Trước hết, xin hoan nghênh talawas đã chủ trương cho tranh luận dân chủ, công khai, thẳng thắn giữa chúng tôi trước công luận.
Xin đi vào đề. Về
bài của ông Nguyễn Thanh Giang (NTG) trên talawas 29-7-2005, theo tôi, về tổng quát là quanh co, mập mờ, thiếu trung thực.
1.
Về bản thú tội của ông NTG ngày 5-5-1999 trong trại giam công an, 11 trang viết tay, ông NTG viết trong bài trả lời tôi như sau:
“Nhận được bản “Lời thú tội” (chữ dùng của HT) từ Internet, tôi đã photo làm nhiều bản đưa cho anh Lê Hồng Hà đề nghị tán phát. Anh Lê Hồng Hà phản đối nhưng Hoàng Tiến và Hoàng Minh Chính mập mập mờ mờ ra sức tận dụng món quà quý báu này của công an để bôi xấu tôi”.
Cả một việc hệ trọng như thế, trả lời lướt đi có vài dòng. Ông Giang mập mờ ở chỗ: không phủ nhận là không viết cũng không thú nhận là đã viết. Thẳng thắn ra hãy nói có hoặc không. Ðằng này nói: tôi đã photo làm nhiều bản đưa cho anh Lê Hồng Hà đề nghị tán phát, có nghĩa như không phải của tôi, không phải là tôi, tôi chẳng có gì lo ngại, tôi tán phát ra cho mọi người biết. Có nề hà gì đâu. Nhưng rồi lại không tán phát vì ông Hồng Hà phản đối, còn ông HT và HMC ra sức tận dụng món quà quý báu này của công an (mang nghĩa mập mờ cho rằng bản thú tội đó là của công an bịa ra) để bôi xấu tôi.
Lối viết mập mờ hai mặt này cần phải phanh phui trên bàn mổ dư luận.
Bản thú tội hay nhận tội của ông Giang được công an đưa lên Internet là bản viết tay, 11 trang, có chữ ký của TG. Ðưa bằng máy quét. Ông Giang chỉ có thể nhận hay bác bỏ mà thôi.
Ông Trần Khuê cũng bị bắt, bị giam những 19 tháng chứ không phải 02 tháng như ông Thanh Giang. Ông Khuê không chịu ăn cơm tù, không chịu mặc quần áo tù, ra toà vẫn mặc bộ đồ ký giả (Có một chi tiết thú vị, công an đề nghị ông Khuê mặc bộ quần áo khác, vì bộ đồ này tổng bí thư Nông Ðức Mạnh hay mặc. Ông Khuê không chịu, nói rằng “ông Mạnh mặc được thì tôi cũng mặc được”). Dõng dạc, đường hoàng, khí phách lắm. Bây giờ ông Khuê đang kiện lại Ban Tư tưởng-Văn hoá về tội vu khống ông Khuê làm gián điệp, và kiện báo
An ninh Thế giới về tội xúc phạm công dân.
Ông Phạm Quế Dương cũng bị bắt. Cũng khai cung nhận tội trong trại giam. Nhưng khi ra, ông kể hết với mọi người. Hỏi những gì, trả lời thế nào, nhận tội gián điệp, ký biên bản ra sao. Không giấu giếm, rõ ràng. Không như ông TG cứ ỉm đi, mập mập mờ mờ. Ông Dương ra toà tranh cãi với toà từ đầu đến cuối. Khi toà tuyên án xong, ông Dương chắp tay vái thiên vái địa, vái những người tham dự, vái cả quan toà. Tôi biết tính ông Dương, ông hay chắp tay vái mọi người, lần ông đến chùa Một Cột tham dự cuộc họp bảo vệ chùa, cảnh vệ gác Lăng Bác Hồ không cho ông dắt xe đạp vào. Lằng nhằng mãi. Ông Dương bèn quỳ xuống đường chắp tay vái trời vái Phật, vái cảnh vệ gác Lăng, vái bà con Phật tử đang xúm đến đông. Kết quả mọi người dắt xe cho ông vào.
