trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.12.2006
Anatoly Tille
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Lao động cưỡng bức

“Lao động cưỡng bức” trong ngôn ngữ thông thường là lao động bắt buộc do bản án của tòa qui định nhưng về nguyên tắc, sản xuất “xã hội chủ nghĩa” chính là nền sản xuất dựa trên lao động cưỡng bức dưới nhiều hình thức khác nhau. Lao động là nghĩa vụ được ghi trong hiến pháp và được củng cố trong luật hình sự, theo đó “những kẻ ăn bám” (xin nhớ lại trường hợp nhà thơ được giải thưởng Nobel là Brodsky) nghĩa là những người “không làm những công việc hữu ích cho xã hội” sẽ bị đi đầy. Những biện pháp ép buộc nhẹ nhàng nhất đã được thảo luận trong chương IX. Ở đây chúng ta sẽ xem xét các biện pháp ép buộc nghiêm khắc hơn.

Như đã nói bên trên, Marx, Lenin, Trotsky coi nghĩa vụ lao động bắt buộc của toàn dân là thành tố quan trọng nhất của hệ thống tổ chức lao động trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”. Sau này người ta đã đoạn tuyệt với nguyên tắc này, nhưng chỉ một phần mà thôi. Chỉ đến khi thông qua bộ luật lao động năm 1972, chương về nghĩa vụ lao động mới bị loại bỏ nhưng việc buộc mọi người phải làm việc, cả ở thành phố và nhất là ở nông thôn vẫn được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, mặc dù phải công nhận rằng đã không còn thịnh hành như hồi những năm 1960 nữa. Công việc lao động cưỡng bức bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ khai thác gỗ, khai thác than bùn cho đến xây dựng đường xá. Nông dân thường bị động viên là chính, mặc dù họ chẳng có tội gì, cũng chẳng có bản án nào. Những người từng tham gia khai thác than bùn (toàn là phụ nữ) kể: làm từ sáng sớm đến tối mịt, chân ngập trong bùn lầy. “Chúng tôi làm từ tháng 4 đến tận đầu tháng 11, trước khi nước đóng băng. Đấy đúng là lao động khổ sai… Chúng tôi chỉ có dép, chân ngập trong nước, tôi đã bỏ lại đôi chân ở đấy… Tôi không có chồng. Thanh niên của làng thì bị điều đi xẻ gỗ ở Kostroma và Viatka từ tháng 10 đến tận mùa xuân năm sau. Chúng tôi thì trở về vào tháng 11. Không thể gặp nhau được. Nam nữ không có cơ hội gặp nhau…” (Tin tức, ngày 31 tháng 1 năm 1990).

Trong số các hình phạt bằng lao động thì đuổi khỏi nơi cư trú và lưu đầy là những hình phạt năng nề nhất. “Đuổi khỏi nơi cư trú là đuổi phạm nhân khỏi nơi đang cư trú cùng với việc cấm cư trú ở một số địa phương nhất định”, điều 26 bộ Luật hình sự viết như thế. Người nước ngoài có thể cho rằng đây là hình phạt rất nhẹ, hơn nữa trong luật hình sự lại không nói gì đến lao động cưỡng bức cả. Nhưng, thứ nhất, bên cạnh luật còn có hộ khẩu, người nước ngoài không thể nào hiểu được ý nghĩa của hộ khẩu. Đuổi khỏi nơi cư trú bao giờ cũng đi kèm với việc xóa hộ khẩu, mà không có hộ khẩu thì không có chỗ dung thân. Hộ khẩu chỉ được công an cấp khi có chỗ ở và có việc làm. Nhưng người không có hộ khẩu thì lại không được nhận vào làm việc. Chỗ ở thì ngay cả những người đang làm việc bình thường cũng chưa chắc đã có. Thứ hai, ngoài luật hình sự còn có luật cải tạo lao động, điều chỉnh quá trình chấp hành hình phạt. Mặc dù ngươi bị đuổi khỏi nơi cư trú được quyền tự chọn nơi cư trú mới, nhưng do hoàn cảnh đã nói bên trên, anh ta bắt buộc phải làm việc.

Lưu đầy kèm theo “buộc phải sống ở một chỗ nhất định” (điều 25 luật cải tạo lao động), chắc chắn là tạo ra nhiều hạn chế hơn đối với phạm nhân vì người đó không thể lựa chọn chỗ ở. Về nguyên tắc đuổi khỏi nơi cư trú và lưu đầy là tước đoạt chỗ ở và hộ khẩu của con người, biến người đó thành nô lệ, không còn tí quyền hành nào.

Cả lưu đầy và đuổi khỏi nơi cư trú đều không được áp dụng đối với người phạm tội chưa đến 18 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ có con dưới 8 tuổi. Điều này có thể được coi là lòng nhân ái của người làm luật. Nhưng vấn đề đơn giản hơn nhiều: những người này không thể làm công việc khổ sai được. Hơn thế nữa, họ có thể trở thành gánh nặng của chính quyền địa phương.

Điều 83 luật cải tạo lao động viết: “Việc cải tạo và giáo dục những phần tử bị lưu đầy phải được thực hiện trên cơ sở buộc họ phải làm những công việc có ích cho xã hội (!), có tính đến khả năng lao động và công tác giáo dục chính trị đối với họ… Người bị lưu đầy mà không chịu lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trên cơ sở pháp luật”, nghĩa là chịu trách nhiệm hình sự như “những kẻ ăn bám”.

