trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
19.3.2005
Hoằng Danh
Một lá thư và trách nhiệm, lương tri của người lãnh đạo
 
1.

Từ ngày 2.3.2005, một số trang mạng lao xao về một lá thư gửi đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Ban chấp hành Trương ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thư đề ngày 11.1.2005, ký tên Võ Văn Kiệt, vào thời điểm đang diễn ra hội nghị trung ương lần thứ 11 của khóa IX, mà một trong những vấn đề chính của nó là chuẩn bị cho đại hội X.

Đã hơn 15 ngày từ đó, ông Kiệt hay những người xung quanh ông không bác bỏ vai trò chủ nhân của lá thư, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không bác bỏ sự kiện.


2a.

Tôi không bàn đến thực chất của nguyên tắc tập trung dân chủ ở đây.

Từ thừa nhận của ông Kiệt, vậy là bấy lâu nay cái nguyên tắc cách mạng nhất, tiên tiến nhất, khoa học nhất, của một đảng cách mạng nhất, phù hợp với lợi ích của dân tộc và thời đại nhất, tất cả chỉ còn lại là cái vỏ mỹ từ.

Điều này là bình thường, rất bình thường, khi mà nền chính trị đảng trị được quan niệm như cái gì đó gần như là thiên định, tuyệt đối duy nhất hợp với thiên đạo. Nhưng lần đầu tiên những biểu hiện trái ngược với mỹ từ của nó được “công khai” từ một trong những người từng có địa vị chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì quả là có gây sốc.

Không kể lớp đảng viên bên dưới, thì những đại biểu thay mặt họ, tức những người ưu tú nhất của đất nước, chỉ làm công việc của những con rối giơ tay và mở miệng [1] , từ những gì được định đoạt sẵn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trước đó là Bộ Chính trị và Ban bí thư đã quyết. Như vậy, trên cơ quan quyền lực cao nhất là cơ quyền lực cao nhất của cao nhất của cao nhất, là những người ưu tú nhất của ưu tú nhất của ưu tú nhất… [2]

Cơ cấu đỉnh chóp quyền lực là đương nhiên, cho dù là ở chế độ nào, thời đại nào, định chế nào. Tuy nhiên, vấn đề là ở việc đỉnh chóp đó được hình thành như thế nào, và quan hệ vận hành giữa đỉnh chóp với các tầng chân đế bên dưới ra sao. Ở đây không cần phải so sánh với tuyển cử dân chủ và phi toàn trị nữa làm gì; thế nhưng…


2b.

… nhưng có một điều mà người ta chợt ngỡ ngàng, là trên dưới nửa thế kỷ nay (nửa thế kỷ chứ không phải ngày một ngày hai hay vài năm!), hết lớp đảng viên cao cấp này đến lớp đảng viên cao cấp khác đã ngoan ngoãn nhận lấy vai trò bù nhìn công khai của mình và sự hành xử vừa giả dối vừa cưỡng bức công khai của thành phần cai trị tối cao, như là một lối hành xử hoàn toàn hợp tự nhiên, hợp lý, và hợp với lẽ phải, của cả hai phía.

Ở những thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đầy ánh sáng của sự khai mở này, ở một vùng đất không phải là u tối nhất của thế giới, mà những con người được cho ưu tú nhất dân tộc vẫn thản nhiên sống trong sự mê muội vậy sao; mà người ta, sau khi gán địa vị trực tiếp quyết định vận mệnh dân tộc cho người khác, vẫn có thể thản nhiên buộc được những người này sống trong đêm trường mê muội một cách “tự nguyện” vậy sao?

Người ta tự lừa dối mình đến mức hành xử như vậy với người khác cho rằng - và luôn tin rằng - thể chế và hành xử của mình là dân chủ nhất thế giới, nhất lịch sử sao? Người ta tự huyễn hoặc đến mức tự mãn với địa vị quyền lực chỉ có trên mặt chữ, và cho rằng mình thật sự đang được đối xử ở đỉnh cao của một nền dân chủ chưa từng có sao?

