5 nhà trà thức phát biểu vỠ“Con Ä‘Æ°á»ng xã há»™i – dân chủ†ở nÆ°á»›c ta
Trong những tháng cuối năm 2004, Ban Tổ chức Trung ương của ĐCSVN đã thực hiện chương trình khoa học KX. 10
[1] nhằm phục vụ cho Đại hội X của Đảng. Đây là một công việc mang tính chất “nội bộ”, nghĩa là hoàn toàn bí mật đối với công luận. Đáng lý chúng ta không được biết gì về những nội dung được trình bày. Tuy nhiên, có hai bài phát biểu đã lọt ra ngoài, gây xôn xao trong dư luận:
1.
Trước hết là bài phát biểu của
Giáo sư Phan Đình Diệu, thuộc Viện Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhan đề “
Một số suy nghĩ về con đường tiếp tục đổi mới của đất nước ta’’. Giáo sư Diệu là một trí thức đã từng nhiều lần phát biểu những suy nghĩ cấp tiến, nhất là về chế độ dân chủ đa nguyên, nhưng lại có cái may mắn là chưa lần nào bị áp dụng biện pháp mạnh để đe doạ, trấn áp. Có thể vì ông nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước nên Đảng và Nhà nước vẫn còn kiêng nể, vẫn còn phải tìm cách “tranh thủ” để thông qua ông, chiêu dụ trí thức trong nước và nhất là trí thức Việt kiều.
Trong bài phát biểu này, Phan Đình Diệu đề nghị một “khung mẫu tư duy” (paradigm of thinking) mới để thay thế cho khung mẫu tư duy hiện nay - vốn đã bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế. Theo ông Diệu, cuộc cách mạng mới trong khoa học từ giữa thế kỷ XX đến nay đã đem đến cho loài người một cách nhìn mới, một cách hiểu mới khác với kiểu “tư duy cơ giới”. Một trong những mô hình được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây là mô hình “các hệ thống thích nghi phức tạp” (complex adaptive systems). Mô hình này có thể giúp chúng ta nghiên cứu các hệ thống kinh tế và xã hội - vốn là những hệ thống thích nghi phức tạp
“trong đó các yếu tố được coi là đối lập không chỉ có kiểu đấu tranh "ai thắng ai", mà thông qua những tương tác có tính hợp trội còn có thể tìm được khả năng hiệp tác để đạt tới trạng thái "thắng - thắng", tức là cả hai đều thắng.”
Vận dụng khung mẫu tư duy mới vào lĩnh vực kinh tế, ông cho rằng không thể phát triển nền kinh tế thị trường một cách lành mạnh năng động, sáng tạo, nếu bị đặt dưới sự chỉ đạo của một "định hướng xã hội chủ nghĩa". Lý luận của nhiều nhà kinh tế học lỗi lạc (trong đó có J. Kornai) cũng như thực tiễn của các nước Đông Âu và Nga cho thấy rõ sự thất bại của định hướng đó. Mặt khác, theo kinh tế gia người Áo J. Schumpeter (1883-1950),
“kẻ đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại là tầng lớp doanh nhân, và các nhà doanh nghiệp không phải là một giai cấp theo nghĩa xã hội học”.
Về chính trị–xã hội, ông cho rằng mô hình “chủ nghĩa xã hội khoa học” theo kiểu Marx-Lenin vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý và cơ giới luận đã “bị thực tiễn bác bỏ”. Trong khi đó:
“Một mô hình khác của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa xã hội dân chủ, từng bị phê phán là tay sai của chủ nghĩa tư bản, kẻ phản bội cách mạng vô sản, đã chứng tỏ là có sức sống hơn, và trong chừng mực nào đó đã thành công ở các nước Bắc Âu và có ảnh hưởng to lớn đến thế giới ngày nay. Ta thấy rõ ràng là các nước Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch vẫn luôn đứng đầu về chất lượng sống, xã hội trong sạch, có tự do dân chủ nhất trong thế giới hiện đại. Bước sang thế kỷ 21, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tập hợp xung quanh Quốc tế Xã hội, vẫn đang tiếp tục tìm con đường cho một chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 với mục tiêu "tự do, công bằng, đoàn kết", chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, rất đáng được chúng ta quan tâm.”