Tôi không thể không nhắc đến trường hợp Viện sĩ Andrey Sakharov, ông đã bị đầy đến thành phố Gorky để “cải tạo và rèn luyện”. Không có một bản án nào.

Không thể không so sánh luật pháp Liên Xô với cảnh lưu đầy của người thành lập nên nhà nước Xô viết do chính ông ta mô tả. Thứ nhất, người bị lưu đầy không bị buộc phải làm việc, chính phủ Sa hoàng mà họ chống lại còn cho họ tiền, đủ để theo lời Lenin là sống “không đến nỗi nào”. Số tiền có thể thay đổi tùy từng người (“Ông Prominsky bị giảm từ 31 rub xuống còn 18 rub một tháng”; Bazil “chỉ được 24 rub, còn vợ Bazil thì không được đồng nào vì họ cưới nhau trong tù”). Đây là câu chuyện được viết trong tập 55, trang 53 và 56, “Toàn tập” của Lenin. Thế là ít hay nhiều? Lúc đó họ đang sống ở vùng Sibiri hẻo lánh, còn trong một bức thư gửi mẹ trước đó Lenin nói rằng một tháng ở thành phố Saint Peterbourg ngốn của ông ta những 38 rub (trang 16). Từ Sibiri ông ta viết: “Con sống không đến nỗi, chủ yếu là đi săn”… “chỉ đi lại loanh quanh chứ không làm gì”… “muốn thay đổi trò giải trí: mùa đông tới con sẽ không đi săn nữa mà sẽ đi trượt băng”. Ông ta được tự do thư từ, được nhận sách báo, kể cả báo chí nước ngoài, ông ta đã viết hơn 30 tác phẩm trong khi lưu đầy trong đó có cả tác phẩm “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga”, được tiếp tục hoạt động chính trị. Chả lẽ không có vấn đề gì sao? Có: “ở đây không thể tìm được người giúp việc”! Nhưng sau đó vẫn có người giúp việc. Ông ta đã tìm được!

Tại Liên Xô, lao động cưỡng bức theo bản án của tòa đã tồn tại từ lâu. Theo bộ luật hình sự năm 1926, lao động cưỡng bức được chia làm hai loại: tại cơ sở đang làm việc và “theo quyết định của Dân ủy nội vụ”.

Khi thi hành cưỡng bức lao động tại cơ sở đang làm việc thì ngoài những khoản khấu trừ khác từ tiền lương, còn phải giữ lại, trước đây là từ 10 đến 20% và nay là từ 5 đến 20% tiền lương để nộp cho chính phủ. Nhưng thế chưa phải là hết: thời gian chịu án phạt không được tính vào thâm niên là cơ sở để nghỉ phép, hưu trí hay các khoản ưu tiên ưu đãi khác. Người lao động có thể bị chuyển sang làm bất kì công việc gì, nhưng anh ta không có quyền bỏ việc. Nếu bị ban lãnh đạo cho thôi việc thì anh ta phải tìm ngay công việc khác trong vòng 15 ngày, nếu không Dân ủy nội vụ sẽ “tìm” việc cho anh ta. Bộ nội vụ lại thường “tìm” việc ở rất xa nơi cư trú.

Trong bộ luật “tự do” năm 1960 thuật ngữ “công tác lao động” đã bị loại bỏ. Bây giờ nó được gọi như ở Trung Quốc là “Cải tạo lao động mà không bị tước quyền tự do” (điều 27 bộ luật hình sự). Hai hình thức cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng năm 1977 người ta đã đưa vào luật một điều khoản mới đánh dấu việc tiến gần đến chủ nghĩa cộng sản trong lĩnh vực hình luật, đấy là điều 242 bộ luật hình sự “Án treo và buộc phạm nhân phải lao động cải tạo”. Hình thức này được bắt đầu áp dụng một cách rộng rãi, hàng đoàn phạm nhân được đưa đến các công trường “xây dựng chủ nghĩa cộng sản”. Vì Đảng sáng suốt nhận ra rằng thuốc trị bá bệnh của nền kinh tế chính là hóa học hóa cho nên phần lớn các công trình là thuộc ngành công nghiệp hóa chất. Vì vậy dân chúng gọi những bản án kiểu đó là “đưa vào ngành hóa”, còn các phạm nhân thì được là “các nhà hóa học”. Điều đó là do “thiếu nhân công trong các xí nghiệp “nặng”. “Sáng kiến đó” đã đem lại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Những người bị “án treo” đã xây dựng các công trình lớn như nhà mày chất dẻo Prikumski ở Stavropol, nhà máy Metanol-750 ở tỉnh Perm…” (Tin tức, ngày 12 tháng 9 năm 1990). “Từ năm 1977 đến năm 1989 đã có 3 triệu 35 ngàn người bị cưỡng bức đưa đến các công trường (xí nghiệp) khác nhau… Ngày 1 tháng 9 năm nay trên các công trường có tất cả 129,5 ngàn người (bài báo nói trên).

