trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
4.7.2007
Nguyễn Võ Nghiêm Minh
Tính biểu tượng là quan trọng với một cuốn phim
Châu Quang Phước thực hiện
 
Trở về nước dự chương trình “Phim Việt Nam được hỗ trợ bởi Quỹ Fonds Sud” tổ chức tại Viện Trao đổi Văn hoá với Pháp/ IDECAF (TPHCM), rồi tiếp nhận từng ý kiến của khán giả trao đổi với mình sau mỗi buổi chiếu Mùa len trâu, có vẻ như Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn còn giữ được nguyên vẹn niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ vừa thực hiện xong tác phẩm đầu tay của mình. Tại một quán café trong “khu phố Tây ba-lô” của con đường Bùi Viện, gần khách sạn anh đang ở, Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dành cho phóng viên Thế giới điện ảnh một buổi nói chuyện thân mật. Bởi anh vốn không thật sự thích sự ồn ã, theo kiểu một cuộc phỏng vấn. Quy ước với nhau như thế, người đàn ông của Mùa len trâu thấy thoải mái hơn, không phải e dè giữ khoảng cách nữa. Tuy vậy, rất dễ dàng nhận thấy, điện ảnh với Nguyễn Võ Nghiêm Minh là một “vùng đất thiêng”, hoàn toàn không có sự tạp nham vô cớ xuất hiện. Và cuộc trò chuyện sau đây, thật ra cũng chỉ là một phần rất nhỏ được ghi lại, xoay quanh việc làm phim và quan niệm làm nghề của anh.

Châu Quang Phước: Được biết anh đã có cuộc thuyết trình đặc biệt tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), qua chuyên đề “Làm phim với kinh phí thấp”. Và có vẻ như Mùa len trâu là bằng chứng thuyết phục nhất (tổng kinh phí thực hiện khoảng trên dưới một triệu USD). Vậy anh có thể cho biết từ đâu có buổi thuyết trình này, và phải chăng đây là một hiện tượng lạ lẫm đối với đa phần các phim ở Mĩ, ngay cả đối với các phim thuộc dòng phim độc lập (independent film)?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Tôi được mời về trường UCLA qua chương trình Extension để dạy lớp học đặc biệt này, đơn giản là vì tôi đã từng theo học về ngành đạo diễn điện ảnh ở tại đó (Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng từng bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lí thực nghiệm, tại UCLA trước đó - PV). Nhà trường qua đó một mặt ghi nhận và biểu dương thành tích cựu sinh viên của trường, mặt khác cũng muốn khuếch trương thêm thanh thế đó mà. Điều buồn cười là cạnh bên UCLA lại là Hollywood, phim của họ thì bạn biết rồi, đa phần kinh phí làm phim rất cao, ngoài trăm triệu USD cũng là chuyện thường tình. Trong lớp học này có một sinh viên là người Việt Nam, hiện cũng đang làm việc cho một trong những studio lớn nhất ở Hollywood. Tuy vậy, trong giới làm phim độc lập ở Mĩ mà tôi biết, chuyện làm phim gói ghém trong khoảng chừng mấy chục ngàn USD trở lại cũng có rất nhiều. Ở Mĩ chính phủ không có các tổ chức hỗ trợ cho việc làm phim của những người làm phim đầu tay, hay các phim mang tính thể nghiệm hoặc các phim thuộc dòng phim độc lập. Không phải như châu Âu, có rất nhiều nguồn Quỹ hỗ trợ nhiều công đoạn khác nhau cho việc làm phim. Trong các quỹ này có những quỹ không rót tiền trực tiếp, chỉ tài trợ theo kiểu giúp hoàn thành các khâu tiền kì và đặc biệt là hậu kì phim (chỉnh âm, chỉnh màu…) theo ngân khoản tương đương. Mùa Len Trâu cũng đã được Quỹ Fonds Sud của Bộ Ngoại giao Pháp hỗ trợ theo cách thức như vậy đấy!