Kết luận bài phát biểu, Giáo sư Phan Đình Diệu khẳng định:
“Trước sau gì thì một nền dân chủ cũng phải là đa nguyên thôi, vì đa nguyên luôn luôn là điều kiện cần của dân chủ, đó là điều mà cả về lý luận lẫn thực tiễn ta không có cách gì có thể bác bỏ được.”
2.
Bài phát biểu thứ hai có đề cập đến mô hình xã hội–dân chủ là của
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Đảng CSVN, từng giữ vai trò cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh... Đây là một bài nói chuyện hoàn toàn mang tính chất “nội bộ”, nhằm phục vụ cho các nhà “tham mưu” của Đảng trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội X. Không rõ vì lý do nào, băng ghi âm cuộc nói chuyện hôm 2-11-2004 này lại lọt ra ngoài, được ghi chép lại thành một bài dài 32 trang và được phổ biến rộng rãi qua mạng Internet.
Trong bài nói chuyện này, Lê Đăng Doanh đã nêu rất nhiều dẫn chứng về các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch,… tức là những quốc gia mà đảng Xã hội – Dân chủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị.
Khi nói về công bằng xã hội, ông nói về thực trạng ở nước ta:
“Chúng ta nhận là chúng ta có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công trong xã hội hiện nay cực kỳ lớn. (…) Hiện nay, ở Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn. Chỗ nhà tù Hỏa Lò cũ, nó có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng. Quá 16h30 mà anh không nhận trẻ thì nó giữ lấy cho anh, nhưng mỗi giờ nó đòi thêm anh 4 đôla. Có một cô người nước ngoài tưởng rằng là giá cao thế chắc không đến lượt người Việt Nam nên cô ấy đến chậm một chút. Cô ấy gặp tôi bảo là có 20 chỗ thì người Việt Nam làm hết rồi, không đến chỗ cho con bà nữa, lại phải đi kiếm nhà trẻ khác. Thế tức là 2.800 đô la không là cái gì. Các anh chị cứ xem mà xem, có rất nhiều người đi khám bệnh ở Singapore, đi nghỉ, đi chữa bệnh luôn xoành xoạch, rồi giám đốc đi Macao đánh bạc luôn xoành xoạch. Thử hỏi các cơ quan xuất nhập cảnh báo cáo xem nào, những ai đi nhiều, đi đâu lúc này chúng ta sẽ biết."
Trong khi đó, về kinh tế, với dân số 81,3 triệu người, diện tích 330.900 km2, GDP bình quân đầu người chỉ “vào khoảng 500 đô la một năm”. Nếu tính theo sức mua tương đương thì chúng ta xếp thứ 130/175 nước, nhưng nếu xếp theo tỷ giá thì chúng ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Về chỉ số phát triển con người thuộc loại trung bình, năm 2003 xếp thứ 109/175 nước, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước.
“Tức là sau ngần ấy năm phát triển, sự thực là chúng ta vẫn là một nước nghèo”.
Sau đó, ông liên hệ đến Thuỵ Điển để chứng minh rằng họ công bằng hơn:
“Xin báo cáo là ở Thụy Điển, thuế thừa kế tài sản là 50%. Bố anh chết, anh chỉ được nhận 50% tài sản còn lại. Tôi hỏi Thụy Điển là tại sao mày làm dã man thế mày. Nó bảo, triết lý của chúng tao là không cho thằng nào sống phè phỡn được bằng tiền thừa kế cả. Bố nó giàu, chúng tao sẽ lấy cái giàu có ấy đi cho đất nước; còn lại, nó phải tự đi làm. Tiền thừa kế ấy có thể làm một bệ phóng tốt, nếu mà nó muốn thành người.”
Nói như vậy chẳng khác nào thừa nhận mô hình xã hội-dân chủ tỏ ra công bằng hơn so với mô hình cộng sản (hay nói theo ngôn ngữ dân gian Nam Bộ, mô hình cộng sản là xã hội chủ nghĩa “dỏm”; còn mô hình xã hội–dân chủ mới là xã hội chủ nghĩa “thứ thiệt”).