Nhà nước không phải nuôi họ, không phải tạo điều kiện cho họ, không phải bảo vệ họ; họ phải làm việc trong mọi điều kiện, phải làm những công việc độc hại và nguy hiểm, tất cả đều phải nhẫn nhục chịu đựng vì sợ bị đưa vào trại. Điều duy nhất cần là “cơ quan quân quản đặc biệt” để quản lí “các đơn vị lao động đặc biệt”. Tổng cục 5 Bộ nội vụ chuyên theo dõi các “nhà hóa học” hiện có 1.047 “ban quân quản đặc biệt”, các “ban” này kí hợp đồng cung cấp các “nhà hóa học” với các xí nghiệp và nhận tiền từ các xí nghiệp đó, nghĩa là họ buôn bán các nô lệ, những nô lệ câm lặng, nhẫn nhục, không có tí quyền hành nào.

Điều này có phù hợp với hiệp định của ILO? Tôi nghĩ rằng nếu chuyện này xảy ra ở Anh, thì… tôi không thể tưởng tượng nổi sự tức giận của ILO! Nhưng nếu chuyện đó xảy ra ở nước “xã hội chủ nghĩa” thì tình hình hoàn toàn khác!

Cần phải nói rằng về mặt pháp lí thì có hai loại “nhà hóa học”: người bị án treo (theo điều 242 bộ luật hình sự và người được tha trước thời hạn nhưng bị buộc phải lao động cải tạo (theo điều 53 bộ luật hình sự). Sự khác nhau giữa họ là loại thứ nhất bị tù treo và được đưa vào “ngành hóa”, nếu vi phạm họ sẽ bị đưa vào trại giam để chịu phạt tù thời gian còn lại, còn loại thứ hai được đưa từ trại giam sang “ngành hóa” và cũng có thể bị đưa trở lại trại. Vì vậy trên thực tế giữa họ không có sự khác nhau nào.


Kết luận

Các cuốn sách giáo khoa thường đưa ra những chỉ dấu hay đặc trưng cơ bản của nền pháp luật phong kiến như sau:

Pháp luật phong kiến là pháp luật đặc quyền đặc lợi, pháp luật mang tính giai tầng. Đây là đặc trưng chủ yếu. Mỗi giai tầng: quí tộc, tăng lữ, địa chủ, nông dân đều có quyền và trách nhiệm đặc biệt, được chính thức xác nhận bởi luật pháp. Trong những điều kiện ngày nay, sau các cuộc cách mạng tư sản hồi thế kỉ XVI-XVIII khó có thể qui định những điều bất bình đẳng như thế được. Hơn nữa các nước “xã hội chủ nghĩa” còn tuyên bố không còn giai cấp đối kháng và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Nhưng sự bất bình đẳng, luật pháp đặc quyền đặc lợi đã được chứng minh một cách rõ ràng. Ở đây sẽ tạm tổng kết những điều đã được trình bày. Stalin nói đến sự tồn tại của đại gia đình giai cấp công nhân và nông dân, nhưng việc ông ta cho áp dụng hệ thống căn cước nhưng nông dân lại không có căn cước, đồng nghĩa với việc họ không có quyền sống trong thành phố.

Các Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô là một giai tầng đặc biệt. Phải được sự đồng ý của cấp ủy Đảng thì Đảng viên mới có thể bị bắt. Một số chức vụ phải là Đảng viên mới được làm (giáo viên môn chính trị kinh tế học, lịch sử Đảng, triết học, cán bộ trung và cao cấp, nhân viên KGB, các nhà ngoại giao v.v.). Bị khai trừ khỏi Đảng cũng có nghĩa là bị đuổi việc. Tầng lớp quí tộc mới, tức là tầng lớp cán bộ được chia ra thành huyện, tỉnh, khu vực… với một loạt đặc quyền đặc lợi: mẫu xe, nhà nghỉ, số nhân viên phục vụ v.v…

Tôi biết vợ một thứ trưởng, có lần bà ta gọi điện vào Vụ hành chính của Bộ để lấy phiếu đi nghỉ mát vào ngày cuối tuần thì được trả lời: “Có quyết định cho chồng bà thôi việc rồi”. “Nhưng ông ấy vừa được bổ nhiệm chức bộ trưởng!”. “Khi nào quyết định có hiệu lực thì bà sẽ được phiếu đi nghỉ tại an dưỡng đường khác”. Nhưng luật pháp mang tính giai tầng này là tài liệu mật.

Hãy để cho những người phản đối chứng minh rằng các phụ nữ thành phố (nữ tiểu thư) hàng năm cũng bị đưa đi khai thác than bùn như các bà nông dân, còn các thanh nhiên thành thị (thanh niên tiểu tư sản) cũng bị đưa đi đốn gỗ vào mùa đông như thanh niên nông thôn.

Hãy để cho những người phản đối chứng minh rằng con của bí thư tỉnh ủy cũng bị xử vì tội hình sự như con một người công nhân bình thường. Chính ông bí thư tỉnh ủy sẽ không bao giờ bị xử tội hình sự. Ông ta là người đứng trên pháp luật. Các biên bản của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô vừa được đưa ra công khai cho thấy người ta đã cho chìm xuồng các nhân vật tham nhũng nổi cộm như Medunov (thành phố Rostov trên sông Đông) và Iunak (thành phố Tula) như thế nào. Và bây giờ, khi mọi sự đã rõ, họ cũng không bị đưa ra tòa. Tại sao?

