trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
15.9.2008
Trần Trung Đạo
Mặc cảm chiêu hồi và khát vọng tự do
 
Mùa hè năm nay tôi đến thăm một đảo nhỏ vùng Trung Mỹ. Thật ngạc nhiên. Cuối tháng Bảy, những hàng phượng vĩ trổ bông màu đỏ rực giống hệt như trong các sân trường ở Việt Nam. Tuổi học trò mộng mơ ngủ yên trong ký ức chợt thức dậy ở một nơi rất xa xôi. Nhìn hàng phượng vĩ lòng lại bâng khuâng nhớ đến quê nhà. Cả gia đình ngồi bên hàng phượng đỏ và kể cho nhau nghe những kỷ niệm về hoa phượng. Hai mươi bảy năm. Thời gian tôi sống ở ngoài nước đã dài hơn thời gian tôi sinh ra và lớn lên trong nước, thế nhưng, Việt Nam vẫn là đề tài chính không chỉ trong sinh hoạt cộng đồng, những buổi họp mặt anh em văn nghệ, trong bữa cơm gia đình mà ngay cả trong những ngày ở lại trên một hòn đảo cách Việt Nam hàng chục ngàn dặm. Đơn giản, bởi vì đó là đất nước. Không có gì quan trọng hơn đất nước. Mỗi người rồi sẽ ra đi nhưng đất nước sẽ ở lại cho nhiều đời sau.

Có lần tôi được hỏi mai mốt có dịp trở về, ngoài gia đình, tôi sẽ đi đâu khác. Tôi trả lời rằng tôi sẽ đi thăm Hà Nội. Thật vậy, tôi không hề có ý nghĩ trở về chỉ để thăm những hàng phượng đỏ trên đường Bạch Đằng Đà Nẵng, những đồi sim tím ở Quế Sơn hay tìm lại những gì tôi đã mất. Không. Nền nhà cũ, con đường xưa, trường học, dòng sông tuổi thơ đã là kỷ niệm và dù vui hay buồn cũng đã thuộc về quá khứ. Mỗi thứ đã có một ngăn riêng trong tâm hồn. Tôi vẫn ôm ấp và sống với chúng trong mỗi ngày tôi còn có mặt ở đây. Nếu có dịp trở về, tôi sẽ đến thăm sông Hồng, Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột. Tôi sẽ đi Phong Châu, Phú Thọ để dâng nén hương lên anh linh các đấng vua Hùng. Tôi sẽ hành hương về Yên Tử, vùng đất tổ của Phật giáo Việt Nam. Ở mỗi nơi tôi sẽ không quên dành một phút để trịnh trọng thưa rằng tôi là người có lỗi.

Tôi có lỗi bởi vì trước đây tôi đã nghĩ sai về Hà Nội, nghĩ xấu về Hà Nội, nghĩ sai về miền Bắc, nghĩ xấu về miền Bắc. Hà Nội trong tôi 33 năm trước là trung tâm quyền lực của một chế độ độc tài, tàn bạo đã mang súng đạn của Nga, Tàu về tàn sát hàng triệu người dân miền Nam, giày xéo lên quê hương Việt Nam. Tôi có mặc cảm rằng ra Hà Nội là đầu hàng, ra Hà Nội là chấp nhận chế độ, là một hình thức chiêu hồi. Tôi ở lại Việt Nam thêm 6 năm nhưng nhất định không đi thăm miền Bắc, dù có nhiều cơ hội. Thực tế chính trị Việt Nam sau 1975 với hàng loạt các chính sách vô cùng thất nhân tâm là những đám mây đen che khuất đi những đền tháp vàng son của một Hà Nội uy nghi trong tâm hồn tôi. Đứng trên đường phố Sài Gòn buổi trưa 30 tháng 4 năm 1975, tôi nhớ lại những ngày ở Đà Nẵng đầu năm 1968 với tiếng gầm thét của những máy bay chiến đấu, những khẩu đại pháo nòng dài, những quân trang quân dụng, tất cả đều được chế tạo và mang đến từ nước Mỹ. Và 30 tháng 4 năm 1975 cũng chẳng khác gì. Từ khẩu súng trường cho đến túi lương khô, nếu không mang nhãn hiệu Trung Quốc thì cũng Liên Xô. Cả con người cùng dòng giống với tôi nhưng xa lạ không khác gì những anh chàng Mỹ đen Mỹ trắng trước đây. Đặc tính lai căn thể hiện không chỉ trong sách vở, trong giáo trình mà cả trong cách ăn nói, giọng hát, diễn kịch, điệu múa, dáng đi cũng rập theo cung cách của Nga. Hà Nội trong tôi sau 1975 không còn là Hà Nội nơi Trần Quang Khải từng khẳng khái ngâm vang “Thái bình nên gắng sức, non nước ấy ngàn thu” trong đêm liên hoan mừng chiến thắng quân Nguyên cuối thế kỷ 13. Giấc mơ được ra thăm miền Bắc của tôi không ai đụng nhẹ nhưng đã tan như chiếc bong bóng nước trong cơn mưa Sài Gòn buổi sáng cuối tháng 4 năm 1975.

Tôi cắt đứt không thương tiếc tình yêu dành cho chiếc nôi văn hóa của dân tộc Việt Nam mà từ tuổi thiếu thời tôi bao đêm mơ ước một lần được đến, được trở về thăm, được hôn lên mảnh đất nơi tôi đã từng viết “mỗi chiếc lá như còn nghe hơi thở, mỗi cành cây như có một linh hồn”. Thật vậy. Những năm đầu thập niên 1970, khi còn học trung học Trần Quý Cáp ở Hội An, nếu ai hỏi tôi sẽ làm gì sau khi đất nước thanh bình, tôi trả lời ngay rằng tôi sẽ đi thăm miền Bắc. Không phải vì tôi bị ảnh hưởng bởi nhạc Trịnh Công Sơn “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi ba miền”, mà vì trong các môn học tôi vẫn thích nhất môn sử. Quê cha của tôi là Quảng Nam nhưng đất tổ của tôi là miền Bắc. Khi còn nhỏ, mỗi năm trong ngày giỗ chạp, bác tôi thường nhắc nhở con cháu, dòng họ chúng tôi lần đầu từ ngoài Bắc đi vào Nam chỉ có hai anh em, người anh dừng lại ở Quảng Nam nhưng người em thì đi tiếp vào Quảng Ngãi. Nhưng cũng sau lần chia tay đó họ đã lạc nhau cho đến bây giờ. Tôi lớn lên với cảm tình sâu đậm dành cho cả hai xứ Quảng thân yêu và niềm khao khát tìm về những bà con cùng tộc ở miền Bắc vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn tôi. Thầy dạy môn sử cũng đam mê lịch sử như tôi và đã dạy chúng tôi những giờ sử tuyệt vời. Thầy diễn tả các trận Tụy Động, Chúc Động còn hay hơn Kim Dung tả trận Tụ Hiền Trang trong Thiên Long bát bộ. Từ ô cửa của trung học Trần Quý Cáp, những buổi chiều tôi đã thả hồn mình trôi theo sóng nước sông Hồng, và đâu đó dưới lòng sông như vẫn còn những chiếc cọc gỗ lim mà hơn một ngàn năm trước đã đâm thủng chiến thuyền quân Nam Hán hay hơn bảy thế kỷ trước Trần Hưng Đạo đã đánh bại quân Nguyên. Tôi thuộc nằm lòng tên tuổi của các vị danh tướng thời Lê Lợi như Lê Thạch, Lê Sát, Lê Lai, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Liệt… và các vương tước nhà Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản... Những địa danh Đông Đô, Tây Đô, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Thiên Trường đi vào ý thức tuổi học trò của tôi như những niềm kiêu hãnh không bao giờ phai nhạt.

