Hình như là một nghiệp chướng, cũng là cơ duyên xui khiến, tôi có lúc thành người nghiên cứu nghiệp dư ở một lĩnh vực mà tôi tự biết mình còn mỏng học, chỉ là kẻ ngoại đạo mà thôi. Đề tài “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” cũng giống như cuộc “
Ðiều tra đời sống cư dân Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975” vậy. Nó được người bạn ở một trường đại học “đặt hàng” tôi viết chuyên luận… rồi sau đó cũng không được sử dụng bởi tôi thật thà, vụng dại quá chăng, khi phơi gan ruột mình lên trang viết? Dẫu sao giờ đọc lại tôi vẫn thấy hồi đó (4/2000), mình thực hiện đề tài khoa học này với tất cả nỗi đam mê, cho dù là công dã tràng thì ngòi bút đã thỏa, lòng cũng nhẹ vơi…
Dân chủ là giá trị chung của toàn nhân loại gắn với nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Ở Việt Nam, con đường lịch sử về mặt pháp quyền của người dân, do hoàn cảnh riêng biệt, phải qua một khúc quanh lắt léo, từ thân phận kẻ “
thần dân” qua con người “
quốc dân” suốt chiều dài thế kỷ XX, mới nhập nhòa hình bóng của con người “
công dân” giữa kỷ nguyên văn minh và hội nhập chứ chưa thành hiện thực. Vì vậy, theo tôi, nghiên cứu diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam cần xuất phát từ 3 loại thân phận của người dân trong xã hội như đã nói ở trên. Bài viết này tóm lược những điểm chính yếu trong công trình nghiên cứu của tôi hồi đó.
I. Thần dân Việt Nam trong các học thuyết tư tưởng xưa cũ
“Dân” là một chủ đề được nhiều tác giả quan tâm khi nghiên cứu, bàn luận về các học thuyết tư tưởng xưa cũ. Có thể nêu ra một vài tác giả mà tôi hứng thú: Trần Trọng Kim, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Khiêu… Gần đây khi bàn về Tân Thư, tác giả Trần Ngọc Vương đã có nhiều nhận định khiến tôi phải suy ngẫm về thân phận người dân Việt Nam trong lịch sử các triều đại phong kiến:
“Liên quan trực tiếp đến việc xác lập nội hàm “dân” ở Việt Nam là các học thuyết đóng vai trò ý thức hệ chính trị của dân tộc như Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Nhìn chung, trong nền chính trị Đông Á và Việt Nam, Nho giáo đã từng là hệ ý thức chính thống có lịch sử lâu dài, chi phối đời sống chính trị toàn xã hội. Vậy nên tư tưởng về dân của Nho giáo dĩ nhiên cũng là đối tượng quan trọng để bàn xét, mà trong đó đại biểu là Khổng Tử, Mạnh Tử. Ta hãy xem các vị triết gia cổ đại phương Đông quan niệm thế nào về dân? Hầu như giới nghiên cứu đều đã khẳng định rõ ràng không thể tìm kiếm một ý niệm dân chủ ở Khổng Tử. Ở người sáng lập quan trọng nhất của Nho giáo này, dân là một tập hợp đa số vô danh, hầu như không bao giờ được tính đến với tư cách là cá nhân cụ thể. Khổng Tử hình dung mạch lạc về một thế giới có chủ, mà người chủ cao nhất là trời. “Hoạch tội vu Thiên, vô sở đảo giáo”. Nghĩa là phạm tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được nữa. Kế đến ông chủ thứ hai của thế giới là thiên tử, “Đại thiên hành hóa, thế thiên hành đạo”. Dưới thiên tử là chư hầu, rồi đến sĩ đại phu và cuối cùng là dân. Trật tự đó là tự nhiên, là tất yếu, do trời xếp đặt. Ông cũng trực giác thấy rằng phải sử dụng dân như một đối trọng cần thiết trên chính trường, đôi lúc còn như một sự bảo đảm cho thể chế chính trị. Căn cứ vào toàn bộ nội dung học thuyết của Khổng Tử, có thể nói ông không hề ngờ vực “tính chất chí tôn, bất khả tư nghị” của ngôi vua. Hãy xem đoạn văn mô tả ngắn gọn, hàm súc trong sách Luận Ngữ khi ông vào chỗ công môn: “Tử nhập công môn cúc cung như dã, như bất dung, lập bất trung môn, hành bất lý vực. Qua vị sắc bột như dã, kỳ ngôn tự bất túc giả. Xuất giáng nhất đẳng, sinh nhan sắc, di di như dã. Một giai, xu dực như dã. Phục kỳ vị, phúc tích như dã”. Nghĩa là: Khổng Tử vào chỗ công môn khúm núm, lễ phép như cửa bị thấp. Khi đứng ông không dám đứng giữa cửa, khi đi không giẫm lên ngạch cửa. Qua chỗ ngôi vua (dù là ngôi bỏ trống) mặt tái mét, chân run rẩy, nói chẳng ra lời. Vén áo lên công đường thì khúm núm, lễ phép, nhịn khí như không thở. Một khi ông ra ngoài rồi thì mặt tươi trở lại, nét vui vui lên. Đến thềm thì như chim duỗi cánh. Về chỗ trở lại thì kính sợ như cũ.
