trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
26.5.2008
Tiêu Dao Bảo Cự
Suy nghĩ sau Vesak 2008 ở Việt Nam
(Vai trò của các tôn giáo trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước)
 
Một sự kiện và mốc dấu lớn



Trong những ngày Đại lễ Phật đản Tam hợp Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, từ 13-19/5/2008, trên khắp cả nước, đặc biệt ở 8 tỉnh, thành được lựa chọn để tổ chức lớn, người dân đã chứng kiến một số hoạt động bề nổi của Phật giáo gợi lại một thời vàng son trước 1975, có mặt còn “hoành tráng” hơn. Cờ Phật giáo giăng đầy phố xá cùng với những panô, áp phích cỡ lớn được in tinh xảo bằng kỹ thuật vi tính có hình ảnh Đức Phật, các chùa nổi tiếng, các câu giáo lý hàm súc… Những lễ đài được xây dựng bề thế với tượng Phật cao vài chục mét, các khu triển lãm văn hóa Phật giáo, các cuộc hội thảo, những đóa sen nhân tạo khổng lồ được thả trên sông, hồ, các buổi biểu diễn văn nghệ, những bong bóng mang cờ Phật giáo lơ lửng trên không, hàng đoàn xe hoa lộng lẫy, các buổi lễ quy tụ hàng ngàn người… Rồi tin tức, hình ảnh các sinh hoạt được trực tiếp truyền hình trên các kênh thời sự chính thức của nhà nước ở trung ương và các tỉnh. Nói tóm lại, tính chất “hoành tráng” không thua gì các lễ trọng của nhà nước hay festival của các địa phương. Điều khác biệt là những hoạt động này có phần đóng góp công sức rất lớn của Giáo hội Phật giáo, các chùa và đông đảo Phật tử bên cạnh việc tạo điều kiện của chính quyền.

Trước khi Vesak được tổ chức, đã có rất nhiều ý kiến trái ngược, ủng hộ và phê phán, gây nhiều tranh cãi. Nhưng khi tuần lễ này qua đi, việc nhìn nhận lại ý nghĩa và tác động lâu dài của nó có lẽ rất cần thiết vì đây là một sự kiện lớn, một mốc dấu quan trọng không chỉ của Phật giáo mà của các tôn giáo và nhân dân nói chung trong bối cảnh của cuộc vận động hòa giải hòa hợp dân tộc và dân chủ hóa đất nước.


Nhà nước thắng lợi hoàn toàn?

Điều mọi người có thể đoán trước là thắng lợi của nhà nước khi đồng ý và hỗ trợ việc tổ chức này.

Với danh nghĩa là quốc gia đăng cai tổ chức một hoạt động mang tính tôn giáo của Liên Hiệp Quốc, với sự tham dự của hơn 1000 đại biểu quốc tế của hơn 60 quốc gia và tổ chức Phật giáo, Việt Nam đã chứng tỏ là một đất nước có tự do tôn giáo, bác bỏ những tố cáo trước đây về việc đàn áp tôn giáo, đặc biệt vô hiệu hóa phần nào các tố cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đối với khách nước ngoài, và ngay cả đối với những người dân trong nước ít có thông tin, thật khó để nói rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, mặc dù thực tế, một số giáo hội, một số tu sĩ đã và đang bị bức hại, tù đày, quản chế, gây khó khăn, chưa kể việc nhiều cơ sở tôn giáo bị tịch thu từ trước chưa được hoàn trả cho các giáo hội.

Mặt khác, trong việc tổ chức này, nhà nước đã có quan hệ tốt hơn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua việc cùng bàn bạc, hỗ trợ việc tổ chức, thăm viếng nhân ngày lễ, đồng thời tạo ra thiện cảm nhất định đối với Phật tử khi các cuộc lễ được tổ chức rầm rộ và long trọng. Dịp lễ này trùng với dịp tổ chức kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và có thượng tọa khi được phỏng vấn trên tivi đã phát biểu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không khác gì giáo lý Phật giáo. Thật là một cách tuyên truyền ngoạn mục!

Tuy nhiên nhà nước không phải không trả giá cho hoạt động này.