Châu Quang Phước: Việc Mùa len trâu được hãng phim Novak (Bỉ), 3B Productions (Pháp) và Hãng phim Giải phóng (Việt Nam) hợp tác sản xuất, ngoài những thuận lợi về nguồn vốn đầu tư và phương tiện kĩ thuật để làm phim, anh có phải chịu những điều khoản ràng buộc chồng chéo theo kiểu “lợi bất cập hại” không?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Phim này còn có sự đầu tư từ các hãng phim ở Mĩ, Canada và Úc nữa. Nhưng vì mấy hãng phim mà bạn vừa đề cập chính là những hãng phim quan trọng nhất, nên được hưởng những quyền lợi ưu tiên về mặt quảng cáo hay phát hành. Thực ra Hãng phim Giải phóng không có phần hùn vốn nhiều với phim, nhưng vẫn được để tên vì góp công nhiều trong việc sản xuất. Nếu phim thành công, hãng phim cũng được hưởng vinh dự chung. Hơn nữa tôi là người Việt Nam, cũng muốn điều mình làm trước tiên phải dành cho người mình. Còn chuyện có quá nhiều nước hợp tác, thuận lợi thì hẳn nhiên, nhưng khó khăn cũng lắm! Vì luật pháp mỗi nước mỗi khác mà, rồi những hãng phim khác nhau cũng có những yêu cầu đòi hỏi khác nhau nữa. Thành ra Mùa len trâu phải mất khoảng 3 năm thương thảo hợp đồng giữa các bên liên quan, khi tất cả đã giải quyết ổn thoả rồi mới tiến hành bấm máy được. Trong khi đó, thời gian chuẩn bị thực địa chỉ là 6 tháng, còn ghi hình phim cũng mất khoảng gần 10 tuần lễ thôi. Nếu tính từ khi tôi viết xong kịch bản đến lúc phim quay xong là hơn 6 năm.

Châu Quang Phước:Thống kê cho thấy, phim Mùa len trâu đã tham dự hơn 70 Liên hoan Phim quốc tế, trên 60 vùng lãnh thổ, và cũng đã đạt được 11 giải thưởng chính thức. Tuy nhiên ở tại chính quốc là Việt Nam, phim này đa phần vẫn chỉ được công chúng hâm mộ biết đến qua dĩa DVD sao chép, bày bán ngoài thị trường. Thẳng thắn mà nói, về mặt phát hành thì đây là một thất bại. Anh có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Việc phát hành ở Việt Nam đúng là một thất bại nặng nề! Trong khi đó việc phát hành ở bên ngoài Việt Nam lại là một thành công đáng kể. Và Mùa len trâu đã bán bản quyền phát hành (presales) cho nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trước cả khi phim bấm máy. Riêng tại Việt Nam, quyền phát hành thuộc về Hãng phim Giải phóng, nên chúng tôi không thể can thiệp được. Tôi còn nhớ, vào thời điểm phim công chiếu tại Việt Nam, có những người thân của diễn viên hoặc bạn bè thân của tôi rất muốn xem phim này. Tuy nhiên, họ không tìm được thông tin gì về lịch chiếu của phim ở các rạp cả, khi đến rạp thì phim đã ngưng chiếu rồi! Điều này là do Hãng phim Giải Phóng gần như không có kế hoạch quảng cáo và tiếp thị nào, tung phim ra các hệ thống rạp một cách rất âm thầm. Đấy là lỗi lớn nhất của Mùa len trâu tại Việt Nam, vì làm phim mà không hề tính toán gì đến kế hoạch phát hành! Là người làm phim, nhìn thấy tình cảnh “đứa con tinh thần” của mình bị đối xử thảm thương như vậy, tôi thấy rất ngậm ngùi và đau lòng lắm. Nhất là nó lại xảy ra ngay trên lãnh thổ nhà của phim. Nhưng đành chịu. Về chuyện DVD sao chép “lậu”, nó là một vấn đề khá đau đầu cho các nhà sản xuất. Nó là điều không ai muốn, khi làm phim. Nhưng dù sao, ở một hình thái nào đó, nó cũng mang lại một kết quả tốt: nhiều bà con người Việt mình sẽ có cơ hội xem được phim. Đó cũng là điều mà tôi mong muốn nhất, khi bắt tay làm phim này. Nói về chuyện phát hành phim bằng DVD, tôi cũng rất ưu tư, làm sao thực hiện được những DVD giá thành hạ thấp thật thấp, nói chung là giá rẻ để phim đến được với đại chúng ở Việt Nam mình. Theo tôi được biết, cũng có nhiều phim ở Mĩ và các nước khác, phim không nhất thiết phải và chỉ “ra rạp” mà còn có thể đi thẳng đến thị trường DVD. Mục đích cuối cùng là phim tiếp cận được với người xem theo cách nhanh nhất.

Châu Quang Phước: Khi Mùa len trâu trình chiếu ở chương trình “Phim Việt Nam được hỗ trợ bởi Quỹ Fonds Sud” tại khán phòng IDECAF (TPHCM) vừa qua, trong buổi giao lưu giữa người làm phim và khán giả, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có nhận xét nhân vật nam chính trong phim là Kìm đã lạm dụng tiếng chửi thề khi xuất hiện trên phim, rồi việc nhân vật này đái vào ngôi miếu hoang (thờ Thuỷ Thần)… là những việc không thể chấp nhận. Và càng không đúng với bối cảnh xã hội thời đó (khoảng những năm trước Thế Chiến thứ Hai), về cách hành xử của người Việt xưa. Anh nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Tôi xin được trích lời nhà văn lão thành Sơn Nam nha, người đã sinh trưởng và lớn lên tại Cà Mau, cũng là tác giả của tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau - gợi ý và tạo cảm hứng để tôi viết kịch bản phim Mùa len trâu này (Nguyễn Võ Nghiêm Minh mở laptop, tìm trong tài liệu lưu trữ từ báo Tuổi trẻĐiện ảnh thành phố, về lời phát biểu của nhà văn Sơn Nam sau buổi chiếu ra mắt phim tại Sài Gòn vào ngày 2.6.2005- PV): “… Hồn cốt trong truyện của tôi vẫn được giữ lại trên phim, chẳng hạn như tình người và lòng nhân hậu. Tôi viết cuốn truyện này đã gần 50 năm rồi, nhưng không ai làm phim… Tôi thấy rất hãnh diện. Tôi coi như đã trả được cái nợ tinh thần với đồng bào đồng bằng sông Cửu Long quê tôi. Và tôi cũng hi vọng bộ phim được chiếu nhiều ở dưới đồng bằng, được in ra video để bán cho bà con thưởng thức xứ mình trên phim…”. “…Phim này nói được tâm tư của tôi… Đối với dân tộc mình, phim này như một trắc nghiệm tình yêu của dân tộc… Hai diễn viên chính chọn rất đúng, diễn ra vai… Âm thanh thu thật tại chỗ, nhất là âm nhạc có hồn lắm… Phim đã làm cho người xem cảm nhận rõ hơn con người đất nước Việt Nam hồi đầu thế kỉ trước, thật cảm động!...”. Nhưng dù thế nào đi nữa, Mùa len trâu cũng chỉ là một cuốn phim truyện với một câu chuyện nhiều tính hư cấu. Nó không phải là một cuốn phim tài liệu, nên không cần thiết phải thật quá đúng với sự thật lịch sử của vùng miền nơi đó! Theo nhà văn Sơn Nam, tập Hương rừng Cà Mau cũng là một tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Cái quan trọng là khả năng dựa trên sự thật theo kiểu hiện thực bề mặt để khám phá một sự thật khác luôn ẩn tàng bên dưới nó. Và sự thật khác đó là ẩn dụ về nước của phim. Nước trong Mùa len trâu trở thành một biểu tượng về tính đối kháng và hoà nhập, giữa sự sống và cái chết. Câu chuyện phim chỉ là cái cớ để tôi xây dựng biểu tượng nước, và tôi nghĩ điều này rất là quan trọng trong một cuốn phim, nó là tất cả những ngụ ý đàng sau hình ảnh và âm thanh của phim. Ẩn dụ về nước là động lực chính để tôi đeo đuổi việc thực hiện cuốn phim này.

Trong ảnh, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (bên phải, áo trắng) cùng đoàn làm phim.
Châu Quang Phước:Trước khi hoàn thành phim dài Mùa len trâu này, hình như anh chỉ có vốn “lận lưng” là một phim ngắn tham gia trình chiếu tại ViFF lần thứ nhất năm 2003 (Crimson Wings [Cánh thắm]/ 15 phút/ 35 mm). Vậy lúc đó điều gì khiến anh tự tin nghĩ rằng mình có thể làm bộ phim Mùa len trâu thật tốt đẹp như ý?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh (cười): Thật ra Crimson Wings đã được chiếu trong nhiều liên hoan phim ở châu Âu và Mĩ, rồi trên 2 kênh truyền hình quốc gia ở Mĩ. Ngoài phim ngắn bạn vừa nhắc, tôi còn một phim tài liệu ngắn khác nữa. Nhưng tất nhiên không gì có thể thay thế được phim dài (feature). Còn thì với phim dài đầu tay, phải vừa làm vừa học thôi. Lúc đó đam mê làm phim quá thì có cơ hội là làm đại, cũng không quá lo nghĩ gì đến chuyện sợ này sợ nọ đâu! Với lại, tôi vẫn nghĩ, phải làm mới biết. Cái đáng quan tâm là mình có tìm ra và giữ được phong cách kể chuyện của mình không, để phim theo một phương thức nhất quán về cả diễn xuất, hình ảnh, âm thanh và cả nhạc xuyên suốt cả tác phẩm.

Châu Quang Phước: Anh có thể tiết lộ một chút về phim sắp làm của mình?

Nguyễn Võ Nghiêm Minh: Tôi có khoảng hai, ba dự án phim nữa muốn thực hiện tiếp tại Việt Nam. Và cũng sẽ hợp tác với các hãng phim trong nước. Vấn đề là tìm nguồn tài trợ làm phim cũng không phải dễ dàng gì, nên không muốn “nói trước, bước không qua” rồi mang tiếng là “nổ”! (cười to)

Châu Quang Phước: Cảm ơn anh. Chúc anh luôn giữ vững được phong độ trong những dự án phim kế tiếp của mình!
Nguồn: Thế giá»›i Ä‘iện ảnh, số 13, 1.6.2007