Tuy vậy, Khổng Tử không vì ngôi vua mà hy sinh dân chúng. Ngược lại, chính Khổng Tử là người khơi dậy ý tưởng “Ý dân là ý trời, dân muốn là trời muốn”. Ngôi vua là chí tôn, nhưng “dân vô tín bất lập”. Một khi dân đã mất hết lòng tin thì vua không thể ở ngôi được nữa. (Lời Nhan Uyên trong sách Luận Ngữ). Theo Khổng Tử và các học trò của ông, dân là một thực thể hồn hậu, bí ẩn, nhưng cũng thuần phác, nguyên sơ. Vậy nên người làm chính trị phải “chăn dân, giáo dân, thân dân”, lại vừa phải thận trọng đừng làm gì quá quắt với họ: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân thừa đại tế” (Ra cửa phải nghiêm trang như gặp khách quí, sai khiến dân phải thận trọng như hành một nghi lễ lớn).” (Nguồn: Trần Ngọc Vương – “
Tân thư và sự vận động tư tưởng dân chủ Việt Nam trong 20 năm đầu thế kỷ” - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997)
Đối với Mạnh Tử cũng vậy: “
Nếu như với Khổng Tử, giới nghiên cứu khá nhất trí hình dung ông là một nhà tư tưởng khôn ngoan của chế độ quân chủ, thì với Mạnh Tử lại có hàng loạt ý kiến đánh giá không thống nhất, đặc biệt là thái độ của Mạnh Tử đối với dân. Một số người đã cường điệu cho rằng Mạnh Tử là người có đóng góp nhiều nhất cho tư tưởng dân chủ trong toàn bộ lịch sử chính trị Đông Á. Ngược lại, cũng có nhiều người xem Mạnh Tử chỉ là người khôn ngoan tìm cách điều hòa mâu thuẫn, tự tạo ra những cái bẫy về lôgíc nhận thức không thể thanh toán được.” (Nguồn đã dẫn). Về điểm này, cũng như Trần Ngọc Vương, tôi thấy đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Nho học Trung Quốc Vi Chính Thông: “
Rõ ràng học thuyết mang tính cách mạng Nho học của Mạnh Tử khác xa với cuộc cách mạng nhằm thiết lập nền dân chủ cộng hòa thời nay. Các tư tưởng “dân quí, quân khinh” hay “dân vi bản” mới nghe qua tư tưởng giống với tư tưởng quyền thuộc về dân theo quan niệm dân chủ cận đại phương Tây. Những người quen kiểu phụ họa, phóng đại đều có nhận định như vậy. Nhưng nếu đi sâu phân tích sẽ thấy hai quan niệm đó rất khác xa nhau”.
[1] Ở Việt Nam, người chịu ảnh hưởng tư tưởng này của Mạnh Tử và thực hành nhuần nhuyễn, sáng tạo là Nguyễn Trãi: “Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân” hay “Dân bi thán tất thành vũ” (dân thở dài ắt thành bão). Tuy nhiên, chính Nguyễn Trãi cũng đã thừa nhận mình và mọi người đều chỉ là tôi tớ cho vua mà thôi: “Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp, đều hết làm tôi thánh thượng hoàng”.
Thân dân (hay gần dân, yêu dân) và dân chủ là hai định hướng tư tưởng thuộc về hai loại hình ý thức hệ chính trị khác biệt nhau. Hầu như ở các thời điểm thịnh trị của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, các chính trị gia lỗi lạc đều có biểu hiện mức độ đậm nhạt khác nhau của tư tưởng thân dân, yêu dân, chứ chưa từng có khái niệm và cũng không chấp nhận tư tưởng dân chủ.
Sự khác biệt giữa Nho gia và Pháp gia căn bản ở quan điểm đức trị và pháp trị. Trong thực tế ở Trung Quốc và Việt Nam, ý thức Nho giáo được hiện hữu với tư cách là di sản và cẩm nang chính trị. Vì vậy Pháp gia lại được truyền thừa từ đời này sang đời khác bởi chính các học giả Nho gia, khi họ thấy có lợi cho hoạt động thực tiễn của mình. Tôi cho rằng điểm giống nhau giữa hai học thuyết này là ở chỗ cả hai cùng khẳng định tính chất quyền lực tối thượng của ngôi vua. Học thuyết của Pháp gia, mà đại biểu là Hàn Phi Tử, vì lẽ đó càng không bao giờ xích lại gần tư tưởng dân chủ. Pháp quyền trong học thuyết của pháp gia thực chất là pháp quyền của vua chứ không phải pháp quyền của dân. Biện pháp thi hành pháp quyền là sử dụng thế và thuật, nghĩa là đề cao vị thế của vua, và sử dụng mưu thuật để cưỡng ép dân thi hành pháp lệnh. Bộ ba Thế-Thuật-Pháp của tư tưởng Hàn phi Tử khác về bản chất với bộ ba lập pháp – hành pháp – tư pháp trong “khế ước xã hội” của Rousseau. Có thể kết luận về các học thuyết của Nho gia, Pháp gia là theo đó, dân chỉ có thể vui buồn, ơn oán và mơ ước, chờ đợi vua thánh, tôi hiền. Con người trong xã hội với tư cách là “thần dân” của vua không có gì để mất, không thấy mất nên cũng không biết đòi gì, lấy gì để nói nhân đạo và dân chủ? Học thuyết Lão-Trang tuy có ý niệm chống chuyên chế, chống cực quyền, nhưng lại không nhằm tới một xã hội dân chủ mà lui về với vỏ cá nhân siêu thoát, tách ra ngoài xã hội để hòa nhập với thiên nhiên, vũ trụ. Phật giáo có xây dựng những tiền đề lý thuyết và trong hoạt động thực tiễn cũng có nỗ lực hướng tới nguyên tắc công bằng, bình đẳng, là bước khởi đầu của dân chủ, nhưng lại rất mờ nhạt và thiếu cơ sở thực tiễn. Bản thân nó cũng không đủ mạnh để trở thành ý thức hệ chính trị thống soái trong đời sống xã hội ở Việt Nam, ngay cả thời Lý thời Trần mà Phật giáo rất phát triển. Tất cả các thiết chế xã hội từng tồn tại trên đất Việt Nam cho đến thời kỳ cận đại đều có tính chất quân chủ hay chuyên chế. Tuy nhiên, một khi nhà cầm quyền phát huy tốt các quan điểm tích cực trong khái nhiệm về dân của Khổng Tử, Mạnh Tử thì sức mạnh quốc gia được tăng lên rõ rệt.