Cho nên ông Dương cũng khai báo, cũng nhận tội mà tôi vẫn quý trọng ông. Vẫn đến thăm nhau, ăn cơm ở nhà ông bà Dương. Còn ông Giang thì xin lỗi, không thể chơi được.
2.
Về việc ông TG không lên tiếng bảo vệ anh em dân chủ bị bắt, lại lẻn xin gặp giám đốc Công an Hà Nội Phạm Chuyên, ông Giang cũng viết chỉ lướt vài dòng:
“Buổi gặp mặt giữa tôi với đại tá Hùng-trưởng phòng, thượng tá Tiến- phó phòng Chính trị Nội bộ Sở Công an Hà Nội, chỉ có 3 người chúng tôi. Hoàng Tiến làm sao biết được chúng tôi đã tranh luận, đã nói những gì? Sao ông nỡ võ đoán ác hiểm để hạ nhục tôi rằng tôi đến để lạy van công an đừng bắt tôi?”
Ông Giang viết “
buổi gặp mặt giữa tôi với đại tá Hùng”, làm như là có sự hẹn hò, định ngày trước với nhau giữa hai bên một cách trịnh trọng. Không đúng sự thật. Bài của tôi viết:
“Giám đốc Sở CA không cho gặp. Chỉ cho cán bộ của Sở tên là Hùng xuống gặp mà thôi. Họ thừa biết tâm lý ông Giang lúc ấy thế nào. Tìm cơ hội thoát thân cho mình.” Ông Giang bóp méo thành:
“Sao ông nỡ võ đoán ác hiểm để hạ nhục tôi rằng tôi đến để lạy van công an đừng bắt tôi”. Ðấy là ông Giang tự nói ra chứ không phải tôi đâu nhé. Với hành vi lén xin gặp công an, ông Giang đã tự kết tội mình. Lối viết của ông Giang nhằm gây cho bạn đọc lòng căm phẫn người vạch lỗi ông Giang, chứ không dám tranh luận thẳng thắn, bày ra sự thật, cho mọi người cùng thấy.
Ông Giang lập luận, chỉ có 3 người chúng tôi, làm sao ông Hoàng Tiến biết được đã tranh luận, đã nói những gì? Vậy tôi lại xin bật mí để bạn đọc cùng biết ít nhiều. Thông tin này một mặt tiếc rằng cũng do công an tung ra, mà ông Giang chỉ có thể nhận hay bác bỏ. Ðại tá Hùng hỏi ông Giang lên có việc gì. Ông Giang trình bày bị cắt điện thoại di động, có ý chê trách công an. Ðại tá Hùng trả lời, việc này mời ông sang bên bưu điện, thẩm quyền chúng tôi không giải quyết việc này. Thế là
oóc-giơ (hors-jeu), không đúng luật chơi, việt vị. Hẫng! Không biết nói gì nữa. Ðại tá Hùng thấy ông Giang không nói được gì nữa, liền đưa tin về ông Phạm Quế Dương trong tù, nào là ông Dương khai hết rồi, nhận hết tội rồi, nào là ông Dương nhận mấy chục ngàn đô nước ngoài v.v... Ông Giang không có phản ứng gì. Cuối cùng ông Giang tha thiết đề nghị, đồng chí Phạm Chuyên bận trăm công nghìn việc không tiếp được hôm nay, xin cho ông Giang được đăng ký trước, lúc nào rảnh việc xin tin cho biết để ông Giang lên gặp. Ðại tá Hùng nói sẽ báo cáo lại thủ trưởng, còn ông Hùng không hứa trước điều gì. Buổi gặp tan.
Ông Giang nói mập mờ rằng
đã tranh luận những gì, đã nói những gì? Làm gì có sự tranh luận nào? Mang tâm lý hoảng sợ lên gặp công an thì làm gì có thể tranh luận.