Hãy để họ giải thích vì sao tôi lại không có quyền bước vào một số cửa hàng nếu không có tấm thẻ “Cửa hàng đặc biệt”?

Luật pháp phong kiến là luật pháp của kẻ mạnh, “luật pháp của địa chủ”.

Tôi nghĩ rằng không cần phải chứng minh rằng luật pháp Liên Xô cũng như luật pháp bất cứ nước “xã hội chủ nghĩa” nào cũng có tính chất như thế. Ai cũng biết như thế và điều đó được thể hiện trong câu ngạn ngữ: “Người có lí là người có nhiều quyền hơn”. Dựa trên cơ sở nào mà người ta xả súng vào các công nhân mít tinh phản đối việc tăng giá ở Novotrerkask? Người ta kết án tử hình và đưa vào nhà tù những người tham gia cuộc mít tinh này (và sau đó là những người kể lại câu chuyện đó) là dựa trên cơ sở nào? Do những hành động cụ thể nào? Ngay hiện nay cũng không ai viết về chuyện này. Thế mà theo tôi biết thì người ta chọn trong số những người bị giữ những kẻ có tiền án và đưa ra xét xử như “những kẻ tổ chức vụ lộn xộn”. Mục đích là để chứng tỏ rằng buổi tụ tập là do những tên tội phạm tổ chức. Nhưng vụ lộn xộn không phải là hành động tự phát nó được tạo ra theo chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương. Mấy ngày trước đó người ta đã đưa quân đội tới và Mikoyan, ủy viên Bộ chính trị cũng đã tới tận nơi để chỉ đạo, cũng như sau này Primakov được Gorbachev cử đi nhận giải thưởng Nobel để ông ta rảnh tay tổ chức vụ chém giết ở Bacu.

"Luật pháp phong kiến là vũ khí khủng bố và đe dọa nhân dân lao động. Bất kì sự xâm phạm nào, dù nhỏ tới đâu, ngay cả một vụ án nhỏ, cũng bị trừng phạt năng nề, thậm chí tử hình v.v. [1] ”.

Có cần bình luận không? Có cần nhắc lại “luật bảy trên tám” và những vụ tử hình những người nông dân mót lúa không? Rồi những bản án 10 năm tù vì một chuyện tiếu lâm, chuyện cười nữa?

Tính chất dã man, bản chất kết tội của quá trình xét xử, ngay luật sư biện hộ cũng bị các phạm nhân gọi là “công tố viên thứ hai”. Tôi còn nhớ những bài phát biểu của các luật sư nổi tiếng nhất trong các phiên tòa hồi năm 1937. Họ không tiếc lời thóa mạ thân chủ của mình, không có một lời biện hộ nào mà chỉ xin tòa tha thứ. Ai cũng biết việc tra tấn và đánh đập trong quá trình điều tra diễn ra thường xuyên.

Địa phương chủ nghĩa, nghĩa là luật pháp mỗi nơi một khác. Chính Lenin từng nói về “luật pháp vùng Kaluga và luật pháp vùng Kazan”. 70 năm sau tình hình cũng không có gì thay đổi, thời gian gần đây hiện tượng địa phương chủ nghĩa đã đạt đến những hình thức cực đoan nhất. Chỉ khác là hiện nay nó được gọi là “tự chủ”.

Truyền thống là một trong các nguồn gốc của luật pháp. Ở nước ta chỉ có “chỉ thị” và “điện thoại” là đứng trên truyền thống mà thôi.

Một trong những đặc trưng của pháp quyền phong kiến là luật pháp mang tính tôn giáo. Nhưng tôi cho rằng sự độc quyền của tư tưởng mác-xít cũng là một thứ tôn giáo. Bất kì một sự lệch lạc nào khỏi giáo điều Marxism-Leninism, phê phán các giáo điều ấy không chỉ dẫn đến việc bị khai trừ khỏi Đảng mà còn có thể đưa người ta đến trại giam nữa.

Dĩ nhiên là pháp quyền phong kiến ngày nay khác với pháp quyền phong kiến “truyền thống”. Nhưng ngay trong thời Trung cổ ở Anh, ở Đức, ở Nga, ở Thổ Nhĩ Kì đều có cùng một loại luật pháp ư?

Tôi không nghi ngờ gì rằng cuốn sách này của tôi sẽ bị nhiều người lên án là vu khống, không khách quan và một chiều. Và họ sẽ hỏi một câu “chết người”: Chả lẽ trong nền tư pháp Liên Xô không có điểm tích cực nào ư?

Dĩ nhiên là có, thí dụ chúng ta có thể đứng xếp hàng và mua đường hay bánh mì (nếu của hàng còn những thứ đó và chúng ta có đủ tiền). Nhưng từ thời Trung cổ cũng đã có quầy bán hàng rồi.

