trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
8.11.2006
Quang H.
Tiếng Việt là phương ngữ của tiếng Hán?
(Nhân một vụ án, muốn thưa chuyện cùng ông Vladimir Malyavin)
 
Vụ án những thanh niên đầu trọc sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn kết thúc với sự thất bại của cộng đồng người Việt ở Nga. Sự kỳ thị người nước ngoài đã lên đến đỉnh điểm chưa, hay còn những nạn nhân tiếp theo nào nữa? Kinh tế khó khăn, thất nghiệp, đời sống sa sút, niềm tin bị khủng hoảng v.v… là những nguyên nhân dễ thấy. Nhưng tôi vẫn ngờ ngợ bóng dáng một lý do tinh thần, một lý do “lý luận” nào đó mà hình như tôi đã nhìn thấy ở đâu rồi. Tôi lướt lên mạng, và gặp lại bài viết “Một ngày ở Hà Nội” của nhà học giả Vladimir Malyavin đã đọc cách đây khoảng hơn một năm (talawas, 3/3/2005).

Quả tình lúc đó tôi không mấy bận tâm vì nghĩ rằng những “luận điểm” của nhà Đông phương học được giới thiệu là rất nổi tiếng này đã được ông Nguyễn Xuân Lan ở Toronto phân tích khá kịp thời, mà tôi thì hoàn toàn nhất trí với ông Nguyễn.

Nhưng nay đọc lại, tôi thấy cần thưa chuyện với ông Malyavin về một luận điểm nữa mà ông Nguyễn chưa kịp đề cập tới. Đó là kết luận của ông Malyavin: Tiếng Việt là một phương ngữ của tiếng Hán.

Có một câu ngạn ngữ tiếng Trung khá quen thuộc: “Youyan bujian Taishan” (“Hữu nhãn bất kiến Thái sơn”, Có mắt mà không nhìn thấy núi Thái sơn). Tiếc rằng tôi đã thấy nhưng không sớm nhận ra hai quả núi Thái sơn đồ sộ trước mắt mình là bản thân ông Malyavin cùng với bài viết “Một ngày ở Hà Nội” của ông, sản phẩm của một ngày dạo qua Hà Nội.

Thừa nhận mình không biết tiếng Việt, nhưng ông Malyavin nói: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng nhiều từ được phát âm không khác gì tiếng Hán, nghĩa là nếu muốn, ta có thể gọi tiếng Việt là một phương ngữ của tiếng Hán.” (!) Chỉ nghe phát âm một số từ như từ “cám ơn” mà ông đã đưa ra một kết luận như vậy. Với một nhà bác học có cỡ, đó là cách làm việc với tốc độ vũ trụ! Kết luận của ông cũng vội vã và dễ dãi như chuyến vào Hà Nội chớp nhoáng của ông vậy. Và tôi ngờ rằng khi bước chân từ cầu thang máy bay xuống mảnh đất Hà Nội, ông đã mang theo không ít định kiến trong hành trang của mình. Dịch giả Phạm Minh Ngọc đã cảnh báo rằng ai muốn giữ sức khoẻ thì không nên đọc bài của ông Malyavin. Tôi ngược lại muốn có nhiều người đọc để học tập kiến thức uyên thâm và cách tiếp cận vấn đề khoa học của nhà học giả này.

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hoá lớn Trung Hoa (và cả nền văn hoá Ấn Độ), điều này chẳng ai không biết. Nhưng những kết luận như trong bài viết của ông Malyavin, nói theo tiếng Trung, thật là “dadan” (“đại đảm”, bạo gan).

Về vấn đề phương ngữ ông nêu trên đây, hãy lấy một thí dụ hết sức đơn giản. Khi ông phát âm với giọng Moskva chuẩn của ông một từ Nga như là “spetsialist” chẳng hạn (xin phép dùng “ts” thay cho một phụ âm Nga không tìm ra mẫu tự la-tinh tương đương), chắc chắn người Anh, người Pháp, người Đức sẽ hiểu ngay, thậm chí họ có thể nghĩ rằng ông đang nói tiếng nước họ. Tương tự, khi ông thốt lên từ “sinh viên - student” bằng tiếng Nga thì người Anh và người Đức cũng sẽ hiểu cùng một nghĩa như ông thôi. Trong cả ba ngôn ngữ, từ này không những đồng âm mà còn đồng nghĩa và đồng nhất trong cách viết. Có những từ không hoàn toàn đồng âm, như từ Nga “shkola”, ông có thấy khi đọc lên, nó gợi ngay cho ta âm hưởng của các từ tương ứng trong ba ngôn ngữ kia không? Đó mới chỉ là vài từ rất thông thường. Nếu chịu khó thống kê, có thể tỷ lệ những từ phát âm giống tiếng nước ngoài như vậy trong tiếng Nga sẽ không ít hơn những từ có âm Hán-Việt trong tiếng Việt.

Thế thì, ta sẽ xử sự như thế nào đây với những từ đọc lên nghe giống nhau này? Sự tồn tại của chúng đâu có phải là căn cứ để kết luận thứ tiếng này là phương ngữ của thứ tiếng kia? Vậy ông có vui lòng xem tiếng Nga là một loại phương ngữ của ba ngôn ngữ nói trên, hoặc của một trong ba ngôn ngữ đó do ông tự chọn theo cách self-service hay không, thưa nhà học giả Malyavin? Đây không phải là lý luận của tôi, tôi chỉ thưa chuyện với ông bằng chính luận điểm của ông thôi.

