Có một câu chuyện xưa như… thành La Mã. Đó là câu chuyện bánh mì và xiệc. Bắt đầu từ triều đại Augustus, các Hoàng đế La Mã cho giới bình dân thành La Mã được hưởng miễn phí các trò giải trí hoành tráng và tốn kém ở các đại hí trường như Circus Maximus hoặc Colloseum, và phát không bánh mì, rượu vang để giành sự ủng hộ của giới bình dân và dùng nó như một phương tiện để thâu tóm quyền lực và xây dựng vinh quang.
Một trăm năm sau, khi nền Cộng hòa La Mã chỉ còn là một ký ức mờ nhạt, nhà thơ La Mã Juvenal đã viết đầy cay đắng về giới bình dân trong “Lộng khúc số MườI”: “Mất đi lá phiếu, lẽ sống của họ thành: ‘Hơi sức đâu mà để ý.’ Đã có thời lá phiếu của họ bầu ra các nguyên thủ, và các tư lệnh, nhưng giờ đây họ thúc thủ. Chỉ có hai thứ khiến họ quan tâm:
Bánh mì và xiệc.” Từ đó thành ngữ này được dùng để nói tới sự thành công của chính sách ngu dân của các chính quyền độc tài khi khiến được dân chúng chỉ chọn ăn và chơi, thay vì thực hành các quyền tự do dân sự.
Câu chuyện này cho thấy người dân có thể dễ dàng đánh mất nền cộng hòa như thế nào. Nó trở thành một bài học cảnh giác. Hai ngàn năm sau, những công dân tỉnh táo ở các nền dân chủ tiên tiến trên thế giới thỉnh thoảng vẫn phải lên tiếng cảnh báo khi nhận ra các đảng phái chính trị đương quyền chơi trò
bánh mì và xiệc.
Câu chuyện
bánh mì và xiệc ở các nước cộng sản hơi khác một chút. Để xây dựng một thiên đường xã hội chủ nghĩa, các chính quyền cộng sản thâu tóm hết của cải của dân chúng, tước hết các quyền tự do dân sự ít ỏi, cô lập dân chúng với thế giới, rồi phân phát nhỏ giọt bánh mì hoặc cơm gạo để dân chúng sống qua ngày và đến khi cần thì cung cấp miễn phí các trò giải trí hoành tráng và tốn kém ở các quảng trường và vận động trường để dân chúng, đặc biệt là các thế hệ mới lớn, vừa tự bịt mắt (chính quyền hy vọng là vậy) vừa hừng hực lên tinh thần sống, chiến đấu, và lao động vì một tổ quốc xã hội chủ nghĩa và một thế giới cộng sản đại đồng đầy khí thế.
Chỉ có Bắc Hàn và Cuba là còn tạm thành công với trò này. Còn các nước cộng sản khác hoặc đã bị dân chúng lật đổ để tự mình kiếm bánh mì, tự mình chọn trò giải trí mình thích – Đông Âu - hoặc đã tự thay hình đổi dạng nhằm thích hợp hơn với thời thế – Đông Á. Hiển nhiên là dân chúng ở các quốc gia cộng sản Đông Á ở thời hậu toàn trị thấy thỏa mãn hơn khi tự mình được kiếm cơm lấy. Vì vậy các chính quyền này luôn bị ám ảnh rằng một khi chính quyền đã chấp nhận lùi bước để dân chúng tự lo cho bao tử thì cũng phải ráng làm sao để dân chúng đừng quan tâm tới thế sự và không khám phá ra được các quyền tự do dân sự của mình.
Các trò
xiệc cứ như vậy mà cứ tái diễn trong lịch sử. Để phế bỏ nền cộng hòa, các hoàng đế La Mã tổ chức
xiệc để dân chúng quên đi các quyền tự do chính trị có từ lúc sinh thành của mình. Để ngăn chặn một nền cộng hòa sẽ đến, các vua chúa mới ở phương Đông cũng tổ chức
xiệc. Chính quyền Trung Quốc giờ đang lèo lái cả dân tộc Trung Hoa vô một màn
xiệc quốc gia khổng lồ tốn kém đển 40 tỷ Đôla, khi mà sinh thái cần thiết cho phát triển đang trên bờ vực sụp đổ: Thế vận hội. Để cho cuộc vui được thêm phần vĩ đại và trọn vẹn, một tí men dân tộc chủ nghĩa được rót vào bình rượu vui để giải tỏa cái phức cảm Trung Hoa, vốn vừa tự thấy mình nhược tiểu vừa tự thấy mình vĩ đại. Thế vận hội trở thành một công cụ cho chính quyền Trung Quốc chia sẻ và phổ biến sâu rộng cái phức cảm thiên triều hết thời này ra toàn thể dân chúng, vốn được coi là đôi phần trưởng giả kiêu mãn nhưng đa phần con nhà nghèo ngờ nghệch, để chuẩn bị đấu đá trên vũ đài chính trị thế giới.
