Giải Nobel Hoà bình là một trong sáu giải thưởng mang tên Alfred Nobel được trao tặng trong ngày hôm nay. Năm trong số đó được trao tại Stockholm. Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhân dịp này gửi lời chúc mừng các vị chủ nhân giải được vinh danh tại thủ đô Thụy Điển hôm nay. Lễ trao giải năm nay cũng là một dịp tưởng thưởng đặc biệt cho chúng ta, những người Na Uy, vì một trong số người nhận là người Na Uy, giáo sư Trygve Haavelmo, người đã đoạt Giải Nobel về Kinh tế học. Chúng ta hân hoan chúc mừng ông vì vinh dự này.
Giải Nobel Hoà bình năm nay được trao cho H.H. Dalai Lama, trước hết vì sự phản đối bền bỉ của ngài đối với việc sử dụng vũ lực trong cuộc đấu tranh dành tự do cho dân chúng Tây Tạng.
Từ năm 1959, Dalai Lama, cùng với vài trăm ngàn đồng bào của ngài, đã sinh sống trong một cộng đồng tỵ nạn có tổ chức ở Ấn Độ. Hẳn nhiên đây không phải là cộng đồng tỵ nạn đầu tiên trên thế giới, nhưng đây thực sự là cộng đồng đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã
không tổ chức phong trào giải phóng quân sự. Chính sách bất bạo động này đặc biệt gây ấn tượng khi được xem xét cùng với những khổ nạn mà dân tộc Tây Tạng phải gánh chịu dưới ách thống trị của nước ngoài. Phản ứng của Dalai Lama luôn là đề đạt một giải pháp hòa bình, mà theo đó sẽ đáp ứng rất nhiều những lợi ích của Trung Quốc. Sẽ khó chỉ ra một ví dụ lịch sử về đấu tranh của một dân tộc thiểu số nào khác mà trong đó thái độ hòa giải với kẻ thù lại được chấp nhận nhiều như trong trường hợp của Dalai Lama. Sẽ là tự nhiên khi ta muốn so sánh ngài với Thánh nhân Gandhi, một trong những người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho hòa bình trong thế kỷ này, và Dalai Lama muốn coi mình là một trong những người kế tục Gandhi. Người ta đôi khi tự hỏi tại sao bản thân Gandhi lại không được trao thưởng Giải Nobel Hòa bình. Ủy ban Nobel hiện nay cũng chia sẻ nỗi ngạc nhiên đó, và xem Giải Nobel Hòa bình năm nay một phần dành để tưởng nhớ Thánh nhân Gandhi. Chủ nhân năm nay của giải còn có thể kỷ niệm một sự kiện đặc biệt khác, vì nay đã là 50 năm kể từ khi ngài được thành kính tấn phong ngôi vị Dalai Lama thứ 14 của dân tộc Tây Tạng, khi ngài mới chỉ vừa 4 tuổi. Theo đuổi quá trình chọn lựa dẫn đến việc chọn ra ngài, sẽ kèm theo việc buộc phải xâm phạm vào cái mà, theo người Tây phương, là
terra incognita (lĩnh vực chưa được nhận thức), nơi tín ngưỡng, ý niệm và hành động tồn tại trong một
chiều tồn tại mà chúng tôi không biết hoặc đơn giản là đã quên.
Theo truyền thống của Đạo Phật, mỗi vị Dalai Lama mới là hiện thân của người tiền nhiệm của mình, và khi vị Dalai Lama thứ 13 qua đời năm 1933, một cuộc kiếm tìm lập tức được thực hiện nhằm tìm ra hiện thân của ngài. Người ta đã tham vấn các vị tiên tri và các Lạt-ma uyên bác, và đã quan sát các dấu hiệu. Các đám mây có hình thù kỳ lạ cuốn trôi trên các thiên đường, người chết được đặt theo tư thế Phật, quay mặt về hướng nam, hai ngày sau được tìm thấy đang quay mặt về hướng đông. Điều đó minh định rằng cuộc tìm kiếm phải được thực hiện ở phía đông, và đoàn người bắt đầu khởi hành, đầu tiên là tới một trong các hồ thiêng của Tây Tạng, nơi tương lai có thể được hé lộ trên mặt nước, một tu viện được xác định, kèm theo đó là một ngôi nhà với mái lợp màu lam. Đoàn người tiếp bước và họ tìm thấy tu viện, sau đó là ngôi nhà trong làng của người Takster ở Đông Tây Tạng. Đó là nhà của một chủ trại nhỏ và gia đình ông, và người ta hỏi ông xem họ có đứa con nào không. Họ có một con nhỏ 2 tuổi tên là Tenzin Gyatso. Hàng loạt các hành vi không thể giảng nghĩa được của đứa nhỏ đã thuyết phục đoàn người rằng họ đã kết thúc cuộc hành trình và rằng vị Dalai Lama thứ 14 đã được tìm ra.