Nhưng đối địch với tôi là một khối lượng vô cùng to lớn sách vở về nền pháp lí Liên Xô, ai cũng có thể tìm đọc và tất cả đều mang tính biện hộ, đều trình bày pháp luật Liên Xô là “hiện thân của lí tưởng của quần chúng về kỉ cương, công bằng và lòng nhân ái” (xem bên trên). Không nhiều hơn, cũng không ít hơn! Vì vậy những ai còn khát khao những điều “trong sạch và tươi sáng” đều có thể được thỏa mãn cơn khát của mình bằng cách đọc bất kì cuốn sách giáo khoa hay bài báo nào đó về luật pháp, chỉ xin họ đừng đọc những tác phẩm trung tính về chính trị, thí dụ như điều kiện cung cấp hàng hóa.

Lấy thí dụ (xin thề là tôi không cố tình lựa chọn, chỉ đơn giản là tôi vừa đọc tờ tạp chí và chú ý đến đầu đề bài báo mà thôi) bài báo đầy tinh thần ngợi ca của N. Vasiliev với đầu đề: “Về tính nhân đạo của luật pháp nước ta” mà cụ thể là luật hình sự. Tác giả viết: “Tước quyền tự do là hình thức trừng phạt cao nhất (có thể là ông ta chưa từng nghe nói đến án tử hình hoặc không coi là hình phạt cao nhất – tác giả) được qui định trong một phần ba các điều khoản, trong các điều khoản khác hình phạt không bao gồm tước đoạt tự do”. Và rồi tác giả reo lên: “Đấy không phải là chỉ dấu của tính nhân đạo của luật pháp nước ta hay sao?”. (Pháp luật xã hội chủ nghĩa, 1990, số 5, trang 58). Tôi cũng không hiểu ông ta tính như thế nào (gần như mỗi điều khoản đều gồm mấy phần với mức độ trừng phạt khác nhau), nhưng theo cách tính của tôi thì trong số 274 điều của phần Đặc biệt chỉ có 32 điều không qui định án phạt tù, nhưng lại có 24 điều phạt tử hình. Còn tính chất “nhân đạo” của án phạt “không tước quyền tự do” nhưng dưới sự giám sát của các “ban quân quản đặc biệt” thì đã được trình bày bên trên, dù còn rất hạn chế.

N. Vasiliev đối lập tính chất phi nhân của luật pháp các nước “tư bản” với các án tù chung thân, trong khi ở nước ta án phạt tù cao nhất là 15 năm. Nhưng chỉ có những người có sức khỏe đặc biệt mới có thể chịu đựng nổi 15 năm tù đầy, trong điều kiện “chung” (đấy là cách gọi các công việc thí dụ như đốn gỗ). Sau khi TV chiếu cảnh nhà tù Thụy Điển thì nhà đài nhận được hàng loạt thư từ của các công dân “tự do” xin được đưa vào nhà tù bên đó.

Tôi không còn muốn phân tích và phản biện những điều dối trá của các nhà khoa học-văn nô nữa, đấy là việc làm vô nghĩa vì độc giả có thể tự làm lấy. Tính chất nhân đạo của nền pháp luật Liên Xô được các văn nô ngợi ca từ thời Stalin, mà lúc đó họ ca ngợi còn hay hơn bây giờ.

Còn một đặc điểm nữa của chủ nghĩa phong kiến mà chưa ở đâu, chưa ai nói tới, dùng kính lúp cũng không soi thấy, đấy là chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài không thể nào che dấu được. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Tổng bí thư Đảng, Tổng thống là những người có quyền lực tuyệt đối, không bị ai kiểm soát và chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa và lịch sử. “Các cơ quan đại diện” chỉ là những bung xung, chẳng có một chút ý nghĩa nào.

Tôi coi nhiệm vụ của mình là nghiên cứu bản chất của nhà nước và nền pháp luật “xã hội chủ nghĩa”, tìm ra ý nghĩa trong toàn bộ cái phi lí, sự điên rồ của cơn ác mộng xã hội chủ nghĩa-phong kiến. Và điều quan trọng là tôi luôn tỏ ra khách quan. Điều chủ yếu ở nước Nga là sự tùy tiện và quyền lực vô hạn của các chúa đất (cán bộ) và tình trạng vô quyền của tầng lớp nông nô (người lao động). Hi vọng rằng điều đó đã được tôi chỉ ra và đã được chứng minh.

Hiện nay bản chất đó vẫn chưa thay đổi mặc dù người ta không còn nói đến chủ nghĩa xã hội nữa. Thay vì xây dựng chủ nghĩa cộng sản thì ngày nay người ta nói đến “xây dựng chủ nghĩa tư bản với bộ mặt con người” mặc dù sự tùy tiện trong lĩnh vực luật pháp đã vượt mọi giới hạn.


Lời cuối sách

Trong phần nói đầu tôi đã tuyên bố rằng tôi giữ nó nguyên vẹn như tôi đã hoàn thành nó trước khi diễn ra cuộc cách mạng những năm 1990, tôi chỉ loại bỏ phần phê bình chủ nghĩa Marx và thay đổi chút ít thành phần của cuốn sách. Ở đây tôi muốn phân tích những thay đổi của thời kì hậu Xô viết vì tôi chưa thấy ai có ý định làm điều đó.