Lý thuyết cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng” dĩ nhiên đã phải dẹp bỏ không kèn không trống mà chính sách thu hẹp, hạn chế các tôn giáo trước đây cũng không thể tiếp tục thực hiện, ngoại trừ những việc và đối tượng đặc biệt mà chính quyền gọi là vi phạm luật pháp, mang tính chất hình sự và những chi phối ở chiều sâu trong công tác tổ chức của các giáo hội. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển không cưỡng được của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác trong tương lai. Trong tuần lễ Vesak vừa qua, giáo hội và giáo lý Phật giáo được quảng bá đã gây tiếng vang lớn trong các tầng lớp công chúng, các đoàn thể Phật tử mặc đồng phục công khai hoạt động rầm rộ là một dấu chỉ.

Ở một cách nhìn nhận khác, đây là một bước tiến về phía dân chủ trên lãnh vực tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền của nhà nước, điều bị phê phán và thực sự khắc nghiệt trong chế độ cộng sản trước đây. Đối với những người lãnh đạo độc tài và bảo thủ, sự kiện này có thể được xem là một bước lùi của nhà nước nhưng đối với những người lãnh đạo có đầu óc cởi mở hơn và các tín đồ tôn giáo, nhân dân nói chung, đây lại là một bước tiến bộ cần thiết.


Phật giáo cũng thắng lợi lớn?



Vesak ở Việt Nam là cơ hội quý báu mà Phật giáo có thể công khai huy động lực lượng, thông qua sinh hoạt và các việc làm cụ thể để củng cố tổ chức và tăng cường niềm tin tôn giáo. Từ nhiều năm qua, chưa lúc nào hàng triệu đồng bào Phật tử nô nức đón chào và tham dự ngày Phật đản rầm rộ như thế. Từ các thôn xóm hẻo lánh, các vùng dân tộc ít người xa xôi, tu sĩ và Phật tử nam, nữ, già, trẻ, mặc áo lam, áo nâu, áo vàng chất đầy các xe đổ về thành phố và các chùa để dự lễ và tham gia những sinh hoạt khác. Sự đóng góp công sức và tiền bạc của Phật tử vô cùng to lớn mới có thể hoàn thành những công trình tráng lệ, tốn kém dường ấy mặc dù có nơi thời tiết không thuận lợi.

Dù muốn hay không, rõ ràng đây là một dịp phô trương thanh thế, biểu dương lực lượng và khẳng định sự ủng hộ của quần chúng Phật tử đối với Giáo hội Phật giáo mà nhiều năm nay chưa được bộc lộ đúng mức. Con số Phật tử thật khó thống kê cho chính xác nhưng với lượng người tham dự đông đảo trong các cuộc lễ này, rõ ràng đó là một thực lực không thể xem thường. Tuần lễ Vesak quả là một cơ hội thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo vô cùng thuận lợi.

Tuy nhiên, việc tổ chức Vesak lại là một sự kiện có thể đào sâu chia rẽ giữa hai giáo hội Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tạm gọi là Giáo hội thân chính quyền) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (tạm gọi là Giáo hội chống chính quyền), kéo theo những người ủng hộ một trong hai giáo hội. Sự chia rẽ này bắt nguồn ngay từ đầu khi nhà nước chủ trương thống nhất Phật giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, kéo dài đến ngày nay và càng sâu sắc thêm khi nhìn nhận việc tổ chức Vesak có lợi hay không cho giáo hội và cho nhà nước. Đây chỉ là một trong những vấn đề liên quan đến chính trị đã chi phối cách suy nghĩ và hoạt động của hai giáo hội từ lâu nay.


Nguyên nhân và kết quả của tình hình. “Win-win”trong cuộc đấu tranh cho dân chủ? Những điều đáng suy nghĩ.

Tình hình tương đối cởi mở đối với tôn giáo hiện nay, thể hiện cụ thể qua việc tổ chức Vesak 2008, cũng như các quyền tự do dân chủ khác, dù còn rất hạn chế, là kết quả của một quá trình, không phải tự nhiên mà có. Sự đấu tranh của GHPGVNTN mấy chục năm qua, trong đó vai trò chủ chốt là hai hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, cũng như của các giáo hội và các thành phần đấu tranh cho dân chủ khác đã tạo ra một sức đề kháng mạnh mẽ, cùng với sức ép dư luận của cộng đồng người Việt hải ngoại và các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã buộc nhà nước phải điều chỉnh, thay đổi các chính sách đối với tôn giáo và các quyền tự do dân chủ khác của nhân dân.

