trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
4. Boogie - Woogie [1]

Phòng nghiên cứu âm thính là một căn phòng rộng, trần cao có nhiều cửa sổ. Trong phòng bừa bộn và đầy chật những dụng cụ điện tử đặt trên những tấm ván, quầy sắt, bàn ráp máy, trong những ngăn tủ ván ép được chế tạo từ một công xưởng ở Mạc Tư Khoa đem đến, máy móc, dụng cụ cũng đặt đầy cả trên mặt tất cả những chiếc bàn trong phòng.

Những bóng đèn điện nằm trong những lồng kiếng mờ trên trần tỏa một làn ánh sáng dễ chịu khắp phòng.

Trong góc phòng có một vật trong như cái tủ đứng, bốn mặt đều có kiếng. Đó là phòng ghi âm kín, tiếng động bên ngoài không lọt vào được. Phòng ghi âm này có vẻ như chưa được hoàn toàn. Ở dưới chân ba mặt phòng ghi âm có xếp những bọc rơm để ngăn tiếng động. Lúc này cánh cửa kiếng dầy của phòng được mở rộng, tấm màn len che cửa được gạt sang bên để cho phòng thoáng khí. Bên cạnh phòng ghi âm những hàng cốt đầu dây điện bằng đống sáng lên trên một phiến đá đen.

Một thiếu nữ nhỏ nhắn, gầy gò, khuôn mặt hơi dài có những nét nghiêm trọng, ngồi ở cái bàn gần với phòng ghi âm nhất. Lưng nàng quay vào cửa phòng, đôi vai gầy gò của nàng được choàng một chiếc khăn len.

Ngoài thiếu nữ này, trong phòng có chừng mười người nữa, tất cả đều là đàn ông, tất cả đều bận những bộ y phục đậm màu giống nhau. Được soi sáng bởi những bóng đèn điện trên trần và thêm nhiều bóng đèn nữa trên bàn, họ bận rộn làm việc. Họ đi lại, nối dây điện, ráp những bộ phận máy vào nhau, hàn điện, vặn kềm, gõ búa, ghi chép…

Ở ba chỗ khác nhau trong phòng có ba dàn máy radio, cả ba dàn máy thâu thanh này đều không có vỏ bao ngoài, cả ba dàn đều đang phát thanh những chương trình nhạc khác nhau. Ba tiếng nhạc hòa lẫn, mâu thuẫn, đối chọi nhau trong phòng; nhạc jazz, nhạc dương cầm hòa tấu và nhạc dân ca miền Đông.

Rubin bước chậm qua phòng để đi đến bàn làm việc của anh, hai tay anh cẩn thận ôm trước ngực quyển từ điển Mông Cổ – Phần Lan và quyển tiểu thuyết Hemingway. Trên bộ râu quai nón rậm và đen của anh còn vưỡng những mẩu bánh vụn.

Dù tất cả những bộ y phục phát cho tù nhân đều được may cắt cùng một kiểu giống nhau, những người đàn ông ở đây vẫn bận chúng khác nhau. Bộ áo trên người Rubin có một nút áo ngực bị mất, dây lưng áo không được gài chặt, những nếp áo thùng thình quanh bụng anh. Trái lại, người thanh niên có mái tóc màu nâu gụ dài và bồng, người đứng chặn đường đi của Rubin, lại bận bộ quần áo trên người anh như một chàng công tử hào hoa. Dây lưng áo được chàng gài sát vào vòng bụng thon làm nổi bộ ngực nở và đôi vai lớn của chàng. Bên trong chàng bận chiếc áo sơ mi màu xanh, tuy màu áo đã bạc vì giặt quá nhiều lần nhưng trông vẫn còn sang và hợp với màu chiếc ca vát chàng mang trên cổ. Người thanh niên này chặn mất lối đi của Rubin. Tay phải chàng cầm cây hàn điện, chân trái chàng đặt trên một cái ghế đẩu. Cúi mình trên đầu gối, chàng đang chú tâm vào việc ráp một bộ phận thâu phát thanh theo một đồ hình trên tờ tập san Wireless Engineer mở trên bàn, miêng chàng hát khẽ:

Boogie-woogie… boogie-woogie
Samba! Samba!
Boogie-woogie… boogie-woogie
Samba! Samba!

Rubin không thể đi qua được và anh đứng lại đó với vẻ mặt giả vờ sợ hãi, bối rối. Người thanh niên có vẻ như không hay biết có anh đứng đó.

"Valentulya…" - Rubin nói – „Anh làm ơn nhích giùm cho tôi đi nhờ."

Valentine, người thanh niên tóc hạt dẻ, không nhìn lại Rubin, chàng nói bằng một giọng nhát gừng:

"Lev Grigovich! Anh làm rộn tôi trong lúc tôi đang làm việc. Anh làm rộn mọi người. Anh làm mất thì giờ. Anh tới đây ban đêm làm chi? Ở đây đâu có chuyện gì cho anh làm?"

Chàng quay lại và đôi mắt sáng, trẻ trung của chàng lại để lộ ý ngạc nhiên khi chàng nhìn Rubin:

"Một nhà ngôn ngữ học có thể làm được việc gì ở đây? Ha… Ha… Ha… Anh không phải là kỹ sư. Thật xấu hổ."

Rubin dẩu môi ra như một anh bé con bị đời chế nhạo và đôi mắt trợn lên:

"Chú em… Chú nên biết rằng trong xã hội này kỹ sư của chú không có giá trị gì cả. Chú không thấy có những kỹ sư đi bán nước ngọt, sô đa ngoài đường, đi làm bồi nhà hàng đó ư?"

"Những kẻ thất bại đó không liên can gì đến tôi. Tôi không ở hạng kỹ sư đó. Tôi là kỹ sư hạng nhất. Ông già râu dê nên nhớ kỹ điều quan trọng đó."

Valentine đặt cây hàn điện xuống bàn và đứng thẳng người lên.

Valentine có cái vẻ sạch sẽ, tươi tắn của tuổi trẻ. Cuộc đời chưa in hằn một vết nhăn nào trên mặt chàng. Nhìn chàng, người ta khó có thể tin rằng chàng đã tốt nghiệp đại học trước cuộc đại chiến, chàng đã nhập ngũ chiến đấu trên mặt trận, đã bị bắt làm tù binh và sống sót từ trại tù binh của Đức Quốc Xã, chàng từng sống ở Âu châu và giờ đây chàng đang sống năm tù thứ năm ở ngay trên tổ quốc của chàng.

Rubin thở dài:

"Rất tiếc. Vì đồng chí không có giấy tờ chứng minh nên tôi không thể tin được lời đồng chí…"

"Giấy tờ chứng minh là cái quái gì?? Anh tin ở con người hay anh tin ở giấy tờ?"

Người hỏi câu này là Pryanchikov:

"Ha… ha…" - Pryanchikov cười lớn và nói tiếp – "Quên giấy tờ đi chứ. Các bạn có tin không khi tôi nói ằng tôi yêu đàn bà lắm, tôi yêu mê đàn bà đến điên dại."

Người thiếu nữ có khuôn mặt nghiêm trang không thể ngăn môi nàng thoáng nở nụ cười.

Một tù nhân khác ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ ngừng tay làm việc để gật đầu tỏ ý tán đồng với Pryanchikov.

"Trên lý thuyết, lời bạn vừa nói có thể tin được." Rubin nói với vẻ mặt suy nghĩ.

"Tôi thích tiêu tiền nữa."

"Bạn có thể thích tiêu tiền nhưng bạn không tiêu được, vì bạn không có tiền."

Pryanchikov nhún vai:

"Nếu tôi yêu đàn bà, nếu tôi thích tiêu tiền, nhất định tôi không thể là một kỹ sư xoàng. Này nhé… để có thể yêu được đàn bà và được đàn bà yêu – tôi nói yêu nhiều đàn bà chứ không phải yêu một ạ – tôi cần có tiền. Không phải chỉ cần có tiền mà thôi, tôi còn cần có nhiều tiền nữa. Và để có nhiều tiền, tôi cần làm việc nhiều. Nói cách khác, muốn có nhiều tiền, tôi phải là tay xuất sắc, tay cự phách trong ngành chuyên môn của tôi. Tôi không thể xuất sắc được nếu tôi không có tài, nhất là nếu tôi không yêu nghề. Ha… Ha… Đúng chưa? Lý luận chính xác của tôi làm bạn ngán chưa? Hình như bạn xanh mặt thì phải."

Tuy là nói rỡn chơi cho vui nhưng sự tin tưởng cũng sáng lên trên mặt Valentine. Chàng ngừng lại chờ đợi Rubin trả lời.

"A ha…"

Người tù ngồi ở cái bàn đối diện với bàn thiếu nữ mặt buồn đột nhiên la lên:

"Lev… Lại đây nghe… Tôi vừa thâu được tiếng nói của Valentuya. Rõ lắm, tuyệt lắm. Tiếng nói nghe như tiếng chuông. Trong như tiếng chuông. Tôi phải ghi ngay điều này vào báo cáo của tôi mới được. Đúng là như tiếng chuống. Ta có thể nhận ra ngay tiếng nói này của ai bất kể những tiếng động khác."

Người tù này mở vội một quyển sổ lớn bìa cứng, trên những trang giấy trong quyển sổ này vẽ chi chít những hình kỷ hà tượng trưng cho đặc tính của tiếng nói từng người.

Valentulya lại cầm cây hàn điện lên, chàng chỉ nói:

“Việc của anh làm chỉ là việc lẩm cẩm, không thể tin được.”

