trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.9.2004
Karl Popper
Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
(7 kì)
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Mục 24: Lí thuyết chỉnh thể luận về thí nghiệm xã hội

Tư duy chỉnh thể luận là đặc biệt có hại trong ảnh hưởng của nó lên lí thuyết lịch sử chủ nghĩa về các thí nghiệm xã hội (được trình bày chi tiết ở mục 2 ở trên). Mặc dù kĩ thuật viên cải biến từng phần sẽ đồng ý với quan điểm chỉnh thể rằng: Các thí nghiệm xã hội toàn diện hay chỉnh thể, nếu nói chung có thể, là cực kì không thích hợp cho các mục đích khoa học, anh ta sẽ dứt khoát phản đối giả thiết, chung cho cả chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa Không tưởng, rằng các thí nghiệm xã hội, để trở nên thực tiễn, phải mang tính chất của các nỗ lực Không tưởng khi tổ chức lại toàn bộ xã hội.

Tiện lợi để bắt đầu sự phê phán của chúng ta với việc thảo luận một sự phản đối rất hiển nhiên đối với chương trình Không tưởng, cụ thể là chúng ta không có tri thức thực nghiệm cần thiết cho một nhiệm vụ như vậy. Các bản thiết kế của kĩ sư vật lí dựa trên kĩ thuật thực nghiệm; tất cả các nguyên lí tạo cơ sở cho các hoạt động của anh ta được kiểm chứng bằng các thực nghiệm. Nhưng các bản thiết kế chỉnh thể luận của kĩ sư xã hội không dựa trên bất kể kinh nghiệm thực tiễn nào có thể so sánh được. Như vậy, sự tương tự được cho là có giữa kĩ thuật vật lí và kĩ thuật cải biến xã hội chỉnh thể bị sụp đổ; kế hoạch hoá chỉnh thể được coi một cách đúng đắn là “Không tưởng”, vì các kế hoạch của nó, đơn giản, chẳng hề có cơ sở khoa học.

Đối mặt với sự phê phán này, kĩ sư Không tưởng chắc có lẽ thừa nhận nhu cầu về kinh nghiệm thực tiễn, và về kĩ thuật thí nghiệm. Nhưng anh ta sẽ cho là chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết bất kể thứ gì về những vấn đề này, nếu chúng ta lưỡng lự làm các thí nghiệm xã hội, hay kĩ thuật cải biến chỉnh thể, điều theo quan điểm của anh ta, cũng thế. Chúng ta phải bắt đầu, anh ta lí luận, sử dụng bất luận tri thức nào chúng ta có, dù nhiều hay ít. Nếu chúng ta có tri thức nào đó về việc thiết kế máy bay ngày nay, đó chỉ là vì người đi tiên phong nào đó, người đã không có tri thức này, đã dám thiết kế một máy bay và mang nó ra thử. Như vậy, nhà Không tưởng thậm chí có thể cho rằng: Phương pháp chỉnh thể luận mà anh ta chủ trương chẳng là gì khác mà là phương pháp thực nghiệm áp dụng cho xã hội. Vì anh ta, cũng như nhà lịch sử chủ nghĩa, cho rằng các thí nghiệm quy mô nhỏ, như một thí nghiệm trong chủ nghĩa xã hội thực hiện ở một nhà máy hay ở một làng hay thậm chí ở một quận huyện, sẽ là hoàn toàn không thuyết phục; “các thí nghiệm Robinson-Crusoe” biệt lập như vậy không nói cho chúng ta điều gì về đời sống xã hội hiện đại trong “Xã hội Vĩ đại”. Họ thậm chí xứng đáng cái tên nhạo “Không tưởng” - theo nghĩa (Marxist) trong đó, từ này hàm ý bỏ qua các xu hướng lịch sử. (Ẩn ý trong trường hợp này có thể là xu hướng tới một sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của đời sống xã hội bị bỏ qua).

Chúng ta thấy: Chủ nghĩa Không tưởng và chủ nghĩa lịch sử thống nhất trong quan điểm là một thí nghiệm xã hội (nếu có sự kiện như vậy) có thể có giá trị, chỉ nếu khi được tiến hành ở một quy mô chỉnh thể. Định kiến phổ biến rộng rãi này kéo theo niềm tin, cho rằng chúng ta hiếm khi ở vị thế để tiến hành “các thí nghiệm được kế hoạch hoá” trong lĩnh vực xã hội, và rằng, để giải thích các kết quả của “các thí nghiệm ngẫu nhiên” cho đến bây giờ đã được tiến hành trong lĩnh vực này, chúng ta phải quay về lịch sử. [1]

Tôi có hai lí do để phản đối quan điểm này: (a) rằng nó bỏ qua các thí nghiệm từng phần những cái là cơ bản cho mọi tri thức xã hội, tiền-khoa học cũng như khoa học; (b) rằng các thí nghiệm chỉnh thể chắc có lẽ không đóng góp nhiều cho tri thức thực nghiệm của chúng ta; và chúng có thể được gọi là các “thí nghiệm” chỉ theo nghĩa: Trong đó, từ này là đồng nghĩa với một hành động mà kết quả của nó là không chắc chắn, nhưng không phải theo nghĩa: Trong đó, từ này được dùng để chỉ một phương tiện thâu nhận tri thức, bằng cách so sánh các kết quả nhận được với các kết quả dự kiến.

Liên quan đến (a) có thể chỉ ra rằng: Quan niệm chỉnh thể về các thí nghiệm xã hội bỏ mặc không giải thích sự thực rằng: Chúng ta có rất nhiều tri thức thực nghiệm về đời sống xã hội. Có sự khác biệt giữa một một nhà doanh nghiệp, hay nhà tổ chức, hay chính trị gia, hay tướng có kinh nghiệm và người không có kinh nghiệm. Đó là một sự khác biệt về kinh nghiệm xã hội của họ; và về kinh nghiệm nhận được không chỉ qua quan sát, hay bằng suy ngẫm cái mà họ đã quan sát, mà bằng nỗ lực để đạt được mục tiêu thực tiễn nào đó. Phải thừa nhận rằng: Tri thức thu nhận được bằng cách này thường là loại tiền-khoa học, và vì thế, giống tri thức nhận được bằng sự quan sát ngẫu nhiên hơn là tri thức nhận được bằng các thí nghiệm khoa học được thiết kế cẩn thận; nhưng đây không phải là lí do để từ chối, rằng tri thức được nói đến dựa trên thí nghiệm hơn là chỉ trên quan sát. Một người bán tạp phẩm mở một cửa hiệu mới là tiến hành một thí nghiệm xã hội; và ngay cả một người đứng xếp hàng trước một nhà hát nhận được hiểu biết kĩ thuật thực nghiệm mà anh ta có thể sử dụng bằng cách đặt vé trước vào lần sau, đây lại là một thí nghiệm xã hội. Và chúng ta không được quên rằng: Chỉ các thí nghiệm thực tiễn đã dạy những người mua và những người bán bài học trên thị trường, rằng giá chắc sẽ giảm với tăng cung, và lên với tăng cầu.

