Xã há»™iÄá»i sống hiện đại Loạt bài: Suy tÆ° 90
12.12.2006
Nguyễn Kiến Giang
TÃnh dục và con ngÆ°á»i
Nói thật chính xác, đầu đề bài này phải là “Tính dục của con người”. Nói như vậy để phân biệt với tính dục không phải của con người. Trong tiến trình phát triển của các loài động vật, kể từ khi xuất hiện sự phân chia giới tính “đực” và “cái”, hoạt động tính dục có mặt ở mọi nơi và mọi lúc. Nghĩa là câu chuyện tính dục chẳng có gì mới mẻ cả, ít ra nó đã có từ hàng chục triệu năm nay. Và hoạt động tính dục ở con người, kể từ homo sapiens sapiens, cũng đã có từ ba mươi nghìn năm nay. Với con người, hoạt động tính dục bước sang một giai đoạn mới về chất mà ở các loài động vật khác, ngay cả những động vật có dạng người (như các loài khỉ cao cấp gần với người nhất) chưa thấy có.
Sự phân biệt giữa tính dục của con người và tính dục không phải của con người là hết sức quan trọng. Vì việc giáo dục về tính dục (hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bó hẹp ở nhà trường, gia đình mà cả trên những phương tiện văn học, nghệ thuật, truyền thông...) phải được bắt đầu từ điểm này. Những năm gần đây, làn sóng “đổi mới” trong xã hội nước ta đã lan vào cả lĩnh vực rất tế nhị này, một lĩnh vực từng bị đặt vào vòng “cấm kị” trong một thời gian rất dài, mặc dầu con người vẫn tiến hành hoạt động tính dục không ngừng. Ngày nay, đề tài tính dục không còn bị cấm kị nữa. Có thể đọc thấy nó trên nhiều sách báo, trong đó có những cuốn sách hướng dẫn rất kỹ về “kỹ thuật tính dục”. Nhưng nói chung, do một thói quen nặng nề, người ta vẫn đối xử với đề tài này một cách dè dặt. Một bằng chứng: việc giáo dục tính dục chưa được đặt thành một nội dung giảng dạy trong các nhà trường cho các em đến tuổi dậy thì, chứ chưa nói tới ở các lứa tuổi nhỏ hơn (như đã thấy có ở một số nước, Canada chẳng hạn). Người ta cũng chưa hết lúng túng khi phải phân biệt thế nào là đời sống tính dục đúng và đời sống tính dục sai (do đó, cũng không phân biệt được những sản phẩm văn hóa chính đáng với những sản phẩm văn hóa đồi trụy trong lĩnh vực này). Ðã có không ít bài bàn về vấn đề này trên sách báo, nhưng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Quan niệm của chúng tôi về vấn đề này thật rõ ràng: nên và phải giáo dục tính dục cho những người từ tuổi dậy thì trở đi, kể cả cho những người lớn tuổi hơn.
Nhưng, xin nhắc lại, điểm xuất phát cả việc giáo dục này là sự phân biệt giữa tính dục của con người và tính dục không phải của con người. Sự phân biệt này không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhất là về hoạt động tính dục ở cấp độ sinh học (sinh lý), vì nói như R. de Gourmont, một nhà nghiên cứu về tình yêu, thì tình yêu của con người có “phần động vật”, và về mặt này, “chúng ta là chính động vật (con người trước hết vẫn là một thứ “con” mà!). Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tính dục lại chưa phải của con người, vì hoạt động tính dục của con người - ngoài yếu tố sinh học ra - còn bao hàm những yếu tố tâm lý và (như dưới đây sẽ thấy) cả những yếu tố tâm linh nữa. Thiếu những yếu tố này, hoạt động tính dục chưa phải thật sự của con người. Nói theo nhà tâm lý học Italia nổi tiếng (xem Sự phát triển siêu cá nhân, Nxb Khoa học xã hội, 1997), vì con người là “một thực thể sinh học - tâm lý - tâm linh”, nên hoạt động tính dục của nó phải mang đầy đủ các yếu tố đó. Trong ba yếu tố này, hai yếu tố đầu (sinh học và tâm lý) cũng thấy có ở nhiều loại động vật, đầy đủ hoặc một phần, riêng yếu tố tâm linh thì chỉ con người mới có. Nhưng xin đừng hiểu điều này một cách giản đơn: hoạt động tính dục của con người, ngay cả ở hai yếu tố đầu, cũng đã khác với động vật rồi. Nói đúng hơn, con người đã “người hóa” đời sống tính dục về mặt sinh học và nhất là về mặt tâm lý.
