trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
27.11.2007
Lê Anh Hoài
Chập choạng thân cò
 
Thân cò, tranh sơn dầu của Hữu Ước
“Thân cò”, tranh sơn dầu của Hữu Ước
Một thông tin được in đậm trên tờ An ninh Thế giới ra ngày thứ Bảy, 17/11/2007, khiến nhiều người trong giới mỹ thuật xôn xao: Bức tranh “Thân cò” của thiếu tướng – nhà văn Hữu Ước sẽ được bán đấu giá với mức khởi điểm 2 tỷ đồng! Diễn biến của sự việc này diễn ra khá kịch tính, bộc lộ nhiều điều thú vị không chỉ với người trong nghề, mà với cả công chúng nói chung.


Đấu giá tác phẩm nghệ thuật – muôn vẻ muôn hình

Trên thế giới lâu nay, việc đem một tác phẩm nghệ thuật nào đó ra đấu giá không phải là chuyện lạ. Không ít tác phẩm, mà phổ biến là tranh, tượng và ảnh, của các nghệ sĩ danh tiếng, đã được mua đi bán lại với cái giá nhiều chục triệu đô la (xem một bản tin của báo Tiền phong ra ngày 09/11/2007, có tiêu đề "Chợ nghệ thuật năm 2007: Bùng nổ về giá").

Ở Việt Nam, những năm gần đây, hoạt động đấu giá để làm từ thiện (một phần hay toàn phần) diễn ra khá nhiều. Có thể điểm: Cuối tháng 5/2007, Quỹ Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam) tổ chức buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại châu Á lần thứ 5, tại khách sạn Park Hyatt (TPHCM) gây quỹ, số tiền thu được hơn 50.000 USD sẽ giúp thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật vùng mặt ở Việt Nam. Vài năm trước, một bản in đặc biệt thuộc công trình "100 năm thơ đất Quảng" được bán đấu giá tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rồi đấu giá thơ, sách độc bản viết tay, bán đấu giá tranh vẽ trên dù để lấy tiền làm từ thiện tại Hội An... Gần đây nhất, người đẹp Minh Thu đại diện cho Việt Nam mang đến cuộc thi Hoa hậu Thế giới chiếc áo dài có thêu hoạ tiết Vịnh Hạ Long để bán đấu giá từ thiện. Tháng 7/2005, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố website đấu giá từ thiện trực tuyến tại địa chỉ: www.daugiatuthien.com.vn .

Theo thông lệ quốc tế, việc đem "bán" các tác phẩm nghệ thuật không chỉ là để thu tiền đơn thuần mà còn là một kênh thẩm định nghệ thuật. Dù là cuộc đấu giá từ thiện, tính nghệ thuật vẫn phải được tôn trọng. Để đảm bảo sự tôn trọng này, cuộc đấu giá thường được tổ chức bởi các nhà chuyên nghiệp. Lâu đời và uy tín nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s...

Dĩ nhiên, vẫn có những tác phẩm, sản phẩm mỹ nghệ được đem đấu giá vì nguồn gốc đặc biệt của nó, như nó được tù nhân, bệnh nhân bệnh hiểm nghèo... chế tác. Tính nghệ thuật, trong trường hợp này, bị xem nhẹ.

Trên thế giới, đã có vụ mua đấu giá một... đoạn dây thừng, kết quả cuối cùng giá lên đến vài chục ngàn USD. Ở đây, không phải giá trị thực của đoạn dây như vậy, mà do người mua muốn lập kỷ lục thế giới.


“Bán đấu giá” hay “ủng hộ” hay “tặng”?

Theo bài báo nói trên, việc bán đấu giá bức tranh này diễn ra trong khuôn khổ chương trình ca múa nhạc "Vì bình yên cuộc sống" do báo Công an Nhân dân phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương tổ chức lúc 20h ngày 24/11 với mục đích từ thiện, diễn ra tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Hà Nội.

Bài báo nêu rõ:

"Điểm nhấn của chương trình là khi các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm làm từ thiện. Bức tranh ‘Thân cò’ của thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước – tổng biên tập báo CAND sẽ được bán đấu giá (...) Được biết, giá khởi điểm của bức tranh sẽ là 2 tỷ đồng nhưng với sự quan tâm của các nhà hảo tâm... giá bức tranh chắc chắn sẽ được trả cao hơn.”

Cũng theo bài báo này, TS Hoàng Quang Thuận cũng tổ chức bán đấu giá bức tranh đá quý của ông - cùng mục đích từ thiện - với giá khởi điểm 1 tỷ đồng. (Tuy nhiên, vì xét thấy bức tranh của vị TS này không dính dáng gì đến hội hoạ – nó là đồ mỹ nghệ, nên từ đây về sau trong bài, khi nói đến “bức tranh”, chúng tôi chỉ nói đến bức “Thân cò”.)

Hãy đọc bài sau đây trên trang báo mạng CAND, “Vì bình yên cuộc sống: Mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn” - lúc 9:01, 20/11/2007 để hình dung kỹ hơn về chương trình:

Chỉ đạo chương trình là thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập báo CAND và biên tập, kiêm chỉ đạo nghệ thuật là NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương.

Trong 2 đêm (24 và 25/11), khán giả thủ đô và người xem truyền hình cả nước sẽ được đắm mình trong những tiết mục ca nhạc mới mẻ, độc đáo và đặc sắc, mà tác giả của hầu hết các bài hát đều là tướng lĩnh và cán bộ trong lực lượng công an.

3 sáng tác mới nhất của thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước là "Vỉa hè Hà Nội", "Lời ru cỏ non" và "Lời hò hẹn cuối cùng" cũng có mặt trong danh sách.

Tuy nhiên, diễn biến xung quanh số phận bức tranh “Thân cò” đã có phần đổi khác, được phản ánh trong bài “Đã sẵn sàng cho đêm khai mạc "Vì bình yên cuộc sống" - 3:00, 24/11/2007.

Bài báo mô tả: “các nghệ sĩ đều nhiệt tình với cả tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cho thấy sự trân trọng của các ngôi sao ca nhạc với chương trình nghệ thuật này”. Sau đó: “thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước cho biết: Bức tranh ‘Thân cò’ của tôi đã được một doanh nghiệp mua với giá 3 tỷ đồng, thực sự là một nghĩa cử cao đẹp dành cho bà con dân tộc...”.

Nên lưu ý, khi bài báo này lên mạng, chương trình chưa diễn ra.

Diễn biến thực tế của chương trình, thì sao?

Người không xem trực tiếp, có thể vào địa chỉ http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/11/79731.cand sẽ thấy bài "Chùm ảnh: Chương trình nghệ thuật "Vì bình yên cuộc sống" (12:19, 25/11/2007). Không chỉ có ảnh, tại đây còn có text như một bài và video clip. Xem ảnh và video clip, thấy bức tranh "Thân cò" - như lời trong video clip - được "ủng hộ" 4 tỷ đồng (không có hoạt động bán đấu giá ở đây như dự kiến). Trong khi, trên vài bức trong "Chùm ảnh..." - người ta nhìn thấy rõ những tấm bảng ghi "tặng bức tranh..."

Có thể thấy ở đây, dự kiến ban đầu "bán đấu giá" bức tranh đã được sửa đổi thành "ủng hộ” hay “tặng cho...” bức tranh.


Những dấu hỏi

Dư luận ồn lên xung quanh bức tranh này, từ lúc nó được rao lên “bán đấu giá” cho đến lúc nó được “ủng hộ”. Tiêu điểm sự kiện ở chỗ: không chỉ ở Việt Nam, mà trên phạm vi thế giới, cũng khó có thể tưởng tượng được rằng, chính người tổ chức ra một chương trình từ thiện, lại đem bức tranh chưa được thẩm định giá trị của mình ra bán. Cần lưu ý, tác giả bức tranh không phải là chủ tư bản, nghĩa là người được toàn quyền định đoạt tài sản cũng như hoạt động của công ty, tổ chức của mình. Ở đây, ông là lãnh đạo cao nhất của tờ báo Công an Nhân dân – một cơ quan truyền thông của nhà nước.

Nói đến giá trị nghệ thuật của bức tranh "Thân cò" của Hữu Ước, nhiều người trong giới được hỏi đều cười, nhiều người nói những câu đùa cợt, tuy nhiên, để phát biểu nghiêm túc, chúng tôi ghi nhận được ý kiến của hoạ sĩ Như Huy: "Đây không phải là một hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tôi đã đọc tin về một bức tranh của các cháu thiếu nhi, đấu giá cũng được vài tỷ đồng. Ở đây, có cái gì đó gần như thế, và tôi nghĩ người mua cũng không hiểu và không vì nghệ thuật thực sự".

Như Huy còn nói thêm: "Tranh của Trịnh Công Sơn có bức bán được mười mấy ngàn đô (USD), nhưng tôi nghĩ người ta mua vì yêu quý nhạc và hào quang của ông chứ không phải vì chính nghệ thuật hội hoạ".

Trở lại chuyện bức tranh "Thân cò", có thể, nhà tổ chức, ở đây chính là thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước đã nhận ra sự phi lý của hoàn cảnh mà chính ông đẩy ông vào.

Bởi, dù ở Việt Nam chưa có một luật lệ nào quy định chặt chẽ việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật để làm từ thiện, nhưng dư luận trong giới mỹ thuật có lẽ đã tác động đến ông.

Như thông tin ban đầu, ai cũng thấy rằng, bức tranh đã được “bán” không phải tại một thương trường thực sự. Và bởi chính vì nếu bán một cách sòng phẳng, bức tranh ấy có thể sẽ có giá rất thấp, nên nhà tổ chức đã phải thoả thuận trước với bên "mua". Việc này khiến dư luận có những câu hỏi/ vấn đề đặt ra:
  • Để ủng hộ cho công việc từ thiện, đại diện doanh nghiệp/ tổ chức hảo tâm hoàn toàn chỉ cần xuất hiện tại buổi lễ, trao tiền (thực tế là cam kết giải ngân, còn trao chỉ là tượng trưng). Họ vẫn thực hiện được điều họ muốn, và vẫn được xã hội tôn vinh.
  • Như vậy, việc "mua" bức tranh phải được thúc đẩy bởi động cơ:

    • Thu được giá trị của bức tranh (với đa số tác phẩm nghệ thuật thực sự, giá chỉ có lên theo thời gian, tất nhiên có cả những tác phẩm giá trị không được người đương thời nhận ra, nhưng theo thời gian, hậu thế vẫn nhận ra).
    • Thu được giá trị khác.
Một nhà nghiên cứu hội hoạ trẻ nói: "Từ góc độ này mà xem xét việc bức tranh “Thân cò” được mua với giá 3 tỉ đồng (xấp xỉ 200.000 USD), cho dù mua để làm bất cứ việc gì thì sẽ thấy: tác giả bức tranh không phải là một hoạ sĩ thật sự, danh tiếng đã được khẳng định, cho nên danh tiếng của ông (nếu có) là danh tiếng khác, đồng thời uy tín của ông cũng là uy tín khác, không phải uy tín của một hoạ sĩ. Vậy đó là danh tiếng + uy tín của ai nếu không phải là của một thiếu tướng công an, tổng biên tập báo Công an Nhân dân kiêm chỉ đạo chương trình nghệ thuật mà nhân đó, cuộc bán mua này được xảy ra?... Nhân đây tôi cũng phải nói rằng, rất ít có hoạ sĩ nào của Việt Nam, từ các bậc thầy lớp trước cho đến các hoạ sĩ hiện nay có tranh bán chạy nhất, đắt nhất mà một bức tranh bán được đến mức giá 3 tỉ đồng Việt Nam".

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần (10/2007) , được trang web Việt báo dẫn lại, gallery Leslie Hintman đã định giá bức “Thiếu phụ trong vườn”, tranh sơn dầu trên lụa, khổ 104,1 x 83,8cm của Lê Phổ là 30.000 - 50.000 USD. Còn nhà Christie’s ở Hong Kong đã chuẩn bị cho một cuộc đấu giá tranh Đông Nam Á quan trọng sẽ diễn ra vào mùa xuân năm sau, trong đó có bức tranh lụa của thời kỳ đầu sáng tác của hoạ sĩ Lê Phổ vào loại rất quý hiếm, hiện thuộc sưu tập tư nhân tại châu Á; bức “Mẹ và các con” ước tính sẽ bán với giá từ 102.000 - 128.000 USD...

Theo những người am hiểu thị trường tranh, tranh của Nguyễn Gia Trí, những bức bán được khoảng 200.000 USD chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đa số tranh của các hoạ sĩ hiện nay, chỉ có giá khoảng vài trăm USD mà cũng rất khó bán.

Có một luồng ý kiến nhìn nhận sự việc có vẻ "lạc quan", tiêu biểu là hoạ sĩ Ngô Lực, anh nói: "Tôi nghĩ vấn đề này nên nhìn mục đích đằng sau nó: dẫu sao thì mọi thứ cũng rõ ràng mạch lạc, là lấy tiền cho người nghèo. Ngày xưa người ta còn tôn vinh những thằng ăn cướp mà lương thiện vì cướp của người giàu mang cho người nghèo. Tôi nghĩ nên ủng hộ dù có nhiều những hậu quả kèm theo, nhưng những hậu quả đó chẳng quan trọng bằng những người đang khó khăn cần giúp đỡ...".

Không thể phủ nhận giá trị thiết thực của số tiền nhiều tỷ đồng thu được từ chương trình cho công việc từ thiện. Ý nghĩa xã hội của phần việc này không có gì phải bàn cãi. Trừ phi, xảy ra sự việc như ý kiến của một luật gia: Nếu cam kết dùng số tiền A làm từ thiện, nhưng thực tế lại chỉ chi một số tiền ít hơn A, có thể tranh chấp này sẽ dẫn đương sự tới toà dân sự.

Cũng phải lưu ý thêm đến một thực tế, theo một hoạ sĩ rất am hiểu về việc bán đấu giá tranh làm từ thiện: thông thường, các chủ đấu giá ở Việt Nam vẫn có cái lệ trả lại 50% tiền thu được qua đấu giá cho tác giả tranh!

Tuy nhiên, hãy gạt bỏ những vấn đề liên quan đến giá trị vật chất. Câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là: Tác giả tranh được gì? Câu trả lời cũng rất đơn giản: Được công chúng biết đến (lăng-xê), và vì đây là một chương trình từ thiện và vì dân trí còn thấp, tác giả bức tranh được tôn vinh như người có công.

Hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác, anh đề cập đến phạm trù "bảo hộ" trong nghệ thuật. Anh cho biết cũng từng có vài lần có tranh được đấu giá từ thiện, nhưng chưa lần nào anh thấy có sự sắp đặt trước về người mua hay giá cả. Và như vậy, dù là làm từ thiện, tranh vẫn được bán trong thị trường không có bảo hộ. Theo Nguyễn Minh Thành - với thị trường thực sự, nó là sự tự vận động của hoạ sĩ. Còn khi có sự bảo hộ (của chính quyền thông qua chính sách hay cá nhân có chức quyền, hoặc chỉ đơn thuần là hoàn cảnh xã hội, theo nghĩa tạo điều kiện để tạo ra những cuộc mua bán giả, và giá cả giả) thì nó là tình trạng thiếu lành mạnh kiểu rừng rú.

Tất nhiên, cuộc đấu giá đã không diễn ra trên thực tế, nhưng bóng ma của nó vẫn còn. Bức tranh được chuyển sang khái niệm “được ủng hộ”, được “doanh nghiệp X tặng cho bức tranh số tiền...”. Những khái niệm hoàn toàn kỳ quặc khiến những câu hỏi lại ồn lên: Xưa nay chỉ thấy “ủng hộ” và tặng con người, chưa ai thấy một bức tranh được ủng hộ và được tặng tiền? Bức tranh hiện nay là của ai? Của tác giả hay của (những) người ủng hộ? Tranh được ủng hộ và được tặng tiền, tác giả của nó được gì, v.v. và v.v.

Rõ ràng, cái văn hoá "quyên góp từ thiện" đang bị cái văn hoá "làm phúc cho nghệ thuật", “làm sang cho nghệ thuật... của mình” lấn át!

26/11/2007

© 2007 talawas