Là một trong những sinh viên thuộc diện “sinh viên chế độ cũ”, sau mấy tháng đi làm thủy lợi, chúng tôi trở về trường Luật học tiếp. Để tìm giải đáp cho những câu hỏi về Đảng Cộng sản, về chiến tranh và cách mạng Việt Nam, tôi học rất nghiêm túc, chăm chú lắng nghe các cán bộ giảng dạy kinh tế chính trị, triết học Mác - Lê, đến nhà tập thể để tìm hiểu thêm từ các giáo sư đại học miền Bắc về những điều các ông các bà có thể không nói hết ở trường và đọc tất cả những gì có thể đọc. Sau thời gian khá dài học hỏi và tiếp xúc với nhiều người, tôi hiểu ra rằng những gì tôi nghĩ về miền Bắc trước đó là không đúng. Tôi đã vơ đũa cả nắm. Đồng bào miền Bắc, giống như chúng tôi ở miền Nam, đều là nạn nhân của ý thức hệ cộng sản, thậm chí họ còn chịu đựng dài hơn, lâu hơn và đau đớn hơn nhiều. Thế hệ trẻ chúng tôi ở miền Nam cũng may mắn hơn những người cùng tuổi ở miền Bắc. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một xã hội tuy không hẳn hoàn toàn tự do nhưng vẫn có ít nhiều chọn lựa. Chúng tôi chẳng những có quyền phàn nàn, chỉ trích mà còn xuống đường, hoan hô và đả đảo. Tuổi trẻ miền Bắc thì không. Họ sinh ra khi Đảng đã có rồi. Sự có mặt của Đảng Cộng sản như họ được dạy từ lớp mẫu giáo là một quy luật tất yếu của xã hội loài người. Đảng cần thiết như hơi thở và sự sống, tự nhiên như nắng và mưa, khoa học như mặt trời mọc buổi sáng và lặn vào buổi tối. Đảng là tối thượng, là tuyệt đối, trên cả cha mẹ, gia đình và tổ quốc. Chính sách tẩy não, thuần hóa con người không phải là sản phẩm độc quyền của chế độ cộng sản, nhưng chỉ trong xã hội cộng sản việc “trồng người” mới được xem như là mục tiêu của nền giáo dục. Tôi ý thức điều đó cũng là thời gian tôi phải lo tìm đường vượt biển, nên không có dịp ra thăm miền Bắc.

Đối với miền Nam, tôi cũng hiểu ra rằng miền Nam mất không phải vì thiếu 300 triệu đôla viện trợ đặc biệt đầu 1975 hay vì bị Mỹ bỏ rơi như cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thở than oán trách trong diễn văn cuối cùng của ông vài ngày trước khi lên máy bay. Miền Nam mất không phải vì quân đội Việt Nam Cộng hòa yếu kém hơn quân đội cộng sản hay các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa không tài ba thao lược bằng các tướng cộng Sản. Cộng sản thắng cuộc chiến Việt Nam, như tôi đã viết trong vài bài trước trên talawas, chỉ vì từ ngày thành lập 1930 họ luôn nhất quán với mục đích toàn trị và bất chấp mọi phương tiện để đạt đến mục đích; họ tổ chức tinh vi và phát huy triệt để tính Đảng từ trong mỗi tổ ba người cho đến cấp trung ương, và quan trọng nhất, họ tận dụng lòng yêu nước truyền thống, nhất là đặc tính bảo thủ, của người dân Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa thì hoàn toàn khác. Tại miền Nam không có một đảng chính trị nào được tổ chức tinh vi đến mức có thể gọi là lực đối kháng tương xứng với Đảng Cộng sản, không có một hệ thống thông tin ngang tầm với bộ máy tuyên truyền cộng sản và các nhà lãnh đạo miền Nam, vì những vướng mắc bản thân và mải lo tranh quyền đoạt lợi, đã không làm sáng lên được chính nghĩa, không tổng hợp được lòng yêu nước, yêu tự do dân chủ trong người dân miền Nam thành sức mạnh. Vì thế, nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì rồi cũng sẽ có 30 tháng 4 năm 1976, 30 tháng 4 năm 1977, nói khác đi, việc miền Nam rơi vào tay cộng sản chỉ là vấn đề sớm hay muộn, trước hay sau chứ không phải là khả năng có hay không có thể xảy ra.