Về mặt sinh học, ở tất cả các động vật có giới tính (sexuée) - con người không phải là ngoại lệ -, hoạt động tính dục gắn liền với sinh đẻ. Tính dục trước hết có chức năng sinh đẻ. Một giống loài không sinh đẻ sẽ bị tuyệt diệt, vì thế, sinh đẻ qua tính dục là một nguyên lý tồn tại và phát triển của mọi giống loài. Nhu cầu sinh đẻ qua tính dục là một nhu cầu bản thể của mọi giống loài. Ngay cả về mặt này, tưởng chừng như có sự đồng nhất giữa con người và các loài động vật khác, nhưng hóa ra không phải thế. Ở con người, chức năng sinh đẻ của hoạt động tính dục chịu tác động của nhiều yếu tố phi tự nhiên, nghĩa là của các yếu tố xã hội - lịch sử nữa: đẻ nhiều hay đẻ ít, đẻ con trai hay con gái, thậm chí có đẻ hay không..., những điều này không chỉ có tính thuần túy sinh học, mà ở một mức độ lớn, còn mang tính xã hội sâu sắc (tập quán, “đạo lý”, chính sách, v.v...).
Ngay cả về hoạt dộng tính dục thuần túy sinh học, con người cũng khác với các loài động vật khác. Trong cuốn Con người không thể đoán trước, nhà nhân học Pháp André Bourguignon nhấn mạnh rằng ở con người, chức năng sinh đẻ có khả năng tách khỏi hoạt động tính dục. Nếu ở các loài động vật khác, hoạt động tính dục chỉ được thực hiện theo chu kỳ sinh đẻ (ứng xử tính dục được khởi phát từ trạng thái động đực của con cái là một ví dụ), thì ở con người, hoạt động tính dục có thể thực hiện ngoài chu kỳ sinh đẻ, thậm chí không tính đến chu kỳ này, hay có thể nói “không theo thời vụ”. Ở con người, ngoài chức năng sinh đẻ ra, hoạt động tính dục còn mang chức năng đem lại khoái cảm và, trong nhiều trường hợp, chức năng khoái cảm được coi trọng hơn, hoặc chỉ có chức năng đó. Theo ông, đó là do sự chênh lệch giữa thần kinh - tâm thần được tính dục hóa và sự chín muồi muộn của các tuyến tính dục cần thiết để sinh đẻ (hay với sự chấm dứt sớm của các tuyến này). Nói dễ hiểu hơn, khi chưa có khả năng sinh đẻ hay khi đã hết khả năng đó rồi, hoạt động tính dục vẫn có thể xuất hiện hay còn kéo dài. Nhưng tại sao lại có các hiện tượng đó, hiện nay vẫn chưa ai giải thích đầy đủ và có sức thuyết phục (Cần nói thêm rằng hiện tượng tách sinh đẻ khỏi hoạt động tính dục cũng đã có ở các loài khỉ dạng người, ở một mức độ nào đó. Phải chăng cũng là do chúng cũng đã bắt đầu có sự tính dục hóa thần kinh - tâm thần?).
Nhưng giả thuyết thú vị hơn của nhà nhân học Pháp này là sự khác nhau về tư thế hoạt động tính dục của con người và của các loài động vật khác. Nếu như ở các loài động vật có vú, kể cả các loài khỉ gần giống người, tư thế giao hợp nói chung là tư thế “lưng-bụng” (phần cuối bụng con đực áp vào phần lưng cuối của con cái), thì ở con người, tư thế đó là tư thế “bụng áp bụng”, do đó, là tư thế “mặt áp mặt”. A. Bourguignon viết: “Những cái nhìn biết nói (khi hoạt động tính dục), những cặp môi gắn nhau, những bàn tay ve vuốt và nắm chặt nhau, những cánh tay ôm chặt thân thể, sự hài hòa của lối liên hệ ấy đã biến hành vi tính dục thành một nguồn khoái cảm thể chất và tâm thần phong phú vô tận”. Thậm chí ông còn đi xa hơn: “Phương thức liên hệ ấy có nhiều tiềm năng phong phú, vì nó nuôi dưỡng những tưởng tượng, những lời nói, chữ viết của con người và tất cả những tác phẩm nghệ thuật của nó...”. Có đúng thế không, có lẽ hơi sớm để khẳng định, nhưng dù sao tác giả này cũng nêu lên một luận điểm đáng chú ý: tư thế hoạt động tính dục này bắt nguồn từ việc con người đi hai chân, làm cho hoạt động thuần túy thể chất ấy của con người tự nó tạo ra những yếu tố tâm lý và văn hóa của chính nó. Nghĩa là, theo ông, những yếu tố tâm lý và văn hóa chỉ riêng con người mới có ấy đã bắt nguồn từ một tư thế hoạt động tính dục. Ý tưởng của ông về sự phát triển của những yếu tố sinh học thành những yếu tố tâm lý và văn hóa (mà thiếu những yếu tố này, hoạt động tính dục không thể được coi là của con người), ý tưởng ấy thật đáng ghi nhận.
Cũng có thể nói như vậy về vẻ đẹp thân thể của con người. Ở một mức độ rất lớn, nó đã đem lại tính riêng của hoạt động tính dục ở con người. Vẻ đẹp, hay “vẻ đẹp thân xác” như có người gọi, vâng, chính nó là một yếu tố sinh học nhưng đã mang tính tâm lý và văn hóa, chỉ có thể tìm thấy trong đời sống tính dục của con người.
Từ mặt sinh học, ta bước sang mặt tâm lý. Ở đây, thật ra chúng ta đụng tới nhiều yếu tố tâm lý khác nhau: ý thức, vô thức, cảm xúc, nhận thức..., tất cả những gì có liên quan với đời sống trí tuệ và tình cảm của con người, được nhận biết hay không. Ở các loài động vật khác, ta đã thấy có các yếu tố tâm lý ấy trong đời sống tính dục của chúng: những cử chỉ âu yếm, những ve vãn, những chăm sóc và cả những khoái cảm (kể cả trạng thái cực khoái)... Nhưng ở con người, những yếu tố tâm lý ấy phát triển tới trình độ cao, còn ở các động vật khác, chúng thể hiện gần như những bản năng. Có lẽ không nên lầm lẫn sự giao cảm về tâm lý ở con người với sự cộng sinh của các động vật khác, mà về hình thức, có khi không khác nhau mấy.
Khuôn khổ bài viết này không cho phép chúng tôi đi sâu phân tích từng yếu tố tâm lý gắn với hoạt động tính dục ở con người, chỉ xin nói tới cái tổng hợp của các yếu tố ấy: tình yêu. Nó được một nhà triết học Ðan Mạch, Kierkegaard, gọi là “tổng hợp tâm lý nhạy cảm” (synthèse psychosensible). Tình yêu thật ra không chỉ thuộc về tâm lý, nó còn có cơ sở thể chất, đúng hơn, đó là một sự liên kết tâm lý - thể chất vô cùng chặt chẽ. Nhưng, theo đúng nghĩa, tình yêu mang trong bản thân nó yếu tố tâm lý như một nét trội. Nói như Nietzsche: “Trong một tình yêu đích thực, chính tâm hồn bao bọc lấy thân thể”. Trong tình yêu, liên hệ tính dục có thể vừa là khởi điểm, vừa là kết tinh của nó, nhưng tình yêu không chỉ giới hạn vào tính dục. Nó còn là một cái gì rộng lớn hơn, cao hơn, sâu hơn rất nhiều. Biểu hiện tâm lý đặc trưng của tình yêu là quan hệ “cho” và “nhận” của hai cá nhân yêu nhau, trong đó “cho” tức là “nhận”, “cho” càng nhiều thì “nhận” sẽ càng nhiều, “cho” và “nhận” hòa thành một, đến mức “hiến tất cả” cũng là “được tất cả”. Và điều đó không chỉ ở liên hệ tính dục mà chủ yếu là ở tâm hồn, ở các lĩnh vực đời sống cá nhân khác.
Trong tình yêu, qui luật lựa chọn cá thể chi phối mọi cái: người ta chỉ yêu người “này” mà không phải người “khác”, do chính tác động được nhận biết hay không được nhận biết của qui luật này. Nó đã có ở mặt sinh học của con người, với tư cách con người. Ở các động vật khác, đã thấy có mầm mống của sự lựa chọn cá thể áy. Như đã biết, một giống loài càng phát triển thì sự cá thể hóa ấy càng đẩy sâu. Những hiện tượng “quần hôn”, “tạp hôn” là phổ biến ở các loài động vật, nhưng dần dần nhường chỗ cho sự cá thể hóa, đặc biệt ở các loài có đời sống thần kinh - tâm thần phát triển cao hơn trong quá trình tiến hóa. Riêng ở con người, mỗi cá thể - nam hay nữ - không bằng lòng với các đối tác “chung” nữa, nó muốn có các đối tác “riêng” hơn, và cái “riêng” này được chính nó lựa chọn, có ý thức hay không, như đã nói. Như vậy về mặt này, chỉ ở con người mới có những liên hệ tính dục cá nhân đúng nghĩa. Trừ những trường hợp cưỡng dâm (do bạo lực) hay ép buộc (do tập quán) ra, con người bao giờ cũng muốn tự mình lựa chọn lấy “đối tác tính dục” (partenaire sexuel). Ðời sống tinh thần và văn hóa càng phát triển, sự lựa chọn đối tác tính dục càng cá thể hóa. Sự lựa chọn này đạt tới đỉnh cao khi đó là sự lựa chọn hợp ý (hay nói đúng hơn, hợp tình - ý) của cả hai.Vì thế, ngoài những liên hệ tính dục dựa trên tình yêu ra - mà đến lượt nó, tình yêu phải là sự lựa chọn cá thể hoàn toàn tự nguyện - thì mọi liên hệ tính dục khác đều không phải là của con người thật sự. Từ kẻ hiếp dâm (dưới các dạng khác nhau) đến kẻ bán dâm, không kẻ nào được coi là có liên hệ tính dục mang tính người theo đúng nghĩa. Ở một số nước văn minh, gần đây người ta phản đối (thậm chí trừng trị theo luật pháp) cả kẻ hiếp dâm trong đời sống vợ chồng, chứ không phải chỉ ở ngoài phạm vi gia đình mà thôi. Những kẻ mắc chứng bạo dâm (sadisme) trong đời sống vợ chồng không bao giờ biết tới liên hệ tính dục mang tính người cả.
Giáo dục tính dục ngày nay, theo chúng tôi, phải mang một nội dung chủ yếu: chỉ có liên hệ tính dục trên nền tảng tình yêu mới là chính đáng, vì đó mới là liên hệ tính dục của con người.
Nhân đây, xin nói tới một hiện tượng thường gặp trên một số sách báo viết về tính dục: người viết quá chú trọng tới “kỹ thuật” hơn là tới tâm lý. Sự chú trọng này, trong nhiều trường hợp, là có cơ sở. Nhiều cặp vợ chồng, sau hàng chục năm chung sống, vẫn chưa biết “i-tờ” về liên hệ tính dục, thậm chí có người thổ lộ mình chưa bao giờ thụ hưởng niềm vui cao nhất của liên hệ tính dục vợ chồng cả. Nhưng, “kỹ thuật” không là gì cả đối với hai cá nhân không muốn có liên hệ tính dục với nhau (hay như thường thấy, đối với trạng thái không muốn có nó). Những thống kê về tính dục học lâm sàng cho thấy có tới một nửa số trường hợp trục trặc về tính dục là do những yếu tố tâm lý mà không phải do thiếu “kỹ thuật”. Trong việc chữa trị những trục trặc này, vì vậy, chỉ sau khi tìm hiểu đúng là không có những trục trặc tâm lý, mới nên chuyển sang hướng dẫn về kỹ thuật.