Mặt khác, thông tin đó tôi lấy từ chính ông Giang. Tôi đã phản ứng to tiếng với ông Giang việc này ở nhà cụ Chính. Lúc đó có cụ Chính, ông Giang và tôi ngồi ở phòng khách nhỏ hẹp nhà cụ Chính, 26 Lý Thường Kiệt. Tôi chê ông Giang toàn đi nước cờ thấp. Tôi kết tội ông Giang nói Đông nói Tây để che giấu cái hèn nhát trong lòng mình. Ông Giang tức tối vặc lại: “Vâng, tôi hèn nhát. Tôi hèn với cụ Chính, tôi hèn với ông Tiến, vừa lòng chưa?” Lối ứng xử này để chạy làng. Không xong với tôi. Tôi nói: “Ông nhận là hèn với cụ Chính, với tôi, không ăn cái giải gì. Ông đã nhận là hèn thì ông phải sửa cái hèn đó, bằng việc cụ thể, là ông lên tiếng đi, viết bài bênh vực anh em đang bị giam đi.” Buổi to tiếng ấy chắc ông Giang còn nhớ chứ. Ông không thể quên được đâu, vì có cả cụ Chính nữa.
So với ông Trần Khuê thì mặc dù ông Giang tham gia dân chủ sớm hơn ông Khuê, có nhiều bài viết nổi tiếng truớc ông Khuê, nhưng khi ông Khuê xuất hiện, với những tập tiểu luận
Ðối thoại năm 2000 rồi
Ðối thoại 2001, rồi những thư gửi lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, thì tên tuổi ông Khuê nổi lên như cồn, nhất là khi ông đứng tên cùng ông Phạm Quế Dương xin thành lập Hội chống tham nhũng (mà ông Giang vội tuyên bố là không tham gia khi thấy hai ông bị bắt lên xét hỏi), rồi thử thách 19 tháng tù đầy ông Khuê đã tỏ rõ kiên cường, khí phách. Ðáng thay mặt anh em dân chủ lắm chứ. Ðáng là người phát ngôn cho phong trào bây giờ đã đông đảo hơn xưa.
Ông Giang không biết mình biết người, ông phản đối ông Trần Khuê, ông cay cú vì cái danh xưng đại diện phong trào. Trong một lá thư không tên gửi cụ Chính đồng thời gửi nhiều anh em dân chủ bằng đường bưu điện, đến cùng ngày với bức thư ký tên ông Giang gửi cho tôi 14-7-2005, cái giọng tức tối mạo danh cán bộ lão thành 89 tuổi lên án cụ Chính: (trích thư)
“Ông sai rồi. Vì đố kỵ và ghen ghét mà ông đã đi nước cờ sai rồi. Rồi ông sẽ thấy, cái thùng rỗng ấy sẽ đánh động tất cả, sẽ đưa chúng ta trở lại vị trí xuất phát ban đầu [....] Ông đã không đánh giá hết về khả năng của mọi người, cái giá phải trả cho sự cuồng ngạo của ông quá đắt [....] Ông đem giao cả cho Trần Khuê, một cái thùng rỗng kêu to, một kẻ hoạt đầu, cơ hội v.v...”
Trong thư gửi cho tôi (14-7-2005) vẫn đầy giọng cay cú:
“...đây chỉ là xảo thuật phục vụ ý đồ chèn cạnh cá nhân của ông HMC. Cái vụ “đề bạt miệng” Trần Khuê ...” Có chỗ lại nói đãi bôi:
“Nếu ông Trần Khuê muốn phất cờ và đứng lên cao thì tôi rất mừng và ủng hộ. Tôi không hề có lòng ghen tuông đố kỵ thấp hèn như các người đâu.” Ô hay! Không khảo mà xưng. Ông Giang muốn ăn lại gắp bỏ cho người, rồi lại ấm ức: tôi không ghen tuông đố kỵ thấp hèn như các người đâu.
Lá thư gửi cho tôi có đăng trên talawas ngày 22-7-2005. Vì độc giả đã được đọc nó trên talawas, nay cũng xin được nghe vài ý kiến của tôi cho nó đầy đủ tiếng chuông hai phía.
Bức thư này nhiều người trong nước đã được đọc. Nhà thơ Bùi Minh Quốc (đang ngồi uống rượu với Trần Khuê và Lữ Phương) gọi điện cho tôi từ Sài Gòn, hỏi: “Ông viết bài về ông Giang trước bức thư hay sau bức thư?” Tôi đáp: “Tôi viết sau. Thư ông Giang viết 14-7-2005. Bài tôi viết 20-7-2005.” Bùi Minh Quốc cười toáng lên: “Thế thì nó nổ súng trước ông. Nó chịu hậu quả là đáng đời!”
Trong thư ông Giang gửi cho tôi có những đoạn khá mùi mẫn:
“Tôi thương và nể trọng Hoàng Minh Chính vì ông ta hơn tuổi tôi khá nhiều, lại vì ông có thành tích cách mạng lâu dài, có chí khí kiên cường cho đấu tranh dân chủ. Tôi hằng mong ông ấy giữ được vai trò ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh dân chủ hoá nhưng tôi không tài nào hiểu nổi vì sao ông ấy lại như thế! Tôi đau lòng đến chán ngán vì ngạc nhiên nhận thấy rằng sao đang còn khổ sở gian nguy như thế này mà đã không biết yêu thương đùm bọc nhau thì khi có chút quyền lợi thực người ta còn điên cuồng tranh giành, hãm hại nhau khủng khiếp đến mức nào!”
Nói thì văn vẻ hay ho như thế, nhưng việc làm thì ngược lại. Ông Giang chê ông Chính hết lời, xúc phạm ông Chính nặng nề. Thường rỉ tai nhiều người để những lời đó bắn đến tai cụ Chính. Có anh em ngờ vực, ông Giang chơi một ngón đòn ác, cốt làm cụ Chính tức giận, bệnh thêm nặng, mà đi sớm. Bây giờ ông Giang muốn dùng ngôn ngữ mỹ miều cảm thương để rắc hoa lên những việc làm bẩn thỉu của ông ư? Ông không đánh lừa được chúng tôi đâu.
Ông Giang viết:
“Tôi đau lòng đến chán ngán vì ngạc nhiên nhận thấy rằng sao đang còn khổ sở gian nguy như thế này mà ta không biết yêu thương đùm bọc nhau...” Xin hỏi ông Giang, khi những anh em dân chủ bị bắt, sao ông không yêu thương đùm bọc lên tiếng bảo vệ họ, nếu cần thì vào tù cùng với anh em đã sao, lại lẻn đi xin gặp giám đốc công an. Ðể làm cái gì?
Hồi ấy tôi đã nói với ông Giang, nếu ngày mai công an bắt thì hôm nay vẫn phải lên tiếng thôi. Vì đạo lý làm người. Vợ bạn nhìn vào. Con bạn nhìn vào. Các chú các bác bạn bè với nhau, nay gặp nạn, các chú các bác lại lờ đi. Còn ra làm sao nữa. Ông Giang lý luận với tôi: “Anh em ta lên tiếng không có lợi. Ðể người khác lên tiếng lợi hơn.” Tôi nói: “Ông nói lạ. Người ta bắt bạn ông, ông không lên tiếng, lại bảo để người khác lên tiếng, thế là cái đếch gì?”
Không những ông Giang không lên tiếng mà lúc ấy lại xuất hiện hai bài viết ca ngợi ông, đề cao ông, in khá nhiều, tán phát lúc ấy: bài “Nguyễn Thanh Giang—tên một dòng sông đẹp” của Lê Nguyễn, và bài “Một chuyến đi làm náo loạn Ban bí thư ÐCSVN” của Trà Bồng.
Tôi biết có ông Trà Bồng ở Úc và ông Lê Nguyễn ở Sài Gòn. Nhưng những bài này hẳn phải là ông Giang gợi ý cho họ viết, hoặc chính ông Giang viết mà mang tên họ. Cũng như ở ngoài này ông Giang đã từng viết bài ký tên ông Trần Dũng Tiến, từng viết bài ký tên ông Trần Ðại Sơn. Ðiều này nhiều người biết. Thử hỏi, ông Trà Bồng ở tận bên Úc làm sao biết được chi tiết cuộc đi xuyên Việt của cựu chiến binh thủ đô, mà ông Giang được đi lẫn vào, đề cao vai trò nổi bật của ông Giang trong đoàn, qua những địa danh Thừa Thiên, Huế, Ðà Lạt, Kiên Giang... Trường hợp bài viết ký tên Lê Nguyễn cũng thế. Đó là thời điểm đáng lẽ phải lên tiếng bảo vệ anh em, ông Giang không làm, lại chỉ chăm sóc cho bộ lông của mình.