Thú thật, dù biết những câu hỏi của mình đầy tính tu từ học, nhưng đó là những cảm xúc mà bất giác khiến tôi thất vọng: dân Việt ta [3] có thể sống và chấp nhận sống trong cảnh bạc nhược vậy sao, đến mức không nhận chân ra được mình là ai và người là ai, địa vị thật của mình là gì và của người là gì…?


3.

Một khi sự mê muội và thản nhiên sống trong trạng thái quyền lực chính trị bù nhìn và lừa mị công khai như vậy, dù có ý thức hay không có ý thức về điều đó, dù có chủ ý hay không chủ ý trong môi trường như vậy [4] , thì một lá thư hay ngàn lá thư đi chăng nữa, của ông Kiệt hay của những ông khác chăng nữa, cũng không thể nào thay đổi được tình hình, trừ phi; cùng với sự tích cực của bên dưới, là sự chủ động tự chuyển mình của bên trên.


4.

Có một điều mà đến nay chưa một ai trong nước dám công khai lên tiếng (chứ không phải người ta không biết), dù là dưới hình thức mềm mỏng nhất, đó là cải cách hành chánh, cải cách chính trị, cải cách dân chủ không thu được kết quả, có một nguyên nhân quyết định, chính là do không có cải cách đảng, hay nói cụ thể hơn, không có cải cách dân chủ trong chính nội bộ đảng, và trong quan hệ giữa đảng với mọi định chế của xã hội và lịch sử.

Hiện nay khái niệm “văn hóa đảng” đã được nói đến. Điều đó cho thấy hành xử trong nội bộ đảng, giữa cấp cao và cấp thấp, giữa đảng với xã hội, giữa đảng viên với quần chúng và giữa đảng viên với nhau…, đã thật sự có những vấn đề báo động đỏ. Gốc rễ của tình hình này còn phải bàn đến nhiều, nhưng có thể nói rằng chừng nào mà văn hóa lừa mị vẫn là xương sống của quan hệ ứng xử của đảng và trong đảng, dưới hình thức cưỡng bức và công khai của nó, khi đó đừng nói chi đến chuyện xây dựng một văn hóa đảng đúng mức “văn hóa”. Không có cải cách đảng sẽ không hề có được một văn hóa đảng nào khác ngoài văn hóa hiện nay.

Mười đề nghị mà ông Kiệt nêu lên trong thư về việc tổ chức đại hội X sắp tới, nếu được thực hiện một cách thật sự, đó không chỉ là “đổi mới” đảng, mà thực chất chính là bước đầu của việc cải cách đảng, bước đầu của một cuộc cách mạng dân chủ hóa Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu được thực hiện, đó cũng chính là cột mốc cho việc khai thông và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng một nền văn hóa mới cho đảng.


5.

Quanh ông Kiệt có rất nhiều thông tin “tiêu cực”. Lá thư mười năm trước của ông gửi đến trung ương đảng đã là “chim mồi”, khiến nhiều nhân sĩ bị bắt. Vợ ông là trùm buôn lậu. Con ông sở hữu những cơ sở kinh tế “hoành tráng” nhất nước hiện nay. Những tài khoản bí mật ở ngân hàng nước ngoài, v.v… Dù vậy, tôi vẫn không quên những thông tin tích cực gắn với ông.

Ông từng được xem là linh hồn của cải cách giai đoạn đầu. Vào thời 1987, dư luận trong nước đã trông mong ông sẽ là người lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Kết quả ông chỉ là người phó cho ông Đỗ Mười, đã gây nhiều thất vọng. Có thể giả định rằng biết đâu, nếu khi đó thế ông đủ mạnh, thì theo chiều thẳng tiến, sau này người trở thành Tổng bí thư không phải là ông Mười, vốn được cho là bảo thủ.

Vào đầu những năm 90, khi tham nhũng đã trở thành một ung nhọt lớn, chính ông Kiệt, với tư cách Thủ tướng, đã lên tiếng trước Quốc hội xin được lập một uỷ ban quốc gia chống tham nhũng. Người ta đã lờ đi một ý kiến thích đáng như vậy. Đề nghị đó, dù vừa rồi cũng có vài ý kiến nêu lại, nhưng đến nay vẫn không được một nhà lãnh đạo cao nhất nào khác chủ trương.