Chàng đứng sát vào bàn nhường lối cho Rubin đi qua. Rubin đi tới đứng cạnh bàn kỹ sư Gleb Nerzhin, người vừa gọi anh đến để nghe tiếng nói trong như tiếng chuông.

Lev Rubin và Gleb Nerzhin là hai người bạn thân, thông cảm nhau trong nhà tù này. Họ cùng yên lặng nhìn xuống trang giấy.

“Tiến bộ nhiều rồi đấy, Gleb” – Rubin nói nhỏ đủ cho một mình bạn anh nghe – “Cùng với ấn bản âm thanh, chúng ta sẽ có thể đi tới việc phát hiện những đặc tính của tiếng nói qua máy điện thoại.”

Chợt Rubin giựt mình:

“Cái chi vậy?”

Tiếng nhạc jazz lớn nhất trong phòng nhưng giữa những âm thanh kèn đồng rộn rịp ấy họ nghe thấy một tiếng nhạc khác. Tiếng nhạc này trong vắt như lúc có lúc không, phát ra từ chiếc radio nhỏ do họ làm lấy đặt trên thành cửa sổ sau lưng Nerzhin.

“Đó là một phép lạ” – Nerzhin nói – “bản Sonata thứ bảy trên D thứ của Beethoven. Không biết vì sao, chưa bao giờ… Nghe đi. Đừng nói.”

Hai người ghé tai vào chiếc radio nhưng tiếng nhạc jazz quá lớn làm họ khó chịu.

“Valentine…” - Nerzhin nói – “Làm ơn cho chúng tôi nghe. Chìu chúng tôi một chút.”

“Tôi đã chìu các anh nhiều quá rồu” – Valentine đáp – “Tôi đã ráp dây vào máy cho các anh. Nếu tôi tháo dây ra các anh sẽ không biết đường nào mà mò.”

Người thiếu nữ duy nhất trong phòng nhướng đôi lông mày:

“Valentine Martunich… Tắt máy của anh đi. Làm sao nghe được cả ba cái radio phát thanh cùng một lúc.”

Nàng nói câu này mặc dù nàng cũng thích nghe nhạc jazz như Valentine.

“Serafima Vitalyevna… Không thể được…”

Valentine buông cây hàn điện xuống bàn, chàng đứng vịn tay lên thành ghế và nói như người đang diễn thuyết trên diễn đàn:

“Một người trẻ tuổi, yêu đời như cô nhất định phải thích nghe nhạc jazz, điệu nhạc khỏe mạnh, bổ dưỡng tinh thần. Cô không nên thương hại vô lý những anh già bệnh hoạn. Cô phải nghĩ đến cô trước đã. Cô chưa bao giờ nhảy bản Blue Tango hay sao? Cô chưa bao giờ được nhìn thấy những bước lướt đi tuyệt diệu của Arkady Raikin? Nghĩa là cô chưa được biết những cái gì đẹp nhất mà loài người có thể tạo ra được. Đáng buồn cho cô hơn nữa là cô chưa từng bao giờ được sống ở Âu châu. Không ở đâu trên trái đất này cô có thể học sống thanh thoát bằng ở Âu châu. Tôi chân thành khuyên cô: cô nên yêu một người nào đó. Thật mà. Cô yêu ai cũng được, nhưng cô phải yêu. Yêu ai tùy cô, nhưng nhất định là phải yêu trước đã. Rồi cô sẽ thấy ánh sao sáng trong trời đêm mặc dù đêm không có sao, tiếng nhạc êm đềm trong không gian mặc dù quanh cô không có nhạc…”

Chàng say sưa nói và không để ý gì đến vành môi cay đắng mím chặt của người thiếu nữ.

“Hắn lại bốc đồng rồi” – Rubin nói – “Mình bắt buộc phải dùng đến sức mạnh.”

Và Rubin thò tay ra vặn tắt chiếc radio sau lưng Valentine.

Valentine quay phắt lại:

“Lev Grigorich… Ai cho phép anh…?”

Chàng cau mày và cố gắng làm ra vẻ đe dọa.

Tiếng nhạc sonata thứ bảy bay vút lên trong như tiếng suối. Trong phòng chỉ còn tiếng nhạc dân ca phát ra từ chiếc máy ở tít đầu kia.

Rubin xịu mặt xuống trước vẻ đe dọa hung hăng của chàng thanh niên, bộ râu đen còn vướng những vụn bánh của anh run run khi anh hỏi:

“Kỹ sư Pryanchikov. Anh có còn thắc mắc gì về Hiến chương Liên minh Đại Tây dương không? Anh đã viết di chúc chưa? Anh từ chối không chịu để lại cho ai đôi giày vải cũ của anh?”

Lời nhắc đến cái chết chung đó là một ước lệ bất thành văn của những tù nhân ở đây. Mỗi lần có người nổi nóng là người khác có bổn phận hỏi y một câu tương tự. Quả nhiên câu hỏi này có mãnh lực làm cho Pryanchikov dịu lại. Chàng nhìn vào mắt Rubin và dịu giọng:

“Anh làm tôi phát điên. Dù ở tù, ít nhất mình cũng phải có một chút tự do chứ.”

Có một người cất tiếng gọi Pryanchikov. Chàng lặng lẽ bỏ đi, nét mặt vẫn u buồn.

Rubin cũng lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế sau bàn làm việc dành riêng cho anh cạnh bạn của Gleb Nerzhin. Anh vội vã chú tâm nghe nhạc nhưng tiếng nhạc đang êm đềm bỗng tắt ngang, mất hẳn không ngờ, như một bài diễn văn bị cắt đứt ở giữ một tiếng. Bản sonata thứ bảy tiêu tan luôn.

Rubin thốt ra một tràng chửi thề trong bộ râu, những tiếng chửi thề này chỉ có một mình Gleb Nerzhin nghe hiểu.

“Làm ơn đánh vần giùm, tôi nghe không kịp.”

Gleb nói đùa nhưng không cười. Gleb Nerzhin và Lev Rubin ngồi đâu lưng vào nhau. Họ quen nói nhỏ với nhau mà không ai quay lại. Họ có thể nói với nhau cả tiếng đồng hồ mà người ngồi xa họ vẫn không hiểu.

“Tôi thật không may…” – Rubin dằn giọng – “Thế là tôi mất dịp nghe bản nhạc tôi chưa từng được nghe bao giờ.”

“Đó lại tại vì anh sống không có tổ chức. Đã bao lần tôi nói với anh điều ấy?...”

Gleb Nerzhin nói như người nói một mình. Trước đó vài phút anh hào hứng, hăng hái thâu tiếng nói của Pryanchikov để thí nghiệm, nhưng bây giờ anh âu sầu và mệt mỏi:

“Bản sonata của Beethoven là một bản nhạc tuyệt vời. Nhưng tại sao nhạc sĩ không đặt cho nó một cái tên như tất cả những bản nhạc khác? Như “Nhạc khúc rực rỡ” chẳng hạn. Đúng lắm chứ. Tất cả những gì chứa đựng trong nó sáng lên, long lanh – tốt và xáu, vui lẫn buồn, như trong cuộc đời. Và cũng như cuộc đời… nó không có đoạn kết… Có thể gọi là “Nhạc đời” Anh làm gì mà đến muộn vậy?”

“Tôi dự lễ Giáng sinh với những người bạn Đức.”

“Tốt”, Gleb nghĩ thầm và nói:

“Tôi mến thái độ của anh đối với bọn họ. Hay lắm. Tôi biết anh vẫn dành nhiều thì giờ để dạy chàng Max học tiếng Nga trong lúc anh có đủ các lý do để thù hận họ.”

“Thù hận? Không, tôi không thù hận gì họ nhưng tôi cũng phải nói rằng cảm tình trước đây của tôi đối với họ đã mờ đi nhiều. Ngay cả anh chàng Max, dù trước đây không biết gì đến chính trị, cũng phải chịu chung trách nhiệm với bọn giết người. Ít nhất chúng ta cũng đã không làm gì để ngăn cản bọn giết người.”

“Cũng như chúng ta giờ đây, chúng ta không làm gì hết để ngăn cản Abakumov và Shishkin – Myshkin.”

“Anh nghe tôi… lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng… tôi là người Do Thái nhưng tôi cũng là người Nga. Và tôi tuy là người Nga nhưng tôi cũng là một công dân của thế giới!”

“Hay lắm. Công dân thế giới. Nghe có vẻ hiền lành và không khát máu chút nào.”

“Vì là công dân thế giới, họ có lý khi họ bỏ tù chúng ta.”

“Tất nhiên là họ có lý rồi. Vậy mà anh vẫn cứ cố gắng làm cho Hội đồng Xô Viết tối cao thấy rằng họ sai.”

Chiếc radio trên thành cửa sổ đang loan bản tin thành tích thi đua gia tăng năng suất trong ngày. Gleb Narzhin đưa tay ra lạnh lùng vặn nút radio, làm mất đi giọng nói khàn khàn của xướng ngôn viên. Khuôn mặt mệt mỏi của Gleb có màu xanh tái.

Valentine Pryanchikov lúc này đã đặt hết tâm trí vào một công việc mới. Chàng vừa làm việc vừa hát như một kẻ tự do, không ưu tư và bất cần đời…

Boogie-woogie… boogie-woogie
Samba! Samba!