Khi đề cập đến vấn đề hệ thống giám sát, ông nhận xét:
“Báo cáo với các anh về hệ thống Thụy Điển là thế này. Anh tốt nghiệp đại học mà muốn làm tiến sĩ thì anh đi ông thầy khác. Anh không bao giờ được làm tiến sĩ ở ông thầy đã cho anh tốt nghiệp đại học ở trường đại học ấy. Tốt nghiệp rồi, anh phải ra nước ngoài kiếm ăn 3 năm. Bất kỳ tiến sĩ nào, anh cũng phải kiếm được việc, anh phải ra nước ngoài anh làm ba năm trời rồi anh mới được về Thụy Điển làm. Anh về anh không được làm ở cái chỗ nó đã cấp cho anh bằng tiến sĩ, anh phải đi chỗ khác. Và cứ như thế, cứ năm năm anh lại thay đổi, từ ông Vụ trưởng đến ông nhân viên. Nó thay rất ác liệt luôn. Một ông Vụ tài chính quản trị đùng một cái gửi sang làm Vụ chính sách. Ông không làm được thì chuyển. Vì vậy, cái nước Thụy Điển chỉ có 10 triệu người thôi nhưng thằng nào cũng giỏi giang cả. Đi đến đâu cũng thấy thằng ấy làm việc tốt quá, thả vào đâu nó cũng làm được.”
“Có một mệnh đề là một hệ thống đóng kín là một hệ thống tự tha hóa. Một chủng tộc cứ loạn luân, cứ lấy nhau mãi như thời nhà Trần thì sẽ bị thoái hóa. Một khu rừng mà chỉ có một loại cây, không cho mọc một loại cây gì khác thì sâu bệnh nó sẽ hại cho bằng hết. (…) Nên một hệ thống muốn phát triển phải rộng mở... phải chấp nhận sự giám sát và phải chấp nhận sự thách thức, chấp nhận đi ra ngoài khơi.” Nói thế chẳng khác nào nói:
“Có một quy luật là: một chế độ độc đảng là một hệ thống tự tha hoá” ?
Nhận xét về việc điều tiết thu nhập để tạo nên sự công bằng trong xã hội, ông so sánh:
“Một điều mà tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là sự thất bại, sự yếu kém của chế độ là không điều tiết được. Cái đó mình kém xa thằng Thụy Ðiển. Xã hội Thụy Ðiển, Phần Lan đấy, trở nên mẫu mực của thế giới là vì nó có tình đoàn kết, nó đánh thuế công khai, minh bạch. Tôi có biết Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Ðiển, hôm tôi đi họp, vào cái nhà hàng Indonesia, cái nơi mà có múa khỏa thân, uống khoảng nửa chai sâm banh và ăn một bữa, một tối vào đấy nó lấy đâu khoảng 300 đô la. Thằng ấy chi. Về kiểm toán, Bộ Ngoại giao nó bảo là đừng có chi vào đây, khoản này là không được. Thằng này nó bảo là mày cứ chi đi. Kiểm toán chuyển sang Quốc hội. Quốc hội lập tức gọi báo chí đến thông báo, cho chụp ảnh, đưa ra công luận. Báo chí đưa ra một cái là ngay ngày hôm sau ông Thứ trưởng xin từ chức ngay. Bởi vì không thể nào chấp nhận được. Tiền của nhân dân không phải để cho ông đi xem múa khỏa thân. Ông xem thì ông phải bỏ tiền túi của ông ra, tôi không cấm ông. Ðằng này ông lại bắt tôi trả, lại còn hống hách mượn quyền của Bộ Ngoại giao nữa. Tôi thấy là quyền hạn càng nhiều thì phải có sự khống chế quyền lực. Không nên được bỏ nguyên lý cơ bản đó”.
Giám sát là thế đó! Quốc hội, báo chí có quyền độc lập là như thế đó! Chống tham nhũng, lãng phí với cái tâm ngay thẳng là như thế đó! Vậy thì: Thuỵ Điển, Phần Lan (chứ không phải là Trung Quốc) mới thật sự là “mẫu mực của thế giới”!
