Trong dòng xoáy của lịch sử Việt Nam thế kỉ vừa rồi có những số phận là tụ điểm của mọi xung đột và vận động của thời đại, song thời đại dường như không muốn nhớ đến. Erwin Borchers, một người Đức, mang tên Việt do Hồ Chủ Tịch đặt là Chiến Sĩ, thuộc về số ấy.
Sinh năm 1906 tại Straßburg (Elsaß) khi ấy còn thuộc Đức, theo học văn chương Đức và Pháp, ông sớm gia nhập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức và tham gia các hoạt động chống phát-xít, để cuối cùng phải sang Pháp, trốn sự truy bức của chính quyền Quốc Xã. Tại Pháp, lại bị quản chế vì bị tình nghi là gián điệp Đức, năm 1939 ông chọn con đường gia nhập quân đoàn lê dương của Pháp để thoát tù đầy và hi vọng đứng dưới ngọn cờ Pháp chống lại Đức phát-xít. Nhưng sau 2 năm ở Algérie rồi sang Đông Dương, thất vọng về mục tiêu tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa của Pháp, ông cùng Rudolf Schröder, một trí thức cánh tả Đức, và Ernst Frey, một người Áo, đảng viên cộng sản, thành lập một chi bộ cộng sản trong quân đoàn lê dương của Pháp và bắt liên lạc với Việt Minh. Khi Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, ông bị Nhật giam giữ một số tháng. Năm 1945, cùng 2 người đồng chí kể trên, ông được một chiếc xe hơi Mĩ của Việt Minh đón về đại bản doanh của lực lượng kháng chiến, và được Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh đích thân đón nhận vào hàng ngũ kháng chiến. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Erwin Borchers giữ nhiều trọng trách trong hoạt động tuyên huấn và địch vận, ra tờ báo đầu tiên của Việt Minh bằng tiếng Pháp, kêu gọi lính Pháp và lính lê dương trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ, về với chính nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, giáo dục hàng binh và tù binh Pháp, ... và có mặt trong trận Điện Biên Phủ lịch sử.
Khác với Ernst Frey và Rudolf Schröder - cả hai đều trở về châu Âu khi ảnh hưởng của Trung Hoa Đỏ từ đầu những năm 50 ngày càng lớn và những cuộc chỉnh huấn trong Việt Minh theo mô hình Mao ngày càng gia tăng- Erwin Borchers ở lại Việt Nam với gia đình, người vợ Việt Nam và ba đứa con, làm việc cho thông tấn xã Cộng hoà dân chủ Đức ADN tại Hà Nội. Trong thời kì Nhân văn-Giai phẩm, ông bị canh gác và theo dõi. Năm 1965, ông cùng gia đình rời khỏi Việt Nam, về sống tại Đông Berlin thuộc CHDC Đức, làm phóng viên đài phát thanh. Năm 1968, vì nhiệt liệt đón chào Mùa Xuân Praha, ông gặp rắc rối với "cấp trên", và một lần nữa đi tìm một quê hương mới: Erwin Borchers trốn sang Tây Berlin. Ông rất muốn trở về Strasbourg nay đã thuộc Pháp, nhưng không thể, vì tại đó ông sẽ bị bắt giam và truy tố vì tội đào ngũ và phản quốc. Năm 1984, 5 năm trước ngày bức tường Berlin sụp đổ, Erwin Borchers mất ở Tây Berlin, sau nhiều năm cô đơn và trầm cảm.
[1]
Đầu năm 2004, Viện Goethe tại Hà Nội đã tổ chức một hội nghị về những người Đức phục vụ trong quân đội Pháp, bỏ hàng ngũ sang phía Việt Minh trong chiến tranh Đông Dương. Bài phát biểu sau đây của Claudia Việt-Đức Borchers, con gái Erwin Borchers, được đọc trong hội nghị này. Claudia Việt-Đức Borchers, hoạ sĩ, hiện sống ở Berlin.
talawas
Kính thưa các cô các bác, các vị khách quý cùng người chị gái, anh rể, cả con trai tôi cùng đi từ Berlin tới đây khiến lòng tôi vui mừng khôn xiết!
Ngày hôm nay và chính tại đây trên thành phố Hà Nội thân yêu, nơi tôi lớn lên, tôi coi việc được nói chút ít về người cha của mình là một điều vinh hạnh.
Hẳn không là ngẫu nhiên, sau 36 năm tôi lại lại có duyên với ông già Goethe, như người Đức thường gọi. Lần đầu tiên biết đọc và hiểu bài thơ
Chào và Giã biệt của Goethe, tôi đã thật tự hào. Có lẽ khi đó tôi thuộc về số ít người nhiệt thành tìm hiểu tác phẩm của thi hào được giới thiệu như vậy ở nhà trường chăng?
Khi ông Heinz Schütte mời tôi nói về cha tôi, tôi đã nghĩ rất nhiều. Trước hết là câu hỏi: người đàn ông ấy có ý nghĩa gì trong tôi, đứa con gái của ông, vì với chúng tôi, các con ông, ông mang vẻ gì xa lạ. Ông là người Âu, có chiếc mũi dài, một người "mũi lõ", trắng trẻo và sáng sủa. Ðôi khi tôi sợ hãi vẻ xa lạ của ông. Ðó là một cảm giác pha trộn giữa yêu và sợ. Ông là một người cha dịu dàng: khi tôi khóc, ông bế tôi vào lòng và dỗ dành. Có lần mẹ kể rằng ngày giải phóng, khi chúng tôi từ rừng núi trở về Hà Nội, cha bế tôi trên tay vì sợ có sự gì xảy ra với tôi, suốt dọc đường hành quân dài 20 km mới tới trạm nối tiếp. Khi đó tôi mới 4 tuổi. Tôi được đặt tên là Việt-Ðức, hàm nghĩa Việt Nam và Ðức, nhờ trận đánh Ðiện Biên Phủ. Tôi sinh ra dưới một lán lều tre - nên mới đầu mẹ gọi tôi là con bé Mai. Dạo ấy cha tôi đi suốt ngày, một bữa về nhà nói với chúng tôi rằng ông phải đi Ðiện Biên Phủ, vậy nên đứa bé phải mang một cái tên gì gợi nhớ tới ông, nếu chẳng may ông không trở về từ mặt trận này. Và thế là tôi nhận cái tên Việt Ðức, một cái tên đã khiến tôi khá khổ sở. Tôi không ưa cái tên này vì nó đặc chất đàn ông. Trong trường học, chúng bạn coi tôi là cậu bé và điều đó khiến tôi giận dỗi. Còn ở Ðức, các bạn Ðức phát âm cái tên này cứng như "vịt đúc bằng sắt" vậy. Ngoài ra tôi biết quá ít về cha tôi. Những gì lọt vào tai tôi là những điều ta thán của mẹ như "bố con chẳng thấy mặt mũi đâu", "bố con chỉ ưa đám đàn ông tụ họp, chẳng chăm lo gì cho gia đình". Nhưng ông đi đâu? Chẳng lẽ ông luôn đi vắng? Tôi chỉ lờ mờ dự cảm rằng ông ở sâu trong rừng rậm. Trong lời kể của mẹ, cha tôi luôn vắng nhà. Suốt thời quân Nhật chiếm đóng Hà Nội, mẹ tôi nuôi giấu cha tôi một nơi, chăm bẵm ông, lo cháo cơm và thuốc lá. Hẳn bà phải rất yêu ông, vì dạo đó ai nuôi giấu một người Tây sẽ chịu tội tử hình.
Cha tôi có là một trí thức cao ngạo không? Gì thì gì, trong số người Đức rời bỏ hàng ngũ, ông bị nhiều kẻ luôn ganh tị. Tuy vậy cha thường nói với tôi rằng những năm tháng chiến tranh Ðông Dương là quãng thời gian bổ ích nhất của đời ông, cả khi trong rừng sâu đầy thiếu thốn. Nhiều khi không có gì mà ăn. Nhưng sự đồng cam cộng khổ của con người dạo đó, tình yêu của người Việt Nam dành cho ông đã xóa nhòa gốc gác Âu châu của ông. Cũng vì vậy, với chúng tôi, cha tôi có chút gì đặc biệt. Nếu cha và mẹ nói tiếng Pháp với nhau thì các con ngồi chầu rìa vì chúng tôi không hiểu tiếng Pháp. Căn nhà của chúng tôi là điểm gặp gỡ của người Ðức. Cha tôi là người thích quây quần.
