trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
30.9.2008
Edward Luttwark
Dù thế nào Hoa Kỳ cũng sẽ khá hơn
Lê Diễn Đức dịch
 
Lời người dịch

Cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ đang là trọng tâm quan sát của các nhà bình luận kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Tại Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống G. W. Bush đã liên tục vận động và thuyết phục Hạ viện thông qua luật ứng cứu. Các nghị sĩ làm việc luôn cả cuối tuần để vào sáng thứ Hai ngày 29/09, khi thị trường chứng khoán mở, khả dĩ có thể ra được thông báo khả quan. The New York Times thuật lại việc Bộ trưởng Tài chính Henry Pauson chỉ còn thiếu nước quỳ xuống chân bà chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, năn nỉ: “Tôi van lạy các bạn, đừng rút ý kiến ủng hộ! Các bạn đừng làm hỏng tất cả!”. Trong khi đó bà Nancy lại trả lời: “Không phải chúng tôi không ủng hộ mà chính là đảng của ông. Những người của Đảng Cộng hoà”. Rốt cuộc, dù tranh cãi gay gắt, dự luật vô tiền khoáng hậu đã đạt được đồng thuận: bơm 700 tỷ đô la tiền thuế của công dân Mỹ vào dòng chảy tiền tệ để cứu vãn kinh tế Hoa Kỳ khi những con cá mập lớn nhất trên Wall Street đã và đang bị phá sản hoặc hấp hối. Thế nhưng đến lúc bỏ phiếu trong ngày 29/09, tỷ số chung cuộc đã làm Tổng thống G. W. Bush thất vọng, 205 phiếu thuận, 228 phiếu chống. Ngay lập tức chỉ số Dow Jones sụt 4,6%, Nasdaq 7% và các thị trường chứng khác trên thế giới đang nháo nhác. Ứng viên Tổng thống của Dân chủ Barack Obama kêu gọi mọi người bình tĩnh và nói rằng, dự luật với những điều chỉnh bổ sung sẽ được biểu quyết lại và cuối cùng Quốc hội sẽ thông qua.

Nhà kinh tế Hoa Kỳ danh tiếng, Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001 - Joseph Stiglitz nhận xét trên The New Republic rằng, hệ thống tài chính Hoa Kỳ đang chuyển thành một sòng bạc, mà trong đó cơ chế dối trá bảo đảm cho các ông chủ sòng những món lãi khổng lồ bằng tiền của dân chơi.

Benjamin R. Barber, nhà lịch sử triết học chính trị, tác giả cuốn sách nổi tiếng Jihad vs. McWorld phát biểu rằng, Quốc hội Hoa Kỳ chẳng cần hỏi ý kiến ai, ký luôn tấm séc cho chiến tranh Iraq, sau 5 năm chưa đạt được bao nhiêu kết quả mà hoá đơn thanh toán đã phải chi cả ngàn tỷ đô la và bốn ngàn lính bị chết. Ông cho rằng, cần phải kiểm tra thật kỹ toàn bộ sự việc, không cho ông G. W. Bush có thêm cơ hội lấy tiền chùa như vậy nữa. Ông nói: “... Chủ nghĩa tư bản chỉ vận hành tốt nhất dưới sự kiểm soát của dân chủ, tức là khi nhà nước có quyền xem xét, điều chỉnh nguyên tắc hoạt động của nó, trong đó có việc thực thi tài chính và cả lương bổng của sếp các tập đoàn”. Cuộc khủng hoảng, theo ông, sẽ kéo dài thời gian suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ, mà theo quy luật thì 10 năm suy trầm của kinh tế Hoa Kỳ sẽ kéo theo 15 năm suy thoái của cả thế giới.

