trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
25.9.2008
Trương Công Khanh
Bàn chuyện ở thì tương lai
 
Thưa ông Trần Văn Tích, được đổi trao suy nghĩ, đào sâu suy tư trong niềm tương kính với ông (chữ của ông), đó chính là hân hạnh của tôi, một người mới chân ướt chân ráo bước vào diễn đàn talawas này. Bài viết của tôi đã chạm vào “mong ước” của ông cũng như chạm vào một cái thì tương lai, có nghĩa rằng sự việc vẫn chưa diễn ra theo mong ước của ông: “Tôi mong dân tộc tôi sớm thoát khỏi sự toàn trị của chủ nghĩa cộng sản”. Từ “mong ước” quyết liệt của ông, tôi liên hệ đến mong ước của riêng tôi thôi: “Tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ”. Chạm vào nó và tranh luận với nó quả thật là quá sớm và rất khó, giống như là bắt bóng trong gương, mò trăng đáy nước vậy. Người ta vẫn thường nói vui “30 chưa phải là Tết”.

Quả thật là “ẩn ngữ”: Con Người (viết hoa) quá khó với tôi, nên nó vẫn còn là một “ẩn ngữ” khó có định nghĩa nào cho thật đầy đủ. Nay ông Trần Văn Tích bảo tôi “cho biết ‘người’ là hạng người hay cá nhân nào”. Có nghĩa rằng tôi phải định danh cho nó. Nhưng nhiều khi nói cho tròn vành cái danh thì lại mất cái nghĩa, nhiều khi đào sâu được vào cái nghĩa thì chỉ có thể tự mình biết, rất khó mà định danh được. Cùng một hoàn cảnh diễn ra mà “người giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Nhưng “nhiều khi muốn hiểu chính mình cũng không phải dễ”, nói như ông Trần Văn Tích rằng đã có triết gia nhắn nhủ lâu lắm rồi. Nhưng mỗi lần nói lại tôi vẫn thấy nó “mới”, nó có ý nghĩa. Cái gì mà cứ sờ, chạm vào nó mà chẳng thấy mới nữa là lúc chán nó rồi, sắp muốn vứt nó đi rồi. Thương ai, yêu người nào cũng thế thôi, cũng phải thấy nó mới thì mới thực sự bền lâu. Hai chữ “con người” dù viết hoa cỡ nào thì nó cũng đã cũ với định nghĩa chung về con người, vì từ khi con người biết mình là con người là lúc con người tách dần mình ra khỏi đời sống con vật. Nhưng tại sao trải qua mấy nghìn năm nay, từ khi có định nghĩa về con người: “một loại động vật cấp cao, có vú…” thì những khám phá “Con Người” với đầy đủ buồn vui, yêu ghét, cao cả thấp hèn vẫn không ngừng diễn ra trong các lĩnh vực cuộc sống từ triết lý, học thuật, thơ ca, hội họa, âm nhạc…

Ông Trần Văn Tích bảo tôi cho biết “người” là hạng người nào hay cá nhân nào quả thật quá khó. Bởi thường thì người ta nghĩ “người” là cái không phải “ta”. Nhưng nói thế thì sẽ có người tranh cãi ngay, nhất là những người làm sáng tác văn học, bởi có người nhìn “người” mà thấy có “ta” và có người nhìn “ta” mà thấy nghĩa có “người” trong đó. Có người bảo “người” và “ta” là tương quan, tương duyên, làm nhân quả cho nhau, cho nên cụ Nguyễn Du đã sáng suốt nói “Trăm năm trong cõi người ta”. Chứ nếu nói “Trăm năm trong cõi con người” thì nó là một câu thơ xoàng dù cụ là đại thi hào của dân tộc. Nếu phải chỉ vào cá nhân nào đó thì thay bằng chỉ vào chính mình với đầy đủ ước mong, yêu ghét, hỉ nộ, ái ố, kiêu mạn, tham lam… Nhưng nếu không “cho biết” thì một số người đọc talawas lại không bằng lòng, hoặc giả nói về con người với những thứ giống nhau như thế thì chẳng khác nói chuyện hoa nở ra hoa. Nói cái gì khác hơn về con người đi, ví dụ như con người “không ai trò chuyện nổi cùng ta” chẳng hạn. Vậy thì lại lạc đề mất.