Trong các môn khoa học xã hội ở nước Nga đã diễn ra một sự đảo lộn chưa từng có trong lịch sử các nước khác: tất cả các luật sư, các nhà kinh tế học, các triết gia đều theo mệnh lệnh từ trên ban xuống và quay ngoắt 1800, hệt như bài hát mà các sinh viên vẫn hát thầm dưới thời Stalin:

Vật chất có trước,
Tinh thần có sau
Có sau, có sau.
Nếu cấp trên bảo,
Nếu cấp trên lệnh
Thì ta sẽ hát, ngược lại hoàn toàn:
Vật chất có sau,
Tinh thần có trước,
Có trước, có trước từ lâu.

Đã xảy ra đúng như thế. Những kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tư bản và nền học thuật dối trá của bọn tư sản, những người đưa tin nhiệt thành của chủ nghĩa cộng sản quay sang ngợi chủ nghĩa tư bản và tố cáo những khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội. Không hề xấu hổ vì những cuốn sách còn chưa ráo mực, không hề xấu hổ vì những tấm bằng tiến sĩ do đã liệt kê hàng loạt tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều kì quặc là họ vẫn tiếp tục là những người truyền bá cho đường lối chính sách của Đảng và chính phủ y như cũ. Các Đảng phái và người cầm quyền dù đã thay đổi, chính sách dù đã đổi màu, nhưng thói quen bảo vệ “đường lối của Đảng” thì vẫn còn, dù đường lối ấy đã mấy lần thay hướng thì cũng mặc.

Khi bức màn sắt được dựng lên, các công dân Liên Xô chỉ biết rằng ở phương Tây, bên “họ”, luôn có khủng hoảng kinh tế, người lao động bị bóc lột thậm tệ, bãi công và đàn áp diễn ra thường xuyên, còn “bên ta” thì lao động là vinh quang, đời sống ngày càng được cải thiện. Thông tin bị chặn đứng ở cả hai đầu.

Nhưng các lãnh chúa phong kiến cầm quyền, tức là tầng lớp cán bộ cũng thường đi ra nước ngoài, chính mắt họ nhìn thấy tính ưu việt của đời sống ở phương Tây, họ không chỉ thích nhìn mà còn thích nếm thử nữa. Mặc dù hoàn cảnh vật chất của họ tốt hơn của các “ông chủ”, của người lao động nhiều lần, họ buộc phải sử dụng các tiện nghi ấy một cách bí mật, đằng sau hàng rào cao và với lực lượng bảo vệ hùng hậu. Khrushchev đã hưởng thụ những tiện nghi hạn chế đó một mình và đã tự kí bản án cho chính mình. Brezhnev, sau khi giành được quyền lực, đã học được từ sai lầm của Khrushchev. Dưới thời ông ta, của cải được ban phát một cách cực kì hào phóng, F. Burlatsky, một cán bộ của Ban chấp hành trung ương đã viết như thế.

“Chuyên viên gây ảnh hưởng” Gorbachev còn đi xa hơn: mở những cánh cửa đầu tiên cho dòng tư bản chảy vào và tất nhiên là dân chủ hóa nữa. Nhưng sự kiểm soát của Đảng thì vẫn còn và tầng lớp cán bộ vẫn có khả năng bị tước thẻ Đảng, cũng có nghĩa là tước “thái ấp”, mà có thể là mất mạng nữa. Thế là trong cuộc đấu tranh giành quyền lựa Yeltsin cùng với các đại công tước của các nước cộng hòa phá vỡ Liên Xô và tiêu diệt Đảng Cộng sản Liên Xô.

Đã diễn ra cuộc cách mạng từ bên trên, cuộc cách mạng của các lãnh chúa phong kiến. Đây không phải là cuộc cách mạng tư sản vì các lãnh chúa vẫn giữ được quyền lực chính trị, họ chỉ thay mỗi tên gọi. “Anh hai” của nước cộng hòa trở thành tổng thống, “anh hai” khu vực trở thành thống đốc, một số người (thí dụ Volsky) trở thành nhà tư sản. Đa số vẫn giữ được “thái ấp” của mình (xin nhắc lại rằng trách nhiệm chủ yếu của điền chủ là giữ lòng trung thành với vương tôn của mình) hoặc là chuyển sang làm chủ “thái ấp” mới. Thí dụ ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, “anh hai” của Bắc Osetia, dù bị quần chúng phản đối sau vụ Beslan vẫn tiếp tục giữ được “thái ấp” của mình.

Bây giờ nhiệm vụ là biến tài sản công thành tài sản tư. Việc đó được thực hiện bằng biện pháp gọi là “tư nhân hóa”, được nhân dân gọi là “tự nhận hóa”, tự nhận tài sản nhà nước làm tài sản của mình. Thực chất đây là một vụ cướp bóc tài sản quốc gia một cách trắng trợn nhất. Các quan chức đã đem nhà máy, mỏ dầu đi tặng cho những kẻ gần gũi với chính quyền. Chính trong thời gian này mà Berezovsky, lãnh đạo một phòng thí nghiệm và hai cán bộ đoàn là Potanin và Khodorkovsky và nhiều người khác đã trở thành tỉ phú. Trubais bán các nhà máy với giá 3,6% giá trị mà lại còn cho thanh toán bằng voucher. Không có tiền vẫn có thể thực hiện các vụ mua bán trị giá hàng triệu đồng. Ông ta được thanh toán vào tài khoản ở nước ngoài một phần giá trị của xí nghiệp hoặc phần trăm lợi tức ..v.v..

