trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
13.12.2007
Vũ Tường
Chính phủ Việt Nam không nên giấu giếm thông tin về quan hệ Việt - Trung
Phạm Thị Hoài thực hiện
 

talawas: Thưa Giáo sư Vũ Tường, theo nhận định của ông, quyết định hành chính cuối tháng 11 vừa qua của chính quyền Trung Quốc có thay đổi hay tác động thực tế gì đến hiện trạng tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa giữa ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, và ở quần đảo Trường Sa giữa 6 nước Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei không?

Vũ Tường: Tôi không nghĩ việc này có ý nghĩa quan trọng. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã từ lâu tuyên bố chủ quyền của họ và đặt quyền quản lý hành chính (trên giấy tờ) đối với Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dủ trên thực tế họ chỉ kiểm soát được Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa. Trong thời kỳ 1959 - 1981, những đảo này thuộc đơn vị hành chính tỉnh Hải Nam, và từ 1981 đến tháng 11 vừa qua thuộc tỉnh Quảng Đông. Việc sáp nhập chúng trở lại vào Hải Nam lần này, mặc dù dưới một tên mới (Tam Sa), cũng giống như trong tích truyện "sáng bốn chiều ba / sáng ba, chiều bốn", nghĩa là không có gì mới về cơ bản trong lập trường của họ. Về mặt quốc nội, có thể xem đây là một phần nhỏ trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc phát triển kinh tế - du lịch của tỉnh Hải Nam. Tỉnh này cho đến gần đây bị lạc hậu so với cả vùng đông nam Trung Quốc. Về mặt quốc tế, cũng có thể xem quyết định mới của Trung Quốc như một "đòn dứ" nhằm thử phản ứng của các bên liên quan. Những chính sách tiếp theo của họ sẽ tuỳ thuộc vào những phản ứng đó.

talawas: Nếu các bên liên quan đều nhất quyết bảo vệ lập trường của mình và bác bỏ quan điểm của các phía khác thì triển vọng giải quyết tranh chấp sẽ ra sao? Ngoài các đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, còn có những đàm phán nào khác trong khu vực mà ông được biết?

Vũ Tường: Có rất ít hy vọng giải quyết cuộc tranh chấp này trong đoản kỳ và trung kỳ. Tất cả các thoả thuận khu vực cho đến nay đều dựa trên cơ sở tự nguyện. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã ký kết một thoả thuận hợp tác đánh giá trữ lượng dầu khí vào năm 2005, nhưng điều này không có nghĩa là các bên liên quan từ bỏ các tuyên bố về chủ quyền cùa họ. Các thoả thuận đã đạt được, không chỉ về tranh chấp ở biển Đông mà cả những nguyên tắc đối thoại trong khuôn khổ ASEAN, có thể xem như những biện pháp xây dựng lòng tin, nhưng chúng không bảo đảm là các bên liên quan sẽ bị buộc phải từ bỏ sử dụng bạo lực. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng làm cho xung đột quân sự khó có khả năng xảy ra trong đoản kỳ. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang trong giai đoạn phát triển kinh tế thuận lợi và đang nỗ lực hiện đại hoá trang bị quân sự. Đối với Trung Quốc, "Nam Sa" chỉ là một vấn đề nhỏ so với Đài Loan. Cả hai nước Trung - Việt có lẽ không muốn tình hình khu vực bị căng thẳng. Các bên liên quan đều tìm cách củng cố vị trí quân sự của họ trong khi đánh võ mồm, và điều này dẫn đến những va chạm nhỏ nhưng không phải xung đột lớn.

talawas: Cho đến nay, vấn đề tranh chấp này đã là đối tượng của công pháp quốc tế bao giờ chưa? Đâu là thẩm quyền quốc tế dễ đạt đến nhất cho Việt Nam trong vụ việc này?

Vũ Tường: Vấn đề tranh chấp này chưa bao giờ là đối tượng của công pháp quốc tế. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chưa từng dùng đến Toà án Quốc tế ở The Hague, và cả hai sẽ không làm điều này, phần vì xem chủ quyền quốc gia là tối thượng trong quan hệ quốc tế, phần vì không muốn chấp nhận rủi ro trong trường hợp Toà án này ra một phán quyết chống lại mình. Malaysia, Brunei và có thể cả Philippines dễ chấp nhận giải pháp này hơn (hiện nay Malaysia và Singapore đang kiện nhau ở The Hague về chủ quyền đối với một hòn đảo nhỏ). Chưa nói đến Đài Loan mà Trung Quốc coi là một tỉnh của mình, khả năng cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đồng ý đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế rất nhỏ (nhưng đây lại là điều kiện tiên quyết). Dù vậy, đây không phải là lý do Việt Nam loại bỏ giải pháp này khi Việt Nam là một nước yếu hơn so với Trung Quốc.


talawas: Nhưng dường như Việt Nam còn một vấn đề "khó nói": Ngày 04.9.1958, chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra một tuyên bố quốc tế về hải phận Trung Quốc, trong đó, theo đúng lời văn bản, “các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác” là thuộc về Trung Quốc. Mười ngày sau, ngày 14.9.1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Tổng lý Quốc vụ Viện Chu Ân Lai, khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Văn kiện chính thức này, Công hàm 1958, ngày nay có còn giá trị không?


Vũ Tường: Dĩ nhiên vẫn còn giá trị, mặc dù Việt Nam cố lờ nó đi hay phủ nhận nó. Thậm chí nếu Việt Nam phủ nhận văn kiện này, Trung Quốc vẫn có thể dùng nó như một bằng cớ (trước toà án dư luận quốc tế hay trong đàm phán đa phương) để chứng tỏ lập trường thiếu nhất quán (inconsistent) của Việt Nam. Vị trí của Việt Nam trong tranh luận sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

talawas: Và thêm một sự kiện nữa: Sau trận Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hoà và Hải quân Trung Quốc ngày 19.1.1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc. Khi đó, chính quyền Hà Nội có phản đối hành động này của những người đồng chí Bắc Kinh cùng chung một chủ nghĩa quốc tế vô sản không?

Vũ Tường: Theo tôi biết, Hà Nội hoàn toàn im lặng trước sự kiện này.

talawas: Sau gần 34 năm de facto nằm dưới sự chủ quản của Trung Quốc như vậy, chính quyền nuớc này có thể tự coi Hoàng Sa là de jure thuộc về mình không? Ông có biết một trường hợp nào tương tự trong công pháp quốc tế không?

Vũ Tường: Tôi không biết câu trả lời vì chuyên môn của tôi không phải là công pháp quốc tế. Nhưng việc chiếm đóng Hoàng Sa của Trung Quốc dựa trên vũ lực ngược lại những thoả ước chính thức khác có từ trước và liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quần đảo này (Thoả ước giữa Pháp và Triều đình nhà Thanh hay Hiệp định Genève giữa Pháp và Việt Nam) nên không thể cãi là de facto có thể biến thành de jure. Thực tế Trung Quốc đã không sử dụng lập luận này.

talawas: Vậy phía Việt Nam đã làm những gì trong 34 năm qua để đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa?

Vũ Tường: Không làm gì ngoài việc lên án Trung Quốc đã chiếm đất của Việt Nam.

talawas: Còn bốn nước Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei, họ có phản ứng trước những động thái mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông không?

Vũ Tường: Không có phản ứng gì, thứ nhất có lẽ vì lý do tôi nói ở trên, và thứ hai, Đài Loan đang bận với cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề tham gia Liên Hiệp Quốc; Malaysia đang có xung đột chủng tộc rất căng thẳng trong vài tuần lễ qua (phong trào người gốc Ấn đòi công bằng và nhân quyền), còn Philippines vừa trải qua một cuộc đảo chính hụt.

talawas: Ông đánh giá thế nào về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tương lai, như 1974 ở Hoàng Sa và 1988 ở Trường Sa?

Vũ Tường: Mặc dù đôi bên đều có vẻ tự kềm chế trong các xung đột nhỏ trước đây, nguy cơ này có thể xảy ra trong một vài trường hợp giả định, khi Hải quân Việt Nam giúp các ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc đuổi và phảỉ bắn tự vệ. Nếu điều này xảy ra (dù phía Trung Quốc có hay không cố ý gây sự), họ có thể tiện dịp đánh chiếm thêm một vài đảo, lấy cớ Việt Nam gây sự trước.

talawas: Ông có lời khuyên gì cho những người Việt Nam quan tâm đến vấn đề này? Đặc biệt, trong những ngày này, khi lần đầu tiên có những cuộc biểu tình tự phát chống bá quyền Trung Quốc diễn ra tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn? Trung Quốc có thực sự là một hiểm hoạ cho sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam?

Vũ Tường: Tôi nghĩ người Việt Nam nên bình tĩnh thảo luận vấn đề để tìm ra một giải pháp lâu dài. Đây không phải là một vấn đề mới, cũng không phải là vấn đề gấp gáp. Cả hai quần đảo này chỉ chiếm một diện tích đất đai khiêm tốn, trong khi việc khai thác các tài nguyên ở đó đòi hỏi những kỹ thuật mà Việt Nam chưa thể có trong nhiều thập kỷ nữa. Dĩ nhiên quyền lợi đối với Hoàng Sa và Trường Sa gắn chặt với quyền lợi trong cả một vùng biển - thềm lục địa lớn (bao trùm phần lớn Biển Đông), nhưng ngay cả nếu Trung Quốc chiếm được hai quần đảo này thì cũng không có nghĩa là họ sở hữu được cả Biển Đông, vì điều này sẽ chạm đến mối quan tâm của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, những quốc gia này cần bảo vệ đường thuỷ chiến lược từ eo biển Malacca đến Biển Nhật Bản. Mặc dù các quốc gia này đang toạ thủ bàng quan, nhưng nếu thấy Trung Quốc tiến dần đến thu góm Trường Sa, thì họ sẽ can thiệp.

Dù chúng ta không nên phóng đại vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chính phủ Việt Nam không nên và không có quyền cấm đoán dân chúng biểu tình hay giấu giếm thông tin về quan hệ Việt -Trung. Đây là những quyền được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam. Những người Việt quan tâm đến vấn đề này (có những người không quan tâm) phải được quyền thảo luận tự do và chất vấn các đại biểu Quốc hội của họ, hay biểu tình để Trung Quốc không coi thường Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên tổ chức các cuộc hội thảo nghiêm túc trong giới nghiên cứu và các trường đại học, và các ý kiến khác nhau cần phải được khuyến khích. Chính sách hiện nay của Việt Nam có vẻ đề cao quá mức việc duy trì mối quan hệ hữu hảo đối với Trung Quốc, nhưng thiếu cảnh giác trước nguy cơ lệ thuộc. Sau suốt một thập kỷ chiến tranh dai dẳng với Trung Quốc, chính sách hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc rất khó hiểu. Cũng có thể đây là chính sách khôn ngoan, nhưng nhân dân Việt Nam cần được giải thích rõ ràng tại sao như vậy, vì họ đã và sẽ phải trả giá cho những quyết định thiếu khôn ngoan bằng chính xương máu của họ.

talawas: Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Tường.

______________
Giáo sư Vũ Tường là Tiến sĩ khoa Chính trị học (Đại học California, Berkeley), giảng viên bộ môn Chính trị châu Á, Trường Đại học Oregon, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Tác phẩm nghiên cứu chính về Indonesia: “State Formation and the Origins of Developmental States in South Korea and Indonesia”, Studies in Comparative International Development 41:4 (Winter 2007). “Of Rice and Revolution: The Politics of Provisioning and State-Society Relations on Java, 1945-1949”, South East Asia Research, 11:3 (November 2003), pp. 237-267. Tác phẩm dịch: Sang Jenderal Pensiun (cùng với Prapto Waluyo, từ truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp), Kalam, no. 20 (Jakarta: July 2003). Tác phẩm dịch đăng trên talawas chủ nhật: Pramoedya Ananta Toer: Đất của loài người. Trong niên học 2007-2008, ông thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore. Website: http://www.ari.nus.edu.sg/people_details.asp?peopleid=428&categoryid=2



© 2007 talawas