trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
14.11.2007
Nguyễn Đình Thành
Một vài suy nghĩ về các chính sách hỗ trợ phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam
(Tham luận tại Hội thảo "Mỹ thuật Việt Nam thời kì đổi mới")
 
Sau hai mươi năm nằm trong dòng chảy đổi mới, mỹ thuật Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Câu hỏi được đặt ra tiếp theo sẽ là: chúng ta nên tiếp tục đi như thế nào? Và trước khi tiếp tục lên đường, hãy xem trong tay nải của chúng ta có gì? Các nhà viết sử và nghiên cứu mỹ thuật cần giải quyết trọn vẹn việc tổng kết chặng đường ấy với một cái nhìn mang tính phê phán (theo đúng nghĩa của từ này): từ điểm đầu (1986) đến điểm cuối (2006), các thành tố của nền mỹ thuật Việt Nam đã có biến đổi như thế nào về hình thức, số lượng, nội dung. Xin tạm chia các thành tố ấy thành sáu nhóm:
  • Nghệ sĩ (ở vị trí trung tâm)
  • Các nhà chuyên môn về nghệ thuật (phê bình, nghiên cứu mỹ thuật, giám tuyển, chuyên gia thẩm định giá trị và xuất xứ các tác phẩm nghệ thuật, chuyên gia mỹ thuật-phụ trách bộ sưu tập ở bảo tàng…)
  • Công chúng
  • Thị trường nghệ thuật (gallery, nhà sưu tập)
  • Các cơ quan chức năng (Bộ Văn hoá thông tin, Sở Văn hoá thông tin, Vụ Mỹ thuật NA, Hội Mỹ thuật…)
  • Các thành tố khác (tổ chức văn hoá nước ngoài tại Việt Nam, quỹ văn hoá nghệ thuật của tư nhân hay của các công ty…)
Từ việc phân tích tác động của chính sách đổi mới tới các thành tố này, chúng tôi nghĩ đến ba nhóm giải pháp chính có thể được nghiên cứu triển khai, đó là:
  • Chính sách về giáo dục đào tạo (nghệ sĩ, nhà chuyên môn, công chúng, nhà quản lý, chủ gallery,…)
  • Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến mỹ thuật (bảo tàng, các tổ chức văn hoá nước ngoài, các kênh phi thể chế, các trung tâm triển lãm và tư liệu lớn, cơ chế chính sách, tài trợ bảo trợ nghệ thuật, đơn đặt hàng của các cơ quan công quyền, báo chí…)
  • Khung pháp lý (thị trường nghệ thuật, chính sách quản lý, các hội đoàn chuyên nghiệp…)
Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể đề cập chi tiết đến từng thành tố hay từng nhóm giải pháp, chỉ xin đưa ra một số điểm chính như sau.


I. Chính sách đào tạo

Nhu cầu đổi mới một cách triệt để đang trở nên thúc bách hơn bao giờ hết vì nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị hất ra khỏi cuộc chơi và chỉ được làm khán giả, hoặc "bình vôi" làm vì.

Từ trước đến nay, đào tạo mỹ thuật của ta vẫn bị chê là kinh viện, khép kín, sinh viên không được cổ vũ hoặc không có dịp để bảo vệ tác phẩm của mình trước những ý kiến trái ngược từ phía thầy, cô hoặc công chúng, đã đến lúc phải thay đổi điều này. Lẽ dĩ nhiên, trước khi thay đổi, người ta hay có thói quen xem người khác, người đi trước đã làm gì. Xin nêu ra ví dụ của trường Đại học mỹ thuật Paris để tham khảo.

Ở trường này, mỗi năm có khoảng 200 thí sinh đăng kí và số được chọn lựa khoảng trên dưới 50 người. Để được vào trường, thí sinh nộp ảnh tác phẩm cá nhân của mình, qua đuợc vòng này sẽ được vào vòng phỏng vấn kiến thức nghệ thuật và bảo vệ tác phẩm của mình trước ban giám khảo. Ở đây, người ta quan niệm rằng đã vào trường thì sinh viên phải biết vẽ và hiểu biết về lịch sử mỹ thuật rồi (xin so sánh một cách thô thiển là đã vào đội tuyển quốc gia rồi, không ai dạy kỹ thuật đá bóng nữa), vì thế các giờ học lịch sử mỹ thuật chỉ tập trung xử lý những chủ điểm cụ thể tuỳ theo người dạy chọn (chân dung trong lịch sử mỹ thuật, hình ảnh các con vật trong lịch sử mỹ thuật, chủ điểm cái chết, niềm vui, hạnh phúc…); sinh viên cũng chỉ học hình hoạ đến năm thứ hai.