Berezovsky từng nói ở Israel: “Đã diễn ra quá trình tái phân phối tài sản chưa từng có trong lịch sử. Năm 1991 có đến 90% tài sản là của nhà nước. Hôm nay 75% tài sản của một đất nước rộng lớn và giầu có này đã không còn là tài sản nhà nước nữa”. Berezovsky nói tiếp: “Mức độ tham nhũng ở Nga tương ứng với mức độ cải tạo, không ít hơn mà cũng không nhiều hơn. Tôi không nghĩ rằng các viên chức ở Israel có cơ hội tái phân phối tài sản trị giá hàng chục triệu và hàng tỉ đồng. Không có tài sản như vậy, đấy là tài sản không thuộc về ai, tài sản vô chủ. Thế là viên chức có thể, chỉ bằng một chữ kí, quyết định tài sản đó thuộc về anh hay không thuộc về anh. Chúng ta sẽ không thảo luận xem cơ chế tư hữu hóa như thế là tốt hay xấu. Quan điểm của tôi là không thể tốt hơn được”.

Tất nhiên là các quan chức “kí” không phải vì người ta có đôi mắt đẹp, không phải làm gì mà họ trở thành ngay triệu phú, gấp hàng ngàn lần giá của chiếc ghế-thái ấp. Theo số liệu của quĩ INDEM ở Saratov thì giá thứ trưởng là nửa triệu dollar. Nhưng lương của thứ trưởng lại chỉ có 200 dollar (2002). Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng là người có hỗn danh “Misa hai phần trăm”.

Cần phải kể thêm quá trình cướp bóc toàn thể nhân dân của Gaidar, trên thực tế ông ta đã hủy bỏ tất cả các khoản tiết kiệm của dân chúng và làm gia tăng một cách đột biến tội phạm có tổ chức. Quá trình này đã được mô tả rất kĩ trong tác phẩm Cuộc cách mạng tội phạm vĩ đại ở Nga. Mafia nắm quyền của tôi. Từ Mafia phải được hiểu theo nghĩa tập hợp, theo nghĩa nhà nước mafia, vì ngay trong điện Kremlin cũng có các băng Đảng mafia khác nhau tranh chấp với nhau.

Như vậy là về tổng thể, cuộc cách mạng tội phạm vĩ đại đã hoàn thành với việc tạo ra một con quỉ, một chế độ chưa từng có trong lịch sử và tương ứng với nó là một nhà nước quái thai. Người ta thường gọi chế độ đó là lưu manh hay là chủ nghĩa tư bản hoang dã. Nhưng đấy không phải là chủ nghĩa tư bản vì nó còn thiếu một đặc trưng quan trọng, đấy là thị trường lao động, nơi người lao động có thể bán mình cho nhà tư sản theo giá thị trường, nó còn thiếu sự cạnh tranh và nhiều đặc trưng khác nữa.

Nó cũng không còn là chế độ phong kiến mặc dù vẫn còn “pháo đài”, đấy là hệ thống căn cước trói người công dân vào đất và tước của họ quyền tự do lựa chọn chỗ ở. Đa số công dân không hiểu được sự khác nhau giữa căn cước là chứng thực thân nhân với căn cước buộc người ta phải đăng kí ở một địa phương nhất định. Hệ thống căn cước cản trở sự luân chuyển của dòng tư bản chủ yếu: sức lao động.

Cần phải nói đến một giai đoạn đặc biệt hiện nay, có thể gọi đó là giai đoạn giáo quyền hóa nhà nước. Như tôi đã nói, một trong những tính chất của chế độ phong kiến là vai trò của tôn giáo. Hiện nay rõ ràng là đang diễn ra quá trình hợp nhất giữa nhà nước và Chính thống giáo. Một mặt, nhà thờ ủng hộ nhà nước một cách công khai và dựa vào sự giúp đỡ của nhà nước trong việc đàn áp các tôn giáo khác, đặc biệt là thiên chúa giáo, mặt khác nhà nước thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với nhà thờ Chính thống giáo Nga.

Đây không phải là chế độ chiếm nô mặc dù số đông dân chúng đang phải làm việc như những người nô lệ. Chứng cớ hiện nay: phóng viên báo “Người đoàn viên Moskva” đến thăm một sư đoàn mang tên Derzhinsky, trước đây thuộc KGB, nhưng nay đã chuyển sang Bộ nội vụ. Anh ta trông thấy những người lính làm việc trong các bệnh viện với các chức danh như y tá, hộ lí. Họ còn được cho các cá nhân “thuê” với giá 100 rub một ngày. Lính có tay nghề được 300-500 rub. Vẫn còn những đơn vị xây dựng, các chàng trai ốm yếu được động viên đến đây với danh nghĩa bảo vệ tổ quốc, nhưng lại bị bán cho các đơn vị xây dựng. Báo Commersant còn phát hiện một trường hợp bất ngờ: một người lính 19 tuổi, tên là O. Terekhov bị đại đội trưởng bán làm nô lệ cho một người nông dân (số ra ngày 25 tháng 3 năm 2005).