Các thí dụ về các thí nghiệm từng phần trên một quy mô lớn hơn một chút có thể là quyết định của một nhà độc quyền để thay đổi giá sản phẩm của mình; việc một công ti bảo hiểm tư nhân hay công cộng đưa ra một loại bảo hiểm y tế hay bảo hiểm việc làm mới; hoặc việc đưa ra một loại thuế doanh thu mới, hay một chính sách để chiến đấu với các chu kì thương mại. Tất cả các thí nghiệm này đều được tiến hành với các mục đích thực tiễn hơn là khoa học. Ngoài ra, các thí nghiệm được một số hãng lớn hơn tiến hành, với mục đích có tính toán để tăng hiểu biết của họ về thị trường (tất nhiên, nhằm tăng lợi nhuận ở các giai đoạn sau) hơn là với mục đích tăng lợi nhuận của họ ngay lập tức. [2] Tình hình này rất giống tình trạng của kĩ sư vật lí và các phương pháp tiền-khoa học mà theo đó, hiểu biết kĩ thuật của chúng ta trong các vấn đề như xây dựng tàu thuỷ hay nghệ thuật hàng hải thâu nhận được đầu tiên. Dường như, chẳng có lí do vì sao các phương pháp này lại không được cải thiện, và cuối cùng, được thay thế bằng một công nghệ mang tính khoa học hơn; tức là, bởi một cách tiếp cận có hệ thống hơn theo cùng hướng, dựa trên tư duy phê phán cũng như trên thí nghiệm.

Theo quan điểm từng phần này, không có sự phân chia rạch ròi giữa các cách tiếp cận thí nghiệm tiền-khoa học và khoa học, dù là việc áp dụng có ý thức các phương pháp ngày càng khoa học hơn, tức là, các phương pháp phê phán là rất quan trọng. Cả hai cách tiếp cận có thể được diễn tả, về cơ bản, như việc sử dụng phương pháp thử và sai. Chúng ta thử, tức là, chúng ta không chỉ ghi chép một sự quan sát, mà là thực hiện các nỗ lực để giải quyết một số vấn đề ít nhiều thực tiễn và xác định. Và chúng ta tiến bộ nếu, và chỉ nếu, chúng ta sẵn sàng học từ sai lầm của mình: Nhận ra các sai lầm của chúng ta và sử dụng chúng một cách phê phán thay cho sự kiên trì với chúng một cách giáo điều. Mặc dù phân tích này có thể có vẻ tầm thường, nó mô tả, tôi tin, phương pháp của tất cả các môn khoa học thực nghiệm. Chúng ta sẵn sàng càng thoải mái hơn và có ý thức hơn để gánh chịu rủi ro của thử nghiệm, và càng phê phán hơn khi theo dõi các sai lầm mà chúng ta luôn mắc phải, thì phương pháp này càng mang tính khoa học hơn. Và công thức này bao phủ không chỉ phương pháp thí nghiệm, mà cả mối quan hệ giữa lí thuyết và thí nghiệm nữa. Mọi lí thuyết đều là sự thử nghiệm; chúng là các giả thuyết mang tính thăm dò, thử để xem chúng có hoạt động không; và mọi sự củng cố thực nghiệm đều đơn giản là kết quả của các kiểm nghiệm được tiến hành theo tinh thần phê phán, một nỗ lực để tìm ra các lí thuyết của chúng ta sai ở đâu. [3]

Đối với kĩ thuật viên hay kĩ sư cải biến từng phần, các quan điểm này có nghĩa, nếu anh ta muốn đưa các phương pháp khoa học vào việc nghiên cứu xã hội và vào hoạt động chính trị, rằng cái cần đến nhất là việc chấp nhận một thái độ phê phán, và sự thừa nhận rằng: Không chỉ thử mà cả sai cũng là cần thiết. Và anh ta phải học, không chỉ để chờ đợi các sai lầm, mà phải tìm ra chúng một cách có ý thức. Tất cả chúng ta đều có một điểm yếu phi khoa học là luôn nghĩ mình là đúng, và nhược điểm này hình như đặc biệt phổ biến giữa các chính trị gia chuyên nghiệp và nghiệp dư. Nhưng cách duy nhất để áp dụng điều gì đó giống phương pháp khoa học trong hoạt động chính trị là tiến lên với giả thiết: Không thể có nước đi chính trị nào lại không có những bất lợi, không có các hệ quả không mong muốn. Coi chừng các sai lầm này, tìm ra chúng, và đưa chúng ra công khai, phân tích chúng, và học từ chúng, đấy là điều một chính trị gia khoa học cũng như nhà khoa học chính trị phải làm. Phương pháp khoa học trong hoạt động chính trị có nghĩa: Nghệ thuật khéo léo về việc thuyết phục bản thân chúng ta rằng: Chúng ta đã chẳng phạm sai lầm nào khi bỏ qua chúng, khi che giấu chúng, và khi đổ lỗi cho người khác vì chúng, được thay thế bằng nghệ thuật tài ba về việc chấp nhận trách nhiệm vì chúng, để thử học từ chúng, và để áp dụng tri thức này sao cho chúng ta có thể tránh chúng trong tương lai.

Bây giờ, chúng ta quay sang điểm (b), phê phán quan điểm là chúng ta có thể học từ các thí nghiệm chỉnh thể, hay chính xác hơn, từ các biện pháp được thực hiện ở quy mô gần tới mơ ước chỉnh thể (vì các thí nghiệm chỉnh thể theo nghĩa triệt để cho rằng chúng tổ chức lại “toàn bộ xã hội” là không thể có được về mặt logic, như tôi đã chỉ ra ở mục trước). Điểm chủ yếu của chúng ta rất đơn giản: Khá khó để có khả năng tự phê phán các sai lầm riêng của mình, nhưng đối với chúng ta, chắc hẳn gần như không thể giữ một thái độ phê phán đối với các hành động của chúng ta, các hành động dính dáng đến cuộc sống của nhiều người. Nói cách khác, rất khó để học từ các sai lầm rất lớn.