Sinh viên học theo xưởng chứ không chia theo lớp. Sinh viên được tự do vẽ theo chủ đề này, truờng phái kia. Trường học là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa những người nghệ sĩ với nhau, là nơi đào luyện chính kiến nghệ thuật, tìm tòi phong cách, sự độc đáo. Sinh viên được quyền sáng tác như mình muốn và phải biết bảo vệ tác phẩm của mình. Giám khảo trong các kì thi cuối năm thường xuyên có: giáo viên phụ trách xưởng, một giáo viên ở trường khác và một nghệ sĩ chuyên nghiệp (không nhất thiết đã học qua trường lớp).

Trường dành hai phòng triển lãm nằm ở vị trí trung tâm để mỗi xưởng được triển lãm từ 1 – 2 ngày. Cách làm này có lợi điểm là giúp sinh viên được cọ xát với ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, công chúng và cả các nhà sưu tập tương lai nữa. Cùng lúc, sinh viên cũng được học cách tổ chức triển lãm theo nhóm, làm việc tập thể, hiểu rõ quy trình tổ chức triển lãm ra sao, giới thiệu tác phẩm một cách chuyên nghiệp như thế nào, tập hợp tác phẩm trong một quyển book như thế nào để tiếp thị mình.

Trong đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, cần nhanh chóng xoá bỏ ranh giới cứng nhắc giữa các bộ môn mỹ thuật khác nhau. Rõ ràng trên thế giới, người ta ngày càng ít nói đến “nhà điêu khắc” “hoạ sĩ” mà dùng nhiều hơn “nghệ sĩ tạo hình”, “nghệ sĩ thị giác”. Cũng cần làm rõ khái niệm nghệ thuật đương đại, không nên gò bó nó trong một cái khung chật hẹp là trình diễn, sắp đặt hay video artnghệ thuật đương đại phải được hiểu là nghệ thuật của ngày hôm nay, nói đến những vấn đề của ngày hôm nay, với những kỹ thuật được biết cho đến ngày hôm nay do một nghệ sĩ sống trong thời đại này sáng tạo nên sau một quá trình lao động nghệ thuật trung thực để tạo ra cái mới, độc đáo. […]

[…] Cần đầu tư dài hạn và nghiêm túc vào việc dịch các công trình nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam bằng tiếng nước ngoài, tác phẩm lý luận, từ điển mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật, vựng tập của các triển lãm nghệ thuật đương đại quan trọng trên thế giới với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài [ …] Đầu tư vào việc đào tạo sinh viên, giáo viên mỹ thuật, lịch sử lý luận tại các nước phát triển bằng học bổng VOSP, của các sứ quán, quỹ văn hoá nước ngoài […]


II. Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến mỹ thuật

[…] Việc thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại Việt Nam là việc bắt buộc phải làm nếu chúng ta không muốn để các thế hệ mai sau trách cứ vì đã để lọt qua tay những sáng tác nghệ thuật của ngày hôm nay nhưng sẽ là di sản nghệ thuật của ngày mai. Thực vậy, cần thay đổi triệt để cách chọn mua các tác phẩm cho các bảo tàng mỹ thuật. Giá trị nghệ thuật và cả lịch sử (đối với tương lai) cần được đặt lên hàng đầu thay cho các tiêu chí về “tính phù hợp”, cần phải có những chuyên gia trong lĩnh vực “săn lùng” tác phẩm tiêu biểu và được biên chế trong các bảo tàng.