Thưa ông Trần Văn Tích, nếu nói về “ẩn ngữ”: Con Người thì ngay cả những Con Người được viết hoa rất nhiều như Phật, Chúa thì cũng đã lắm kẻ yêu, nhiều người ghét rồi. Vậy thì phải chỉ ra về con người cá nhân rất có thể sẽ phiến diện, không đầy đủ.

Còn ông Trần Văn Tích bảo tôi cho biết hạng người nào, cũng là quá khó. Nếu cứ “quy” như quy thành phần trong cải cách ruộng đất thì rất dễ đó là “trí, phú, địa, hào” như ông đã nêu ra, hoặc như một số người trên talawas đã nêu: “thân cộng”, “chống cộng”. Tôi thì không xếp “người” vào cái ao tù theo “hạng” kiểu ấy, và tôi cũng không thể “cho biết” nó như thế nào được, vì chỉ nói đến hạng “trí thức” thôi thì đã quá khả năng của biết bao những bậc học giả, học thật, cũng như “hữu học” và “vô học” mà gần đây ông Nguyễn Mai Sơn đã nói trên talawas về việc tranh luận thế nào là “trí thức” rồi.

Có lẽ vì khó thế cho nên với tôi, riêng tôi thôi, nó mới là “ẩn ngữ”, còn ai đó cho rằng nó là “lộ ngữ” hay không phải “ẩn”, “lộ” gì cả thì tôi cũng rất vui mừng nếu được xem lý giải. Còn chữ “đồng bào”, “dân tộc” thì tôi xin không nói vì nó không phải là “ẩn ngữ” trong suy nghĩ của riêng tôi.

Trong bài trước tôi viết, tôi nghĩ có lẽ ông Trần Văn Tích đã “xung đột” với ý này trong mong ước của tôi: “Tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ”. Nhưng ông “xung đột” với chữ đó cũng là phải thôi vì một người chỉ muốn “thay đổi” thậm chí biến mất một chế độ, còn một người chỉ muốn chế độ ấy có một “điều chỉnh lớn”. Con Người với tôi đã là “ẩn ngữ” mà ngôn ngữ còn được họ “dụng tâm” và “thổi hồn” vào đó nữa thì nói sao cho hết được.

Tôi thì không có nhiều vốn từ tiếng Pháp, tiếng Đức như ông Trần Văn Tích để nói với người Việt trên đầy bài viết của mình, nên tôi chỉ chú ý vào chữ “điều chỉnh” vì tôi nghĩ nó phù hợp hơn với từ “thay đổi” trong hoàn cảnh này của Việt Nam. Nhưng mong muốn này cũng vẫn là thì tương lai. Và rất tiếc khi nói về thì tương lai thì lại bị ông Trần Văn Tích quay ngược về quá khứ và kể ra vân vân chuyện từ ông Copernic, Galilée cho đến Nguyễn Biểu, Lục Du, rồi thì Trương Định, Phan Đình Phùng… Nếu nói chuyện “quá khứ” như vậy thì chỉ việc bê Đại Việt sử ký toàn thư ra là sẽ có ngay một diện mạo tương đối cho sự “thay đổi” trong lịch sử Việt Nam vừa gần gũi, vừa dễ hiểu, việc gì phải lôi quá nhiều “điển tích”, “điển cố” của Aleksandr Solzhenitsyn, Lew Walesa, Václav Havel, Nelson Mandela v.v.. ra như thế. Bởi tôi dám chắc rằng chính ông Trần Văn Tích cũng không hiểu hết về họ đâu.