Cũng giống như nhiều chuyện khác trong lĩnh vực tôn giáo, đây không phải là thứ chúng ta buộc phải thấu hiểu bằng lý tính: chúng ta đối mặt với một hiện tượng thuộc về một hiện thực khác với hiện thực của chúng ta, và vì thế, không nên phản ứng với nó bằng một nỗ lực giải thích duy lý, mà phải bằng sự kinh ngạc tôn kính.
Trong suốt lịch sử của mình, Tây Tạng luôn là một đất nước đóng kín, với rất ít quan hệ với thế giới bên ngoài. Điều này đúng ngay cả trong thời hiện đại và có lẽ đó là lí do tại sao các lãnh tụ của Tây Tạng đã không nhận ra một sự thừa nhận pháp lý chính thức về Tây Tạng như một nhà nước tự trị là rất quan trọng. Đến lượt nó, điều này lại có thể là một trong các lý do tại sao thế giới bên ngoài không cảm nhận được trách nhiệm phải giúp đỡ Tây Tạng, khi đất nước này vào năm 1950 và các năm sau đó, dần dần bị đô hộ bởi Trung Quốc-đất nước mà ngược lại với người Tây Tạng- tuyên bố rằng Tây Tạng luôn là một phần của Trung Quốc. Bằng việc xâm lược của mình, Trung Quốc đã, theo kết luận của Ủy ban Luật gia Quốc tế, phạm vào “tội ác nguy hiểm nhất mà một cá nhân hay một quốc gia có thể phạm phải, đó là, cố ý hủy diệt cả một dân tộc”.
Trong lúc đó, Tenzin Gyatso đã được 16 tuổi, và trong tình hình hiểm nguy như vậy đang đặt ra, ngài đã bắt buộc phải đóng vai trò lãnh tụ chính trị của dân tộc mình. Trước đó, đất nước ngài vẫn được cai trị bởi các quan nhiếp chính nhân danh ngài. Ngài phải thu hồi lại quyền lực gắn với danh hiệu Dalai Lama, một đứa trẻ ở tuổi 16, không có kinh nghiệm chính trị, và không được hưởng sự giáo dục nào khác ngoài kiến thức Phật giáo, cái mà ngài đã hấp thu qua nhiều năm tháng dưỡng dục. Cuốn tự truyện
Cuộc đời tôi và Dân tộc tôi đã cho chúng ta thấy một cách sinh động quá trình tu tập của ngài dưới sự chỉ dẫn của các vị Lạt-ma Tây Tạng, và ngài khẳng định rằng những gì ngài được học không phải là sự chuẩn bị cho nghề nghiệp được định sẵn của ngài, nhất là không phải cho phần chính trị trong nghề nghiệp đó. Trên nền tảng Phật học, hiện nay ngài đã hình thành chính sách bất bạo động và dùng nó làm công cụ đấu tranh với những kẻ xâm lược Trung Quốc. Là một tu sĩ Phật giáo, trách nhiệm của ngài là không bao giờ gây hại cho một sinh linh nào, mà luôn có tình thương đối với mọi loài. Có lẽ không cần phải ngạc nhiên gì về việc những người quá gắn bó với cái họ gọi là
thế giới hiện thực cần phải xem xét triết lý của ngài một cách khác hẳn với những tính toán thông thường về chiến lược quân sự.
Hẳn nhiên là chính sách bất bạo động cũng dựa trên những tính toán thực dụng: một dân tộc với khoảng 6 triệu linh hồn, không có một lực lượng quân sự nào, phải đối chọi với một trong những siêu cường quân sự thế giới. Trong tình huống như thế, cách tiếp cận bất bạo động, theo Dalai Lama, là cách thực tế duy nhất.
Theo cách này, ngài đã có nhiều nỗ lực trong suốt những năm 1950 nhằm thương thuyết với người Trung Quốc. Mục đích của ngài là đạt đến một giải pháp cho cuộc xung đột theo hướng có thể chấp nhận được cho cả hai bên, dựa trên việc tôn trọng và cùng chịu đựng lẫn nhau. Để đạt được điều này, ngài đã sử dụng toàn bộ quyền lực của một Dalai Lama để ngăn chặn việc sử dụng bất kì hình thức vũ lực nào từ phía người Tây Tạng; và quyền lực của ngài tỏ ra có tính quy định, vì với tư cách là một Dalai Lama, theo tín ngưỡng của Phật giáo, không chỉ là một lãnh đạo theo nghĩa tầm thường: ngài là biểu tượng cho cả một dân tộc. Chính bản thân ngài được thấm đẫm những phẩm chất của thánh thần. Sự thấm đẫm này hiển nhiên là nguyên nhân lý giải tại sao thần dân của ngài, mặc cho bị sỉ nhục và khiêu khích đến tột độ, vẫn giữ được một mức tuân phục cao như vậy với ý nguyện của ngài và kiềm chế không sử dụng bạo lực.
