Khi viết tiểu thuyết, Susan Sontag đã tránh được cái bà gọi là “thuyết giảng đạo đức không thể chịu nổi” trong những bài luận và những bài giảng của mình. Bà cũng đã khám phá được khao khát mới khám phá sự thật về bản thân mình, điều cuối cùng giải phóng bà khỏi sức nặng của việc được mệnh danh là người phụ nữ thông minh nhất Mỹ. Hồi tưởng lại, thật lạ là ấn tượng ban đầu của tôi về Susan Sontag đầy ác cảm và thậm chí còn thù nghịch. Bây giờ tôi nghĩ về bà như một người ấm áp nhất, hài hước nhất, là người giàu lòng khoan dung và trẻ dại nhất trong số những người mà tôi đã gặp - trẻ dại với nghĩa nghịch ngợm, bốc đồng và đầy sức sống. Trong ngày đầu tiên ở Prague, tại festival văn học, nghe bà nói chuyện – nồng nhiệt, nhưng không phải lúc nào cũng thú vị, theo dõi bà đối xử với những nhà văn khác – hách dịch, và thậm chí còn ích kỷ, chiếm lấy vị trí trung tâm; quan sát bà giao tiếp với khán giả - có lúc độc đoán tới mức xúc phạm họ.
Bà chê câu hỏi rối rắm nhưng chân thành của một thanh niên là “vô nghĩa”. Một phụ nữ trẻ người Czech xin chữ ký trên album của bà bị bà từ chối: “Không được. Tôi chỉ ký tặng sách”. Chính Sontag, người phản đối việc được giới thiệu trên sân khấu là “một trong những trí thức hàng đầu của Mỹ” - đã dùng tấm vỏ quyền lực mà sự nổi tiếng mang lại cho bà để từ chối quyền lực đó – dù bạn nghĩ, sau gần 40 năm, hẳn đến giờ bà đã quen với điều đó.
Thực vậy, nhận xét được trích dẫn nhiều nhất về Sontag là của Jonathan Miller “Có lẽ bà là người phụ nữ thông minh nhất nước Mỹ”. Dù sao đi nữa, ấn tượng tức thời (của tôi về bà) là bà là một người kiêu ngạo, không có khiếu hài hước, không đếm xỉa đến cảm nghĩ của người khác, chỉ biết ve vuốt bản thân đến mức Narcissus
[1] (tự mê đắm). Điều đó hoàn toàn sai. Tuy nhiên, bà cũng có vấn đề nhỏ về hội chứng tự mê.
Mỗi khi bạn gặp người nào đó, bạn tự hỏi, liệu mình gặp người thật hay vai họ đang đóng? Với Sontag, Tôi nghĩ rằng mình gặp cả hai. Vai trò, “người trí thức” có ở đó, trong những tập tiểu luận:
Against Interpretation (
Chống diễn giải),
Styles of Radical Will (Các phong cách ý chí cấp tiến), và
On Photography (Về nhiếp ảnh). Những chuyên khảo của bà viết về, trong số nhiều nhân vật, Godard
[2] , Barthes
[3] , Simone Weil
[4] - những trí thức và văn hóa hàng đầu của thế kỷ 20. Sontag đã từng nói “tôi che giấu bản thân đằng sau sự hâm mộ”, mặc dù (nếu bà nói) mượn giọng thì đúng hơn.
Nhưng từ khi Sontag từ chối vai trò ấy– “Tôi nghĩ tôi có một số quan điểm đạo đức về khai sáng và nâng cao phẩm giá của con người, kiểu như, ở đâu có sự đen tối, ở đó sẽ có ánh sáng. Hoặc có thể đó là những điều duy nhất mà tôi biết làm” - Tôi sẽ không đề cập quá nhiều đến nó (vai trò này) nữa. Bà đã thay đổi; bà nói: “Thay đổi là chuyên ngành của tôi”. Mặc dù bạn cũng có thể nói việc bà làm là quay về, tìm lại con người mà bà hẳn đã trở thành, trước khi có sự can thiệp của kinh nghiệm và cuộc đời.