Nếu tôi mà theo dấu chân cái quảng học đa văn (chữ của nhà Phật) của ông mà truy tìm về quá khứ và tìm hiểu hết nhưng tư tưởng, những câu chuyện ấy để bàn về đúng sai thì có lẽ cho đến lúc chết tôi cũng chẳng thể hiểu thêm được một chút “ẩn ngữ” nào nữa từ chính hơi thở của tôi thôi chứ đừng nói đến việc hiểu được phần nào những ẩn ngữ chung quanh ở người thân thiết, ruột thịt của mình.

Tôi tham gia talawas chưa bao lâu, nhưng qua những bài viết của ông Trần Văn Tích, tôi thấy ông mắc một căn bệnh cũng khá trầm trọng đó là ông ưa quy cái một ra cái toàn thể. Đó có phải là phép “diễn dịch” chăng? Nên trong bài viết vừa rồi ông cứ nhắm vào chữ “nếu”, “khi” (thay đổi) cũng là dạng của thì tương lai, và quy sai “mục đích” cho tôi.

Tôi có nói: “Tôi mong Việt Nam có một sự điều chỉnh lớn hơn trong đối nội cũng như đối ngoại, nhưng tôi không mong một sự thay đổi chế độ. Bởi muốn thay đổi một cái gì đó phải nghĩ kỹ lắm, nghĩ nhiều lắm, và không chỉ nghĩ cho mình thôi đâu mà còn phải nghĩ cho người, cho đồng bào, cho tương lai của dân tộc nữa”.

Thế thì cái chuyện “thay đổi” không phải chuyện của tôi mong muốn. Nếu ai mong muốn “thay đổi” thì hãy nghĩ “cho người, cho đồng bào và cho tương lai của dân tộc nữa” chứ đừng nghĩ cho riêng mình, đó là mong muốn của tôi. Hà cớ gì ông Tích lại quy chụp cho tôi và bắt tôi phải “nghĩ”. Điều đó còn quá sức của những người muốn “thay đổi” nó chứ nói gì đến cá nhân tôi. Nếu ông Tích hay lực lượng nào đó muốn “thay đổi” và khi thành tựu được sự thay đổi đó thì hãy nghĩ đến đồng bào, đến tương lai của dân tộc mình, bằng cách làm cho những điều như ông Tích chỉ ra sau đây tốt hơn lên: “sự suy thoái của giáo dục, sự tha hóa của tình người, sự ô nhiễm của môi trường, sự tàn phá rừng già nhiệt đới, sự giấu giếm kết quả thương thuyết về lãnh thổ lãnh hải, sự vay nợ nước ngoài không ai kiểm soát v.v...?”. Nhưng chỉ sợ không tốt hơn họ mà còn tệ hơn Iraq thì không biết phải làm sao. Đối với ông Tích, tôi chúc ông thành công vì ông phát hiện qua báo nhiều điểm yếu của cộng sản như thế chắc ông sẽ giúp xã hội mới được nhiều cái tốt hơn, rực rỡ hơn. Và xin cho cá nhân tôi mong thêm, nếu ông Tích hay ai đó có thể làm thay đổi được chế độ cộng sản thì xin hãy làm sao để người dân bớt ăn thịt đi, nhất là ăn thịt rừng để cân bằng môi trường sinh thái, và đừng thèm thịt chó, thịt lợn quá nhiều cho dù đó là thịt toàn nạc như ở Đức vì biết đâu đến lúc ấy chó, lợn lại mắc chứng điên như bò điên Mỹ bây giờ thì khổ lắm.

