trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúcXã hộiĐời sống hiện đại
15.4.2003
Nguyễn Đỗ
"Phố cổ" Hà Nội - Bi kịch một đô thị
 
Chuyện "phố cổ" đã ồn ào bấy lâu nay ở Hà Nội. Người ta vừa ồn ào quảng cáo về nó để móc hầu bao khách du lịch, vừa ồn ào về thực trạng (mà ai cũng hiểu là) đáng buồn. Liệu "phố cổ" có mang giá trị thật giống như bao bì người ta vẫn nói, hay cũng chỉ là sự thi vị hóa cái nghèo, cái cũ kỹ, lạc hậu, hay điểm mặt gọi tên rõ ràng hơn là cái Bi Kịch. Tôi đã thử cố gắng suy ngẫm một cách đơn giản và lô-gíc về một Hà Nội 36 phố phường…


Khái niệm về một "khu phố cổ" Hà Nội theo tôi biết thì cũng chỉ mới được ra đời từ ngày "mở cửa". Khi chuyển sang kinh tế thị trường, người ta cần gắn nhãn mác cho mọi thứ để làm tiền và bi kịch của khu 36 phố phường này chính là ở chỗ nó bị gọi là "cổ". Còn giá trị thực tế của khu vực này đến đâu thì không khó kiểm chứng. Giáo sư William Logan, chuyên gia UNESCO về di sản và đô thị, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản văn hoá và bảo tàng Australia, đã làm việc đó và cho biết "…còn di sản kiến trúc vật thể là những thứ mà chúng tôi đã thống kê được, xin lỗi các bạn, không nhiều lắm đâu nếu không muốn nói là rất ít ỏi: Hà Nội chỉ có 2.345 ngôi nhà xây trước năm 1990, chiếm 7% tổng số nhà trong thành phố, và các công trình xây trước năm 1930 lại chiếm 9% trong số 7% ấy…" (bài "Di sản Thăng Long-Hà Nội trong bối cảnh đô thị hoá" của Thu Hà, Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 12-2002). Thật đơn giản! Trong khi chúng ta tốn giấy mực và nước bọt hoặc để ca ngợi hoặc để tranh cãi về giá trị của khu 36 phố phường thì ông giáo sư Tây này thực hiện một việc rất "Tây" là làm một thống kê. Hay một ví dụ khác là ngôi nhà "cổ" nhất trong khu "phố cổ Hà Nội" lại không cổ bằng ngôi nhà cổ nhất trong khu phố Pháp và thua xa ngôi nhà cổ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh vốn có tuổi thọ trên 200 năm. Ông giáo sư này cũng như nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ thừa nhận một giá trị phi vật thể, ở tinh thần, lối sinh hoạt quần cư "kẻ chợ". Trong bài "Hà Nội: chuyện phố cổ, phố làng", tác giả Nguyễn Trương Quý có nói một ý rằng dẫu có đi rạc cẳng trong khu phố "cổ" thì cũng không tìm được góc nào ông Phái đã vẽ. Điều ấy gợi cho tôi một vài suy nghĩ. Tranh ông hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội thì quả thật tôi cũng thấy rất đẹp, nhưng ngược lại, liệu Hà Nội trong tranh của ông có phải là một Hà Nội đẹp, một Hà Nội mà tôi thấy tự hào để đem khoe với thế giới không thì câu trả lời chắc chắn là không. Với tôi đó chỉ là một Hà Nội không phát triển được, một Hà Nội nghèo, bần cùng, là những thứ mà một người yêu Hà Nội muốn bỏ lại đằng sau. Vậy thì giả sử rằng bây giờ có thể tìm được vài nơi còn y như hồi ông Phái đứng đó vẽ hay tệ hơn là mọi góc của các khu phố còn y chang như thời ông thì Hà Nội của tôi hoá ra bi đát quá.



Tranh Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội thì rất đẹp, nhưng ngược lại, liệu Hà Nội trong tranh của ông có phải là một Hà Nội đẹp? Không. Đó chỉ là một Hà Nội không phát triển được, một Hà Nội nghèo, bần cùng, là những thứ mà một người yêu Hà Nội muốn bỏ lại đằng sau.