Thương yêu đùm bọc gì mà lại phản đối ông Trần Khuê khi ông đứng ra nhận phát ngôn cho phong trào dân chủ? Tôi biết rõ điều này vì ông Hồng Hà có nói với tôi: “Thanh Giang tức lắm, cậu ta phản đối, định viết bài đấy. Tôi khuyên Thanh Giang không nên làm, việc đã thế rồi thì thôi, ủng hộ lẫn nhau.”
Ông TG nói đến tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thì chính ông ấy đã lên án tôi, xỉ vả tôi trước khi tôi viết bài về ông ta (bức thư ngày 14-7-2005). Tôi chưa làm gì ông Giang, chưa viết gì về ông Giang, mà ông Giang đã rút gươm ra đâm tôi tới tấp như vậy, tỏ rõ tình thương yêu đùm bọc của ông Giang với cá nhân tôi. Những tưởng lu loa như thế, núp danh ổn định và bảo vệ phong trào quá mỏng, thì tôi sẽ không dám viết bài nữa. Ông Giang nhầm! Tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, vì lợi ích chung mà phải làm cái việc bóc mẽ ông Giang. Vì thế tôi viết bài: “showFile.php?res=4960&rb=0401 Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa”.
3.
Bây giờ bàn đến vấn đề tác giả Sông Lam là ai?
Tôi buộc tội ông Giang là tác giả bức thư nặc danh ký tên Sông Lam. Lý do như tôi đã trình bày trong bài “Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa”.
Ông Giang phủ nhận với lý do: “
Vì phải mấy ngày sau khi đọc bài của nhà văn Hoàng Tiến tôi mới tìm được để đọc bức thư ký tên Sông Lam”, nghĩa là ông Giang không hề biết bức thư đó, không có trong tay, phải đi tìm đọc. Rồi ông Giang đưa ra những giả thiết, hoặc một người “á dân chủ” nào đó muốn thực lòng bày tỏ mối quan tâm của mình với phong trào dân chủ, hoặc công an viết để chia rẽ phong trào.
Những lý do lý trấu của ông Giang đưa ra khiến tôi càng khẳng định là chính ông Giang viết, xin phân tích như sau:
Lá thư nặc danh Sông Lam gửi cho 10 nhà dân chủ trong đó có tên ông Giang, từ ngày 27-6-2005. Tất cả mọi người đều nhận được thư, kể cả người xa nhất ở Sài Gòn cũng đã nhận được. Lẽ nào ông TG ở ngay Hà Nội, tên tuổi địa chỉ lẫy lừng như vậy, mà lại không nhận được thư? Đến bây giờ vẫn không biết gì?
Lời nói dối giấu đầu hở đuôi. Lời dối tuy nhỏ nhưng nó bộc lộ nhân cách của người tham gia tranh luận. Sự thiếu thành thật. Vì làm ra vẻ vờ vịt không biết gì về lá thư đó, cho đến tận bây giờ không có trong tay, còn phải đi tìm đọc, thì lại lòi cái đuôi con chuột ra. Người xưa nói khôn nhưng không ngoan là thế.
Lại kể một chuyện nhỏ nữa, nhưng cũng là bộc lộ nhân cách con người. Sinh nhật ông Giang vừa rồi, ông Giang trả lời phỏng vấn nước ngoài đăng trên trang Web “Ðối thoại”, đây là các cụ lão thành cách mạng đứng ra tổ chức sinh nhật cho ông Giang, chứ ông Giang không muốn làm sinh nhật, chưa tổ chức sinh nhật bao giờ (??!!). Hỏi, có bao nhiêu cụ tham dự. Ông Giang trả lời, khoảng 30 người.