Về ông Kiệt, tất cả thực tế, tiêu cực lẫn tích cực, rồi sẽ có ngày sáng tỏ. Ở đây, cần xét đến là trách nhiệm và lương tri của người lãnh đạo.


6.

Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo cao nhất, cả trước đây và hiện nay, và bộ máy thân tín bên cạnh họ vẫn là những người có lòng nhiệt thành. Biến động lịch sử và bối cảnh chính trị Việt Nam trong hơn thế kỷ qua vẫn còn cho phép định hình những nhà lãnh đạo mà sâu trong tâm khảm vẫn còn chỗ thật tâm cho công bằng và hạnh phúc trên đất nước này [5] .

Nhưng cũng chính bối cảnh lịch sử và chính trị như vậy đã là cái giới hạn nhiều khi không thể vượt qua cho các lãnh đạo này, khi còn đương chức, khiến họ không thể hoặc không dám nhận chân sự thật. Bối cảnh như vậy khiến họ vẫn canh cánh nỗi lòng trách nhiệm và lương tri chính trị của mình khi đã thôi chức.


7.

Điều đó khiến đời sống chính trị và đời sống tinh thần tại Việt Nam nảy sinh một đặc điểm quái lạ, trong số nhiều điều quái lạ khác [6] , là khi không còn tại nhiệm hoặc khi về hưu, những người từng có vai vế chính trị (hay vai vế khoa học, vai vế lý luận) mới có thể có những ý kiến nhìn thẳng vào sự thật - những sự thật rất hiển nhiên mà người bình thường khác thường không dám nói thẳng hay không có quyền nói thẳng.

Ông Phạm Văn Đồng, người được xem là tài năng và đức độ và hàng bậc nhất trong thế hệ lãnh đạo đầu tiên, năm 1997, vào lúc tuổi cao sức yếu, vẫn tranh thủ dịp 2 tháng Chín để công bố một bài viết khẳng định rằng khác với trước chỉ lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, nay là lúc phải tiến hành đồng thời đổi mới chính trị. Ý nghĩa của khẳng định như vậy vào thời điểm đó, là ở chỗ cho đến cách đây không lâu người ta vẫn còn nhấn mạnh đến cải cách kinh tế, còn cải cách chính trị chỉ là một vế mờ nhạt thêm vào để ra vẻ biện chứng mà thôi.

Còn phần ông Võ Văn Kiệt, cũng đã hai lần nói những điều tâm huyết để mong có những thay đổi tận gốc rễ [7] .


8.

Tôi nghĩ rằng không một nhà lãnh đạo tối cao nào, một quan chức cấp cao nào, sau khi rời khỏi chức vụ - tức là khi có thời gian bình tâm mà suy ngẫm, không còn bận bịu với những tranh đấu quyền lực - mà không nhận ra cái thực chất phi dân chủ trong guồng máy đảng và xã hội. Trừ khi là những kẻ toàn trị vô phương cứu chữa, cùng cực lương tri (kiểu Hitler hay Pol Pot), hoặc cực điểm ngu muội (kiểu ngu trung của quần thần phong kiến, thà tuẫn tiết chứ không chống lại hôn quân), thì các vị này mới có thể hoàn toàn không biết tự vấn về nền cai trị phi dân chủ rành rành mà mình đã từng giữ vị trí, vai trò lớn nhỏ trong đó.

Điều này cũng dễ hiểu, còn tại vị có nghĩa là còn quyền lực và quyền lợi, còn chịu ràng buộc tuyệt đối bởi những nguyên tắc đảng hoặc tổ chức, còn chịu áp lực của cả một guồng máy bên dưới, mà việc tuân thủ nguyên tắc và áp lực này cũng chỉ là để giữ cho sự tại vị của mình…

Nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ định nhiệt tâm và nhận thức của các vị này. Nhưng bên cạnh việc lên án một nền thể chế, một guồng máy không cho phép những người có trách nhiệm, có khả năng nhận thức, trong chính bộ máy chính trị (và lý luận) cấp cao, có thể nói lên được những đánh giá thực tế và chính kiến của mình trước thực tế đó; vẫn phải thừa nhận rằng các vị đã không tròn với trách nhiệm và lương tri chính trị (hay lương tri khoa học), khi chỉ dám lên tiếng về sự thật vào lúc mà ảnh hưởng và hiệu quả của việc làm này không còn là bao, nhưng lại là lúc an toàn nhất.