Khủng hoảng tài chính xảy ra trong giai đoạn sắp kết thúc của cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc. Cả John McCain và Barack Obama trong luận chiến đầu tiên hôm thứ Sáu, ngày 26/09 tại Oxford, tiểu bang Mississippi đều chú trọng đến kinh tế, đề tài số 1 hiện nay của cử tri Hoa Kỳ. Cả hai đều ủng hộ kế hoạch ứng cứu “Bailout” của Henry Pauson nhưng với liệu pháp khác nhau. Obama không bỏ lỡ cơ hội cho rằng khủng hoảng tài chính là kết quả sai lầm 8 năm cầm quyền của Đảng Cộng hoà và kêu gọi cử tri không thể tiếp tục thêm một chính quyền như vậy nữa. Trong khi đó, theo Richard Perle, nhà chính trị học Hoa Kỳ, một nhân vật tân bảo thủ được tôn trọng trong chính giới Mỹ, nói rằng, không thể trút lên Đảng Cộng hoà mọi hậu quả. Chính Đảng Dân chủ là nhân tố ủng hộ tuyệt đối chính sách cho vay tiền mua nhà dễ dãi với mọi người. Một trong những nguyên do lớn nhất của vấn đề khủng hoảng là tập đoàn tài chính Fannie Mae, từ nhiều năm nay là thành luỹ của Đảng Dân chủ, đã hoạt động vô trách nhiệm... Rất tiếc, ông John McCain đã không nêu ra nhận định này để phản công lại đối thủ.

Sẽ còn tốn nhiều giấy mực của các nhà phân tích về cuộc khủng hoảng và liên đới của nền kinh tế số 1 với cả phần còn lại của thế giới. Có còn nữa không câu châm ngôn: Khi Hoa Kỳ cảm cúm, cả thế giới sẽ bị chảy nước mũi? Wall Street đã hoàn toàn đánh mất bộ mặt tư bản chủ nghĩa khi phải chịu sự kiểm soát bằng các định chế nghiêm ngặt của chính phủ? Chủ nghĩa tư bản có định hướng? Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Hoa Kỳ? Hoa Kỳ chấm dứt vai trò tài chính lớn nhất của siêu cường quốc? Vân vân và vân vân... Chắc chắn sẽ còn dài dài những lời đáp khác biệt.

Ngoại trưởng Condoleeza Rice khẳng định với hãng Reuter: “Đây là cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng Hoa Kỳ có những nền tảng kinh tế vững chắc, mà trong đó là lực lượng lao động sáng tạo và năng suất nhất trên thế giới. Tôi cho rằng, Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ bước ra khỏi cơn khủng hoảng, nếu không nói là mạnh hơn”.

Bài “Dù thế nào Hoa Kỳ cũng sẽ khá hơn” sau cuộc khủng hoảng của Edward Luttwak, đăng trên nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 27-28/09/2008 cung cấp cho chúng ta thêm những phân tích theo quan điểm trên. Edward Luttwak tốt nghiệp London School Economics tại Anh, hiện là giáo sư tiến sĩ của University John Hopkins tại Hoa Kỳ, tác giả của cuốn sách Turbocapitalism, cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan, người đã có công vực nền kinh tế Hoa Kỳ qua khỏi suy thoái trong những năm 80.

Lê Diễn Đức
Vào những giai đoạn khi tài chính Hoa Kỳ bị suy yếu do bất động sản bị xuống giá không còn bảo đảm cho các khoản nợ thế chấp đang tăng lên với mức độ khủng khiếp (tới hàng ngàn tỷ chứ không phải hàng tỷ), khi mà giá trị các khoản tiền đầu tư an toàn tại các ngân hàng theo từng ngày đang trượt xuống con số không và khi bản thân đồng đô la đang đánh mất chữ tín vì những món nợ không biết tới đâu của chính phủ Hoa Kỳ, các dự đoán về sự suy sụp của Hoa Kỳ có vẻ đúng.

Những cuốn sách thông tấn được viết đang nằm đợi – như của Fareed Zakaria (Tổng biên tập Newsweek International – ND) The Post American World – nhắc lại những điều ai cũng biết. Rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng từ suốt 30 năm, còn Ấn Độ thì từ 10 năm nay. Rằng, tại vùng Vịnh Persian thị trường tiêu thụ tưng bừng như vũ hội hoá trang - mỗi thủ lãnh Hồi giáo xây cho mình một sân bay quốc tế, chẳng thấy mạo hiểm gì với những khách sạn trống rỗng. Rằng, ở Moscow đang phun lên dòng rúp-dầu, Kremlin điều hành quyền lực kinh ngạc. Rằng, công thức kinh tế của châu Âu đang lún sâu bởi chủ nghĩa bảo thủ của các nghiệp đoàn và liên hiệp các chủ doanh nghiệp (được gọi là những vấn đề cơ cấu), trong khi chính sách hội nhập dịch chuyển chưa bằng tốc độ các núi băng. Và cuối cùng là tài sản khổng lồ của Hoa Kỳ, đất nước của hơn 19 ngàn sân bay dành cho máy bay tư nhân và phi thuyền đậu nghẹt biển Địa Trung Hải – đang bị huỷ hoại do những cách giải quyết thực dụng không thể chấp nhận được các vấn đề của đất nước, từ ma tuý đến giao thông công cộng và chăm sóc xã hội, ngốn đi 17 phần trăm tổng thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ hiện nay.