Việc ông Lê Đăng Doanh ca ngợi mô hình xã hội–dân chủ một cách khéo léo trong cùng một chương trình nghiên cứu khoa học với ông Phan Đình Diệu cho thấy hai trí thức tiêu biểu (một ngoài Đảng, một trong Đảng) đã đồng thuận với nhau ở một điểm: coi
mô hình dân chủ-xã hội là mô hình có thể thay thế cho
mô hình cộng sản đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới.
Một điều đáng lưu ý là hai ông chỉ phát biểu mạnh mẽ như thế trong phạm vi “nội bộ”, còn khi ra công khai trước công luận, thì tiếng nói của hai ông lại trở nên thận trọng hơn, mực thước hơn. Đã đành ông Doanh là một đảng viên, tất nhiên phát ngôn có kỷ luật. Thế còn ông Diệu? Hồi cuối tháng 7, tại Hội nghị Đà Nẵng, ông phát biểu nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Nhiều người tự hỏi: phải chăng, vì trước đó (ngày 14.6.05), hai “nhà lý luận” chính thống Phạm Văn Chúc và Lương Khắc Hiếu đã có bài đả kích ông trên trang web của ĐCSVN? Tuy không nêu đích danh tác giả và tên tài liệu, ai đọc qua cũng đều hiểu hai nhà “trí thức” khả kính nói trên nhắm vào ai; vì họ nói khá rõ: tài liệu đó “
được giới thiệu là “đề cương ý kiến phát biểu”, tác giả của tài liệu đó là
“một nhà toán học”, mà lại được lưu hành
“gần đây, trên trang thông tin điện tử X”. Quan niệm được nêu ra để “phê phán” chính là quan điểm của ông Diệu.
3.
Người thứ ba nêu ý kiến về con đường xã hội-dân chủ là
nhà lý luận Lữ Phương. Vốn là một trí thức khuynh tả nổi tiếng ở miền Nam, ông Lữ Phương đã rời bỏ Sài Gòn để vào bưng, trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hoá trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông dần dần rời xa Đảng, thay đổi quan điểm, trở thành một người bất đồng chính kiến. Là một người cộng tác của nhóm Câu lạc bộ Kháng chiến do Nguyễn Hộ lập ra vào cuối thập niên 1980, sau khi nhóm này bị đàn áp, ông vẫn tiếp tục cộng tác với Linh mục Chân Tín và Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan để làm báo (tờ Tin Nhà, về sau là tờ Thư Nhà).
Trong một bài viết đề ngày 11.4.2005 nhan đề “
Lại một bóng ma của Marx!”, nhằm nhận xét, đánh giá tập tài liệu
Thời đại mới, tư tưởng mới của Hoàng Tùng, ông cho rằng nhà mác-xít nổi tiếng này mặc dù có “một cái nhìn lại” “khá triệt để, táo bạo” so với đường lối chính thống (phê phán Stalin, Mao Trạch Đông) nhưng vẫn còn “rất nhiều gượng ép, thiếu nhất quán”. Đó là “một thứ chủ nghĩa Lenin “vận dụng” vào một hoàn cảnh mới” nhằm mục đích “cố gắng duy trì cho được quyền lực độc tôn của đảng cộng sản đối với xã hội”.
Phê phán thái độ nửa vời của Hoàng Tùng, Lữ Phương viết:
“
Tôi thấy ở Việt Nam đã có những đề xuất minh bạch, nhất quán hơn tác giả rất nhiều: nếu thật sự muốn canh tân chủ nghĩa xã hội theo con đường dân chủ và ôn hoà thì cũng phải chuyển hoá đảng cộng sản thành đảng dân chủ-xã hội, chấm dứt toàn trị, chấm dứt độc tôn, hoạt động dưới sự kiểm soát của một nhà nước pháp quyền, một chế độ chính trị đa nguyên, thực hiện những chính sách phúc lợi, ưu tiên bảo vệ những người lao động…
Không thể khác hơn, vì chỉ có trong điều kiện đó mới có thể nói đến chủ nghĩa xã hội có cái đuôi “thị trường” đi theo và tiếp tục viện dẫn Marx với cái học thuyết Marx đã được canh tân. Những đề nghị có nội dung như vậy đã xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng rất tiếc, lại không được tác giả tham khảo, thừa kế.”