Lí do của điều này gồm hai loại: Kĩ thuật cũng như đạo đức. Vì quá nhiều việc xảy ra đồng thời, nên không thể nói biện pháp cá biệt nào chịu trách nhiệm về bất kể kết quả nào; hay đúng hơn, nếu chúng ta quy một kết quả nào đó cho một biện pháp nào đấy, thì chúng ta có thể làm vậy, chỉ trên cơ sở của sự hiểu biết lí thuyết nào đó đã có từ trước, chứ không từ thí nghiệm chỉnh thể được nói đến. Thí nghiệm này không giúp chúng ta quy các kết quả cá biệt cho các biện pháp cá biệt; tất cả điều chúng ta có thể làm là quy “toàn bộ kết quả” cho nó; và điều này có thể có nghĩa bất kể là gì, chắc chắn rất khó để đánh giá. Ngay cả các nỗ lực lớn nhất để đảm bảo một tuyên bố có nhiều thông tin, độc lập, và phê phán về các kết quả này cũng không chắc thành công. Nhưng xác suất để cho các nỗ lực như vậy được tiến hành là nhỏ, có thể bỏ qua; ngược lại, rất có thể là sẽ không được thảo luận tự do về kế hoạch chỉnh thể và các hệ quả của nó. Lí do là mọi nỗ lực kế hoạch hoá ở quy mô rất lớn đều là một nhiệm vụ, nói nhẹ đi, chắc hẳn gây ra bất tiện đáng kể cho nhiều người, và trong một thời gian khá dài. Do đó, luôn luôn có một xu hướng phản đối kế hoạch, và than phiền về nó. Kĩ sư Không tưởng phải để ngoài tai nhiều trong số những phàn nàn này, nếu anh ta nói chung muốn đạt tới chỗ nào đó; thực ra, sẽ là một phần công việc của anh ta là đi chặn những sự phản đối phi lí. Nhưng cùng với chúng, anh ta chắc hẳn cũng chặn cả những phê phán hợp lí. Và đơn thuần sự thực là phải kiềm chế sự bày tỏ bất mãn, làm giảm ngay cả sự bày tỏ thoả mãn nhiệt tình nhất thành vô nghĩa. Như vậy, sẽ khó để tìm hiểu chắc chắn các sự thực, tức là hậu quả của kế hoạch lên mỗi công dân; và không có các sự thực này, phê phán mang tính khoa học là không thể có.

Nhưng kết hợp kế hoạch hoá chỉnh thể và các phương pháp khoa học còn gặp khó khăn cơ bản hơn so với những điều đã được biểu lộ ra, cho đến đây. Nhà kế hoạch chỉnh thể bỏ qua sự thực: Dễ tập trung quyền lực nhưng không thể tập trung tất cả tri thức nằm rải rác trong đầu của nhiều cá nhân, và sự tập trung hoá chúng là cần thiết cho việc nắm quyền lực tập trung một cách khôn khéo. [4] Nhưng sự thực này có các hệ quả sâu rộng. Không có khả năng biết chắc có cái gì trong đầu của rất nhiều cá nhân, anh ta hẳn phải cố đơn giản hoá các vấn đề của mình bằng cách loại bỏ những sự khác biệt riêng: Anh ta phải cố kiểm soát và rập khuôn các lợi ích và niềm tin bằng giáo dục và tuyên truyền. [5] Nhưng nỗ lực này để sử dụng quyền lực trên tinh thần phải phá huỷ khả năng cuối cùng của việc tìm ra điều người dân thực sự suy nghĩ, vì nó rõ ràng không tương hợp với sự biểu lộ tự do của tư duy, đặc biệt của tư duy phê phán. Cuối cùng, nó phải phá huỷ tri thức; và sự tăng thêm về quyền lực càng lớn bao nhiêu, thì sự mất mát tri thức càng nhiều bấy nhiêu. (Quyền lực chính trị và tri thức xã hội, như vậy có thể được phát hiện ra là “bù” cho nhau, dùng từ theo nghĩa của Bohr. Và thậm chí, hoá ra có thể là minh hoạ rõ duy nhất của thuật ngữ khó hiểu nhưng thời thượng này). [6]

Tất cả những nhận xét này hạn chế ở vấn đề phương pháp khoa học. Chúng ngầm thừa nhận giả thiết khổng lồ rằng: Chúng ta chẳng cần nghi ngờ lòng nhân từ cơ bản của kĩ sư Không tưởng kế hoạch hoá, người được ban cho quyền lực chí ít gần bằng quyền lực độc tài. Tawney kết thúc một thảo luận về Luther và thời đại của ông với các từ sau: “Thời đại của Machiavelli và Henry VIII, nghi ngờ về sự tồn tại của những con kì lân và kì giông, đã tìm thấy thức ăn cho tính cả tin của nó trong việc thờ phụng các con quái vật, Hoàng tử sùng bái Trời, hiếm có đó”. [7] Ở đây thay các từ “những con kì lân và kì giông” bằng “Hoàng tử sùng bái Trời”; thay hai tên bằng tên của những thứ tương ứng hiện đại hiển nhiên hơn của chúng, và thay “Hoàng tử sùng bái Trời” bằng “nhà chức trách kế hoạch hoá nhân từ”: Và chúng ta có một mô tả về tính cả tin của riêng thời đại chúng ta. Tính cả tin này sẽ không bị tấn công ở đây; nhưng có thể nhận xét rằng, giả thiết lòng nhân từ vô giới hạn và không thay đổi của các nhà kế hoạch hùng mạnh, phân tích của chúng ta vẫn chứng tỏ rằng có thể chẳng bao giờ họ biết được, liệu các kết quả của các biện pháp của họ có phù hợp với các ý định tốt lành của họ hay không.

Tôi không tin rằng có thể đưa ra bất kể phê phán tương ứng nào chống phương pháp từng phần. Phương pháp này có thể được dùng, cá biệt hơn, để tìm ra, và đấu tranh chống lại, các tai hoạ lớn nhất và khẩn cấp nhất của xã hội, hơn là để tìm ra, và đấu tranh cho, cái tốt cuối cùng nào đó (như các nhà chỉnh thể luận có thiên hướng làm). Nhưng một cuộc chiến có hệ thống chống lại những cái xấu xác định, chống lại các hình thức xác định của bất công hay bóc lột, và sự đau khổ có thể tránh được như đói nghèo hay thất nghiệp, là một việc rất khác với nỗ lực để thực hiện một bản thiết kế lí tưởng xa vời về xã hội. Thành công hay thất bại được đánh giá dễ hơn, và chẳng có lí do cố hữu vì sao phương pháp này lại dẫn đến sự tích tụ quyền lực, và đến đè nén phê phán. Hơn nữa, một cuộc đấu tranh như vậy chống lại những cái xấu xác định và các mối nguy hiểm cụ thể chắc có nhiều khả năng tìm được sự ủng hộ của đại đa số hơn là một cuộc chiến đấu cho sự thiết lập một điều Không tưởng, dù lí tưởng như có thể tỏ ra với các nhà kế hoạch. Điều này có lẽ có thể soi một ánh sáng nào đó lên sự thực, là trong các nước dân chủ tự bảo vệ chống lại sự xâm lược, có thể nhận được sự ủng hộ thích đáng cho các biện pháp sâu rộng cần thiết (chúng thậm chí có thể mang tính chất của kế hoạch hoá chỉnh thể) mà không cấm phê phán công khai, trong khi ở các nước chuẩn bị cho một cuộc tấn công hay tiến hành chiến tranh xâm lược, như một quy tắc, phê phán công khai phải bị cấm, nhằm huy động sự ủng hộ công khai bằng cách bày tỏ sự xâm lược như sự phòng thủ.