Điều dễ nhận thấy là phần lớn các tác phẩm đương đại có giá trị được sáng tác trong thập kỷ 90 đã nằm trong các bộ sưu tập của các cá nhân và bảo tàng nước ngoài (đặc biệt là các bảo tàng ở châu Á). Nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ, sẽ không bao giờ có đủ tiền mua lại các tác phẩm này trong nước chứ chưa nói đến ở nước ngoài. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi nếu không làm được, lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam hai mươi năm qua sẽ bị khập khiễng, phiến diện. Nếu chúng ta càng đợi, giá của chúng sẽ càng tăng lên. […]

Một kinh nghiệm thú vị khác về phổ biến mỹ thuật tới công chúng là các “ngày mở xưởng” – “open door” do chính các hoạ sĩ tổ chức. Hình thức này khá phổ biến khi các hoạ sĩ, nghệ sĩ tổ chức một ngày mở cửa xưởng làm việc của mình cho công chúng tới xem, giao lưu, trao đổi, mua tác phẩm (tất nhiên có kèm tờ xác nhận tính độc bản, xuất xứ của tác phẩm). Hoạt động này cũng được tổ chức ngay tại các trường đào tạo mỹ thuật làm công chúng được tiếp cận với nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật trong ngoài khuôn khổ bảo tàng, trung tâm hay festival nghệ thuật. Hiện nay, với số lượng đông đảo các hoạ sĩ Hà Nội sống ở Gia Lâm, tổ chức hoạt động này chắc chắn sẽ gây được tiếng vang lớn góp phần phổ biến rộng rãi mỹ thuật tới công chúng.

Một câu hỏi khác cần câu trả lời nhanh chóng và xác đáng, đó là thông tin về các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Hiện nay, chính qua việc truy tìm trên các trang web của một số gallery lớn như Quỳnh Galery, Artvietnam gallery, các trang web của cá nhân hoạ sĩ (Tran Trong Vu, Nhu Huy…), các festival nghệ thuật ở nước ngoài có sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam... mà người nước ngoài hoặc công chúng có được nhiều thông tin nhất về các nghệ sĩ đương đại của Việt Nam. Cần nhanh chóng thiết lập một trang web chuyên về mỹ thuật Việt Nam, trong đó cung cấp những thông tin cập nhật về các nghệ sĩ, địa chỉ liên hệ, làm cầu nối cho các nghệ sĩ của ta ra thế giới, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của nhà nước tới lĩnh vực này. Trang web này có thể do Hội Mỹ thuật Việt Nam hoặc Viện Mỹ thuật Việt Nam xây dựng, quản lý và cập nhật. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa và thiết thực với các nghệ sĩ Việt Nam.


III. Về sự cần thiết phải thành lập các Trung tâm Nghệ thuật Đương đại lớn

Khó có thể tưởng tượng diện mạo của nghệ thuật đương đại Pháp sẽ ra sao nếu không có Trung tâm Nghệ thuật đương đại Georges Pompidou, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Cung điện Tokyo (nằm cạnh bảo tàng nghệ thuật hiện đại thành phố Paris). Mô hình các trung tâm như thế này đáng để chúng ta quan tâm.

Đó là những trung tâm nghệ thuật liên ngành nằm trên một diện tích rất lớn, bao gồm quảng trường, không gian triển lãm, thư viện nghệ thuật mở cửa cho mọi người, không gian giáo dục mỹ thuật, hiệu sách, phòng chiếu phim, nhà hát, nhà ăn… Khách có thể ở đây từ sáng đến tối, sống trọ một ngày trong nghệ thuật. Các loại hình sáng tạo đương đại được giới thiệu ở đây (giám đốc nghệ thuật có lúc thậm chí không phải là người Pháp) trở thành kiểu mẫu định hướng cho nghệ sĩ trẻ và công chúng trong việc sáng tác và thưởng thức nghệ thuật. Mô hình này đặc biệt cần thiết với Việt Nam, nơi dân số trẻ chiếm đại đa số, kém hiểu biết về nghệ thuật, thậm chí không/chưa có nhu cầu thưởng thức mỹ thuật. Tiêu chí để lựa chọn người làm việc tại đây nhất thiết phải là năng lực và tác phẩm được giới thiệu nhất thiết phải mang tính nghệ thuật cao, không nặng về tuyên truyền.