Một nhà nước độc tài toàn trị không khi nào chịu thay đổi nếu không bị áp lực mang tính sống còn. Điều này cũng do sự chuyển biến tự thân của chế độ để có thể tồn tại và hội nhập vào thế giới văn minh, nhưng tốc độ và mức độ chuyển biến rõ ràng tùy thuộc nhiều vào sức phản kháng của các giáo hội và các cá nhân ưu tú dũng cảm nhất của xã hội. Hoạt động của các giáo hội, những tổ chức và cá nhân đấu tranh cho dân chủ đã đưa đến các vụ quản chế, bắt bớ, các phiên tòa, các hình thức đàn áp thô bạo làm dấy lên sự công phẫn trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong dư luận trên Internet, báo chí hải ngoại và các tổ chức quốc tế. Tình hình này có tác động thực tế đến cách suy nghĩ và sự điều chỉnh các chủ trương của nhà nước.

Do đó nếu phân tích nguyên nhân của tình hình hiện nay mà không thấy hết vai trò của GHPGVNTN và những hoạt động đấu tranh cho dân chủ khác là một thiếu sót lớn, một nhìn nhận bất công, đưa đến sai lầm trong các sách lược vận động dân chủ. Mặt khác GHPGVNTH từ chỗ có công đầu và đang bị trù dập có thể trở nên vô hiệu hay rơi vào quên lãng, tạo thêm “chính nghĩa” cho nhà nước khi tiếp tục đàn áp giáo hội này, đồng thời lại có thể chi phối mạnh mẽ hơn giáo hội thân chính quyền, một nguy cơ tiềm ẩn lâu dài cho Phật giáo.

Tình hình tự do tôn giáo nói chung đến nay so với trước đã có nhiều tiến bộ, cùng với việc chính thức công nhận thêm một số giáo hội (Tin lành, Cao đài, Hòa Hảo) và trả lại một số cơ sở của Thiên chúa giáo mới đây cho thấy tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng thuận và không thể đảo ngược. Sự thừa nhận các hoạt động của các tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành một xã hội dân sự, điều thiết yếu cho một thể chế dân chủ lâu nay còn thiếu vắng.

Giáo hội Phật giáo thân chính quyền hoàn toàn chịu sự chi phối của nhà nước hay chỉ là một sự hợp tác bất đắc dĩ có chủ ý để duy trì sự tồn tại và tìm cơ duyên phát triển trong một chế độ độc tài khắc nghiệt đối với tôn giáo? Điều này thật khó kết luận nếu không có cơ hội tìm hiểu sâu xa về các vị lãnh đạo của giáo hội này ở từng cấp và từng địa phương. Tuy nhiên rõ ràng chính họ đã góp phần duy trì sinh hoạt bình thường của Phật giáo lâu nay trải qua những hoàn cảnh khó khăn. Điều đó không thể phủ nhận.

Vậy thì kết quả hôm nay phải chăng chính là sự tổng hợp của hai hoạt động tưởng như đối nghịch giữa hai giáo hội thân và chống chính quyền. Nếu cả hai phía đều có nhìn nhận rõ rệt về vấn đề này, thay vì chống đối lại hòa giải, hòa hợp, đoàn kết với nhau, có lẽ kết quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Rõ ràng mục tiêu chung là tăng trưởng giáo hội chứ không phải thân hay chống chính quyền, thân hay chống chỉ là phương tiện, giải pháp, không phải mục đích. Đối với các tôn giáo khác và giữa các tôn giáo, đặc biệt giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo cũng thế, nếu không đoàn kết được chính là rơi vào sách lược chia để trị của nhà cầm quyền. Bất cứ tư tưởng hay hành động nào vô tình hay cố ý gây chia rẽ trong nội bộ từng giáo hội hay giữa các giáo hội không có gì khác hơn là làm yếu đi sức mạnh của các tôn giáo, của dân tộc và củng cố thêm cho chế độ độc tài toàn trị.

