trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
5.8.2002
Tre Xanh
Bàn Tròn Talawas về Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
Lá Thơ Ðồng Tính: Tại sao người ÐTLA lại cần lập gia đình?
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chào anh Nguyễn Anh Cơ,

Tôi hơi ngạc nhiên là anh lại cảm thấy lúng túng khi muốn đưa ra những quan điểm riêng của mình về vấn đề ÐTLA. Thiết nghĩ Bàn tròn Talawas ÐTLA này được lập ra không ngoài mục đích cố gắng tạo một cơ hội, một nhịp cầu cho cả hai bên, ÐoTLA và DịTLA, virtually trực diện với nhau mà không bên nào phải cảm thấy lúng túng khi trình bày quan điểm của mình.

Thực ra, trước khi nhận gia nhập vào Diễn đàn này, tôi cũng... lúng túng lắm - một cái lúng túng khác với cái lúng túng khi đứng trước mặt các cô gái ÐoTLA độc thân vui tánh, mà là cái lúng túng tương tợ như tâm trạng của một ngươi da đen trong thập niên 60 mạo hiểm đi dạo vào khu da trắng tuy phóng khoáng, cởi mở nhưng đặc quyền (priviledge) của hai bên còn rất chênh lệch. Nói cách khác, tôi vẫn phải rất cảnh giác để tránh đừng bị "đánh hội đồng" của phía đông (majority) hetero "out" ra nhiều hơn khi mà xã hội, luật pháp vẫn còn cho phép hay làm ngơ cho những hành vi KỲ THỊ bằng vũ lực hay chữ nghĩa. Tuy nhiên khi đọc qua một số bài viết với cách lý luận đứng đắn và nghiêm chỉnh đã đăng trước ở trên Diễn đàn chung Talawas và sau khi email qua lại với anh Ðỗ Quyên, tôi cảm thấy an tâm hơn. Vì hy vọng rằng tất cả chúng ta cho dù có bất đồng chính kiến, quan điểm nhưng đều là những người lớn, có đủ tư cách và sự trưởng thành để tương kính nhau trong cách hành văn, trong từ dùng.

Anh Anh Cơ đã viết:
"1. Tại sao ÐTLA lại cần lập gia đình? Gia đình là di sản của một cấu trúc kinh tế tư hữu thời cổ có liên quan tới sự bất bình đẳng trong vai trò của một giới. ÐTLA bắt đầu được phổ cập ngày nay, tại sao cần, quay trở lại với hình thức này? (Câu hỏi này là: monogam hay poligam trong ÐTLA)"

Nếu nhìn xã hội theo cấu trúc phụ hệ, hình thúc hôn nhân thì quả đúng như anh nói. Nhất là vai trò của người đàn bà trong hôn nhân dị tính dù ở bên Ðông phương hay bên Tây phương nó cũng không ít thì nhiều bị xem như một món hàng đổi chác. Nếu không có Huyền Trân Công Chúa, làm sao nước VN bành trướng thêm với hai Châu Ô, Châu Rí? Di sản của cấu trúc hôn nhân thiếu công bằng cho một phía cũng còn tồn tại cho đến ngày nay trong nghi lễ ngày cưới - chú rể oai nghiêm, độc lập, tự do đứng một mình, trong khi cô dâu phải đợi cho bố già cầm tay dắt cô đi tới gả bán lại cho chú rể. Và tấm voan trắng biểu tượng cho sự trinh tiết của cô dâu: phải chờ được chú rể vén mở. Dĩ nhiên nghi lễ hôn nhân tuy đặt trên cấu trúc "chồng chúa vợ tôi", nhưng nó đã được thiêng liêng hoá bởi tập tục, tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo. Do đó, có lẽ người ta không nhìn nghi lễ hôn nhân như là một di sản của hệ thống phụ hệ bất bình đẳng, nhưng đó là ngày cô dâu và chú rể chính thức được sự chứng giám, chấp thuận của gia đình, người thân cả hai bên và tôn giáo mình. Thời nay, nhờ sự đấu tranh của những phong trào giải phóng phụ nữ, người đàn bà trong xã hội Âu-Mỹ có được nhiều lựa chọn hơn trong sự nghiệp và trong chuyện tình cảm. Thế nên, nghi thức hôn nhân có thể mang ý nghĩa thiêng liêng (spiritual) nhiều hơn.

Trong quá khứ, đã có những cặp tình nhân ÐoTLA được sự chấp thuận của gia đình để làm đám cưới với nhau. Cũng linh đình lắm. Có những cặp lesbians làm lễ kết nghĩa keo sơn (commitment) mà nghi lễ rất mẫu hệ, bình quyền, tức là không có cảnh cô nào đứng chờ cô nào cả. Hai bên cùng đi chung, nắm tay dzung dzăng, dzung dzẻ, cùng cúi mình bái lạy bàn thờ tổ tiên, hay trước sự chứng giám của người chủ lễ cũng là đàn bà. Hai cô tặng cho nhau những bài thơ rất cảm động (Lesbians thích làm thơ lắm các anh chị ạ!) Và không ai phải đổi tên họ của mình cả.

Thế nhưng, hôn nhân trên hình thức nghi lễ, hay như anh nói đó là di sản của một cấu trúc không công bằng cho một phía, không phải là mục đích những người đồng tính luyến ái chúng tôi đang tranh đấu để có. Chúng tôi đòi lại sự bình quyền vơi người DịTLA trên tờ giấy HÔN THÚ trước pháp luật; hay tiếng Mỹ gọi là "civil contract". Cho dù chúng tôi có làm đám cưới linh đình mấy trăm ngươi tới dự, mướn ban nhạc đánh ầm ỹ, nhưng khi đứng tên mua nhà, khai thuế, mua bảo hiểm, quyền thừa kế, quyền nhận con nuôi... thì những cặp bạn đời ÐoTLA vẫn bị liệt kê trong diện độc thân. Ðau khổ hơn nữa là khi một người bị bệnh nặng phải nằm nhà thương, người kia không được ở lại hay vào thăm buổi tối! Mà nhỡ người yêu mình qua đời thì mình cũng không được quyền nhận xác về an táng vì các đặc quyền này chỉ dành cho hôn nhân DiTLA. Trong thực tế, đã có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra như vậy.

Ðó là lý do tại sao chúng tôi phải đứng lên tranh đấu vì sự bình quyền cho hôn nhân ÐoTLA trong luật pháp. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do căn bản, nhưng đặc quyền phải được sự bảo vệ bởi pháp luật. Cho tới nay, hôn thú vẫn chỉ là đặc quyền của người DiTLA.

Mới đây thôi, phải có một thảm kịch xảy ra là một cô ÐoTLA bị hai con chó phanh thây ở San Francisco (California), thì các hội đoàn luật gia ÐoTLA mới hợp lực với các tổ chức ÐoTLA khác vận động, lên tiếng sôi nổi. Cuối cùng, chính quyền tiểu bang California đã ban ra luật mới cho quyền người bạn đời ÐoTLA còn sống sót được quyền kiện bên phía làm lỗi giống như quyền của các cặp vợ chồng DiTLA khác. Thử hỏi truớc đó đã có không biết bao cặp ÐoTLA mà người yêu bị đánh hay bị giết chết, họ có được quyền kiện hay không? Cho đến bây giờ, chỉ mới có luật pháp tiểu bang California cho phép các đặc quyền sống chung với nhau giữa người ÐoTLA mà tiếng Mỹ gọi là "domestic partner". Hay ở Vermont cho quyền "civil union" cũng tương tợ như tờ giấy hôn thú. Nhưng còn những người ÐoTLA ở các tiểu bang khác của Mỹ có được hưởng các quyền này hay chưa?

Hoa Kỳ là một nước Dân Chủ Pháp Trị, pháp luật nắm vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ nhân quyền và dân quyền, tức bảo vệ sự an ninh và phúc lợi cho người dân. Thế nhưng, nhìn qua lịch sử giải phóng nô lệ của người da đen, các dân quyền và nhân quyền mà họ có được ngày hôm nay không phải tự động do chính quyền da trắng ban phát, mà do sự đấu tranh gian nan, không ngừng nghỉ của các hội đoàn. Sỡ dĩ đất nước này không bị nạn độc tài chuyên chế bởi một tập đoàn thiểu số đàn ông da trắng Prostetant và Christian, chỉ vì hiến pháp Hoa Kỳ đã quy định bảo đảm quyền lập hội đoàn và quyền tự do báo chí. Và chính hội đoàn, báo chí là gate keepers lên tiếng, tranh đấu đòi lại dân quyền, nhân quyền cho những nhóm người còn bị đối xử bất công bởi chính quyền và xã hội. Dân quyền và nhân quyền là quyền tự do tối thượng mà bất cứ một con người nào cũng phải có và không ai được quyền dùng bất cứ danh nghĩa nào tước đi các quyền này. Những hành vi, thái độ nhạo báng, hành hung, dè bỉu chống đối... người ÐoTLA không khác gì những hành động của dân da trắmg bảo thủ KỲ THỊ dân da đen chỉ vì mầu da của họ. Cũng không khác gì đảng đầu trọc, tức Tân Quốc Xã, kỳ thị người VN chỉ vì cái da vàng, mũi tẹt và nhược tiểu.

Ðối với tôi, trong vấn đề ÐoTLA tôi không chú trọng quá vào khía cạnh nguyên nhân, nguồn gốc, sinh vật, di truyền, triết lý, truyền thuyết, vì mỗi người mỗi ý khác nhau. Ngay đến chuyện chỉ có một Chúa Jesus thôi mà ông Do Thái diễn nghĩa khác với ông Tin Lành rồi! Vả lại, một khi ai đã ghét mình, dù có giải thích cách nào thì "quả bồ hòn cũng cho là méo". Ðiều quan trọng là trong thực tế người ÐoTLA hiện hữu như một CON NGƯỜI. Họ không làm hại ai. Họ có công ăn việc làm, họ đóng thuế, họ là những người con ngoan giống như những người DiTLA khác. Việc người ÐoTLA có chiều hướng yêu người cùng phái thì đó là chuyện riêng tư của họ. Thế nhưng, vì bị KỲ THỊ, người ÐoTLA phải đứng lên ÐÒI LẠI nhân phẩm của mình. Chúng tôi không xin xỏ sự thương hại vì chúng tôi không bệnh hoạn. Chúng tôi không vòi vĩnh để chờ sự ban ơn hay phải compromise (có qua có lại) với người kỳ thị chúng tôi. Chúng tôi ÐÒI LẠI những gì chúng tôi đã bị cướp mất; đó là: nhân quyền và dân quyền. Và quyền có hôn thú cho người ÐoTLA nằm trong lịch trình ÐÒI LẠi của cộng đồng ÐoTLA chúng tôi.

Hẹn Lá Thơ Ðồng Tính khác sẽ tiếp tục trả lời và phân tích các câu hỏi rất lý thú của anh Anh Cơ. Riêng chị Thy Vân cho Tre Xanh tôi xin lỗi là bận quá nên chưa hoàn tất câu chuyện "Ra mặt của Tre Xanh". Rất mong đọc ý kiến của chị về những câu hỏi của anh Anh Cơ.


Bàn tròn Talawas ÐTLA  http://groups.yahoo.com/group/ta_round