Bây giờ, chúng ta có thể quay lại đòi hỏi của nhà Không tưởng, cho rằng phương pháp của anh ta là phương pháp thí nghiệm thật sự áp dụng cho lĩnh vực xã hội học. Tôi nghĩ, phê phán của chúng ta đã xua tan đòi hỏi này. Điều này có thể được minh hoạ thêm bởi sự tương tự giữa kĩ thuật vật lí và kĩ thuật cải biến chỉnh thể. Có thể thừa nhận rằng: Các máy móc vật lí có thể được lập kế hoạch thành công theo các bản thiết kế, và với chúng, ngay cả toàn bộ một nhà máy để sản xuất ra chúng, v.v. Nhưng tất cả điều này là có thể chỉ vì nhiều thí nghiệm từng phần đã được tiến hành từ trước rồi. Mỗi chiếc máy là kết quả của rất nhiều cải tiến nhỏ. Mỗi model phải được “phát triển” bởi phương pháp thử và sai, bởi vô số điều chỉnh nhỏ. Cũng đúng thế với việc lập kế hoạch cho một nhà máy sản xuất. Kế hoạch dường như là chỉnh thể, có thể thành công chỉ vì chúng ta đã vấp phải mọi loại sai lầm nhỏ rồi; nếu khác đi, có mọi lí do là nó có thể dẫn đến các sai lầm lớn.

Như vậy, sự tương tự giữa kĩ thuật vật lí và kĩ thuật xã hội, nếu xét kĩ lưỡng hơn, quay ra chống kĩ sư chỉnh thể và ủng hộ kĩ sư cải biến xã hội từng phần. Thành ngữ “kĩ thuật xã hội - social engineering”, ám chỉ đến sự tương tự này, đã bị nhà Không tưởng chiếm đoạt, mà thật ra, ông ta không có một chút quyền hành nào.

Với điểm này, tôi kết thúc các nhận xét phê phán của mình về chủ nghĩa Không tưởng, và bây giờ, tập trung vào việc tấn công đồng minh của nó, chủ nghĩa lịch sử. Tôi tin là mình đã cho một câu trả lời đủ đối với luận điểm lịch sử chủ nghĩa liên quan đến các thí nghiệm xã hội, trừ lí lẽ cho rằng: Các thí nghiệm xã hội là vô dụng, vì việc lặp lại chúng dưới các điều kiện giống hệt là không thể thực hiện được. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét lí lẽ này.


Mục 25: Tính hay thay đổi của các điều kiện thí nghiệm

Nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng: Phương pháp thí nghiệm không thể áp dụng được cho các môn khoa học xã hội vì chúng ta không thể, trong lĩnh vực xã hội, tái tạo tuỳ ý một cách chính xác các điều kiện thí nghiệm giống nhau. Điều này đưa chúng ta đến gần tâm của lập trường lịch sử chủ nghĩa. Tôi thừa nhận, có thể có điều gì đó trong luận điểm này: Không nghi ngờ gì, ở đây có một số khác biệt giữa các phương pháp vật lí và xã hội học. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng: Luận điểm lịch sử chủ nghĩa dựa trên một sự hiểu lầm thô thiển về các phương pháp thí nghiệm của vật lí học.

Đầu tiên, hãy xem xét các phương pháp này. Mọi nhà vật lí thực nghiệm đều biết: Những thứ rất không giống nhau có thể xảy ra dưới cái dường như là các điều kiện hoàn toàn giống nhau. Thoạt nhìn, hai dây điện có thể trông giống hệt nhau, nhưng nếu một dây được đổi cho dây kia trong một cái máy điện, sự khác biệt nảy sinh có thể là rất lớn. Xem xét kĩ lưỡng hơn (thí dụ, qua một kính hiển vi), chúng ta có thể thấy: Chúng không giống nhau như thoạt đầu chúng có vẻ. Nhưng thường thật rất khó để tìm ra một sự khác biệt về điều kiện của hai thí nghiệm dẫn đến các kết quả khác nhau. Nghiên cứu lâu dài về thực nghiệm cũng như về lí thuyết, có thể là cần thiết, nhằm tìm ra tính giống nhau nào là quan trọng, và mức độ giống nhau nào là đủ. Việc nghiên cứu này có thể phải được tiến hành trước khi chúng ta có khả năng đảm bảo các điều kiện giống nhau cho các thí nghiệm của mình, và trước khi chúng ta thậm chí biết “các điều kiện giống nhau” trong trường hợp này nghĩa là gì. Thế mà, phương pháp thực nghiệm được áp dụng luôn luôn.

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng: Câu hỏi về điều gì được coi là “các điều kiện giống nhau” phụ thuộc vào loại thí nghiệm, và có thể được trả lời chỉ bằng việc sử dụng các thí nghiệm. Quyết định a priori [trước] về bất kể sự khác biệt hay sự giống nhau được quan sát, dẫu cho chúng nổi bật đến đâu, liệu chúng có quan trọng hay không cho mục đích tái lập một thí nghiệm, là việc không thể làm được. Cho nên, chúng ta phải để phương pháp thí nghiệm tự lo lấy cho mình. Những cân nhắc tương tự cũng hoàn toàn đúng cho vấn đề được tranh luận nhiều về cách li nhân tạo các thí nghiệm khỏi các tác động quấy rầy. Rõ ràng, chúng ta không thể cách li một thiết bị chống lại mọi tác động; thí dụ, chúng ta không thể biết a priori liệu ảnh hưởng của vị trí của các hành tinh hay của mặt trăng lên một thí nghiệm vật lí là đáng kể hay có thể bỏ qua. Loại cách li nhân tạo nào, nếu có, là cần thiết, chúng ta có thể học chỉ từ kết quả của các thí nghiệm, hay từ các lí thuyết mà, đến lượt chúng, lại được kiểm chứng bằng các thí nghiệm.

Dưới ánh sáng của những cân nhắc như vậy, lí lẽ lịch sử chủ nghĩa cho rằng: Ðúng là tai hoạ khi các thí nghiệm xã hội bị cản trở bởi tính hay thay đổi của các điều kiện xã hội, và đặc biệt bởi những thay đổi do sự phát triển lịch sử, đã làm mất hiệu lực của các thí nghiệm xã hội. Những khác biệt nổi bật, mà nhà lịch sử chủ nghĩa bận tâm với chúng nhiều đến vậy, tức là, những khác biệt giữa các điều kiện thịnh hành trong các thời kì lịch sử khác nhau, không nhất thiết gây ra bất kể khó khăn khác thường nào cho khoa học xã hội. Có thể thú nhận rằng: Nếu giả như chúng ta đột nhiên được chuyển vào một thời kì lịch sử khác, có lẽ chúng ta thấy rằng, nhiều kì vọng xã hội của chúng ta, được hình thành trên cơ sở các thí nghiệm từng phần được thực hiện trong xã hội của chúng ta, gây thất vọng. Nói cách khác, các thí nghiệm có thể dẫn đến những kết quả không lường trước được. Nhưng chính các thí nghiệm dẫn chúng ta đến việc khám phá ra sự thay đổi về các điều kiện xã hội; các thí nghiệm dạy chúng ta rằng: Các điều kiện xã hội nào đó thay đổi với thời kì lịch sử; hệt như các thí nghiệm đã dạy nhà vật lí rằng: Nhiệt độ sôi của nước có thể thay đổi theo vị trí địa lí. [8] Nói cách khác, thuyết về sự khác biệt giữa các thời kì lịch sử, còn xa mới làm cho các thí nghiệm xã hội là không thể, nó đơn thuần chỉ là sự phát biểu của giả thiết cho rằng: Nếu chuyển sang một thời kì khác, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các thí nghiệm từng phần của mình, nhưng phải tính đến các kết quả gây ngạc nhiên hay thất vọng. Thực ra, nếu chúng ta biết mọi thứ về các thái độ trong các thời kì lịch sử khác nhau, thì chính từ các thí nghiệm được thực hiện trong trí tưởng tượng của chúng ta. Các nhà sử học có thể gặp khó khăn về cách diễn giải các ghi chép nào đó, hoặc họ phát hiện ra các sự thực, chứng tỏ rằng một vài tiền bối của họ đã diễn giải sai bằng chứng lịch sử nào đó. Những khó khăn này về diễn giải lịch sử là bằng chứng duy nhất của chúng ta về loại biến đổi lịch sử mà nhà lịch sử chủ nghĩa nghĩ đến; nhưng chúng chẳng là gì mà là sự khác nhau giữa các kết quả kì vọng và thực tế của các thí nghiệm tưởng tượng [trong tư duy] của chúng ta. Những ngạc nhiên và thất vọng này là những sự kiện, bằng phương pháp thử và sai, đã dẫn đến những cải thiện về khả năng của chúng ta để diễn giải các điều kiện xã hội lạ thường. Và điều mà chúng ta đạt được bằng thí nghiệm tưởng tượng trong trường hợp diễn giải lịch sử, là điều các nhà nhân loại học đạt được trong công việc thực tiễn trên thực địa. Các nhà khảo sát hiện đại, những người đã thành công trong việc điều chỉnh các kì vọng của mình với các điều kiện có lẽ không kém xa lạ so với điều kiện của Thời Đồ Đá, có thành công là cũng nhờ các thí nghiệm từng phần.

