Bài viết “
Bậc tiên tri thời đại”
[1] có cái tựa đề rất kêu. Không phải dài dòng, tôi sẽ lần lượt xem nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện tiên tri như thế nào. Các trích đoạn trong bài của Lê Phú Khải được in nghiêng, với nhận xét của tôi ngay sau đó.
1. Ông nói: Ai đề ra khẩu hiệu “mọi người làm giầu” là sai. Theo ông, Cách mạng Pháp 1789 nêu khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái (Liberté – Egalité - Fraternité)… Trên cái nền tự do bình đẳng bác ái đó mà nước Pháp trở nên giầu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giầu như hiện nay thì mau chóng suy thoái về đạo lý. Thực ra, khẩu hiệu nào cũng sai cả. Cách mạng Pháp đề ra khẩu hiệu hay thế đấy nhưng chém giết lung tung cả kẻ thù lẫn đồng chí. Trải qua những cuộc bể dâu, dân Pháp xây dựng đất nước giàu có nhờ có nhà nước pháp quyền, chế độ tự do, nền tảng vững chắc của một dân tộc khai sáng, và nhiều cái khác nữa, chứ không nhờ những cái khẩu hiệu rất kêu và rất rỗng của các nước kém phát triển.
2. Vào những năm khi các công ty tư bản đầu tiên lập nhà máy, xí nghiệp thu hút nhân công rẻ trên đất nước ta, bác Viện lại vỗ vai tôi nhỏ nhẹ: Tư bản là bóc lột, bóc lột được tới đâu thì bóc lột tới đó. Vì thế phải đấu tranh, đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc, đòi tăng lương, giảm giờ làm, bảo vệ môi trường… Hễ ta lùi thì nó tiến, hễ ta tiến nó lùi… Tư bản là kẻ giầu có, vì thế không có chuyện liều mạng như vô sản, phải biết thóp điều đó mà chơi với tư bản, nên kiếm tư bản phương Tây mà chơi vì nó đã lên đến văn minh, bọn… (tôi tránh không muốn dẫn những tên nước mà bác Viện dẫn ra…) còn man rợ lắm, đấm đá, đánh đập công nhân ta là chuyện sẽ xảy ra. Lúc đó ai bênh vực công nhân đây? Đó là những điều phải nghĩ trước, phải có chuẩn bị từ bây giờ… Con nít lên ba cũng biết tư bản phương Tây văn minh hơn tư bản rừng rú mới phất phương Đông, và cả hai đều văn minh hơn xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cái này có thể gọi là tiên tri không? Đoạn này cũng cho thấy tầm suy nghĩ chật hẹp của một số bậc trí thức Việt ta. Các vị có thấy quan lại Việt thương xót dân chúng không? Nếu quan ta trấn lột dân ta dã man thì hòng gì ngoại nhân thương xót dân ta? Và cái gã nhà nghèo Việt Nam ta sao lại làm sang, chỉ mong làm bạn các bác nhà giàu phương Tây văn minh lịch thiệp, chứ em chả thèm chơi với bọn mới phất dã man mọi rợ em sợ lắm lắm?
3. Có lần ông tâm sự: Thể thao Việt Nam muốn đoạt giải cao trong các kì thi đấu quốc tế thì phải đầu tư cho các môn thể thao võ dân tộc mới có hy vọng. Các môn khác người ta đã tiến xa mình, đuổi không kịp nên phải đầu tư mạnh vào các môn mình có lợi thế… Ít lâu sau ông đưa cho tôi bài báo nhan đề “Tiên học võ”, nội dung cổ vũ cho việc đầu tư các môn võ thuật dân tộc như đá cầu, vật, đấu cờ… Ông nói: Nhờ cậu đưa cho bất kì một tờ báo nào, miễn là đăng được! (Vào thời điểm ấy đã có người ra lệnh mồm không được đăng bài của Nguyễn Khắc Viện ở bất cứ báo nào nên bác Viện mới nhờ tôi). Và tuần san Sài Gòn Giải phóng
thứ bảy đã đăng bài báo này. Chỉ không lâu sau đó, Việt Nam liên tiếp được giải cao nhất trong các kì thi thể thao quốc tế về môn đá cầu… người ta càng nhận thấy, cái danh hiệu “nhà văn hoá” mà cuộc đời đã tấn phong cho Nguyễn Khắc Viện là có lý! Nguyễn Khắc Viện sống từ thời thực dân, lúc nào cũng muốn nở mày nở mặt, nên ham cái quốc sách tranh thắng tức thì, mà không thấy thắng lợi ở những cái thiên hạ không ai chơi thì có vẻ vang gì. Đây là cái tâm lý tiểu nông, con nhà nghèo, nhược tiểu, hậu thuộc địa. Các nước dân chủ người ta không coi chuyện được thua làm trọng quá mức như thế đâu. Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Nam Hàn trước tiên lo cho dân trí được nâng cao, người dân được khỏe mạnh. Những giải thưởng Olympic thể thao, hoặc các giải thi học sinh giỏi quốc tế chỉ là những hệ quả tất yếu từ những dân tộc hùng cường thông tuệ. Không như các quốc gia lạc hậu, chỉ nuôi vận động viên và học sinh giỏi như gà chọi chờ thi đấu, còn phần đông số còn lại để ngu dốt yếu hèn cho dễ cai trị. Có những học giả thế này làm quân sư quạt mo, thảo nào các lãnh đạo Việt Nam cứ rùm beng cái quốc sách xây dựng một trường đại học Việt Nam đứng trong 100 trường hàng đầu thế giới.