Bởi tôi thấy vì câu chuyện thịt heo nạc hay mỡ mà bao quát sự phát triển của cả một quốc gia, thì thú vị gì cho bằng, vì không bao quát được chuyện thịt bò điên nên ở Hàn Quốc mới diễn ra biểu tình chống chính phủ lớn như thế. Qua ông Tích, tôi thấy có lẽ người Đức bị tim mạch nhiều quá, cũng là hậu quả của một thời chén thịt, xơi mỡ ào ào nên mới sợ, mới nghĩ cách cải tiến giống má lợn làm sao cho ra năng suất nhiều nạc ít mỡ. Chuyện này thì Việt Nam đang tiến hành mấy năm nay rồi. Vì bây giờ người Việt béo phì cũng đang gia tăng. Họ cũng phải lo điều chỉnh ăn uống thôi. Nhưng riêng về con gà thì tôi nói với ông rằng gà ta (xin đừng hiểu nhầm “gà” đứng đường vì không ít anh đi Tây về hay sài “gà” này lắm) ở Việt Nam vẫn là số một. Gà ở bên Tây nhập về rẻ ối mà khi ăn còn bở bùng bục. So sánh lại với cái thời thiếu gạo thì có ăn miếng mỡ cũng phải ăn từ từ thôi cho mỡ nó tan chảy trong miệng mà thỏa cái cơn thèm. Nhưng bây giờ thì ai bảo ăn rau quả, ăn rất ít thịt cá là người nghèo. Người giàu sợ chết sớm vì bệnh tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ nên ăn kiêng dữ lắm. Có cả trào lưu ăn chay, ăn kiêng ở Việt Nam đó thưa ông Trần Văn Tích. Thưa ông nói đến chỉ số phát triển thế giới, hiện nay họ còn tiến hành đưa chỉ số hạnh phúc vào nữa. Có như vậy nước nghèo như Butan lại xếp hạng cao hơn nhiều các nước phát triển. Cụ Ôn Như Hầu cũng có nói “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm. Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon”. Hạnh phúc thì nó ngon thôi chứ râu tôm với ruột bầu bây giờ ai ăn cho nổi.

Còn lấy một vài chuyện tiêu cực trong xã hội ở hàng quan chức hay ở lĩnh vực nào đó mà mình nghe nhiều qua báo chí Việt Nam, một cái thứ báo chí được xem là “đi đúng lề” và “công cụ của Đảng”, thì xin thưa ông Trần Văn Tích, phần nào ông đang hiểu về Việt Nam qua chính “công cụ của Đảng”. Nhưng tại sao với cái mớ thông tin “công cụ của Đảng” ấy nói xấu ra cái gì thì ông nạp hết, còn những cái tốt của nó, nghe nhiều không khéo lại hỏng tai, đọc nhiều không khéo lại hỏng mắt phải không ạ. Thế thì có khác gì cái câu người ta châm biếm người cộng sản Việt Nam theo phe chủ nghĩa xã hội khi trước: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”. Và nói cái xấu về tham nhũng hay gì đó trong một quốc gia có khác nào nói chuyện hoa nở ra hoa. Singapore là một nước độc đảng (toàn trị) nhưng có chỉ số minh bạch cao nhất châu Á. Vậy thì không hẳn do cái “toàn trị” mà sinh ra tham nhũng đâu ạ, còn nhiều cái khác nữa, và cái khác nào thì cũng nằm ở con người thôi.

Dĩ nhiên thời cải cách ruộng đất, thời bao cấp ở Việt Nam, những mặt trái trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử của chính nó, không phải là những người chống cộng mới biết đến và đem ra nói đâu. Tôi dám chắc những người thân cộng trên diễn đàn talawas này cũng biết hết cả rồi, không những biết mà còn biết rất rõ đó là những sai lầm nguy hại nữa, nên nếu cứ “biết rồi khổ lắm nói mãi” cái giai điệu tưởng người ta chưa biết ấy sớm muộn cũng phát ngán. Ngay cả một giọng văn thôi, lâu lâu xuất hiện cũng còn đỡ ngán, nếu cứ xuất hiện hoài và lĩnh vực nào cũng nhảy bổ vào thì độc giả cũng ngán như thường.