Nhưng những thông tin do các tay làm lốc (bloggers) ở Trung Quốc phổ biến ra cho thấy gần một tỉ dân nghèo Trung Quốc không đến nỗi ngờ nghệch vậy. Họ vẫn đang sống với đời thường bạc bẽo của mình và đang tranh đấu để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các “biến cố quần chúng” trên khắp nước vẫn tiếp diễn dù có Thế vận hội. Hóa ra,
xiệc chỉ là liều thuốc an thần cho giới tai to mặt lớn và trưởng giả.
Các trò
xiệc quốc gia ở Việt Nam diễn ra ở quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần hoành tráng và hấp dẫn. Không dư tiền như chính quyền Trung Quốc, chính quyền Việt Nam cũng bỏ ra vài trăm triệu Đôla để tổ chức Sea Games. Một điều khiến dân các xứ Đông Nam Á khác ngạc nhiên hết sức. Nhưng điểm nhấn của các trò
xiệc quốc gia ở Việt Nam hẳn nhiên phải là hoa hậu và bóng đá. Chúng luôn nằm trên trang nhất của của 600 tờ báo do chính quyền làm chủ. Trong mùa hè lạm phát và đình công này, dân Việt Nam được hưởng phủ phê các màn
xiệc tốn kém tiền của dân chúng này: vừa tổ chức xong Hoa hậu Hoàn vũ lại hăm he đăng cai Hoa hậu Thế giới; vừa vung tiền chỉ để đón được đội bóng Samba tạt qua Hà Nội đá dợt chơi với đội tuyển quốc gia xong lại hứa hẹn mời Manchester United đến.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã làm không ít các đầu óc Việt Nam đầy chất tiểu nông hơn thua dương dương tự đắc. “Anh mày giờ thành dân chơi rồi đấy nhé!” Chính quyền Việt Nam hẳn nhiên rất hài lòng nếu chỉ nhìn vô và trưng ra cái khía cạnh này. Nó đinh ninh rằng dân chúng vẫn còn đang bị chóng mặt vì các mục tiêu của cuộc cách mạng vô sản do họ khởi xướng cứ thay đổi như chong chóng nên cần thuốc an thần. Bản thân Đảng và Nhà nước tinh (r)anh là vậy còn chóng mặt huống chi dân nghèo ngu ngơ và chấc phác. Ký giả Nguyễn Giang – BBC Việt Nam - mới đây viết trong một bài nhận định về Á châu: “Việt Nam thì loay hoay giữa việc giữ lại bao nhiêu cơ chế bao cấp chính trị đã biến chất thành thói thủ lợi, kìm hãm tư tưởng và cố gắng bắt kịp các trào lưu hoàn toàn mới trong lúc bản thân không có nhiều chủ động.” Hóa ra, chính giới tai to mặt lớn mới cần tới thuốc an thần.
Nhưng thật ra mọi chuyện có phải suôn sẻ đến vậy không? Đằng sau vẻ hoa lệ của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Nha Trang là một núi đơn kiện của dân chúng bị mất đất mất nhà. Đằng sau vẻ hội hè của ngày hội bóng đá Samba là những cơ hội bị tước mất của đầu tư cho các hoạt động thể thao của các cộng đồng dân cư. Dĩ nhiên hầu như 600 tờ báo đều im lặng.
Nhưng dân chúng không thể im lặng mãi. Trong cuộc
biểu tình của dân chúng phường Tiền Phong ở Thái Bình những ngày này có một chi tiết được không ít người chú ý là dân chúng tự quyên góp tiền xây sân vận động. Xây ở đâu? Dĩ nhiên là xây trên đất công từ ngàn đời đang bị cướp đoạt. Ngoài những đòi hỏi công lý, chi tiết đó cho thấy nhu cầu dân sự của các cộng đồng dân cư rất lớn, và dân chúng đã bắt đầu ý thức rõ ràng những nhu cầu dân sự này. Sau khi tự kiếm được cơm, giờ họ bắt đầu nghĩ tới giải trí sao cho bổ ích. Đúng với tên gọi của mình, dân phường Tiền Phong xứng đáng là một cộng đồng tiền phong trong việc tranh đấu cho các nhu cầu dân sự và tự quản của mình. Dưới bề mặt trưởng giả tự đắc mà chính quyền và giới tai to mặt lớn (tinh hoa!?) đang cố trương ra trên khuôn mặt đất nước, có những tia chảy dân sự ngấm ngầm đang len lỏi trong cơ thể quốc gia.
Đến đây không còn là chuyện
bánh mì và xiệc nữa. Câu chuyện đã chuyển thành chuyện con đập cản và những tia nước nhỏ chạy luồn dưới chân đập.
03/08/2008 © 2008 talawas