4. Vào những năm cuối thập kỉ 90, lúc Việt Nam bắt đầu chính sách mở cửa, hàng hoá bên ngoài ồ ạt nhập vào, một số con ông lớn đua nhau nhập Honda lấy lời. Tôi từ Mỹ Tho chạy xe gắn máy lên thăm bác Viện vào “trú đông” tại số 22 đường Phan Đăng Lưu. Bác Viện chỉ tay vào chiếc xe Honda bám đầy bụi đất của tôi nói: Cái xe gắn máy Nhật Bản và cái băng vi-đi-ô… là những quả đại bác nã vào các thành phố và thị xã, thị tứ ở nước ta, nó nã cho đến khi nào tan nát mới thôi! Lúc đó tôi vừa mới sắm được cái xe Honda cũ… đang hí hả mừng, nghe thấy những lời đó thật tình chưa hiểu ông nói gì. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông già điềm tĩnh nói: Rồi cậu sẽ hiểu! Trên talawas này cũng có người đã nói điều này không cần khả năng tiên tri, và còn đưa cả giải pháp
[2] . Còn cái băng video chỉ là quốc nạn ở xứ Việt Nam ta mà thôi. Nhưng một điều quan trọng nhà tiên tri không nhìn thấy ở đây là: mọi công cụ đều có hai mặt tốt xấu. Ở các nước phát triển, mọi người dân được tự do góp phần thảo luận để thấy cái lợi cái hại mà lập kế hoạch và luật lệ cho tương lai, đồng thời giáo dục công dân để phát triển cái tốt và hạn chế cái xấu của công cụ đó. Còn ở ta thì vì tham lam và ngu dốt, người ta để cho xe gắn máy thành vấn nạn. Và cũng vì ngu dốt và tham quyền, người ta lo sợ và cấm đoán những công cụ rất có ích là video và internet.
Tóm lại là những “tiên tri” của Nguyễn Khắc Viện chỉ là những nhận xét thường thiển cận, có khi còn thiếu chiều sâu hơn ý kiến của người dân bình thường ở một nước tự do. Có lẽ phải kể thêm cái phản-tiên tri lớn nhất đời ông là chọn lầm chủ nghĩa cộng sản. Lâu lắc lâu lơ rồi ông Samuel Johnson đã nói: “Khi đi đường, một người phải có kiến thức thì mới mang được kiến thức về”
[3] . Hành trang tư tưởng lúc đi nước ngoài của Nguyễn Khắc Viện có gì? Ông đã đến Paris nhưng học được gì vậy? Hy vọng là người dân hôm nay, khác với Lê Phú Khải, không còn bị lừa bởi những học giả có bằng cấp nước ngoài như trước. Mong là dân trí được tiến bộ nhiều, và ngày hôm nay ở Việt Nam không còn là thời của những tiên tri giả
[4] .
© 2007 talawas
[1]Lê Phú Khải, Bậc tiên tri thời đại, 10.5.2007, talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9928&rb=0306 [2]Dũng Vũ, 28 ngày Việt Nam, 24.4.2006, talawas:
Tôi lấy vấn đề giao thông làm ví dụ cụ thể. Lần đầu tiên về Việt Nam, chúng tôi được ở cư xá Thanh Đa, nơi dành riêng cho chuyên gia Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc,... Mỗi ngày vào phố làm việc, đường đã xa lại hay bị kẹt xe vì xe Honda nhiều quá. Nhận thấy bầu không khí đầy khói xe, bụi bặm, cộng với nạn giao thông mất trật tự, chúng tôi gợi ý mọi người nên hạn chế xe hai bánh, hãy tập trung phát triển phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như xe bus, xe điện mà các xứ Âu châu thường làm.
[3]James Boswell, The Life of Samuel Johnson, vol. 3 (1791)
"As the Spanish proverb says, 'He, who would bring home the wealth of the Indies, must carry the wealth of the Indies with him.' So it is in traveling; a man must carry knowledge with him, if he would bring home knowledge."
Samuel Johnson (1649-1703): tác gia và nhà từ điển nổi tiếng Anh[4]Xin mượn cái tựa đề rất bắt mắt của nhà văn Nguyễn Viện.