trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
11.8.2005
Nguyễn Văn Lục
Trí thức miền Nam - Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975)
5 kì
 1   2   3   4   5 
 
4. Giai đoạn 1963-1966: Ba năm xáo trộn

A. Một cuộc Cách mạng dang dở

Sau biến cố Phật giáo 63, miền Nam rơi vào cảnh xáo trộn liên tiếp, một năm thay đổi đến 3 chính phủ. Nhận định về tình trạng này, xin trích nhận xét của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một người trong cuộc:

“The generals who deposed Diem were no better equipped to manage South Vietnam’s affairs than were those whom they replaced, so the coup that ended Diem’s corrupt and oligarchie regime brought neither peace nor prosperity.” [1]

(Tạm dịch: “Những tướng lãnh lật đổ ông Diệm đã không được chuẩn bị đầy đủ để lãnh đạo miền Nam, chẳng hơn gì những người họ thay thế. Do đó, cuộc lật đổ chính quyền tham nhũng và độc tài của ông Diệm đã không đem lại được hòa bình hay thịnh vượng.”)

Quả thực, chế độ ông Diệm sụp đổ, tạo ra một khoảng trống chính trị. Ðây là lần thứ hai. Khoảng trống trước khi ông Diệm lên cầm quyền còn có thể tìm ra một giải pháp: Giải pháp Ngô Ðình Diệm. Sau ông Diệm, đã có lúc miền Nam rơi vào tình trạng vô chính phủ, có nguy cơ sụp đổ.

Các trí thức phần đông đã không đóng nổi vai trò của mình: Hoặc họ đầu hàng, sợ hãi, tính toán hơn thiệt, chờ thời, đứng ngoài để trông chờ, hoặc chán nản thất vọng và nhất là cơ hội chủ nghĩa. Nguyễn Khánh đã có lần nói trí thức miền Nam toàn là trí thức phòng trà. Ðiều này cũng không xa sự thật lắm. Biến cố Phật giáo và 1-11-63 là cơ hội duy nhất để xây dựng lại xã hội miền Nam mà họ đã để vuột khỏi tay.

Ở Sài Gòn, việc khối Phật giáo của Thượng tọa Tâm Châu chống lại Thủ tướng Trần Văn Hương, một nhân vật uy tín của giới trí thức miền Nam, đã là một lẽ không nên. Còn Thượng tọa Thích Trí Quang lại có lập trường rõ rệt là vận động một nền hòa bình Phật giáo do và cho dân tộc. Lập trường đó đã được các khối Phật giáo họp ở Viện Hóa Ðạo đồng chấp thuận. Nhưng lập trường đó mâu thuẫn, đối đầu với nhiều thế lực: Người Mỹ cho rằng chỉ có thể chiến thắng Cộng sản bằng võ lực; Giới tướng lãnh quân phiệt miền Nam, với Nội các Chiến tranh, thì chỉ trông chờ vào quân viện Mỹ để chiến thắng Cộng sản; Còn đối với miền Bắc, họ “quyết tâm giải phóng miền Nam” bằng võ lực. Có thể do những lý do đó mà Thượng tọa Trí Quang đã trở thành kẻ thù của nhiều phía, bị họ đội cho nhiều thứ mũ.

Sau vụ đánh chiếm lại Ðà Nẵng và dẹp bàn thờ Phật ở Huế, Nguyễn Cao Kỳ đã cho phi cơ chở Thượng tọa Trí Quang về Dưỡng đường Duy Tân của Bác sĩ Tài để ông này trông nom sức khoẻ cho Thượng tọa. Tướng Kỳ, nghi ngờ khả năng tuyệt thực của Thượng tọa Trí Quang, đã viết về vụ này với một giọng văn châm biếm. Xin trích dẫn nguyên văn:

“When Tri Quang landed at Tân Sơn Nhứt, he was driven to the clinic. Twenty-four hours later, Saigon newspapers reported that he had begun a hunger strike to protest my actions in squashing his revolt. Day by day the newspapers reported he continued his fast. When Lodge express concern, I said: ‘Mr Ambassador, don’t worry. If Tri Quang was merely a monk, then may be he would fast until death. But he is a politician. Have you ever seen a politician die of hunger?’

Lodge laughed.

‘Between us’, I continued, ‘I will tell you that he doesn’t eat and he refuses intravenous nutrition, but don’t worry… My prediction was confirmed. A week later Dr. Tai came to see me, very nervous, to report that his prize patient looked better. He had all the fresh fruit juice and protein shakes that he could hold and Dr. Tai assured me that Tri Quang could live thirty years that way’… I am glad that I didn’t have to shoot Tai.” [2]

(Tạm dịch: “Khi ông Trí Quang đến phi trường Tân Sơn Nhất, ông liền được đưa xe về bệnh viện. 24 giờ sau, báo Sài Gòn loan tin ông ta bắt đầu tuyệt thực để phản đối những chiến dịch của tôi đã đè bẹp sự nổi dậy của ông ta. Mỗi ngày báo chí đều loan tin ông ta tiếp tục tuyệt thực. Khi ông Lodge tỏ vẻ lo ngại, tôi bảo: “Thưa ngài Ðại sứ, xin ngài đừng lo ngại. Nếu Trí Quang chỉ là một nhà sư, thì có thể ông ta sẽ tuyệt thực đến chết. Nhưng ông ta là một nhà chính trị, ngài có bao giờ thấy một nhà chính trị chết vì đói chưa.”

Ông Lodge cười.

Tôi nói tiếp, “giữa chúng ta, tôi cho ngài biết rằng ông ta không ăn và từ chối dinh dưỡng theo đường tĩnh mạch, nhưng ngài đừng lo… Tiên đoán của tôi đã được xác nhận. Một tuần sau bác sĩ Tài đến gặp tôi, dáng điệu rất bối rối, báo cáo rằng bệnh nhân đáng kính nể của ông ta đã đỡ hơn… Ông ta đã có được tất cả các thứ nước trái cây tươi và nước có chất bổ protein và bác sĩ Tài cam đoan với tôi là ông ta có thể sống 30 năm theo cách ấy”… Tôi mừng là đã không phải bắn chết Tài.”)

Thật ra, việc tuyệt thực của Thượng tọa Trí Quang đã bắt đầu ở Huế, được tiếp tục ở Sài Gòn và kéo dài 100 ngày. Thượng tọa nghiêm chỉnh thực hiện cuộc tuyệt thực này với mục đích hẳn hoi, không ảo tưởng, không cầu may. Trước đây Thượng tọa đã từng tuyệt thực từ ba ngày đến 5 ngày, đã có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hai ngày đầu có thể không sao. Nhưng đến ngày thứ ba có thể bắt đầu nhức đầu, nhức răng. Về điều này, bác sĩ Quyến, người săn sóc sức khỏe cho Thượng tọa, biết rõ. Một cuộc tuyệt thực như thế đòi hỏi tâm thức phải thanh thản, không sợ chết, không buồn, không vọng tưởng, không cầu, không mong. Thân như không có mà tâm càng lồ lộ. Vì thế, ngài có thể ngồi đọc sách, viết được hai bản thảo. Và tuyệt đối không ăn, không uống. Bác sĩ Nguyễn Duy Tài có lần muốn xin chích thuốc, Thượng tọa nhẹ nhàng từ chối. Còn một tháng chót, sức lực của Thượng tọa có phần yếu kém. Ngài cho biết:

“Tôi nghĩ như thế này mà đi khỏi thân xác thì tuyệt vời. Ðến ngày thứ 100 thì lại thấy thư thái, tâm lồ lộ và nghĩ: Thật là tiếc phải ngưng tuyệt thực.

Trong lúc tuyệt thực như thế, có những người đóng vai ký giả, có thể đội lốt CIA, đến thăm. Có những người đến mách bảo là Mỹ định quyết liệt với tôi. Lại có Linh mục Nghi đến thăm, sau này là Giám mục. Có bác sĩ Chủ tịch Phật giáo Âu Châu. Có đại diện nước Ý đến mời đi sang Ý. Có đại diện Thủ tướng Nhật mời đi sang Nhật. Tôi đều từ chối cả, bởi vì đó là cách Thiệu Kỳ lừa để đưa đi lưu vong.” (Viết theo những điều được nghe kể lại.)

Sau vụ tuyệt thực 100 ngày, thể theo lời của Ðức Tăng Thống, thầy Trí Quang trở về chùa Ấn Quang quy ẩn, đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ xáo trộn và mở đường cho chế độ đệ nhị cộng hòa.

Ba năm xáo trộn cho thấy sự phá sản lần thứ hai của các đảng phái. Lần đầu vào những thập niên 40-50, khi các đảng phái tan rã vì bị Việt Minh lùng bắt và thanh toán. Với cái chết của Nhất Linh, cộng thêm sự thất bại của Ðại Việt với Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy..., từ đây trở đi, vai trò chính trị của các đảng phái rất lu mờ.

Xét lại giai đoạn này, biến động miền Trung 63 cùng lắm cũng chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời. Ðánh đổ một chế độ độc tài xong không nhất thiết tự nhiên có dân chủ. Ðòi hỏi cho được dân chủ thì không nhất thiết có tự do. Câu hỏi chưa có câu trả lời là chúng ta đã được gì sau 63? Ba năm xáo trộn đó, lỗi phải về ai? Người Cộng sản trà trộn phá hoại? Người Mỹ can thiệp trắng trợn? Một số trí thức 30 trục lợi chạy theo phe phái, tôn giáo? Một số tướng lãnh bất tài và vô trách nhiệm? Công giáo, Phật giáo dùng ảnh hưởng và sức mạnh của đồng đạo cho những mưu cầu chính trị? Ðây là những năm tháng tồi tệ, đưa đến chuyện người Mỹ can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, rồi đến sự sụp đổ không tránh được vào tháng 4 năm 1975. Vậy mà, cho đến lúc những dòng này được viết ra, vẫn chưa có ai chịu nhận cái trách nhiệm bẽ bàng ấy.

Những khuyết điểm chính của cuộc tranh đấu Phật giáo vẫn là không có một lãnh đạo nắm vững đường lối đấu tranh, sau này tạo ra chia rẽ hai khối: Ấn Quang và Quốc Tự. Từ những ngày đầu của biến cố Phật giáo, Thượng tọa Tâm Châu đã từng nói: Tâm Châu này chỉ có một chữ nhất. Nhưng trong cuốn Bạch thư, xuất bản tại Montréal, Canada, Thượng tọa đã quy trách ba năm xáo trộn là một quốc nạn cho Phật giáo. Ngay từ 15-5-1964, hai Thượng tọa Tâm Châu và Trí Quang đã ra chung một thông bạch: “Không hề có sự rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, nhất là giữa hai anh em chúng tôi”. Vậy mà điều đó cũng không cứu vãn nổi tình trạng rạn nứt giữa hai khối. Ngoài ra, cũng có nhiều sự kiện vượt khỏi sự kiểm soát của các thầy. Chẳng hạn, Thượng tọa Trí Quang không chủ trương dùng tự thiêu để làm áp lực với chính quyền, nhưng đã xảy ra một số vụ tự thiêu ở Huế, cũng như vụ đem bàn thờ Phật xuống đường (vụ này thầy nhận trách nhiệm về mình vì đã không ngăn cản kịp thời). Ông Ðỗ Mậu gọi đó là thời kỳ mạt pháp của Phật giáo sau huy hoàng của 1963. [3]


5. Giai đoạn 1966-1970: Sự xuất hiện của trí thức khuynh tả

Biến cố 1-11-1963 đã không đem lại thay đổi như lòng mong đợi của mọi người. Chẳng những thế, nó còn làm cho tình thế mỗi ngày mỗi bi quan, tuyệt vọng. Tâm trạng trí thức trong thời kỳ này là chán nản và mất tin tưởng. Hình như không còn một giải pháp cho miền Nam nữa. Trí thức khuynh tả ra đời trong hoàn cảnh này.


A. Trí thức khuynh tả

Có nhiều dạng trí thức khuynh tả. Trước hết xin được kể một số tên tuổi: Nhất Hạnh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Thế Uyên, Thế Nguyên, Duy Lam, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phan Khắc Từ, Ngô Bá Thành, Ngô Công Ðức, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung và Trần Ngọc Liễng. Ở miền Trung, có tờ Lập Trường với các ông Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ và Cao Huy Thuần.

Trong thời kỳ này, xuất hiện nhiều báo chí với xu hướng chính trị khác nhau, bày tỏ thái độ chính trị như chống Mỹ, chống chiến tranh, kêu gọi hòa hợp hòa giải, kêu gọi hòa bình, đưa ra giải pháp cách mạng về một xã hội không Cộng sản. Ðó là các tờ Quần chúng của Cao Thế Dung, Hành trình của Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Trần Tuấn Nhậm, Thảo Trường. Khi Hành trình bị đóng cửa thì Ðất nước ra đời. Rồi các tờ Chọn của Trương Bá Cần và cuối cùng là Ðối diện của Nguyễn Ngọc Lan và Nguyễn Nghị. Sau 30 tháng tư, tạp chí này đổi thành Ðứng dậy. Sau khi Nguyễn Ngọc Lan đi Hà Nội về viết bài: “Hà Nội tôi thế đấy”, bị Ðảng và Nhà nước cho là giiễu chế độ, tờ Ðứng dậy bị đình bản, đẩy Nguyễn Ngọc Lan vào thế đối lập với chính quyền.

Những đề tài mà các trí thức khuynh tả hay phản chiến đề cập đến thường liên quan đến tình thế lúc bấy giờ, rất cụ thể và cấp thiết, chẳng hạn vấn đề chiến tranh và hòa bình, Công giáo, Phật giáo, từ đó đưa ra giải pháp cho những vấn đề đó. Sau đây là tên một số bài viết trên tờ Hành trình: “Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu”; “Ðể tiến tới một nền Hòa bình Việt Nam”; “Chiến tranh hay Hòa bình?” “Mémorandum sur la guerre actuelle au Viet Nam remis par un groupe d’intellectuels Vietnamiens à la délegation universitaire Américaine, de passage à Sàigòn en Juillet 1965” (Giác thư về chiến tranh hiện thời ở Việt Nam của một số trí thức miền Nam gửi phái đoàn Ðại học Hoa Kỳ viếng thăm Sài Gòn vào tháng bảy 1965). “Ai xây hạnh phúc cho toàn dân?”; “Dung hòa chế độ độc tài quân phiệt và một nền dân chủ lành mạnh”; “Chia rẽ vì tôn giáo”; “Bàn về một chính sách”; “Anh em Phật tử nghĩ gì về người Công giáo chúng tôi”; “Sự thất bại của chủ nghĩa nhân vị”; “Sống đạo hay chết vì đạo?”; “Nhìn lại lịch sử chiến tranh Việt Pháp”; “Kinh cầu hồn cho chiến trận Ðiện Biên Phủ”; “Không một vòng hoa, không một vòng tang”; “Những kẻ sợ hòa bình”; “Ai xây hạnh phúc cho toàn dân”; “Nói với đồng đội tiền tuyến”; “Cách mạng của người nghèo”; “Ðộc tài hay dân chủ?”; “Cách mạng và dân chủ”; “Ðối thoại giữa người Công giáo và Phật giáo”; “Hoàn cảnh cách mạng hay chiến tranh cách mạng”; “Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng ở Việt Nam”; “Chiến tranh chống chiến tranh cách mạng”; “Bức tường Bá Linh”; “Mười năm khai nguyên Cách mạng Algérie hay là cuộc chiến đấu chống lại sự nhục mạ con người”; “Fidel Castro trong vai trò lãnh đạo Cách mạng Cuba”; “Sekou Touré trên đường giải phóng Guinée”; “Trường hợp Nasser và Cộng hòa Ả Rập Thống nhất”;

Qua những bài viết này, ta thấy nhiều nhóm trí thức khuynh tả, hay thành phần thứ ba, là những nhóm hành động, đi vào thực tế và không có chủ trương lập thuyết, chẳng hạn như nhóm của thầy Thích Nhất Hạnh với trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, hay nhóm của Trần Ngọc Ninh, v.v... Họ bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở của mình trước thời cuộc, trước hiện tình đất nước, đồng thời muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình. Ở thời điểm này, từ trí thức không còn chỉ những người trí thức tháp ngà, không tưởng, mà chỉ những người lên đường. Nó mang một ý nghĩa đẹp và cao quý với tầm vóc nhân loại.

Cùng một ý hướng và tinh thần như trên, thanh niên sinh viên Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức trẻ, đã lao mình vào các công tác xã hội, như các chương trình Hè, chương trình Học đường Mới, chương trình du ca, v.v... Cũng trong thời gian 1964-1969, Văn nghệ tranh đấu tại miền Nam gồm các phong trào Tâm ca, Tâm ca phản chiến, Dân ca, Kháng chiến ca, Da Vàng ca (1965)..., đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, chấm dứt cảnh bom đạn, chém giết giữa người Việt với người Việt, và nêu lên khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Trong số này, tiêu biểu nhất là Trịnh Công Sơn, Nhất Hạnh, Trần Quang Long, Phạm Duy... (Riêng trường hợp Phạm Duy xin đặt một dấu hỏi “?”) Những bài hát như “Tình ca người mất trí”, “Ca dao Mẹ”, “Gia tài của mẹ”, “Ca khúc da vàng” đã một thời vang dội trong giới thanh niên trí thức miền Nam và gây ảnh hưởng tới tinh thần binh sĩ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. [4]

Ðặc điểm của các trí thức thiên tả này là họ không/ít dính dáng đến giai đoạn 9 năm cầm quyền của ông Ngô Ðình Diệm, hoặc do tuổi tác, hoặc do hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa cho họ cơ hội xuất hiện. Thêm nữa, phần lớn những trí thức thiên tả này dùng ngòi bút, lời ca để bày tỏ lập trường của họ, thay vì trực tiếp hành động như trường hợp Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu hay Trần Văn Tuyên trước đây. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta mới có thể đọc lại được những bài viết về sự thao thức trăn trở, về quan niệm hay đường lối của họ.

Nói chung, quan điểm lập trường của những trí thức thiên tả có những đặc điểm sau:

  • Chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam dưới mọi hình thức;

  • Chống chiến tranh vì cho rằng cuộc chiến Nam Bắc là một thứ nội chiến hay một thứ chiến tranh ủy nhiệm;

  • Chống lại các chính quyền miền Nam, vì cho rằng họ chỉ là tay sai bản xứ do người Mỹ chỉ đạo;

  • Có xu hướng thiên về phía người Cộng sản;

  • Ðưa ra một đường lối thứ ba: Làm một cuộc Cách mạng Xã hội không Cộng sản. Chủ trương này được nhiều nhóm khác nhau ủng hộ: Nhóm Hành trình với Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung; Nhóm Thái độ với Thế Uyên, Duy Lam; Nhóm Lá bối với Thích Nhất Hạnh và trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Nhóm của chính quyền với Trần Ngọc Ninh và Phong trào Học đường Mới. Nhóm của Mỹ với một số Giáo sư Trung học như Phan Văn Phùng, Charles Sweet, Hà Tường Cát, Ðỗ Ngọc Yến. Sự sắp xếp và phân chia như trên chỉ là tương đối. Trên thực tế, rất khó phân biệt sự khác nhau giữa các nhóm, chẳng hạn nhóm Hành trìnhThái độ. [5]

Có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ các phong trào hoạt động cách mạng của lực lượng thứ ba, như Lực lượng Tranh thủ Cách mạng, Phong trào Dân tộc Tự quyết, Ủy ban Vận động Hòa bình. Trong những phong trào trên, nổi bật nhất là Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của Thượng Tọa Trí Quang và Phong trào Bảo vệ Hòa bình, Hạnh phúc Dân tộc của T.T. Thích Quảng Liên. Mãi đến ngày 27-1-1973, khi hiệp định Paris vừa ký kết, Thượng Tọa Thích Thiện Minh mới tuyên bố thành lập Lực lượng Hòa giải Dân tộc, Vũ Văn Mẫu làm chủ tịch. Mục tiêu của tổ chức là đưa người vào Hội đồng Quốc gia Hòa giải Hòa hợp được dự liệu trong Hiệp định Ba Lê.

Vai trò của các lực lượng này có tính cách quyết định quan trọng, như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn nhận trong một bài phỏng vấn:

“Ðối nội, đã đến lúc, ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay bên ngoài. Không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ –Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương văn Minh lúc bấy giờ… Sự xuất hiện lại trên chính trường của ông Minh, chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ- Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn.” [6]

Vì khuôn khổ có hạn, bài viết này sẽ tập trung vào một nhóm tiêu biểu của thời kỳ 1964-1965: nhóm Hành trình. Trong báo cáo của mình, Nguyễn Trọng Văn cũng chọn nhóm Hành trình vì những lý do sau: Quan điểm về một cuộc Cách mạng Xã hội không Cộng sản đã được nhóm này trình bày rõ ràng và có hệ thống. Nhóm cũng đã gây được ảnh hưởng nhất định trong giới sinh viên, học sinh. Nhóm được sự hợp tác của những người như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Cẩm Xuyên, Trần Trọng Phủ, Trịnh Viết Ðức, Trần Văn Toàn, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Hữu Tấn Ðức, Nguyễn Khắc Ngữ, Thảo Trường, Thế Uyên, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Ðông Ngạc, Hương Khê, Thế Nguyên, Trương Cẩm Xuyên, Nguyễn Ngọc, Thái Lãng, Nguyễn Vũ Văn, Trương Ðình Hòe, Lê Tất Hữu, Ðặng Thần Miễn, Ðỗ Phùng Khoan, Diễm Châu, Ðỗ Long Vân, Nguyễn Ðức Trinh.

Cần tránh ngộ nhận là nhóm Hành trình, mặc dầu đa số là người Công giáo, nhưng không đại diện cho giới Công giáo theo nghĩa có sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục và giáo dân. Ngược lại, Hội đồng Giám mục với đa số giáo dân thường chọn lựa lập trường Quốc gia và chống ý thức hệ Cộng sản. Vì vậy, nhóm Hành trình phải được hiểu theo nghĩa là trí thức thiên tả, hoặc thành phần thứ ba, độc lập và đứng ngoài tổ chức Công giáo. Chính những người trong nhóm cũng biết rõ điều này và chưa bao giờ nhân danh Công giáo trong những lựa chọn chính trị của họ. Và có thể, họ cũng không muốn nhân danh người Công giáo, bởi vì họ ý thức được rằng đa số những người đồng đạo không cùng quan điểm lập trường với họ. Họ vẫn bị gọi một cách mỉa mai là trí thức cấp tiến (theo nghĩa xấu của chữ đó).


B. Trường hợp Lý Chánh Trung: Một trí thức thiên tả, tiêu biểu cho sự dấn thân và nhập cuộc của nhóm Hành trình

Tư tưởng tìm về với dân tộc

Lý Chánh Trung là mẫu người trí thức thiên tả, dấn thân và nhập cuộc, tiêu biểu cho trí thức miền Nam trong giai đoạn 1955-1975. Tư tưởng chủ đạo của Lý Chánh Trung là tìm về dân tộc, đặt dân tộc trên tất cả. Trên lý thuyết, trên chủ nghĩa, trên Quốc gia, trên quyền lợi cá nhân. Sự tìm về Dân tộc, với ông, trước hết là do những cảm nhận thu thập được trong cuộc đời, từ những cái chết hy sinh, từ những gương sáng của những người đi trước. Ông viết, “Trong tháng Tám đó, lịch sử như ngọn thủy triều cuồn cuộn dâng lên, đưa chúng tôi về bờ dân tộc. Cả một dân tộc đứng lên và chúng tôi chứng kiến được cảnh đó... Chúng tôi đã thấy những cái chết oai hùng giữa những cái chết vô danh. Chúng tôi đã hiểu thế nào là một dân tộc. Noel. 1966.” [7] Và qua Dân tộc, người thanh niên trí thức đã tìm được một chỗ đứng: “Lòng chúng tôi cũng rợp bóng gươm đao như lòng dân quê nước Việt. Và ít nữa là trong lúc ấy, chúng tôi đã tìm lại được một chỗ đứng, trên mảnh đất quê hương.” [8] Hai cái chữ Dân tộc như ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho người thanh niên đó đi theo.

Vào năm 1967, năm của những xáo trộn liên tiếp, trong một bài nói chuyện với sinh viên Ðại học, Lý Chánh Trung đã đặt câu hỏi: Và giữa lúc số phận của mỗi người chúng ta đang trôi nổi dật dờ như con thuyền không bến, chúng ta còn biết bám víu vào cái gì, còn biết nương tựa vào đâu, nếu không phải là dân tộc Việt Nam? Qua đó, ông muốn nhắn gửi giới thanh niên là không thể tin vào bất cứ chủ nghĩa nào. Chỉ có một con đường là tìm về dân tộc mình, ở trong lòng dân tộc.

Muốn thế, bắt buộc mỗi người phải lựa chọn. Dựa theo tư tưởng của Triết gia người Ðức Fichte, Lý Chánh Trung thấy rằng:

“Chúng ta phải lựa chọn. Hoặc chúng ta sẽ là những đại diện cuối cùng của một dân tộc đáng khinh bỉ và sẽ bị hậu thế khinh bỉ đến một mức không thể tưởng tượng được. Hoặc chúng ta sẽ là một điểm khởi hành, sẽ là giai đoạn đầu của một thời đại mới mà sự huy hoàng sẽ vượt khỏi những giấc mơ táo bạo nhứt của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ rằng, chúng ta là những người cuối cùng có thể khơi động sự biến chuyển vĩ đại ấy.” [9]

Ông tuyên bố:

“Khi tôi tìm cho tôi một vị trí, một thể thức hiện hữu như một con người trong vũ trụ, thì con người đó chỉ có thể là con người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam.

Tôi sống giữa dân tộc và dân tộc sống nơi tôi.

Tôi không thể chọn lựa dân tộc cũng như không thể chọn lựa gia đình tôi. Nhưng đã là người thì chỉ có thể thành người giữa một gia đình, một dân tộc.” [10]

Rồi ông đưa ra lời kết luận để mọi người cùng suy nghĩ:

“Mỗi người chúng ta đang sờ soạng đi trong đêm tối chiến tranh, đau xót, phẫn uất nhưng vô cùng cô đơn và gần như tuyệt vọng. Nhưng đêm tối cứ mãi mãi bao trùm đất nước, đó có phải là vì không có ánh sáng hay chính là vì ‘tất cả chúng ta đều đui mù và ngu dại như nhau?’” [11]

Vào năm 1971, trong bài “Nghĩ về một số người trí thức ảo tưởng” [12] , Ánh Việt đã lên án Lý Chánh Trung và đặt câu hỏi: Dân tộc hay chỉ là một nhãn hiệu, và quy kết đó là luận điệu của Cộng sản. Ông viết:

“Trên lãnh vực chính trị, hai chữ dân tộc có giá trị một nhãn hiệu kích thích tâm lý yêu nước của quần chúng, nhất là đối với lớp trí thức, đặng lôi cuốn họ tham gia vào con đường cách mạng vô sản quốc tế, hoàn toàn xa rời quyền lợi của tổ quốc mình.” [13]

Sự quy chụp này có phần bất công với Lý Chánh Trung.


Tư tưởng tranh đấu thực hiện công bằng xã hội:

Lý Chánh Trung viết ít và phát biểu cũng rất dè dặt. Trong nhóm Công giáo Phục hưng, trong giới lãnh đạo Thiên chúa giáo và lãnh đạo Phật giáo, trong giới trí thức miền Nam hay giới sinh viên đại học, đều ít nghe điều tiếng gì về ông. Ngay cả những người không cùng lập trường hay chính kiến, cũng chừng mực đối với ông. Có thể nói, ông thuộc mẫu trí thức khả tín. Ông rất quan tâm đề tài bạo động và lịch sử. Ông cho rằng lịch sử là bạo động vì có những bất công giữa các thành phần trong xã hội. Có bất công là có và còn bạo động. Bạo động không ngừng, tranh đấu không ngừng.

Ông chịu ảnh hưởng khá rõ nét thuyết Personnalisme (thuyết Nhân vị) của triết gia Mounier. [14] Vì vậy, ông luôn đứng về phía kẻ nghèo, kẻ bị bóc lột, kẻ cô thế. Tư tưởng này thể hiện trong các bài viết như “Thân phận tôi đòi”, “Ông chủ xe hơi và cô thư ký”, “Hai giới thanh niên” “Những gót chân non”... Trong “Lá bài cuối cùng của miền Nam: Cách mạng của người nghèo”, ông đã cảnh cáo giới cầm quyền miền Nam lúc bấy giờ bằng những lời lẽ đanh thép và quyết liệt:

“Lạy trời, xin cho dân tộc tôi một nhà Cách mạng ôm ốm một chút, nghèo nghèo một chút. Và đi bằng hai chân. Ai còn đi xe hơi (như tác giả bài này) thì có thể bàn đến cách mạng, nhưng đừng tự xưng là cách mạng.” [15]

Với Lý Chánh Trung, chỉ có một thứ cách mạng: đó là cách mạng của người nghèo, của người ốm, người đói. Cách mạng là thay đổi toàn diện và chỉ có người nghèo cần thay đổi toàn diện. Ông nhận xét về các chính phủ:

“Khổ thay, từ 10 năm nay, các chánh phủ đều là chánh phủ của người giàu. Cho nên có thay đổi gì đâu. Và có chống Cộng được đâu. Càng diệt Cộng thì Cộng càng đông. Vì chỉ có một cách chống Cộng là giành kẻ nghèo với Cộng sản, là chống Cộng với kẻ nghèo, cho kẻ nghèo”. [16]

Và ông kết luận không tương nhượng:

“Tôi không biết cái chính phủ tương lai sẽ gồm những nhân vật tài ba nào. Có điều tôi tin chắc là nếu chính phủ tương lai không hội đủ 3 điều kiện trên (Một chính phủ nghèo, một chính phủ của người nghèo và một chính phủ chân thật) thì có tài giỏi đến đâu cũng chỉ kéo dài thêm một thời gian cái tình trạng thối nát đến lợm giọng hiện nay mà thôi. Chính phủ tương lai nên nhớ cho một điều: về cái tài làm cách mạng giả hiệu, cái tài duy trì quyền hành của mình trên sự thối nát thì chắc chắn là đất nước này, không ai giỏi bằng ông Ngô Ðình Nhu đâu.” [17]

© 2005 talawas


[1]Trích dẫn lại trong Việt Nam máu lửa, quê hương tôi, tr. 900.
[2]Trích Buddha’s child: My fight to save Viet Nam của Nguyen Cao Ky với Marvin J.Wolf. (nxb St.Martin’s Press, New york, 05-2002).
[3]Ðỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, trang 906.
[4]Trích dẫn bài “Nói về các Phong trào Văn nghệ tranh đấu tại miền Nam từ 1964 đến 1969”. Bài của Lê Trương, Giao điểm (giaodiem.com).
[5]Xem thêm Chủ nghĩa Xã hội không Cộng sản tại miền Nam VN thời Mỹ ngụy: Nội dung và ảnh hưởng, của Nguyễn Trọng Văn, trích lại trong Hồ sơ về Tạp chí Hành trình, trg. 221.
[6]Những đòi hỏi mới của thời cuộc, trích bài phỏng vấn của cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt. Trích lại trong Diễn Ðàn, số 151. tháng 5, 2005.
[7]Trích trong Tìm về Dân tộc của Lý Chánh Trung (nxb Trình Bày): trang 86.
[8]Như trên.
[9]Như trên, trg 104.
[10]Như trên, trang 109.
[11]Như trên.
[12]Chính luận, số tháng 10, 1971. Nghĩ về một số người trí thức ảo tưởng, bài của Ánh Việt, Trích lại trong Hồ sơ về Tạp Chí Hành Trình.
[13]Như trên.
[14]Cho đến bây giờ, nhiều người trong và ngoài nước vẫn cho rằng Chủ nghĩa Nhân vị Cần lao ăn cắp, sào nấu lại chủ nghĩa nhân vị của Mounier. Ðiều đó không đúng. Trong 9 năm ông Diệm cầm quyền, Trung tâm Vĩnh Long chẳng có một cuốn sách nào ra hồn về thuyết Nhân vị của Mounier, trừ một vài cuốn vô bổ, kiểu như Ðường về Nhân vị của một ông giáo viên ở tỉnh Kiến Hòa. Trung tâm ấy chỉ dạy một thứ triết lý sơ đẳng, lù mù, không ai nuốt nổi. Tờ Esprit bị cấm nhập cảng vào Việt Nam.
Chế độ cũ chẳng những không muốn phổ biến thuyết nhân vị Mounier, mà còn cố tình ngăn chặn sự phổ biến này. Lý do thật dễ hiểu: Thuyết nhân vị là một thuyết rất nguy hiểm cho chế độ, muốn làm một cuộc cách mạng xã hội cho người nghèo, cho cái xã hội lầm than đói rách. Mounier đã suốt đời trung thành với lý tưởng ấy khi ông viết: “Họ là những người phải mang cây Thánh giá hằng ngày trong da thịt họ”. Ông chẳng những muốn lật độ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực, “quét sạch cái tôi trong chủ nghĩa ấy và cả cái chúng tôi của Cộng sản”. (Trích lại trong Emmanuel Mounier. “’Con người của Ðối thoại’ của Lý Chánh Trung”, Hành trình, số 9-1965. trg30); Tóm lại, giữa chủ nghĩa nhân vị của nền Ðệ nhất Cộng hòa và chủ thuyết của Mounier không có liên hệ. Âu cũng là may cho Mounier!
[15]Hành trình, số 2 tháng 11, năm 1964.
[16]như trên.
[17]như trên.