Với nhận thức đó, tôi không còn mang mặc cảm chiêu hồi khi nghĩ về Hà Nội và tìm lại được trong tôi tình yêu dành cho chiếc nôi của lịch sử Việt Nam. Vâng, nhưng đó không phải là quan trọng nhất. Quan trọng hơn thế nữa vì tôi hiểu đã rằng ngay từ trên những điêu tàn đổ nát, một cuộc chiến mới đã được phát động trong âm thầm trên phạm vi cả nước, đó là cuộc chiến giữa khát vọng tự do nhân bản và cộng sản độc tài toàn trị, giữa tự do và nô lệ, giữa thịnh vượng văn minh và nghèo nàn lạc hậu. Tôi bắt gặp trong ánh mắt của những người dân đang chui rúc dưới những tấm ny-long trên đường Trần Hưng Đạo, trong những căn nhà không vách ở các vùng kinh tế mới, đang sắp hàng bán máu ở bịnh viện Chợ Rẫy môt niềm đau câm nín và tôi tin một ngày những nỗi đau câm nín đó sẽ biến thành vũ khí. Không ai nói đây là cuộc tranh đấu dễ dàng. Bằng chứng là, dù nói gì thì nói, sau 33 năm chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại và Việt Nam vẫn còn là một nước lạc hậu về văn minh, nghèo nàn về kinh tế và tất cả các quyền căn bản của một con người vẫn còn là một mơ ước xa xôi.

Cộng sản còn sống bởi vì nhiều người nghĩ rằng cộng sản đã chết.

Nếu cho rằng cộng sản đã chết thì trước khi chết cộng sản sống ở đâu? Liên Xô sau Cách mạng 1917 có phải là cộng sản không? Liên Xô dưới thời Stalin có phải là cộng sản không? Trung Quốc dưới thời Mao với những “nhà máy luyện kim sau hè” và công xã nhân dân có phải là cộng sản không? Bắc Hàn dưới thời Kim Nhật Thành có phải là cộng sản không? Campuchia dưới thời Pol Pot có phải là cộng sản không? Việt Nam dưới thời Hồ Chí Minh với Cải cách Ruộng đất và Nhân văn - Giai phẩm có phải là cộng sản không? Tất cả đều không và đều có, đều khác nhau và đều giống nhau. Không, bởi vì chưa có nước cộng sản nào kể cả Liên Xô với những kế hoạch 5 năm đầy tham vọng, đạt được những bước phát triển kinh tế có thể giải thích đúng với lý thuyết của Mác; và đều giống nhau, vì tất cả đều dùng những phương tiện mà lý thuyết Mác - Lê đã đề cao, đó là áp dụng bạo lực không thương tiếc đối với các thành phần xã hội cản trở bước tiến hay chống đối lại các mục tiêu của Đảng Cộng sản.

Đặng Tiểu Bình, một thời đã được thế giới ca ngợi là nhà cải cách xã hội lớn và thậm chí có người còn hy vọng ông ta sẽ từng bước mở đường cho một Trung Quốc dân chủ, hội nhập vào dòng phát triển của văn minh thế giới khi họ Đặng chuyển hướng nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, xóa bỏ toàn bộ hệ thống công xã thời Mao, tố cáo tội ác của Cách mạng Văn hóa, thiết lập các khu kinh tế đặc biệt làm cửa ngõ giao thương quốc tế, cho phép người dân phát biểu ý kiến qua phương tiện của “Bức tường dân chủ” gần khu Tử Cấm thành ở Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình viếng thăm Mỹ vào tháng Giêng 1979 và được Tổng thống Jimmy Carter tiếp đãi như quốc khách, mặc dù chức vụ của ông ta chỉ là Phó Thủ tướng. Nhưng cũng chính Đặng Tiểu Bình chứ không ai khác, là người có quyền tối hậu trong quyết định tàn sát nhiều ngàn sinh viên Trung Quốc yêu dân chủ đầu tháng 6 năm 1989. Những chiếc tăng của các binh đoàn 27 và 28 trên đường phố Bắc Kinh gợi lại cho người xem hình ảnh của những chiếc tăng Liên Xô tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc mùa xuân 1965 hay thủ đô Budapest, Hungary tháng 11 năm 1956. Thời điểm khác nhau, nạn nhân cũng khác màu da, nhưng phương pháp mà các lãnh tụ cộng sản áp dụng để tiêu diệt kẻ thù của đảng dù ở nước nào cũng giống nhau và độc ác như nhau. Cộng sản không phải chỉ là mớ lý luận mơ hồ mà chính là thực tế vô cùng cụ thể và tàn bạo. Đặc điểm áp dụng bạo lực không thương tiếc đó vẫn còn sống hùng và sống mạnh tại Việt Nam. Các cơ quan truyền thông quốc tế khi nhắc đến Việt Nam thường kèm theo chữ cộng sản đi đầu như để nhắc nhở người đọc về một xã hội còn nhiều lạc hậu, là một cơ chế chính trị độc tài, là một đảng chính trị sống nhờ bạo lực chứ không phải là nơi có những con người đang theo đuổi mục tiêu “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” như Mác viết.