9.

Còn nếu có ai đó thực hiện những việc như vậy, vào thời điểm an toàn như vậy, cốt để tìm kiếm một sự an toàn dự phòng khác khi có những thay đổi lớn diễn ra (mà tôi tin bản thân các vị cũng tin sẽ có những thay đổi như vậy), thì đó chẳng khác nào là một hành động cơ hội chủ nghĩa.


10a.

Gần hai mươi năm đổi mới, thành tựu nhiều, nhưng các vấn đề đặt ra cho Đảng Cộng sản còn nhiều hơn thế.

Hết kỳ đại hội này đến đại hội khác người ta nêu lại cùng những quyết tâm, khẳng định lại cùng những bước ngoặc sẽ thực hiện trong bốn năm tới. Đại hội IX tưởng chừng sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho những thay đổi xứng đáng tầm mức của từ này. Thế nhưng sự thể lại là tiếp tục đánh trống bỏ dùi. Hai năm sau Đại hội, trên bình diện chính trị, xã hội, văn hóa, con người, tình hình rõ ràng đã bi đát hơn trước. Chỉ cần một dẫn chứng thôi là có thể nói lên được năng lực cầm quyền của đảng: tham nhũng công khai, trắng trợn, dưới mọi hình thức [8] , mọi lúc mọi nơi, mọi việc mọi người [9] .


10b.

Tham nhũng cũng chỉ là một biểu hiện nổi cộm nhất của việc trung ương đảng - hay đúng hơn là Ban Bí thư, Bộ chính trị - đang ngày càng mất đi khả năng kiểm soát “tính cách mạng” của bộ máy bên dưới, của guồng máy cai trị.

Một mâu thuẫn đang diễn ra, một bên là khả năng tập trung tối cao về quyền lực và tính cách mạng ngôn từ, còn bên kia là sự bất lực trong việc điều khiển tính cách mạng thực tế. Với những con người hàng ngày nắm trong tay quyền lực đối với với khác và quyền lợi dành cho bản thân mình - những thứ rất xa rời với thiên đường công cộng của xã hội chủ nghĩa, nhưng lại là những thứ đem lại cho họ thiên đường riêng ngay tức thì - thì chủ nghĩa xã hội còn lại là gì?


10c.

Nó chỉ còn là bỏ bọc. Trung thành với chủ nghĩa xã hội là cái đầu tiên bảo đảm vị trí quyền lực và quyền lợi của nó, nên nó thật sự đã trở thành một công cụ thuần túy để vơ vét tối đa có thể được.

Trung ương dùng chủ nghĩa xã hội để như một công cụ tư tưởng giữ vững sự cai trị của mình, thì bên dưới cũng biết sử dụng nó như một công cụ thực tế để giữ vững hầu bao của họ.

Trung ương tưởng rằng bằng sự ru ngủ của những mỹ từ xã hộI chủ nghĩa, mọi thứ đang trong vòng kiểm soát của mình, nhưng kỳ thực thì chính guồng máy bên dưới đang ru ngủ trung ương bởi sự trung thành cách mạng vốn được dùng làm vỏ bọc cho sự vơ vét hoàn toàn không thể kiểm soát được, cho mục đích duy trì đặc lợi đặc quyền trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội.

Toàn bộ bộ máy toàn trị, toàn bộ cái tư tưởng đầy lý tưởng mà trung ương muốn duy trì cho mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, kỳ thực đã bị những kẻ vơ vét đó lợi dụng. Và, chính bản thân các vị lãnh đạo trung ương thực tế cũng không tránh khỏi là đối tượng bị lợi dụng cho sự vơ vét của những kẻ này.