Tôi đã được nghe những người đi dự về kể lại, và xem ảnh chụp, đếm đi đếm lại có 19 người tất cả. Từ con số 19 người (rất nhiều người không phải lão thành cách mạng, tôi có ảnh trong tay) vọt lên con số 30 để làm cái gì? Ông Giang hãy tự trả lời. Tiền ông Giang bỏ ra để làm sinh nhật mà lại nói các cụ lão thành cách mạng làm sinh nhật cho ông, có nên không? Vì sao cứ phải dối trá phóng đại như thế?
Thực ra trong bức ảnh không có ai là lão thành cách mạng cả. Chỉ có 3 ông là cán bộ tiền khởi nghĩa hay gọi lão thành tiền khởi nghĩa (Phạm Quế Dương, Ðặng Văn Việt và Trần Ðại Sơn) mà thôi.
Nói không thật là đánh lừa dư luận. Nhất là với những Việt kiều ở xa đất nước không rõ thực hư. Họ dễ tin thì người nói dối càng thêm nặng tội.
Ông Giang lý luận: “
Việc gì mà tôi phải vòng vo, phải nặc danh. Ngay đối với cựu chủ tịch nước Lê Ðức Anh, hay với Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà, khi tôi thấy rằng họ có tội hoặc năng lực quá kém, tôi cũng thẳng thắn công khai đề nghị đưa ra toà hoặc cách chức. Vậy thì sợ gì mà tôi phải vòng vo, phải nặc danh đối với các ông.”
Hai việc khác nhau. Một đằng được tiếng dũng cảm thì trương tên ra. Một đằng ô danh mất mặt thì giấu tên đi. Nó là lẽ thường tình của người đời, đâu có gì là lạ.
Việc ông Giang đòi đưa Lê Ðức Anh ra toà án đại hình xử như một tên phản bội tổ quốc, dưới con mắt tôi, một người viết văn, hay quan sát tâm lý nhân vật, đánh giá như thế này. Hồi ấy tin tức loan truyền rầm rĩ: Nguyễn Chí Vịnh bỏ trốn rồi, nhà Lê Ðức Anh bị bao vây. Sự lên án của các tướng lĩnh ngày càng vang dội. Phe Lê Ðức Anh sắp đổ gục.
Các cụ dân chủ chủ trương: hoàn toàn ủng hộ phía tướng lĩnh lên án vụ T4-Tổng cục 2, nhưng không dính tên anh em dân chủ vào, như thế tốt hơn cho phía tướng lĩnh. Tránh cho tướng lĩnh bị mang tiếng là liên kết với dân chủ hoặc bị các ông dân chủ kích động. Riêng TG nhảy ra lên án Lê Ðức Anh và phe nhóm, ý hẳn muốn ghi tên mình hàng đầu dân chủ tham gia đánh T4 và Tổng cục 2, những tưởng Lê Ðức Anh đổ đến nơi.
Nhưng họ không đổ hoặc chưa đổ. Họ quay lại quất cho mấy roi, vì bài viết của ông Giang có những kẽ hở nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, họ liền kích động thương binh đến đe phá nhà ông Giang, đi đường bị xe máy va quệt. Ông Giang phát hoảng, viết bài kêu cứu. Cầu cứu cả công an đến bảo vệ cho gia đình. Thế là lại đi nước cờ thấp. Cũng tại cái bệnh háo danh cả thôi.
Ðến đây ta có thể kết luận, Thanh Giang phản đối Trần Khuê là rõ rồi. Trong thư gửi cho tôi ông Giang đã thú nhận rồi. Không là ông Giang thì còn cái ông dân chủ nào làm cái việc phản đối này. Phản đối, nhưng rồi lại phải nói
hoan nghênh Trần Khuê dám dũng cảm đương đầu và không hề có ý chen cạnh với anh ấy. Vì sao vậy? Vì không kích động được ai khác phản đối nữa, vì thấy mình cô độc không ai ủng hộ tán thành. Thế là tốt. Việc này coi như xong.