4.
Người thứ tư đề cập đến con đường xã hội–dân chủ là một trí thức Việt kiều nổi tiếng:
kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong
bài phỏng vấn dành cho đài Châu Á Tự do (R.F.A.) ngày 6.7.2005, ông cho rằng khái niệm mang tính chiến lược
“kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là “một khái niệm tai hại”, bởi vì:
“Lòng dân là kinh tế thị trường, ý Đảng là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thực chất vẫn chỉ là lý luận nhằm biện minh cho vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.”
Thay cho khẩu hiệu đó, ông đề nghị một khẩu hiệu khác:
“Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội dân chủ”. Ông giải thích như sau:
“Về cải cách kinh tế thì nên để từ dưới bung lên, nên giải phóng cho người dân được tự do sinh hoạt, không có hạn chế nơi này, ưu đãi nơi khác, khiến tiềm năng quốc gia bị kềm hãm và xã hội bị mất kỷ cương vì tham ô và luật lệ chặt lỏng thất thường.
Về cải cách chính trị, vốn là điều không thể trì hoãn được nữa, thì nên giảm bớt vai trò nhà nước trong kinh tế, tăng cường vai trò của chức năng làm luật và chấm dứt tình trạng thống trị của một đảng độc quyền. Đấy là định hướng xã hội dân chủ.”
So sánh mô hình xã hội–dân chủ với mô hình cộng sản, ông nói:
“Thế giới thiếu gì đảng chính trị tự mệnh danh Xã hội Dân chủ và chẳng vì vậy mà xã hội bị loạn. Ngược lại, cứ theo xã hội chủ nghĩa thì còn lâu mới làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng. Trước mắt thì việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa chỉ tạo ra lệch lạc làm xứ sở bị mất chủ quyền thực tế về kinh tế và bị tụt hậu so với các nước khác.”
5.
Ngày 11.7.2005,
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (tức
Hà Sĩ Phu)
- nhà lý luận nổi tiếng với những bài tiểu luận gây sóng gió trong những năm 1988-1995, người được ngành an ninh Việt Nam “chăm sóc” kỹ nhất từ 10 năm nay, đã gửi một lá thư cho ông Trần Khuê, để trao đổi
ý kiến nhân cuộc hội luận giữa ông Khuê và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Trong lá thư đó, ông Hà Sĩ Phu đề nghị
một cương lĩnh mới về xây dựng đất nước:
cải biến theo con đường xã hội–dân chủ (social–démocratie, Social Democracy) như các nước Bắc Âu, như Tây Đức,… Ông nhận xét:
“Phương án Xã hội Dân chủ là phương án trung dung, nhưng không đồng nghĩa với cải lương. Tuy trung dung thế mà vẫn đòi hỏi sự dũng cảm và thật lòng, chứ không dùng mẹo được. Cha ông ta vẫn bảo “Thật thà là cha quỷ quái”.
Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Dân chủ! Đơn giản thế thôi, dân chấp nhận ngay, vì như thế cũng chính là xã hội dân chủ đa nguyên pháp trị.”
*
Như vậy là chỉ trong vòng nửa năm, một cái gì đó như thể là “
cương lĩnh mới để xây dựng đất nước” đã được hình thành một cách ngẫu nhiên, từ
cái tâm và
cái trí của năm nhà trí thức xuất phát từ những nguồn khác nhau, từ những vị trí khác nhau, nhưng cùng nhắm tới chung một mục tiêu:
“dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”
Có thể tóm tắt ngắn gọn như sau:
* Cương lĩnh cũ (mà ĐCS đang chủ trương) =
một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa + một chế độ độc đảng toàn trị
* Cương lĩnh “Xã hội-Dân chủ” =
một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa + một chế độ dân chủ đa nguyên – pháp trị
Chúng ta có thể đánh giá ngay cương lĩnh nào là tiến bộ, là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại? Cương lĩnh nào thế giới đã có nhiều mô hình thành công để ta tham khảo, cương lĩnh nào tiếp tục đưa đất nước vào một cuộc phiêu lưu mới chưa hề có ai đặt chân đến bao giờ?
Câu trả lời thiết tưởng đã quá rõ.