11.

Tiếp cận vấn đề trên tinh thần giữ vững quyền thống trị của mình, người ta nhận ra bốn nguy cơ: tụt hậu, chệch hướng, suy thoái, diễn biến hòa bình. Nhưng từ hướng tiếp cận khác, các nguy cơ rất gần cho Việt Nam lại là: tụt hậu, băng hoại xã hội [10] , và sức ép của Trung Quốc. Ngoài nguy cơ xuất phát từ bên ngoài, hai nguy cơ kia đều trực tiếp xuất phát từ tình trạng ru ngủ hai chiều như vừa nói.

Vì trách nhiệm và lương tri của người lãnh đạo, các vị này không thể cứ mãi không nhìn thẳng vào những tình hình đó.


12.

Lịch sử, dù nhanh chậm khác nhau ở những vấn đề khác nhau, cuối cùng đều không thể tránh khỏi trả lại sự phán xét công bằng. Trong thời đại ngày nay, đều đó không chỉ diễn ra bằng nhận thức lịch sử, mà còn chính bằng hành động của lịch sử. Cái thời của những kẻ chuyên chế kiên quyết không thay đổi, cốt chỉ để giữ lấy thời cai trị của mình dù biết rằng có thể ngay khi chuyển giao cho thế hệ mới mọi sự sẽ khác, vì cho rằng đặc ân của lịch sử sẽ dành cho công trạng của mình và thời gian sẽ gia thêm vào cho đặc ân đó, đã qua rồi. Lịch sử sẽ hành động ngay tức thì để trả lại những gì cần phải trả. Từ các nhân vật của nền toàn trị Đông Âu, qua những nhân vật độc tài ở Đông Á (từng là đồng minh thân cận của Washington một thời), cho đến Pinochet khét tiếng sát cộng… đều đã chứng minh điều đó.


13.

Nhà lãnh đạo có trách nhiệm và lương tri là người biết dùng quyền lực và phạm vi ảnh hưởng của mình chủ động lên tiếng và triển khai hành động nhằm đem lại thay đổi cần thiết, chứ không phải là người chủ trương “an phận” mà ngự trên đỉnh vinh quang, tránh đi những sóng gió cho qua thời sóng gió, để lại sóng gió đó cho những người kế tục hứng lấy.

Là nhà lãnh đạo chân chính, tức người có động cơ vì lợi ích của xã hội, không chủ trương độc tài, đàn áp và mị dân như một thể chế được được xây dựng hoàn toàn có ý thức; thì một khi đã nhận thức về sự hiển nhiên của nền cai trị phi dân chủ, về sự giả dối của những nguyên tắc cao siêu, về lớp sơn mỹ từ phủ lên sự băng hoại xã hội, một khi đã nhận thức về sự rõ rệt phải đổi thay, mà không lên tiếng và trực tiếp biến chúng thành những quyết định, những ứng dụng trong hành xử và vận hành quyền lực, thúc đẩy hành động nhằm thay đổi những điều phi nhân, dối trá và tô vẽ, thì đó là nhà lãnh đạo có tội với lịch sử và nhân dân, với chính vai trò lãnh đạo của mình.


14.

Lên tiếng như ông Kiệt đã là một vấn đề, giờ đây vấn đề thật sự là ở tiếng nói đáp lại từ chính các nhà lãnh đạo đương chức.

Các vị đang đương chức cũng từng là những người kế cận lớp lãnh đạo tối cao trước đó, và rồi cũng sẽ là những người rời khỏi chức vị như ông Kiệt hiện nay. Khi chưa ngồi vào vị trí tối cao, các vị đó hẳn đã từng có lần bức xúc, mong muốn những người cao hơn sớm có các thay đổi cần thiết. Và tương lai khi rời khỏi cương vị, nếu có trách nhiệm và lương tri, chắc rằng các vị sẽ không trách khỏi gặp phải tình trạng cần kiến nghị như ông Kiệt đã làm. Vậy sao ngay khi có đủ thế lực và thuận tiện nhất, tức lúc còn ở vị trí có thể đem lại đổi thay, lại không chủ động lên tiếng và thực hiện những đổi thay cần thiết theo những gì mình lên tiếng?