4.
Trong bài viết của ông TG ở điểm 4 phê phán: “
Hoàng Tiến rất không thật khi nói Trần Ðộ không thèm nhận lời viết bài cảm tưởng đọc Suy tư và Ước vọng
cho tôi. Dẫn chứng: xin đính kèm bài Trần Ðộ đã viết. Bài này in ở phần phụ lục của cuốn Suy tư và Ước vọng
từ khi Trần Ðộ còn sống.”
Tôi cũng có cuốn
Suy tư và Ước vọng do ông TG tặng với hàng chữ đề “Trân quý tặng nhà văn Hoàng Tiến”. Tôi có hai bài ông TG in vào đấy. Tôi cũng biết có bài của ông Trần Ðộ, bài viết lúc
Suy tư và Ước vọng còn là bản thảo, gồm những bài như ông Trần Ðộ nói
đã được đọc lai rai từ lâu. Khi in thành sách ông Giang đưa thêm rất nhiều bài khen ngợi ông ta vào, trong nước ngoài nước v.v... Cho nên sách in xong, ông Giang mang đến tặng ông Trần Ðộ và đề nghị ông Ðộ viết cảm tưởng cho về cuốn sách mới in. Ông Ðộ thấy nhiều lời khen quá rồi, thì mới nói: “Hai phần ba tập sách là cậu ấy ca ngợi cậu ấy. Tôi còn biết viết gì nữa.” Và ông không viết nữa. Cũng như tôi, ông TG tặng sách và cũng đề nghị tôi viết bài. Tôi cũng thấy không cần viết nữa, vì ông Giang đã được quá nhiều lời ca ngợi.
Nếu cách viết làm bạn đọc hiểu lầm thì tôi nhận lỗi và xin lỗi. Việc ông Ðộ nói có ông Vũ Huy Cương, ông Dương Sơn và tôi biết. Nhưng cách trình bày của tôi chưa thật chặt chẽ rõ ràng, khiến một chứng cớ bị bắt bẻ. Tôi xin nhận lỗi này.
Nhưng nếu ông TG cho rằng:
“Tất cả những điều viết trong bài “Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa”
đều là suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc nhưng đều đã được loan truyền rải rác trong nước từ mấy năm qua không chỉ bởi Hoàng Tiến mà cả bởi Hoàng Minh Chính.” thì lại không đúng sự thật, cần phải xem xét lại, phải bàn bạc cho rõ trắng đen. Xin hẹn một bài khác, tiếp tục câu chuyện nửa chừng này.
Bài viết đã dài. Xin tạm dừng. Cho phép tôi nói thêm một điều.
Ai nghĩ rằng các ông dân chủ tranh giành nhau về quyền lợi mà vạch mặt nhau ra là lầm. Có quyền lợi gì đâu mà tranh giành. Chỉ có sự đương đầu với nguy hiểm mà thôi.
Cũng không phải là mâu thuẫn gì về tư tưởng, về đường lối đấu tranh. Không có chuyện này. Mục đích là dân chủ tự do, thực hiện quyền làm dân, quyền làm người trên đất nước Việt Nam cho tất cả mọi người. Cách thức đấu tranh là hợp pháp, công khai, ôn hoà, không bạo động lật đổ, bằng những kiến nghị hoặc những thư góp ý cho lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.
Việc phê phán ông Thanh Giang hiện nay là cuộc đấu tranh về đạo đức, về nhân cách, về lối sống. Nó cũng là một cuộc tập dượt dân chủ trong sinh hoạt ngôn luận nước nhà, trong nước chưa có diễn đàn thì mượn talawas làm diễn đàn.
Cuộc sống là một sự sàng lọc. Phong trào dân chủ đã đến lúc phải sàng lọc. Cần phải tẩy rửa những tạp khí để cơ thể được phát triển tươi tốt mạnh mẽ hơn.
Ðất thiêng Thăng Long, ngày 01 tháng 8 năm 2005
Ðịa chỉ: Nhà A11 Phòng 420. Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Ðiện thoại: 9160574
© 2005 talawas