Một số nhà lịch sử chủ nghĩa nghi ngờ khả năng của những điều chỉnh thành công như vậy; và thậm chí, họ bảo vệ thuyết của mình về tính vô dụng của các thí nghiệm xã hội bằng lí luận: Nếu được dịch chuyển vào các thời kì lịch sử xa xôi, quá nhiều thử nghiệm xã hội của chúng ta dẫn đến thất vọng. Họ khẳng định rằng: Chúng ta không có khả năng để điều chỉnh các tập quán tư duy của mình, và đặc biệt các tập quán của mình về việc phân tích các sự kiện xã hội, theo các điều kiện gây hoang mang này. Những nỗi sợ hãi như vậy, đối với tôi, có vẻ là một phần của chứng cuồng loạn lịch sử chủ nghĩa - nỗi ám ảnh về tầm quan trọng của biến đổi lịch sử; nhưng tôi phải thú nhận là khó để xua tan các nỗi sợ hãi đó trên cơ sở a priori. Rốt cuộc, khả năng để điều chỉnh mình với môi trường mới, thay đổi từ người này sang người khác, và dường như chẳng có lí do vì sao chúng ta lại chờ đợi điều này ở một nhà lịch sử chủ nghĩa (người có các quan điểm chủ bại như vậy): rằng đầu óc anh ta sẽ có khả năng thích nghi một cách thành công với các thay đổi của môi trường xã hội. Hơn nữa, vấn đề còn phụ thuộc vào tính chất của môi trường mới. Khả năng để một nhà nghiên cứu xã hội có thể thấy mình bị ăn thịt trước khi anh ta thành công trong việc thích nghi bản thân, bằng thử và sai, với các tập quán ăn thịt người, không thể bị loại trừ nhiều hơn khả năng: Trong một xã hội “kế hoạch” nào đó, nghiên cứu của anh ta có thể kết thúc trong một trại tập trung. Các nhận xét tương tự, tuy vậy, cũng đúng trong lĩnh vực vật lí học. Trên thế giới, có nhiều nơi mà các điều kiện vật chất thịnh hành ít cho nhà vật lí có cơ hội sống sót, hoặc có cơ hội điều chỉnh mình theo các điều kiện này bằng thử và sai.

Tóm lại, dường như không có cơ sở nào có vẻ hợp lí hơn khẳng định lịch sử chủ nghĩa sau đây: Tính hay thay đổi của các điều kiện lịch sử làm cho phương pháp thực nghiệm không thể sử dụng được cho các vấn đề của xã hội, hoặc cho khẳng định, ở điểm này, rằng nghiên cứu xã hội là về cơ bản khác nghiên cứu tự nhiên. Là chuyện hoàn toàn khác, nếu chúng ta thừa nhận, trong thực tiễn, rằng thường rất khó cho nhà khoa học xã hội để chọn và thay đổi tuỳ ý các điều kiện thí nghiệm của mình. Nhà vật lí ở vị trí tốt hơn, mặc dù đôi khi anh ta cũng đối mặt với các khó khăn tương tự. Như khả năng thực hiện các thí nghiệm trong các trường hấp dẫn biến đổi, hay dưới các điều kiện nhiệt độ cực đoan, là rất hạn chế. Nhưng chúng ta không được quên rằng, nhiều khả năng mở ra cho nhà vật lí ngày nay đã là không thực tiễn trước đây không lâu, không phải vì những khó khăn vật lí mà vì khó khăn xã hội, tức là: Vì chúng ta đã không sẵn sàng chịu rủi ro chi tiền cần thiết cho nghiên cứu. Tuy vậy, sự thực rằng nhiều khảo sát vật lí bây giờ có thể được tiến hành dưới các điều kiện thực nghiệm đáng khen, trong khi nhà khoa học xã hội lại ở vị thế rất khác. Nhiều thí nghiệm rất đáng mong mỏi sẽ vẫn chỉ là các ước mơ cho thời gian dài trước mắt, bất chấp việc chúng không mang tính Không tưởng mà mang tính từng phần. Trong thực tiễn, anh ta thường phải dựa quá nhiều vào các thí nghiệm thực hiện trong óc, và vào việc phân tích các biện pháp chính trị được thực hiện dưới các điều kiện, và theo một cách, rất đáng chê trách khi nhìn từ quan điểm khoa học.


Mục 26: Khái quát hoá bị hạn chế ở các thời kỳ?

Thực ra, tôi đã thảo luận vấn đề về các thí nghiệm xã hội trước thảo luận nói chung vấn đề về các quy luật, hay lí thuyết, hay giả thuyết, hay “khái quát hoá” xã hội học, không có nghĩa là tôi nghĩ rằng các quan sát và thí nghiệm theo cách này hay cách khác đứng ưu tiên về mặt logic hơn các lí thuyết. Ngược lại, tôi tin rằng: Các lí thuyết là đi trước đối với các quan sát và thí nghiệm, theo nghĩa những cái sau là quan trọng chỉ trong quan hệ tới các vấn đề lí thuyết. Hơn nữa, chúng ta phải có câu hỏi trước khi chúng ta có thể hi vọng rằng quan sát hay thí nghiệm, có thể bằng cách nào đó, giúp chúng ta đưa ra một câu trả lời. Hoặc diễn đạt theo phương pháp thử và sai, thử phải đi trước sai; và như chúng ta đã thấy (ở mục 24), lí thuyết hay giả thuyết luôn mang tính thăm dò và là một phần của thử, trong khi quan sát và thí nghiệm giúp chúng ta gạt bỏ các lí thuyết bằng cách chứng tỏ rằng chúng sai. Vì vậy, tôi không tin vào “phương pháp khái quát hoá”, tức là, vào quan điểm cho rằng: Khoa học bắt đầu với những quan sát, từ đó nó dẫn ra các lí thuyết bằng quá trình khái quát hoá hay quy nạp nào đó. Đúng hơn, tôi tin rằng chức năng của quan sát và thí nghiệm là khiêm tốn hơn để giúp chúng ta kiểm tra các lí thuyết của mình và loại bỏ các lí thuyết không qua được kiểm chứng; cho dù phải thừa nhận rằng quá trình gạt bỏ này không chỉ kiểm tra suy đoán lí thuyết, mà cũng kích thích nó thử lại nữa - và thường lại sai, và lại bị bác, bằng những quan sát và thí nghiệm mới.

