trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
9.8.2005
Nguyễn Văn Lục
Trí thức miền Nam - Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975)
5 kì
 1   2   3   4   5 
 
2. Giai đoạn 1960-1963: Tuyên ngôn Caravelle

A. Một thách đố dân chủ

Thời kỳ ổn định chính trị và phát triển của ông Diệm kéo dài không được bao lâu. Những người dân, cũng như giới trí thức, đã có dấu hiệu bất mãn. Ông Bùi Diễm kể lại, tại trường Phan Sào Nam nơi ông dạy tư, từ Hiệu trưởng đến Giáo sư đều chống chính phủ. Giờ giải lao, quý vị giáo sư, phần đông là người của các đảng phái như Duy Dân, Ðại Việt, Quốc Dân Ðảng của Nhất Linh hay của Vũ Hồng Khanh, tụ tập xung quanh chén trà để kể lại những mẩu chuyện hoặc chỉ trích chính phủ. [1] Trong số đó, có những giáo sư như Vũ Khắc Khoan, nghị sĩ Phạm Văn Tâm (tự Thái Lăng Nghiêm) và Nguyễn Phan Châu. Ðặc biệt, trong thời VNCH, có một số giáo sư đi dạy tư để chờ thời, nghe ngóng, để chuẩn bị hành động khi thời cơ đến. Phần đông trong số này là người của các đảng phái.

Theo Stanley Karnow, ông đã thăm nhiều vùng và đi đến đâu cũng thấy có chuyện tham nhũng. Người dân bắt đầu mất tin tưởng vào chính quyền. Những năm tháng tốt đẹp của nền đệ nhất cộng hòa bắt đầu có vết rạn nứt.

Mặc dầu, cho đến thời điểm này, ai cũng thừa nhận rằng cuộc sống của nguời dân đã có nhiều cải tiến. Về mặt giáo dục, các trường tiểu học, trung học đã được thành lập từ cấp tỉnh đến quận. Y tế cũng vậy, mỗi tỉnh đều có trạm y tế và nhà thương. Vấn đề đào tạo giáo viên, y tá, cán sự y tế, giáo sư trung học được thúc đẩy mạnh. Các trường đại học, trường kỹ thuật, trường Quốc gia Hành chánh, các trường sĩ quan, mỗi năm đã đào tạo được một số lượng chuyên viên, sĩ quan đáp đủ nhu cầu của đất nước.

Nhưng cạnh đó, việc phát triển giáo dục đã đào tạo ra một lớp thanh niên trí thức trẻ thành thị. Các trào lưu tư tưởng Tây phương, các chủ thuyết mới, như chủ nghĩa Hiện sinh, và thậm chí cả chủ nghĩa Cộng sản, được tiếp thu và giảng dạy một cách rộng rãi. Thêm vào đó, họ được tiếp cận với nhiều dòng văn hóa và văn học ngoại quốc do việc đọc trực tiếp nguyên bản hay qua bản dịch. Nhờ vậy, giới thanh niên trí thức thành thị ở miền Nam tương đối có được một nếp sống văn hóa cao. Cũng vì thế, họ nhạy bén với các vấn đề chính trị thế giới, các thể chế độc tài hay dân chủ, số phận các nước kém mở mang và các nước nhược tiểu.

Chính lớp thanh niên, trí thức trẻ, được đào tạo dưới thời Ngô Ðình Diệm, đã trở thành thành phần chủ lực trong các phong trào đòi hỏi dân chủ, xuống đường, cũng như trong biến cố Phật đản 63 sau này. Lần đầu tiên ở miền Nam có hiện tượng trí thức đám đông, cùng đứng chung trong một hàng ngũ, tranh đấu cho một mục đích chung. (Miền Bắc, do đào tạo và do chế độ toàn trị, đã không bao giờ có được một đội ngũ trí thức như thế.)

Lần đầu tiên thanh niên trí thức bộc lộ sự bất mãn là vào tháng 8 năm 1959, khi chính quyền Ngô Ðình Diệm tổ chức các cuộc bầu cử dân biểu Quốc hội. Ðám quan chức địa phương đã thúc ép dân chúng phải bầu cho người này, không bầu cho người kia, ở Sài Gòn thì vô hiệu hóa một số phiếu bầu của người đối lập. Chẳng hạn như trường hợp Bác sĩ Phan Quang Ðán và ông Nguyễn Trân. Hai ông này đắc cử vào Quốc hội miền Nam với tỉ lệ nhiều phiếu nhất, nhưng đã bị loại trừ. Phan Quang Ðán đắc cử ở quận 2, nhưng bị tuyên bố bất hợp lệ. Cuộc bầu cử dân biểu Quốc hội, do vậy, đã biến thành cuộc vận động chống độc tài dân chủ. Ðây là lá phiếu bất tín nhiệm đầu tiên của người trí thức miền Nam chống chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Nếu giai đoạn 1955-1960 cho thấy vai trò và sự đóng góp của giới trí thức về mặt văn hóa, thì đây là lần đầu tiên, họ đóng vai trò người trí thức trước những hoàn cảnh chính trị, áp dụng các hình thức chống đối dựa trên những nguyên tắc dân chủ. Tuyên ngôn Caravelle ra đời trong hoàn cảnh này.

Ngày 26 tháng tư năm 1960, 18 nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam họp báo [2] và ra tuyên ngôn gửi chính quyền Ngô Ðình Diệm, gồm: Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỉ, Trần Văn Ðỗ , Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần văn Tuyên, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và Linh mục Hồ Văn Vui.

Những người ký tên vào bản tuyên ngôn này đại diện cho nhiều thành phần trí thức của cả ba miền Trung Nam Bắc, của các tôn giáo và các khuynh hướng chính trị khác nhau. Trong số họ, có nhiều người đã từng cộng tác với chính quyền Ngô Ðình Diệm, như ông Lê Trọng Luật, Nguyễn Tăng Nguyên, Trần Văn Ðỗ, v.v...

Có lẽ cần nói rõ thêm về nội dung bản tuyên ngôn Caravelle, vì sau này có người hiểu như một kháng thư nhằm lật đổ chế độ Diệm. Thật ra, nội dung bản tuyên cáo rất ôn hòa, xây dựng, chỉ nhằm yêu cầu Ngô Ðình Diệm mở rộng chính quyền và các nhà trí thức sẵn sàng hợp tác với chính phủ nếu được yêu cầu.

Theo hồi ký chính trị của ông Bùi Diễm [3] , và theo Karnow [4] , thoạt tiên, những người như Trần Văn Văn chỉ muốn viết một lá thư đề đạt lên chính quyền Ngô Ðình Diệm, với chủ ý nói thẳng với ông Diệm nhưng vẫn kín đáo. Do đó, lời lẽ bức thư hết sức trang trọng và ôn hòa. Nhưng bức thư đó bị ông Diệm làm ngơ, không trả lời. Vì thế, nhóm trí thức trên mới quyết định đem công bố với báo chí tại khách sạn Caravelle. (Tên gọi “Tuyên ngôn Caravelle” từ đó mà ra.) Vì chủ ý là một lá thư gửi cho ông Diệm một cách trực tiếp và kín đáo, nên ngôn từ trong đó hiển nhiên không có dụng ý khiêu khích hoặc bất xứng với ông Diệm, cũng không có ý muốn lật đổ ông Diệm.

Ông Nguyễn Thành Vinh, trong bài “Mặt trận Quốc dân Ðoàn kết trong biến cố 11-11-60,” cho biết:

“Tôi gặp anh Văn mấy lần về bức thư trên và chúng tôi kết luận rằng lời lẽ trong bức thư không được mạnh, và kế hoạch đó không áp lực được chính phủ Diệm.” [5]

Tiếc thay, chính phủ Diệm lại coi những đòi hỏi đó như một sự mạo phạm đến quyền bính, một thứ tội khi quân (Lèse-majesté). Ngay ngày hôm sau, ông Diệm đã ra lệnh bắt giam hầu hết những người có tên trong danh sách của bản Tuyên ngôn (theo lời ông Bùi Diễm). Trong số những người ký tên trong bản tuyên ngôn có Phan Quang Ðán bị bắt giam và lên án khổ sai, đày đi Côn Ðảo vì đã ủng hộ cuộc đảo chánh 11-11-1960. Những người bị bắt trong nhóm trí thức Caravelle - có người không có trong danh sách 18 người - gồm các ông: Trần Văn Văn, Trần Văn Tuyên, Phan Bá Cần, Trần Bá Nhật, Trương Bảo Sơn, Trương Khánh Tạo, Nguyễn Chữ, Vĩnh Lợi, Trần văn Lý, Lê Ngọc Chấn, Trần Tương, Trần Văn Hương và Nguyễn Lưu Viên.

Thay vì nới rộng thành phần chính phủ, ông Diệm đã ra lệnh cấm báo đối lập, bắt giam các nhà báo, sinh viên và các thành phần trí thức khác. Họ còn bị gán cho tội liên hệ với Cộng sản. Nhưng, chế độ càng tỏ ra cứng rắn, giới trí thức càng tỏ rõ sức mạnh tinh thần của họ bằng sự phản kháng. Những mắt xích đưa đến chỗ sụp đổ chế độ ông Diệm bắt đầu từ đó.

Riêng người Mỹ, mặc dầu đã đổ ra hơn tỉ đô la vào Việt Nam ở thời điểm đó, cái nhìn về ông Diệm đã không còn được như trước nữa. Công điện của Ðại sứ Durbrow gửi về Hoa Thịnh Ðốn, ngày 4 tháng 12 cùng năm, có đoạn: “Chúng ta rất có thể trong một tương lai không xa nữa phải tìm và theo đuổi một giải pháp thay đổi người.” [6] Ba năm sau, lời đề nghị này trở thành đường lối chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Ngã rẽ quan trọng của Tuyên ngôn Caravelle đã đưa đến cuộc đảo chánh không thành ngày 11-11-1960. Những người như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã nhận xét bản tuyên ngôn lời lẽ quá yếu, không hy vọng có chút thay đổi gì về phía ông Diệm. Vì thế, cũng theo ông Nguyễn Thành Vinh [7] , các ông đã yêu cầu nhóm Caravelle đứng vào Mặt trận Quốc dân Ðoàn kết. Mặt trận này, dĩ nhiên do Việt Nam Quốc dân Ðảng điều động, có kế hoạch đi biểu tình, tuyệt thực trước Quốc hội. Nhất Linh đã đi gặp Giám mục Lê Hữu Từ, cha Oánh, cha Hiền. Ông Nguyễn Thành Vinh ra miền Trung gặp Thượng tọa Ðôn Hậu, bác sĩ Trần Ðình Nam. Ông Trần Văn Văn đi gặp cha Lộc, cha Vui. Nhưng kế hoạch của Nhất Linh không thành, vì một số người trong mặt trận tỏ ra ngại ngùng về lối đấu tranh trên.


Nhận xét về nhóm trí thức Caravelle

Mặt tích cực mà ta nhận thấy được là nhóm này đã nhận thức rõ vai trò trí thức dấn thân của họ. Ðây là dịp để các nhà trí thức miền Nam có cơ hội lớn lên, trưởng thành về chính trị và bước đầu con đường dân chủ hóa. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy có những yếu kém nhiều mặt:

  • Nó không phải là một cuộc vận động quần chúng của nhiều tầng lớp dân chúng như giới lao động, tiểu thương, sinh viên học sinh, giới công chức và quân đội. Buổi họp báo tuyên bố lá thư, thay vì tổ chức sang trọng trong khách sạn Caravelle, chỉ dành cho một thiểu số trí thức và giới báo chí, trong nước cũng như ngoại quốc, lẽ ra nếu được tổ chức ở trước cửa chợ Bến Thành thì hay biết mấy? Họ, những người trí thức tiểu tư sản, chỉ cần tạo dư luận nơi giới trí thức thượng lưu mà không quan tâm đến dân chúng. Cuối cùng, lá thư đó chỉ có một số rất ít người được biết. Tên gọi “Trí thức Caravelle” gợi hình ảnh trí thức salon, trí thức phòng trà, và vì vậy, chỉ gây được ảnh hưởng rất giới hạn, thậm chí có khi còn phản tác dụng. Người dân vẫn là thành phần bị bỏ quên, đứng bên lề.

  • Những khuôn mặt trí thức đó không tạo đủ uy tín để lập một chính phủ, để ổn định tình thế. Lý do giản dị là người dân không biết họ, chưa đủ tin vào họ. Trong số họ, kể cả khuôn mặt sáng giá nhất là cụ Phan Khắc Sửu với thành tích đi tù, và cụ Trần Văn Hương, một người có đạo đức, nhân cách, đều chưa hội đủ điều kiện để lãnh đạo một đất nước trong thời chiến, nói chi đến những người như Nguyễn Tiến Hỉ, Nguyễn Lưu Viên?

  • Miền Nam thiếu vắng những nhà chính trị chuyên nghiệp, thiếu vắng những nhà yêu nước cách mạng xã hội, thiếu vắng trí thức dấn thân, tranh đấu, vào tù ra khám.

  • Họ vá víu, lấp chỗ trống bằng những nhà chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư. Căn bệnh trọng bằng cấp này chỉ sản sinh ra một cấp lãnh đạo chính quyền bất tài làm suy yếu các chính phủ. Các chính phủ chuyên viên chỉ tồn tại một thời gian ngắn, rồi bị lật đổ. (Vậy mà, cho đến tận bây giờ, sau nửa thế kỷ, ở hải ngoại, người ta vẫn giữ tinh thần tôn trọng bằng cấp đó. Thử hỏi họ đã làm được gì?)


B. Mặt trận Giải phóng miền Nam (1960-1963)

Ảo tưởng chính trị của giới trí thức miền Nam

Cần nhớ rằng, trong giai đoạn này, phần đông giới trí thức chống ông Diệm mà không chống chế độ ông Diệm. Họ muốn thay đổi người cầm quyền chứ không muốn đạp đổ chế độ VNCH. Sự thất bại của cuộc đảo chính khiến chính phủ Diệm xiết chặt thêm sự đàn áp các phần tử đối lập, tạo ra một mặt trận trí thức chống đối lại chính phủ. Tệ hơn nữa, Hà Nội, bắt mạch được sự khủng hoảng quyền lực của chính thể miền Nam, đã thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam vào ngày 20-12-1960. Những người của phe Cộng sản như Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Ung Ngọc Kỷ thấy rằng thời cơ đã đến. Họ đi tìm một nhân vật để lãnh đạo mặt trận. Mới đầu, họ nhắm dược sĩ Trần Kim Quan, một người có thế lực và tiền của, rồi đến luật sư Trịnh Ðình Thảo và Michel Văn Vi, giám đốc ngân hàng Pháp Hoa. Những người này đều từ chối. Sau cùng thì họ buộc phải dùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, lúc bấy giờ còn đang bị giam tại Tuy Hòa. Huỳnh Tấn Phát đã tìm cách giải cứu Thọ ra khỏi nhà giam. Liệu Thọ còn có con đường chọn lựa nào khác? Trong khi đó, nhiều người cho rằng: “Ông Diệm chỉ lo củng cố địa vị mà không làm gì cho dân, cho nước”. Vì thế họ muốn có một “tổ chức chính trị ngoài vòng pháp luật” [8]

Sự chọn lựa của một số trí thức miền Nam mong tìm một giải pháp thoát khỏi cảnh bế tắc thật sự là một “khoảng trống” chính trị quan trọng. Nó cho thấy sự không nắm được tình hình, không hiểu rõ tổ chức nhân sự cũng như mục đích của Mặt trận GPMN. Nó có bề ngoài phô trương như thể một chính phủ có thực, có tầm cỡ, thuần túy Nam bộ, với những nhân vật như ông Thọ, ông Phát, Ông Cung, ông Kiếm, ông Tảng, bà Bình, bà Ðịnh và bà Dương Quỳnh Hoa. Và nói như ông Hồ Sĩ Khuê: “Thành viên Mặt trận thực sự chẳng có bao nhiêu. Nhưng ở Sài Gòn, sao mà ai cũng có vẻ là người của Mặt trận quá.” [9] Nhưng bên trong, họ chỉ làm bù nhìn, như theo lời tường thuật của kỹ sư Trương Như Tảng vốn là một sinh viên du học bên Pháp, có dịp gặp Hồ Chí Minh, coi HCM như khuôn mặt lãnh tụ sáng chói nhất để chống lại người Mỹ, và trước mắt, chống lại chính quyền Ngô Ðình Diệm. Hồi ký của một Việt cộng (A Viet Cong Memoir) cho thấy MTGPMN chỉ là một sự dàn dựng, họ được đưa vào bưng để chỉ ngồi chơi xơi nước. Họ bị bịt mắt, dẫn đi quanh co trong rừng. Những buổi họp, để giữ bí mật, các thành viên mặt trận đều bịt mặt, vì thế chẳng biết ai vào với ai. Ai là thật, ai là giả? Ðó là kinh nghiệm đau xót của một số ít trí thức miền Nam. Trong The Myth of Libération, Trương Như Tảng tố cáo sự dàn dựng giả dối của chính quyền Cộng sản Hà Nội: “Trong nhiều năm, họ đã nghe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố cam kết”, qua lời Tổng bí thư Lê Duẩn, rằng “Miền Nam cần có chính sách riêng của miền Nam”. [10] Hay như lời Thủ tướng Phạm Văn Ðồng tuyên bố với phóng viên nước ngoài: “Chẳng ai lại có cái ý nghĩ ngu xuẩn và tội lỗi là thôn tính miền Nam”. [11]

William Shawcross, trên tờ Washington Post, nhận xét,

“He became the Viet Cong’s Minister of Justice, but at the end of the war, he fled the country in disillusionment and despair. He now lives in exile in Paris, the highest level official to have defected from Viet Nam to the West. This is his candid, revealing and unforgettable autobiography.

(Tạm dịch: “Ông trở thành Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Việt cộng, nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đã trốn thoát khỏi Việt Nam với tâm trạng bị vỡ mộng và thất vọng. Nay ông tỵ nạn ở Paris. Ông là một trong những viên chức cao cấp nhất đã đào thoát ra khỏi Việt Nam sang Tây Phương. Ðây là cuốn tự truyện đáng nhớ, phơi bày (nhiều chuyện) và thành thật.”)

Vai trò bù nhìn của MTGPMN cũng được đề cập đến trong hồi ký của Vũ Thư Hiên. Ông viết: “Trẻ con miền Bắc cũng biết Mặt trận Giải phóng là do miền Bắc dựng nên.” [12]

Người trí thức miền Nam một lần nữa bị lừa gạt. Sau này, sau khi miền Nam bị mất vào tay Cộng sản, nhiều người trong bọn họ trước đó mang ảo tưởng sẽ có vai trò, sẽ được dùng, sẽ được lãnh đạo miền Nam, bị gạt ra bên lề một cách thảm hại, hoặc bị cho ngồi chơi xơi nước, có chức mà không có quyền. Màn lường gạt mà chính quyền Cộng sản áp dụng đối với những thành phần đảng phái và những người theo họ này diễn ra không phải lần đầu.

© 2005 talawas



[1]Trích Gọng kìm Lịch sử của Bùi Diễm, trg. 135.
[2]Ngay sau buổi họp báo ngày 26, 27 tháng 4 năm 1960, tại Seoul, Tổng thống Lý Thừa Vãn bị buộc phải từ chức (Trích theo Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập C: 1955-1963 của Chính Ðạo, (nxb Văn Hóa, 2000): trg 174). Ðây là dấu hiệu không tốt cho chính phủ Ngô Ðình Diệm.
[3]Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử: hồi ký chính trị, trang 161-165.
[4]Karnow, Vietnam, trang 136-137.
[5]Trích lại trong Biến cố 11-11-60 của Trần Tương (nxb Ðại Nam, 1971): trg.136.
[6]“Nous pourrions bien être contraints, dans un avenir pas trèx éloigné, à trouver et à soutenir une solution de rechange...” Trích lại trong Viet Nam của Stanley Karnow: trg 137.
[7]Bài “Mặt trận quốc dân đoàn kết”.
[8]Trích Phản tỉnh, Phản kháng, Thực hay hư, của Minh Võ (nxb Thông Vũ, 1999): trg 238.
[9]Trích Hồ chí Minh, Ngô Ðình Diệm và Mặt trận giải phóng, Hồ Sĩ Khuê (nxb Văn Nghệ): từ trang 365-369.
[10]Trích Phản tỉnh, Phản kháng, Thực hay hư, Minh Võ: trg 238.
[11]Sách đã dẫn, trang 135.
[12]Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa ban ngày - hồi ký. trang 469.