“Bộ tứ” tối cao hiện nay dù không phải là thế hệ tối ưu của những thay đổi, nhưng là những con người hoàn toàn có thể đem lại những thay đổi lớn.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh là người từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội, hơn ai hết ông biết đến thực chất vai trò “nghị gật” của định chế này ở Việt Nam, tương tự như tình trạng quyền lực của các định chế đảng mà ông Kiệt nêu. Là nhà lãnh đạo có trách nhiệm và lương tri, ông Tổng bí thư không thể không chủ trương đem lại cho Quốc hội nói riêng và mọi định chế xã hội khác nói chung một quyền lực hay tồn tại thực chất.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người hiện giữ cương vị Trưởng ban Cải cách tư pháp trung ương. Ông cũng nhiều lần nêu những quan điểm mà đối với Việt Nam là một cuộc cách mạng trong hoạt động tư pháp và pháp quyền nói chung. Tôi tin đó cũng là chủ trương chung của những người cao nhất.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là một người đã thể hiện rất rõ ý định thúc đẩy thực chất trong hoạt động của Quốc hội và quan hệ của nó với hai cơ quan quyền lực khác của nhà nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải, người từng là phó của ông Kiệt trước kia, theo truyền thống thúc đẩy đổi mới của TP. Hồ Chí Minh, càng khó có thể là một người chủ trương bảo thủ.


15.

Thực tế trung ương đã có nhiều chủ trương thay đổi rất lớn, nhưng phần lớn điều bị cản trở, vô hiệu hóa từ chính bộ máy mà đáng ra phải sốt sắng thực hiện những chủ trương của các ông. Ví dụ:

  • Cải cách hành chánh không hiệu quả, thậm chí vào lúc này người ta vẫn ngang nhiên đưa ra những chủ trương phản cải cách để bảo vệ quyền lợi của họ, dưới sự phê duyệt của lãnh đạo (giá cả của những hàng hóa độc quyền nhà nước, những liên minh mờ ám trong lĩnh vực dược phẩm, thủ tục chủ quyền nhà và đất…)
  • Những chủ trương cải cách triệt để tư pháp một mặt bị chống đối (đưa nguyên tắc tranh tụng vào hoạt động tư pháp, nâng cao đúng mức định chế luật sư), mặt khác nguyên tắc chính đáng thì bị lợi dụng phục vụ cho đặc quyền của các “quan” tư pháp (các cơ quan tư pháp trở thành một vương quốc khép kín, gần như bất khả xâm phạm, chuyện “chạy án” cho vụ này và “đì án” cho vụ khác để thế vào đã là quá rõ trong xã hội…)
  • Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị cố tình thực hiện ì ạch hoặc không thực hiện từ bên dưới.
  • Chủ trương nâng cao kiến thức và năng lực cho bộ máy, đưa lớp trẻ có kiến thức vào bộ máy đó, thì lại bị phản pháo, sản sinh cả một nền “văn hóa giả” trong giáo dục (bằng giả, học giả, kiến thức giả, con người (học thức) giả, thành tích giả…), tiếp tục định hình một bộ máy đầy bằng (được) cấp nhưng hết sức yếu kém.

Nói chung, thật sự mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan đều đã biến thành những pháo đài để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của mình và chống đỡ trước sự công phá của công chúng và chính trung ương, thậm chí công khai trừng trị những kẻ không biết điều khi quá say mê với công lý và lẽ phải [11] .


16.

Guồng máy bên dưới có những chống đối và sức ì rất rõ rệt, nhưng tôi tin, một khi có tâm huyết và quyết tâm thay đổi, các vị lãnh đạo tối cao hoàn toàn có thể thực hiện được.