Từ nơi tị nạn của ngài tại Ấn Độ, Dalai Lama đang tiến hành cuộc đấu tranh phi vũ trang cho dân tộc ngài với một sự kiên nhẫn không mệt mỏi. Ngài có đầy đủ quyền hợp lý để đặt tên cuốn tự truyện của ngài là
Cuộc đời tôi và Dân tộc tôi, vì cuộc sống của người Tây Tạng thực tế cũng là cuộc sống của ngài. Nhưng sự ủng hộ chính trị từ thế giới bên ngoài vẫn thiếu vắng trong khi cần phải có mặt, ngoại trừ một vài nghị quyết chẳng có chút hiệu lực nào của UN vào những năm 1961 và 1965. Trong suốt những năm của thập kỷ 1960, 1970, Dalai Lama bị coi là một nhân vật bệnh hoạn của quá khứ xa xôi: các triết lý tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa của ngài về hòa bình, rất không may, lại không có chỗ đáp ứng trong thế giới [hiện đại-ND].
Nhưng trong dòng chảy lịch sử những năm 1980, mọi chuyện đã có chuyển biến sâu sắc. Có nhiều lý do cho sự chuyển biến này. Những gì đã và đang diễn ra ở Tây Tạng đã được nhiều người biết tới, và cộng đồng các dân tộc đã bắt đầu cảm nhận được trách nhiệm chung cho tương lai của người Tây Tạng. Rằng nỗi gian nan và khổ cực mà họ phải gánh chịu đã không đánh bại được tinh thần của người Tây Tạng là một lý do khác; ngược lại, cảm nhận của họ về niềm tự hào và bản sắc dân tộc, cùng với quyết tâm tồn tại của họ đã được củng cố, và biểu hiện qua những cuộc biểu tình khổng lồ. Ngay tại đây, cũng như ở các phần khác của thế giới, người ta ngày càng hiểu rõ rằng các vấn đề không thể được giải quyết thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự tàn bạo để nghiền nát các cuộc biểu tình. Ở Tây Tạng, cũng như các nơi khác, xung đột phải được giải quyết bằng chính trị thông qua con đường đàm phán trung thực.
Chính sách đàm phán của Dalai Lama đã nhận được sự hậu thuẫn của nhiều quốc hội ở các nước, và của một số tổ chức quốc tế, ví dụ như Thượng nghị viện Hoa Kỳ, Bundestag (Hạ viện) Tây Đức, Nghị viện Châu Âu, 86 nghị sĩ Australia, Hạ viện Mỹ, Quốc hội Thụy Sỹ. Chúng ta cũng không được quên rằng Dalai Lama cũng là người nhận hàng loạt các giải thưởng và sự tôn vinh của quốc tế cho hoạt động của ngài và ủng hộ sự nghiệp của ngài. Có vẻ như hiện nay mọi chuyện đang đi đúng hướng, và những gì đạt được về mặt này hoàn toàn thuộc về chính sách nhất quán của Dalai Lama về bất bạo động.
Vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu, chính sách bất bạo động thường được nhắc tới như là một yếu tố tiêu cực, như thể là một thất bại trong việc thiết lập một chính sách tốt, như một sự thiếu vắng các sáng kiến và một khuynh hướng lẩn trốn vấn đề và chấp nhận thái độ thụ động. Nhưng nó không phải vậy: chính sách bất bạo động là một chiến lược đấu tranh được suy tính kỹ lưỡng ở tầm cao, nó đòi hỏi một hành vi chuyên tâm và đầy mục đích, và là hành vi không viện đến việc sử dụng bạo lực. Người chấp nhận chiến lược này hoàn toàn không phải là người chùn bước: họ thể hiện sự dũng cảm đạo đức, mà khi được nói ra và được thực hiện, sẽ vượt xa [sự dũng cảm, nếu có, của] những kẻ viện đến nòng súng. Chính là sự dũng cảm này, cùng với mức độ kỷ luật tự giác phi thường, đã được thể hiện trong thái độ của Dalai Lama. Chính sách bất bạo động của ngài cũng được tính toán và quyết định một cách kỹ lưỡng. Như ngài đã từng nói vào hồi tháng Tư năm ngoái, sau sự cố lực lượng quân đội xả súng bắn vào một cuộc tuần hành hoà bình tại Lhasa: “Như tôi đã từng giải thích nhiều lần, bất bạo động đối với chúng ta là con đường duy nhất. Khá rõ ràng là trong trường hợp của chúng ta, bạo động cũng có nghĩa là tự sát. Vì lý do này, dù chúng ta có muốn hay không, bất bạo động vẫn là con đường duy nhất, và là con đường đúng đắn. Cái chúng ta cần là kiên nhẫn hơn và kiên định hơn”.