Tham vọng, ý tưởng muốn đưa một tôn giáo nào trở thành quốc giáo cũng là một ý tưởng vô cùng nguy hiểm có thể gây ra bất ổn, xung đột. Cho đến nay các tôn giáo đã hình thành và tồn tại từ nhiều chục năm, nhiều trăm năm, hàng ngàn năm trên đất nước nên địa vị độc tôn hay chiếm ưu thế của một tôn giáo sẽ đe dọa vị trí của các tôn giáo khác và lập tức tạo ra sự bất mãn trong các giáo hội và tín đồ các tôn giáo khác. Điều này đã có tiền lệ và những hệ lụy ở miền Nam trước 1975, rất may là tình hình chỉ mới chớm khởi phát. Mặt khác, trong thời đại mà vật chất đã lên ngôi thống trị, một quốc giáo sẽ nhanh chóng bị thế tục hóa bởi quyền lực, địa vị, danh vọng, tiền bạc và làm cho nó suy đồi nhanh chóng thay vì tăng trưởng. Hiện tượng các tôn giáo đua nhau xây chùa, nhà thờ hoành tráng, tổ chức nghi lễ rườm rà và tâm lý nặng về mê tín thay vì tâm linh trong quần chúng hiện nay đã là một hiện tượng đáng báo động. Ngay trong Vesak vừa qua, chính một số Phật tử cũng đã tỏ ra không hài lòng vì tính chất phô trương hình thức trong việc tổ chức ở một số địa phương.

Với mục đích hướng thiện, giải khổ, giải thoát cho con người, Phật giáo và các tôn giáo có đóng góp rất lớn trong việc duy trì và phát triển đạo đức xã hội, giáo dục con người biết làm lành lánh dữ, mở rộng tình yêu thương, sống hòa bình và bao dung cũng như làm có hiệu quả các công tác từ thiện. Tinh túy của các giáo lý cũng có thể được vận dụng vào triết lý chính trị của quốc gia để chính trị không hoàn toàn là thực dụng, kỹ trị, vụ lợi, tàn nhẫn… mà thực sự chăm lo đến hạnh phúc của con người. Một nền chính trị có màu sắc tâm linh không phải là một điều ngớ ngẩn hay không tưởng mà là một vấn đề đáng suy gẫm. Tuy nhiên khi một tôn giáo trở thành quốc giáo, điều đó khác hẳn và đôi khi trở thành tai họa cho chính tôn giáo đó và cho cả dân tộc. Một vài thí dụ về sự hưng thịnh của Phật giáo hay Thiên chúa giáo trong lịch sử Việt Nam hay các nước phương Tây không đủ để luôn luôn đi đến một kết luận hoàn toàn tốt đẹp về vai trò của một quốc giáo. Có không ít thí dụ lịch sử ở nhiều nước mà kết quả ngược lại.

Trần Kiêm Đoàn trong bài “Nhật ký Vesak” (talawas ngày 20.5.2008) đã đưa ra nhận xét rất đáng chú ý khi một số tăng ni, Phật tử tham dự Vesak mà anh tiếp xúc khẳng định họ không thuộc bên nào cả (thân hay chống chính quyền), họ chỉ là người con Phật, đi theo đường giác ngộ của Đức Phật. Trần Kiêm Đoàn gọi đó là “hướng chánh đạo phá vô minh”. Có thể chính những người như thế sẽ hoằng dương Phật pháp chứ không phải là hàng giáo phẩm nếu những người này còn hệ lụy vì những mưu đồ thế tục.

Qua sự kiện Vesak, cả hai phía nhà nước và Phật giáo đều có thể tự cho mình đạt thắng lợi. Nhìn bề ngoài, phải chăng đó là một kiểu “win-win” đôi bên cùng thắng? Điều này có thể không mâu thuẫn hay ba phải, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam. Ở đây, cuộc vận động dân chủ hóa đất nước, chống độc tài toàn trị là một cuộc đấu tranh không có chiến tuyến rõ ràng mà diễn ra trên mọi lãnh vực, với từng người, từng tôn giáo, từng tổ chức xã hội và thắng bại xen kẽ nhau có vẻ như không rõ ràng. Phải lấn từng bước, thực hiện chính phương châm của những người cộng sản trong chiến tranh là “nắm thắt lưng địch mà đánh” theo một cách thức khác ôn hòa, bất bạo động nhưng khôn khéo, không sợ hãi, tỉnh táo và kiên quyết. Chỉ khi đại bộ phận nhân dân ý thức và thực hiện được điều đó, nền dân chủ đích thực ở Việt Nam mới có cơ may hình thành.

Tuy nhiên, ai thắng thực sự, ai thắng hình thức, ai thất bại và cuộc đấu tranh vẫn còn diễn ra hay đã kết thúc là điều cần nhìn nhận một cách thật tỉnh táo, chính xác. Nếu nhìn nhận không đúng, đưa đến sự chia rẽ sâu đậm thêm trong Phật giáo và sự lệ thuộc của Phật giáo vào chính quyền nặng nề hơn thì nhà nước đã thắng lớn và Phật giáo đã thất bại dù có được hình thức phô trương rầm rộ bên ngoài.

Trong việc tổ chức Vesak, nhà nước đã có sự thích nghi nhanh chóng và khéo léo. Thực tâm hay thủ đoạn để lấy lòng dân? Dù muốn hay không, về lâu dài, một nhà nước không được nhân dân ủng hộ nhất định sẽ sụp đổ. Bài học “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” đã là bài học lớn trong lịch sử Việt Nam. Trên bình diện nhân loại cũng chưa từng có một chế độ độc tài toàn trị nào tồn tại mãi.

Nguyễn Tường Bách là một trí thức Phật tử đã dành 10 năm để đi chiêm bái các thánh tích và vùng đất tâm linh ở Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng và ghi lại trải nghiệm của mình trong một tập bút ký hàm súc nặng chất suy tư có tên gọi Mùi hương trầm. Anh nêu nhận định, Phật giáo đã diệt vong từ thế kỷ 11,12 ở Ấn Độ, Thiền tông ở Trung Quốc đã bùng lên và tàn lụi cách đây nhiều thế kỷ và nếu sắp tới nền văn minh Tây Tạng chết đi thì đó là lúc Phật giáo suy tàn trên toàn thế giới. Tuy nhiên anh viết tiếp:

Nhưng, đức Thế Tôn cũng đã chẳng nói, giáo pháp của Ngài cũng sẽ diệt vong như mọi chuyện trên đời. Cái gì có sinh, cái đó có diệt, đó là quy luật.

… Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức và hành động của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác, nó ‘được khám phá lại một cách mới mẻ’.

… Ngày đó, người giảng pháp Phật không hề mặc áo tu sĩ mà có thể là một nhà vật lý học hay sinh vật học.

(Nguyễn Tường Bách, Mùi hương trầm, nxb Trẻ, bản in lần thứ 6 năm 2005, trang 372)

Sự minh triết của Phật giáo và nhiều tôn giáo khác nằm trên tầng cao nhận thức và tâm linh nhưng những hoạt động của các tôn giáo, nhất là thông qua các giáo hội lại mang tính thế tục và chịu sự chi phối mãnh liệt của các chế độ chính trị. Nhìn nhận và hành xử như thế nào trong mối quan hệ này chính là vấn đề sinh tử của các giáo hội, gắn liền với vận mệnh của các dân tộc mà nó đã thâm nhập và đồng hành.

Bài viết này thể hiện nhận định của một người không phải Phật tử, không hiểu lắm nội tình của Phật giáo, cũng không phải là tín đồ của tôn giáo nào nhưng ngưỡng mộ sự minh triết của giáo lý Phật giáo cũng như tinh túy của các tôn giáo khác. Nhận định căn cứ trên những gì đã diễn ra mà mọi người có thể thấy được, có thể còn phiến diện, chưa phân tích thấu đáo nhiều khía cạnh, nhưng phải chăng trước những vấn đề chung của đất nước, mọi người đều có quyền và trách nhiệm bày tỏ quan điểm của mình. Hi vọng các bậc thức giả sẽ giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm này.

Đà Lạt ngày 25.5.08

© 2008 talawas