Cố Giáo hoàng John Paul II đã có sáng kiến tổ chức Ngày Thanh niên Thế giới (WYD – World Youth Day) từ năm 1984. Ngày này tổ chức hàng năm tại mỗi giáo phận, và từ hai đến ba năm một lần trên bình diện thế giới, tại các quốc gia khác nhau.
Năm lần tổ chức trước đây, mỗi lần thu hút hàng triệu thanh niên trên thế giới tham dự. Kỷ lục là năm 1995 tại Manila với 4 triệu người; 1997 tại Paris với 1 triệu 200 ngàn; tại Rome năm 2000 với 2 triệu; Toronto năm 2002 với 800 ngàn, và Cologne năm 2005 với 1 triệu 200 ngàn. Từ 15 đến 20 tháng 7 năm nay, Sydney cũng chuẩn bị đón tiếp hàng trăm ngàn người.
Trước đây cũng như năm nay, trong số người tham dự WYD, có cả người Việt từ trong nước, và thuộc cộng đồng tị nạn cộng sản từ khắp nơi trên thế giới. Ngày 4 tháng 6, 2008, Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn gửi đi một lá thư, được phổ biến trên mạng, rồi lại được gỡ đi. Trong 6 điểm của lá thư, có 2 điểm đáng chú ý, như sau:
Điểm 2: WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên trong lúc các bạn trẻ Việt Nam từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung.
Điểm 3: Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng.
Nhiều người trong cộng đồng tị nạn, kể cả người Công giáo, đã phản ứng mạnh về lá thư của Hồng y Mẫn, nhất là tại Hoa Kỳ, và Úc. Ngoài những thư ngỏ than phiền, bài báo chỉ trích, còn có cả những cuộc biểu tình phản đối, khiến Hồng y Mẫn đã vắng mặt tại nhiều địa điểm từng dự trù sự có mặt của Ngài.
Con đường hiệp thông của Hồng y Mẫn chẳng những không thông, còn tạo ra tình trạng tuyệt thông giữa chủ chăn và con chiên. Vì đâu nên nỗi?
Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã phải lên đường lưu vong, và góp phần vào việc đưa cả gia đình mình tới chỗ chết thảm, chỉ vì lá cờ. Vậy mà, bây giờ Hồng y Phạm Minh Mẫn vẫn còn đùa giỡn với lá cờ!
Chủ đích của Hồng y Mẫn là không muốn sự xuất hiện của lá cờ vàng ba sọc đỏ tại WYD ở Sydney năm nay. Đã biết rõ đó là quốc kỳ của Việt Nam Cộng hoà, đã từng được hàng triệu người hy sinh mạng sống để bảo vệ, tại sao Ngài còn phải đặt câu hỏi “Một lá cờ biểu tượng cho điều gì?” Và tự trả lời: “Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với những người từng chính mình, hay thân nhân bạn bè hoặc đồng ngũ của mình đã sống chết vì cờ.
Không phải chỉ có những người Việt lưu vong nặng tình với cờ. Người Mỹ cũng thế. Hãy nghe ông John McCain, đang là ứng cử viên tổng thống Mỹ nói về tình cảm của mình đối với quốc kỳ. Từng bị bắt làm tù binh, giam ở Hoả Lò, Hà Nội từ 1967 đến 1973, ông kể:
Đồng phục chúng tôi mặc trong tù gồm có áo ngắn tay màu xanh, quần giống như pi-da-ma, và loại dép làm bằng vỏ xe hơi mà tôi phải công nhận là rất bền; chỉ cần một đôi cho đến ngày mãn tù.
Trong khuôn khổ thay đổi cách đối xử, một số tù binh được nhận quà từ gia đình. Trong một số những gói quà này có khăn tay, khăn quàng, và những món quần áo khác. Mike (bạn tù cùng phòng) kiếm một miếng vải trắng, một miếng vải đỏ và tự chế ra một cái kim bằng tre. Trong khoảng thời gian vài tháng, anh ta khâu được một lá cờ Mỹ bên trong áo của mình.
Vào mỗi buổi trưa, trước khi được một tô xúp, chúng tôi đều treo áo của Mike lên tường phòng giam, và đọc lời Hứa trung thành (The Pledge of Allegiance)
[1] . Tôi biết ngày nay, việc đọc lời Hứa trung thành có vẻ kém quan trọng và ít ý nghĩa hơn, nhưng tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng – với những người trong hoàn cảch cô lập tù đày – đó quả thật là điều vô cùng quan trọng và nhiều ý nghĩa.
Một ngày nọ, cai tù Việt Nam xét phòng giam chúng tôi, khám thấy cái áo của Mike với lá cờ khâu bên trong, và lấy đi. Chiều hôm đó họ trở lại, mở cửa phòng giam, gọi Mike Christian ra ngoài, đóng cửa phòng giam lại, tránh cho chúng tôi khỏi phải nhìn, và đánh Mike nhừ tử trong vài giờ. Rồi họ mở cửa phòng giam và ném anh vào. Anh ta trông không khá chút nào. Chúng tôi ráng an ủi, và cố gắng giúp anh với tất cả những gì có thể làm được. Phòng giam chúng tôi có một mảng xi-măng đắp cao lên ở giữa để ngủ. Bốn ngọn đèn trần treo bốn góc phòng.
Sau khi mọi sự yên lặng trở lại, tôi sửa soạn đi ngủ. Trong lúc nằm xuống, tôi chợt nhìn về phía một góc phòng giam. Ngồi dưới ngọn đèn mờ, một miếng vải trắng, một miếng vải đỏ, một cái áo khác và cái kim tre, đó là bạn Mike Christian của tôi. Với hai mắt gần như híp lại, do sưng húp vì mới bị đánh, anh ngồi đó, khâu một lá cờ Mỹ khác. Anh ấy không khâu lá cờ vì nó khiến cho Mike Christian cảm thấy dễ chịu hơn. Anh khâu lá cờ, vì anh ấy biết sự quan trọng của nó đối với chúng tôi. Nhờ đó, chúng tôi có thể đọc lời hứa trung thành với quốc kỳ và tổ quốc.