Mặc dù có đủ thời gian cho sự phát triển nhưng Hà Nội theo tôi lại là một thành phố không điển hình (từ này tôi lấy cảm hứng từ cách gọi ban đầu của bệnh SARS: triệu chứng viêm phổi không điển hình) về mặt phát triển và tổ chức đô thị. Trong tập hợp các yếu tố không điển hình để trở thành một đô thị không điển hình đó tuy có phần đóng góp của cái quý, cái hiếm, cái cổ, cái văn hiến nhưng chủ yếu là do sự hỗn tạp của những mâu thuẫn giữa cái cũ và mới, công và tư, giữa nét bản địa và dấu ấn thực dân, giữa đơn điệu của xã hội chủ nghĩa và loè loẹt của kinh tế thị trường. Liệu có thể ví đô thị Hà Nội như một cô gái có vẻ đẹp tự nhiên nhưng nay đã qua tay bao nhiêu khách làng chơi. Mỗi chính quyền đều đã để lại dấu ấn trên cơ thể đô thị Hà Nội. Đầu tiên là vai trò trung tâm trong nền văn hoá Đại Việt đặt những nền tảng đầu tiên cho một đô thị. Rồi người ta tước đi cái vai trò trung tâm ấy mang vào Huế, đổi tên và kìm hãm Hà Nội. Người Pháp đến, những tay thực dân có văn hoá này vừa tàn phá, vừa học hỏi, vửa cải tạo Hà Nội. Trong chiến tranh, dưới làn bom Mỹ và trong nền kinh tế chỉ huy, Hà Nội vừa thực tế đến đơn điệu trong xây dựng, vừa lý thuyết trong thẩm mỹ, tiêu chuẩn sống và phúc lợi xã hội. Còn thời "đổi mới", bi kịch đến với Hà Nội không chỉ là phong trào xây dựng vô tổ chức (người ta chỉ xây nhiều thôi mà chưa "đô thị" lắm, tôi thấy trong các khu dân cư mới của Hà Nội vẫn có nhiều nét "làng quê"), mà còn cả việc người ta khám phá ra rằng mình có thể kiếm ăn trên những giá trị có thực của Hà Nội ngàn năm văn hiến, cả những giá trị mà người ta tưởng là Hà Nội có hay "vu oan" cho Hà Nội. Thế còn trong một tương lai không xa tạm gọi là thời "hậu đổi mới" người ta sẽ làm gì tiếp với Hà Nội khi mà trong túi rủng rỉnh tiền hơn, trong đầu có thêm ít nhiều kiến thức và cả có thể đạo đức hơn, trách nhiệm hơn với Hà Nội nữa (phú quí sinh lễ nghĩa mà)? Liệu khi đó người ta có như các bậc tiền bối thường làm là ít nhiều đi ngược lại, phủ nhận lại cái thời kỳ tiền nhiệm và bắt đầu nhào nặn một Hà Nội mới? Có thể lắm chứ, hơn nữa điều đó thậm chí với tôi còn là hy vọng khi mà cách chúng ta đối xử với Hà Nội hôm nay chẳng mấy ra gì.

Vậy thử đặt ngược lại vấn đề, nếu Hà Nội không có một lịch sử ngoằn nghèo, lắt léo như vậy thì điều gì sẽ xảy ra với khu 36 phố phường hôm nay, giá trị đương đại và giá trị di sản của khu vực sẽ như thế nào? Vâng, nếu Hà Nội phát triển bình thường, nếu người ta cứ buôn cứ bán, nếu Kẻ Chợ cứ mỗi ngày một phình to ra, cứ mỗi ngày phát đạt thì theo thời gian đến thế kỷ 20, 21 này người ta sẽ cần xây những cửa hàng to hơn, cần những trụ sở, rồi văn phòng cho thuê, khách sạn…, kết cục là sẽ có những cao ốc bằng bê tông kết thép và kính. Trong hoàn cảnh ấy chắc chắn người ta sẽ không cãi nhau về bảo tồn, về hạn chế chiều cao cả một "tam giác quy ước" đó mà gật đầu lia lịa với những đề xuất mà hai ông Quốc và Logan đã đưa ra đại ý là: chọn lấy khu nhà, ô phố thực sự có giá trị để mà tôn tạo, bảo tồn (trong đó có những di sản đang cần được đầu tư cấp bách), còn lại tạo điều kiện cho dân chúng xây dựng để cải thiện điều kiện sinh sống cũng như phát triển công việc kinh doanh. Đó cũng là cách mà nhiều đô thị hiện đại đã thực hiện để lưu giữ lịch sử trong quá trình phát triển của mình.

Trở lại với thực tế bi đát của khu 36 phố phường Hà Nội, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ khăng khăng đó là cổ, là di sản và phải bảo tồn? Hiện tại thì tôi bạo mồm bạo miệng mà nói rằng nó chỉ làm béo cái bụng của các nhà quản lí (không khó để giải thích lý lẽ tồn tại của những ngôi nhà ống cao đến 4, 5 tầng lù lù xuất hiện nhan nhản giữa những căn nhà lụp xụp được gọi là "di sản"), làm mục nát thêm đạo đức xã hội, tăng thêm những tranh chấp giữa người có tiền và không có tiền, người có mặt tiền và người "đi nhờ" mà thôi. Nhưng day dứt hơn, tỉ lệ thuận với cái bụng của các nhà quản lí là bi kịch cuộc sống của những con người sống trong khu vực, những người không sở hữu cái mặt tiền đáng giá cả một gia tài, cái mà họ sở hữu là điều kiện sống thấp kém. Một nhà nghệ sĩ già đáng kính gắn cả cuộc đời với Hà Nội đã hơn một lần hỏi tôi rằng cái sự bon chen trong không gian chật chội, sự thiếu ánh sáng tự nhiên, không khí ẩm thấp trong lòng phố "cổ" đó liệu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, thần kinh của con người như thế nào, đã ai nghiên cứu, đã ai thống kê chưa? Bộ sưu tập ảnh do ông cụ tự chụp về chân dung một khu 36 phố phường còn cho người xem nhận ra một tất yếu nữa: trong cái không gian "di sản" đó cái người ta dễ dàng tìm thấy là những mánh khoé, là những móc ngoặc giữa con buôn và chính quyền, là lối ứng xử vô văn hoá giữa người với người và với đô thị hơn là một tinh thần, một sự vọng thị nào đó đối với nghề và những phố nghề nơi đây.

Còn trong tương lai xa hơn điều gì sẽ xảy ra nếu khu vực này tiếp tuc bị coi là di sản? Nếu tin rằng đất nước ta cứ phát triển trơn tru và sớm muộn sẽ thành một nước công nghiệp thì chắc chắn với cơ sở hạ tầng được bảo tồn như bây giờ (dù chỉ là về mặt kích thước), nó không thể diễn lâu cái vai trò trung tâm thương mại của thủ đô và khi khách du lịch nước ngoài đã thỏa chí tò mò, bị chưng hửng và chán thì cũng mất luôn tư cách một điểm du lịch hấp dẫn, những phố nghề cũng như phần lớn các làng nghề khác trong một Hà Nội công nghiệp hoá thì chắc chắn sẽ bị xoá sổ (trong một chương trình thời sự của VTV, như để chứng minh sự tồn tại của làng nghề, trong trường hợp cụ thể này là làng đúc đồng Ngũ Xã, là hình ảnh các ông thợ ngồi gò đồng ngoài vỉa hẻ mới lát hay bờ hồ Trúc Bạch vừa được kè xong!). Có lẽ vai trò của khu vực này lúc đó chỉ là nơi định cư của những người ít tiền mà thôi. Nhưng cái tương lai mà tôi vẽ ra ở đây khó xảy với khu vực ra vì một lẽ đơn giản: người ta sẽ sớm thay cái mác mới cho nó khi thấy cái mác cũ hết tác dụng. Khi đó thì ai cũng được xây thoải mái và các nhà quản lí sẽ lại gật đầu với ý tưởng của ông Quốc và ông Logan.

Trong khi miên man những tưởng tượng trên, tôi lại nảy ra những câu hỏi về vài trường hợp nổi tiếng khác. Chúng tuy không thuộc địa phận phố "cổ" nhưng lại có dây mơ rễ má dính líu đến khu phố ấy về mặt bi kịch: khách sạn Hà Nội Vàng, "Hàm Cá Mập"trong không gian Hồ Gươm. Rõ ràng những công trình này đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, không chỉ các nhà chuyên môn, các nhà báo mà cả những người không mấy hiểu biết về kiến trúc cũng tranh thủ lên tiếng như là một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình yêu đối với Hà Nội của họ. Nhưng nếu tư duy trong quan niệm rằng Hà Nội không hề tồn tại một khu phố "cổ" về mặt văn hóa vật thể thì mọi chuyện tất yếu sẽ khác đi nhiều. Khi đó thì những đường cong vô tri vô giác của tòa nhà (tôi muốn nói đến Hàm cá mập) sẽ không bị kết tội là "thô bạo phá vỡ không gian của phố cổ cũng như mối liên kết giữa chúng và hồ Gươm" (Trần Minh Tuấn, "Về không gian công cộng quanh hồ Gươm", talawas 09.04.2003). Không những thế, tôi hoàn toàn nghi ngờ việc "hồ Gươm và không gian kiến trúc xung quanh tất yếu sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng của Hà Nội trong thiên niên kỷ tới" (cũng trích bài trên). Sự phát triển của Hà Nội trong tương lai chắc chắn sẽ tạo ra những trung tâm mới mà vì lý do lịch sử và điều kiện tự nhiên khu vực Hồ Gươm không thể cạnh tranh được. Nếu chúng ta cứ tạm tin vào cái dự án quy hoạch Hà Nội đến năm 2020 tốn đến 30 tỷ đô Mĩ thì thành phố sẽ có những trung tâm mới như Tây Hồ Tây và Bắc Sông Hồng, khi đó thì chắc chắn khu vực Hồ Gươm không còn quá quan trọng về mặt kinh tế cũng như vai trò là một không gian sinh hoạt văn hóa, có lẽ nó chỉ còn nổi bật ở vai trò mang tính tâm linh thôi. Tôi nghĩ có thể ví vai trò của Hồ Gươm và không gian xung quanh lúc đó chỉ như vai trò của Hồ Thiền Quang bây giờ đối với Hà Nội. Chỉ cần so sánh vai trò của Hồ Gươm hôm nay và Hồ Gươm thời độc tôn của kem Bốn Mùa, hiệu sách Tràng Tiền và Bách hóa Tổng hợp cũng đủ hình dung tính "khả thi" của mường tượng trên. Còn trong trường hợp khách sạn Hà Nội Vàng, tôi tự hỏi liệu có phải vì chúng ta lỡ chỉ có thể xây những công trình nhỏ bé, lúp xúp mà dẫn tới lỡ coi Hồ Gươm là phải to để kết cục là kết tội Hà Nội Vàng biến Hồ Gươm thành cái ao! Nếu khu 36 phố phường thoát khỏi cái chữ "cổ" ấy, phát triển bình thường và làm cho kích thước hồ nhỏ hơn trong tâm lý chúng ta thì có lẽ chiều cao 10 tầng của cái khách sạn kia chả bõ bèn gì.



Tại Calgary, ngay trong lòng khu downtown với những cao ốc hiện đại (vốn cũng được phát triển từ những nhà hàng phố hình ống cao 2, 3 tầng, mặt tiền hẹp nằm san sát với nhau trong quá khứ) là phố đi bộ, mua sắm Steven Avenue, nơi người ta lưu giữ và kiếm tiền từ lịch sử của thành phố.

Như vậy tôi đã giả sử Hà Nội có một lịch sử sáng sủa hơn, rồi lại giả sử là bi kịch hiện tại kéo dài đến tương lai để chia sẻ với bạn một điều khá đơn giản: hiện trạng của khu vực đã là một bi kịch lịch sử rồi nhưng mà cái việc dựa trên đó các nhà quản lí gọi nó là "cổ", là "di sản" đã làm bi kịch đó trở nên bi đát hơn. Điều này, buồn thay, nay đã trở thành một sự ngộ nhận mang tầm quốc gia (trong quyết định phê duyệt quy hoạch Hà Nội của Thủ tướng cũng vài lần nhắc đến "bảo tồn khu phố cổ"). Để kết thúc, tôi muốn thuật lại câu trả lời ông Dương Trung Quốc khi một số người nước ngoài bị rối tung rối mù vì câu chuyện phố cổ của các nhà quản lí, kiến trúc sư và sử học Việt Nam :"Khu 36 phố phường Hà Nội không chỉ là (nếu có thể) di sản văn hoá, di sản kiến trúc…, mà nó còn là di sản của một thời chúng ta không biết quản lí như thế nào" (trong cuộc hội thảo Giao thông trong phố cổ Hà Nội, Viện Goethe, 2000). Thế thì liệu cái di sản sau cùng và rõ ràng nhất này có tiếp tục là cái chúng ta để lại cho con cháu? Tôi e điều đó xảy ra, và như vậy thì tôi và bạn, chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho khu 36 phố phường Hà NộI - một bi kịch đô thị.



Nguyễn Đỗ, 22 tuổi, Calgary, Canada
nguyendodung@hotmail.com

© 2003 talawas