Một Trung Quốc hoang phí

Những điều kể trên chúng ta đều biết, nhưng để xác định tương lai Hoa Kỳ - và châu Âu – chúng ta cần biết thêm Hoa Kỳ và châu Âu cạnh tranh ra sao với các cường quốc khác. Có thể Đảng Cộng sản Trung Quốc còn nắm quyền lực, có thể sụp đổ - một cuộc động đất mạnh ở Bắc Kinh đủ để giải phóng sự bất bình dồn nén từ hàng chục năm – mà cũng có thể Đảng Cộng sản cải tổ dân chủ, giành chiến thắng trong bầu cử, chỉ để như Quốc dân Đảng trên đảo Đài Loan, là chiến thắng thực sự? Đây là điều kiện Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ - hiện đại hoá, đất nước dân chủ và ổn định với 1,3 - 1,5 tỷ người sẽ thăng tiến trong mọi lĩnh vực đối với kẻ cạnh tranh yếu hơn. Thế nhưng các chính quyền cộng sản phạm phải sai lầm nối tiếp nhau, bởi vì khi gây ra những thất thoát khủng khiếp về vốn, mọi nền độc tài đều mắc phải – trong mọi tỉnh lỵ và hàng trăm đơn vị hành chính khác thể hiện ở mức độ nhỏ hơn bệnh hoang tưởng của chính quyền trung ương: Nhà máy thuỷ điện trên sông Trường Giang, chẳng bao giờ điện có thể bù lại được chi phí làm ngập bấy nhiêu thành phố, 1.142 cây số đường xe lửa kỳ ảo trên núi cao tới Lhasa (Tây Tạng – ND) chẳng bao giờ bù được vốn bỏ ra, Thế vận hội đã buộc phải đóng cửa hoặc di chuyển hàng ngàn nhà máy trong cố gắng vô vọng làm sạch không khí ô nhiễm của thủ đô, cuối cùng là những đề án điều tiết sông Hoàng Hà, trong thực tế đang làm tiến trình sa mạc hoá tiến sâu hơn, những trụ sở hoành tráng của Đảng, những dinh thự nguy nga của các vị lãnh đạo.

Toàn bộ sự hoang phí cộng thêm với sự đầu tư ồ ạt không hiệu quả của tư nhân làm giảm đi số lượng thực tế còn lại của đồng vốn, gặm nhấm dần giá trị tiết kiệm của Trung Quốc. Đó chính là lý do vì sao Trung Quốc được cai quản bởi những người cộng sản đã không thể nào đạt được năng suất của Nam Hàn, đừng nói đến bài toán dài hạn trong việc cạnh tranh với sự sáng tạo của kinh tế Hoa Kỳ. Trung Quốc vẫn tiếp tục lệ thuộc vào nhập khẩu công nghệ, các thiết kế và các hình mẫu cơ cấu – những công trình xây dựng quan trọng nhất của Thế vận hội là di sản của các kiến trúc sư nước ngoài. Trung Quốc ngày nay tiếp tục tăng trưởng bão chớp là nhờ chi phí sản xuất thấp, nhưng chỉ có kẻ ngu ngốc và những tác giả các cuốn sách đã viết đang chờ in là tin tưởng rằng, khuynh hướng này sẽ giữ mãi trong khi chi phí tăng.


Một Ấn Độ lộn xộn

Ấn Độ không ngán ngẩm vì thâm hụt dân chủ mà vì một cái quá lớn của nó: tăng trưởng kinh tế đang bị đe doạ bởi nạn tham nhũng ngày mỗi tăng của các chính phủ mị dân. Các nhà chính trị đáng kính vẫn đang tiếp tục chèo lái qua các đảng lớn – Đảng Quốc đại và Đảng Nhân dân Ấn Độ - tuy nhiên các đảng này cũng nhường chính trường cho những tổ chức chính trị nhỏ hơn mang tính quyết định để thành lập hay phá bỏ liên minh cầm quyền. Về hình thức thì đại diện vẫn là các sắc giới, các địa phương và các tổ chức quá khích tản mạn, thế nhưng đại biểu của họ sẵn sàng bán đứng lá phiếu, còn số khác để được bầu phải có giấy phép ra khỏi nhà tù, nơi họ đang bị giam giữ vì tống tiền, ăn hối lộ, lừa đảo, thậm chí giết người. Đáng nói là (trừ một vài ngoại lệ) nạn tham nhũng ngự trị ở thượng tầng của đất nước. Chủ yếu – chung nhất – ở khâu chuyển đổi chính sách theo những xung đột thường nhật về ăn chia - điều làm trở ngại cho việc lên kế hoạch và giảm thiểu quỹ đầu tư công cộng. Nếu như ở Trung Quốc người ta đầu tư lớn vào các cơ sở hạ tầng, thì Ấn Độ mức đầu tư cho đường sá, sân bay và các nhà máy điện thật thảm hại, song song với xung đột về tư hữu hoá. Giới tinh hoa ít ỏi trong chính quyền trung ương đấu tranh để giữ lại những tiêu chuẩn của Anh quốc một thời, thế nhưng ở tầng tiểu bang tình trạng quan liêu, vô hiệu quả lan rộng và nạn tham nhũng ngày càng không biết hổ thẹn là gì. So sánh về dân số ngang với nước Đức tại tiểu bang Tamil Nad, một thời được điều hành tốt bởi những người của giới Bà-la-môn, ngày hôm nay các quan chức của sắc giới nhỏ hơn đang quản lý tệ hại đến mức như chẳng hề làm gì. Nếu như tăng trưởng kinh tế không làm đảo ngược khuynh hướng này, một thể chế không hoàn chỉnh sẽ đe doạ kinh tế đất nước.


Một nước Nga không được đầu tư thêm

Một nước Nga đang bị sụt giảm dân số với nền kinh tế thế giới thứ ba dựa trên xuất khẩu nguyên liệu không phải là đối thủ của Hoa Kỳ và châu Âu. Thế nhưng nó sẽ phải trả giá khá nhiều, bởi vì Nga ủng hộ mọi hoạt động chống phương Tây – từ chính quyền của Chavez cho đến chế độ độc tài gây hậu quả thảm khốc của Mugabe. Khi mà những hy vọng về một nền dân chủ thực sự chấm dứt, thế giới vẫn ảo tưởng rằng, Putin sẽ thiết lập ít nhất một chế độ chuyên chế có quyền lực nằm ở Kremlin, nhưng với kinh tế thị trường. Thay vì thế, thật đáng tiếc, ông ta đã xây dựng một cơ cấu như kiểu chế độ có kế hoạch tập trung theo chủ nghĩa găng-tơ, nơi mà các nhà tư bản địa phương được ban phát ân huệ, còn với những nhà đầu tư nước ngoài đang tiến triển, trước nhất luôn bị đe doạ sẽ bị điều tra về những tội phạm cố ý, trong khi bọn giết người thì được che chở. Tiền chẳng thiếu cho mọi thứ xa hoa, nhưng thiếu tiền đầu tư thêm cho nghiên cứu, phát triển, nông nghiệp hay công nghiệp. Cho nên khi sự bùng phát về dầu mỏ và khí đốt kết thúc – tất cả mọi bùng phát khác, sớm hay muộn đều sẽ kết thúc - toàn bộ nền kinh tế Nga sẽ lung lay.


Một châu Âu hội nhập

Kết luận từ những điều trên là, mặc dù đang gặp những vấn đề hiện tại, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn giữ vị trí đầu bảng còn lâu trên thế giới và sự cạnh tranh có tính chiến hữu, không thể ngăn chặn và thực tế, sẽ xảy ra giữa hai bên. Ưu thế của Hoa Kỳ là thể chế liên bang, cho nên tương lai cạnh tranh xuyên Đại Tây Dương sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hội nhập của Liên minh châu Âu (EU). Các nước thành viên EU đưa ra những chống đối hiệu quả và ngày càng mạnh mẽ đối với những đề xướng tiêu chuẩn của các quan chức EU từ Brussels – từ Chủ tịch EU cho đến chất lượng của pho-mát. Nhưng giờ đây đang mở ra một con đường hội nhập khác nhờ một cái gì đó cho ta cảm tưởng như là đối nghịch – sự phi tập trung hoá của châu Âu đang bị rơi xuống các khu vực, thậm chí nhà nước không chính thức như Catalonia (của Tây Ban Nha – ND) hay Scotland, và hoà vào trào lưu này trong thời gian ngắn nữa có thể là Liên minh Bắc Italy (Padania). Mô hình có thể kết hợp các khu vực khác biệt nhau, đó là một bộ sậu quản trị cho phép giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị trên cả lợi ích riêng của từng khu vực – bộ sậu không nhất thiết là nhà nước, cái mà các khu vực đang muốn giải thoát. Đây chính là sự thúc đẩy thành lập một chính phủ Liên minh châu Âu, sẽ mạnh hơn bất kỳ ý tưởng nào của các quan chức EU. Nó sẽ cho phép loại bỏ được vật cản tạo ra trong quá trình hội nhập của các quốc gia thành viên.


Một nước Mỹ sáng tạo

Về Hoa Kỳ - sẽ có câu hỏi, liệu Hoa Kỳ có dám đối đầu với các vấn đề bằng những biện pháp chính trị hay lại một lần nữa cho phép lợi ích của tư nhân che lấp nó. Vế đầu sẽ tốt hơn nhưng vế thứ hai hình như có khả năng hơn, bởi vì vẫn thiếu sự đồng thuận về cách giải quyết các vấn đề mang tính tổng thể, từ lạm chi ngân sách liên bang đến chăm sóc y tế - gợi ý để không ghép tim nhân tạo cho bệnh nhân 97 tuổi vẫn còn là cấm kỵ.

Tuy nhiên một con đường của sự phát triển kinh tế sáng tạo khác đang mở ra. Tất cả đang chứng tỏ rằng, một sự bùng phát mới với phong cách Mỹ đã bắt đầu, chính là trong lĩnh vực năng lượng. Sự biến chuyển nhỏ hơn là việc xe hơi của em trai tôi ở Denver đang chạy bằng dầu ăn mà nhà hàng đã dùng, quan trọng hơn là ý thức của anh ta, cùng với ý thức của hàng triệu người Mỹ, tập trung vào vấn đề tiết kiệm, tạo ra sản phẩm và thay thế nguồn năng lượng – vào những thứ được xem như phi lý, không ai quan tâm trong thời kỳ xăng dầu rẻ. Sáng chế mới sẽ đi vào sản xuất công nghiệp, ví dụ như đề án xe hơi chạy điện của Israel sẽ là một bước ngoặt vô cùng to lớn, bởi vì công nghệ đã sẵn sàng, một đơn vị thành phẩm giá rất thấp, mỗi doanh nghiệp và mỗi thành phố có thể đặt toàn bộ thiết kế ở mức độ tuỳ ý và nhà máy nào cũng có thể bắt đầu nhanh chóng. Trong sự so sánh với các tấm gương dùng năng lượng mặt trời, các tuốc-bin chạy bằng sức gió, hay các lò phản ứng nguyên tử phải xây dựng qua nhiều năm, những sáng chế hiện nay – vì tạo ra cảm hứng kinh doanh, nên sẽ nhanh – có thể mở ra tại Hoa Kỳ một sự bùng phát kinh tế mới.

Những thông tin mới này sẽ làm các nhà xuất khẩu dầu lo ngại, chứ không phải những câu chuyện về vô số các lò hạt nhân hay về những điều gì khác, cái phải cần đến khả năng về hoạt động công cộng đang yếu đi của Hoa Kỳ, nơi mà Quốc hội không biết thông qua luật về con đường nhanh chóng hợp pháp hoá xây dựng các lò hạt nhân, nơi mà “nhanh chóng” có nghĩa là những đòi hỏi kéo dài nhiều năm của toà án.

Tóm lại tương lai của Hoa Kỳ cũng như châu Âu là những ưu điểm sẽ biến chuyển – tính doanh nghiệp cá thể của một bên bờ Đại Tây Dương và bên kia là uy tín địa phương-khu vực – chứ không phải những điểm yếu đang làm mọi người nghĩ đến sự suy sụp.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Gazeta Wyborcza ngày 27-28/09/2008