5. Một cuộc sống êm đềm

Gleb Nerzhin cùng tuổi với Valentine Pryanchikov nhưng trông anh có vẻ già hơn nhiều. Mái tóc hung hung đỏ của anh không thưa và cũng chưa bạc, song trên khuôn mặt mệt mỏi của anh đã có nhiều vết nhăn đậm, những vết nhăn xúm xít ở hai đuôi mắt anh, ở hai bên mép anh và trên trán anh có nhiều đường nhăn dài. Nước da anh như phai màu vì cuộc sống thiếu ánh nắng và gió. Nhưng thực ra chính là vì vẻ hà tiện cử chỉ làm cho anh có vẻ già – tiết kiệm cử chỉ là một thái độ mà thiên nhiên đã dạy cho những người sống lâu năm trong tù để có thể có đủ sức chống chọi lại với chế độ tàn nhẫn của những trại tập trung. Thực ra, sống trong nhà tù đặc biệt này, tù nhân được tương đối tự do, được ăn thịt và năng lực không bị tiêu mất vì những công việc lao động chân tay nặng nhọc. Nerzhin không cần phải tiết kiệm cử chỉ nhưng anh biết rõ hơn ai hết tình trạng bấp bênh đầy bất ngờ của bạn tù của anh ở đây nên anh vẫn tiết kiệm để đề phòng, anh muốn thái độ đó trở thành một thói quen thường trực của anh.

Từng chồng sách vở và hồ sơ dựng lên trên mặt bàn của anh, ngay cả phần mặt bàn dành để làm việc cũng bị hồ sơ xâm lấn, lẫn vào đó là những bản đánh máy, những tập san Nga và ngoại quốc – tất cả đều mở. Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy trên cảnh hỗn độn, vô trật tự của mặ bà này dấu vết để lại của cơn bão lốc tư tưởng khoa học.

Nhưng thực ra, cảnh đó chỉ là một bộ mặt che đậy. Nerzhin dàn cảnh đó mỗi ngày đề phòng những viên chức có quyền kiểm soát trong nhà tù này bất ngờ đến bàn anh xem anh đang làm gì.

Ngay lúc này, anh không để mắt tới những gì được bày trên bàn anh. Anh đã kéo tấm màn che cửa sổ hở ra và anh nhìn qua đó ra vùng tối đen bên ngoài. Xa kia trong nền trời đêm âm u, ánh sáng của Mạc Tư Khoa lấp lánh, thành phố bị che khuất vì một ngọn đồi, sáng như một cột ánh sáng mờ khổng lồ làm cho nền trời trở thành có màu nâu sậm.

Chiếc ghế ngồi đặc biệt của Nerzhin, chiếc ghế có lò xo mắc vào thành để người ngồi có thể ngả người được một cách thoải mái, cái bàn bằng sắt có nhiều ô kéo không phải là kiểu bàn được chế tạo trong Liên bang Xô Viết cùng chỗ ngồi nhìn ngay ra cửa sổ phía nam của Nerzhin có thể là những bằng chứng cho những người quen thuộc với lịch sử biết rằng anh là một người lập nên nhà tù này, hoặc nói một cách khác, anh là tù nhân đầu tiên trong số những tù nhân đầu tiên được đưa tới làm việc ở đây.

*

Nhà tù đặc biệt này lấy tên làng Mavrino ở gần đây, làng này từ lâu đã bị sáp nhập vào vùng ngoại thành Mạc Tư Khoa. Những nhà tù đặc biệt kiểu này được lập lên vào một đêm tháng Bảy cách đây đã ba năm. Thoạt đầu, người ta lựa trong những trại tập trung từng toán khoảng mười lăm người đưa về sống trong một tòa nhà nào đó ở vùng Mạc Tư Khoa, chung quanh tòa nhà này đã được rào bằng dây thép gai. Những nhà tù đặc biệt thời ấy được gọi là nhà tù thời “Krylov” và được người ta nhớ lại như một thời dễ chịu hơn bây giờ nhiều. Thời đó ở đây buổi tối tù nhân có thể được tự do đi quanh quẩn ở khu vực bây giờ là “khu cấm”. Đó là khu bãi cỏ nằm giữa lối đi chung quanh nhà và hàng rào dây thép gai. Khu này có cỏ xanh, mặc dù luật bắt phải cắt hết cỏ chung quanh nhà tù đi vì bọn tù có thể ban đêm, bò trên cỏ đến hàng rào nhưng ở đây người ta vẫn để nguyên cỏ. Trong thời mới thành lập nhà tù đặc biệt Mavrino, ban đêm những tù nhân đi dạo thường trông thấy Zhvakun, một trung sĩ chuyên gác đêm, mồ hôi mồ kê vẫn những khúc gỗ do y lấy cắp được của đống gỗ trong nhà tù, luồn ra dưới hàng rào dây thép gai để đem về nhà làm củi đun.

Trong thời gian đầu, không một ai, kể cả những cai ngục, trong nhà tù Mavrino biết rõ về mục đích khoa học của nhà tù, nghĩa là không ai biết những khoa học gia được đưa về đây sẽ làm gì, nghiên cứu gì? Suốt ngày tù nhân bận rộn với việc tháo, mở những thùng cây đóng kín được hai chuyến xe hỏa chở tới. Trong những thùng cây đó họ lấy ra những dụng cụ, máy móc về âm thanh, vô tuyến, điện thoại, những bộ máy siêu tần số đã lạc hậu và hư hỏng, nhiều máy thiếu mất những bộ phận quan trọng nhất. Về sau người ta được biế đó là những dàn máy những dụng cụ âm thính học do quân đội Nga tịch thu được của người Đức ở Bá Linh và gửi về, nhưng những dụng cụ điện tử tối tân nhất cùng những tài liệu về những dụng cụ này đã bị những tù binh Đức lo việc đóng thùng, vô thùng phá hủy, lấy đi mất trong khi gã Đại úy mật vụ được phái đến chỉ huy vụ này suốt ngày mò mẫm đi khắp vùng Bá Linh để tìm bàn ghế, giường tủ bằng gỗ quý gửi về cho các sĩ quan thượng cấp và cho chính nhà gã. Tất nhiên là những đồ đạc này cũng được coi là chiến lợi phẩm. Gã đại úy này biết rành về bàn ghế, giường tủ hơn là biết về dụng cụ âm thanh học.

Trong khoảng một năm trở lại đây, cỏ trong vườn bao quanh nhà đã bị cắt. Khung cửa sắt từ nhà ra khu vường nơi những tù nhân tập thể dục luôn luôn đóng khóa và có lính gác. Nhà tù đặc biệt Mavrino được chuyển từ quyền tài phán của Béria sang quyền tài phán của Abokumov và mọi người trong nhà tù này được đặt vào việc nghiên cứu âm thanh để chế tạo những máy điện thoại riêng cho Stalin và dò xét những cuộc điện đàm bí mật. Việc nghiên cứu này được giới hạn trong vòng một năm nhưng đã kéo dài đến hai năm mà vẫn chưa có kết quả đáng kể. Cuộc nghiên cứu mỗi ngày một trở thành rộng hơn, phức tạp hơn kéo theo nhiều công tác phụ thuộc khác. Giờ đây trên bàn giấy Rubin và Nerzhin, cuộc nghiên cứu đa đi đến giai đoạn tìm cách nhận ra tiếng nói đặc biệt của một người qua máy điện thoại và khám phá ra có những gì làm cho tiếng nói của con người không thể lẫn lộn được với nhau.

Trước họ, chưa có ai thực hiện cuộc nghiên cứu thí nghiệm này. Họ không tìm thấy một báo cáo, một tài liệu nhỏ nào có sẵn liên can đến việc họ tìm tòi. Họ được cho thời hạn sáu tháng để hoàn thành và sau đó được nới thêm sáu tháng nữa. Họ tiến triển chậm và giờ đây, thời gian còn lại của họ đã gần hết.

Bị ám ảnh sự thúc bách này, Rubin than:

"Không biết sao đêm nay tôi không muốn làm việc chút nào."

"Lạ nhỉ?" – Nerzhin nói – "Anh chỉ mới tham dự chiến tranh có bốn năm, mới ở tù có năm năm mà anh đã mệt mỏi rồi sao? Anh nên đi nghỉ vài tháng ở Crimea [2] ."

Họ yên lặng.

"Phải anh đang bận làm việc riêng không?" Rubin thản nhiên hỏi.

"Có thể." Nerzhin trả lời mơ hồ.

"Vậy thì ai sẽ là người làm cuộc nghiên cứu tiếng nói?"

"Nói thật với anh tôi trông cậy ở anh."

"Kỳ cục thật, tôi cũng đang trông cậy ở anh."

"Anh là người không có lương tâm. Anh đã mượn được bao nhiêu sách ở thư viện Lenin nhờ công việc này? Theo tôi biết sơ thì quyển Diễn văn của những luật sư danh tiếng. Hồi ký của Koni, quyển Người nghệ sĩ chuẩn bị của Stanishlavky. Làm gì có người tù thứ hai nào trên khắp liên bang này được đọc một số sách như anh."

Rubin trề môi ra, cái trề môi này luôn luôn làm cho khuôn mặt anh trở thành khôi hài:

"Kể cũng buồn cười. Tôi đọc tất cả những quyển sách mượn được đó cùng với một người nữa ở đây, nhiều khi người đó đọc sách ngay trong giờ làm việc. Hình như người đó là anh, phải không nhỉ?"

"Đúng là tôi. Đáng lẽ phải làm việc thì tôi bắt chước anh ngồi lén đọc sách. Ngay cả đêm nay nữa, đáng lẽ ra tôi phải làm việc rất hăng, nhưng đêm nay tôi không làm việc được vì có hai việc ám ảnh tôi. Một việc thuộc về dĩ vãng. Tôi đang bận tâm vì một số những tấm ván lát nền một tòa nhà."

"Những tấm ván lát sàn tòa nhà nào?"

Rubin có vẻ ngạc nhiên khi anh hỏi bạn câu trên.

"Một tòa nhà ở cổng Kaluga" – Nerzhin âu sầu đáp – "một tòa nhà được xây dựng trên cho nhân viên chính phủ ở. Tôi nhớ rõ đó là tòa nhà hình tròn có cái tháp cũng tròn. Năm 1945, tôi ở trong số tù nhân được đưa đến xây tòa nhà đó. Năm đó tôi chỉ là một anh thợ tập việc. Tôi phụ trách việc lát những tấm ván làm sàn nhà. Mới hôm nay tôi được tin là Roitman đang ngụ trong tòa nhà đó. Tôi nhớ lại những sàn phòng do tôi dựng lên ở đó và tôi thắc mắc nhiều vì việc những sàn phòng đó bị hở, hoặc kêu khi chân người dẫm lên. Nếu sàn phòng hở hoặc kêu là do người thợ làm sàn không được rành nghề. Tôi thắc mắc nhưng không có cách nào được biết rõ, mà có được biết rõ, tôi càng khổ sở thêm, vì tôi không có cách nào sản xuất được khuyết điểm ấy."

"Anh thắc mắc là phải. Chuyện cả anh đúng là một cơn ác mộng. Còn việc thứ hai?"

"Việc thứ hai là: chúng ta có thể làm việc được trong đêm thứ bảy không khi ta biết rằng chủ nhật là ngày chỉ có những người tự do mới được nghỉ làm việc?"

Rubin thở dài:

"Ngay cả lúc này, khi chúng ta ngồi đây, những viên chức tự do đang ở những chỗ giải trí vui vẻ. Tình trạng này quả là khó chịu."

"Nhưng họ có đến được những nơi xứng đáng hay không, họ có được hưởng gì ở cuộc đời này nhiều hơn chúng mình không? Đó mới là vấn đề."

Họ nói chuyện nồng nàn nhưng thói quen giữ bí mật của những tù nhân vẫn làm cho họ giữ được tình trạng nói chuyện với nhau mà người ngồi gần họ nhất là Serafima Vitalyevna, người thiếu nữ gày gò với khuôn mặt nghiêm trọng, một viên chức tự do, vẫn không nghe được tiếng họ nói.

Bây giờ hai người bạn tù ngồi hơi nghiêng mặt về cùng một phía. Họ cùng nhìn ra cửa sổ về khu cấm bên ngoài nhà giam, họ không nhìn thấy nhưng cảm biết tháp canh đứng sừng sững trong vùng đêm tôi, họ nhìn thấy những ánh đèn trong sương mờ và cột sáng bốc lên nền trời đêm từ thành phố xa.

Nerzhin, mặc dù là một nhà toán học, không xa lạ gì với địa hạt ngôn ngữ học. Kể từ ngày Viện Nghiên cứu khoa học Mavrino – một tên khác của chủ nhà tù đặc biệt này – bắt đầu mở cuộc nghiên cứu về âm thanh ngôn ngữ Nga, Nerzhin đã được xếp sắp làm việc chung với Rubin, nhà ngôn ngữ học duy nhất ở đây. Trong hai năm trời, họ đã ngồi gần nhau, dâu lưng vào nhau mười hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và cũng ngay từ những ngày đầu gần nhau, họ đã khám phá ra họ có nhiều điểm giống nhau: cả hai cùng nhập ngũ và chiến đấu trên mặt trận, họ cùng ở mặt trận miền Tây Bắc và cả hai cùng có một số huy chương giống nhau, họ bị bắt ở trên mặt trận cùng trong một tháng và cùng do một trung đội mật vụ Smersh – những người đi bắt Rubin cũng là những người đến bắt Nerzhin – họ cùng bị bắt dưới tinh thần một sắc luật gồm mười điều – mười điều này có thể áp dụng trong tất cả mọi trường hợp, có thể dùng để kết tội và để bắt tất cả mọi người. Và cả hai người cùng bị xử tù mười năm. Thực ra, gần như tất cả mọi người bị bắt đều bị án tù mười năm. Sự khác biệt giữa họ chỉ là việc họ hơn kém nhau sáu tuổi – Nerzhin trẻ hơn Rubin – và Nerzhin là đại úy và Rubin là thiếu tá khi họ bị bắt. Họ nghĩ rằng rất có thể trước cuộc Thế chiến xảy ra Nerzhin từng đến nghe giáo sư Rubin giảng ít nhất là một lần trong trường đại học.

Hai người im lặng nhìn ra trời đêm một lúc lâu.

Rồi Rubin buồn rầu:

"Anh không có điều kiện để trau dồi kiến thức. Đó là điều làm tôi lo nhất."

"Tôi không cần trau dồi kiến thức như ý anh, tôi không muốn hiểu ý nghĩa của cuộc sống, của vật chất. Ở đời này thiếu gì người hiểu biết nhưng có ích lợi gì đâu?"

"Tôi có quyển sách này, anh nên đọc."

"Hemingway? Phải chăng đó lại là một quyển sách viết về đời sống của những con bò rừng bị người ta đẩy vào đấu trường ở Tây Ban Nha?"

"Không."

"Về những con sư tử bị người ta tàn sát ở Phi châu?"

"Cũng không nữa?"

"Đến cả chuyện người tôi cũng còn không cần biết, tôi cần biết làm chi đến chuyện bò rừng, chuyện sư tử?"

"Anh cần phải đọc quyển sách này."

Nerzhin gằn giọng:

"Tôi không cần phải làm bất cứ việc gì hết. Anh cần nhớ như thế. Tôi đã trả hết nợ nần của tôi đối với xã hội, với cuộc đời, như anh bạn của bọn mình là Spiridon đã nói."

Rubin vẫn quả quyết:

"Anh phải đọc. Đây là một quyển sách giá trị nhất trong những quyển sách giá trị nhất của thế kỷ hai mươi."

"Sách này liệu có thể đem lại cho tôi những gì tôi đích thực cần biết không? Tác giả nó có quả thật đã giải thích được sáng tỏ những gì đã làm cho loài người hoang mang, bối rối không?"

"Hemingway là một nhà văn thông minh, tinh thần tốt và vô cùng lương thiện. Ngoài ra, ông ta còn là một chiến sĩ, một người đi săn, một người bắt cá giỏi, ông thích rượu và thích đàn bà, ông yêu nhiều và sống thực bất kể những giả dối của đời, một người đàn ông đơn giản, một nhà văn rất người, ông có cái ngây thơ của một thiên tài…"

"Thôi đi bạn…"

Nerzhin cười nhẹ:

"Tôi đã sống qua ba mươi năm trời không có Hemingway và tôi còn cố sống được ít năm nữa. Trước đây anh đã thuyết phục tôi đọc Capek, rồi Fallada. Đời tôi đã tan nát đủ rồi, đừng làm cho nó tan nát thêm. Tôi cần tự mình tìm một hướng đi cho đời tôi mà không có sự chỉ bảo của bất cứ ai, nhất là của mấy ông văn sĩ."

Nerzhin quay lại để ngồi thẳng vào bàn.

Rubin thở dài. Anh không nói nữa nhưng anh vẫn không cảm thấy hăng hái làm việc.

Anh nhìn lên tấm bản đồ Trung Hoa lục địa đặt trên ngăn kệ sắt. Anh cắt tấm bản đồ này từ một tờ nhật báo và dán no lên mộtmiếng giấy dầy. Suốt năm ngoái anh dùng viết chỉ đỏ ghi lên đấy bước tiến của quân đội Trung Hoa cộng sản và giờ đấy, sau khi quân đội đó thắng lợi hoàn toàn, anh để tấm bản đồ trước mặt anh để trong những lúc thất vọng và mệt mỏi, nó làm cho anh phấn khởi.

Nhưng đêm nay nỗi buồn rầu tràn đầy trong tâm hồn Rubin, khối chiến thắng lớn ở Trung Hoa cũng không làm cho anh vui lên được.

Nerzhin, thỉnh thoảng lại đưa đoạn cuối của cây viết bằng plastic lên môi, ngồi yên suy nghĩ, rồi anh viết những hàng chữ nhỏ, thanh thanh lên một tờ giấy dấu trong đống giấy tờ bừa bộn trên bàn:

Tôi nhớ lại một đoạn Marx nói (tôi khó tìm được đoạn này), rằng giai cấp vô sản chiến thắng có thể sống mà không cần tước đoạt hết tài sản tư hữu của giai cấp tiểu địa chủ. Điều này có nghĩa là Marx nhìn thấy một biện pháp kinh tế nào đó châp nhận sự có mặt của giai cấp nông dân trong chế độ xã hội mới. Tất nhiên là Người Cày đã không chịu tìm con đường mà Marx đã nói đến đó trong năm 1929. Nhưng tại sao ta lại hy vọng một người như hắn nghĩ ra một điều gì giá trị và tỏ ra thông minh? Khi một anh đồ tể đi làm thầy thuốc chữa bệnh… [3]

Phòng Thí nghiệm và nghiên cứu âm thính sống với nhịp sống thường đêm của nó. Có tiếng động cơ ngừng nổ và tiếng người ra lệnh: “Chạy máy kia… Tắt máy này!” Tiếng nhạc du dương phát ra từ những chiếc radio. Có người nào đó hỏi xin một ống điện 6K7.

Nhân một lúc không có ai nhìn mình, Serafima Vitalyevna chăm chú nhìn Nerzhin, anh này vẫn cúi xuống viết những hàng chữ nhỏ xíu lên trang giấy.

Thiếu tá an ninh Shikin đã ra lệnh cho nàng phải theo dõi từng cử chỉ của tù nhân này.


6. Trái tim một người đàn bà

Serafima Vitalyevna nhỏ bé đến nỗi người ta không thể không gọi nàng là “Simochka”. Nàng bận bộ y phục bằng vải len dày, choàng chiếc khăn len ấm trên vai và nàng là một trung úy thuộc Bộ An ninh quốc gia.

Tất cả những viên chức tự do làm việc trong Viện Nghiên cứu này đều là sĩ quan an ninh.

Những viên chức tự do, theo những đạo luật do Staline ban hành áp dụng trên khắp lãnh thổ Liên ban Xô Viết có rất nhiều quyền lợi. Trong số này có cái quyền được làm việc. Tuy vậy, quyền này chỉ giới hạn trong có tám tiếng đồng hồ một ngày và sự làm việc của họ không có tính cách sáng tạo, họ chỉ có việc kiểm soát những tù nhân. Bọn tù, để bù lại tình trạng bị tước đoạt tất cả những quyền khác, được hưởng quyền làm việc rộng rãi hơn: quyền làm việc mười hai tiếng đồng hồ một ngày. Những viên chức tự do thay phiên nhau có mặt tuần tự ở khắp các phòng thí nghiệm và vì vậy, bọn tù bị kiểm soát liên tục không ngừng kể cả trong bữa ăn sáng, tức là từ 6 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm.

Đêm nay, Simochka đến phiên đi làm đêm. Trong Phòng Nghiên cứu âm thính, người thiếu nữ nhỏ bé như con chim này là nhân vật duy nhất đại diện cho chính quyền, cho hành pháp.

Theo những điều luật, nàng có mặt để bắt bọn tù phải làm việc chứ không được ngồi chơi, nói chuyện láo, để họ không được dùng những dụng cụ trong phòng vào việc chế tạo vũ khí, đặt mìn phá hoại, đào đường hầm ra ngoài và nhất là để họ không thể dùng những bộ phận truyền thanh để chế máy thâu phát thanh liên lạc với Tòa Bạch ốc. Tới mười một giờ thiếu mười phút, nàng có bổn phận thâu lượm tất cả những tài liệu tối mật cất vào tủ sắt và sau cùng, đóng cửa và khóa cửa phòng. Trước khi về, nàng còn phải niêm phong cửa phòng để không một ai có thể lén vào phòng được.

Simochka mới tốt nghiệp khóa kỹ sư truyền tin được nửa năm và nàng được phái ngay về Viện Nghiên cứu khoa học tối bí mật này để làm việc nhờ hồ sơ an ninh trong vắt của nàng. Viện Nghiên cứu này, vì những lý do an ninh, có một con số để gọi thay tên nhưng những tù nhân vẫn cứ gọi bậy là nhà tù. Những viên chức được nhận làm việc ở đây lập tức được hưởng quy chế đặc biệt, họ được lãnh lương cao hơn, nhiều phụ cấp hơn những công chức thường. Họ được hưởng phụ cấp về cấp bậc, phụ cấp quân phục và người ta chỉ đòi hỏi họ có sự trung thành và mẫn cán.

Sự kiện ở đây người ta không ai hỏi gì đến những khả năng chuyên môn về khoa học của Simochka là một may mắn cho nàng. Không phải chỉ riêng nàng mà thôi, rất nhiều cô bạn cùng tốt nghiệp với nàng đều không hiểu biết gì hết về khoa học. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Những thiếu nữ như Simochka tuy có học hết chương trình trung học nhưng rất kém căn bản Toán và Vật lý. Khi vào đại học, các cô được biết rằng trong những phiên họp ông Viện trưởng thường bất mãn với các giáo sư cho sinh viên điểm kém, và các cô còn biết rằng sinh viên chẳng cần học gì hết vẫn được chứng chỉ tốt nghiệp như thường. Ở Viện Đại học, mỗi lần có thì giờ học về Toán và kỹ thuật vô tuyến truyền tin, các cô lạc lõng như những người mò mẫm trong rừng rậm. Những thì giò dành cho việc học chuyên môn này rất ít, ít đến gần như hoàn toàn không có. Cứ mỗi một mùa các sinh viên lại rời trường để về các nông trại tập thể sinh hoạt canh tác mất chừng một tháng. Ở những nông trại này các sinh viên đi lượm khoai tây, cà rốt. Vì những tháng sinh hoạt canh tác này, khi trở lại trường, họ phải ngồi nghe giảng liên tiếp từ tám giờ đến mười giờ một ngày trong suốt năm, họ không còn thì giờ để học bài và thực tập những gì họ học được. Ngoài ra họ phải dự những buổi học tập chính trị mỗi tối thứ hai trong tuần, mỗi tuần ít nhất họ cũng phải dự một cuộc thảo luận về một vấn đề chính trị nào đó. Rồi họ còn phải làm những công tác xã hội: phát truyền đơn, tổ chức hòa nhạc, diễn kịch. Họ còn phải làm nhiều việc riêng cho họ, tắm rửa, trang điểm, đi mua hàng, may y phục. Đó là chưa kể đến việc đi coi xi nê, đi coi hát, đi nhảy. Nếu một người con gái không được vui chơi trong những năm còn đi học, người con gái đó sẽ suốt đời không còn biết vui chơi là gì. Khi đi thi Simochka và những cô bạn cùng học của nàng viết những bài giải vào những mảnh giấy dấu vào những nơi mà đàn ông không có quyền khám và trong giờ thi, họ lấy ra những mảnh giấy nào mà họ cần, vuốt thẳng và đàng hoàng đặt lên bàn như tờ giấy nháp. Những vị giám khảo tất nhiên là có thể khám phá ra ngay sự ngu dốt của những nữ sinh viên, nhưng chính họ cũng tối tăm mặt mũi vì cả trăm phiên họp ủy ban, liên ủy ban, học ập chính sách giáo dục, kiểm thảo vì những chương trình kế hoạch, vì những báo cáo thành tích. Họ không thể có thì giờ để kiểm soát các nữ sinh viên nhiều hơn. Nhất là sau một cuộc thi, khi số nữ sinh viên bị đánh hỏng nhiều, không những chỉ những giáo sư bị chỉ trích mà thôi, cả những giám khảo cũng bị kết tội là… phá hoại. Không ai muốn nghe thấy hai tiếng phá hoại. Trong xã hội cộng sản, chỉ có thành công chứ không có thất bại, nhất là không thể có chuyện sinh viên dốt. Những vị giám khảo không tìm cách đánh hỏng thí sinh, ngược lại, họ tìm cách cho thí sinh đậu thật nhiều, càng đậu nhiều chừng nào càng tốt cho họ chừng ấy.

Trong những ngày học cuối cùng. Simochka và nhiều cô bạn cùng học thấy rằng họ không yêu nghề chuyên môn này chút nào, họ thấy đó là một nghề đáng nản, không chút hào hứng, nhưng lúc này đã muộn quá rồi họ không còn có thể thay đổi được nữa. Nhiều lúc Simochka run sự khi nghĩ đến chuyện nàng sẽ phải làm cái nghề này suốt đời.

Rồi nàng được phái về Mavrino. Nàng sung sướng khi thấy người ta không đặt nàng vào việc nghiên cứu, và nàng run sợ khi biết đây là một Viện Nghiên cứu khoa học đặc biệt gồm toàn những tù nhân bị bắt buộc phải làm việc. Cùng được biệt phái tới Mavrino với Simochka còn có chín cô bạn khác cùng tốt nghiệp một khóa với nàng. Các cô được người ta cho biết rằng công tác mà các cô sắp làm đầy quan trọng và nguy hiểm hơn là những công tác trong thời chiến, cá cô sẽ phải sống trong một ổ rắn độc trong đó mỗi lỡ lầm, mỗi sơ xuất đều có hậu quả tai hại vô cùng. Các cô được nói cho biết rằng các cô sắp tới phục vụ ở một nơi có những tên bất lương thuộc hạng hạ tiện nhất của xã hội, những tên không xứng đáng được nói tiếng Nga. Các cô được cảnh cáo rằng những tên phản quốc đó nguy hiểm vô cùng vì chúng không bao giờ để lộ bộ mặt thật đê tiện, bỉ ổi của chúng ra, trái lại, chúng giấu diếm mặt thật của chúng dưới mặt nạ lịch sự, hiền lành, học thức. Nếu có ai hỏi chúng về những tội lỗi mà chúng đã làm – việc này bị cấm chỉ, các nữ đồng chí tuyệt đối không được hỏi – chúng sẽ chối tội với những lời lẽ khéo léo và nghe chúng kể lể, người ta sẽ có thể lầm tưởng rằng chúng bị oan, chúng đóng vai nạn nhân rất giỏi. Tuy vậy, đối với những con rắn độc ấy, các cô không nên tỏ ra ác cảm với chúng, các cô không nên trút thù hận lên đầu chúng, thái độ đúng nhất của các cô là đối xử bình thản với chúng, không bao giờ nói với chúng bất cứ một chuyện gì ngoài chuyện công việc đang làm, không làm giùm chúng bất cứ một việc gì, nhất là việc nhắn tin ra ngoài hay đưa tin từ ngoài vào cho chúng – và mỗi khi thấy có sự vi phạm, hoặc ngờ có vi phạm, hoặc thấy có thể có sự vi phạm, các cô phải lập tực báo cáo ngay với sĩ quan an ninh, thiếu tá Shikin.

Thiếu tá Shikin là một người đàn ông hơi thấp, vạm vỡ, tự coi mình là quan trọng và luôn luôn quan trọng hóa mọi việc. Ông có cái đầu lớn, mái tóc xám cắt ngắn và hai bàn chân nhỏ nằm trong đôi giầy như giầy học sinh. Trong khi giải thích cho những nữ viên chức mới đến trách vụ của họ và nhân cách hạ tiện của bọn tù nhân. Thiếu tá Shikin nói rằng với một người nhiều kinh nghiệm như ông, bọn tù nhân không thể lừa dối, che đậy được ông điều gì, ông nhìn thấu trái tim rắn độc của chúng nhưng trong số những nữ viên chức mới tới này rất c53 có người mủi lòng xót thương số phận của chúng, người đó sẽ có thể dại dột phạm lỗi vì lòng nhân từ như mượn giùm cho tên tù một quyển sách từ thư viện bên ngoài mang vào, gửi giùm một bức thư, và ông nhấn mạnh: bất kể thư gửi cho Maria hay Tania, tất cả những lá thư đó đều được chuyển đến cho bọn gián điệp ngoại quốc… Và bổn phận của các nữ đồng chí là… ngoài việc kiểm soát bọn tù nếu thấy chị em nào dại dột vi phạm như trên phải lập bức báo cáo ngay. Báo cáo như vậy tức là giúp cho đồng chí bạn khỏi sa vào lẫm lỗi nặng hơn.

Tất nhiên là họ phải báo cáo với thiếu tá Shikin.

Sau cùng, thiếu tá Shikin cũng không quên nói cho các nữ viên chức biết rằng phạm tội tư tình với tù nhân sẽ bị trừng phạt như một trọng tội, can phạm sẽ bị đưa ra Tòa án Quân sự và sẽ có thể bị phạt tù khổ sai hai mươi lăm năm.

Những nữ sinh viên mới ra trường không cô nào không run khi nghĩ đến tương lai đen tối đang chờ đợi họ. Vài cô rơm rớm nước mắt. Nhưng sự nghi ngờ đã được gieo vào lòng họ. Sau buổi nghe giải thích ấy, không cô nào bàn tán về những chuyện họ được nghe nói để khỏi phải bày tỏ những ý nghĩ của mình.

Buổi sáng đầu tiên Simochka theo thiếu tá kỹ sư Roitman bước vào Phòng Nghiên cứu âm thính, nàng có cảm giác như nàng đi vào chỗ chết, trong vài phút đàu nàng như người sắp ngã ngất, nàng ngẩn ngơ không ghi nhận được gì hết ở quanh nàng.

Kể từ buổi sáng đó, sáu tháng trời đã trôi qua và có một sự kiện khủng khiếp đã xảy đến với Simochka. Không những niềm tin rằng chế độ Xô Viết luôn luôn bị bọn đế quốc phá hoại đã tan vỡ ở trong nàng, nàng còn không tin rằng tất cả những nhà khoa học bị cầm tù ở đây đều là những người đê tiện phản bội nhân dân, làm những âm mưu có hại cho tổ quốc. Thoạt đầu nàng cho rằng chỉ những tù nhân làm việc ở những phòng khác mới là bọ đê tiện, bọn phản bội. Mỗi ngày, nàng ở gần mười hai tù nhân trong Phòng Nghiên cứu âm thính và nàng thấy họ lạnh lùng, thản nhiên với tự do và tù đày, nhận chịu số mệnh của họ, bình tĩnh sống trước những hạn tù mười và hai mươi lăm năm, nàng tthấy họ đều là những khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên, và họ chỉ chú tâm vào công việc – dù đó không phải là việc họ tự ý làm, việc không có nghĩa lý gì đối với họ, việc không đem lại cho họ một đồng thù lao hay một chút vinh quang nào – nàng cố gắng nhưng nàng vẫn không sao có thể nhìn họ như những tên phản bội đê hèn mà nàng từng thấy trong những tuồng hát, những phim ảnh, những tên sau cùng bao giờ cũng bị những nhân viên phản gián thông mình và can đảm lột mặt nạ.

Sống giữa họ Simochka không thấy sợ hãi chút nào. Nàng cũng không sao có thể thù ghét được họ. Những người này chỉ làm cho nàng kính trọng họ, vì họ có tái, vì họ hiểu biết, vì họ can đảm thẳng thắn chịu đựng số mệnh không may của họ. Và mặc dù lương tâm trách nhiệm của nàng, tình yêu tổ quốc của nàng đòi hỏi nàng phải báo cáo tất cả những vi phạm dù nhỏ nhít, dù vô tình hay hữu ý, của những tù nhân này với sĩ quan an ninh, rất sớm Simochka đã thấy rằng trách nhiệm, cũng như bổn phận, là một cái gì đáng ghét và không nên làm tròn.

Đặc biệt là nàng không sao làm tròn trách nhiệm dò xét và báo cáo những hành vi của Gleb Nerzhin, người ngồi gần nàng nhất.

Simochka làm việc dưới sự chỉ dẫn chuyên môn của Nerzhin. Nàng thực hiện những cuộc nghiên cứu, thí nghiệm nhỏ về tiếng nói. Ở Mavrino người ta tìm mức độ trung thực của tiếng nói khi được truyền đi qua điện thoại với nhiều máy điện thoại khác nhau.

Nerzhin nghiên cứu về tiếng nói trên bình diện toán học. Cuộc nghiên cứu và thí nghiệm chung của Nerzhin và Simochka đem lại kết quả tốt. Nerzhin đã viết được một báo cáo nhiều trang ghi lại kết quả này. Mỗi khi hai người bị du vào tình trạng có quá nhiều việc phải làm. Nerzhin quyết định thật nhanh chóng và sáng suốt những việc gì cần phải làm trước và những việc gì có thể hoãn lại. Trong những giây phút phải quyết định đó, khuôn mặt Nerzhin trở lại trẻ trung và Simochka tưởng tượng lại những cảnh chiến tranh mà nàng thấy trên màn bạc, nàng thấy hiện ra trước mắt hình ảnh Nerzhin trong bộ quân phục với cấp bậc đại úy trên cổ áo, mái tóc hung của chàng tung bay, chàng đứng hiên ngang giữa làn khói súng hô lớn lệnh khai hỏa.

Nhưng Nerzhin chỉ muốn làm việc nhanh để sau khi làm hết phần việc được người ta trao cho chàng, chàng khỏi phải làm gì hết. Có lần chàng nói với Simochka: “Tôi chỉ hoạt động vì tôi ghét hoạt động”. Nàng e lệ hỏi chàng: “Vậy thì anh thích cái gì?” – “Tôi thích nhìn ngắm, thích suy tưởng…”, Nerzhin đáp. Và đúng như lời chàng nói sau khi đã làm đủ phần việc phải làm trong ngày chàng thường ngồi hàng giờ không thay đổi tư thế. Làn da mặt chàng những lúc ấy trở thành xanh xám, già đi và những nếp nhăn hiện rõ trên đó. Vẻ tự tin của chàng biến đi đâu mất hết. Chàng trở thành chậm chạp và do dự. Chàng suy nghĩ rất lâu trước khi hạ bút viết những hàng chữ nhỏ li ti trên tờ giấy chàng giấu giữa đống hồ sơ, báo cáo và báo chí lộn xộn, trên bàn chàng, cũng như đêm nay, nàng thấy chàng vừa mới viết. Nàng còn nhận thấy Nerzhin cất tờ giấy mới viết đó ở đâu đó trên bàn chứ không bỏ vào ngăn kéo. Nàng tò mò muốn biết chàng viết gì và viết cho ai. Nerzhin hoàn toàn không biết, không ngờ rằng chàng đã trở thành một người chiếm trọn cảm tình và thán phục của Simochka.

Cuộc đời con gái của Simochka đã trôi qua không có một chút hạnh phúc. Nàng không xinh, không đẹp. Khuôn mặt nàng hư vì cái mũi quá dài, quá nhọn. Tóc nàng thưa và được búi lại thành một búi nhỏ sau ót. Nàng không chỉ bé nhỏ không mà thôi – nhiều người đàn bà thân thể bé nhỏ nhưng vẫn đẹp, vẫn quyến rũ được đàn ông – cái bé nhỏ của nàng còn có sự gày gò, khẳng khiu nữa. Nàng giống một cô học trò tiểu học hơn là một thiếu nữ sắp trở thành thiếu phụ về tuổi tác. Đã thế nàng lại ít nói, ít đùa cợt, nét mặt lúc nào cũng ủ ê. Và sự ít nói, ít đùa cười này làm cho những người thanh niên trẻ tuổi không ai muốn gần nàng. Và năm nay nàng đã hai mươi lăm tuổi, Simochka vẫn chưa được một người đàn ông nào tán tỉnh nàng, chưa người đàn ông nào ôm nàng, chưa người đàn ông nào hôn nàng.

Nhưng cách đây không lâu, đúng ra là một tháng trước đây, chiếc micro trong phòng ghi âm bị hư và Nerzhin gọi Simochka vào để sửa. Nàng vào đó tay cầm cây dùi mở đanh vít và trong căn phòng hẹp không thể đủ chỗ cho hai người đứng, nàng cúi mặt nhìn xuống chiếc micro trong lúc Nerzhin cũng đang cúi nhìn và trước khi Simochka kịp biết, má nàng chạm vào má chàng. Cái chạm ấy làm cho Simochka tưởng nàng chết ngất ngay tại chỗ. Đáng lẽ ra nàng phải lùi lại nhưng lúc ấy toàn thân nàng như tê liệt, nàng cứ đứng chết trong tư thế ây, mắt mở lớn nhìn ngây vào chiếc micro. Giây phút đó là giây phút dài nhất, kinh dị nhất trong đời nàng – hai má họ nóng ra như bốc lửa, như dính liền vào làm một. Và Nerzhin cũng không nhích ra. Đột ngột, chàng đưa hai tay lên nâng hai bên đầu nàng và nhẹ hôn lên môi nàng. Toàn thân Simochka như chảy ra thành nước. Lúc ấy, nàng không nói gì về luật lệ, và vi phạm, nàng chỉ thiều thào: “Cửa không đóng!...”

Một tấm màn nhung xanh đậm, lung lay, đu đưa, ngăn cách họ với cuộc hoạt động ồn ào bên ngoài, với những người đang đi lại, làm việc, cười nói bên ngoài, những người có thể vén tấm màn lên để nhìn vào bất cứ lúc nào. Tù nhân Nerzhin, nếu bị bắt gặp, chỉ bị phạt nhiều lắm là mười ngày nằm xà lim. Nữ viên chức Serafima Vitalyeyna, nếu bị bắt gặp, sẽ mất sự trong trắng của hồ sơ lý lịch, mất chức vụ và có thể mất cả tự do. Nhưng nàng không có đủ sức để gỡ nàng ra khỏi đôi bàn tay đang nâng đầu nàng.

Đây là lần thứ nhất trong đời nàng một người đàn ông hôn nàng.

Và như vậy là sợi dây xích tàn nhẫn, vô tình bị đứt một mắt xích. Mắt xích đó là mắt xích được làm bằng trái tim một người đàn bà.


7. Ồ, thời gian, xin ngừng lại

"Cái đầu hói của vị nào ở sau đầu tôi đây?"

"Này bạn, tôi đang ở trong một trạng thái tinh thần thơ mộng. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được lắm."

"Trên nguyên tắc, tôi đang làm việc."

"Bận việc – bậy nào. Để tôi kể lại với anh câu chuyện đáng kể này. Hồi nãy, tôi ngồi dưới cây Giáng sinh nghèo nàn của mấy người bạn Đức của tôi và trong lúc tôi đang nói với họ về một đêm Giáng sinh năm xưa tôi sống dưới một pháo đài ở chiến tuyến phía bắc Pulutsk, bỗng dưng tôi thấy rõ ràng là tôi đang sống ở mặt trận. Mặt trận trở lại bao quanh tôi, thật sống, thật thực. Phải chăng là cả chiến tranh rồi cũng trở thành một kỷ niệm đẹp của con người?"

"Tôi nghĩ anh không nên để cho tình trạng ấy xảy ra. Đạo Đức Kinh của Lão Tử có câu: “Võ khí là dụng cụ của đau khổ, không phải là vật để con người tự hào. Người khôn chinh phục mà không cần tỏ ra muốn chinh phục”.

"Chi vậy? Bộ anh đã chuyển ngữ từ chủ nghĩa hoài nghi sang đạo Lão rồi ư? [4] "

"Có chuyển nhưng chưa chuyển xong."

"Trước hết, tôi nhớ lại chú lính Đức cộng tác hữu hiệu nhất thời ấy của tôi – tôi và chú ta cùng viết truyền đơn và ra ý cho họa sĩ vẽ tranh: bức tranh bà mẹ Đức ôm con và người thiếu phụ Đức đứng khóc trước cảnh căn nhà đổ nát còn nghi ngút khói là những tuyệt tác phẩm của hai chúng tôi. Hai bức tranh đó có cả bài thơ bằng tiếng Đức đi kèm."

"Tôi biết. Tôi có nhặt được một tờ."

"Tôi nhớ lại những buổi chiều êm, chúng tôi ngồi trong xe phóng thanh đi lên mặt trận."

"Và giữa những bản nhạc tango, những người bạn Đức của anh đọc những lời kêu gọi những người lính Đức chiến hữu của họ quay súng bắn lại Hitler. Nhiều lần chúng tôi cũng leo lên miệng hầm để nghe nhờ những bản nhạc. Vô tư mà nói, tôi thấy những lời kêu gọi của anh có hơi… ngớ ngẩn."

"Ngớ ngẩn? Xin lỗi… Anh nhớ cho rằng chỉ nhờ những lời kêu gọi ấy, chúng tôi đã chiếm được hai thị trấn Graudenz và Elbing không phải bắn một viên đạn nào."

"Đúng. Nhưng cũng xin anh nhớ cho rằng chuyện ấy xảy ra vào năm 1945. Vào thời gian đó, khỏi cần phải anh kêu gọi, nước Đức cũng sắp đầu hàng."

"Bậy nào. Những chiến thăng nhỏ họp thành chiến thắng lớn chứ. Nếu không mở đầu bằng những cuộc đầu hàng nhỏ làm sao có cuộc đầu hàng lớn? Không biết đã có lần nào tôi kể cho anh nghe chuyện nàng Milka chưa nhỉ? Nàng là một sinh viên Viện Ngoại ngữ, tốt nghiệp năm 1941. Vừa ra khỏi trường nàng được điều động ngay đến đại đội của tôi để làm thông dịch viên. Một thiếu nữ mũi hin, nhanh nhẹn…"

"Chờ chút. Phải nàng là người cùng đi với anh đến tiếp thu một căn cứ quân Đức đầu hàng không?"

"Phải đó. Nàng tự kiêu lắm. Nàng rất thích được người ta ca ngợi. Tôi không dám trách nàng nửa tiếng. Nàng thích được tuyên dương để được trao tặng huy chương. Anh có nhớ cảnh mặt trận Tây Bắc khúc ngay cạnh bò sông Lovat không? Đoạn ở giữa Rahklits và Novo-Svinukhovo, phía năm Podtsepchiya đó. Chỗ ấy có một khu rừng."

"Chỗ ấy nhiều rừng lắm. Chỗ ở xa hay ở gần sông Redya?"

"Ở gần."

"Tôi biết."

"Nàng và tôi đi chơi lang thang suốt một ngày trong khu rừng ấy. Lúc đó đang là mùa xuân – chưa hẳn là mùa xuân, hãy còn là tháng Ba. Chúng tôi lội trong những vũng bùn ngập đến ngang đôi giày bốt cao cổ chúng tôi đi dưới chân, cổ áo và mũ lông của chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Mùi mùa xuân hồi sinh tràn đầy trong không khí. Anh biết không… chúng tôi dắt tay nhau đi như hai người yêu nhau, hai người yêu lần đầu, như một cặp vợ chồng mới cưới. Không biết tại sao với một người đàn bà mới, mình lại cảm thấy mới tinh như đây là lần đầu mình yêu, mình lại yêu lại từ đầu. Yêu như một đứa trẻ. Ôi… cánh rừng dài như vô tận. Đây đó bốc lên những đám khói từ những khẩu đại bác quân mình đặt ở bìa rừng… Chúng tôi tránh đến gần những ổ súng đó. Chúng tôi đi lang thang như thế cho đến sẩm tối, người ướt đẫm mồ hôi và chứa chan hạnh phúc. Nàng làm tôi điên lên suốt một ngày. Rồi đến lúc tối mịt, chúng tôi tìm thấy một pháo đài bên trong không có đại bác không có lính…"

"Pháo đài nổi?"

"Anh nhớ không? Chắc là anh phải nhớ. Có rất nhiều pháo đài như thế được dựng lên ở đấy trong năm đó. Như những hang thú rừng. Bên trong lát ván, trên sàn gỗ có những đống củi thông, và mùi nhựa thông tiết ra từ những thân cột, mùi khói bốc ra từ đống lửa. Trong đó không có bếp, chúng tôi đốt lửa ngay trên mặt đất để sưởi. Trên mái có một cái lỗ nhìn thấu lên nên trời. Không có ánh đèn, chỉ có ánh lửa bập bùng. Lửa chiếu bóng chúng tôi lên vách. Anh nghĩ sao, Gleb? Đó là những giây phút đáng sống chứ?"

"Tôi nhận thấy rằng trong những câu chuyện kể ở trong tù, bao giờ cũng có một người con gái. Người con gái bao giờ ở đầu chuyện cũng hoàn toàn trinh trắng và đến cuối chuyện, bao giờ cũng hết còn trinh trắng. Hình như với những tù nhân, điểm đó là điểm chính, điểm quan trọng nhất trong câu chuyện của mình. Anh có nghĩ rằng như vậy là chúng mình đòi hỏi công lý với điểm đặc biệt ấy không? Một người không mù ngay từ khi lọt lòng mẹ, nghĩa là một người mắt đã nhìn thấy trời xanh, mây trắng, nắng vàng rồi bị mù luôn luôn cần được những người còn nhìn thấy xác nhận với họ rằng trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng. Một tù nhân cần được biết chắc rằng cuộc đời này vẫn còn những người đàn bà đẹp, sống thực, quyến rũ, đáng yêu… tự nguyện cho những anh đàn ông may mắn yêu họ. Anh chỉ nhớ lại có cái đêm đó trong chiến tranh vì đêm đó có anh là người đàn ông may mắn được yêu một người con gái đẹp trong một ổ súng giữa rừng vắng, không có kẻ thù nào chĩa súng bắn vào anh. Nhưng đêm đó cũng là đêm mà vợ anh khổ sở đếm đi đếm lại mãi những ấm phiếu mua đường, bánh mì, lòng lo âu không biết phải làm sao để con anh có thể tạm no được trong suốt một tháng. Và đêm đó cũng là đêm ở khám đường Bytyrskaya, xà lim số 73…"

"Ở từng thứ hai, cuối cùng của một lối đi hẹp…"

"Đúng. Ông giáo sư trẻ tuổi chuyên về Sử ở Mạc Tư Khoa tên là Razvodovsky, người vừa bị bắt và chưa từng sống ở mặt trận ngày nào, đã thành công rỡ ràng trong việc chứng minh với những luận cứ xã hội, lịch sử một cách thông minh và hùng hồn rằng chiến tranh cũng có mặt tốt. Và ở xà lim đó có những tù nhân cũng còn trẻ như ông giáo sư nhưng đã từng chiến đấu ở khắp các mặt trận, trong tất cả những binh chủng… thiếu chút nữa đã ăn thịt sống ông ta. Những người này tức giận và họ nói rằng, không, chiến tranh không có gì tốt đẹp hết. Tôi ngồi ngậm miệng nghe họ nói. Razvodovsky cũng có những lý lẽ khá vẵng. Có lúc tôi cho rằng hắn đúng. Nhưng tôi không dám ra mặt cãi lại những người lính kia. Sự kiện làm tôi đồng ý với ông giáo sư thường dân cũng chính là sự kiện đã làm cho tôi khác với những người lính này. Đó là việc tôi là một sĩ quan pháo binh phục vụ trong một đơn vị pháo chuyên bảo vệ Bộ Tư lệnh. Lev, thực ra trong suốt thời gian ở mặt trận, tôi không làm gì ngoài việc ngồi yên trong những ổ súng thỉnh thoảng ra lênh bắn vài phát vu vơ thị oai. Tôi không phải dự một cuộc tấn công nào, tôi không phải đẩy binh sĩ dưới quyền tôi vào chỗ chết, tôi cũng không phải rút lui, không phải ra lệnh cho người khác ở lại để chết. Chiến tranh của tôi là như thế, và do đó tôi có thể thấy chiến tranh tốt, chiến tranh đẹp…"

"Tôi không mốn nói đến chuyện ấy…"

"Tất cả những gì đẹp, vui, êm đềm nổi cả lên trên. Chúng ta thường quên đi những gì làm cho chúng ta khó chịu. Những lần đoàn Junker nhào xuống thả bom làm thân xác tôi suýt nữa tan tành ở Orel, tôi thấy không có gì thú vị cả. Không, Lev… chiến tranh tối chỉ là trận chiến tranh đã qua, đã chấm dứt."

"Tôi không nói là chiến tranh tốt đẹp, tôi chỉ nói là những gì chúng ta nhớ lại đều tốt đẹp."

"Đúng. Và tôi hy vọng rồi sẽ có ngày chúng ta nhớ lại những ngày sống trong những trại tập trung là đẹp. Cả trong những trại tạm trú."

"Trại tạm trú? Như Gorky? Girov? Không? Không đời nào…"

"Đó là bởi vì ở những nơi đó anh bị tước đoạt nhiều thứ quá nên anh không còn vô tư nữa. Xong anh cần nhớ rằng ngay ở những nơi đó cũng có những người sung sướng chứ? Ở đó vẫn có những tù nhân no đủ như là những người giữ nhà tắm, ở đó có những người có thể ăn nằm với những nữ tù nhân, những người đó có thể chân thành nói rằng ở trên trái đất này không có đâu sướng bằng ở trong những trại giam tạm trú. Hạnh phúc của con người ta là một cái gì tùy thuộc từng người, một giả tưởng."

"Tiếng “hạnh phúc” phát sinh từ một tiếng có nghĩa là giờ đây, lúc này…"

"Xin lỗi giáo sư. Ông nên đọc Vladimir Dahl. “Hạnh phúc” phát xuất từ một tiếng có nghĩa là số phận của người ta, là những gì người ta muốn có ở đời…"

"Ấy… lời giải thích của tôi cũng là của Dahl."

"Lạ vậy. Lời giải thích của tôi cũng thế."

"Mình phải tìm nguyên nghĩa tiếng hạnh phúc ở khắp các thứ tiếng nói trên thế giới mới được. Tôi sẽ thực hiện cuộc truy nguyên này."

"Anh thì cái gì cũng phải… Phải thế này, phải thế nọ…"

"Anh có đọc phần thứ hai tác phẩm Faust chưa nhỉ?"

"Anh nên hỏi tôi đã đọc phần thứ nhất chưa. Ai cũng nói rằng đó là một tuyệt phẩm, một sáng tạo của thiên tài, nhưng chẳng ai chịu đọc cả. Hoặc người ta chỉ biết nó nhờ Gounod [5] ."

"Phần đầu không có gì khó hiểu hết. Phần đầu của Faust có những câu như:

Tôi không có gì để nói về mặt trời và trái đất
Tôi chỉ nhìn thấy sự đau khổ của con người. "

"Hai câu đó nghe được."

"Hoặc:

Những gì chúng ta cần, chúng ta không biết.
Chúng ta biết những gì chúng ta không cần."

"Hay."

"Phần thứ hai nặng hơn, tôi nhận là nặng. Nhưng dù vậy, tư tưởng chứa đựng ở đó cũng kỳ diệu biết là chừng nào. Anh biết về bản hợp đồng ký kết giữa Faust và Mephistopheles. Mephistopheles chỉ được nhận lãnh linh hồn của Faust khi nào Faust kêu lên: “Ồ… Thời gian, xin ngừng lại…”. Nhưng bất kể Mephistopheles đem lại cho Faust những gì – sự trở lại của tuổi trẻ, tình yêu của Marguerite, những cuộc chiến thắng rực rỡ của Faust trước những kẻ thù, sự giàu sang vô tận, sự hiểu biết những bí mật của cuộc sống – nhưng vẫn không có gì có thể làm cho Faust thốt lên câu nói ấy. Năm tháng qua. Chính Mephistopheles cũng mệt mỏi vì việc đuổi theo mãi con người không bao giờ chán sống ấy. Y thấy không cách nào có thể làm cho con người sung sướng hoàn toàn và y đã có ý định từ bỏ cuộc theo đuổi. Thế rồi Faust lại già đi một lần thứ hai, trở thành mù, ra lệnh cho Mephistopheles tụ họp cả trăm ngàn công nhân lại để đào sông và tháo nước từ những cánh đồng lầy. Trong bộ óc hai lần già của Faust, bộ óc mà Mephistopheles cho là đã trở thành điên khùng, nẩy ra một tư tưởng lớn: làm cho nhân loại sung sướng, hạnh phúc. Theo lệnh của Mephistopheles, bọn quỷ sứ dưới Địa ngục đem cuốc xẻng lên để đào huyệt chôn Faust. Mephistopheles lúc ấy chỉ muốn chôn Faust cho xong chuyện và không còn chờ đợi bắt linh hồn của Faust nữa. Faust nghe thấy tiếng động của những lưỡi cuốc trong lòng đất nên hỏi: “Chi đó?”. Mephistopheles, trung thành với bản tính đùa giỡn của y, trả lời Faust rằng những cánh đồng lầy đã hết nước đọng. Những nhà phê bình văn nghệ của chúng ta vẫn thường phân tích đoạn này theo quan niệm chủ quan, họ cho rằng lúc ấy Faust sung sướng vì nghĩ rằng mình đã đem lại được hạnh phúc cho mọi người nên hài lòng kêu lên: “Ồ… Thời gian… xin ngừng lại…” Nhưng nếu phân tích khách quan hơn, ta có thể thấy rất có thể chủ ý của Goethe là chế nhạo ảo ảnh hạnh phúc của con người. Bởi vì thật ra, Faust tuy sống lâu và nhiều quyền lực là như thế, vẫn chẳng làmd c chuyện gì đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Sau khi thốt lên câu nói đó, bọn quỷ sứ đẩy Faust xuống mồ ngay. Như vậy nghĩa là gì? Một bản nhạc ngợi ca hạnh phúc hay là chế nhạo ảo ảnh hạnh phúc?"

"Ồ… Lev, bạn tôi. Tôi thích bạn trong những lúc thế này, khi bạn tranh luận với trái tim và diễn tả tư tưởng một cách thông mình, khi bạn không dán những nhãn hiệu lên những sự kiện."

"Tôi biết tôi chưa bao giờ làm anh hài lòng cả. Nhưng anh nghe chuyện này: Có một lần trước chiến tranh, tôi đứng trong một giảng đường đại học, giảng cho các sinh viên nghe về quan niệm hạnh phúc trong tác phẩm Faust. Tôi bỗng buồn rầu cảm thấy rằng cuộc đời này không có hạnh phúc, không có cái gì có thể gọi là sung sướng. Tôi nói như thế và có một sinh viên đưa lên cho tôi một mảnh giấy nhỏ xé từ một cuốn sổ. Mảnh giấy đó có hàng chữ: “Nhưng tôi đang yêu, và tôi đang sung sướng. Giáo sư trả lời sao?”

"Và anh trả lời sao?" 

"Làm sao có thể trả lời được?"




[1]Boogie – Woogie, tên một điệu nhảy phổ thông phát sinh từ Hoa Kỳ sau trận Thế chiến thứ hai.
[2]Crimea: nơi nghỉ mát của những lãnh tụ cộng sản Nga.
[3]Marx được nói tới đây là Karx Marx, người khai sinh ra lý thuyết chủ nghĩa cộng sản. Người Cày được nói tới đây là một tên hiệu trong nhiều tên hiệu của Staline.
[4]Đạo Lão: Đạo của Lão Tử ở Trung Hoa.
[5]Gounod là một nhà soạn nhạc người Pháp ở thế kỷ XIX, ông soạn vở nhạc kịch Faust theo tác phẩm văn chương Faust của Goethe, văn hào Đức. Người ta biết đến Faust nhiều nhờ vở nhạc kịch của Gounod hơn là coi chính bản.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.