trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
22.12.2004
Phạm Xuân Đài
Đi Tầu
 1   2 
 
Cung điện Mùa hè

Nhưng Cung điện Mùa hè của Từ Hi Thái Hậu so với vườn thượng uyển thì thực là một trời một vực, như từ cái thực rộng lớn đến với cái giả cỏn con. Nằm ở phía tây bắc Bắc Kinh, cách trung tâm thành phố chỉ 15 cây số, khu này được xem là một công viên cổ nổi tiếng nhất của Trung Hoa. Từ năm 1153, đời nhà Tống, đã có xây một hành cung tại đây, nhưng đến năm 1888, Từ Hy Thái Hậu mới khởi công xây dựng cả vùng rộng lớn gồm dãy đồi Trường Thọ và hồ Côn Minh này thành một quần thể đặt tên là Cung điện Mùa hè. Thật ra chữ “cung điện” không hàm hết được cảnh trí, tình cảm và tầm cỡ của vùng nghỉ ngơi vương giả này, nhưng nhóm từ Cung điện Mùa hè từ lâu đã được hình dung là cả một vùng nước non rộng lớn ở đây, và đã phá vỡ hết các ý niệm về chính trị, về tổ chức đầu não của Thiên Triều với các quan niệm triết lý đã được đóng khung bằng những hình tượng cụ thể của quần thể cung điện nơi Cấm Thành. Vâng, phá vỡ hết. Ở đây là lãng mạn và tâm linh, là hồn con người phóng ra khỏi phiền trược thế gian để đạt những giây phút xuất thần với thiên nhiên, thậm chí với hư vô. Hoàng đế ở giữa lưng chừng đồi, nhìn xuống một cái hồ rộng mênh mông đến mút mắt. Cả một khu vực thiên nhiên rộng lớn gồm cả dãy đồi, cả cái hồ đều thuộc phạm vi Cung điện Mùa hè. Nếu Cấm Thành hoàn toàn là công trình nhân tạo, ngay cả chỗ “tươi mát” nhất là vườn thượng uyển, thì ở đây thiên nhiên là cái chính, các yếu tố nhân tạo chỉ là để tạo tiện nghi một cách điểm xuyết để con người thoải mái đắm mình vào thiên nhiên này. Các kiến trúc tuyệt đẹp ở đây tô điểm nên những nét vô cùng vương giả, nhưng cùng lúc cũng tạo nên một sự hòa hợp bậc thầy giữa một vùng thiên nhiên như tranh vẽ. Ở đây con người “thoát tục” thôi nghĩ về chính trị, về quyền lực để mở cánh cửa tâm hồn mình về một hướng khác. Ngôi chùa Lạt Ma trên đỉnh núi với chóp vàng son ngự trị cả một vùng như là một lời nhắc nhở và mời gọi về một cảnh giới, một thứ hạnh phúc không giống với những gì người ta lăn lộn hằng ngày giữa chốn triều đình. Sơn và thủy luôn luôn là hai yếu tố hỗ trợ nhau để tạo nên vẻ đẹp, và hình như chỉ trong khung cảnh ấy con người mới có thể bồi đắp thêm những nét trữ tình, lãng mạn nhất của mình.

Dãy hành lang ven hồ dài một cây số dùng để đi bộ trong những ngày mưa, được trang trí bằng 40.000 bức họa về đủ các sự tích thần tiên hoặc lịch sử của Trung Hoa, là một kỳ công của ý tưởng kiến trúc và mỹ thuật. Cô hướng dẫn du lịch đưa cả đoàn đi dọc theo hành lang, chốc chốc dừng lại để giới thiệu một bức tranh mà cô lựa chọn trong vô số bức dọc đường đi. Ðiều tôi ngạc nhiên là tất cả các bức ấy đối với tôi, hoặc có thể với bất cứ người Việt Nam nào, đều không xa lạ, thoạt nhìn qua là tôi đã biết đó là sự tích gì khỏi phải nghe cô hướng dẫn giải thích dài dòng. Thì đó là hình vẽ cảnh Hội Ðào viên của Lưu Quan Trương trích trong truyện Tam Quốc, cảnh con khỉ Tôn Hành Giả tại Hoa quả Sơn hay thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh từ truyện Tây Du, các anh hùng Lương Sơn Bạc đứng giữa núi non ao hồ của Thủy Hử, Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi người ngồi một bên cái cầu Ô Thước (lần đầu tiên tôi thấy hình ảnh một cái cầu được dựng thành bởi một đàn quạ đông vô số kể), hay là cảnh ông Lão Tử cưỡi lừa... Các tranh vẽ này làm tôi liên tưởng đến những xe mì ở Sài Gòn trước đây, cũng thường được trang trí bằng tranh sự tích vẽ trên các tấm gương, mà khi ngồi chờ chú ba Tàu nấu mì, tôi thường tò mò xem. Ðề tài cũng in hệt như ở đây, cũng Quan Công mặt đỏ cầm Thanh Long đao cưỡi ngựa xích thố, Tôn Hành Giả đằng vân trên mây... Văn hóa Tàu hay thực, chốn cung đình cao sang hay nơi chợ búa dân giã cũng bấy nhiêu chuyện, lặp đi lặp lại không biết chán từ thế hệ này qua thế hệ khác với một lòng tự hào không suy giảm, và vẫn được thưởng thức dài dài. Cứ nhìn cô hướng dẫn du lịch say sưa giới thiệu các tác phẩm ấy mới thấy người Tàu vẫn còn mê các dấu tích văn hóa ấy lắm. Ðó là một nền văn hóa của quá khứ, toàn là sự tích... Tôi tự hỏi cho đến bao giờ thì các đề tài này được thay thế hoặc được thêm vào bằng các sự tích mới, chẳng hạn như cuộc trường chinh của Mao Trạch Ðông, hay là các hoạt động ghê gớm của Hồng Vệ Binh?... Làm thế nào một sự kiện chính trị, quân sự hay văn học được tuyển chọn để thành một đề tài cổ điển trong nền văn hóa Trung Hoa, được vẽ thành tranh, được dựng tuồng hát, và cứ thế sống mãi đời này qua đời khác?

Nhưng hỏi như thế về văn hóa Tàu, tôi không thể không có những tự vấn về văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam biết và thích thú về nhiều sự tích của Tàu, nhưng lại không mấy ai để ý đến sự tích Việt Nam. Sự tích Việt Nam hầu như không đáng kể trong dân gian nếu so với sự tích Tàu.

Ðến đây tôi thấy rõ rằng, về quá khứ nước Tàu thì kiến thức một người Việt Nam trung bình như tôi với kiến thức một người Tàu trung bình cũng không khác nhau là mấy. Trong đoàn của tôi có ông Hoàng, một người Mỹ gốc Hoa hiện sinh sống tại New York đưa người con gái mới đậu bác sĩ về Tàu thăm quê cha đất tổ, lấy làm ngạc nhiên sao sự tích nào của Tàu tôi cũng biết một cách rành rẽ như vậy. Tôi chỉ dám giải thích với ông là tại hồi nhỏ tôi mê đọc... truyện Tàu, chứ không dám đề cập đến chuyện Việt Nam đã bị Bắc thuộc một ngàn năm, và một ngàn năm kế tiếp sau đó thì việc xây dựng chính quyền, giáo dục, sách vở, thi cử, chữ viết... đều nhất nhất theo Tàu. Tôi cũng không dám kể cho ông Hoàng biết là hồi tôi còn nhỏ, khi cầm trên tay bất cứ một mảnh giấy gì có chữ nho – một toa dầu Nhị Thiên Ðường chẳng hạn – mà ông nội tôi nhìn thấy, thì lập tức ông tôi ra lệnh đem cất hoặc đem đốt đi chứ không được đem ra chơi và vứt bừa bãi những miếng giấy có “chữ ta”, chữ của thánh hiền. Vâng, vào một thời điểm cách đây chưa xa lắm, vào nửa đầu thập niên 1940, thế hệ người già vẫn coi chữ Tàu là chữ ta, có lẽ để phân biệt với “chữ Tây” có thể bao gồm luôn chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng bây giờ.

Người Việt Nam hiểu biết văn hóa Tàu, về những nét cơ bản không khác gì một người Tàu. Tôi tự hỏi giữa tôi và ông Hoàng – sang Mỹ từ khi còn nhỏ – khi đến thăm nước Tàu, thì tâm trạng và cảm tưởng có khác nhau nhiều không? Với ông Hoàng, cũng chỉ có thể dùng chữ “đến nước Tàu” giống như tôi, chứ không nên dùng chữ “về”, vì nước Tàu đối với ông cũng xa lạ không kém gì tôi. Ông là một người có văn hóa, đọc sách Tàu nhiều, và tôi thấy trình độ hiểu biết về lịch sử và văn học Trung Hoa của ông cũng na ná như tôi, đại khái thuộc các triều đại cai trị nước Tàu từ thượng cổ đến bây giờ, biết rành các mẩu chuyện trong Tam Quốc, Tây Du, có thể đọc vanh vách một vài bài thơ Ðường... Một lần nói chuyện với nhau về chùa Hàn San, cả ông và tôi đều buộc miệng đọc bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, ông đọc theo giọng Tàu của ông và tôi theo kiểu Hán Việt của tôi, hai người song ca cho đến hết bài thì cùng bắt tay nhau cười ha hả. Ðó là cái cười thống khoái của tình cảnh “tha hương ngộ cố tri” – đúng thế, dù là kẻ Tàu người Việt nòi giống khác nhau nhưng rõ ràng cả hai chúng tôi có chung một quê hương, quê hương tâm thức, nơi đó thơ, văn, triết học Trung Hoa đã góp phần xây dựng nên tâm hồn và phong cách của mình.

Cái hành lang hun hút đầy cả tranh sự tích Trung Hoa trong vùng Cung điện Mùa hè có khả năng làm sống dậy con người xưa cũ, con người tiềm thức ẩn tàng trong tôi, mà thời cuộc đảo điên của Việt Nam bao năm qua cộng với cuộc sống ngay trong lòng xã hội Tây phương tưởng đã xóa đi mất rồi. Ông Hoàng đi tìm thăm và đã gặp quê hương của tổ tiên ông, trong lúc tôi cũng tìm thấy một loại quê hương khác do tổ tiên tôi để lại, nằm trong chỗ tế vi nơi các tế bào thần kinh của tôi.


Nước lớn

Từ lâu trước khi tôi đi Tàu, anh Nguyễn Mộng Giác có lần nói với tôi: “Mình ở nước Mỹ đã là một nước lớn, thế nhưng có đi Tàu mới gặp những cái thực sự lớn lao. Cái đất nước ấy nó ‘lớn’ thật!”

Chỉ mới đi thăm Cấm Thành và Cung điện Mùa hè, tôi đã cảm nghiệm điều anh Giác nói là đúng. Và không khỏi tự hỏi: Tại sao trên thế giới có nước lớn và có nước nhỏ? Cái gì làm cho một nước trở thành “lớn”? Ý chí của dân tộc? Trí thông minh của một nòi giống? Sống trên một miếng đất lớn? Cái “duyên” nào, do đâu mà ra, để kết hợp nhiều yếu tố lại hầu tạo ra một nước lớn?

Thế nhưng trước hết phải tạm tìm một định nghĩa cho hai chữ “nước lớn”, Lớn, trước hết phải là đất rộng, người đông. Nhưng phải mạnh nữa: về vật chất, có nền kinh tế phồn thịnh và tiến bộ, quân sự vững vàng; về tinh thần, cuộc sống của nước ấy phải dung chứa một nền văn minh, phải đem lại được cho nhân loại những giá trị nhân bản, nỗ lực đưa cuộc sống con người đến chỗ xứng đáng hơn.

Sau khi suy nghĩ vài nét như thế về định nghĩa của một “nước lớn”, tôi thấy nước lớn là tại... trời sinh, “định phận tại thiên thư”. Chẳng có ai “muốn” mà được. Kìa như dân tộc Ðức, thông minh tuyệt chúng, tham vọng cũng dữ dằn, muốn bá chủ thiên hạ để một mình mình làm một nước thật lớn mà dân chúng chỉ thuần là một nòi giống Aryan ưu việt, nhưng cũng đâu có được. Cái số của nó là vĩnh viễn chỉ nằm kẹp giữa các nước lon con của Âu châu, và hành xử như một cường quốc... bé. Kìa như nước Mỹ, thoạt đầu Tân thế giới chỉ là đất của những cơ hội nho nhỏ, người ta chạy khỏi Âu châu cũ để thoát khỏi sự chèn ép hẹp hòi về tôn giáo, về chính trị, hoặc để thoát khỏi sự nghèo nàn cơ cực cho gia đình, hoặc cùng lắm để thỏa mộng phiêu lưu, nhưng cuối cùng cái duyên đã tới đầy đủ để xây dựng nên một quốc gia hàng đầu của thế giới, lớn về địa lý, về ý tưởng, về mọi phương diện sản xuất và tổ chức đời sống. Giống như một sự tình cờ nhưng chắc không phải tình cờ. Cùng thời với nước Mỹ cũng có nhiều nước ở Tân thế giới được thành lập, thậm chí được thành lập trước cả nước Mỹ, với một diện tích cũng mênh mông, thế mà ì ạch mãi dăm thế kỷ nay cũng vẫn không thành... nước lớn được. Xem ra chỉ lớn cái xác. Tại sao thế?

Và nước Tàu, từ thượng cổ cũng chẳng có dấu hiệu gì là một nước lớn. Trong vùng đất phía Bắc Trung Hoa thuở ấy chia manh mún ra nhiều nước nhỏ, và tiếng nói cũng không hoàn toàn thống nhất với nhau. Cái khác người là từ đó đã có những đầu óc siêu việt, đã nghĩ trước ra bao điều khôn ngoan về thiên nhiên và con người, đã nghĩ ra cách ghi chép bằng hình tượng mà sau này thành chữ viết, và chính điều sau này đã là một phương tiện đắc lực để làm một “sợi chỉ xuyên suốt” tóm thâu thiên hạ về một mối. Nhưng chữ viết nghĩ cho cùng cũng chỉ là một phương tiện, dù là một phương tiện cực kỳ thông minh, điều quan trọng là những gì nó chuyên chở. Chính những nội dung suy nghĩ của người Trung Hoa xưa mới là cái quyết định để Trung Hoa trở thành “nước lớn”. Họ suy nghĩ lớn. Người Tàu, về phương diện khoa học, đã phát minh rất sớm ra vô số thứ giữa lúc phần lớn nhân loại còn chìm ngập trong u mê. Họ cũng nhìn ra những vấn đề có tầm vóc nhân loại, cho muôn thuở. Con người ngày nay vẫn phải còn học những tư tưởng Trung Hoa xưa, những lẽ “thoát tục” của Lão tử, Trang tử, những lẽ “dấn thân” của Khổng tử, Mạnh tử vẫn nằm trong khả năng và nhu cầu của con người từ thượng cổ đến giờ, người ta vẫn thấy đó là những “túi khôn” nếu nói một cách sống sượng như ngày nay, hoặc là “lời lẽ thánh hiền” như các cụ ta xưa đã từng cung kính. Giống như tư tưởng của Phật Thích Ca, của triết gia Hy Lạp cổ, và cùng lúc với các trào lưu bộc phát tư tưởng của hai nước này, triết học Trung Hoa xưa đạt mức phổ quát, thích hợp cho cả nhân loại trong mọi thời đại, vì nó đặt nặng chữ Nhân. Những loại “tư tưởng” không coi trọng con người như của phát-xít, mác-xít trong thế kỷ thứ 19, 20 thì không tồn tại được quá thời đại của chính nó.

Trường hợp Hán tộc gầy dựng nên một nước lớn và tiếp tục giữ gìn đất nước và dân tộc từ thượng cổ đến bây giờ là một trường hợp hiếm hoi của nhân loại. Tự nó, Hán tộc có một sức mạnh nội tại kỳ lạ, bất kể trong tư thế thắng hay thua. Thắng thì dĩ nhiên họ là Thiên Triều vỗ về trăm họ, phát triển học thuật, công nghệ, thương mại ra khắp các lân bang, ánh sáng của nền văn minh Trung Hoa chiếu rạng khắp nơi. Nhưng cũng có khi họ thua xiểng liểng, và người thắng họ luôn luôn đến từ phương Bắc, mà họ gọi một cách miệt thị là Rợ Hồ. Không phải là họ thua trong một hai trận chiến – thua kiểu này thì họ cũng đã thua nước Việt Nam của chúng ta nhiều keo khi có giã tâm muốn thôn tính nước ta – mà là mất luôn nước, người nước ngoài vào làm vua, cai trị nước Tàu. Lần đầu người Mông Cổ vào, lập nên nhà Nguyên, cai trị được một thế kỷ. Lần sau là người Mãn Châu, lập nên nhà Thanh, cầm đầu nước Trung Hoa hai thế kỷ rưỡi cho đến khi chấm dứt nền phong kiến với cách mạng Tân Hợi năm 1911. Dĩ nhiên mất nước họ cũng tủi hổ lắm, cũng vận động làm “cách mạng” để lật đổ kẻ cướp nước hầu giành lại nền độc lập cho người Hán, và cũng không thiếu gì người vì “Rợ Hồ” cướp mất nước mà đành di tản ra sinh sống ở nước ngoài, mà dấu vết ngày nay hãy còn là các làng Minh Hương rải rác trên nước ta, hay là họ Mạc ở đất Hà Tiên. Những điều như thế thật ra không lạ, dân nước nào lâm vào cảnh của họ cũng làm những việc tương tự, có thể chống đối, hoặc bỏ đi, xưa đã vậy mà nay cũng vậy. Ðiều lạ là những gì xảy ra trong nước Trung Hoa, dưới các triều đại ngoại xâm. Khi người Hồ cai trị nước Tàu, hầu như họ không áp đặt được nền văn hóa sẵn có của họ lên người Hán, bắt người Hán phải theo (trừ vài trường hợp lẻ tẻ như người Tàu thắt bím tóc theo kiểu người Mãn dưới đời nhà Thanh), mà chính họ phải dùng văn tự, ngôn ngữ Hán, học hành theo sách vở, triết học Trung Hoa, an hưởng những thành tựu rực rỡ của nền văn minh Trung Hoa: từ thức ăn, thức uống, thuốc men, phương tiện sản xuất và đi lại, nhà cửa cung điện, phong tục tập quán v.v... mà cuộc sống khắc khổ nặng tính cách du mục của họ chưa bao giờ đạt được tới. Chỉ trong vài thế hệ, người Hồ đã bị Hán hóa, thành người Hán, và lãnh thổ gốc của chính người Hồ xâm lăng ấy cũng từ từ biến thành lãnh thổ của Tàu lúc nào không hay. Rõ ràng trong lịch sử người Hán sợ người Hồ nhất, đời nọ sang đời kia chỉ lo chống đỡ sự xâm lăng vũ bão của những kẻ chuyên ngồi trên lưng ngựa, mạnh khỏe dẻo dai và dữ tợn một cách ít văn hóa. Họ sợ đến nỗi ở từng địa phương một, từ thời thượng cổ, đã lo xây tường để ngăn chặn Bắc quân, và khi nước Tàu thống nhất dưới đời Tần Thủy Hoàng thì một trong những điều “cần làm ngay” của tân hoàng đế chính là lo thống nhất bức tường thành bằng cách làm thêm và nối lại tất cả các bức thành đã được xây sẵn để có bức Vạn Lý Trường Thành trứ danh thế giới, mà ngày nay ngành du lịch Trung Hoa tha hồ khai thác để thu tiền. Nhưng rõ ràng trường thành cũng không ăn thua gì, khi hội đủ điều kiện để xâm lăng – Hán suy, Hồ mạnh – thì quân Bắc phương vượt qua trường thành dễ dàng, để thành lập hẳn các triều đại Nguyên, Thanh. Ðiều kỳ cục là Hán thua, nhưng nước Tàu không những không suy suyển gì mà lại còn thêm đất, thêm dân qua những cuộc xâm lăng ấy: cả Mông Cổ, cả Mãn Châu rồi cũng thành Tàu hết! Ðây không phải là trường hợp “bất chiến tự nhiên thành” mà là “chiến bại tự nhiên thành”. Mưu chước của người Tàu thì rất là thần sầu, nhưng chắc chắn không quân sư nào, nhà chiến lược nào của nước Trung Hoa xưa nghĩ ra nổi cái mưu chước này! Khổ nhục kế đến mức đem cả giang sơn đồ sộ cho người ngoài thống trị, để một hai thế kỷ sau đất của người, dân của người biến thành đất của ta, dân của ta... chắc mấy ông thánh, ông hiền có sống dậy cũng không ai dám chơi cái trò nguy hiểm như thế. Nhưng nó đã xảy ra là do sức mạnh lớn lao của nền văn minh Hán tộc. Hình như nó chẳng chủ trương gì cả, nhưng (rủi cho) ai đến với nó, chiếm lấy nó, thì biến thành nó, thế thôi.


Vạn Lý Trường Thành

Dĩ nhiên là chúng tôi phải đi thăm Vạn Lý Trường Thành, ngay sau ngày đi thăm Cấm Thành và Cung điện Mùa hè. Ðọc sách vở thì cứ tưởng Vạn Lý Trường Thành rất xa, nằm mịt mù tận biên giới phía Bắc, nhưng không ngờ có đoạn gần lắm, chỉ nằm trong khu vực có thể đi bằng xe buýt từ Bắc Kinh, đến thăm và về trong ngày thong thả.

Ðường lên hướng Bắc vào một buổi sáng xuân đem lại cho du khách một cảm giác nhẹ nhàng phơi phới. Trời đất phong quang, cỏ cây hai bên đường hớn hở sau mùa đông dài, đang ra sức trổ lá đơm hoa. Sinh hoạt nông thôn không hiện ra rõ nét hai bên con đường đi này, tôi nhớ không thấy cảnh cày bừa gieo cấy trên các cánh đồng. Cũng không thấy hình ảnh làng mạc, chỉ có các thị trấn nho nhỏ trên đường xe chạy, mà nhà cửa chủ yếu là các hãng xưởng, với các bức tường viết đầy khẩu hiệu.

Du lịch theo tour có cái tiện là mình được đưa đến tận nơi những chỗ đáng xem, tất cả được “lên chương trình” sẵn, khách chẳng phải lo gì cả, cứ được giắt đi đâu thì đi đó. Nhưng cũng có cái bất tiện là rất ít có dịp biết thêm về xứ sở mà mình tới, cụ thể là thăm dân cho biết sự tình. Ngay cả việc mua sắm, khách cũng được “chỉ định” những nơi sẽ ghé lại, không thể la cà nơi này nơi kia. Dĩ nhiên như thế an ninh cho khách hơn: chỉ mua đồ xịn, với giá cả ổn định, không lo bị lừa gạt, nhưng cũng mất cái thú len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống để hiểu biết thêm, dù đôi khi phải trả giá khá đắt – nhưng cũng lắm khi lại rất rẻ.

Sáng hôm đó trên đường đi chúng tôi được ghé lại một nơi sản xuất và bán đồ mỹ nghệ, đặc biệt là các loại bình, tượng. Ðó là một cơ sở rất lớn, vừa sản xuất vừa bán hàng. Loại bình hoa với các họa tiết tinh xảo mà ta thường gặp ở những nơi như thương xá Phước Lộc Thọ ở Little Saigon hoặc các Chinatown, không bao giờ ta bỏ ra một vài giây để tưởng tượng xem chúng được làm ra như thế nào, thì ở đây, khách có thể chứng kiến hầu hết chu trình sản xuất ra chúng. Từ lâu tôi vẫn thán phục những cái bình có hình vẽ trên men mà có lẫn những sợi kim loại màu vàng chạy ngoằn nghèo, đến hôm đó tôi mới được thấy tận mắt cách thực hiện. Công phu không thể tả. Người ta uốn sẵn những sợi dây đồng rất mảnh theo hình nhà cửa, hoa lá... người thợ thủ công dùng cái kẹp gắp từng “sợi”, bôi keo rồi dán vào thân những chiếc bình trơn tiện bằng kim loại. Sau đó bình sẽ được đắp gốm và men chồng lên trên và vẽ hình theo các đường nét những sợi kim loại đã tạo ra sẵn, và mài bóng mặt ngoài để các đường chỉ kim loại bóng ánh lên. Ðại khái là như thế, những công đoạn trong thực tế dĩ nhiên là rắc rối hơn nhiều. Nói thì dễ, bắt tay vô làm mới thấy không biết bao nhiêu là công phu và tài khéo đổ vào để có một cái bình mà ta có thể thấy nhan nhản ngoài phố, và thường khi chẳng bao giờ thắc mắc làm sao để có được những đường chỉ kim loại rất sắc sảo chạy lẫn trong lớp sứ.

Khi xe đến gần khu vực lăng tẩm của các vua triều Minh thì hai bên đường hiện ra toàn một sắc hồng của những vườn đào. Khoảng 10 cây số, toàn một màu như thế, vùng này người ta trồng đào lấy trái trên một diện tích rộng lớn, loại cây không cao, chỉ quá đầu người một tí và may mắn là chúng tôi đến đúng thời điểm cây nở hoa. Khi xe dừng để khách chuẩn bị vào thăm lăng vua Minh, tôi thử len lỏi vào hẳn trong một vườn đào để chụp ảnh. Ði giữa vườn đào đang nở hoa thế này thì mặt người dù nước da xấu cũng trở nên hồng hào, bất giác nhớ câu thơ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng [1] của Thôi Hộ, lòng thấy cảm động vì từ hôm đến nước Tàu đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi đứng giữa một thiên nhiên hoang dã, vắng vẻ chỉ có một mình, và đã liên hệ được cảnh trí trước mắt với một chút văn thơ Trung Hoa. Trước đây tôi đã nhiều lần đứng ngắm cây hoa đào và nhớ tới câu thơ này, nhưng đào Ðà Lạt thì hoa thưa thớt quá, đào Mỹ thì đúng là có nhiều cây hồng rực lên từ gốc tới ngọn, nhưng khung cảnh và cung cách trổ bông lại Tây phương quá, chẳng hợp với khí vị của một câu thơ Ðường. Chỉ có vườn đào ở đây, mọc trên mảnh đất nghìn năm của Hán tộc, mảnh đất mà từ đó đơm hoa kết trái biết bao văn thơ bất hủ của dân tộc Trung Hoa, mới tạo được sự hòa hợp lạ kỳ trong tâm tưởng của tôi. Tôi tự hỏi cây đào năm xưa đã làm Thôi Hộ nhớ đến khuôn mặt của mỹ nhân có giống với cây đào tôi gặp ở đây chăng. Cái ánh hồng trên mặt người đẹp năm xưa cũng như trên cành hoa đào hồi đó có còn tồn tại đến bây giờ không, có giống với ánh hồng đang tỏa dịu khắp vườn này không? Hoa đào bây giờ với hoa đào trước đây mươi thế kỷ thì chắc cũng thế, nước da trắng hồng của người con gái từ nghìn xưa đến nay chắc cũng thế, nhưng vấn đề là làm sao tái tạo được sự rung động của cổ nhân trong lòng con người bây giờ. Văn học làm được việc ấy. Nhờ câu thơ của Thôi Hộ mà tôi có được cái tâm trạng bồi hồi khi đứng trước ánh hồng của vườn hoa đào, mặc dù hai vế của tác giả đưa ra là nhân diệnđào hoa thì ở đây chỉ có một – nhưng chính sự thiếu vắng ấy mới gây một niềm tưởng nhớ mông lung vô định. Chính tác giả khi nói đến mặt người thì cũng chỉ là nói về chuyện “năm ngoái”, một kỷ niệm đã qua, và nỗi niềm bâng khuâng của bài thơ chính là do sự vắng bóng người đã gặp mùa xuân năm trước. Và chính tôi cũng thấy rằng không nên mơ ước một “nhân diện” ở đây, nếu muốn thưởng thức cho trọn nỗi niềm bâng khuâng ấy. Lắm khi sự vắng mặt lại có sức mạnh lớn hơn là sự có mặt rất nhiều.

Không biết tại sao tôi không muốn ghi chép nhiều về việc đi thăm hầm mộ của vị hoàng đế nhà Minh hôm ấy, mặc dù đây là một kinh nghiệm rất hiếm, và một lần nữa, lại gặp sự lớn lao, lớn lao của cái chết. Làm hoàng đế nước Tàu thì thế, sống hay chết đều phải “lớn” cả. Mười ba vị Hoàng đế của triều Minh cùng với Hoàng hậu của họ được chôn cất rải rác trong một vùng đất ba bề là núi, cách Bắc Kinh độ 50 cây số, và dĩ nhiên thân xác thật của họ được giấu rất kỹ, nhiều khi thấy lăng đấy nhưng không biết mộ thực sự nằm ở đâu.

Xế trưa chúng tôi tới Vạn Lý Trường Thành. Nếu nói về sự lớn lao thì đây là một công trình vào hạng lớn nhất Trung Hoa, cũng như của thế giới. Lớn về tầm vóc vật chất, về tuổi tác, và về công dụng của nó. Chắc chắn chẳng một bức tường thành nào trên thế giới dài bằng nó, chạy liên tục từ biển Thanh Hải lên mãi đến núi Thiên San giáp giới vùng Tân Cương mới hết. Nó dài bao nhiêu? Các số liệu thay đổi. Theo Encyclopedia Britannica thì chiều dài của nó là 1.500 miles, tức 2400 cây số. Theo Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Sử Trung Quốc thì Vạn Lý Trường Thành dài 4.500 dặm; nếu dặm đây là mile thì tính ra kilomét là 7200, một số Website về Vạn Lý Trường Thành hiện nay cũng đưa ra con số trên dưới bảy ngàn. Nhưng theo tài liệu mới nhất của Trung Quốc thì chiều dài của nó là 5.660 kilomét. Tôi thấy ta nên tin vào con số sau cùng này trong tài liệu của ngành du lịch Trung Quốc mà tôi có được trong chuyến đi vừa rồi. Dĩ nhiên thành chạy qua mọi địa thế của đất đai, núi non, đồng bằng, sa mạc, dù hiểm trở mấy nó cũng tìm cách vượt tới được, chỉ có gặp sông thì nó không bắc cầu để qua thôi. Lâu nay vì tên nó là Vạn Lý thì người ta thường chỉ để ý đến bề dài của nó, nay đến nơi mới thấy cái bề ngang và chiều cao cùng cách kiến trúc của nó rất là bề thế, vững chãi, hùng vĩ. Nó xây bằng đá và gạch, dưới chân rộng 25 thước, cao từ 15 đến 30 thước, mặt thành lát bằng đá to bảng, rộng tôi nghĩ hai chiếc xe jeep có thể tránh nhau được, hai bên có gờ xây cao lên, cách khoảng độ ba bốn mét thì chừa một đoạn trống rộng chừng bốn tấc, sâu hơn nửa thước, như một loại lỗ châu mai để quan sát và chiến đấu, vì thế từ xa trông mặt trên trường thành có hình răng cưa. Trên thành cách khoảng lại gặp một trạm gác xây theo kiểu pháo đài thường đặt ở những nơi dễ quan sát ra bên ngoài, và cũng có những hầm trong lòng thành có cầu thang bằng đá dẫn xuống, chắc là nơi chứa khí giới và làm chỗ nghỉ ngơi cho quân sĩ. Ngày xưa người ta dùng ngựa chạy trên mặt thành để liên lạc giữa trạm này và trạm khác ngoài cách gửi tín hiệu bằng khói (ban ngày) và lửa (ban đêm). Thành đã đứng trơ gan như thế trên hai ngàn năm rồi mà vẫn vững vàng, bề thế, dĩ nhiên được tu bổ nhiều lần trong những đời sau. Ðoạn thành chỗ chúng tôi thăm xây trên núi, và tôi để ý bất kể hình thể của núi như thế nào, thành luôn luôn được xây chạy dọc trên đỉnh, vì thế có những khúc đầy quanh co vặn vẹo trông rất lạ.

Ðọc sử Tàu thấy tả nhiều tình cảnh thống khổ của dân phu đi xây Vạn Lý Trường Thành, nhưng có đến đây xem cách xây thành mới phần nào cảm thấy được những cực nhọc nguy hiểm lớn lao đến mức nào. Xem hình thấy có những ngọn núi nhọn hoắt, cao vút, thế mà thành cũng bò lên ngự hẳn được trên đỉnh, tưởng tượng không biết bao nhiêu người đã rơi xuống vực mà chết trong khi phải vận chuyển gạch đá vôi vữa lên tận đỉnh núi ấy. Thời Tần Thủy Hoàng đã dùng ba trăm ngàn binh sĩ với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách v.v... làm khổ sai xây thành trong những vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp – ngày xưa cảnh vật chắc hẳn hoang sơ hơn bây giờ nhiều – và khí hậu của các vùng biên giới phía bắc này cũng vô cùng khắc nghiệt, mùa đông nước đóng thành băng, mùa hè nóng nung bụi cát mịt mù.

Các sự tích Trung Hoa liên quan đến việc xây thành thì nhiều, phần nhiều nói về những sự thương tâm của những người bị đày đi khổ sai, như câu chuyện nàng Mạnh Khương thương nhớ chồng, đi mười ngàn dặm để thăm chồng bị bắt đi xây thành, nhưng đến nơi thì chồng đã chết. Nhưng có một sự tích mới, là chuyện một phi hành gia khi bay vào vũ trụ, nhìn lại về trái đất tuyên bố rằng Vạn Lý Trường Thành là công trình xây cất duy nhất của con người trên mặt đất có thể nhìn thấy rõ ràng từ không gian. Câu chuyện đó, chúng ta nghe đã lâu. Ðó là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Trung Hoa trong thời đại ngày nay, đã được ghi vào sách giáo khoa để dạy cho con em Ðại Hán, và có lẽ, cũng trở thành một huyền thoại như bao huyền thoại khác của nước Tàu. Nhưng cách đây một năm, vào tháng Mười năm 2003, Trung Hoa lần đầu tiên phóng phi thuyền có người lái vào không gian, phi hành gia Yang Liwei sau 21 giờ đồng hồ bay trên quỹ đạo trái đất khi về lại tuyên bố một câu làm thất vọng cả nước Tàu một cách sâu xa: “Ðịa cầu nhìn từ không gian thật đẹp, nhưng tôi đã không nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành của chúng ta”. Câu tuyên bố này làm mọi người giật mình: vậy thì trước kia ai đã phao truyền cái huyền thoại kia? Chuyện ấy có hay không? Dư luận trong nước Tàu xôn xao, người thì đề nghị thắp đèn dọc theo trường thành để có thể nhìn thấy dễ dàng từ không gian, người thì đòi sửa chữa lại điểm đã nói sai trong sách giáo khoa. Nhưng một người Mỹ lại... “cứu bồ” cho dân Tàu, đó là phi hành gia Eugene Cernan, đã tuyên bố trong một chuyến viếng thăm Singapore: “Trên quỹ đạo Trái đất ở độ cao 160 đến 230 kilomét, người ta có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành bằng mắt trần”. Có thể phi hành gia Liwei bay nhằm vào một ngày điều kiện thời tiết và ánh sáng không tốt ở vùng Bắc nước Tàu – một điều xui xẻo cho anh ta. Nhưng cũng không có gì là chắc, con người chủ quan lắm, chỉ có máy móc là chắc chắn: từ độ cao 600 kilomét máy chụp hình từ phi thuyền có thể thu hình Vạn Lý Trường Thành khá rõ.

Vạn Lý Trường Thành là dấu tích xưa từ thượng cổ còn lại khá nguyên vẹn cho đến bây giờ, chứng tỏ kỹ thuật xây dựng thời ấy đã cao trong những điều kiện địa lý vô cùng khó khăn hiểm trở, và còn chứng tỏ khả năng tổ chức, lãnh đạo và nhất là tài nguyên nhân lực vật lực hầu như vô tận của nước Trung Hoa. Ðược xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới, Vạn Lý Trường Thành đã phải đòi dân chúng Trung Hoa trả một cái giá rất đắt là biết bao khổ nhục, mồ hôi nước mắt và cả máu xương nữa để công trình vĩ đại đó thành hình. Nhưng có một điều chắc chắn, là nếu không có suy nghĩ lớn thì không một công trình lớn nào có mặt được trên đời này cả. Cái “lớn” của Trung Hoa là nằm ở chỗ ấy vậy.


Xứ sở của tường thành

Sau khi xem Vạn Lý Trường Thành và đi vòng vòng một số nơi trên đất Tàu, tôi khám phá ra điều này: người Tàu rất thích xây thành. Từ cái thành lớn nhất thế giới cho đến các loại thành lũy bao bọc các địa điểm trọng yếu tầm cỡ quốc gia, rồi đến những dinh thự, chùa chiền miếu mạo, nhà cửa của những phú gia, thậm chí đến những ngôi nhà đơn sơ ở thôn quê, đều có làm tường thành chung quanh. Ðó là nhà xưa. Trong những công trình xây cất mới, như hãng xưởng, hoặc các khu nhà tập thể tại các làng mạc, thị trấn, luôn luôn có bức tường bao bọc, như là một bộ phận không có không được trong kiến trúc nhà cửa. Nguyên thủy tường thành hẳn nhiên có công dụng ngăn ngừa kẻ lạ mặt xâm nhập vào một vùng sở hữu, dù đó là một nước, một kinh đô, một thị trấn hay tư gia. Có lẽ nước Tàu ngày xưa đã trải qua quá nhiều hỗn loạn, nhiều phe phái tranh giành nhau, đánh phá nhau, và cũng không thiếu những bè đảng ngoài lề xã hội chuyên cướp bóc của cải người khác, trong khi Rợ Hung Nô phía Bắc lúc nào cũng chực tràn xuống cướp phá Trung Nguyên, trong tình trạng như vậy người ta phải nghĩ ra cách tự bảo vệ, và một trong các cách đó là xây thành để ngăn chặn. Xây thành vững chung quanh và mình thủ kỹ bên trong, cách phòng thủ đó hơi thụ động, nhưng chắc ăn. Cái gì của ta thì ta hãy xác định rõ bằng một chu vi hữu hình, hơn nữa, khó vượt qua, để làm nản chí những kẻ có ý tưởng xâm chiếm, và gây khó khăn cho kẻ quyết tâm chiếm đoạt. Lịch sử chiến tranh Trung Hoa là lịch sử những trận công thành và thủ thành. Bên này khiêu chiến bên kia có nghĩa là đến bên thành mà nói vọng vào những lời khích bác, cho đến khi người thủ thành tức khí chịu không nổi nữa phải ra mặt. Chấp nhận đánh nhau thì mở cửa thành ra để hai kẻ chỉ huy giao chiến ngay trên miếng đất trước cổng thành, đánh không nổi thì lại rút vào thành đóng cửa lại. Tường thành là một tượng trưng hữu hình cho quyền sở hữu, và cho cả quyền lực nữa, như Tử Cấm Thành chẳng hạn.

Việc xây thành để xác định và bảo vệ quyền lực thì từ thượng cổ qua trung cổ, nhiều nơi trên trái đất đã làm, nhưng không có nơi nào mà việc xây tường thành đã trở thành một nét văn hóa đặc thù như nước Trung Hoa. Tường thành dính chặt với cuộc sống con người để nói lên chủ quyền và phạm vi lãnh thổ của họ, một sự khẳng định hình như rất cần thiết trong đời sống người Trung Hoa. Tường thành trở thành một tập quán trong xây cất, trong rất nhiều trường hợp đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật. Ðã xây tường bao quanh tất nhiên phải làm cổng để ra vào, và cổng là một nơi thể hiện rõ nét cá tính lẫn địa vị của chủ nhân: nghiêm trang, uy nghi hay đơn sơ khiêm tốn, quyền lực phô trương hay thi vị lãng mạn... Tôi đã thấy những cái cổng đẹp một cách say đắm. Rất nhiều khi chưa cần vào bên trong, chỉ cần nhìn cái cổng cùng tường thành bao quanh người ta đã có ý niệm về chủ nhân. Hình như người Tàu chỉ cảm thấy an tâm và ấm áp khi được sống trong một nơi có tường thành vây bọc. Tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ xíu ở thôn quê, với một bức tường đắp bằng đất chung quanh, không thể tự hỏi làm bức tường ấy làm gì cho mất công, và không thể có câu trả lời hợp lý ngoài yếu tố tâm lý và phong tục. Người Tàu làm tường thành giống như người Việt Nam làm hàng rào, nhưng làm tường thì tốn công tốn của hơn nhiều, và sự quan hệ của những người sống hai bên bức tường chắc cũng khác với hai bên cái hàng rào. Ở nước ta thì:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn [2]

nhờ thế tình yêu đôi lứa trở nên dung dị, chứ không khó nhọc như nàng Kiều của đời Gia Tĩnh triều Minh phải trèo tường mới qua được nhà Kim Trọng.

Tường thành rõ ràng là một cái gì rất đặc biệt của người Trung Hoa, và cái thành ngữ “kín cổng cao tường” có lẽ cũng bắt nguồn từ nét văn hóa này của họ. Tôi đã nhận ra và rất mê nhiều kiểu tường thành khác nhau, trang trí khác nhau, màu sắc khác nhau, xây với vật liệu khác nhau, thậm chí nhiều nơi tôi thấy cái vật bao vây bên ngoài ấy còn giá trị hơn nội dung phía bên trong nhiều. Tôi rất tiếc không đủ thì giờ thăm thú kỹ lưỡng hơn các bức tường thành, mà tôi thấy là cả một thế giới vô cùng phong phú. Ngồi trên xe có khi tôi chợt thấy một bức tường đẹp quá, lòng vừa chớm một cảm giác rất thú vị thì xe đã vụt đi qua rồi. Nhiều khi tôi nghĩ lẩn thẩn, nếu bây giờ có một bạo chúa Trung Hoa ra lệnh phải phá bỏ hết tất cả tường thành của xứ này, thì cái xứ này nó sẽ ra thế nào? Nó sẽ tênh hênh, sẽ vô duyên, sẽ trơ trẽn, nói chung, nó sẽ không còn là Trung Hoa nữa. Lúc ấy, không khéo, cả nền văn minh Trung Hoa rồi cũng tan biến theo.





[1]Nguyên văn bài thơ của Thôi Hộ:

Ðề tích sở kiến sứ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong


Trần Trọng San dịch:
Ðề chỗ đã trông thấy năm trước
Hôm nay, năm ngoái, cổng này
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người
Mặt người đã ở đâu rồi?
Hoa đào nay vẫn còn cười gió đông
.

Cụ Nguyễn Du cũng lấy ý hai câu cuối của bài thơ này khi viết trong Truyện Kiều:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
[2]Thơ Nguyễn Bính.
Nguồn: Tạp chí Thế ká»· 21 tháng 8, 10 và 11.2004