Hannah Arendt, lý thuyết chính trị gia, triết gia, và tác giả của một số chuyên khảo tuyệt hay người Do Thái Ðức – khi viết về những người bạn như nhà thơ Randall Jarrell, hoặc về những nhà văn mà bà hâm mộ như Isak Dinesen – thường nói ở họ (các tác giả ấy) có “phẩm chất vĩ đại rất người”, điều mà bà định nghĩa như thế này: “Sự vĩ đại chân chính, ngay cả trong các tác phẩm nghệ thuật… chỉ xuất hiện ở nơi ta có thể cảm thấy phía sau nó… có một thực thể vĩ đại và huyền bí hơn bởi vì chính tác phẩm đó cho chúng ta thấy một con người mà bất kỳ điều gì người đó có khả năng thực hiện cũng không thể bộc lộ hay làm cạn kiệt hết bản chất của anh ta.” Khao khát “cảm nhận mặt sau”, tìm niềm vui trong sự vĩ đại của một người (nào đó), chấp nhận việc mình không thể biết hết mọi điều, từ chối việc đồng hóa tác giả với tác phẩm, tất cả những điều đó, đôi khi Arendt tóm tắt trong một từ “tình bạn.”
Tình bạn này không phải là một phẩm chất có thể đạt được một cách dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự cởi mở nhất định trong tính cách và một tinh thần dũng cảm. Bạn đọc tác phẩm đầu tay của Sontag, nó bằng phẳng và không có sức sống trên trang giấy. Nó có thể sâu sắc và thông minh về mặt phân tích, nhưng không có tình bạn ở trong đó. Sontag biết điều đó, và bà cảm thấy buồn, và phiền muộn. “Hồi đó tôi nghĩ mình đang làm gì nhỉ?” Nhưng 10 năm qua, bà bắt đầu viết văn hư cấu, hay đúng hơn, quay lại với thể loại hư cấu (cuốn sách đầu tiên của bà,
The Benefactor [Ân nhân], là tiểu thuyết). Trong 10 năm này, bà cho ra mắt 2 cuốn sách:
The Volcano Lover [Người tình núi lửa], xuất bản năm 1992, cốt chuyện xoay quanh mối quan hệ tay ba giữa Emma Hamilton (nhân vật nữ chính), chồng cô William Hamilton và Lord Nelson, người tình của Emma. Cuốn sách này bán chạy khắp trên thế giới. Và cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của bà, xuất bản tại Mỹ, cũng dựa trên một cốt truyện có thật của nữ diễn viên Maryna Zalewska, người mà vào 1876, di cư từ Ba Lan đến California, và sau này đã khiến cả nước Mỹ phải thán phục bởi tài năng diễn xuất tuyệt vời của mình.
Tiểu thuyết đã giải phóng bà, Sontag nói. “Tôi thấy mình tự do hơn nhiều. Tôi có thể viết cởi mở hơn, truyền cảm hơn. Giống như những cánh cửa bất chợt mở và tầm mắt được trải rộng.” Bà nói bà không hiểu việc đó xảy ra như thế nào, đó là một bí ẩn, bà chỉ tiếc rằng điều đó đã không xảy ra sớm hơn. “Tôi biết rằng bạn không nên tiếc điều gì. Nhưng điều đó giống như việc chỉ có một đứa con. Lẽ ra tôi đã nên yêu nhiều hơn và tôi ân hận về điều đó. Tôi không thể đừng được.”
Bây giờ, bà nói thẳng và không giữ gìn, bà cười suốt ngày, như một người vừa mới khám phá ra tiếng cười. Khi bà phấn khích, giọng nói của bà ngân lên ở cuối câu như đang hát, nghe rất buồn cười và quyến rũ. Bà là một người thích được trêu ghẹo, bà thích tán tỉnh và thích nịnh người. Bà cũng khiến ta ngạc nhiên. Có lần, chúng tôi nói chuyện về sự thay đổi, về việc phát minh ra một cái tôi. Bà nói: “Tôi có điều này để nói về sự phát minh ra cái tôi. Tôi sử dụng những từ đó bởi vì tôi phải sáng tạo ra một loại ngôn ngữ về công việc mình làm. Nếu tôi không sử dụng những từ đó, tôi sẽ phát điên lên mất. Nếu anh muốn biết cảm thấy thế nào khi là tôi, thì đây, một người lang thang đang gắng tìm cách viết một câu văn không xấu xí.”
Và nếu như tôi chưa quý mến bà nhiều đến như vậy, thì hẳn tôi cũng đã ném mình dưới chân bà sau khi nghe bà nói: “Giá tôi không để cho quan niệm luân lý không thể chịu đựng nổi bắt cóc mình, giá tôi chỉ viết tiểu thuyết…” Nhưng bà không cưỡng lại được sự nổi tiếng. “Các bài tiểu luận của tôi giành được rất nhiều sự chú ý.” Không có gì lạ khi bà nghi ngờ giới truyền thông. Ðó là một thứ quan hệ yêu-ghét gây sự chú ý. Giới truyền thông dựng lên hình ảnh của bà như một lãnh tụ văn hóa, và bà bị đóng khung trong đó. Hẳn bạn sẽ nói, nhưng bà cũng đồng lõa với nó. Ðúng và không. Khi ấy bà còn trẻ, như bà nói, và ngây thơ. Mãi đến sau này, khi đã quá muộn, bà mới nhận ra hình ảnh mà giới truyền thông dựng lên về bà.
Thật khó khi phải nhớ lại những năm đầu thập niên 60, nhớ về phong trào nữ quyền đầy hăm hở buổi ban đầu, về việc chúng ta đã cần một gương mặt nữ (đại diện) đến mức nào. Gương mặt trở thành một từ có hiệu lực. Sontag đã, và ở tuổi 67, vẫn là một người đẹp. Sontag nói: “Tôi luôn biết điều đó. Tôi xinh đẹp và thông minh, và vì thế người ta chú ý đến tôi. Nhưng điều mà tôi luôn cảm thấy là tôi chưa từng muốn nhận những định kiến hoặc những lợi ích đó.”
Và điều xảy ra là, theo tôi, khi khoảng cách giữa việc bà nhìn nhận mình (thông minh, nhưng dù sao cũng vẫn là một kẻ hành khất [chữ nghĩa]) và việc người ta nhìn bà như thế nào (“một người hướng dẫn thị hiếu và một nhà sản xuất ý kiến”) lớn hơn, thì bà bắt đầu thấy mình như một kẻ lừa đảo. Hoặc ít nhất, bà cảm thấy mắc tội lừa đảo. Và đó là một gánh nặng khủng khiếp bà phải mang. Vì thế, điều bí ẩn không nằm ở chỗ bà đã giải phóng bản thân như thế nào, mà là việc bà đã làm nổi điều đó. Ðiều bà nói là, những bài tiểu luận không hư cấu của bà, thật ra là hư cấu. Và những tiểu thuyết hư cấu là có thật. Nhưng cần phải có một sự can đảm vô cùng mới có thể (tự) bóc tấm mặt nạ ra được. Và đòi hỏi người ta nhìn mình hoặc trong “tình bạn,” hoặc không.
Bà đặt những cuốn tiểu thuyết của mình trong lịch sử, trong quá khứ. “Bởi vì quá khứ là một cách quan sát hiện tại, dù tôi đang tiến chậm đến thế kỷ 21. Tiểu thuyết tiếp theo của tôi sẽ lấy bối cảnh những năm 30 ở Nhật Bản.” Bản năng của bà có lẽ đúng - bắt đầu từ một khoảng cách và tiến dần về phía trước. Bà nói với tôi rằng lần đầu bà nói về quá khứ của mình, về “cuộc sống cá nhân” là khi bà trả lời phỏng vấn vào năm 1992 về tiểu thuyết
The Volcano Lover. Trước đó, bà thường bám chặt vào câu nói của TS Eliot là những tác phẩm vĩ đại thường khách quan. “Tiểu sử chỉ là chuyện vặt vãnh.” Bà đã từng bám vào câu đó như phao cứu sinh.
“Tôi nhớ lúc tuyên bố mẹ tôi từng là một người nghiện rượu.” Mẹ bà mất 6 năm trước, vào 1986, vì bệnh ung thư phổi. “Và sau đó, tôi gọi cho chị gái Judith và nói, ‘Em vừa quăng mẹ cho bầy sói (truyền thông)’ Và Judith nói, ‘Tốt.’” Thật kỳ lạ. Bà giận dữ đến như vậy, nhưng cả đời bà chẳng nói gì với mẹ mình cả. Thậm chí ngay cả khi nằm trên giường bệnh chờ chết ở Hawaii, Sontag cũng không thể nắm tay mẹ mình. “Mẹ thuộc týp phụ nữ ngại bị người khác chạm vào người”. Những từ cuối cùng bà nói với Sontag là “Tại sao con không về khách sạn đi?” Susan trả lời “Ồ, mẹ biết mà, con yêu bệnh viện.” Mẹ bà mỉm cười và nhắm mắt. “Mẹ tôi thích vậy. Bà nghĩ những lời tôi nói mang tính dí dỏm và chế nhạo. Tôi đã không thể nói, ‘Con ở lại đây bởi vì con yêu mẹ. Con đến bởi vì mẹ đang hấp hối’”.
Tất nhiên Susan Sontag đã không thể nói vậy. Không thể nói sau khi đã không nói suốt cả cuộc đời. Hãy thử tưởng tượng đến chiều sâu của nỗi buồn, và của những gì đã bỏ lỡ mà họ có thể bộc lộ với nhau. Susan nói, “Tôi tôn sùng mẹ, nhưng theo cái cách ta tôn thờ những gì ta không thể có được. Khi còn nhỏ, gần như chẳng bao giờ tôi thấy bà. Lúc nào bà cũng đi vắng.” Thế còn người cha? Cũng luôn vắng mặt. Là một người buôn bán da lông thú giàu có, sống và làm việc ở Trung Quốc, tại khu Nhượng địa Anh ở Thiên Tân, ông mất vì bệnh lao, vào năm 1939, khi Susan mới được 5 tuổi. Hai đứa con ông được chăm sóc bởi những vú em và những người hầu trong căn nhà lớn ở Long Island, nơi họ sống. Vì thế bà ít biết về bố. “Dù trong thời thơ ấu, tôi đã khóc đòi bố mỗi ngày.”
Mẹ của Susan đã nói dối bà về cái chết của người bố, và dối rằng bố đang về nhà. Sau đó lại nói dối về nguyên nhân cái chết của ông, rằng ông chết vì viêm phổi. “Vào thời đó, người ta coi bệnh lao là một điều sỉ nhục.” Thậm chí mẹ bà nói dối về nơi chôn cất ông. “Nói nơi đó là Brooklyn, trong khi thật ra đó là Queens”.
[5] Mới hai năm trước, Susan thuê một nhà nghiên cứu để tìm phần mộ của cha mình và bà đã đến thăm. Bỗng nhiên,b à đọc trên bia mộ của ông: Jack Rosenblatt. “Có cái ta biết, và có cái ta thực sự biết. Cho tới lúc đó, tôi mới tin rằng ông đã mất.”
Năm Susan 12 tuổi, mẹ cô tái giá và họ của cô từ Rosenblatt đổi thành Sontag. “Một người đàn ông ngu ngốc, một anh hùng trong chiến tranh, một gã ngớ ngẩn vô hại, lạc lõng,” Họ bỏ sang Mexico, kết hôn và đã không nói gì với những cô con gái cho đến khi quay trở lại. Ông ta chưa bao giờ chính thức nhận họ là con. Vì thế họ chưa bao giờ coi ông ta là cha. Nhưng ông ta có mặt ở đó, một hiện diện của uy quyền, thay thế cho một uy quyền khuất bóng. Và, qua cách mà Susan nói về cha dượng của mình, người ta có thể thấy bà khinh thường ông ta.
Vậy, một cô gái trẻ thông minh, đang ở tuổi đôi tám, thấy mình rơi vào lầm chỗ, và bị hiểu lầm, phải làm gì? Bởi làm thế nào mà gã ngớ ngẩn, lạc lõng này có thể hiểu nổi cô? Hay ngay cả người mẹ “lạnh lùng và tàn nhẫn” như Susan mô tả? Tôi nghĩ 2 điều xảy ra. Một là bạn trưởng thành sớm, quá sớm. Bạn bỏ qua thời mới lớn - mặc dầu sau này bạn có lẽ phải làm một đường vòng quay lại (thời mới lớn đó). Và bạn tự tìm cho mình một uy quyền mới. Một uy quyền có thể thách thức được vai trò thay thế thảm hại đó.
Bà đã tìm thấy nó trong học thuật. Bà nói rằng những cuốn sách đã trở thành nơi ẩn náu của bà. Bà đã ra khỏi nhà và dành toàn bộ những buổi tối trong thư viện. Bà an ủi mình bằng kiến thức, bằng cách học vẹt – bà luôn có một trí nhớ phi thường, và một trí tò mò phi thường. Việc học hành trở thành căn cước vững chắc của bà. Ít nhất, bà đã nghĩ vậy. Trớ trêu thay, điều đó hẳn có thể đã xảy ra. Nếu như bà kém thông minh một chút, kém tò mò một chút, và dễ thỏa mãn hơn một chút.
Có thể việc học đã thỏa mãn bà trong một thời gian nhất định nào đó. Susan nói với tôi rằng bà chưa bao giờ hiểu tại sao chị gái của mình lại từ chối học hành, chưa bao giờ học giỏi ở trường. “Tôi luôn luôn nghĩ rằng, tôi đã có một sự lựa chọn tốt. Tôi không thể hiểu tại sao Judith đã không làm được như thế. Chị ấy học dưới trung bình, là người thông minh nhưng hoàn toàn không có tham vọng.” Sontag đã không hiểu nổi (chị mình) bởi vì nhu cầu của riêng bản thân bà đã che mắt bà. Bà đã trở thành “một trí thức” – hãy gọi như vậy – vì bà thiếu tự tin và thấy cần phải như vậy. Judith có lẽ đã có những nhu cầu khác.
Tại Susan lại mang họ của người bố dượng? Hơn nữa, tại sao bà lại giữ nó? Tôi hỏi bà, và bà nói: “Tôi nghĩ rằng tôi thích Sontag. Nó nghe có vẻ ít buồn cười, ít Do thái hơn là họ Rosenblatt. Nhiều chất Mỹ hơn.” Vả lại, ở Mỹ sau chiến tranh, chủ nghĩa bài xích Do Thái lại lan tràn. Nước Ðức được dựng lên trong vai trò một đồng minh. “Ở trường, tôi đã quen bị gọi là một tên Do Thái (kike) bẩn thỉu. Tôi thấy nhẹ nhõm khi được đổi họ.”
Đó là một cách giải thích, nhưng chưa đủ. Bà nói mình cảm thấy bị người cha đẻ phản bội. “Ông đã không trở lạị.” Việc thay đổi họ của bà không phải là sự phản bội đáp trả. Nó là cái gì đó khác. Nó gây nỗi nhớ lại triền miên. Như thể việc mang một cái họ giả luôn chỉ vào sự thật phía sau lưng nó. Rằng con người mà bà có thể trở thành đã bị xóa bỏ. Bà bỏ nhà đi năm bà 16 tuổi. Tại sao bà lại kết hôn khi mới 17 tuổi? Và Philip Reiff, người đàn ông mà bà hầu như không biết gì đó hơn bà tới 10 tuổi và là giảng viên của Đại học Chicago, nơi bà theo học. Một hôm, ông ta gặp bà, đưa bà đi ăn tối (món bánh kẹp thịt và pho-ma); sáng hôm sau ông lại đưa bà đi ăn sáng, rồi ăn trưa, lại một cái bánh kẹp thịt và pho-ma khác. Và tối hôm đó, ông ta ngỏ lời cầu hôn. Ông nói với Susan rằng khi ông nghe thấy giọng nói của bà, ông biết bà là người phụ nữ mà ông sẽ lấy làm vợ.
“Trước đó, tôi chưa bao giờ được coi là một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng điều đó thật tuyệt diệu. Tôi nói Vâng. Có điên rồ không?” Khi bà gợi ý họ cần phải ngủ cùng nhau, ông nói, “trước hết, chúng ta phải kết hôn đã.” Tôi nghĩ, “Anh ấy thậm chí còn thuần khiết hơn mình.” Chúng tôi cưới nhau một tuần sau đó.
Tất nhiên là bà đã bỏ ông. Chín năm sau đó, khi con trai David của họ lên bảy tuổi. Bà nói bà bỏ chồng để trở thành một người khác. “Tôi có những khao khát. Tôi không biết chúng là gì, nhưng biết chúng không thuộc thế giới học thuật.” Hẳn là vậy. Bà đã cảm thấy buồn chán. “Tôi cảm thấy ngột ngạt.” Trong chương đầu cuốn sách mới của bà,
Ở Mỹ, Chương số không (Chapter Zero), viết từ vai người kể, bà mô tả lại việc bà đọc
Middlemarch vào năm 18 tuổi như thế nào.
[6] “Và khi đọc được khoảng một phần ba cuốn sách, tôi đã òa lên khóc vì tôi chợt nhận ra rằng không những mình cũng giống nhân vật chính Dorothea, mà mấy tháng trước thôi, mình đã lấy ông Casubon.’” Casubon đại diện cho tất cả những gì buồn tẻ và nhạt nhẽo trong ngành học thuật.
Và cũng trong chương này, bà viết về nhân vật chính, nữ diễn viên Maryna “… cô ấy chưa bao giờ bị quyến rũ đến quên chính mình.” Trong câu này, quyến rũ là một từ thú vị. Thành công, sự nổi tiếng, sự hoan nghênh và chú ý đến với Sontag như một người tình, và bà đã không thể cưỡng lại được. Tôi hỏi Susan rằng liệu bà có yêu người chồng cũ của bà không. Bà nói “Ồ, có chứ.” Bà nói bà yêu ông, và đó là một cuộc hôn nhân thực sự”. Và tôi lại hỏi liệu ông có yêu bà không. “Tôi không nói được,” bà trả lời. “Tôi không thể nói rằng người nào đó đã yêu tôi. Không. Tôi không thể.” Như thể được yêu, cho phép mình được yêu (với bà) trở thành một hình thức khác của sự lãng quên.
Và đó là khởi đầu của việc bà thủ vai trên sân khấu công. Trong đời sống cá nhân, dĩ nhiên là bà đã bắt đầu đóng vai như vậy từ năm mới mười hai tuổi. Bà khoác lên mình tấm áo mà bà gọi là “giọng tiểu luận.” Bà giữ khoảng cách với những gì mình viết. Như bà nói, bà quên mất bản thân.
Bà yêu công việc, nhưng không hy vọng sẽ được đền đáp. “Ngay từ rất sớm, tôi đã học cách giải quyết những thông tin đau đớn bằng cách cho chúng là thú vị. Thay vì cho phép bản thân mình được bị tổn thương.”
Và thế là bà sống và hưởng lợi nhờ những thứ mà bà quan tâm. Những thứ bởi vì chúng không phải là người, chúng luôn luôn là công việc. Và bà nói rằng bà ngạc nhiên khi thấy thế giới dường như nhầm lẫn giữa bà với những điều bà viết - tất cả những gã đàn ông đầy quyền lực như Barthes và Godard, tất cả bọn họ. Và bà cũng thích thế. “Anh biết đấy, điều đó giống như một đứa trẻ mong được sự chú ý, và rồi thấy xấu hổ vì được chú ý.” Nhưng bà cũng không tin vào nó (sự chú ý). Bà nói, “Luôn cảm thấy sự hoan nghênh (dành cho bà) đơn giản là vì họ chưa thấy có gì khá hơn. Vì vậy, điều đó thật vô nghĩa. Họ chẳng có đủ trí tưởng tượng để tưởng tượng ra được điều gì khác.”
Chẳng có gì lạ khi các diễn viên thu hút bà. Tâm lý của họ. “Những cuộc tranh luận liệu một diễn viên có cảm nhận được vai mà anh hay cô ta đang hóa thân không, về sự chân thành của người diễn viên, là một cuộc tranh luận thực sự, anh có đồng ý thế không? Sự bồn chồn của các diễn viên luôn làm cho tôi cảm động.” Và “Tôi cho rằng việc cảm thấy sợ hãi chính là dấu ấn của sự chuyên nghiệp.” Bản năng của những người sống sót được là sợ hãi. Mặc dù trước hết bạn phải đánh hơi được nguy hiểm đã.
Cả hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của bà,
The Volcano Lover và
In America tập trung vào những nhân vật nữ mạnh mẽ, không biết sợ, những người thích tạo dáng. Emma Hamilton, người bị chồng trưng bày cô ta trong “những tư thế” Hy Lạp, như một bức tượng điêu khắc sống, và là nạn nhân chết khi không một xu dính túi. Và Maryna, nữ diễn viên chuyên nghiệp đã không chết mà trở thành một ngôi sao, một thứ phần thưởng đáng ngờ mà Mỹ có thể trao tặng, và do đó, là một sự sỉ nhục tài năng của cô. Âu cũng là một kiểu chết khác. Tôi cho rằng trong cả hai trường hợp, quan trọng là độc giả nam giới. Việc cả hai nhân vật chính đều là phụ nữ với chức năng chiều chuộng đàn ông, và cách này hay cách khác, những người phụ nữ ấy đã lạc đường, Trong
The Volcano Lover có đoạn:
“… những phụ nữ dễ xúc động, người không có sức mạnh, một sức mạnh thực sự, rốt cuộc thường trở thành nạn nhân.” Đề tài bao quát trong tác phẩm của Sontag là: Làm sao để không phải là một nạn nhân của sự thành công như Maryna, của vẻ đẹp như Emma. Của bản thân bạn và những câu chuyện của bạn, như chính Sontag.
Không có câu trả lời cho vấn đề này. Hay nói đúng hơn, có cả một mớ câu trả lời. Một trong số đó có thể là giải phóng bản thân khỏi sự mong đợi của người khác. Hi sinh đám khán giả (đã có) của mình, hoặc tìm những khán giả mới biết thông cảm. Có thể điều này sẽ dễ thực hiện hơn khi bạn đã có tuổi. Khi đó, phía trên bạn có ít thứ đè bạn xuống hơn, bóng ma quyền lực sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tôi có nên nói với anh về việc già đi không, bà vừa cười vừa nói. “Khi bạn trở nên già hơn, qua tuổi 45, những người đàn ông sẽ ngừng thèm muốn bạn. Hay nói thế này, những người đàn ông mà tôi thèm muốn lại không thèm muốn tôi. Tôi muốn một người đàn ông trẻ. Tôi yêu vẻ đẹp. Ðiều đó có gì mới đâu chứ?” Bà nói trong cuộc đời bà, bà đã yêu bảy lần, điều đó dường như khá nhiều. “Không, hượm đã,” bà nói. “Thật ra là chín lần. Năm bà, bốn ông.”
Giờ đây bà công khai nói về quan hệ tình dục lưỡng tính của mình. Đơn giản là, “Khi tôi trở nên ít hấp dẫn hơn đối với đàn ông, thì tôi gắn với phụ nữ nhiều hơn. Đó là điều đã xảy ra. Hỏi bất kỳ người phụ nữ nào ở tuổi của tôi. Phụ nữ đến với bạn nhiều hơn đàn ông. Và phụ nữ thật tuyệt diệu. Ở tuổi 40, người phụ nữ đang nở hoa. Phụ nữ là một tác phẩm đang được sáng tác. Ðàn ông thì suy kiệt.” Hiện tại bà không có người tình, bà sống một mình. Những tin đồn về bà và nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz, là không có cơ sở. Họ chỉ là bạn tâm phúc.
Có thể điều đó nghe có vẻ ngu ngốc, bà nói. “Có thể mọi người sẽ nghĩ rằng tôi có một cuộc sống lầm lạc, hoặc ít có ham muốn tình dục. Có thể tôi đang ký thác bản thân cho một cuộc sống phi tình dục. Nhưng thật thà mà nói, và chỉ thay mặt chính tôi, trong cuộc sống của tôi hiện có rất nhiều điều quan trọng hơn tình dục. Như mối quan hệ của tôi với con trai, David; công việc viết lách của tôi. Thậm chí những say mê (giảng) đạo đức của tôi dường như cũng mạnh hơn đời sống tình dục. Từ điểm này, người đời có thể rút ra kết luận mà họ thích.”
Bà nói rất rõ về bệnh ung thư của mình; bà đã bị hai lần. Ung thư vú di căn vào 1976. Ung thư tử cung vào 1998. Sau khi phát hiện bị ung thư vú, bà đã viết cuốn,
Illness As Metaphor (Bệnh như Phép ẩn dụ). “Nhằm cố gắng xua tan những hiểu lầm ô nhục về căn bệnh này. Ðể đưa bệnh ra ánh sáng. Vào những năm 70, nhiều người vẫn coi nó như Big C (bệnh ung thư nặng). Thậm chí họ còn mê tín đến mức không gọi rõ tên nó.” Nhưng, như bà nói, cuốn sách đó bắt nguồn từ cái chết của cha bà. Ông mắc căn bệnh mà vào những năm 40, người ta vẫn coi là ô nhục, một căn bệnh khiến mẹ bà xấu hổ đến mức phải nói dối bà về cái chết của người cha. Có thể đó là nơi bắt đầu của tri thức, bằng việc bác bỏ một điều dối trá.
Bà không coi bệnh tật như việc truyền đạt kiến thức. Bà nghĩ bệnh là bệnh, và cần phải điều trị. Trong trường hợp của bà, bị ung thư vú, cần phải làm phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và sau đó là ba năm hóa trị. Với bệnh ung thư tử cung, phải làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoàn toàn. Bà nói, đó là một cảm giác kép. “Rằng có thể mình sắp chết. Và đồng thời, là niềm vui sướng vì mình không (chưa) chết.”
Cuộc sống của bà, bà nói, là một bước tiến bộ, từ sự khắc khổ đến một cái gì đó biểu cảm hơn. “Anh biết rằng tôi đã từng muốn là Simone Weil, chết trên một cái tổ kiến, hy sinh bản thân.” Bà thường có những ý tưởng kiểu này. “Tôi luôn là người rơi vào tình yêu vĩ đại. Một kẻ tôn thờ vĩ đại. Lớn hơn bất kỳ tài năng nào tôi có, lớn hơn bất kỳ sự can đảm nào mà tôi có, là ao ước này mà tôi phải ngưỡng mộ.” Nó không giống với những ao ước khác, nó không bị chế ngự bởi tuổi tác. Nhưng bà đã tìm được cách thắng cương cho nó. “Viết truyện hư cấu, với tôi, dường như là một cách hiện hữu trên thế giới, là một cách quan sát thế giới, mà không phải cầm tù mình trong bản thân mình.” Hoặc, bà nói thêm, (cầm tù mình) trong quan niệm của người khác nghĩ về mình.
Tôi không thể nói bà không hề biết sợ - giống như tất cả mọi người, bà hẳn phải có nỗi sợ hãi của riêng mình - nhưng bà là người gan dạ. Hai phẩm chất mà bà có thừa là can đảm và lương tâm. Giờ đây, không còn những vị chúa trời giả hiệu nữa. Ðọng lại vĩnh viễn trong tôi về bà sẽ là hình ảnh bà chạy xuống phố, trong đau đớn vì việc hóa trị đã hại đến các dây thần kinh ở chân và khiến một ngày nào đó, bà sẽ không đi được nữa. Nhưng bà không để ý. Và bà cười to, vì điều đó rất buồn cười, và bà đang vui. Và la lên rằng: “Chúng ta là bạn bè.”
Bạn bè, theo nghĩa mà Arendt đã nói. Là ao ước tìm niềm hạnh phúc trong người khác. Và tất nhiên là trong cả chính mình.
Bản tiếng Việt © talawas
[1]Nhân vật nam đẹp trai nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, chết vì yêu bóng mình dưới nước. Tất cả chú thích trong bài này đều của người dịch.
[2]Jean-Luc Godard (1930- ): nhà làm phim nổi tiếng và một trong những thành viên có ảnh hưởng lớn nhất cho trào lưu Nouvelle Vague (Làn sóng mới), cổ vũ cho việc làm phim thử nghiệm chống lại những đường lối kinh điển.
[3]Roland Barthes (1915-1980): nhà ký hiệu học, nhà lý luận phê bình văn học và triết gia nổi tiếng của Pháp.
[4]Simone Weil (1909-1943): Nữ triết gia Pháp.
[5]Các khu khác nhau thuộc New York.
[6]Middle March là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ văn sĩ George Elliot (1819-1880).