Việc 5 nhà trí thức phát biểu trong những hoàn cảnh khác nhau, từ những vị trí khác nhau – không hẹn trước, rõ ràng là
tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng tập hợp những cái ngẫu nhiên ấy trong cùng một thời điểm lại thể hiện một
quy luật. Quy luật đó là: Nếu Đảng CSVN đã có gan rời bỏ mô hình kinh tế tập trung chỉ huy để hoà nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới thì họ cũng cần có gan chuyển từ nền chính trị chuyên chính vô sản – toàn trị sang chế độ dân chủ - đa nguyên, nếu không muốn bị lịch sử đào thải.
Chúng ta thử đọc lại lời đề nghị của Giáo sư Phan Đình Diệu: “
Tôi hy vọng là Đảng sẽ tự biến đổi thành một Đảng xã hội dân chủ để lãnh đạo nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, như vậy thì cả vấn đề giữ quyền lãnh đạo cho Đảng và tạo ra một nền dân chủ của xã hội đều được giải quyết một cách trọn vẹn, và do đó, nước ta sẽ sớm thực hiện được mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", hội nhập vào quốc tế. “
Nhưng nếu Đảng không chấp nhận lột xác để trở thành Đảng xã hội–dân chủ thì sao? Cũng ông Diệu nói tiếp:
“Nếu không được như vậy, tức là Đảng vẫn kiên quyết giữ nguyên như hiện nay, thì vì quyền lợi của dân tộc, Đảng phải tôn trọng quyền dân chủ, kể cả quyền lập đảng, của xã hội, và ta sẽ có một chế độ đa đảng hoạt động trong phạm vi luật pháp”.
Dù muốn hay không, một “
cương lĩnh mới” tự nhiên đã hình thành song song với cương lĩnh chính thống của Đảng Cộng sản. Một cương lĩnh hình thành trong lòng nhân dân tất nhiên sẽ được nhân dân đón nhận, góp ý bổ sung để trở thành hoàn thiện. Đó không phải chỉ là sản phẩm của các chuyên gia của Đảng, được quyết định bởi “hơn một trăm Ủy viên Trung ương, thậm chí chủ yếu là mười mấy Ủy viên Bộ Chính trị” (tạo nên cái mà nhà thơ Bùi Minh Quốc gọi là “cái ách nô lệ
vàng son mang tên là sự lãnh đạo của Đảng”). Ngược lại, cương lĩnh mới đó sẽ là sản phẩm của những bộ óc ưu tú nhất trong nhân dân – bao gồm cả trí thức trong nước lẫn ngoài nước.
Trong bài trước chúng tôi đã đề cập tác phẩm
Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong của
Mai Thái Lĩnh, củng cố thêm cho luận điểm của 5 nhà trí thức nói trên. Đây lại thêm một minh chứng hùng hồn, cho thấy dân tộc ta không thiếu người có
cái tâm và có
cái trí lo cho dân, cho nước. Chỉ lo người cầm quyền thiếu
cái tâm và
cái trí , dẫn đến chỗ hãm hại người tài, làm hao tổn nguyên khí của dân tộc!
Cạnh tranh, nhất là cạnh tranh trí tuệ, vốn là động lực tiến hoá của xã hội. Sau khi được đọc những bài lý luận đầy tâm huyết của các nhà trí thức nói trên, chúng tôi nảy sinh một mong muốn sao cho đông đảo mọi người, những người yêu nước – yêu dân chủ, trong Đảng và ngoài Đảng, hãy cùng nhau đóng góp tâm trí, góp phần xây dựng một cương lĩnh có chất lượng và có sức thuyết phục cao, tạm gọi là “
cương lĩnh xã hội-dân chủ” chẳng hạn, tạo ra một sự “cạnh tranh lành mạnh” với cương lĩnh của Đảng Cộng sản, theo quy luật chọn lọc rất bình thường của một xã hội tiến bộ ngày nay!
Sống trong nền kinh tế thị trường chắc tâm lý ai cũng muốn “có hai hay ba để chọn một” thì sẽ vừa lòng hơn là chẳng được quyền chọn gì cả.
2.9.2005
© 2005 talawas
[1]Chương trình này có nội dung là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế".