trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
4.1.2008
Nguyễn Ðăng Thường
Ðôi điều không cần nói với nhạc
 
Thời gian gần đây, trong khi dịch chương cuối cuốn tuyện The Mother-of-Pearl Men của tác giả Mark Frankland [1] , tôi cần tra cứu thêm về tiếng hát ca sĩ Việt Nam trong thập niên 60 ở Sài Gòn, nên đã phát hiện được vài điều tôi thiển nghĩ khá thú vị, xin thử ghi ra đây.

"Tiếng hát gọi nhạn trong sương" (Phương Dung), "Tiếng hát dâng hiến tâm tình" (Thái Thanh), "Tiếng hát khói hương chiều niệm" (Thanh Thúy), "Tiếng ca đầm thấm ý tình" (Ngọc Minh), "Tiếng hát khát vọng không nguôi" (Carol Kim), "Tiếng ca đẹp man rợ" (Khánh Ly), là những "niệm khúc" của Hồ Trường An viết về sáu tiếng hát, trong số 106 tiếng hát "nghệ sĩ thời danh" do ông ghi nhận [2] . Những hình ảnh "thơ mộng" đã được tận dụng, nếu không muốn nói lạm dụng, để tấn phong trong buổi lễ đăng quang. Những vòng vương miện có ghi từng khẩu hiệu riêng, đã được mang ra đặt trên đầu các danh ca. Chúng khiến tôi bối rối, vì tôi nghĩ mình là một thính giả điếc. Sự hoang mang càng tăng khi các ca sĩ hát cùng một bản nhạc.

Thúy Nga được trao "Tiếng hát mang nắng hạ trở về". Julie Quang được tặng "Tiếng hát lồng bóng đền Taj Mahal". Do vậy, khi nghe lại băng nhạc của hai ca sĩ này hát "Mùa thu Ðông Kinh", tôi chẳng còn biết nó là mùa gì nữa, thu hay hè, mùa chết hay mùa sống? Nhưng tại sao tiếng hát của cô ca sĩ có cái tên nửa Pháp nửa Việt mang trong người hai dòng máu Việt Ấn phải đến từ một ngôi mộ - dẫu là cái lăng tẩm cẩm thạch trắng tuyệt đẹp của một ái phi? - đến từ bãi tha ma, thay vì từ đời sống, từ đời sống từng ngày của một thành phố tấp nập của Ấn Ðộ như Bombay, Calcutta, Karachi, hay thậm chí đến từ Bollywood, kinh đô điện ảnh của những phim ca nhạc tình cảm? Xin hỏi: một thính giả Ấn Ðộ, nếu được nghe tiếng hát Julie Quang sẽ cảm thấy gì? Taj Mahal? Hay cơm nị cà ri dê? Hay chẳng cảm thấy gì cả? Khi Lệ Thu và Khánh Ly hợp ca "Tiếng sáo Thiên Thai", người nghe đã được một ly "cocktail" có chất đắng man rợ của rượu cần (Khánh Ly), trộn lẫn với chất ngọt khởi phụng đằng giao của rượu tiên (Lệ Thu)? Tiếng hát Khánh Ly đẹp man rợ, đẹp như tiếng hú, đẹp như tiếng đọc các câu thần chú của thổ dân châu Phi và Bắc Mỹ? Hay nó là tiếng ca đến từ sự tuyệt vọng rã rời của tuổi trẻ hoang vu trong thời chinh chiến?

Khi nhìn lướt qua - tôi không có cam đảm và thì giờ đọc hết hai cuốn sách dày hơn 800 trang gọp chung của Hồ Trường An, mà vì tò mò tôi đã gởi mua mấy năm trước rồi để qua một bên, mỗi cuốn giá 18 đô la, vị chi tất cả là 36 đồng tiền là núm ruột hải ngoại, tốt hơn nên tiết kiệm gởi về quê hương làm giàu cho nhà nước ta, góp phần vào việc chiếm đất dân nghèo, đuổi ngư dân ra khỏi các đảo nhỏ để xây cất những chỗ du hí năm sao cho khách ngoại tới thưởng thức văn hóa ẩm thực, xem quê hương ta đẹp không có ăn mày, nước ta giàu không có hàng rong, gái ta xinh nên chê chồng mít - khi lật nhanh qua các trang viết đó tôi chỉ để ý và dừng lại ở hai đoạn - trong số 6 trang dành riêng cho tiếng hát Thúy Nga. Xin trích dẫn nguyên tác cùng lời nhại một bài hát tuyên truyền cho bầu cử:

Nguyên tác:
Rủ nhau đi bầu, rủ nhau đi bầu
Tay cầm lá phiếu tự do
Băn khoăn không biết bầu cho người nào?

Lời nhại:
Rủ nhau đi cầu, rủ nhau đi cầu
Tay cầm miếng giấy thật to
Băn khoăn không biết chùi cho thằng nào?

và "Khúc ca ngày mùa" của Lam Phương:

Nguyên tác:
Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế
Hát lên đi để nung lòng nhân thế

Lời nhại:
Cười lên đi cho răng vàng sáng chói
Hát lên đi giống ma gào ma đói

Hồ Trường An viết: "Chu choa ơi, bao nhiêu là vận sự nhảm nhí tầm phào lẫn vận sự thơ mộng chứa chan vây quanh hai bài ‘Khúc ca ngày mùa’ và ‘Mùa lúa chín’ dễ thương kia và chung quanh tiếng hát độc đáo của Thúy Nga, người ca sĩ có mái tóc thề rất đẹp lãng mạn ấy!... Cho nên khi nghe tiếng Thúy Nga hát bài ‘Khúc ca ngày mùa’ của Lam Phương, khán thính giả bốn phương (tôi nhấn mạnh, NÐT) nồng nhiệt đón tiếp giọng chị như đón tiếp một loài chim lạ từ thần thoại (tôi nhấn mạnh, NÐT) bay vào khu vườn ca nhạc đương thời." Hồ Trường An viết tiếp: "Những bài dân ca của Lam Phương, của Hoàng Thi Thơ thuở đó theo thể điệu mambo vẫn không phải là dân ca thuần túy, nhưng chúng rất hợp với cảm quan quần chúng (tôi nhấn mạnh, NÐT). Cho nên quần chúng cứ xem tiếng hát của Thúy Nga như là tiếng dân ca." Xin hỏi: Quần chúng nào? Thần thoại nào? Khán thính giả bốn phương nào?

Hồ Trường An thay vì suy gẫm về các lời nhại, thì chỉ bôi bác, chửi bới "mấy anh chàng đá cá lăn dưa... đầu đường xó chợ sửa lời lại và cứ hát ong ỏng khắp hang cùng hẻm cụt...", làm như thể lăn dưa đá cá và sống lẩn lút trong các ngỏ cụt là một tự do lựa chọn. Thành thực mà nói, ta cũng phải công nhận các lời nhại chẳng những không nhảm nhí, mà còn thể hiện đúng một thực tế không thể phủ nhận, có tính hiện thực hơn các ca khúc viễn mơ kia. Thực ra, ai đã ong ỏng cả ngày? Các anh chàng xấu số thất nghiệp trong các ngỏ cụt của đô thành, hay các nàng ca nhi được phát sóng từ sáng đến tối giữa thành đô? Lời nhại có thể đã thực sự do "mấy anh chàng đầu đường" ứng khẩu. Nhưng chúng cũng có thể do bàn tay của mấy ông "Việt cộng nằm vùng" muốn phá cuộc bầu cử. Nhưng cũng có một điểm đáng ca ngợi. Ðó là cái trí nhớ vượt bực của Hồ Trường An, nhớ rõ từng chi tiết nhỏ nhặt về nữ trang, mái tóc, màu áo, điệu bộ của ca sĩ trong các buổi trình diễn hình như luôn luôn có mặt ông, và hai cuốn chân dung kia có thể rất hữu ích, nếu ta đọc chúng với óc phê bình.

Hồ Trường An viết: "Thuở đó là thời kỳ miền Nam tự do (tôi nhấn mạnh, NÐT) của chúng ta (tôi nhấn mạnh, NÐT) có chuyện bầu cử Quốc hội... Tôi như nghe văng vẳng tiếng hát của nữ danh ca Thúy Nga qua bản ‘Mùa lúa chín’ của Thu Hồ đã từng thu vào dĩa Việt Thanh, được cất lên vào buổi sáng mùa hè ở một làng quê thơ mộng (tôi nhấn mạnh, NÐT) tỉnh Vĩnh Long." Theo các lời tôi đã trích dẫn, tất nhiên "mấy anh chàng đá cá lăn dưa" không thuộc "chúng ta", không thuộc "quần chúng", không thuộc "khán thính giả bốn phương".

Hồ Trường An hình như là một người Nam kỳ trăm phần trăm. Ông ta có trí nhớ vượt bực như đã kể, nhưng sao ông ta lại quá ngây thơ về đời sống nông dân ở Nam bộ đến thế? Nhìn chung, toàn bộ "dân ca" viết theo nhạc mới của ta, nếu không lếu láo thì cũng ngụy tạo, lý tưởng hóa và thi vị hóa tối đa nông thôn cho bùi tai "quần chúng" đô thành. Ngày mùa ở thôn quê từ cổ chí kim chưa hề là khúc ca dưới anh trăng vàng, có tiếng hát của trai gái múa ca theo nhịp chày giã gạo. Ở đồng bằng Nam Bộ thì chỉ là nỗi lo và nỗi buồn khôn nguôi của tá điền ngồi chờ chủ điền và tài phiệt tới chia phần, chừa lại cho họ một ít thóc chưa đủ nấu cháo để nuôi thân và nuôi gia đình sống qua ngày, chờ tới ngày lại phải đi vay thêm lúa mượn thêm tiền của chủ điền và Tàu khựa để làm mùa tới. Thóc thì được bọn tài phiệt ở Chợ Lớn hoặc lưu trữ để chi phối giá cả trên thị trường, hoặc gửi ngay đến các nhà máy xay lúa. Có nhiều tá điền nghèo đến đỗi con cái không có tên họ đàng hoàng, không có khai sinh khi họ đem con ra "thế" cho chủ điền để trừ món tiền nợ cũ hầu vay mượn thêm. Nếu tình hình nông thôn đã không như vậy trước 1945 - có thể còn tiếp tục nhưng có phần đỡ hơn sau 1954 với chiến dịch người cày có ruộng, dù nông dân vẫn phải đóng thuế cho cả hai bên, chính quyền và kháng chiến - thì đã không có sự lợi dụng giai cấp bần nông để làm cuộc "cách mạng vô sản" của Hồ Chí Minh.

Theo thiển ý của tôi, Hồ Trường An hình như đã làm một chuyện ngược đời: chửi mắng những cái đáng để suy gẫm; ca tụng những cái lẽ ra cần phải đặt thành vấn đề: cường điệu, kiểu thức hóa - để tránh nói "cải lương hóa" hiểu theo nghĩa xấu - tiếng hát của ca sĩ ta, vì chúng đã làm hỏng nhiều tiếng ca có thể hấp dẫn hơn. Nói cách khác: ca tụng các gia vị đã bị nhiều ca sĩ ta lạm dụng khi nấu nướng một bài ca - bài ca hay bản nhạc là vật liệu chính. Người nghe, hay chí ít là tôi, sẽ thoải mái biết bao nếu ca sĩ ta chỉ hát một cách tự nhiên bình thường, nếu Thái Thanh bớt "dâng hiến tâm tình", nếu Phương Dung bớt "gọi nhạn trong sương", nếu Lệ Thu bớt "khởi phụng đằng giao", nếu Hoàng Oanh bớt "sân trường phượng thắm", nếu Elvis Phương bớt "ngày xanh tuổi hồng", nếu Duy Quang bớt "man mác gió sơ thu", nếu Chế Linh bớt "khua động lòng cổ tháp", nếu Jo Marcel bớt "gấm mượt nhung mềm".

Nhiều ca khúc lãng mạn ướt át của ta - phần lớn các tình khúc của ta nếu không đẫm lệ thắm khăn hồng thì cũng đầy nước mắt mùa thu - qua tiếng ca Duy Quang hay Elvis Phương đã trở thành những cơn mưa xối xả khiến người nghe, hay chí ít là tôi, đâm ngượng không dám nghe hết cả bài. Một thí dụ: "Tiếng hát trên sông Lô" (Phạm Duy) - tiếng ca rất dễ thương của một người "bán hàng rong" trên sông nước (do Phạm Duy vào vai), êm ái chảy xuôi dòng trong một buổi sáng trời quang "sau lúc phong ba"; nhưng than ôi, qua tiếng hát Elvis Phương nó trở thành nức nở nghẹn ngào tê tái rất ư là... "ngày xanh tuổi lệ".

Nguyễn Ngọc Ngạn, người viết lời giới thiệu cho hai cuốn Chân dung, mà cũng là người chủ lễ (MC) các chương trình ca nhạc Thúy Nga thu vào dĩa DVD, đã trích dẫn chính lời Hồ Trường An để thanh minh: "Quyển sách này không nhắm cung cấp tài liệu cho nhà nhạc học. Nó chỉ ghi lại những rung động của tôi đối với những giọng hát trong đó có những ấn tượng, những mường tượng được diễn tả bằng cảm nghĩ có tính cách chủ quan". Nguyễn Ngọc Ngạn viết tiếp: "Vâng! Ðúng như thế! Viết bằng kỷ niệm viết bằng cảm xúc... Chân dung những tiếng hát không phải là những trang biên khảo, những dòng luận án. Nó là cảm nghĩ theo lối ‘đem tâm tình viết lịch sử’, như một người yêu văn nghệ, đứng trong cánh gà trông ra sân khấu, nhìn ngắm nghệ sĩ bằng góc độ mà mình chọn lựa." Tôi rất đồng ý. Tuy nhiên, yêu văn nghệ cái kiểu đó chẳng khác gì cha mẹ nuông chìu con cái. Nếu Hồ Trường An không viết cho nhà nhạc học, thì chí ít ông cũng phải viết cho độc giả và cho thính giả, nhất là những thính giả trẻ có thể đã chào đời ở hải ngoại không biết nhiều về một đất nước đã xa xăm: các "ấn tượng" của Hồ Trường An có thể trở thành những "sử liệu", ảnh hưởng không nhỏ và không tốt đối với giới trẻ sau này.

Tôi không biết "ngài" nào đã sáng chế khẩu hiệu "đem tâm tình viết lịch sử" bộc lộ sự tự mãn tâm đắc ranh ma, nhưng đã được chấp nhận như chân lý để mang ra biện minh cho những cái sai bậy, thậm chí những lời tuyên truyền có chủ đích. Nó cũng tương tợ như khẩu hiệu "viết cho vui vậy mà". Viết cho vui với mục đích để khôi hài, tự nó không có gì đáng trách. Nó minh bạch, khác hẳn với lối viết lươn lẹo mập mờ bọc lớp vỏ hài hước của vài cây bút xuất hiện khá thường xuyên trên vài tờ báo vi tính, thực ra rất nghiêm chỉnh, không chủ tâm khôi hài tí nào cả, nhưng khi bị phanh phui thì làm bộ ngây thơ cười trừ, tuyên bố xuề xòa "viết cho vui vậy mà". Hoặc gian xảo hơn, giả đò khiêm tốn xin lỗi cám ơn người chỉ giáo, nghĩa là vô thưởng vô phạt, để rồi hôm sau lại chứng nào tật nấy tiếp tục... viết tâm tình cho vui. Khác với nhà văn tiểu thuyết, người viết sử luôn luôn phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học khách quan trăm phần trăm, với các quan điểm khác biệt nhau từ mọi phía càng nhiều càng tốt, để đối chứng. Thử nghĩ: nếu ai ai cũng đem tâm tình viết lịch sử thì bỏ mẹ... lịch sử! Tôi đã tán rộng để độc giả suy gẫm. Bây giờ xin trở lại với chủ đề. Tất nhiên Hồ Trường An viết Chân dung chỉ vì yêu những tiếng hát ngày xưa. Ông không có mục tiêu nào khác khi đi tìm thời gian đã mất. Ðiều đó rất minh bạch, tôi thành thật cám ơn ông đã công phu hoàn tất công việc khó khăn đó.

Cuối cùng, điều khôi hài (hay đáng khóc?) là Hồ Trường An đã không trông tiếng hát mà bắt hình dong, mà đã ngắm ca nhi để minh họa (hay để bịa ra?) những tiếng hát li kì. Khai thác màu da của Julie Quang ("Tiếng hát lồng bóng đền Taj Mahal"), của Kim Anh ("Tiếng hát mềm vóc lụa Tô Châu"), nhưng đã nhìn ra chỗ khác với tiếng hát Dalena, một nữ ca sĩ gốc Mỹ hát nhạc Việt ("Tiếng hát huyền thoại"). Khi "bí thư" ta cứ lôi "huyền thoại" hay "thần thoại" ra trám vào chỗ trống là... chắc ăn. Ca sĩ thì hằng hà sa số như sao sa trong rạp hát; chữ nghĩa thơ mộng cái kiểu đó thì chỉ ngần ấy thôi. Nhà văn Hồ Trường An liệu sẽ còn đủ lời lẽ để viết thêm những khẩu hiệu bay bướm mượt mà nữa chăng? Cuối cùng, nếu ta liên kết lời ca tụng của Hồ Trờng An và lời ca tụng của Thụy Khuê [3] dành cho tiêng hát Thái Thanh, chúng ta sẽ được một tiếng hát "dâng hiến tâm tình... lên trời".

Ôi trời, còn tiếng hát nào cho tôi không nhỉ?

Tôi, kẻ chỉ mơ ước được nghe một tiếng ca bình thường, trần tục, đơn giản - như một tiếng rao hàng lẻ loi trong đêm thanh vắng.

© 2008 talawas



[1]"Cô ca sĩ phòng trà Queen Bee", đăng trên Tiền vệ.
[2]Hồ Trường An, Chân dung những tiếng hát 1 và 2, nxb Tân Văn, Ðông Kinh, Nhật Bản, 2001.
[3]Thụy Khuê: "Thái Thanh, tiếng hát lên trời": http://thuykhue.free.fr/stt1/thaithan.html