Bây giờ chúng ta có thể trả lời được câu hỏi chính mà cuốn sách đã đặt ra. Chúng ta đã biết vì sao Liên Xô lại lạc hậu hơn so với các nước tư bản chủ nghĩa. Phương thức sản xuất phong kiến, về nguyên tắc, không thể đuổi kịp được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Thế thì tại sao 12 năm sau cách mạng, sản xuất của nước Nga vẫn kém cả về số lượng lẫn chất lượng? Các lĩnh vực sản xuất với công nghệ cao tại các nước tiên tiến chiếm từ 60 đến 70%, ở Nga chỉ có 1%! Nước Nga sống được là nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô. Sản phẩm công nghiệp không thể cạnh tranh được với phương Tây (điển hình là ngành chế tạo ô tô). Tình cảnh của nhân dân thì không cần phải nói, tuổi thọ trung bình của đàn ông Đan Mạch là 74, trong khi ở Nga là 55. Ở Nga có cả triệu người chết một năm. Đây là một cuộc diệt chủng thật sự, một Holocaust chính hiệu. Như nhiều người đã nói, nước Nga đang tiến dần đến sự diệt vong, đến tan rã. Sự tan ra Liên Xô chỉ là khởi đầu.

Nếu tàn dư của chế độ phong kiến và chiếm nô ở Nga không bị loại bỏ bằng các biện pháp phẫu thuật thì sự diệt vong của nước Nga là tất yếu.


*


CUỐI CÙNG TÔI MUỐN ĐƯA RA MỘT CÂU HỎI MANG TÍNH TOÀN CẦU VÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA TÔI: CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN (CHỦ NGHĨA XÃ HỘI) LÀ GÌ VÀ NÓ CÓ THỂ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC KHÔNG?
  
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, cuốn kinh thánh của chủ nghĩa cộng sản khoa học, các tác giả đã viết: “Những người cộng sản có thể phát biểu lí thuyết của mình bằng một câu thôi: bãi bỏ tư hữu”. Chúng ta đã chứng kiến trong thực tế tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa”, không có ngoại lệ, việc tiêu diệt sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất chỉ đưa đến việc thành lập các chế độ khủng bố, với những mức độ khác nhau, có thể man rợ như nước Campuchia thời Pol Pot hay nhẹ nhàng hơn như nước Nam Tư thời B. Tito. Nguyên nhân: buộc người ta phải làm việc không vì động cơ kinh tế.

“Chủ nghĩa cộng sản khoa học” cho rằng sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: chủ nghĩa xã hội là làm theo năng lực, hưởng theo lao động; còn chủ nghĩa cộng sản là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Sự phá sản của công thức này đã được chính Tổng thống Liên Xô Gorbachev công nhận rồi sau đó là viện sĩ Vaslavskaia và hàng ngàn “nhà xã hội học”chuyên nghề nói leo vội vàng chộp lấy: “Ở nước ta người lao động nhận được “mức lương không phải từ lao động mà ra”, nghĩa là nguyên tắc “hưởng theo lao động” không có giá trị. Cần phải trả theo kết quả lao động. Thế là xuất hiện cuộc tranh luận về tiêu chuẩn để tính số lượng, chất lượng và giá trị của chúng. Thí dụ, kết quả lao động của người lính cứu hỏa và nhân viên kế toán được tính như thế nào? Câu trả lời tùy thuộc vào mức độ đần độn. Nguyên tắc hưởng theo nhu cầu còn mù mờ hơn nữa.

G. Lebon, nhà xã hội học người Pháp, cho rằng sự bất bình đẳng xã hội, ước muốn làm giầu của một số người và sự nghèo đói của một số người khác “xuất phát từ bản chất của con người và sẽ vĩnh viễn như thế" ("Nếu Chúa trời toàn năng không thay đổi bản chất của con người”) (1898), nói một cách khác, chủ nghĩa xã hội là bất khả thi.

Tôi không biết chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa xã hội) có khả thi hay không. Tôi đã thể hiện quan điểm của mình đối với chủ nghĩa cộng sản trong bài báo: “Chủ nghĩa cộng sản - ước mơ của nhân loại” trên tờ Duel ra ngày 3 tháng 6 năm 2003. Điều đáng ngạc nhiên là tờ Nước Nga Xô viết, tờ báo của Đảng cộng sản từ chối đăng bài báo này. Nội dung chính của bài báo như sau: tất cả các tôn giáo đều hứa hẹn thiên đường trên trời để đền bù cho những đau khổ trên mặt đất. Chủ nghĩa cộng sản là ước mơ về một chế độ công bằng trên trái đất. Tư tưởng này có trước cả Thiên chúa giáo và con người sẽ còn ước mơ như thế mãi.

Tư tưởng này có khả thi không? Trước công nguyên người Essey đã từng sống trong những công xã, những người theo Tolstoi ở nước Nga cũng đã sống trong các công xã, trước khi công xã bị những người cộng sản tiêu diệt, ở Israel các công xã tỏ ra có hiệu quả. Nhưng tư tưởng này có khả thi trong một quốc gia không? Chưa ai chứng minh được câu trả lời khẳng định hay phủ định.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Lí thuyết nhà nước và pháp luật, М., 1963, trang 104.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml