ngành khác chỉ thấy ở trong mơ.

Dù sao thì bóng đá vẫn phải chịu những giới hạn do khuôn khổ xã hội mà nó nằm vào. Như khi một quan chức hàng đầu của nhiệm kỳ III của LĐBĐ VN bị đào thải khỏi nhiệm kỳ IV vì áp lực của báo chí và của xu hướng bóng đá sạch, ông ta lại được Bộ chủ quản kéo lên làm Trợ lý Bộ trưởng phụ trách bóng đá, và dọn đường cho việc trở lại nhiệm kỳ V vẫn với một chức vụ cao.

Cả trong cuộc chiến chống tiêu cực nữa. Bóng đá muốn chống tiêu cực, và tính công khai, minh bạch của nó đã tạo điều kiện cho việc điều tra chống tiêu cực. Nhưng có những việc nằm ngoài chức năng và nghiệp vụ của các cơ quan quản lý bóng đá, và cần phải có sự hỗ trợ của hệ thống chống tiêu cực chung của xã hội, nhất là cơ quan điều tra.

Thay cho việc bêu xấu bóng đá, chúng ta hãy mong muốn mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam đều có được tính công khai, minh bạch như bóng đá. Vì chỉ trong điều kiện đó, tiêu cực mới bị phát hiện và xử lý, làm sạch môi trường xã hội chung, để cả xã hội tiến lên, cùng với bóng đá tiến lên.

Nguồn: Bài viết nằm tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/nhandinh/2005/12/523905/ trong vài tiếng đồng hồ. Nay tại địa chỉ này là thông báo: „Địa chỉ này không tồn tại“