Như vậy là suốt 1000 năm, kể từ thời Đinh- Lê- Lý- Trần, người Việt Nam ta đã quen nhẫn chịu thân phận kẻ thần dân như một sự sắp đặt của trời; còn vua và quan tự cho mình cái quyền trời ban trí tuệ và quyền uy để thi hành việc chăn dân, giáo dân. Lời của vua quan nói ra là không thể sai, kẻ thần dân chỉ có một chức phận lắng nghe, thi hành. Cái tư tưởng Nho giáo ấy lâu dần thấm vào máu, hình thành nếp nghĩ và thói quen hành xử của nhà cai trị. Họ xem dân như cỏ rác, khi chưa có quyền lực thì tỏ ra gần dân, thân dân, yêu dân để lừa mị, nhưng khi nắm quyền lại muốn có quyền lực vô biên, đứng ở nơi cao xa tít để răn dạy, sai khiến, ép buộc dân phục tùng. Đến tận cuối thế kỷ XX, hành vi ứng xử của các ông lãnh đạo, từ cấp Thư ký công đoàn, Bí thư chi bộ cơ sở trở lên, hễ vào hội nghị, đứng trước quần chúng là giơ chân múa tay, nói lời huấn thị, từ lập trường tư tưởng đến đạo đức, luyến ái, hôn nhân..., tất tật cái gì cũng có thể cao giọng mà răn dạy. Lạ thay, quần chúng của ông ta, sống trong thời đại văn minh tin học, nhiều khi là cả một đám trí thức ngồi dưới, vẫn ngoan ngoãn, nhẫn nại ngồi nghe, ghi ghi chép chép, giữ lễ như kẻ thần dân thời xưa nghe chiếu vua vậy. Một xã hội như vậy thật khó phát động thi hành dân chủ, bởi người nắm quyền không muốn, quần chúng thì cam chịu, chỉ phản kháng ngầm bằng những câu chuyện tiếu lâm quanh bàn trà, chén rượu chứ không ra mặt. Ngay trong nội bộ những người hăng hái đấu tranh cho dân chủ cũng nảy sinh tâm lý thích làm lãnh tụ, chẳng ai phục ai, âu cũng là điều dễ hiểu! Ai đó vừa xuất hiện trước công luận, có chút tiếng tăm, đã vội mơ làm lãnh tụ của số đông, sửa giọng nói, chê bai người cũ. Tôi đã gặp và cưu mang một người như thế hơn 1 tháng, rồi vì không chịu được ông về nhân cách (chứ về lý tưởng và học thuật của ông thì tôi mù tịt), nên đã đuổi khéo ông ra khỏi nhà. (Tôi nhận cưu mang ông theo sự nhờ cậy của một nhà thơ nữ, chứ tôi không hề biết ông, cũng chẳng quan tâm gì đến “chính trị chính em” bởi phải giữ lời nguyền với cha tôi đã khuất bóng, không can dự vào.)
II. Hương ước – Một mô hình xã hội công dân sơ khai ở làng quê Việt Nam
Khi nghiên cứu vấn đề dân chủ ở Việt Nam, lần theo dấu vết lịch sử dân tộc vào những năm sau thế kỷ X, nghĩa là sau khi Việt Nam thoát khỏi đêm dài Bắc thuộc 1.000 năm, chúng ta chợt bắt gặp minh chứng về sự tồn tại một thiết chế dân chủ sơ đẳng trong cộng đồng làng xã, thể hiện qua hương ước, có cách đây ít nhất là 600 năm. Theo một công trình nghiên cứu của Tô Duy Hợp và những người khác, đặc biệt của học giả Từ Chi (1992): “
Vào năm 1370 đời vua Trần Nghệ Tông, một nhà Nho học đã làm bài văn bia ở chùa Chiêu Phúc (Hà Bắc), có đoạn ghi: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được lòng người tin đến thế. Trên từ Vương Công, dưới đến dân thường, hễ bố trí đến việc nhà Phật dù hết tiền vẫn không sẻn tiếc. Vì ngày nay gửi gắm vào chùa như nắm được khoán ước để lấy sự báo ứng về sau”. Đoạn văn trên đã gián tiếp đề cập đến khoán ước, nên phải chăng khoán ước, hay hương ước, có ít nhất vào năm ấy? Có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh liên miên, cộng với thiên tai lụt lội, nên nhiều khoán ước, hương ước cổ trong cộng đồng làng xã Việt Nam đã bị thâm hủy hoặc thất lạc. Vì vậy, một trong những khoán ước cổ nhất hiện nay ta tìm thấy là bản “Mộ Trạch cựu khoán”, ra đời năm 1665, có 30 điều khoản. Từ năm 1679 đến 1797 nó được sửa đổi 16 lần, và bản sửa đổi cuối cùng có 82 điều. “Khoán hội tư văn” của làng Quỳnh Đôi (Thái Bình) ra đời năm 1660. Từ năm 1683-1851 nó được sửa đổi 28 lần và bản sửa đổi cuối cùng có 48 điều. Các hương ước, lệ làng của cộng đồng cư dân nông thôn Việt Nam, qua minh chứng của bản cựu khoán xã Mộ Trạch và Khoán hội tư văn làng Quỳnh Đôi, đã khẳng định nó hình thành, tồn tại và phát triển theo năm tháng lịch sử, hàng trăm năm, lưu truyền từ đời này sang đời khác.” Sức sống kỳ diệu của hương ước, khoán ước lệ làng, thường xuyên được thay đổi, bổ xung cho phù hợp với điều kiện mới nảy sinh trong đời sống cộng đồng. Vậy ai là người quyết định sự thay đổi, bổ sung đó? Không phải ai khác mà là ý chí tối cao của dân làng, thông qua đại biểu của họ trong các giáp, các dòng họ. Điều này có vẻ giống như mô hình đại hội toàn dân ở La Mã cổ xưa, nhưng ở quy mô nhỏ. Nó cũng giống với mẫu hình nghị viện của Montesquieu và Rousseau, nhưng ở mức độ giản đơn, dân giã. Ta hãy thử đi sâu phân tích cái thiết chế dân chủ sơ khai của làng xã Việt Nam qua một số hương ước cổ.