Trong mục này, tôi sẽ phê phán luận điểm lịch sử chủ nghĩa (xem mục 1) cho rằng: Trong các môn khoa học xã hội, tính hợp lệ của mọi khái quát hoá, hay chí ít của các khái quát hoá quan trọng nhất, bị giới hạn ở thời kì lịch sử cụ thể, trong đó những quan sát liên quan được thực hiện. Tôi sẽ phê phán luận điểm này mà không đi thảo luận trước vấn đề: liệu cái gọi là “phương pháp khái quát hoá” có bảo vệ được hay không, bất chấp niềm tin chắc chắn của tôi là: Không; vì tôi nghĩ rằng, luận điểm lịch sử chủ nghĩa có thể bị bác mà không cần chứng tỏ rằng phương pháp này là không có hiệu lực. Việc thảo luận các quan điểm của tôi về phương pháp này, và về các quan hệ giữa lí thuyết và thí nghiệm nói chung, vì vậy, có thể được hoãn lại. Nó sẽ được đề cập lại ở mục 28.

Tôi bắt đầu phê phán của mình về luận điểm lịch sử chủ nghĩa với thú nhận: Hầu hết người dân sống trong một thời kì lịch sử nào đó sẽ có thiên hướng tới niềm tin sai, rằng những sự đều đặn mà họ quan sát thấy quanh mình là các quy luật phổ quát của đời sống xã hội, đúng với mọi xã hội. Thật vậy, đôi khi chúng ta chỉ nhận ra rằng: Bản thân chúng ta nâng niu các niềm tin như vậy khi, ở một nước khác, chúng ta thấy rằng các tập quán về ăn uống, về xưng hô, v.v. của chúng ta chẳng được chấp nhận như chúng ta giả thiết một cách ấu trĩ. Suy ra khá hiển nhiên là nhiều trong số các khái quát hoá khác của chúng ta, bất luận có ý thức hay không, có thể thuộc cùng loại, mặc dù chúng vẫn không bị thách thức vì chúng ta không thể du hành vào một thời kì lịch sử khác. (Kết luận này được, thí dụ, Hesiod [9] rút ra). Nói cách khác, phải thú nhận rằng: Có thể có nhiều sự đều đặn trong đời sống xã hội của chúng ta chỉ đặc trưng cho thời kì riêng của chúng ta, và chúng ta có thiên hướng coi nhẹ hay bỏ qua hạn chế này. Đến mức (đặc biệt trong thời kì biến động xã hội nhanh) chúng ta có thể biết được, với nỗi đau buồn, rằng chúng ta đã dựa vào các quy luật đã mất hiệu lực. [10]

Nếu các luận điểm lịch sử chủ nghĩa chỉ dừng lại ở đây, thì chúng ta chỉ có thể lên án anh ta làm mất thời gian vì một điểm khá tầm thường. Nhưng đáng tiếc, anh ta khẳng định nhiều hơn. Anh ta khăng khăng cho rằng tình hình tạo ra những khó khăn không xuất hiện đối với các môn khoa học tự nhiên, còn trong các môn khoa học xã hội, chúng ta chẳng bao giờ được giả thiết rằng: Chúng ta đã khám phá ra một quy luật phổ quát thật sự, vì chúng ta chẳng bao giờ biết liệu nó có luôn đúng trong quá khứ hay không (vì các ghi chép của chúng ta có thể không đủ) hoặc có đúng trong tương lai hay không.

Chống lại những đòi hỏi như vậy, tôi không chấp nhận rằng, tình hình được mô tả theo cách nào đó là riêng cho các môn khoa học xã hội, hoặc nó gây ra bất kỳ một khó khăn riêng nào. Ngược lại, hiển nhiên là một sự thay đổi về môi trường vật lí của chúng ta có thể làm nảy sinh các kinh nghiệm khá giống những kinh nghiệm nảy sinh từ một sự thay đổi về môi trường xã hội hay lịch sử của chúng ta. Liệu có sự đều đặn hiển nhiên nào hơn, và ai cũng biết, là sự kế tiếp nhau của ngày và đêm? Thế mà nó sụp đổ khi ta bước qua vòng cực. Có lẽ rất khó để so sánh các kinh nghiệm vật lí với kinh nghiệm xã hội, nhưng tôi nghĩ rằng: Một sự tan vỡ như vậy có thể đúng là gây ngạc nhiên như bất kể sự tương tự nào xảy ra trong lĩnh vực xã hội. Lấy một thí dụ khác, các môi trường lịch sử hay xã hội của xứ Crete năm 1990 và của Crete ba ngàn năm trước khó có thể nói là khác nhiều hơn các môi trường địa chất hay vật lí của Crete và của Greenland [Băng đảo]. Một sự di chuyển đột ngột không được chuẩn bị từ một môi trường vật lí này sang môi trường khác, tôi nghĩ, có thể có nhiều khả năng tạo ra các kết quả tai hại hơn là một sự thay đổi tương ứng về môi trường xã hội.

Ðối với tôi, dường như rõ: Nhà lịch sử chủ nghĩa đánh giá quá cao tầm quan trọng của những khác biệt hơi dễ thấy giữa các thời kì lịch sử khác nhau, và anh ta đánh giá thấp các khả năng của tài khéo léo khoa học. Đúng là các quy luật do Kepler khám phá ra chỉ có hiệu lực đối với các hệ thống hành tinh, nhưng hiệu lực của nó không giới hạn ở hệ thống Mặt trời nơi ông đã sống và hệ thống được ông quan sát. [11] Newton đã không phải lui về một xó của vũ trụ, nơi ông có thể quan sát các vật thể chuyển động mà không bị ảnh hưởng của các lực hấp dẫn và các lực khác để thấy tầm quan trọng của quy luật quán tính. Mặt khác, quy luật này, cho dù chẳng vật nào trong hệ thống này chuyển động phù hợp với nó, không mất tầm quan trọng của nó trong hệ thống Mặt trời. Tương tự, dường như chẳng có lí do vì sao chúng ta lại không có khả năng tạo ra các lí thuyết xã hội học, những lí thuyết có tầm quan trọng cho mọi giai đoạn xã hội. Những sự khác biệt ngoạn mục giữa các giai đoạn này hoàn toàn không phải là dấu hiệu cho rằng các quy luật như vậy là không thể tìm thấy, chẳng hơn những sự khác biệt ngoạn mục giữa Crete và Greenland, có thể chứng tỏ rằng: Không có quy luật vật lí nào đúng cho cả hai khu vực. Ngược lại, những sự khác biệt này dường như, chí ít trong một vài trường hợp, có tính tương đối hời hợt (như những khác biệt về tập quán, xưng hô, nghi lễ, v.v.), và ít nhiều cũng đúng thế với những sự đều đặn được cho là đặc trưng của một thời kì lịch sử nào đó hay của một xã hội nào đó (và bây giờ chúng được một số nhà xã hội học gọi là principia media). [12]

Đối với điểm này, nhà lịch sử chủ nghĩa có thể trả lời: Những sự khác biệt về môi trường xã hội là cơ bản hơn các sự khác biệt về môi trường vật lí; vì nếu xã hội thay đổi, thì con người cũng thay đổi; và điều này hàm ý: Một sự thay đổi về mọi sự đều đặn, vì mọi sự đều đặn xã hội đều phụ thuộc vào bản chất con người, vào nguyên tử của xã hội. Trả lời của chúng ta là các nguyên tử vật lí cũng thay đổi với môi trường của chúng (thí dụ, dưới tác động của các trường điện-từ, v.v.), không phải bất chấp các quy luật vật lí, mà phù hợp với các quy luật này. Vả lại, tầm quan trọng của các thay đổi được vin vào của bản chất con người là đáng ngờ, và rất khó đánh giá.

Bây giờ chúng ta chuyển sang luận điểm lịch sử chủ nghĩa: Trong các môn khoa học xã hội, chúng ta chẳng bao giờ được giả thiết rằng: Chúng ta đã khám phá ra quy luật phổ quát thật sự vì chúng ta không thể chắc chắn, liệu tính hiệu lực của nó có mở rộng ra quá các thời kì, trong đó, chúng ta quan sát thấy là nó đúng hay không. Điều này có thể được thừa nhận, nhưng chỉ trong chừng mực là nó cũng áp dụng cho các môn khoa học tự nhiên nữa. Trong các môn khoa học tự nhiên, rõ ràng, chúng ta chẳng bao giờ hoàn toàn chắc chắn: Liệu các quy luật của chúng ta là có hiệu lực phổ quát thực sự hay không, hoặc liệu chúng chỉ đúng trong một thời kì nào đó (có lẽ chỉ trong thời kì nở của vũ trụ) hoặc chỉ ở các vùng nào đó (có lẽ trong một vùng có trường hấp dẫn tương đối yếu) hay không. Bất chấp tính không thể đảm bảo chắc tính hiệu lực phổ quát của chúng, chúng ta không chua thêm trong việc trình bày các quy luật tự nhiên một điều kiện, nói rằng: Chúng được khẳng định chỉ cho thời kì mà chúng được quan sát là đúng, hoặc có lẽ chỉ trong phạm vi “thời kì vũ trụ học hiện thời”. Chẳng phải là dấu hiệu của sự thận trọng khoa học đáng khen ngợi, nếu giả như chúng ta chua thêm một điều kiện như vậy, mà chỉ là dấu hiệu cho biết chúng ta không hiểu thủ tục khoa học. [13] Vì có một định đề quan trọng của phương pháp khoa học: Chúng ta phải tìm kiếm các quy luật với một phạm vi hiệu lực vô hạn. [14] Nếu giả như chúng ta thừa nhận các quy luật mà bản thân chúng bị thay đổi, thì sự thay đổi chẳng bao giờ có thể được giải thích bằng các quy luật. Đó sẽ là sự thừa nhận rằng: Thay đổi đơn giản là huyền diệu. Và đó sẽ là kết thúc của tiến bộ khoa học; vì nếu chúng ta thực hiện các quan sát không được mong đợi, không cần phải xem xét lại các lí thuyết của chúng ta: Giả thuyết ad hoc rằng các quy luật đã thay đổi sẽ “giải thích” mọi thứ.

Các lí lẽ này đúng cho các môn khoa học xã hội không kém gì so với các môn khoa học tự nhiên.

Với điểm này, tôi kết thúc sự phê phán của mình về các thuyết quan trọng hơn của các thuyết phản tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử. Tiếp sau đây, trước khi tiếp tục thảo luận một số thuyết ít cơ bản hơn, tôi sẽ quay sang một thuyết của các học thuyết theo tự nhiên, cụ thể là thuyết cho rằng, chúng ta phải tìm kiếm các quy luật của sự phát triển lịch sử.

© 2004 talawas



[1]Đây cũng là quan điểm của Mill, khi ông nói về các thí nghiệm xã hội: “Chúng ta rõ ràng chẳng bao giờ có năng lực thử bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ có thể theo dõi những cái mà tự nhiên tạo ra,…những sự tiếp diễn của các hiện tượng được ghi trong lịch sử…” (Xem Logic, Book VI, ch. VII, mục 2).
[2]Sidney và Beatrice Webb, Methods of Social Study (1932), các tr. 221 ff., cho các thí dụ tương tự về các thí nghiệm xã hội. Tuy vậy, họ không phân biệt giữa hai loại thí nghiệm được gọi là “từng phần” và “chỉnh thể”, mặc dù sự phê phán của họ về phương pháp thí nghiệm (xem tr. 226, “sự trộn lẫn các tác động”) là đặc biệt thuyết phục như một phê phán các thí nghiệm chỉnh thể (mà dường như họ ngưỡng mộ). Vả lại, phê phán của họ lại kết hợp với “lí lẽ về tính hay biến đổi” mà tôi coi là không hợp lệ; xem mục 25 dưới đây.
[3]Một phân tích đầy đủ hơn về các phương pháp của vật lí học hiện đại theo đường hướng được phác hoạ ở đây có thể thấy trong cuốn Logic of Scientific Discovery của tôi; xem cả “What is Dialectic?” Mind, vol. 49, các tr. 403 ff. Xem cả, thí dụ, Tinbergen, Statistical Testing of Business Cycle Theories, vol. II, tr. 21: “Xây dựng một mô hình … là… vấn đề về thử và sai”, v.v.
[4]Nhận xét rằng không thể có tri thức cần cho kế hoạch hoá “tập trung vào bất kể một cái đầu duy nhất nào” là của Hayek; xem Collectivist Economic Planning, tr. 210. (Xem cả chú thích 18 ở trên).
[5]Một trong các điểm mấu chốt của lí thuyết chính trị của Spinoza là tính không thể biết và không thể kiểm soát cái mà người khác nghĩ. Ông định nghĩa “sự chuyên chế” như mưu toan để đạt cái không thể làm được, và để hành sử quyền lực ở nơi nó không thể dùng được. Phải nhớ rằng, Spinoza đã không chính xác là một người theo tư tưởng tự do; ông không tin vào sự kiểm soát chế định của quyền lực, mà nghĩ rằng: Một hoàng tử có quyền hành sử quyền lực của mình tới giới hạn thực tế của nó. Thế mà cái Spinoza gọi là “chuyên chế”, và tuyên bố là nó mâu thuẫn với lí trí, lại được các nhà kế hoạch hoá chỉnh thể coi một cách ngây thơ như một vấn đề “khoa học”, “vấn đề biến đổi con người”.
[6]Niels Bohr gọi hai cách tiếp cận là “bù nhau” nếu chúng là (a) bù cho nhau theo nghĩa thông thường và (b) nếu chúng loại trừ lẫn nhau theo nghĩa: Chúng ta càng sử dụng một thứ nhiều bao nhiêu thì chúng ta có thể sử dụng thứ kia ít bấy nhiêu. Mặc dù trong văn bản, tôi nhắc chủ yếu đến tri thức xã hội, có thể cho rằng sự tích tụ (và tập trung) quyền lực chính trị là “bù” cho tiến bộ về tri thức khoa học nói chung. Vì sự tiến bộ khoa học phụ thuộc vào sự cạnh tranh tự do của tư duy, do đó, vào quyền tự do tư duy, và vì vậy, cuối cùng, vào quyền tự do chính trị.
[7]R. H. Tawney, Religion and The Rise of Capitalism, ch. II, cuối mục ii.
[8]Trong cả hai trường hợp - các thời kì lịch sử và vị trí địa lí - chúng ta có thể thấy, dùng các lí thuyết được kiểm chứng bằng các thí nghiệm, rằng bất kể dẫn chiếu nào đến các vị trí không gian hay thời gian đều có thể được thay thế bằng sự mô tả chung nào đó về các điều kiện quan trọng thịnh hành nhất định, như tình trạng giáo dục, hay độ cao.
[9]Cũng kết luận này là cơ sở của cái gọi là “xã hội học tri thức” được phê phán ở đây, ở các trang 143f., và ở chương 23 của cuốn Open Society của tôi.
[10]K. Mannheim, Man and Society, tr. 178, viết về “người dân thường quan sát thế giới xã hội một cách sáng dạ”, rằng “trong các thời kì tĩnh, trong mọi trường hợp, anh ta không có khả năng phân biệt giữa một quy luật xã hội chung trừu tượng và các nguyên lí riêng chỉ có trong một thời đại nào đó, vì trong các thời kì biến động chỉ chút ít thì sự khác biệt giữa hai loại này là không rõ ràng đối với người quan sát”. Mannheim gọi các nguyên lí riêng này, những cái chỉ thịnh hành trong một thời đại nào đấy, là “principia media” [các nguyên lí môi trường]; xem chú thích 60 dưới đây. Đối với tình hình “trong một thời kì, nơi cấu trúc xã hội liên tục thay đổi”, xem Mannheim, op. Cit., tr. 179f.
[11]Các qui luật Kepler được Mill chọn như các thí dụ về cái ông gọi, theo Bacon, là “axiomata media” [các tiên đề môi trường], vì lí do là chúng không là các qui luật chung về chuyển động mà chỉ là các qui luật (gần đúng) về chuyển động hành tinh: Xem Logic, Book, VI, ch. V, mục 5. Axioma media tương tự của một khoa học xã hội có thể là các qui luật đúng cho mọi “hệ thống xã hội” thuộc một loại nào đó, hơn là những sự đều đặn ngẫu nhiên hơn của một thời kì lịch sử cho trước. Cái sau có thể được so sánh, không phải với các qui luật Kepler, mà, thí dụ, với những sự đều đặn trong trật tự của các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta.
[12]K. Mannheim, op. Cit., tr. 177, đưa ra từ “principia media” với dẫn chiếu đến Mill (người nói về axioma media; xem chú thích trước) để biểu thị cái tôi gọi là “những khái quát hoá giới hạn ở thời kì lịch sử cụ thể, trong đó, những quan sát liên quan được thực hiện”; xem, thí dụ, đoạn văn sau của ông (op. Cit., tr. 178; so sánh với chú thích 58 trên đây): “Người dân thường quan sát thế giới xã hội một cách sáng dạ, hiểu các sự kiện trước hết bằng vô tình dùng principia media như vậy”, cái là “… các nguyên lí riêng thông dụng chỉ trong một thời đại nào đó”. (Mannheim, loc. Cit.[ở chỗ đã dẫn], định nghĩa principia media của mình bằng cách nói rằng: Chúng là, “trong phân tích cuối cùng, các lực phổ quát trong một sự sắp xếp cụ thể như chúng được tích hợp từ các nhân tố hoạt động khác nhau, ở một chỗ cho trước, tại một thời điểm cho trước - một sự kết hợp cá biệt của những hoàn cảnh có thể chẳng bao giờ lặp lại”). Mannheim tuyên bố rằng ông ta không theo “chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa Hegel, và chủ nghĩa Marx” trong thất bại của chúng để “tính đến các nhân tố phổ quát” (op. cit., tr. 177 f.). Do đó, lập trường của ông ta là nhấn mạnh tầm quan trọng của các khái quát hoá được giới hạn ở các thời kì lịch sử cụ thể hay riêng biệt, trong khi thú nhận rằng: Chúng ta có thể xuất phát từ chúng, bằng một “phương pháp trừu tượng”, đến “các nguyên lí chung chứa đựng trong chúng”. (Chống lại quan điểm này, tôi không tin rằng các lí thuyết tổng quát hơn có thể nhận được bằng việc trừu tượng hoá từ những sự đều đặn đó của các tập quán, các thủ tục pháp lí, v.v., những cái, theo các thí dụ do Mannheim đưa ra ở các trang 179 ff., tạo thành principia media của ông).
[13]Thường được gợi ý rằng, thay cho cố gắng một cách vô ích để theo tấm gương của vật lí học trong xã hội học, và để tìm các qui luật xã hội học phổ quát, sẽ tốt hơn khi đi theo tấm gương của một xã hội học lịch sử chủ nghĩa trong vật lí học, tức là hoạt động với các qui luật được giới hạn ở các thời kì lịch sử. Các nhà lịch sử chủ nghĩa, những người khắc khoải nhấn mạnh tính thống nhất của vật lí học và xã hội học, đặc biệt thiên về suy nghĩ theo cách này. Xem Neurath, Erkenntnis, vol. VI, tr. 399.
[14]Cũng định đề này trong vật lí học dẫn đến, thí dụ, đòi hỏi rằng sự dịch chuyển do quan sát được ở các đám tinh vân xa xôi phải được giải thích; vì nếu không có định đề này, thì sẽ hoàn toàn là đủ để giả thiết rằng: Các qui luật về tần số nguyên tử thay đổi với các vùng khác nhau của vũ trụ, hay với thời gian. Và cũng chính định đề đó đã dẫn lí thuyết tương đối đến việc phát biểu các định luật chuyển động, như định luật cộng tốc độ, v.v., giống nhau cho các tốc độ cao và thấp (hoặc cho các trường hấp dẫn mạnh và yếu), và không thoả mãn với các giả thiết ad hoc cho các lĩnh vực khác nhau về tốc độ (hay về hấp dẫn). Về một thảo luận về “Tính bất biến của các Qui luật Tự nhiên”, và sự phản đối của nó đối với “Tính đồng đều của Tự nhiên”, xem Logic of Scientific Discovery của tôi, mục 79.