Vấn đề đặt ra là trung ương cần xây dựng và hậu thuẫn cho một lực lượng xã hội làm nền tảng cho đổi mới. Nhìn chunng, họ chính là đông đảo quần chúng đã chán ngấy và căm phẫn nền cai trị toàn trị, là giới thanh niên (đặc biệt là thanh niên trí thức) luôn vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Nhưng đồng thời đổi mới cũng đến cần một lực lượng xã hội đặc thù, mà người ta thường gọi là “thành phần tinh hoa”, có ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Ngoài thành phần tinh hoa về kinh tế (giới doanh nhân năng động, hiệu quả), về chính trị (những quan chức có tinh thần đổi mới và dám đổi mới và có năng lực), về văn hóa (giới văn nghệ sĩ), có một thành phần tinh hoa có tác động rất lớn là giới tinh hoa lý luận.

Cần thiết phải phế truất “định chế” ngầm trong sinh hoạt tinh thần, những người nắm quyền độc quyền lý luận, độc quyền sinh sát đối với quan điểm của người khác và vận mệnh của người khác (tương tự như trường hợp Trần Thanh Đạm giáo điều, dối trá, thiếu kiến thức mà tôi đã lên án). Tạo điều kiện cho các nhà lý luận mới, các lý luận đổi mới có cơ may hình thành và phát triển, làm cơ sở cho đổi mới toàn diện [12] .


17.

Hai năm đầu của khóa IX là để ổn định nội hình đảng sau đấu tranh phe phái căng thẳng trước đó. Hai năm còn lại của khóa này sẽ là thời gian chuẩn bị cho Đại hội X, những vận động quyền lực ngầm trong bộ máy, từ các cấp địa phương đến trung ương, sẽ chi phối năng lực vận hành của nó. Dòng vận động này sẽ góp phần không nhỏ khiến đóng băng những chuyển biến cần thiết trên bình diện chính trị, xã hội. Vì những chuyển biến như vậy, dưới sự chi phối của tư duy và phong cách toàn trị và giáo điều, luôn tiềm tàng những nguy cơ chụp mũ là xa rời chủ nghĩa xã hội, diễn biến hòa bình, được sử dụng như một công cụ thanh trừng, loại trừ lẫn nhau.

Nếu không có những đổi thay kiên quyết và kịp thời, ngay từ bây giờ, thì với vòng tuần hoàn xoay quanh các đại hội đảng (hai năm chuẩn bị, hai năm ổn định, lại hai năm chuẩn bị…), đổi mới tiếp tục không thể thoát khỏi tình trạng không thực chất sau giai đoạn bung ra ngắn ngủi trước đây của nó. Thời gian cứ trôi, trong khi các quốc gia lân cận thì tiến nhanh ào ạt, nếu Việt Nam cứ mãi sa vào vòng tuần hoàn làm tê liệt tiến trình đổi mới như vậy, khó tránh khỏi thân phận đã nhược tiểu lại càng tiểu nhược hơn. Trung Quốc, theo dự báo, chỉ 10, 15 năm nữa, sẽ là siêu cường thế giới, người Việt Nam nghĩ sao, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nghĩ sao?

Trách nhiệm và lương tri trước lịch sử, đó là điều mà giới lãnh đạo tối cao cũng như mọi chức sắc khác không thể không nhận lấy!