[2] Với những tù binh Mỹ, dù sao, họ chỉ bị “mất” cờ tạm thời, trong thời gian bị giam, và hy vọng sẽ có lại khi trở về. Với những người Việt đã từng sống chết với lá cờ vàng ba sọc đỏ, sự mất mát của họ đã trở thành vĩnh viễn. Giống như tình cảm đối với người thân, có thể xuề xoà thân mật khi gần gũi, nhớ nhung khi xa cách. Nhưng trở thành thiêng liêng khi người thân không còn nữa.
Cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho quốc gia Việt Nam Cộng hoà. Nay Việt Nam Cộng hoà không còn nữa, lá cờ đó không thể bỗng nhiên từ vai trò quốc kỳ biến thành “biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”. Giống như hình ảnh ông bà cha mẹ, khi những vị này qua đời, hình ảnh của họ trở thành trân quý hơn, được để trên bàn thờ, chứ không biến thành những biểu tượng tầm thường đáng liệng vào thùng rác.
Có phải lá cờ vàng ba sọc đỏ là trở ngại trên con đường hiệp thông giữa người Việt trong và ngoài nước?
Mỗi năm, mấy trăm ngàn người Việt hải ngoại về thăm Việt Nam, mang năm bảy tỉ bạc về “hiệp thông” với quốc nội, họ phải đối diện với cờ đỏ sao vàng ngay tại phi trường, nhưng không coi đó là một trở ngại. Tại sao Hồng y Mẫn coi việc người Việt trong nước đối diện với cờ vàng ba sọc đỏ tại hải ngoại là một trở ngại cho hiệp thông? Tiền của hải ngoại công đức thì vui vẻ nhận, biểu tượng thiêng liêng của hải ngoại là lá cờ vàng ba sọc đỏ thì tránh như bệnh truyền nhiễm. Đó là cách xử sự phải đạo đưa tới hiệp thông?
Bước đầu của tiến trình hiệp thông là phải tôn trọng lẫn nhau. Mình tới nhà người ta để làm thân, để bàn tính hợp tác về nhiều chuyện tốt đẹp, mà yêu cầu người ta phải bỏ đi mấy tấm hình trên bàn thờ, chắc chắn điều này không giúp cho hiệp thông, mà chỉ đưa tới tuyệt thông. Việc các vị Thừa sai tới truyền đạo tại các nước thờ bụt thần, mà tiên vàn cấm người ta không được thờ bụt thần, đã đưa tới hậu quả nào, các chức sắc cao như Hồng y và Giám mục biết rõ hơn ai hết.
Cờ vàng ba sọc đỏ không làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam, nhưng là một trở ngại đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Hồng Y Phạm Minh Mẫn và nhiều giám mục, linh mục trong hàng giáo phẩm Việt Nam không muốn bản thân và con chiên mình hiện diện tại những nơi có trương cờ vàng ở hải ngoại, sợ bị chính quyền trong nước cấm đoán hay làm khó dễ.
Những người Việt lưu vong đã phải chịu nhiều thiệt thời về tinh thần và vật chất. Họ đã bị mất tất cả, nhiều người thân đã mất cả mạng sống trên đường đào thoát, chỉ còn vật kỷ niệm cuối cùng đã trở thành thiêng liêng là lá cờ, mà cũng bị đòi phải dẹp đi để làm đẹp lòng những người là nguyên nhân sự đau khổ của họ. Điều này chẳng những bất công, mà phải gọi là độc ác. Có con đường hiệp thông nào mở ra trên bất công và độc ác?
Nếu chỉ vì sợ mất lòng nhà cầm quyền cộng sản mà phải hy sinh tình cảm gắn bó với lá cờ của người tị nạn, thì nói theo Lê Thị Công Nhân, như thế là đã sợ quá mức cần thiết. Ngày 26 tháng 2 năm 2007, hai tuần trước khi bị bắt, Công Nhân đã công khai viết trên mạng:
“Cộng sản đã hết sức thành công trong việc làm cho dân tộc Việt Nam sống chìm trong nỗi sợ hãi hàng chục năm trời. Nếu chúng ta đều sợ hãi như vậy thì tôi e rằng chúng ta đã sợ hãi quá mức cần thiết.”
Nếu lời lẽ của một cô gái mới ra đời năm 1979 không đáng để Hồng y Mẫn lưu tâm, thì xin hãy theo lời Chúa: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được” (Lc 12,4).
Theo Franklin D. Roosevelt: Điều đáng sợ nhất chính là sự sợ hãi. Cho nên, rất khó giúp người mang sẵn bản tính sợ hãi. Nhưng vì sự sợ hãi của mình mà xúc phạm tới tình cảm của người anh em, là lỗi phép công bằng. Trong trường hợp này, cách cư xử phải đạo của một giáo dân bình thường, là đấm ngực cáo mình nhận lỗi, và giảng hoà với người anh em.
© 2008 talawas
[1]The Pledge of Allegiance: I pledge allegiance to the flag of the United States of America and to the Republic for which it stands, one nation under God, indivisible, with liberty and justice for all. (Tôi hứa trung thành với quốc kỳ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và với nền Cộng hoà tượng trưng bởi quốc kỳ, và một quốc gia dưới Thượng đế, không phân ly, với tự do và công lý cho mọi người.)
[2]John McCain kể trong cuốn tự truyện
Faith of My Father (1999).