Chưa kể đến vấn đề ngữ pháp. Ở Trung Quốc, người Quảng Đông, người Phúc Kiến, người Giang Tô, người Bắc Kinh cùng với người các tỉnh phía Bắc v.v... phát âm rất khác nhau (trừ phi tất cả người Hán đều dùng tiếng phổ thông trong giao tiếp) nhưng tiếng nói của họ đều cùng một ngữ pháp, cùng một trật tự và cấu tạo cú pháp. Đó là một trong những lý do rất quan trọng, cũng có thể xem là một lợi thế để chữ tượng hình Trung Quốc tồn tại đến ngày nay (và chắc còn lâu nữa), mặc dù người Trung Quốc đã cố gắng la-tinh hoá từ lâu rồi. Ngữ pháp tiếng Việt khác hẳn ngữ pháp tiếng Hoa, nếu ông Malyavin biết tiếng Việt thì ông sẽ thấy rõ điều đó.

Người đang hầu chuyện ông có không ít bạn bè Trung Quốc. Cứ cho là hai ngôn ngữ có nhiều từ đọc lên nghe giống nhau, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào người Việt Nam nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt mà một bạn Trung Quốc không biết tiếng Việt lại có thể hiểu được, họ không chóng hiểu như ông Malyavin đâu, và họ cũng chẳng bao giờ kết luận như ông!

Tôi xin mời ông làm một thực nghiệm nho nhỏ. Xin ông hãy nhờ một người Việt Nam, hoặc một người nào đó thông thạo tiếng Việt đọc lên một câu tiếng Việt đơn giản và ngắn gọn mà người Việt Nam nào cũng hiểu được, chẳng hạn như: “Thầy bói xem voi”; rồi xin mời ông, một nhà tinh thông Hán ngữ, cố lắng nghe thử có hiểu được câu “phương ngữ của tiếng Hán” này hay không.

Ông cũng không phân biệt được tên của người hướng dẫn cho ông là Dung hay Duyên. Trong tiếng Việt và cả trong tiếng Hán, hai từ này đâu có giống nhau chút nào, về ý nghĩa cũng như về phát âm và cách viết!

Những điều trên đây tôi chỉ phát biểu với sự hiểu biết thông thường của một người bình thường. Nếu là một chuyên gia như ông, chắc là tôi sẽ thưa chuyện với ông rành rẽ hơn. Tôi cũng mạo muội đề nghị ông đọc Henri Maspéro (1883-1945), nhà nghiên cứu Trung Quốc có tên tuổi của thế kỷ trước từng sống và làm việc ở Trung Quốc và Việt Nam, thông thạo cả hai ngôn ngữ này, xem ông ấy có kết luận nào giống như ông không.

Dân tộc nào, đất nước nào cũng có những mặt mạnh, mặt yếu của mình, dù là một dân tộc bình thường như Việt Nam hay vĩ đại như dân tộc Nga. Không cần lý luận rườm rà, chỉ cần nhìn vào thực trạng xã hội của nước đó. Nhất là thực trạng xã hội trong hoàn cảnh chuyển đổi ở mỗi nước như Nga và Việt Nam ngày nay.

Miệt thị bản sắc văn hóa của một dân tộc là việc dễ làm nhưng cũng rất dễ tự bộc lộ chính mình. Càng không phải là cách thông minh để nâng mình lên trước người khác, dân tộc khác. Tôi được đọc không ít bài của báo chí nước ngoài viết về nước Nga. Thật tình tôi rất không đồng tình với cách viết của một số bài trong đó, vì vậy tôi càng kinh ngạc thấy cách nhìn vấn đề và văn phong của những bài này rất gần gũi với bài “Một ngày ở Hà Nội” của ông Malyavin. Chỉ khác chút xíu: các tác giả của những bài viết đó không được giới thiệu ở cuối bài là những học giả nổi tiếng.

Cũng với giọng châm biếm thâm thúy, ông Malyavin giễu cợt Chùa Một Cột là biểu tượng hạ nhục một vị vua Việt Nam với tư cách là một người đàn ông. Ông nghĩ sao, nếu tôi nói rằng giá như vị vua đó có một cận thần thuộc cỡ Grigori Rasputin ở bên cạnh như thời Sa-hoàng Nicholas Đệ nhị để mua vui cho các bà hoàng và các bậc mệnh phụ trong triều, chắc là khỏi phải xây Chùa Một Cột? Phải chăng ông Malyavin cho rằng cái mà Rasputin có là điều đáng tự hào hơn? Thế đấy, dân tộc nào cũng có những huyền thoại và giai thoại của mình, thưa ông Malyavin. Truyền thuyết về ông vua nhà Lý chưa biết thực hư ra sao, còn Rasputin lại là con người có thực bằng xương bằng thịt cơ đấy.

Việt Nam và Nga đều đã trải qua hơn nửa thế kỷ (nước Nga còn lâu hơn thế) theo một“con đường khổ ải” giống như tên gọi của bộ tiểu thuyết ba tập nổi tiếng của Alexis Tolstoi trước đây (xin yên tâm, tôi không dám nhầm lẫn với Lev Tolstoi đâu). Hậu quả của “con đường khổ ải” đó vẫn còn đầy rẫy ở cả hai nước chúng ta, không riêng gì Việt Nam. Tôi nghĩ cách khôn ngoan nhất là cùng giúp nhau, cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhanh chóng thoát ra khỏi những hậu quả đó. Cho cả hai nước, tất nhiên. Những con người Việt Nam bình thường của đất nước Việt Nam rất tôn trọng và quý mến bạn bè, thưa nhà học giả Malyavin. S uvajeniyem!

© 2006 talawas