1.
Một người bạn thuộc một forum riêng của “Những người bạn cũ” đã từng "nổi tiếng thứ thiệt" trong những năm đấu tranh chống đế quốc xâm lược vì hòa bình, độc lập cho Việt Nam tại CHLB Đức vào những thập niên 70 thế kỷ trước, có giới thiệu bài viết nhan đề là "
Vốn xã hội ở Việt Nam, nguy cơ phát triển và triển vọng phát huy" của chị Thái Kim Lan đăng trên tạp chí
Diễn Đàn ở Pháp cho tôi. Bản thân tôi rất lười và từ lâu thường dị ứng với những bài lý luận mang tính hàn lâm tràng giang đại hải, nên ít khi mở trang web của
Diễn Đàn, dù rằng đối với độc giả trong nước nó không bị Ban Tư tưởng - Văn hoá “cộp” tường lửa.
Thế cho nên việc tôi góp ý cho những bạn bè nói trên về đoạn ca tụng "vốn xã hội của người Đức" trong bài của chị Lan, nói rằng xã hội Đức và các xã hội Anglo-saxon nghĩ cho cùng mang tính "tích nhập" (intégriste) rất cao nên thiếu tính cách phê phán cấp thời, cũng như trao đổi riêng với anh Nguyễn Huệ Chi là đặt vấn đề "cư trần lạc đạo" trước khi giải quyết được vấn đề "hòa giải hòa hợp" bị kẹt từ 32 năm nay, phải chăng là đặt "cái cày trước con trâu", đều chỉ là những nhận xét trong vòng thân hữu không phổ biến.
Anh Huệ Chi không hề biết có bài về "vốn xã hội" trên tờ
Diễn Đàn nói trên của chị Kim Lan (chắc anh cũng ít vào trang mạng này), và có lẽ là do anh chưa đủ... "nổi tiếng" để được “đặt hàng” và “mời tham dự” cái Hội thảo năm 2005 về "vốn xã hội" tại Việt Nam, nên cũng chưa được đọc bài của chị Kim Lan. Anh Huệ Chi nhờ tôi gửi cho anh một bản sao bài của chị Kim Lan, sau khi đọc, thấy cách đặt vấn đề của tôi có lý nên anh bàn với tôi triển khai rõ hơn, bản thân anh cũng viết một phần góp thêm mà ý hướng chính bổ sung cho nhau là phải đặt "hòa giải - hòa hợp dân tộc" như một tiền đề tiên quyết (a priori) cho vấn đề phát triển và hội nhập của nước Việt Nam vào thế giới văn minh, trong đó có nêu vấn đề gây "vốn xã hội" theo "mô hình nhà Phật của Trần Nhân Tông" trong bài của chị Kim Lan như là một khía cạnh đáng lưu tâm.
2.
Sau đó anh Huệ Chi đề nghị chúng tôi gom thành một
bài viết chung gửi đăng trên talawas, một tờ báo chủ trương "đa nguyên văn hóa" và thích có nhiều quan điểm "tranh luận" (polémique).
Phải chăng vì thế nên chị Kim Lan nghĩ rằng chúng tôi "phản biện" chị và chị đã viết một
bài "phản phản biện" cũng hàn lâm và tràng giang như thường lệ.
Anh Nguyễn Huệ Chi yêu cầu tôi viết ít hàng trả lời, vì anh vừa có “
Mấy lời phân trần” trên talawas, tuy lúc viết không biết có bài trao đổi của chị Kim Lan nhưng vô tình cũng như đã phản hồi kịp thời ý kiến chị Kim Lan ở chỗ căn bản nhất: điều chúng tôi thực sự quan tâm không phải là chuyện trên trời dưới biển mà là “thời cơ và hiểm họa” đang rập rình trên đất nước. Tôi thấy nhẹ cả người vì anh đã không yêu cầu "phản phản phản biện" bài của chị Kim Lan.
Các tờ
Thông Luận,
Đối Thoại... đăng lại bài của chúng tôi có lẽ do họ thấy "thích" quan điểm của chúng tôi, chứ không phải họ muốn cho chúng tôi trở thành "nổi tiếng" đâu!
Riêng chuyện đăng lại bài viết có bổ sung trên tờ
Gió O của anh Huệ Chi, tôi rất tán đồng vì anh đã đưa thêm những đối sánh sát sườn trong việc quan chức Hà Nội có được chút không gian xanh nào cũng nhấp nhổm bán đi làm khu thương mại, mặc cho người dân sống ra sao thì sống và bộ mặt một “Hà Nội nghìn năm văn hiến” tương lai đẹp xấu thế nào cũng xong, trong khi các công viên mênh mông của Paris vẫn được tôn trọng và giữ gìn từ thuở nào đến nay; anh còn thêm những thí dụ về sự "thiếu khoan dung chính trị" của Đảng và Nhà nước khi nhấn mạnh rằng trường hợp xử các vị như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân tuy là chuyện của luật pháp, nhưng không phải không có điều tiếng gì trong dư luận; là người làm văn hóa thiết tha với di tích Hoàng thành, anh lưu ý cái việc không phải chỉ “lòng dân” mà ngay đến các công thần bậc nhất như Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp cũng không tán thành cách đối xử “độc chuyên” và “phũ phàng” với di tích vô giá đó; ngoài ra, sau một loạt dẫn chứng về tệ trạng xảy ra như cơm bữa trên mọi miền đất nước, anh đã cảnh báo hiện tượng “bất an” trong tâm lý toàn xã hội.
Theo tôi các chi tiết bổ sung nói trên là rất cần thiết nhằm "phân tích cụ thể những trường hợp cụ thể" trong khi trình bày luận điểm.
Còn tờ
Gió O mà tôi chưa có hân hạnh biết đến, theo sở thích của tòa soạn, có tự động giới thiệu chúng tôi thành “những trí thức nổi tiếng" thì không hiểu anh Huệ Chi nghĩ sao, chứ bản thân tôi cảm thấy rất thú vị, "hơi bị hưng phấn" như thể nhận được một giải thưởng "văn học" lớn của Đảng và Nhà nước vậy.
3.
Chị Kim Lan nêu lên lý thuyết "mô hình và tư biện lô gích" để bảo vệ những quan điểm trong bài viết về "vốn xã hội tại Việt Nam" của mình. Tôi là người có biết chút ít về toán học nên hiểu rõ những lời diễn giải của chị, nhưng tôi không "phản phản phản biện" vì nó sẽ kéo dài thành tranh luận lê thê một cách hàn lâm và sẽ tốn rất nhiều chỗ cho talawas trong các bài báo tiếp theo. Tôi không có thói quen say mê các các "trò giải trí trí tuệ” này!
4.
Chúng ta đang nghiêm túc bàn luận một vấn đề chính trị liên quan đến vận mạng của dân tộc mình nên không thể xa rời quan điểm "phân tích cụ thể những trường hợp cụ thể" trước khi tranh luận về mặt học thuật, vì nếu những quan điểm lý thuyết sai lầm của chúng ta mà bị lợi dụng áp đặt vào xã hội thì chẳng hóa ra dân tộc Việt Nam lại trở thành những "con chuột bạch" (cobaye) của các trò "thí nghiệm chính trị", như đã từng xẩy ra trong hơn suốt nửa thế kỷ xã hội chủ nghĩa vừa qua khiến cả một dân tộc lâm vòng khốn đốn đó sao!
© 2007 talawas