trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
2.5.2008
Bùi Văn Phú
Ngóng tin khi Đuốc Thế vận đến quê nhà
 
California 28.4.2008

Chiều và tối nay nhiều đài truyền hình địa phương loan tin cuộc rước Đuốc Thế vận qua Bắc Hàn đã diễn ra êm đẹp. Bản tin nói Bắc Hàn là một đồng minh của Trung Quốc và đất nước này còn là một quốc gia độc tài. Rồi người đưa tin tiếp tục tường thuật đuốc đã đến Thành phố Hồ Chí Minh với hình ảnh nhiều người cầm cờ đỏ sao vàng ra tận cửa máy bay đón đuốc.

Bắt đầu vào ngày 24.3.2008, khởi đi từ chiếc nôi của Olympic là thành phố cổ Athens ở Hy Lạp, qua 19 quốc gia, Đuốc Thế vận đi đến đâu, nơi đó đánh dấu một sự kiện quan trọng thu hút những người chào đón cũng như phản đối. Ngày đầu tiên rước đuốc đã có người của tổ chức Phóng viên không Biên giới giương bích chương phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ngọn đuốc qua London, Paris, San Francisco, Argentina, Nhật Bản, Nam Hàn, truyền thông quốc tế đưa tin như là những biến cố thời sự. Nhiều nơi ngọn đuốc đã được bảo vệ an ninh còn hơn cả một người lãnh đạo quốc gia.

Đuốc đã tới Việt Nam, nhưng rảo qua mạng Tuổi TrẻThanh Niên thì thấy tin tức về hành trình Đuốc Thế vận đã đi qua, cũng như thông tin về đuốc đến Việt Nam chẳng có nhiều. Mạng Tuổi Trẻ chỉ có mẩu tin ngắn 5 dòng: “Ngọn đuốc Olympic đã đến TP. HCM”.

29.4: 7 giờ sáng

Sài Gòn bây giờ là buổi tối. Cuộc rước Đuốc Thế vận theo chương trình dự định đã diễn ra mấy giờ đồng hồ trước và đã chấm dứt. Vào mạng Tuổi TrẻThanh Niên xem có thông tin cập nhật hay không, nhưng mọi sự vẫn yên tĩnh. Mục thể thao trên Tuổi Trẻ có thêm bài “Để có được Ronaldinho, giá chót 30 triệu bảng Anh”, nhưng không có thêm thông tin về rước đuốc.

BBC Việt ngữ thực hiện trang đặc biệt về rước Đuốc Thế vận, vừa đưa tin một số người tổ chức biểu tình ở Hà Nội để phản đối Trung Quốc đã bị công an bắt.

Hôm Đuốc Thế vận đến San Francisco, nhật báo San Francisco Chronicle cập nhật tin từng giờ. Thời đại thông tin liên mạng, những sự kiện quan trọng, tin tức được truyền đi trong vòng ít phút trên báo mạng và hình ảnh sống động được truyền hình trực tiếp đến với khán giả.

12 giờ trưa

Lên mạng đọc tin. Tuổi Trẻ đưa tin lúc 22 giờ 53 ngày 29.4 qua bài viết “TPHCM: điểm đến của tinh thần Olympic” dài chừng 250 từ về cuộc rước đuốc, kèm 6 ảnh chụp những người cầm Đuốc Thế vận chạy trên đoạn đường 10 cây số, trong đó có các quan chức nhà nước, ca sĩ Mỹ Tâm, vận động viên Cao Ngọc Phương Trinh. Một ảnh chụp 4 người cầm đuốc, với ghi chú: “Cây đuốc bị tắt đang được mồi cho cháy lại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước khi qua cầu Công Lý. Ảnh Trần Tiến Dũng”.

Mạng Thanh NiênThông tấn xã Việt Nam vẫn chưa đưa tin.

Vào Yahoo tìm kiếm thông tin với những từ chủ “Vietnam Olympic Torch”. Khoảng chục mạng đã đưa tin về rước đuốc, hầu hết sử dụng bản tin AP. Kênh truyền hình CNN cũng đã đưa tin.

Theo ký giả AP Chris Brummitt tường thuật thì đã có nhiều nghìn người đón đuốc ở Thành phố Hồ Chí Minh, to tiếng nhất là đám công nhân và du sinh người Hoa phất lên những lá cờ Trung Quốc thật lớn và hò hét “Bắc Kinh, Trung Quốc” cứ như là đang tham gia một trận tranh tài bóng đá. Bản tin ghi nhận sự việc đuốc bị tắt khi mới rời điểm khởi hành chừng hơn 200 mét, nhưng sau vài phút đã được châm lửa lại. Ngoài ra sự việc một số người xuống đường phản đối Trung Quốc ở thủ đô Hà Nội đã bị bắt giam cũng được phóng viên AP nhắc đến.

5 giờ chiều

Vào mạng Thanh Niên, trong mục thể thao có đưa tin rất ngắn, chừng 150 từ, về sinh hoạt rước đuốc.

Qua mạng VnExpress có bài viết 300 từ về rước đuốc và 7 ảnh liên quan được đưa lên mạng lúc 21 giờ 37 ngày 29.4 là ngay sau khi bế mạc rước đuốc.

Bản tin về rước đuốc của Tuổi Trẻ đã chìm sâu trong mục thể thao.

8 giờ tối

Thông tấn xã Việt Nam có bản tin về rước đuốc, lên mạng lúc 9 giờ 08 phút sáng ngày 30.4, giờ Việt Nam. Đoạn cuối bản tin ghi:

“Phó trưởng ban tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 Lý Bỉnh Hoa cám ơn Chính phủ Việt Nam, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công lễ rước đuốc, góp phần cho sự thành công của hành trình rước đuốc Olympic nói riêng và Olympic Bắc Kinh 2008 nói chung.
Ông Lý Bỉnh Hoa khẳng định lễ rước đuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh là dấu chấm trọn vẹn của hành trình rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 qua 5 châu lục, không chỉ nêu cao tinh thần thể thao trong sáng mà còn thể hiện rõ nét lòng nhiệt tình và tình hữu nghị sâu sắc mà nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Trung Quốc”.

*


Trên báo New York Times hôm qua, ngoài “Thư ngỏ” của người Việt hải ngoại kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh ở trang 19-A, trong trang xã luận còn có bài của Serge Schmemann, một nhà quan sát và viết bình luận, đã so sánh Thế Vận hội Bắc Kinh 2008 với Thế Vận hội Moskva 1980.

Schmemann có mặt tại Quảng trường Đỏ vào thời điểm Olympic 1980 đang diễn ra và lúc đó có một người phản đối bằng cách tự thiêu, nhưng đã được giới chức trách giải quyết vụ việc nhanh như chớp. Nạn nhân vừa châm lửa thì công an đã ùa tới, khiêng bỏ ngay vào thùng sau xe trước sự ngạc nhiên của du khách. Không có mấy chứng tích để lại vì những người có mặt gần nơi sự việc xảy ra đều bị công an bắt mở máy hình cho nắng rọi vào làm cháy hết phim. Một du khách đứng khuất sau một thân cây có ghi lại hình ảnh nên thoát khỏi sự tẩy xoá của công an, mà sau này Schemann được xem, có lẽ là tài liệu duy nhất còn lại về vụ tự thiêu.

Theo tác giả bài viết, điều đó nói lên quyết tâm của chính quyền Sô-viết không muốn bất cứ một chuyện gì xảy ra có thể làm xấu đi một cuộc tranh tài vĩ đại với khẩu hiệu “O Sport, You are Peace” đang diễn ra, dù Hoa Kỳ và nhiều nước đã tẩy chay để phản đối hành động xâm lăng của Nga Sô vào Afghanistan.

Tác giả nhận định, nhìn theo lăng kính phương Tây thì Olympic 1980 đã phơi bày nỗi lo sợ và sự dã man của chính quyền Sô-viết hơn là chứng minh được tài năng của Nga Sô trong việc tổ chức một đại hội thể thao toàn cầu.

Những biến cố gần đây đang cho chúng ta nhiều bài học về Trung Quốc. Nhưng so sánh hai Thế Vận hội cũng có giới hạn vì hoàn cảnh hai quốc gia khác nhau. Thời đó Liên bang Sô-viết như một trại nhà binh đóng kín, còn Trung Quốc ngày nay giầu có và đang bùng nổ phát triển. Nhưng có điểm rất giống nhau, đó là cách ứng xử của cả hai đảng cộng sản. Tác giả bài báo viết thế.

Schmemann nhận định rằng cách nhìn của lãnh đạo cộng sản là cho rằng chính quyền phương Tây, cũng như chính quyền cộng sản, có thể tạo dựng nên, có thể khích động được những cuộc biểu tình. Vì thế Trung Quốc xem những cuộc biểu tình phản đối nhà nước Bắc Kinh là có sự chỉ đạo chứ không phải là “những sự nổi giận có thực của người dân sống trong những xã hội tự do”.

Bài báo kết luận: “Điều đó có lẽ không thuyết phục được người Trung Quốc về giá trị nhân quyền, nhưng họ có thể sẽ phải trả một giá đắt cho bản tính đa nghi này.”

*


Theo dõi cách truyền thông trong nước đưa tin thì việc rước Đuốc Thế vận ở các nơi trên thế giới là vấn đề có tính “nhạy cảm” nên đã không được nhắc đến nhiều, và những hành vi ứng xử của chính quyền đối với người dân khi Đuốc Thế vận đến Việt Nam đã cho thấy bản chất của chế độ Hà Nội cũng giống như Trung Quốc mà thôi.


© 2008 talawas