© 2005 talawas


[1]Tại đại hội đảng, cơ quan quyền lực “cao nhất” của đảng, mọi sự đã có bộ phận trù bị làm thay: đường lối chiến lược, sách được đã quyết trước đó, nhân sự đã có qui hoạch và cơ cấu sẵn… Mà bộ phận hậu trường này cũng chỉ là cánh tay của BCHTƯ, cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội. Rồi giữa các kỳ hội nghị của BCHTƯ lại có Bộ chính trị và Ban bí thư.
[2]Mô hình tổ chức và vận hành quyền lực như vậy mở rộng ra mọi tổ chức xã hội khác, từ tổ chức chính trị đến tổ chức quần chúng, khoa học, văn hóa, văn nghệ… Và những “quyết sách” cũng như cơ cấu nhân sự của các tổ chức này cũng đã được phê chuẩn trước từ cơ quan có quyền lãnh đạo đối với toàn xã hội.
[3]Xin đừng hiểu theo nghĩa đen về mặt số lượng, nó cũng là một diễn đạt tu từ.
[4]Viết như thế vì có người ý thức được và có chủ ý khi “an phận” với kiếp bù nhìn, miễn sao vét đầy túi.
[5]Điều này có phần khác với bối cảnh lịch sử và chính trị tại nhiều xã hội khác, nơi mà vị trí lãnh đạo tối cao như là một sự phấn đấu “nghề nghiệp” nặng tính công danh và “tác nghiệp” cá nhân, dù tất nhiên công danh và tính cá nhân đó phải được thể hiện ở nội dung phục vụ đất nước.
[6]Một nét đặc điểm nữa tôi đã nêu trước, ở Cần thiết và quan trọng đáp lại “Bài phát biểu quan trọng và cần thiết”, talawas 4.3.2005
[7]Tất nhiên, với nhiều người, cái “tận gốc rễ” đó có những giới hạn qui chiếu khác. Ở đây hãy tạm hiểu theo qui chiếu của bối cảnh Việt Nam và trong quan niệm của các vị lãnh đạo.
[8]Kể cả hình thức mafia: Vụ Năm Cam liên đới đến Bùi Quốc Huy, nguyên Giám đốc công an TP. Hồ Chí Minh, và là Thứ trưởng Bộ công an khi sự việc vỡ lỡ, khiến cả giàn lãnh đạo của thành phố này khi đó đã bất an, sợ sệt lẫn nhau vì mọi thông tin đều rò rỉ. Vụ phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ đang diễn ra cũng mang bóng dáng mafia chăng, khi mà những điều phi lý rành rành ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng phía an ninh vẫn bất chấp?
[9]Đừng chối bỏ bằng lý lẽ rằng việc liên kết đảng cộng sản vào vấn đề tham nhũng là ý đồ xấu, vì Việt Nam vẫn chưa phải là nước đứng đầu thế giới về tham nhũng, và ở những nơi nhất hạng đó vấn đề đảng cầm quyền không được đặt ra. Quả vậy, nhưng những nơi nhất hạng đó khác Việt Nam:
  1. Đảng cầm quyền không trực tiếp và duy nhất nắm quyền, không là một đảng duy nhất đi vào hiến pháp nhưng là lực lượng đứng trên tất cả.
  2. Đảng cầm quyền không khẳng định là đảng tiên tiến nhất, cách mạng nhất, ưu việt nhất, truyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân và dân tộc nhất; tức không thần thánh hóa chính mình, mà để mở những khả năng “bình dị”, tức có tốt, có xấu. Từ đó mà mới có thể mở ra khả năng có những biện pháp hữu hiệu để thăng tiến cái tốt và triệt trừ cái xấu.
  3. Đảng cầm quyền và mọi chính đảng khác đều không có một hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, về đến mọi ngóc ngách của xã hội, không có vấn đề chi bộ đảng cầm quyền hiện diện ở mọi nơi để lãnh đạo những điều tiên tiến nhất, nhưng lại để tham nhũng tràn lan nhất. Từ đó cũng không có chuyện khi tham nhũng bị khui ra toàn là những chức sắc, những con người luôn được xếp loại ưu hạng của đảng cầm quyền.
[10]Băng hoại xã hội ở đây hoàn toàn không theo nghĩa bùng phát sex trên net. Nó là sự phát triển xã hội không lành mạnh (cả về lối sống lẫn tính cách con người, cả về kinh tế lẫn văn hóa…) trên căn bản các quan hệ thể chế và xã hội nảy sinh từ gốc rễ toàn trị phương Đông. Chính nó sẽ là cái càng làm trầm trọng thêm sự tụt hậu.
[11]Những người đi tố cáo việc nhận hối lộ của các quan tư pháp cũng “được” đối xử “chính đáng” bằng sự trừng trị của pháp luật, hay phóng viên Lan Anh báo Tuổi Trẻ cũng chỉ là những trường hợp nổi cộm nhất thôi.
[12]Nghe đâu chính trung ương đang chuẩn bị cho ra đời qui chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Có gì tích cực và khả thi cho một đời sống tinh thần và lý luận mới, chúng ta cùng đợi xem.