Cộng sản còn sống vì căn bệnh sùng bái cá nhân vẫn còn hoành hành và tác hại.

Khi nói đến bịnh sùng bái cá nhân, người ta sẽ nghĩ ngay đến Bắc Hàn trước. Nhà báo Robert Marquand, một chuyên viên về Bắc Hàn của tờ Christian Science Monitor, trong các phóng sự về phần đất cô lập từ thế giới nầy đã thu thập hàng trăm tin tức, mẩu chuyện về cuộc sống đồi trụy cha con Kim Nhật Thành mà đối với phần lớn nhân loại gần như là những chuyện khó tin đến độ hoang đường. Theo Robert Marquand, Kim Chính Nhất có khoảng từ 2 đến 4 tỉ đôla ký thác trong các ngân hàng châu Âu. Sau khi kế thừa sự nghiệp của “lãnh tụ vĩ đại” năm 1994, Kim Chính Nhật sống xa hoa trong cung điện Trường Thọ ở Bình Nhưỡng và ngày đêm tận hưởng thú vui xác thịt với các đoàn vũ cho chính họ Kim đặt tên như “đội ca vũ”, “đội hạnh phúc”, “đội thỏa mãn”. Đối với việc ăn uống, y rất kiêng cữ và chọn lọc. “Lãnh tụ kính yêu” thích món ăn Ý hơn là món do các đầu bếp Bắc Hàn chuẩn bị. Để món ăn được nấu cho đúng kiểu, lãnh tụ mướn không những chỉ đầu bếp Ý mà còn yêu cầu chở nguyên cả cái bếp từ Ý sang để nấu nướng cho y ăn. Những điều đó xảy ra trong thời điểm khi khối Xô-viết vừa tan rã, các nguồn viện trợ lớn từ các quốc gia cộng sản bị cắt đứt, hạn hán, mùa màng thất thu, và trên đường phố tỉnh Bắc Hàm Kính (North Hamgyong) người chết đói nằm la liệt. Không một thống kê nào cho biết chính xác bao nhiêu người dân vô tội, bao nhiêu trẻ em Bắc Hàn đã chết, nhưng theo ước lượng từ nhiều cơ quan từ thiện quốc tế cũng như lời kể những viên chức Bắc Hàn cao cấp đào thoát được, khoảng 600 ngàn cho đến 3 triệu (hơn 10 phần trăm dân số) dân Bắc Hàn chết đói trong giai đoạn từ 1990 đến 1997. Tại sao một đất nước 23 triệu người lại có thể chấp nhận để những người lãnh đạo đất nước đối xử một cách tàn tệ như thế? Phải chăng họ sợ chết, bị bỏ tù, tra tấn, lao động khổ sai? Tất cả lý do đó đều đúng nhưng chưa phải là hoàn toàn chính đáng. Theo giáo sư và ký giả Bradley K. Martin, tác giả của tác phẩm Dưới sự bảo bọc đầy tình thương của cha già dân tộc (Under the Loving Care of the Fatherly Leader), được nhà điểm sách Nicholas D. Kristof của The New York Review of Books đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất về xã hội Bắc Hàn từ trước đến nay, ở Bắc Hàn “mọi người bị tiêm nhiễm ngay từ khi mới sinh ra để tin vào các lý thuyết tôn thờ cá nhân. Họ tin rằng cha con Kim Nhật Thành là bậc thánh nhân, vượt qua khỏi các luật căn bản của loài người, là một giống người đặc biệt, loại người xứng đáng để tôn thờ”. Phần lớn dân Bắc Hàn vẫn tin rằng nạn đói là do thời tiết, hạn hán, thất thu chứ không phải là hậu quả của một chính sách cai trị dã man, ngu xuẩn và tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.