Nội dung các hương ước cổ hiện sưu tầm được thường đặt ở vị trí hàng đầu những quy phạm về tổ chức bộ máy quản lý làng xã: Phạm vi chức năng, nhiệm vụ của toàn thể bộ máy cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng chức danh, thủ tục hoạt động của tổ chức đó. Cũng theo học giả Từ Chi cơ cấu tổ chức làng xã thời xưa như sau:
1. Hội đồng tộc biểu là những đại biểu do dân cử ra. Nó mang tích chất như cơ quan lập pháp của làng. Điều thứ nhất của hương ước làng Tân Lạc, huyện Hoàn Long, và hương ước của nhiều làng khác nữa đều quy định: “Các họ họp nhau lại thành làng, bởi thế việc làng do các họ cử người thay mặt gọi là tộc biểu. Tùy theo họ nhiều, họ ít người mà mỗi họ cử ra 2 hoặc 3 người”. Điều thứ 45 của hương khoán xã Phù Xá Đoài quy định: “Vô luận là họ to, họ nhỏ, kể từ tráng đinh trở lên cứ 20 người phải bầu lấy một người tộc biểu”. Các tộc biểu lại họp đại hội và cử ra hai người là chánh hương hội và phó hương hội. Hầu hết các hương ước đều quy định chỉ những nam giới tuổi từ 25 trở lên, có học vấn, không can án, có gia sản mới được làm tộc biểu, mỗi hạn là 3 năm, có nơi 6 năm. Nghiên cứu nội dung hoạt động của hội đồng tộc biểu có thể nói đây chính là “Nghị viện” của làng. Trong các cuộc họp của hội đồng tộc biểu còn có đại biểu các Giáp, hương trưởng các thôn. Hội đồng tộc biểu là cơ quan thông qua việc soạn thảo, ban hành, sửa đổi, bổ sung hương ước, giám sát việc thi hành hương ước. Hội đồng tộc biểu là cơ quan bàn bạc và quyết định mọi công việc như: Quân cấp điền thổ của làng, tổ chức và tiến hành việc đấu giá bán hoặc cho thuê tài sản của làng (thuê đất ruộng, ao, hồ của làng). Phân bổ sưu thuế và chọn người làm nghĩa vụ binh dịch. Hòa giải các vụ tranh chấp xảy ra trong làng xã. Chánh phó hương hội là người thay mặt dân làng khi có việc tiếp xúc với chính quyền Phủ, huyện hoặc các làng xã khác…
2. Hội đồng trị sự (hay có nơi gọi là Hội đồng kỳ biểu- VNT chú giải) giống như một cơ quan hành pháp hay “chính phủ” của làng. Vì mang tính chất như là cơ quan hành pháp, chấp hành ý chí tối cao của dân làng là hội đồng tộc biểu, nên nó bao gồm nhiều chức vụ:
- Lý trưởng và Phó lý là những người được hội đồng tộc biểu bầu chọn. Họ là những người có học vấn, có tài sản, không can án. Điều thứ 41 của hương khoán xã Phù Xá Đoài quy định: “Bầu Lý và Phó lý trưởng thì phải chọn những người cẩn cán lại biết chữ ở trong hạng đinh nội tịch của làng ‘6 năm là một khóa’”. Lý trưởng, phó lý là những người chịu trách nhiệm cao nhất về mặt hành pháp của làng. Họ thực hiện mọi nhiệm vụ của chính quyền cấp trên giao về xã, thực hiện thu thuế và giữ gìn an ninh trật tự, nghĩa vụ binh dịch… Trong mọi việc, lý trưởng và phó lý không được tự mình quyết định. Điều 37 hương ước của xã Vĩnh Phúc, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông (cũ), quy định: “Lý, hương trưởng không có quyền tự ý quyết định việc làng mà phải theo ý chung của tộc biểu”. Lý trưởng, phó lý là người chỉ huy, giám sát Trương tuần, cai vạn, thủ bộ… thừa hành công việc của họ.
- Thư Ký là người có học vấn, có nhiệm vụ giữ gìn sổ sách, ghi chép biên bản các cuộc họp hội đồng tộc biểu. Có hương ước quy định là thư ký có thể kiêm nhiệm chức vụ của hộ lại hoặc chưởng bạ.
- Thủ quỹ, có nơi gọi là hương bản, phải là người giàu có trong làng, được bầu làm người giữ tiền công và xuất tiền quỹ cho việc chi tiêu của làng.
- Chưởng bạ là người giữ sổ sách địa bạ, địa chính và đăng ký theo dõi những thay đổi về điều sản trong làng.
- Hộ lại, có nơi gọi là hương bộ, là người giữ sổ sách và đăng ký các việc sinh tử, giá thú trong làng. Hộ tịch và dân số của làng do hộ lại theo dõi. Thời vua Lê Thánh Tông, việc đăng ký hộ tịch, kê khai nhân khẩu trong toàn quốc được làm rất chặt chẽ theo những quy định của vua từ năm 1470. Việc nắm vững dân số trong một xã có liên quan chặt chẽ đến việc nắm vững dân số của một quốc gia. Vì vậy vai trò của hộ lại trong các hương ước cổ rất được coi trọng.
- Trương tuần, có nơi gọi là Khán thủ hay hương kiểm, là người chỉ huy các tuần phiên, canh phòng bảo vệ an toàn, an ninh làng xã. Các hương ước quy định việc chọn người làm Trương tuần phải là người mạnh bạo, thực thà, có gia sản, mới giao việc. Ngay trong việc cắt cử tuần phiên thì những tráng đinh nào có mang tiếng xấu sẽ không cho đi tuần.
- Thủ lộ là người coi đường xá, đê điều thuộc địa giới của làng, nếu hư hỏng báo với hội đồng tộc biểu xin chỉ thị để tổ chức cho dân tu bổ, mở mang thêm.
- Cai vạn là chức dịch bầu ra ở những làng có sông nước thuyền bè qua lại. Điều thứ 13 trong luật tục làng Phúc Xá quy định: “Cai vạn thì trông nom các thuyền bè của những người trong làng và sửa sang các bến bãi. Những thuyền chở đánh số hiệu và thu tiền nộp vào công quỹ. Những thuyền nào mục nát thì cấm không được chở nữa”. (Nguồn: Từ Chi - Kỷ yếu hội thảo khoa học 1992)
Bên cạnh việc định ra các chức danh vừa nêu của bộ máy quản lý làng xã, các hương ước còn có mục “Quân kỷ”, là những điều quy định về kỷ luật của bộ máy quản lý làng xã mà ngày nay khoa học pháp lý gọi là “quy chế công vụ”. Nội dung quân kỷ bao gồm các điều quy định về tiêu chuẩn bầu chọn người, đạo đức tác phong làm việc, khen thưởng và kỷ luật đối với những người được bầu chọn ra làm việc cho làng. Các hương ước còn quy định cấm các tộc biểu và những chức dịch trong làng vay mượn của công quỹ. Điều 34 hương ước làng Nội Châu, tổng Phúc Lâm huyện Hoàn Long, quy định: “Muốn cho làng tin cậy các tộc biểu và tộc biểu làm hết bổn phận, vậy nên cấm người có chân trong hội đồng và vợ con họ vay tiền của làng”.
