trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
25.10.2008
Nguyễn Đăng Thuờng
Vài điều về tranh luận “hậu hiện đại” và đạo đức trong nghiên cứu học thuật
Tặng Ku Anh
 
1.

Eric Frischl, Bad Boy, 1981

Đối với nghệ thuật và lịch sử, chủ nghĩa hậu hiện đại muốn từ bỏ hẳn con đường “độc sáng” của nghệ thuật hiện đại và lối đi đại tự sự “độc tài” của sử luận khi hướng đến tương lai. Thế nhưng, như vậy không có nghĩa là chủ nghĩa hậu hiện đại muốn quay về quá khứ. Nếu đôi lúc nó có những “biến chứng”, nếu sử dụng lại cái cũ như hiện thực cổ điển (classic realism), thì chỉ là bình cũ để đựng rượu mới, chứ không phải là để dùng phi thuyền con thoi chạy ngược lại mấy thế kỷ trước mà sống. [Xem bài tham luận của Trịnh Lữ.] "Mới" cần được hiểu theo nghĩa "ly khai với mục đích nghiêm chỉnh ban đầu của hiện thực cổ điển vì nội dung thường hay giễu nhại, kitsch, sex, hay siêu thực".

2.

David Salle, Sideways Moon, 2002

Sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại là cốt để đặt lại các vấn đề và tạo ra một cái/cách nhìn mới. Nếu đem sự hoài nghi ấy để hoài nghi lại giá trị của chủ nghĩa hậu hiện đại thì ta sẽ bị mắc vào cái vòng luẩn quẩn hay bị rơi vào ngõ cụt. Nói cách khác, chủ nghĩa hậu hiện đại không thể là con rắn tự cắn đuôi. Sự hoài nghi của chủ nghĩa hậu hiện đại lại càng không nên hiểu là “muốn nói sao cũng được” một cách thô thiển. [Xem ý kiến của Nguyễn Mai Sơn.]

3.

Shualy, Nude

Xin đừng lẫn lộn sự có mặt của “hậu hiện đại” (như một phạm trù khái niệm) có thể tìm thấy ở khắp nơi nếu người ta tuỳ tiện gán ép cho nó đi ngược thời gian đến tận... Homer - qua câu nói đùa của Umberto Eco, để chế giễu những kẻ không hiểu “hậu hiện đại” mà thích diễn dịch “hậu hiện đại” - với sự có mặt (xuất xứ) của thuật ngữ “hậu hiện đại” hay “chủ nghĩa hậu hiện đại”. [Xem ý kiến của Nghiêm Quang.]

4.

Gilbert and George, Naked Forest, 1982

Lấy câu nói đùa của Umberto Eco để chọc quê lại Hoàng Ngọc-Tuấn là có... duyên. Nhưng trong bài viết của mình, Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ muốn nhắc nhở đến các nguồn gốc của từ/thuật ngữ “hậu hiện đại” hay “chủ nghĩa hậu hiện đại” mà thôi. Xin đừng “phản biện” bằng cách đánh tráo sự phê phán về xuất xứ của thuật ngữ thành ra sự phê phán về khái niệm. Nếu vô ý làm thế, thì nên lưu ý. Nhưng nếu cố tình làm thế, thì sẽ được độc giả tặng... hoa. Trong tranh luận học thuật, chớ nên “chơi khôn”. [Xem ý kiến của Nghiêm Quang.]

5.

Julian Schnabel, Christ’s Last Day ATTO II, 2008

Hơn thế nữa, cũng đừng quên cái context (bối cảnh) của các sai lầm mà Hoàng Ngọc-Tuấn đã nhấn mạnh trong bài viết của mình. Nếu những sai lầm ấy xảy ra trong một bài báo bình thường, hay trong một bài tọa đàm lai rai ở một câu lạc bộ văn nghệ, thì chắc chắn Hoàng Ngọc-Tuấn đã không phải tốn hơi, vì những cái nhếch nhác như vậy vẫn xảy ra hàng ngày trên báo chí và ngoài đời, đếm không xuể. Đằng này, điều sai lầm căn bản ấy lại xảy ra trong những “bài tham luận” đọc tại những “hội thảo khoa học”! [Xem ý kiến của Nguyễn Mai Sơn.]

6.

Claudia Olivos, Adam y Eva

Cũng xin nhớ rằng trong nghiên cứu khoa học, thì đề tài “Vật lý” cũng không khác gì đề tài “Hậu hiện đại” hay bất kỳ đề tài nào khác. Mọi đề tài đều phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc và thấu đáo, thì mới đáng gọi là khoa học. Chẳng có lý do gì người không rành Vật lý thì không dám “góp chuyện” ở một hội thảo khoa học về Vật lý, nhưng người không rành về Hậu hiện đại thì lại cứ thoải mái “góp chuyện” tại một hội thảo khoa học về Hậu hiện đại! [Xem bài phản biện của Trịnh Lữ.]

7.

Ted Fusby, Adam and Steve in the Garden

Với mục đích tập trung phê phán thái độ văn hoá học thuật, Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ nêu ra một chỗ sai rất căn bản trong bài của Trịnh Lữbài của Hoàng Ngọc Hiến, và chỉ nói tổng quát là còn rất nhiều cái sai khác. Thế nhưng, Trịnh Lữ (và một vài người) lại làm ra vẻ trong bài của Trịnh Lữ chỉ có một cái sai đó thôi, vì ông “là một kẻ hoàn toàn nghiệp dư về triết học”. Thực ra, ông còn nhiều cái sai căn bản khác, ngay cả về kiến thức mỹ thuật (là cái điều chính yếu mà ông đã “tham luận”). Ví dụ, Trịnh Lữ viết: “Đơn giản là vì sau thời kỳ nghệ thuật hiện đại, khởi nguồn với Cezanne, Picasso và tiếp nối bởi những đại diện như Jackson Pollock, Barnett Newman, Robert Rauschenberg, Andy Warhol, Frank Stella..., người ta lại chán ngán mọi thứ trừu tượng (người viết nhấn mạnh) bảo sao nên vậy và muốn trở về với lối mắt nhìn tay vẽ chân thực ngày xưa.”

8.

Robert Rauschenberg, Retroactive I, 1964.

Hay nhỉ! Nhưng thay vì châm biếm ông Hoàng Ngọc-Tuấn, nếu ông Trịnh Lữ chịu khó google thì sẽ thấy ngay rằng Robert Rauschenberg và Andy Warhol không phải là những hoạ sĩ trừu tượng. Trong thập niên 1950, Robert Rauschenberg đã rời bỏ Abstract Expressionism để chuyển sang một đường lối sáng tác mới, tạo tiền đề cho Pop-Art sau này. Từ năm 1958 đến 1962, ông đã thực hiện những bức tranh “transfer paintings”, trong đó ông sao chép lại những trang nhật báo lên trên những tấm giấy. Từ năm 1962, tác phẩm của ông hoàn toàn sử dụng những hình thể, chất liệu và kỹ thuật phổ thông, và ông trở thành một trong những khuôn mặt tiên phuông của Pop-Art. Andy Warhol thì hiển nhiên là gắn liền với Pop-Art và hoàn toàn không hề trừu tượng.

9.

Andy Warhol, Shot Blue Marilyn, 1964.

Vài cái sai khác (và còn nữa, để lúc khác nói tiếp): Odd Nerdrum không bao giờ xem mình là đại diện của cái-gọi-là “trào lưu” hiện thực cổ điển (classic realism). Ông tự xem hội hoạ của mình là “kitsch”. Và hiện thực cổ điển không hề là một “trào lưu” đang phát triển “mạnh” ở Mỹ... Thử xem lại vài con số do Trịnh Lữ đưa ra: 11 trường ở Mỹ và 2 trường ở Ý chuyên dạy hội hoạ “hiện thực cổ điển” là những trường nào? Một số lượng như vậy, nếu có, thì cực kỳ it ỏi so với số lượng hàng ngàn trường dạy hội hoạ đương đại ở Mỹ và Ý. Ít như vài cây kim rớt trong đống rơm to, thế thì “mạnh” làm sao? [Xem bài tham luận của Trịnh Lữ.]

10.

Nguyễn Thái Tuấn, Tranh Đen số 52

Là nhà nghiên cứu, nhà văn kiêm nghệ sĩ guitar Việt kiều ở xứ người, Hoàng Ngọc-Tuấn sáng tác, đọc, viết, ủng hộ, và đồng thời cũng muốn phổ biến chủ nghĩa hậu hiện đại, không phải là vì ông muốn phô trương cái hiểu biết của mình, mà chỉ tại vì chủ nghĩa hậu hiện đại chính là cái ngõ có thể giúp dân lưu vong có tiếng nói đối với xã hội sở tại và cố quốc, và “thế giới đệ tam” có thêm cơ may để nhập vào tiến trình toàn cầu hoá, nếu có tài năng thực sự. Hoàng Ngọc-Tuấn có thể đã hơi to tiếng khi nóng giận vì “món mặn” của ông đã bị xuyên tạc và, hơn nữa, ông thấy cái tình trạng đạo đức trong nghiên cứu khoa học bị vi phạm. Tuy nhiên, đã nói thì phải có người nghe, nếu như Hoàng Ngọc-Tuấn đã không sử dụng “đao to búa lớn” thì bài viết của ông chắc cũng đã chìm lỉm như bài viết của ông Nguyên Đầu Bạc (Phạm Xuân Nguyên) với ngôn ngữ ôn tồn hơn. Hơn thế nữa, ở đây, khác với Nguyên Đầu Bạc, Hoàng Ngọc-Tuấn không đơn giản muốn nhắc tới cái sai chữ nghĩa ấy, mà lại muốn nhấn mạnh đến cái nguy cơ trong văn hoá học thuật đương thời ở cố quốc.

11.

Yue Minjun, Untitled, 2005

Nói tóm lại, trước tiên và chung cuộc thì cái chính vẫn là chủ nghĩa hậu hiện đại. Do đó, xin những vị muốn phủ nhận và chống đối, khi trút nước dơ (phủ nhận nghệ thuật sắp đặt còn non nớt của ta và chống đối cách phát biểu đùng đùng của Hoàng Ngọc-Tuấn) - “nước dơ” xin tạm gọi như vậy - quí vị chớ vứt luôn đứa bé (chủ nghĩa hậu hiện đại) nhé. Như ai đó đã từng nói, cái áo hậu hiện đại có thể quá rộng cho cơ thể còm cõi của thơ Việt [và cho nhiều cái khác nữa của Việt Nam ta], nhưng thiển nghĩ của tôi là thà khoác chiếc áo rộng thùng thình vẫn còn hơn là bị chết vì... đông lạnh! Mặt khác, chủ nghĩa hậu hiện đại đang bùng nổ dữ dội trong nghệ thuật Trung Quốc hôm nay, mặc dù càng ngày nó càng ít thú vị, do sự khai thác liên tục vài đề tài ăn khách và nhứt là vì bị chi phối quá nhiều bởi chủ nghĩa thương mại.

© 2008 talawas