Nếu nhìn những chuyện tiêu cực cụ thể nào đó mà báo chí nói để tẩy chay một xã hội, thể chế, tôi e là càng nói chuyện với nhau thì càng xa vấn đề mình muốn nói. Mong ước của Phật Thích Ca, của Chúa Giê-su, của Khổng Tử còn không trở thành hiện thực thì ông Hồ Chí Minh, ông Nông Đức Mạnh… cũng không ngoại lệ. Vì nếu mong ước trở thành hiện thực thì hôm nay không có người cộng sản nào sống sót để tôi và ông ngồi giả định quá nhiều ở thì tương lai mà bàn tán đâu. Vì tôi thấy hình như ở diễn đàn này người mong cộng sản biến mất nhiều quá.

Thưa ông Tích, tôi nói: “Mọi suy nghĩ đều có thể rất thừa thãi khi sự việc không hề diễn ra theo trật tự mong muốn của mình...”. Tôi không ngờ đã được ông Tích diễn giải rất “lạ”. Vì sao nó “lạ” vì ông cố tình quên chữ “có thể” của tôi, đó là một khả năng chứ không phải là một hiện thực, vả lại từ suy nghĩ đến khi sự việc diễn ra là một khoảng cách khá lớn, huống gì là diễn ra như trật tự mong muốn. Tuy nhiên, nếu ông Tích muốn nhấn mạnh đến chữ thừa thãi thì có thể lấy một lập luận của ông làm ví dụ:

Ông Tích viết: “Nhà Thờ – thuở bấy giờ cũng độc tài lắm nhưng chẳng đến nỗi toàn trị – từng bắt tội hai ông Copernic và Galilée; sự việc bắt tội đó đương nhiên chẳng hề “diễn ra theo trật tự mong muốn" của hai nhà thiên văn học, vậy phải chăng suy nghĩ của họ rằng trái đất xoay quanh mặt trời là “rất thừa thãi"?”. Thưa ông Tích, tôi có thể hiểu thế này: Copernic và Galilée phát hiện (chứ không phải suy nghĩ) ra trái đất quay chung quanh mặt trời. Cứ nghĩ rằng nhờ phát hiện ấy sẽ chứng minh cho nhà thờ thấy và hiểu ra mà sửa lại Kinh Thánh, ai dè họ kết tội hai ông là ma quỷ và đưa lên giàn hỏa thiêu. Đúng là không diễn ra như trật tự mong muốn của mình. Còn khi bị lên giàn hỏa thiêu: Hai ông vẫn nhất mực không chịu nói ngược với phát kiến của mình dù phải chết, vậy thì đối với hai ông phát hiện ấy không có gì là thừa thãi cả vì nó là chân lý. Nhưng nó lại trở nên thừa thãi với nhà thờ và dân chúng tin theo lời Kinh Thánh, vì không những họ không tin lời hai ông mà họ còn hại chết hai ông nữa. Cùng một sự việc mà bên này coi chuyện đó là thừa thãi còn bên kia thì không, chính vì vậy bất cứ cái gì đều “có thể trở nên rất thừa thãi”. Bỏ chữ “có thể” đi sự việc chỉ còn một vế, có nghĩa rằng không còn tranh luận.

Nhưng diễn giải thì phải nói cho hết nhẽ. Tôi xin ví dụ ngược lại với ông Tích. Nhà thờ không cho phép ai được nói khác Kinh Thánh (trật tự mong muốn) về chuyện “mặt trời quay chung quanh trái đất” bởi đó là “chân lý”. Copernic và Galilée không những không tuân theo mà còn nói khác đi “trái đất quay chung quanh mặt trời” và khẳng định những lời trong Kinh Thánh là phi chân lý và rất thừa thãi. Phát biểu ấy không theo trật tự mong muốn của nhà thờ. Phải chăng với nhà khoa học Copernic và Galilée Kinh Thánh chẳng có giá trị khoa học gì nên nó rất thừa thãi? Tôi xin chờ đợi ý kiến tiếp theo của ông Trần Văn Tích.

Xin talawas cho tôi thưa với ông Đỗ Lam Lĩnh. Đi giữa đường cũng có thể bị tai nạn nhưng với tình trạng “giao thông mạng” loạn như bây giờ thì đi trên lề (phải hay trái) cũng không chắc đã an toàn. Tôi thì nghĩ thế này, “chống cộng mút mùa” nhưng chỉ có võ mồm thôi thì càng tạo ra nhiều kháng thể cho cộng, có nghĩa rằng giúp cho cộng điều chỉnh và tạo ra biến thể mới. Còn “cộng sản mút mùa” thì cũng như “không cộng sản mút mùa” - yên vị. Quan trọng là “chống” hay “không chống” được nói ra một cách rõ ràng như thế nào mà thôi. Nhưng có lẽ không phải vì vậy mà cứ ồn ào ký tên, đăng nhập… là có thể xong mọi chuyện.

Tôi cũng xin thưa thêm với ông Hùng Võ khi tôi nói: “Tôi là một công dân Việt Nam, tôi tự hào về điều đó, chắc cũng chẳng có gì sai”, vì thế tôi mới không mong có một sự thay đổi chế độ mà tôi chỉ mong nó có một sự điều chỉnh lớn. Vì quy trình “tự điều chỉnh” diễn ra trong bản thân mỗi người. Trước khi trông chờ vào sự điều chỉnh lớn, nếu ai cũng có thể tự điều chỉnh mình theo hướng tốt đẹp thì tôi nghĩ, mỗi người sẽ là một ngọn đèn sáng, ai cũng thắp cho ngọn đèn của mình sáng lên thì xã hội có muốn tối cũng tối không được. Không hiểu sao ông Hùng Võ lại có ý so sánh, có thể ông đang uất ức khi phải so sánh câu nói của tôi với một ai đó, nhưng tôi không muốn tranh phần hơn đó với ai cả. Tự hào về điều gì đó thì cần gì phải tranh, chỉ khi nào phủ nhận niềm tự hào của người khác mới phải tranh hơn mà thôi. Ông quy kết lời tôi nói là “vô nghĩa, thậm chí kênh kiệu, rởm đời”, thôi thì cứ cho là “kênh kiệu”, “rởm đời” đi, nhưng “vô nghĩa” thì làm sao ông cắt nghĩa cho nó nhiều như thế này thưa ông: “Người nói ra câu đó có muốn ám chỉ những người Việt Nam khác, đang đối thoại, không hãnh diện, và yêu nước, bằng mình?”. Và ông nói thế thì những người đang đối thoại với tôi cũng đang hãnh diện và yêu nước phải không ạ? Như thế họ cũng đáng bị chửi nhiều hơn tôi phải không ạ, vì tôi chỉ mới “tự hào” thôi còn họ đã trót dại mà “yêu” mất rồi? Tôi xin thưa lại, tôi không muốn tranh cái phần “yêu nước” đó với ai cả. Tôi chỉ tự hào là công dân Việt Nam, cũng như người Mỹ nào đó nói tôi tự hào vì là công dân của thành phố New York. Cũng như tôi tự hào là một người Công giáo, tôi tự hào là một người Phật tử, tôi tự hào là một người cộng sản, tôi tự hào là một người chống cộng sản mút mùa, tôi tự hào vì được làm con của mẹ tôi…

Nói như ông Trần Văn Tích, tôi “vòng vo tam quốc”, nhưng xin độc giả talawas cảm thông đối với bài này vì nó còn dài hơn bài trước nữa. Thú thật, khi viết gần xong nghe tiếng cháu gọi mình một cách trong trẻo, bình yên, trong lòng tôi cảm thấy vui khôn tả, vì trong những suy nghĩ chằng chịt của tranh luận, cháu tôi đã cho tôi trở về với thực tại của chính mình, không bị cuốn vào việc bàn chuyện ở thì tương lai nữa.

© 2008 talawas