Điều thứ 3 hương ước xã Thịnh Liệt quy định: “Hương hội trị sự tất cả những người được bầu chọn làm việc làng, bao gồm Chánh phó hương hội, Lý trưởng, phó lý, thư ký, thủ quỹ, hộ lại, chưởng bạ, trương tuần, thủ lộ, cai vạn… khi nhận chức phải làm lễ tuyên thệ tại đình làng trước bàn thờ đức Đại Vương, thề xin đem hết lòng thành thực, công bằng làm tròn nghĩa vụ là dân biểu, bằng có lòng tư lợi, vị kỷ xin thần binh chu diệt”. Tôi cứ suy ngẫm mãi về điều khoán ước này. Việc đọc lời thề của các Tổng thống Mỹ trong buổi nhận chức so với việc đọc lời thề của quan chức làng xã Việt Nam trong buổi xa xưa của lịch sử thật không khác nhau mấy nỗi về ý nghĩa, tinh thần. Đây phải chăng là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, và cũng là bài học lịch sử tham khảo cho quá trình xây dựng qui chế dân chủ cấp cơ sở ở nước ta hiện nay? Để khuyến khích tính công tâm, mẫn cán trong thi hành công vụ, hầu hết các hương ước đều quy định rằng trong Ban hội đồng trị sự (một hình thức giống như chính phủ của làng), hễ ai làm việc hết hạn mà không tai tiếng, dân tình tín phục, hoặc làm việc gì đặc biệt công ích cho dân làng như mở chợ, lập bến để có lợi ích về sau, hay lập nhà thương, lập trường học, lập nghĩa sương (tức là quỹ cứu tế xã hội), trù tính chi tiêu kiệm ước để dư được nhiều tiền cho công quỹ… thì được lưu danh vào bảng vàng, bia đá ở đình làng để mọi người ghi nhớ công đức lâu dài. Có hương ước quy định tỉ mỉ hơn: “Những người tộc biểu được hết hai hạn (hai nhiệm kỳ) có đem lại nhiều ích lợi cho làng lúc ông ấy chết tất cả hội đồng phải đi viếng, đưa đến mộ vào phúng một bức câu đối, một buồng cau. Tên những người này được khắc vào bia đá và đặt ở đình làng ở nơi ai cũng nhìn thấy mà ghi nhận ân đức”. (Hương ước làng Nội Châu tổng Phúc Lâm).
Đi đôi với việc khuyến khích, ghi nhớ công lao, trong các hương ước cổ cũng có những điều khoản quy định hết sức rõ ràng việc xử phạt những người không làm tròn nhiệm vụ mà dân giao phó cho họ. Điều thứ tư hương ước làng Tam Lạc, tổng Phúc Lâm huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, quy định: “Người nào làm trong một kỳ hạn không được công bằng, tham lợi, hội đồng lập tức trình quan bãi chức người ấy và không cho dự việc làng, mà sau khi chết hội đồng không phải viếng thăm cho gia phong điếm nhục, làm gương cho kẻ khác”. Với những quy định rõ ràng như vậy, chắc không có một xã quan nào dám làm trái với hương khoán, hơn nữa dư luận làng xóm sau khi có lệnh trừng phạt của hội đồng tộc biểu sẽ đeo đẳng, ám ảnh họ và gia đình truyền đời này sang đời khác mới là thứ án nặng nề. Ngày nay, một số cán bộ địa phương cấp thôn xã thoái hóa, biến chất, cố tình làm trái pháp luật nhà nước để tham ô ruộng đất của làng xã, vơ vét của công, đè nén quần chúng… một phần bởi họ đã thoát ra khỏi sự giám sát của cộng đồng cư dân của làng xã trong hương ước, vốn là nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Có ý kiến nghi ngờ hương ước sẽ dẫn đến hiện tượng cát cứ địa phương kiểu “phép vua thua lệ làng”, và có thể mâu thuẫn, thậm chí vi phạm luật nước. Theo tôi, điều này chỉ xảy ra khi nhà nước trung ương thoái hóa, mục nát, dẫn đến mất lòng tin ở trong lòng dân. Lúc đó, có thể một số người chức dịch trong thôn bất tuân luật nước, hoặc kích động dân không theo pháp luật. Lịch sử đã chứng minh làng xã cư dân Việt Nam bao đời nay đã ý thức được làng là nền móng của xã tắc. Hương ước làng Tây Mỗ ghi rõ: “Làng là gốc của nước. Làng có hay thì nước mới thịnh vậy”. Hương ước, hương khoán tuy có nguồn gốc pháp luật nhà nước, nhưng từ xa xưa trong lịch sử tồn tại không là pháp luật của những địa phuơng cát cứ, có xu hướng ly khai với chính quyền trung ương. Tuy là hai loại “pháp luật”, nhưng đều là pháp luật của một quốc gia thống nhất về nguồn gốc dân tộc, về văn hóa, về quyền lợi các mặt và cùng sống trên một lãnh thổ có chủ quyền dân tộc. Đó là hai loại pháp luật của một nền luật pháp trong một quốc gia thống nhất. Hương ước làng Cổ Nhuế phủ Hoài Đức khẳng định: “Làng có kỷ luật mới chính dân phong, người có luân lý mới thành nhân cách”. Trong lời tựa hương ước làng Thổ Khối, tổng Cự Linh huyện Gia lâm, có đoạn viết: “Làng có luân lý, ăn ở cho phải đạo, có khoán ước ràng buộc cho hợp lệ cũng như nhà nước có quy thức, luật lệ để khuyên răn, ngăn cấm lòng dân, chính nghĩa trời đất sinh người đặt nước làm vậy”. Nghiên cứu kỹ những lời mở đầu các hương ước như trên, ta sẽ không thấy bất kỳ một sự khuyến khích ly khai nào đó ra khỏi cộng đồng quốc gia. Trái lại, hương ước, lệ làng đặt ra không ngoài mục đích là để cho cuộc sống đi vào nề nếp, kỷ cương chặt chẽ, nhằm chỉnh đốn và xây dựng phong tục tốt đẹp, phong cách sống có đạo đức, phù hợp với pháp luật đương đại của quốc gia. Trên thực tế, các điều trong hương ước, hương khoán là sự bổ sung những gì pháp luật nhà nước chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể, để có thể áp dụng tại các cộng đồng cư dân nông thôn.
Ngày nay, khi nhìn lại vấn đề hương ước ở Việt Nam trong một thể chế nhà nước quân chủ kéo dài hàng nhiều thế kỷ, ta thấy hiện lên một bức tranh lý thú và độc đáo: Bên trong lũy tre làng, hình như người dân sống và làm việc trong một thiết chế dân chủ sơ khai, gần giống như xã hội công dân châu Âu cổ đại ở La Mã, trong đó tồn tại một cơ quan lập pháp là hội đồng tộc biểu và cơ quan hành pháp là hội đồng trị sự của làng. Ở đây, người dân được hưởng những quyền dân chủ rất sơ đẳng thông qua đại diện của dòng họ trong hội đồng tộc biểu. Tuy nhiên khi bước ra khỏi lũy tre làng thì người dân không còn cái quyền “công dân” sơ đẳng nữa, mà họ hoàn toàn chỉ là kẻ “thần dân” trong chế độ quân chủ, chịu ơn mưu móc của các bậc vua thánh, tôi hiền. Tập quán này cũng làm hạn chế phong trào dân chủ trong xã hội hiện đại. Những yêu sách về dân chủ thường tủn mủn, quá cụ thể ở tầm một công sở, một làng xã, thiếu sự vươn ra bao quát trên bình diện xã hội, càng không có sự đột phá vào những yêu sách cơ bản, đảm bảo cho một nền dân chủ lâu dài, bền vững.
Dẫu sao hương ước vẫn là nét đẹp trong đời sống văn hóa mang tinh thần dân chủ ở Việt Nam. Việc khôi phục lại hương ước, lệ làng đòi hòi phải có sự nghiên cứu công phu, tổ chức triển khai hợp lý, đâu có thể tùy tiện mà thành. Từ sau hội nghị lần thứ năm, ban chấp hành Trung ương (Đảng) khóa VII, họp ngày 10/6/1993, đã chủ trương khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước mới. Ngay sau đó, các tỉnh Hà Bắc, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Nam Hà, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, An Giang, Cần Thơ… đua nhau ban hành các hương ước mới. Vào cuối năm 1994, toàn tỉnh Hải Hưng có 300 làng thì cả 300 làng đều xây dựng hương ước mới. Song khác với các hương ước cổ, hương ước mới chỉ thấy nói nhiều đến trách nhiệm, nghĩa vụ mà không thấy hoặc ít nói đến quyền của người dân, càng không thấy vai trò của các giáp, họ tộc nên thành ra mất thiêng. Người dân ngỡ rằng họ được khôi phục chút ít quyền dân chủ sau lũy tre làng, dù rất sơ đẳng như ngày xưa, cũng thành mơ hão. Thực chất của phong trào xây dựng hương ước mới ấy chỉ là ý đồ lệ làng hóa một số điểm trong phép nước mà thôi. Người ta phớt lờ quy trình lập hương ước theo thiết chế văn hóa làng xã truyền thống mà xây dựng nó theo ý muốn chủ quan của Đảng ủy và UBND xã. Có nơi như xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm- Hà Nội, người ta mời hẳn nhóm cán bộ của Viện Mác- Lê Nin- Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hương ước mới, thật lạ đời! Người Pháp, khi cai trị Việt Nam, khôn ngoan hơn nhiều. Vào năm 1922, họ tiến hành cải cách hương chính Bắc Kỳ, đã cho các làng lập hương ước đúng như thời Lê Thánh Tông nó vốn có. Việc quan Công sứ và quan huyện phê chuẩn chỉ là để kiểm tra xem trong đó có điều khoản nào vi phạm luật pháp của Nhà nước hay không.
III. Những bước ngoặt của tư tưởng dân chủ ở Việt Nam trong thế kỷ XX
1. Cuộc vận động dân chủ 20 năm đầu thế kỷ
Cuộc xâm lăng có tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong thế kỷ XIX đã đặt toàn bộ các dân tộc phương Đông, mà trước hết là giới trí thức theo truyền thống Nho học, đối diện với hàng loạt thực tế mới mẻ, gây chấn động sâu sắc, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt những đức tin và quan niệm của họ về thế giới. Sự biến đổi trong nhận thức và thực tiễn hóa tư tưởng dân chủ trong xã hội Việt Nam, thông qua các nhà Nho duy tân trong những năm cuối cùng thế kỷ XIX, đặc biệt là 20 năm đầu thế kỷ XX, là sự kiện có ý nghĩa không nhỏ đến tiến trình phát triển xã hội Việt Nam đang trong ách đô hộ của người Pháp.
Dân chủ là một sản phẩm vĩ đại của lịch sử. Tuy nhiên, các bậc túc Nho có đầu óc duy tân ở Việt Nam thời đó còn rất ngỡ ngàng, xa lạ với khái niệm này. Từ nghìn năm qua, Nho gia ở Việt Nam vẫn chỉ quen với khái niệm “thần dân” trong một vương quốc có chủ, mà mọi người trong đó đều là tôi tớ của vua mà thôi. Để “dân” có thể làm “chủ”, trước hết người dân phải là chủ sở hữu ngay chính bản thân mình. Kế đó là sự làm chủ tài sản và tư liệu sản xuất. Con người cá nhân thực thụ, trước hết phải là một cá thể đơn trị và đẳng lập trước luật pháp với các cá nhân khác, cho dù là quan lại hay vua chúa. Nếu diễn dịch một cách dễ hiểu thì xã hội phải thừa nhận một nguyên tắc chung là mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước các điều khoản về khế ước xã hội và nhân quyền. Tất cả những điều vừa nêu vốn dĩ là sự thật hiển nhiên trong xã hội Pháp và Tây Âu; nhưng nó chưa từng xảy ra trong xã hội Việt Nam trước cuộc xâm lăng của người Pháp. Tuy nhiên, làn sóng “tân thư” ào ạt chuyển từ Nhật qua Trung Quốc vào Việt Nam đã tạo nên cơn chấn động lớn trong các nhà nho ở Việt Nam. Trước hết nó tạo nên biến đổi nội tâm, từ quan niệm người “thần dân” của vua sang quan niệm người “quốc dân” của nước. Các sĩ phu cấp tiến đã dũng cảm lên án bọn thực dân cướp nước, kêu gọi đồng bào tranh đấu giành độc lập. Mặt khác tư tưởng dân chủ phương Tây đã thấm dần vào tiềm thức, nên họ đã mạnh dạn lên án cả vua. Chưa bao giờ trong lịch sử lại có sự phê phán rõ ràng “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu” như lúc bấy giờ. Họ buộc tội vua một cách đanh thép: “Cơm ngự thiện bữa nghìn quan – Ngoài ra dân đói, dân tàn mặc dân”. Hay như câu thơ: “Vua ngồi thăm thẳm cung sâu – một đời chỉ biết đè đầu dân đen”.
Tình huống lịch sử Việt Nam vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, và hai thập niên đầu thế kỷ XX, xét trên bình diện cơ chế xã hội, có thể nói là nằm trong một trạng thái khủng hoảng sâu sắc. Đó là thực tế mà ý thức hệ truyền thống đã mất vai trò, mất ý nghĩa lịch sử (con người thần dân), nhưng cái mới (con người công dân) lại chưa đủ trưởng thành để đáp ứng những đòi hỏi của một tiến trình phát triển mạnh lạc, tiếp tục. Người dân chưa trở thành người chủ, lại không yên vị là thần dân nữa. Các học thuyết, các hệ tư tưởng dân chủ của những nhà khai sáng Pháp (Diderot, Montesquieu, Rousseau…) lan truyền vào Việt Nam một cách thụ động, do sức ép bên ngoài của cuộc “khiên diễn mưa Âu, gió Mỹ”. Lúc này, con người “quốc dân” là một nhân cách lịch sử quá độ, và trong bối cảnh “nước kia đã mất, nhà này cũng tan” thì người quốc dân được hình dung trong sự gắn bó trực tiếp với vận mệnh dân tộc, với bão táp của đấu tranh giải phóng. Câu thơ của Phan Bội Châu: “Ở nước phải lo giữ nước – không nên giương mắt ngồi nhìn – Có thân thì quyết hiến thân – Đâu nỡ co vòi chịu nhát”, được nhấn mạnh trước hết và chủ yếu là nghĩa vụ, là bổn phận “quốc dân”, chứ không phải và chưa thể là quyền lợi một “công dân”. Người “quốc dân” là nhân cách lịch sử không mang đậm nội dung kinh tế xã hội. Ở góc nhìn triết học và xã hội học, đó là sản phẩm in đậm dấu vết tinh thần – ý chí luận: “Có Đàn rồi mới có Ta – Đàn là rất trọng, Ta là rất khinh”. Ẩn đằng sau con người quốc dân đó vẫn còn có vị trí hết sức đặc biệt và cần thiết của con người “đạo giác tư dân”, của những cư dân “tiên tri tiên giác” là các nhà Nho duy tân.
Từ con người “quốc dân” những năm đầu thế kỷ XX đến con người “công dân” còn cả một chặng đường phát triển gập ghềnh, gian khổ của dân tộc Việt Nam.
2. Cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945
Những cuộc đấu tranh sôi động và hào hùng do các nhà Nho duy tân (Phan Bội Châu hay nhóm Đông kinh nghĩa thục) khởi xướng và lãnh đạo đầu thế kỷ đã dần dần đi đến sự cáo chung vai trò lịch sử của họ và thực sự chấm dứt với thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, do Việt Nam Quốc dân đảng, một tổ chức do tập hợp hỗn độn các nhà Nho tiến bộ và những trí thức Tây học lãnh đạo. Từ đây hình như lịch sử đã trao ngọn cờ độc lập tự do cho những người cộng sản. Thế hệ các chiến sĩ cộng sản tiền bối ở Việt Nam thời đó là những người có Tây học, được đào tạo tri thức từ các trường quốc học Bưởi (Hà Nội), Thành Chung (Nam Định), Khải Định (Huế)… Trước khi đến với chủ nghĩa Mác, họ đã từng trực tiếp đọc và nghiên cứu tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng bằng tiếng Pháp. Những tinh hoa tư tưởng về xã hội công dân, Nhà nước pháp quyền tư sản của Pháp và Tây Âu được họ tiếp thu trước khi đến với chủ nghĩa Mác. Nhờ vậy, vượt lên trên các nhà Nho duy tân trước đó, họ hiểu và cổ súy cho quyền sở hữu ruộng đất của quảng đại quần chúng nông dân. Khẩu hiệu “người cày có ruộng” vừa là mục tiêu nhân đạo cao cả của cách mạng, vừa là cơ sở tạo lập nên quyền sở hữu cá nhân cho người nông dân đang ở tư cách con người “quốc dân” đấu tranh giành độc lập, rồi sẽ có đủ điều kiện để trở thành con người “công dân” trong xã hội tương lai. Xét về nhiều mặt, khẩu hiệu này thể hiên sự khôn ngoan về phương kế vận động quần chúng, lại vừa trí tuệ và thiết thực hơn hẳn nhiều chủ thuyết có phần mơ hồ của các tổ chức cách mạng khác thời ấy. Đó mới chính là nguyên nhân căn bản khiến những người cộng sản tập hợp được quần chúng thành một lực lượng đông đảo, rộng khắp, dẫn đến thành công của cách mạng tháng 8/1945. Không thể phủ nhận việc tổ chức bầu cử lập ra quốc hội, chính phủ hợp hiến và ban hành hiến pháp 1946 là một bước tiến quan trọng của lịch sử, tạo tiền đề cho cả dân tộc chuyển hóa từ con người quốc dân sang con người công dân, sau nhiều năm tháng đấu tranh đẫm máu. Tuy nhiên nhà nước cộng hòa non trẻ của Việt Nam chưa kịp xây dựng, củng cố hệ thống pháp quyền và xã hội công dân, đã phải lao vào cuộc chiến tranh giữ nước khốc liệt kéo dài 9 năm. Trong điều kiện đó, ở nhiều nơi, trong nhiều lúc, những đòi hỏi về quyền lợi của con người “công dân” đã phải tạm thời nhường bước cho nghĩa vụ và đạo lý của con người “quốc dân”. Vì mục tiêu chung của cả dân tộc, những con người “quốc dân” của nước cộng hòa non trẻ đã không hề do dự xả thân cho nền độc lập, quên đi những đòi hỏi cá nhân. Tréo ngoe ở chỗ kháng Pháp xong rồi, nửa nước miền Bắc có Chính phủ hợp hiến, nhưng lại chưa có một hệ thống pháp quyền đầy đủ theo mô hình thiết chế của xã hội công dân trong thời đại văn minh. Bộ luật dân sự, cơ sở pháp lý để xác lập quyền dân chủ của con người công dân không được xây dựng. Khẩu hiệu “Thắt lưng buộc bụng xây dựng CNXH”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” về thực chất là phương cách động viên mọi người tiếp tục nhẫn chịu thân phận con người quốc dân, tạm quên đi quyền và lợi của con người công dân trong một cảnh huống khá phức tạp và nhạy cảm.
3. Vướng mắc về tư tưởng dân chủ hiện nay
Sau khi nước nhà thống nhất (30/4/1975), số phận của dân tộc Việt Nam lại bị kéo vào cuộc xung đột biên giới phía Nam, phía Bắc thêm vài năm nữa. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy mà từ đầu thế kỷ XX cho đến thập niên thứ tám, Việt Nam vẫn phải giành ưu tiên khẳng định con người “quốc dân”. Nhưng khi đánh giặc xong rồi, một số người trong bộ máy cầm quyền tiếp tục cố tình duy trì những nghĩa vụ của con người “quốc dân” trong quá khứ để mà lộng hành, để mà trục lợi. Họ phớt lờ quyền và lợi của con người “công dân” và do đó nảy sinh mâu thuẫn, sự trớ trêu của lịch sử là dần dần họ kéo lùi con người về khái niệm thân phận thần dân của chế độ phong kiến lỗi thời. Chúng ta chưa có những điều kiện đầy đủ để hoàn thiện xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Hàng loạt vấn đề đặt ra từ hồi đầu thế kỷ, nhưng rồi phải tạm thời gác lại gần trọn cả một thế kỷ đã khiến cho vấn đề dân chủ có ý nghĩa thời sự cấp thiết. Nguyện vọng tha thiết của người dân trên cả nước, đặc biệt là dân ở vùng sâu, vùng xa là muốn được tự khẳng định mình với tư cách là người công dân trong thế giới văn minh, hiện đại. Từ năm 1992 đến nay, các kỳ họp quốc hội liên tiếp thảo luận rồi ban hành nhiều bộ luật sửa đổi và các bộ luật mới. Hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng có những cải cách nhất định. Thế nhưng tất cả mới chỉ là nửa vời, nên con người công dân trong xã hội chưa định hình rõ nét, chưa đủ cứng cáp để thay thế con người quốc dân đang bị những thế lực trục lợi níu giữ quá chặt. Biểu hiện của sự níu giữ có rất nhiều, song theo tôi có 2 điều rõ nhất và khá cơ bản:
Thứ nhất, Bộ luật dân sự và hệ thống tòa án dân sự lẽ ra phải được xây dựng song hành cùng Hiến pháp năm 1946, nhưng thời ấy nhiều vị lãnh đạo đã gạt bỏ kiến nghị của nhóm luật gia khởi thảo Hiến pháp do ông Nguyễn Mạnh Tường chủ trì về học thuật, coi đó là pháp quyền tư sản cũ rích! Sự trì hoãn trong những năm chiến tranh có thể chấp nhận, nhưng sau năm 1975 thì thật khó hiểu. Ngay cả Bộ luật dân sự năm 1993 cũng vẫn là sự gượng ép, chắp vá, thiếu hẳn sự kế thừa tinh hoa của Bộ luật dân sự Napoleon đã được cả thế giới phương Tây và nhiều quốc gia phương Đông xem là chuẩn mực.
Thứ hai, quyền tư hữu về tài sản và tư liệu sản xuất của công dân là điều kiện rất cơ bản để thực thi dân chủ, nhưng hiện nay vẫn chỉ được công nhận nửa vời, rõ nhất là vấn đề đất đai, nhà ở. Qua rất nhiều năm trì hoãn, đến nay Nhà nước mới chỉ công nhận quyền sử dụng chứ không thừa nhận quyền sở hữu. Giữa công nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu có sự khác nhau xa về cấp độ quyền con người. Điều này tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, tổ chức tước đoạt trắng trợn tư liệu sản xuất của nông dân (ruộng đất) làm giàu bất chính, vi phạm nghiêm trọng dân chủ và dân quyền mà vẫn vô can. Có thể nói, 90% vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài của dân trong 15 năm lại đây đều là vấn đề ruộng đất ở nông thôn, nhà và đất ở đô thị.
Lời kết
Nhìn lại quá trình phát triển dân chủ ở Việt Nam từ trong chiều sâu lịch sử đến diễn trình suốt một thế kỷ qua, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam đã đổi bao tâm huyết, trí tuệ và xương máu để hy vọng xây dựng một thiết chế dân chủ thật sự, mà vẫn chưa đạt tới đích. Những yếu tố dân chủ trong các học thuyết truyền thống, kinh nghiệm về dân chủ trong hương ước làng xã cổ xưa, bài học lịch sử trong mấy chục năm giữ nước và kiến quốc, kết hợp với tinh hoa tư tưởng nhân loại về xã hội công dân, nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, sẽ là cơ sở để chúng ta đúc kết xây dựng một thiết chế dân chủ văn minh, hiện đại, mà vẫn giữ được nét riêng độc đáo của Việt Nam. Chẳng cần tìm kiếm kinh nghiệm ở đâu xa, ta hãy học người Pháp về vấn đề tái lập hương ước trong cuộc cải cách hương chính Bắc Kỳ (1922), học các quốc gia tiến bộ Đông Á trong việc tiếp nhận tinh hoa của Bộ luật dân sự Napoleon, và cấp thiết hơn cả là sửa ngay tận gốc Bộ luật về đất đai hiện hành, trên tinh thần dân chủ, khuôn khổ chuẩn mực của xã hội công dân…
Hà Nội 4/2000- 8/2005
[1]Vi Chính Thông,
Nho gia và Trung Quốc ngày nay. Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia 1996.