Một mô hình khác có lẽ cũng rất phù hợp và cần thiết với Việt Nam trong tương lai xa, đó là mô hình các Quỹ nghệ thuật đương đại cấp vùng gọi là FRAC. Được thành lập năm 1982, các quỹ này tiến hành hỗ trợ sáng tác thông qua việc mua các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ cũng như qua các đơn đặt hàng của chính quyền liên quan tới mọi ngành của mỹ thuật đương đại (video, design, tranh tượng, sắp đặt…). Quỹ không có không gian giới thiệu cố định nên thường trưng bày ở nhiều địa điểm khác nhau trong vùng. Tác phẩm được mua qua quyết định của hội đồng nghệ thuật gồm các dân biểu và nghệ sĩ. Tính đến 2006, các quỹ này có 150 000 tác phẩm được giới thiệu trong vùng của mình cũng như cho các bảo tàng, festival hoặc quỹ của vùng khác mượn trưng bày khắp nước Pháp. Các quỹ này cũng tổ chức các buổi làm việc của các nghệ sĩ trong các trường học. Họ mời các nghệ sĩ đương đại đến giới thiệu và nói về tác phẩm của mình hay thậm chí đến sáng tác tác phẩm mới với các em. Các thử nghiệm này cho thấy, khi có một nghệ sĩ ‘’bằng xương bằng thịt’’ trước mặt và việc được tham gia vào một chuyến phiêu lưu nghệ thuật cùng nghệ sĩ tác động mạnh đến sự quan tâm của các em tới nghệ thuật đương đại. Không thể bứng nguyên mô hình này vào thực tế Việt Nam, nhưng ta vẫn có thể tính đến việc thành lập những tổ chức tương tự để giải quyết cùng lúc nhiều câu hỏi về sáng tác, phổ biến và giáo dục mỹ thuật tại Việt Nam. Trước hết có thể thử nghiệm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.


... Và về cơ chế chính sách

Trọng tâm cần được nhấn mạnh vào mảng tài trợ, bảo trợ nghệ thuật vốn chưa được quan tâm ở nước ta. Tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực này sẽ thực sự thiết thực với chúng ta.
Thực vậy, tài trợ cho nghệ thuật đương đại là một việc làm còn thiếu ở các doanh nghiệp Việt Nam và cả trong các quy định của nhà nước. Người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu đồng tài trợ cho một chương trình thời trang, ca nhạc nhưng không ai đi mua các tác phẩm nghệ thuật để bày trong doanh nghiệp mình, để tặng cho bảo tàng, hoặc tài trợ cho một nghệ sĩ trẻ, và ngay cả khi họ làm vậy, họ cũng không hề được miễn hay giảm thuế. Trong khi đó, các hoạt động như thế này rất phổ biến tại các nước như Pháp, Đức và đặc biệt là Mỹ.

Ở Pháp, các cá nhân mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại được giảm tới 66% thuế thu nhập trong tổng số 20% thu nhập chịu thuế của mình còn các doanh nghiệp được giảm tới 60% thuế doanh nghiệp trong giới hạn 0,5% doanh thu [1] . Một chính sách sách khác hỗ trợ sáng tác đương đại là trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (trong giới hạn tối đa 0,5% doanh thu) nếu doanh nghiệp đó mua một tác phẩm của một nghệ sĩ còn sống, với điều kiện là tác phẩm phải được trưng bày ở nơi công cộng trong thời gian ít nhất 5 năm.

Tại Mỹ, người ta có thể mua một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền rồi đợi vài năm sau, khi giá tranh lên cao để tặng lại cho các bảo tàng. Tiền thuế được trừ tính bằng giá trị thị trường vào lúc đó. Các biện pháp này đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người giàu mua tác phẩm nghệ thuật làm giàu cho các bảo tàng. Làm như vậy, tác phẩm của nghệ sĩ đến được với công chúng và nhất là nghệ sĩ có được chỗ dựa về tài chính.

Một biện pháp khác cũng hết sức thú vị, đó là nhà nước cổ vũ sự ra đời và hoạt động của các quỹ văn hoá cá nhân hoặc của doanh nghiệp. Trong giới mỹ thuật đương đại Pháp, không ai không biết đến những trung tâm mỹ thuật đương đại đồng thời là các quỹ văn hoá danh tiếng như: Fondation Cartier, La Maison Rouge và hàng loạt các quỹ văn hoá của các doanh nghiệp như France Télécom (viễn thông Pháp), RATP (công ty giao thông công cộng vùng Paris)…

Các quỹ kiểu này có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống mỹ thuật. Họ tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày bộ sưu tập của mình (phần lớn là các tác phẩm đương đại), khi quỹ tan rã, bộ sưu tập thuộc về nhà nước. Các doanh nghiệp chi trả toàn bộ chi phí hoạt động cho quỹ này, đổi lại, họ được miễn giảm thuế thoả đáng. Hầu hết các quỹ này được tập hợp trong một tổ chức gọi là Fondation de France (quỹ Pháp) và hàng năm tiếp đón hàng triệu lượt người xem, hỗ trợ hàng trăm nghệ sĩ. Như vậy, sự đa dạng trong sáng tác cũng được cổ vũ, khuyến khích và bảo tồn. Đã đến lúc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghĩ tới việc làm này. Đó có thể là các tập đoàn công ty lớn như: Vietnam Airlines, Petrolimex, Viettien, VNPT, FPT. Thay vì đổ hàng tỷ đồng vào tài trợ các chương trình ca nhạc, giải thi đấu thể thao, họ có thể bỏ ra một phần tiền trong đó để bảo trợ mỹ thuật.

Nhìn chung, cần phải phát triển đồng bộ và toàn diện các hoạt động bảo trợ nghệ thuật tại Việt Nam. Tại Mỹ, bảo trợ nghệ thuật và từ thiện đã mang lại cho lĩnh vực phi lợi nhuận khoảng 10 tỷ euros năm 2002 chiếm khoảng 2,1% GDP với khoảng 100 000 quỹ được thống kê [2] . Tại Pháp, bảo trợ nghệ thuật, từ thiện và môi trường huy động được 343 triệu euros năm 2002, tức 0,09% GDP với hơn 1060 doanh nghiệp tham gia. Các hình thức bảo trợ cũng rất đa dạng (hỗ trợ về kỹ thuật và nghiệp vụ, công nghệ, sức khoẻ, truyền thông, cho mượn người, mượn nơi triển lãm, cho ý tưởng…). Sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này chắc chắn sẽ mang lại một sức đẩy không nhỏ cho ngành mỹ thuật ở Việt Nam.

Các cố gắng về hỗ trợ sáng tác không được tách rời các cố gắng về mặt phổ biến, quảng bá mỹ thuật. Các bảo tàng và cơ quan văn hoá cần giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ ở những nơi thu hút được nhiều người nhất cũng như chú trọng việc đưa các nghệ sĩ thị giác tham gia vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật lớn của quốc gia và địa phương […]

Khi tìm cách lý giải về sự vắng mặt một cách khó hiểu của các nghệ sĩ đương đại Pháp trên thị trường nghệ thuật thế giới, nhà nghiên cứu Alain Quémin đã nói một câu làm giới chức trách nghệ thuật Pháp phải giật mình suy nghĩ: nếu chính anh không giới thiệu sự phong phú trong sáng tạo của các nghệ sĩ của nước anh (cái mà mọi nước khác đều làm) làm sao anh muốn những người khác làm việc này thay anh? Câu nói này đúng với một nước phát triển như thế, hẳn trong lĩnh vực nghệ thuật của chúng ta, nó còn đúng hơn nữa.

Thực vậy, nhiều nghệ sĩ của ta ra nước ngoài không khỏi ngạc nhiên và thậm chí tự hỏi mình có nghe nhầm không khi rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài hỏi: thế ở nước các bạn đã hết chiến tranh chưa? Hay đại loại như Việt Nam ở đâu thế nhỉ? Chỉ biết là ở châu Á thôi. Nhìn lại thực tế của chúng ta, hầu hết các nghệ sĩ đương đại được biết đến ở nước ngoài qua cố gắng cá nhân của họ hay của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ các nghệ sĩ của mình như các chính phủ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang làm. Cần tổ chức, đồng tổ chức, phối hợp tổ chức các festival nghệ thuật đương đại liên ngành, trước mắt là trong nước, sau đó là trong khu vực và gửi nghệ sĩ tham gia các liên hoan quốc tế (Festival Huế trong những lần tổ chức đầu tiên đáp ứng được tiêu chí này). Cần mời một số nghệ sĩ, nhà giám tuyển danh tiếng trên thế giới đển tham dự, một mặt để nâng cao mặt bằng chất lượng, uy tín của Festival, một mặt để tranh thủ quảng cáo các nghệ sĩ Việt Nam với thế giới, bởi các nhà giám tuyển danh tiếng trên thế giới hầu hết đều biết nhau và trao đổi thông tin với nhau. Một nghệ sĩ được mời tham dự một festival danh tiếng có nhiều cơ hội được mời tiếp nhiều lần nữa ở các liên hoan khác nhau. Điều này đúng với điện ảnh và cũng sẽ đúng với mỹ thuật.

Nhà nước cần cổ vũ các ý tưởng của các đơn vị, cá nhân, gallery hay trung tâm văn hoá nước ngoài trong việc tổ chức các festival đương đại. Các khó khăn trong việc tổ chức Saigon Open City chỉ làm nản lòng các nhà tổ chức cá nhân, các nhà tài trợ (vốn phải khó khăn lắm mới tìm được) bất lợi cho nghệ sĩ và gây hình ảnh xấu tới giới mỹ thuật quốc tế. Điều này cũng đúng với việc dự án Phố thứ 37 – liên hoan nghệ thuật đương đại liên ngành với sự tham gia dự kiến của các nghệ sĩ Việt Nam, Pháp, Bỉ, Thái Lan đã không trở thành hiện thực vì nhiều lý do hành chính, thủ tục, kỹ thuật khác nhau. Hy vọng các nỗ lực sắp tới của các đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực này sẽ nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ từ phía các nhà quản lý và của địa phương.


Đôi lời kết luận

Để hỗ trợ sự phát triển bền vững của nghệ thuật đương đại Việt Nam và hội nhập thành công với nghệ thuật khu vực và thế giới, nhà nước cần đưa ra một chính sách mang tính tổng quát, có tính đến các khâu khác nhau như đào tạo nghệ sĩ, công chúng, chuyên gia nghệ thuật, cán bộ quản lý, hỗ trợ sáng tác và phổ biến, tăng cường sự tiếp cận của công chúng với nghệ thuật, cải cách các cơ quan công quyền có liên quan và điều chỉnh cơ chế quản lý hiện hành. Tất cả các yêu cầu nói trên đang ngày càng trở nên cấp bách.

Cần có những cố gắng thường xuyên, liên tục, dài hạn trong việc cải cách phương pháp dạy và học nghệ thuật, trong việc dịch các tác phẩm quan trọng của mỹ thuật thế giới về lịch sử, lý thuyết hay thời sự mỹ thuật; trong việc xây dựng tính chuyên nghiệp trong sáng tác, giới thiệu tác phẩm và trên thị trường nghệ thuật.

Cần xây dựng ít nhất một bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam để lưu giữ và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu nhất, sáng tác từ năm 1986 trở lại đây hoặc một trung tâm nghệ thuật đương đại lớn, đa chức năng và liên hoàn; tổ chức các liên hoan nghệ thuật đương đại từ ý tưởng của nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sự hỗ trợ từ các trung tâm văn hoá nước ngoài, các đại sứ quán, quỹ văn hoá và các doanh nghiệp là hết sức lớn lao và đầy tiềm năng.

Sự toả rạng của nghệ thuật đương đại Việt Nam chỉ có thể trở thành sự thực với ý thức tích cực, sự cố gắng đến từ các nghệ sĩ, từ công chúng, giới chuyên môn, các nhà quản lý, đi đôi với sự can thiệp hiệu quả từ phía nhà nước với các chính sách có tính đến những thay đổi thường xuyên của sáng tạo nghệ thuật trên thế giới.



[1]Nguồn: http://www.culture.gouv.fr/culture/actualites/politique/mecenat/fiches.htm#2
trang web của Bộ Văn hoá và truyền thông Pháp, phần nói về bảo trợ nghệ thuật, fiche 2 phần 2.
[2]Nguồn: http://www.culture.gouv.fr/culture/actualites/politique/mecenat/fiches.htm#2
trang web của Bộ Văn hoá và truyền thông Pháp, phần nói về bảo trợ nghệ thuật, fiche 2 phần 1 C.
Nguồn: Ká»· yếu Há»™i thảo Mỹ thuật Việt Nam 09.2007