Cách đây vài năm, ở một làng vùng Mecklenburg, do một sự tình cờ tôi gặp được một người Ðức xưa đi lính lê dương. Dạo ấy người đàn ông này bị bắt làm tù binh. Ông ta kể tôi nghe về cha tôi rằng, thay vì việc phải tẩy não người ta về mặt chính trị bố tôi lại thích trò chuyện về những chủ đề phi chính trị và còn uống bia với họ.
Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, nhà chúng tôi ở bị theo dõi. Cha tôi có nhiều mối giao du với các trí thức ở Hà Nội. Ông có học và hiểu biết rộng. Chẳng ai ngạc nhiên là ông được nhiều phụ nữ bám quanh. Sau ngày giải phóng, ông gặp rắc rối với Đảng ở đây. Có thể nói là người ta đã bỏ rơi ông, coi ông là "quá tư sản", không đủ lòng "trung thành với đường lối" thời ấy. Ông cấm con cái là chúng tôi không đựợc hát những bài hát thiếu nhi mang màu sắc chính trị học ở trường về, bởi nội dung các bài hát đó quá giáo điều. Cha tôi luôn chống đối mọi giáo điều, nhưng trong thẳm sâu con tim ông vốn nguyên là một người cộng sản. Thất vọng vì tất cả, ông không muốn tham gia cuộc chiến tranh giải phóng tiếp theo ở Việt Nam. Thế nên trong hoàn cảnh đó, ông quyết định trở về quê hương, nước Đức. Chuyện đó xảy ra năm 1966.
Về đến Cộng hoà dân chủ Ðức, lúc đầu cha tôi hào hứng bởi ý tưởng một nước Ðức mới. Sự bẽ bàng đã tới cùng với mùa xuân Praha 1968. Ông đã thẳng thừng nói tuột ý nghĩ trong một cuộc họp chi bộ Đảng để rồi sống lặng lẽ, rút sâu mãi vào nội tâm. Nhưng càng vậy ông càng chăm lo hơn tới những đứa con đang học đại học của mình. Mười năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ông nói với tôi: "Bố cứ cho nhà nước này giỏi lắm là 10 năm nữa. Nếu cứ tiếp như vậy thì sụp đổ hết mà thôi."
Cha tôi là một con người tốt bụng. Tôi cho rằng, dòng máu miền đất sông Rhein đã bảo tồn con người ông trải qua nhiều tháng năm rối ren và tàn tệ trong đời. Có lần ông nói với tôi rằng ông muốn được rắc nắm tro của mình vào một nơi nào đó trên đất Việt Nam. Việc đó chẳng bao giờ thực hiện được. Lúc tuổi đã cao, ông lại đổi chiến tuyến, bởi chua chát và thất vọng: ông sang Tây Berlin. Tuy vậy sau này tôi được biết, trước khi mất, hàng năm ròng ông rơi vào trạng thái u uất trầm cảm. Trong tôi còn lại một người cha, thế nào đó, như thể một người không có quê hương.
Ðôi khi tôi ước rằng cha tôi còn sống, để được nghe ý kiến của người về thời thế hôm nay. Người ta hay hỏi tôi: tôi suy nghĩ trong tiếng Ðức hay trong tiếng Việt. Ðiều ấy thật không mấy quan trọng nữa. Với người Ðức, tôi nghĩ bằng tiếng Ðức và bên bè bạn Việt Nam, tôi nghĩ bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi tự hào làm người con của mẹ cha khác biệt hai dòng máu. Hoàn cảnh đó đã làm cuộc đời tôi phong phú hơn.
Xin chân thành cảm ơn mọi người đã dành chút thời gian lắng nghe.
© 2004 talawas
[1]Một số sự kiện nêu trên được tổng hợp từ bài "Stalingrad của Pháp" (
Frankreichs Stalingrad) của Sebastian Fellmeth, đăng trên Die Zeit, 04.3.2004,
http://www.zeit.de/2004/11/A-Indochina