Năm 1987, Dalai Lama đệ trình kế hoạch hòa bình cho Tây Tạng. Nội dung chính của nó là đòi cấp cho Tây Tạng quy chế “vùng hòa bình” giống như những gì đã được đề xuất cho Nepal, một đề xuất mà Trung Quốc trên thực tế đã công nhận. Kế hoạch này cũng tiên liệu chấm dứt việc di cư của người Trung Quốc tới Tây Tạng. Quá trình di cư này đã được tiến hành với quy mô lớn tới mức người Tây Tạng gặp phải nguy cơ trở thành thiểu số ngay trên đất nước mình. Thú vị không kém là kế hoạch này cũng đề cập đến các giải pháp bảo tồn môi trường tự nhiên độc đáo của Tây Tạng. Các hoạt động khai thác gỗ quy mô lớn trong các cánh rừng dọc các sườn núi của dãy Himalayas đã dẫn tới tình trạng xói mòn đất thảm khốc, và là một trong những nguyên nhân dẫn tới thảm họa lương thực cho người Ấn Độ và Bangladesh. Kế hoạch hòa bình không khởi xướng được một cuộc đàm phán nào với Trung Quốc, mặc dù sự khác biệt giữa hai bên không đặc biệt sâu sắc.
Thiện ý muốn thỏa hiệp của Dalai Lama còn được thể hiện đặc biệt rõ trong bài phát biểu của ngài trước Nghị viện Âu châu vào ngày 15 tháng Năm năm ngoái, nơi ngài đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ yêu sách đòi độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng. Ngài thừa nhận rằng Trung Quốc, với tư cách là một siêu cường châu Á, có những lợi ích chiến lược ở Tây Tạng, và đã chuẩn bị để chấp nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc với bất kỳ cơ số nào cho đến khi kế hoạch hòa bình khu vực có thể được chấp thuận. Ngài cũng bày tỏ tâm nguyện trao cho Trung Quốc quyền thực hành chính sách ngoại giao và quốc phòng. Đổi lại, người Tây Tạng phải được hưởng trọn vẹn quyền tự trị nội bộ. Trong các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, Dalai Lama đã chỉ ra rằng những gì ngài muốn đạt được không phải là quyền lực dựa trên sự trả giá của người khác. Ngài đòi hỏi cho thần dân của mình không nhiều hơn những gì mà những người khác - hẳn nhiên phải kể cả người Trung Quốc - thừa nhận như là những quyền con người căn bản. Trong một thế giới nơi nghi kỵ và hằn thù từ lâu đã là đặc trưng trong quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia, và nơi chính sách duy nhất mang tính thực tế vẫn là dựa vào sử dụng sức mạnh, một tuyên thệ về đức tin đang xuất hiện. Đó là: giải pháp thiếu hiện thực nhất trong tất cả các giải pháp cho vấn đề xung đột là việc sử dụng bạo lực thường xuyên. Vũ khí hiện đại trên thực tế đã loại bỏ những giải pháp như thế.
Thế giới đã co bé lại. Các dân tộc và quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Không ai còn có thể chỉ chạy theo lợi ích vị kỷ. Vì thế, bắt buộc chúng ta phải chấp nhận trách nhiệm chung về tất cả các vấn đề kinh tế, chính trị, và sinh thái.
Trong cách nhìn này, ngày càng ít người dám quay lưng lại với triết lý của Dalai Lama và coi đó là không tưởng: ngược lại, người ta ngày càng cảm thấy đúng khi nói rằng cuốn phúc âm về bất bạo động của ngài thực sự là bám rễ trong hiện thực, và là hi vọng to lớn nhất cho tương lai. Và nó không chỉ áp dụng cho Tây Tạng mà còn cho bất cứ cuộc xung đột nào khác. Niềm hi vọng tương lai của hàng triệu người bị đàn áp ngày hôm nay được kết nối để trở thành đoàn hùng binh không sử dụng vũ khí, vì tâm nguyện của họ sẽ chiến thắng và dành lấy hòa bình: hơn thế, sự công bằng trong các đòi hỏi của họ đã trở nên quá rõ ràng và sức mạnh bình thường của cuộc đấu tranh ấy đã trở nên bất khuất tới mức việc sử dụng vũ lực cùng lắm chỉ tạm dừng bước họ trong chốc lát mà thôi.
Bằng việc trao thưởng Giải Nobel Hòa bình cho Dalai Lama, chúng ta khẳng định sự ủng hộ không mệt mỏi của chúng ta cho công việc vì hòa bình của ngài, và cho quần chúng phi vũ trang ở nhiều nơi đang tuần hành vì tự do, hòa bình và phẩm giá con người.
Duy Tân Trẻ giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt.