Äiểm nóngChÃnh trị Việt Nam 31.1.2008
Dung Khanh
Xã há»™i xã há»™i chủ nghÄ©a ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kà của há»c giả Nguyá»…n Hiến Lê
Giáo dục – văn hoá Giáo dục Đoạn đầu này, ông viết về nền giáo dục Việt Nam lúc đó như sau, không biết được rằng bây giờ học phí ở bậc tiểu học không còn miễn phí nữa, mà còn tăng lên một cách phi mã, khiến việc lo kiếm tiền cho con em đi học là cả một chật vật lớn lao đối với những bậc phụ huynh; còn bậc đại học thì hiện nay sinh viên không kham nổi học phí, đã có tình trạng “học chui”: Chính quyền rất coi trọng giáo dục, mở rất nhiều nhà trẻ, trường học từ mẫu giáo tới đại học. Giáo dục mới đầu hoàn toàn miễn phí, do đó có vẻ rất bình đẳng. Ở đại học, sinh viên nào cũng được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng, tuy không đủ, nhưng cũng đỡ cho cha mẹ. Dĩ nhiên phải như vậy, nếu không thì không ai cho con học đại học được. Các đồng bào thiểu số cũng được dạy dỗ như người Kinh, đó cũng là điểm đáng khen nữa. Dưới bất cứ chế độ nào, bất cứ ở đâu, trẻ em là mầm non của dân tộc, dễ uốn nắn. Vì thế, bài học đầu tiên ở dưới chế độ cộng sản Việt Nam là: Trẻ em được cưng nhất, được coi là cháu Bác Hồ… Và người ta dạy (các em) phải ghi ơn Bác Hồ trước hết… Và cô chỉ hình Bác Hồ cho chúng coi. Chúng tiu nghỉu, chẳng hiểu gì cả. Bác Hồ là ai? Chúng đã gặp lần nào đâu? Có bồng bế chúng lần nào đâu? Có mua kẹo bánh cho chúng đâu? Cha mẹ các em đó nghe con kể vậy, bất bình, có người không cho con tới lớp nữa. Họ không hiểu đường lối cách mạng, lạc hậu quá. Chương trình học: Học mẫu giáo một hai năm, sáu tuổi lên cấp I, năm năm sau lên lớp 6, cấp II, khỏi thi. Lên lớp 10, cấp III thì phải thi. Phương thức dạy học: … sách giáo khoa mà sai – và vẫn thường sai - chẳng hạn bảo Sài Gòn nằm trên bờ sông Cửu Long thì tất cả các giáo viên cũng phải dạy sai như vậy, không được phép sửa; rồi báo cáo lên ti, ti lên bộ. Chỉ có bộ mới có quyền sửa sai, và phải hai ba năm sau, in sách mới, người ta mới sửa. Tôi thấy kì cục quá, không tin nổi, năm sau hỏi một giáo sư đại học Hà Nội, ông xác nhận là đúng: cái gì Bộ Giáo dục in thì phải coi là pháp điển, phải tuân theo triệt để. Do đó, “thành quả” của nền giáo dục trong chế độ cộng sản nói chung, và ở Việt Nam nói riêng: Tôi hiểu chính sách của người ta rồi: luyện tinh thần kỉ luật, làm tiêu ma óc phán đoán, ý chí cá nhân; và tôi không trách một đứa cháu tôi ở Hà Nội, một cán bộ cao cấp, vào hạng trí thức, năm nay trên 60 tuổi, có tú tài Pháp hồi thế chiến thứ nhì mà không có một chút tinh thần phê phán nào hết, trên nói sao thì tin vậy, đúng như người Pháp nói; có thể “avaler touts sorts de couleuvres”. Chính sách giáo điều nói trên bây giờ vẫn y hệt như vậy, con người trong một xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đào tạo để nghe theo lời đảng dạy một cách máy móc, thiếu hẳn tư duy. Đặc biệt ở miền Nam Việt Nam: Muốn vô đại học thì sức học không quan trọng bằng lí lịch… Ra trường chắc chắn được bổ dụng… Thủ trưởng bắt làm gì cũng phải làm: cán sự điện tử mà làm lao công, dược sĩ mà giữ kho… Vì tất cả những lẽ trên, ở Nam thanh niên chán học, số học sinh lớp 12 kém xa năm 1974… Một thí dụ về những học viên trong “chương trình giáo dục tiền tiến” này: Một điểm tấn bộ là chính quyền mở nhiều lớp bổ túc văn hoá cho công nhân viên, cán bộ… Có đủ các cấp I, II, III. Vài cán bộ y sĩ, dược sĩ bốn năm chục tuổi, thời kháng chiến không được học, nay học bổ túc từ lớp tư, lớp năm… Học xong mỗi khoá phải thi. Nhưng thi rất dễ. Nghe nói có thầy đọc câu trả lời cho thí sinh chép, vì bắt những cán bộ mấy chục tuổi đảng thi lại hoài thì cũng kì, mà lại bị cấp trên trách là không biết dạy. Tiện hơn hết là cho đậu bừa đi. Ai cũng biết đó chỉ là hình thức. Có dược sĩ trình độ mới tới lớp tư, học rút trong hai năm hết lớp 10, như vậy đủ rồi. Một nhân viên công an cấp cho tôi giấy phép đi đường một tháng mà đề từ 31-1 đến 31-2-1980. Văn hoá Có lẽ việc quan trọng cần phải làm cấp kì và kĩ lưỡng nhất sau khi cưỡng chiếm miền Nam là tận diệt, xoá tan đi một nền văn hoá mà cộng sản miền Bắc cho là nguy hiểm, phản động: Một trong công việc đầu tiên của chính quyền là huỷ tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của Bộ Văn hoá nguỵ, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Vụ đốt sách báo miền Nam thứ nhất: Năm 1975, Sở Thông tin Văn hoá TP Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt… ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi truỵ trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó. Vụ huỷ sách miền Nam thứ nhì: Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba huỷ”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải huỷ hết, vì nếu không phải là loại phản động (một huỷ), thì cũng là đồi truỵ (hai huỷ), không phải phản động, đồi truỵ thì cũng là lạc hậu (ba huỷ), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí… Và dứt điểm là: … năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc huỷ sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh huỷ hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của ông cha mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều , Chinh phụ ngâm … in ở trong Nam đều phải huỷ ráo. Một thí dụ điển hình mà chính ông là nạn nhân: Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại Sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Huỷ hết, huỷ hết. Có lẽ mục đích của cuộc phá huỷ văn hoá miền Nam là tận diệt cho sạch tàn dư Mĩ nguỵ và để cho văn hoá miền Nam được “tiến” lên ngang hàng với văn hoá miền Bắc. Mà cái văn hoá đó thì ông đã đánh giá nó như sau: Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được… Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà Nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi. Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được. Và đây là trí thức của tầng lớp cán bộ văn hoá chỉ huy: Một nhà văn hợp tác với Viện Khoa học Xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt để dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có 50 nhà dịch cũng không làm nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành Informatique trong 30 năm nay đã có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không. Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ văn hoá vào hàng chỉ huy mà dốt tới mức đó! Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ có vận dụng trí óc của họ không? Kẻ cai trị mà như vậy thì người bị trị như thế nào? Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75, vô Sài Gòn, loá mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh. Hậu quả của chính sách văn hoá ngu dân, nhồi sọ: Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng; nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì, sống nghèo khổ, bất mãn. Y tế Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất họp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ. Trình độ nhân viên y tế: Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình da số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết. Tình trạng của nền y tế lúc đó: Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen. Nhưng: Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu. Vậy mà những kiều bào đó, lúc đó và ngay cả gần sau này, đều bị chửi là trốn nước cầu vinh, từ bỏ quê hương, không chịu ở lại cùng khổ với nhân dân để kiến thiết đất nước! Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường. Một hí kịch của nhà nước: Gần cuối kế hoạch năm năm đầu tiên (1976-1980), người ta làm một “chiến dịch” vệ sinh để “dứt điểm” và người ta lựa ngay khu sạch sẽ nhất trong thị xã làm “thí điểm”, phái một nhóm người đi xịt thuốc DDT cho từng nhà; thuốc đã pha loãng nhiều rồi mà lại chỉ xịt vài phòng tối, vài bụi cây thôi. Không cần xem xét chỗ chứa rác, cầu tiêu. Thế là xong chiến dịch, có thể báo cáo lên trung ương là đã dứt điểm. Xem xong thì ông phải lên tiếng than: Chính sách, đường lối tuy đúng mà thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu tinh thần thì cũng hoá dở. Chính sách, đường lối lúc ấy không biết có đúng hay không, nhưng chính sách, đường lối y tế bây giờ là lập lòe đánh lận con đen, dịch tả đang lan tràn thì nói trại đi là dịch “tiêu chảy cấp”. Tư pháp Tình trạng sinh viên miền Nam sau 1975: Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường. Tình hình ngành tư pháp sau năm 1975: Trong Nam trước năm 1975 chưa có bộ luật mới, tạm dùng bộ luật cũ. Còn ở Bắc bỏ luật cũ mà không có luật mới (nghe nói năm 1981 người ta mới tính thảo bộ luật mới), không có trường luật thì tôi không hiểu người ta dạy xử án ra sao. Ông kể một vài thí dụ về những vụ xử sau năm 1975: Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử - Thực vậy sao? - Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu? Tuy nhiên: Cũng có luật sư do chính quyền chỉ định để bênh vực cho bị cáo… Chính phủ bênh vực giai cấp vô sản; hạng bần dân dù bị tội nặng cũng xử nhẹ - trừ tội phản động dĩ nhiên. Và: Hiến pháp vẫn trọng quyền tư hữu nhỏ, nhưng đảng còn trọng lập trường giai cấp hơn. Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên, như giai cấp quí tộc đời Chu ba ngàn năm trước… Giai cấp yên thân nhất là giai cấp vô gia cư, vô nghề nghiệp. Không khác gì chế độ phong kiến hồi xưa! Câu cuối của ông khiến cho ta phải ngừng đọc mà suy nghĩ, nghiền ngẫm thêm một tí… Ngoại giao Về ngoại giao nước mình đã đứng hẳn về phe cộng sản. Như vậy các nước tư bản ngại không muốn đầu tư vào Việt Nam mà sự phát triển kinh tế sẽ chậm. Đó là nguyên nhân khởi thuỷ của màn suy sụp kinh tế trong những năm 1975-1985. Tình hình ngoại giao với mấy nước anh em sát biên giới cũng không khá hơn: Có người lại bảo tại mình mới thắng được Mĩ, mình đã muốn làm chủ cả bán đảo Đông Dương… Khi Miên, Việt hục hặc với nhau ở biên giới (nghe nói từ đầu năm 1976?) thì tôi đã ngạc nhiên; rồi đầu năm 1979, Trung Hoa đem quân tàn phá mấy tỉnh cực bắc của mình thì ai cũng chán nản, kể cả một số bạn của tôi ở Bắc. Thế này thì tình anh em trong thế giới cộng sản cũng chẳng đẹp gì hơn tình giữa các nước tư bản với nhau ư?... Vậy là chiến tranh thứ nhì của dân tộc mình mới chấm dứt được vài năm thì chiến tranh thứ ba đã bắt đầu. Từ cách mạng tháng 8 năm 1954 đến nay đã trên 35 năm rồi, gần như chiến tranh liên miên, bây giờ phải chịu hoạ binh đao mấy chục năm nữa? Khắp thế giới không có dân tộc nào khổ như mình. Công việc kiến thiết quốc gia đành chậm lại nữa, kinh tế sẽ xuống dốc nữa. Cũng may Đảng ta đã “sáng suốt” dâng đất, nhường biển cho Trung Hoa nên sau đó chúng mới để đảng ta yên mà thực hiện chính sách “đổi mới” hầu củng cố địa vị độc tôn, nắm đầu thắt cổ nhân dân cho tới bây giờ. Nhưng sau đó thì hậu quả lại khôn lường, lúc biết ra thì lòng dân sôi sục, thanh niên sinh viên học sinh tự phát biểu tình đòi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa thì bị ngăn cấm, bắt bớ, đàn áp. Đảng chỉ sợ đàn anh phật lòng mà không coi trọng đến tình cảnh nhân dân uất ức trước nỗi nhục mất đất, trước nỗi đau bị cướp đi tài sản thiêng liêng của tổ tiên để lại. Tôn giáo Ông viết rất ít về phần này. Tôi xin ghi hết cả ra đây: Về tôn giáo, chính sách của chính phủ là tôn trọng tự do tín ngưỡng, miễn là các giáo phái yên ổn tụng niệm. Mấy năm đầu có vài sự bất hoà, xung đột nhỏ, dẹp được ngay (bắt một số tu sĩ Công giáo và Phật giáo), và hai ba năm nay chính quyền trả lại chùa chiền cho giáo hội, không dùng làm nơi hội họp nữa; ở vài nơi tín đồ tới chùa khá đông, rất ít đàn ông. Nhiều nhà tu hành hoàn tục để mưu sinh. Cũng có một số vượt biên. Không còn hạng khất sĩ nữa, họ tự giải tán, mỗi người đi mỗi nơi để kiếm ăn. Có thể nói chính sách của mình cởi mở hơn Trung Hoa. Đảng viên không được theo tôn giáo, cũng không được cúng tổ tiên, nhưng được phép “tưởng niệm” (sic) mà không đốt nhang, không vái, ai muốn làm giỗ ông bà thì phải đóng cửa làm lén. Bây giờ thì ta đã biết rồi: linh mục thì bị bỏ tù, hoà thượng thì bị theo dõi. Phật giáo thì bị chia làm hai, phe không nghe lời của đảng thì bị cấm hoạt động. Công giáo thì bị đặt điều bởi chủ tịch nhà nước qua báo chí của đảng, bằng cách đút vào miệng chủ tịch nhà nước những câu tuyên bố láo khoét. Chương XXXIII - Kết quả sau 5 năm Thất bại trong hoà bình Đây là chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng với dân chúng miền Nam sau năm 1975: Muốn kiến thiết thì trước hết phải san phẳng chế độ cũ cái đã, không để lại một dấu vết nào cả. Phải đuổi hết các nhân viên cũ, để anh em cách mạng chia nhau tất cả các chức vụ lớn nhỏ. Phải diệt bọn tư bản, chiếm nhà cửa, tài sản như núi của họ, chia nhau mỗi người một chút. “Đó là quyền của mình mà!” Bây giờ 5 năm sau ngày 30-4-75, hết kế hoạch ngũ niên đầu tiên rồi, chúng ta mới thấy cơ hồ chẳng tiến bộ về một phương diện nào hết mà còn thụt lùi nữa, và ai lạc quan tới mấy cũng phải nhận chúng ta đã bỏ phí 5 năm, và không biết phải mấy năm nữa mới bắt lại được thời gian đã mất đó. Trong khi ấy thì thế giới cứ vùn vụt tiến tới. Ông đưa ra bốn cái thất bại của nhà nước đương thời cùng những lí do của nó. Cái thất bại thứ nhất: Thất bại lớn nhất, theo tôi là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hoà bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối năm 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc… Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “nguỵ” hết, truỵ lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến là dân Sài Gòn hư hỏng quá rồi. Họ chỉ nhìn bề ngoài… Bọn thanh niên hư hỏng ở Sài Gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn. Sự khinh rẻ giữa Bắc - Nam: Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…” Và trong chăn mới biết có rận: Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế. Cái thất bại thứ nhì: Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn hồi trước nhiều. Sự bất công (cũng như tham nhũng) xẩy ra đầy rẫy trong xã hội, suốt cả chiều ngang lẫn chiều dọc, điển hình là: Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao Li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả... Sài Gòn đưọc giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu,, và cũng thích những xa xí phẩm (áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hoà không khí v.v…) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ? Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ năm 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng như vậy. Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phảo xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà Nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!” Cái thất bại thứ ba: Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng nên không có kỉ luật, dưới không tuân trên, loạn. Nguyên nhân là cán nặng hơn gáo, dưới chẳng nghe trên, vì: … mỗi tỉnh là một tiểu quốc… Và: Vì mất kỉ luật cho nên thanh niên mới trốn nghĩa vụ quân sự… Tinh thần vô kỉ luật đó, không biết một phần có phải do chính sách giáo dục trẻ em không… trẻ em càng được thể làm biếng, sức học rất kém, mà tính ngỗ nghịch (bóp vú cô giáo như trên đã nói) thì quá sức tưởng tượng. Một cán bộ già ở Bắc vô nhận rằng trẻ em trong này ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng tôi sợ rằng ít năm nữa, chúng đuổi kịp bạn chúng ở Bắc mất. Cái thất bại thứ tư: Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ là sự suy sụp của kinh tế mà tôi đã trình bày sơ lược trên. Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ở Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi tới 60%-70% (tháng 8-1980, một cán bộ giáo dục ở Hà Nội vào bào tôi bây giờ họ phải ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973-1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam); có hồi gạo quí tới nỗi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ông bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ An hay Hà Tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà. Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vài mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo (ở miền Nam năm 1980, có nơi mội người chỉ được 6 tấc). Nhiều người vào Sài Gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai…đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường. Nhưng một người Ba Lan ở trong Uỷ ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bào chỉ trong 5 năm miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quần áo… về gíup bà con ở đây thì chúng ta ngày nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi. Dân miền Nam từ xưa chưa bao giờ biết đói, phải ăn độn thì năm 1979 thì đã phải ăn độn 70-80%, có những gia đình phải ăn bữa cơm bữa cháo, có cô giáo và học sinh đói quá, tới lớp té xỉu. Nhà nào cũng bán đồ cũ đi để ăn; nhiều giáo viên nhà đã trống rỗng, không còn bàn ghế nữa, ăn ngủ trên sàn. Ai cũng chỉ lo sao có cái gì nuốt cho đầy bao tử, chứ không dám nghĩ tới miếng ngon. Tết Canh Thân vừa rồi, ở Long Xuyên, nhà một giáo viên hồi hưu, trên bàn thờ ông bà chỉ bày một đĩa có mấy chiếc bánh phồng và bánh gai, không có một đòn bánh tét, một quả dưa hấu. Chắc chắn ông thể ngờ rằng, cho đến bây giờ, năm 2007, dân chúng nước Việt Nam vẫn sống trong cảnh đói nghèo và “Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo mà hằng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm” như lời một ông Bộ trưởng bộ Nông nghiệp đã tuyên bố. Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài Gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ… để bán cho ‘ve chai’. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá. Ở Bắc tình hình hiện nay điêu đứng hơn những năm kháng Mĩ. Nghe nói ngoài đó đã xuất hiện câu ca dao: Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh, Ba anh có biết dân tình hay không? Rao muống nửa bó một đồng Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.
Ở Nam có nơi hai tháng nhân viên chưa được lãnh lương, chắc nhiều gia đình không đủ tiền mua rau muống cho con nữa. Một bạn tôi đã phải ăn nước mắm kho khô. Không có tiền mua rau thì làm gì có tiền mua thịt. Muốn lâu lâu có thịt thì phải nuôi heo, gà, cho nên nhiều cơ quan ngay khi mới thành lập đã nghĩ ngay đến việc hùn tiền (hay lấy trong quĩ?) mua heo con, phân công nhau nuôi tại khu ở tập thể, như vậy đến lễ, tết mới có thịt liên hoan. Người ta thèm thịt quá, cho nên liên hoan lu bù, bất kì một dịp gì cũng liên hoan được… mỗi năm liên hoan cả chục lần là ít… Và khi ngồi vào bàn tiệc thì chẳng ai mời ai, đợi ai, mạnh ai nấy gắp, ăn thật mau (tới nỗi có người bảo cứ nuốt trước rồi sẽ nhai sau!), tệ gấp 10 thói ăn uống ở đình làng mà Ngô tất Tố đã mạt sát trong cuốn Việc làng . Nghèo thì sinh ra ở bẩn. Ngay trong khu tập thể một trường đại học Hà Nội, phòng một giáo sư ở Pháp về cũng dơ dáy, từ sàn gạch đến tường đều đầy vết bẩn… Dù muốn sống sạch cũng không thể được... Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế - mà trước kia họ sống rất sạch - mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn. Câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được. Xã hội sa đoạ Ông bất mãn với cái xã hội Việt Nam sau năm 1975: Điều đáng ngại nhất là sa đoạ về tinh thần, tới mất nhân phẩm. Tham nhũng lúc đó đã là một “quốc nạn”: Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng… Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…” Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn. Và vô số những tệ nạn khác: Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa… Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu cò thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây… thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường… Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả… nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt… Chỉ khổ dân quê… Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi… Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng… Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày! Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo – có kẻ ngoài 70 tuổi - từ Hà Nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li một lần cho biết mùi… Họ rất thích sách khiêu dâm… Và đây là câu kết luận của ông về cái xã hội cộng sản Việt Nam lúc đó, tuy ngắn gọn nhưng chất chứa thật nhiều nỗi chán ngán; theo tôi, nó cũng là câu kết luận chí lí cho toàn cả “Chương XXXI - Kết quả sau 5 năm” này: Tóm lại bao nhiêu cái xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa. Câu này, cho đến nay, đem ra thẩm định cho cái xã hội Việt Nam hiện tại thì vẫn còn đúng. Con người mất nhân phẩm Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả. Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa… Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hoá rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi. Ông quả thật là tiên tri. Cái xã hội chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bây giờ chỉ còn là cái tên mà thôi (nói đúng ra là chỉ là một cái bình phong cho chế độ độc tài), và các cán bộ đó đã bị tư bản hoá thành các đại gia, lãnh chúa hết rồi - nhà cao cửa rộng, tiền bạc ê hề,chuyển tiền ra nước ngoài, gửi con ra ngoại quốc “du học”... Mà hình như bây giờ người ta còn bàn tán là đảng cộng sản Việt Nam đang muốn rục rịch đổi tên nữa - chỉ là khoác một cái áo mới trên một con người còm cõi. Vài trường hợp nhơ nhớp xẩy ra trong ngành viết văn của ông: Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn. Cái mất tình người: Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó… Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Ôi chao! Ngành tống táng? Tôi không ghi ra đây một thí dụ của ông về chuyện này. Đại loại là nếu không có đủ tiền đút lót thì việc chôn cất hoặc hoả thiêu người chết sẽ không được làm một cách suôn sẻ. Trong một xã hội mà ngay người đã khuất rồi mà vẫn còn bị làm tiền thì ta không thể tưởng tượng được cái nhân tính thời đó tệ hại ra sao. Nguyên do? Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên nguỵ dạy thêm tại nhà. Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa. Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đoạ của con người, sự suy sụp của kinh tế. Một chế độ mà sau hơn 60 năm cầm quyền ở miền Bắc và hơn 30 năm cầm quyền ở miền Nam, léo lái đất nước Việt Nam gần cả ba thế hệ con người mà ta vẫn thấy không khá hơn (nếu không nói là tụt hậu) thì ta phải nghĩ gì về chính sách và tập đoàn cai trị của chế độ đó? Và theo ông, về cái tương lai của chế độ đó thì: Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hoá mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi thốt ra lời trên chăng? (còn 1 kì) © 2008 talawas
|