Một lần nữa, xin nhắc lại rằng các yếu tố sinh học (thể chất) và các yếu tố tâm lý (bao hàm cả văn hóa, vì như G. Devereux nói, tâm lý là sự phóng chiếu văn hóa vào nội tâm con người) thường nằm trong một tổng thể, không thể tách khỏi nhau mà thâm nhập nhau trong liên hệ tính dục của con người.
Cuối cùng, về mặt tâm linh. Liên hệ tính dục của con người cũng mang tính tâm linh ư? Một điều “trần tục” như liên hệ tính dục cũng mang tính thiêng liêng ư? Thoạt nhìn, người ta tưởng chừng đó là hai cái xa nhau đến mức không đi đôi với nhau được. Không phải thế. Cái thiêng liêng - nền tảng và cốt lõi của đời sống tâm linh con người - chính là một nét bản chất (và là nét cao nhất) trong đời sống tính dục của con người. Không rõ yếu tố tâm linh gắn với đời sống tính dục của con người từ bao giờ, nhưng trong những tín ngưỡng có từ thời xa xưa, và cả trong nhiều tôn giáo nữa (như Ấn Ðộ giáo, Ðạo giáo, Mật giáo...), người ta thấy có sự gắn bó rất mật thiết ấy. Không những quan hệ vợ chồng được coi là một sự ban phúc lành của Chúa, và viêc kết hôn phải được tiến hành dưới sự chứng giám của Chúa (với lời thề nguyền không được ly hôn) như trong Kitô giáo, mà cả những liên hệ tính dục cũng được coi như một điều gì thiêng liêng phải sùng kính như trong một số tôn giáo. Cái được gọi là “tín ngưỡng phồn thực” (sùng kính những liên hệ tính dục) là một tín ngưỡng rất xưa và rất phổ biến trên trái đất này. Nó bắt nguồn từ mong ước sinh con đẻ cái thật nhiều (chữ phúc trước hết có ý nghĩa đó, đi liền với hai chữ lộc và thọ trong tam đa), từ mong ước mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi... trong đời sống hàng ngày. Nhưng không chỉ có thế, nó còn bắt nguồn từ những tín niệm cao sâu về vũ trụ luận (sự hòa hợp âm-dương).
Cách đây hàng nghìn năm, người ta đã thấy có những sách kinh về tính dục, như Kama Sutra ở Ấn Ðộ hay Hoàng đế nội kinh ở Trung Quốc... Khía cạnh tâm linh trong đời sống tính dục là một chủ đề đáng đi sâu, nhưng khuôn khổ bài viết không cho phép làm như vậy. Chỉ xin nhấn mạnh: nếu không nói tới yếu tố tâm linh ấy là chưa nói hết được những gì thuộc về bản chất đời sống tính dục của con người.
Những đề xướng “cách mạng tính dục”, “giải phóng tính dục”... (như đã xuất hiện ở một số nước phương Tây cuối những năm 60) không mang lại những kết quả mong đợi, trái lại, còn làm biến dạng đời sống tính dục của con người theo hướng “giảm giá trị” của nó. Ngày nay, lại nghe vang lên khẩu hiệu đề xướng “phản cách mạng tính dục”. Tất cả những đề xướng về lĩnh vực này chỉ có thể coi là đúng và có lợi cho sự phát triển nhân cách con người, khi mà đời sống tính dục được quan niệm đầy đủ về cả ba mặt “sinh học - tâm lý - tâm linh”. Làm ngược lại, đời sống tính dục sẽ bị phá hỏng và, tệ hại hơn, sẽ làm hỏng cả nhân cách con người.
Tháng chạp 1997
(Viết theo yêu cầu của anh Ðặng Phương Kiệt, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tính dục học lâm sàng.)
Nguồn: Những bà i viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong tháºp niên 90 được đăng rải rác trên báo chà trong ngoà i nÆ°á»›c, được chuyá»n tay hoặc chÆ°a công bố, nay được táºp hợp thà nh loạt bà i “Suy tÆ° 90†cho bản đăng chÃnh thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu Ä‘Ãnh cuối cùng của tác giả.
|