Các đảng viên cộng sản hay đoàn viên trung kiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khi đọc những mẩu chuyện đau lòng đang xảy ra tại Bắc Hàn, hẳn nhiên cảm thấy an ủi bởi vì Việt Nam không phải là Bắc Hàn. “Bác Hồ tình yêu bao la” của họ không giống như Kim Nhật Thành. “Bác Hồ” xứng đáng được gọi là “cha già dân tộc”, là “nhà thơ lỗi lạc” của văn học Việt Nam, là “nhà quân sự thiên tài” không thua kém gì Hưng Đạo Đại vương, là “nhà giáo dục vĩ đại” của đất nước, không, không thể so sánh “Bác Hồ” với cha con Kim Nhật Thành bịnh hoạn kia được. Xin đừng mừng vội. Nếu đi hỏi những người dân Bắc Hàn, họ cũng trả lời tương tự như thế. Với người dân Bắc Hàn, Kim Nhật Thành cũng là “nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo dục vĩ đại”, đừng nói chi là “Bác Hồ” của Việt Nam mà cả gần bảy tỉ người trên trái đất nầy không ai có một đời sống thanh bần, trong sạch, một trái tim to lớn, một tình yêu bao la dành cho đất nước hơn là “lãnh tụ vĩ đại” và “lãnh tụ kính yêu” của họ. Điều đó cho thấy mức độ trầm trọng tuy có thể khác nhau, nhưng nhiều người Việt Nam cũng đang mang một căn bịnh như người dân Bắc Hàn. Một em bé khăn quàng đỏ của Việt Nam cũng ca ngợi “Bác Hồ tình yêu bao la” một cách chân thành như một em bé khăng quàng đỏ Bắc Hàn ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành” của em. Sùng bái cá nhân là căn bịnh của chủ nghĩa cộng sản, nơi nào chủ nghĩa cộng sản đặt chân đến là nơi đó bịnh sùng bái cá nhân phát sinh và tồn tại theo suốt chiều dài của Đảng. Việt Nam cũng thế, đừng nói chi các làng bản xa xôi, nông thôn hẻo lánh, nơi ông Hồ được đưa vào miếu Thần hoàng để cúng tế hàng năm, mà ngay cả ở thành phố, trong chùa chiền, trong sách vở văn học, ông Hồ Chí Minh, giống như cha con họ Kim ở Bắc Hàn, vẫn được xem như là “là bậc thánh nhân vượt qua khỏi các luật căn bản của loài người, là một giống người đặc biệt, loại người xứng đáng để tôn thờ”. Chúa và Phật có thể sai nhưng ông Hồ thì không. Tất cả những tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, khách quan, độc lập về cuộc đời ông Hồ đều bị nghiêm cấm và có thể bị bỏ tù nếu vi phạm. Bịnh sùng bái cá nhân như một loại tà đạo mấy chục năm qua đã giết chết các mầm mống sáng tạo, vươn lên, suy nghĩ độc lập trong nhiều thế hệ Việt Nam.

Đảng Cộng sản còn tồn tại nhờ vào một tầng lớp có học phục vụ cho Đảng.

Vì các lý do địa-chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam khống chế tư tưởng và đời sống con người khôn khéo hơn cha con Kim Nhật Thành nhiều. Thay vì đóng đinh toàn bộ đất nước vào một hệ thống giáo điều không tưởng như lý thuyết Juche ở Bắc Hàn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra những không gian sinh tồn tương đối rộng và tồn tại một cách độc lập dành cho các thành phần xã hội khác nhau. Mỗi thành phần có một môi trường sinh hoạt riêng và chịu các điều kiện chi phối riêng. Như Mác đã nói “Giai cấp tiểu tư sản là đòn xóc nhọn hai đầu”, thành phần có học phục vụ đắc lực nhưng nguy hiểm, cho nên vừa được nhiều biệt đãi mà cũng vừa bị kiểm soát chặt chẽ hơn so với các thành phần khác. Ngày nay, trong khu vườn văn học vẫn có tiếng chim kêu, có tiếng nước chảy, tiếng suối reo và các nhà thơ, nhà văn vẫn có quyền sáng tác, miễn là đừng bước ra khỏi giới hạn mà Đảng đã khoanh vùng. Ngoại trừ một số nhỏ đã vượt qua hay đang tìm cách vượt qua khỏi hàng rào cản để cùng chịu đựng với những bất hạnh của dân tộc, dùng ngòi bút để nói lên thảm trạng của đất nước hay đấu tranh cho quyền lợi đất nước, phần lớn đã ở lại trong vườn. Như Erich Maria Remarque viết trong Chiến hữu, “hạnh phúc bắt đầu từ thói quen”, họ dần dần cũng cảm thấy hạnh phúc và tự an ủi rằng ít ra môi trường sáng tác ngày nay tốt hơn nhiều so với ba mươi ba năm trước. Ngày nay họ không phải thức đêm nén bút để ca ngợi một “anh hùng diệt Mỹ” mà họ chưa bao giờ biết mặt hay tả một “chiến thắng thần thánh” mà họ chưa hề tham dự. Ngày nay họ có quyền viết về tình dục, tình yêu và cả về cuộc sống, miễn là đừng viết về cuộc sống của những người đang ở trong các nhà tù của chế độ, cuộc sống của hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam đang bán mồ hôi nước mắt khắp thế giới, cuộc sống của hàng ngàn người dân oan khiếu kiện bị mất nhà mất đất đang ngồi chờ các quan lớn trả lời trong các công viên.

Hơn ai hết, thành phần có học biết rằng dù trong khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn, không có phản biện sẽ không bao giờ có sự thăng tiến và phản biện chỉ hình thành trên môi trường tự do sáng tạo chứ không thể ở một môi trường nào khác, thế nhưng, họ chấp nhận làm một người câm điếc để được tồn tại hơn là phản biện để rồi bị tước đi bổng lộc. Mới đây, ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường, trong buổi phỏng vấn dành cho web Dân Trí mà talawas có nối lại trong mục spectrum, cũng thừa nhận rằng “để có độc lập tư duy, tự do sáng tạo và khách quan phê phán thì phải có một cơ chế dân chủ để đảm bảo cho các quyền đó.” Quá đúng. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao thời còn là Thứ trưởng ông đã không nói câu đó mà đợi cho đến khi không còn tại chức mới “lớn tiếng”, ông Hảo đáp “Đơn giản là khi còn tham gia quản lý, họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng kỉ luật guồng máy, chưa kể người trong cuộc khó có cái nhìn khách quan như người ở ngoài cuộc.” Ông không giải thích nhưng người đọc cũng hiểu việc “tôn trọng kỉ luật guồng máy” chính là việc phục vụ cho quyền lợi của Đảng Cộng sản theo kiểu ăn cây nào thì rào cây nấy. Nếu hiểu theo cách nói của ông Chu Hảo, trong guồng máy nhà nước hiện nay không ai đáng gọi là trí thức vì không ai dám phản biện, dám nói lên những cái đúng, tố cáo những cái sai, biết đau cái đau của dân tộc và biết buồn trong nỗi buồn của dân tộc. Như phần lớn những người thuộc tầng lớp có học, ông cũng không đủ can đảm bước ra khỏi chiếc chiếu mà Đảng đã trải cho các ông ngồi. Tâm trạng của ông Chu Hảo cũng là tâm trạng chung của những người thuộc tầng lớp gọi là trí thức trí thức xã hội chủ nghĩa hiện nay, khi về hưu, thất sủng, bị bỏ rơi, họ phê bình, phán xét như những quan tòa, nhưng thời gian trẻ trung, năng nổ, đóng góp được nhiều nhất cho đất nước thì họ lại là những kẻ tòng phạm.

Nhà báo Mike Benge của tờ Washington Times, trong bài bình luận trên ấn bản ngày 1 tháng 7 năm 2007, ‘Láo to’ sống tại Việt Nam (‘Big Lie’ lives in Vietnam), cho rằng Thomas Jefferson sẽ lăn lộn trong mồ nếu biết ông Hồ Chí Minh đã dùng câu nói bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để lừa gạt dân tộc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Trong cuộc chạy đua vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, về quan điểm và cách giải quyết các vấn đề của Mỹ, John McCain và Barrack Obama gần như khác nhau hoàn toàn nhưng cả hai đều rất giống nhau trong định nghĩa về đất nước. Tối ngày 11 tháng 9 vừa qua, trong buổi phỏng vấn nhân dịp lễ tưởng niệm nạn nhân khủng bố, khi được hỏi tại sao ông yêu nước Mỹ, John McCain trả lời “Tôi yêu nước Mỹ, không chỉ là nơi tôi sinh ra và lớn lên mà còn là lý tưởng, là khát vọng”. Tương tự, trong diễn văn chấp nhận làm ứng cử viên Đảng Dân chủ, Barrack Obama đã nói: “Có một lời hứa đã làm cho nước Mỹ khác với các quốc gia khác, rằng qua sự làm việc cần mẫn và hy sinh, mỗi chúng ta có thể theo đuổi những giấc mơ riêng nhưng vẫn đến cùng nhau như một gia đinh nước Mỹ, để bảo đảm rằng các thế hệ sau cũng có thể theo đuổi các giấc mơ của họ.” John McCain và Barrack Obama không nói để tuyên truyền hay kiếm phiếu mà là sự thật. Từ khi Thomas Jefferson nắn nót những dòng chữ đầu tiên cho bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ 1776 cho đến hôm nay, nước Mỹ trải qua nhiều cuộc chiến, trong đó có cuộc chiến giành độc lập đầy vinh quang và một cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu, nhưng họ vẫn là một cường quốc. Nước Mỹ trưởng thành không phải nhờ bom nguyên tử mà nhờ ở giấc mơ, lời hứa, khát vọng, như Tổng thống Kennedy một lần đã viết: “Con người có thể chết, đất nước có thể thăng hay trầm, nhưng lý tưởng luôn sống mãi”.

Nhà báo Mike Benge dùng câu nói của Thomas Jefferson để mỉa mai giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam như là những người ăn cắp ý tưởng của Mỹ để lừa gạt dân tộc Việt Nam nhưng ông có thể không biết rằng khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam là một khát vọng có thật và bắt đầu từ nhiều ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Câu nói của Thomas Jefferson rất hay, những câu trả lời của John McCain, Barrack Obama rất ý nghĩa, nhưng không phải là quá mới lạ. Tổ tiên Việt Nam đã mơ, đã sống và đã chết cho giấc mơ khai phóng của mình. Khát vọng tự do dân chủ chưa bao giờ bức thiết hơn lúc này, khi một phần lãnh thổ của tổ tiên đang nằm trong tay ngoại bang, khi Việt Nam mỗi ngày một lùi thêm so với đà tiến của nhân loại. Đây không phải lúc đứng trước ngã ba để chọn lựa đường nào là đúng nhất. Không giống như ngày xưa, thế hệ hôm nay chỉ có hai con đường để chọn, hoặc làm công cụ cho chế độ độc tài hoặc đi về phía dân tộc để cùng tranh đấu cho một ngày mai tươi đẹp. Nếu trước 1954, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam là giải phóng đất nước ra khỏi chế độ thực dân bóc lột thì chính nghĩa của ngày nay là giải phóng đất nước khỏi chế độ cộng sản độc tài, chuyên chính, đưa dân tộc đi lên cùng nhịp với đà tiến tự do, dân chủ và văn minh. Vũ khí được trang bị hôm nay không phải là bom napalm, tăng T54, súng M16 hay AK47 mà là lòng yêu nước chân chính, là trí tuệ của thời đại. Người lính tự do trong trận chiến hôm nay là những người Việt Nam yêu nước, kiên nhẫn, biết hy sinh những quyền lợi và cả những đau nhức bản thân mình cho nhu cầu chung của đất nước, biết vượt qua được những cách ngăn tôn giáo, Bắc - Nam để sống vì tương lai của các thế hệ mai sau. Cuộc tranh đấu sẽ không diễn ra ở miền Nam hay miền Bắc, trên không hay ngoài biển, mà trải rộng khắp nơi, trong và cả ở ngoài nước. Chỗ dựa của người lính tự do không phải là đôla Mỹ hay súng đạn Nga mà là lịch sử, là Đống Đa, Vạn Kiếp trước đây và Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay. Những tranh luận, biện minh, đối thoại, hay mặc cảm chiêu hồi, vì thế, đều không còn cần thiết nữa.

Chẳng lẽ 33 năm với tất cả chịu đựng và hy sinh, với tất cả máu và nước mắt nhỏ xuống khắp ba miền, chưa đủ là lý do để thay đổi chế độ độc tài này bằng một thể chế tự do dân chủ, mà phải đào xới thêm trong các văn khố ở Washington DC, Bắc Kinh, Moskva…, để chứng minh ai bán nước hơn ai?

© 2008 talawas